Ở một vài địa phương, nhà báo còn bị đe dọa cả cuộc sống nếu dám nêu đích danh một quan tham nào đó trong bài viết của mình. Trong rất nhiều trường hợp nhà báo bị hành hung, bị đánh đập vì không tuân theo quy luật bất thành văn này.
Ở một vế khác, nhà báo còn phải đối phó với nhà nước, đơn vị chủ quản của mình và ngay chính cái cơ quan mà họ đụng tới. Nhiều vụ ở tù đã xảy ra với những nhà báo gai góc dám công khai các vụ hối lộ lớn nhưng chẳng may đụng tới một hệ thống chằng chịt với nhau vì quyền lợi.
Không chịu nổi cảnh bất công xã hội, hay các hành động xem thường dư luận của các cán bộ cao cấp diễn ra nhan nhãn hàng ngày, một ít người viết báo đem những đề tài nhạy cảm này post lên trang blog của mình như cách thức chống lại sự kiểm duyệt của Tổng biên tập và sâu xa hơn, chống lại Bộ Thông tin và Truyền Thông của nhà nước, nơi canh giữ báo chí như canh giữ con ngươi của chế độ.
Trang blog của Huy Đức, Trương Duy Nhất, Quê Choa, Phạm Viết Đào, Trang Hạ….là những trang nổi tiếng của Việt Nam, có hình thức của một tờ báo với chỉ một người điều hành. Các trang blog này đa dạng và đầy thông tin đến nỗi báo chí lề phải ngày càng tụt hậu không cách nào theo kịp. Người xem blog ngày càng nhiều hơn người xem báo là một sự thật và nhà nước lúng túng trước hiện tượng này nhưng không biết làm cách nào đối phó.
Một nhà báo nổi tiếng trên trang blog nhưng phải viết bài cho một tờ báo lề phải để kiếm sống với ngôn ngữ và đề tài nhạt nhẽo thì cách duy nhất thoát ra chiếc vòng kim cô này là bỏ báo để viết blog. Kết quả chắc chắn là sẽ tránh được sự khắc khoải lương tâm nhưng đổi lại là túng quẩn và thiếu thốn. Vượt qua được rào cản này không phải là chuyện dễ làm nhất là tấm thẻ báo chí luôn luôn là mơ ước của nhiều người.
Nghỉ làm báo để viết được những điều mình cần viết
Tuy nhiên có một nhà báo đã vượt qua được rào cản vô hình nhưng chắc chắn này, đó là nhà báo Trương Duy Nhất, chủ nhân trang blog Trương Duy Nhất với câu slogan ấn tượng: “Có thể không mới, chưa hẳn đã hay, nhưng là một góc nhìn khác!”
Trong một entry mới nhất anh viết: Trong thời buổi bạn đọc tẩy chay báo, chính người làm báo cũng không thèm đọc báo, mọi giới mọi ngành mọi người mọi nhà, từ gã thường dân đến quan chức hàng nguyên thủ, trung ương ủy viên... ai nấy đều quay sang đọc blog đến nghẽn mạng- Thế thì tại sao lại không nói không với báo, nghỉ làm báo để viết blog?
Tuy không được gọi là nhà báo kỳ cựu nhưng Trương Duy Nhất khó thể xem là một nhà báo bình thường. Anh nổi tiếng với những bài viết trực diện, nêu bật lên cái bóng tối đè nén lên trên từng số phận và anh buộc người trong cuộc phải lên tiếng nếu không muốn độc giả của anh lên tiếng.
Trương Duy Nhất viết báo và viết blog song song với nhau và dĩ nhiên anh không thể hài lòng khi phải viết ở cả hai nơi. Trang blog Trương Duy Nhất là khuôn mặt thật của anh, rắn rỏi, mạnh mẽ và không biết thỏa hiệp… trong khi đó những bài viết trên báo Công An Quảng Nam Đà Nẵng và Đại Đoàn Kết cứ nhàn nhạt và chìm khuất giữa đống bài vở bộn bề của hơn 700 tờ báo.
Cảm giác mà người nghe tin Trương Duy Nhất bỏ báo để viết blog là nghĩ rằng trang blog của Trương Duy Nhất bị hacker tấn công như đã từng làm trước đây. Nhà báo Trương Duy Nhất chính thức xác nhận tin đăng trên trang blog của anh. Khi được hỏi cảm tưởng của mình về quyết định khá khó khăn này anh nói:
“Tất nhiên là có nhiều cái trăn trở chứ nhưng mà khi tôi quyết định có thể nói nhiều người không tin đâu. Tôi chuẩn bị điều này lâu lắm rồi vì vậy tôi rất nhẹ người chứ không có gì nặng nề lắm đâu.Quan điểm của tôi là thế này, tôi là người sinh ra với nghề cầm bút, nghề viết nên tôi muốn mình phải viết được điều gì cần phải viết. Thí dụ như câu chuyện thảm sát Mỹ Lai. Tôi nhận được tin từ một bạn đọc mà nước mắt tôi chảy. Tại sao một vụ việc như thế mà trên 700 tờ báo mà không có một tờ báo nào nêu. Vụ việc quá hay nó thành một sự kiện quá nóng như thế mà không tờ báo nào dám đăng? Chỉ có trang blog của Trương Duy Nhất là viết thôi. Tôi rất lạ lùng vì sự việc này là sự việc thông tin của báo chí mà tại sao báo chí lại không nêu?
Tôi mấy chục năm làm báo rồi có tới sáu thẻ nhà báo rồi. Tất nhiên khi nghỉ một cái nghề mà mình theo quá lâu như vậy thì cũng băn khoăn nhưng nặng nề thì không, bởi vì tôi chuẩn bị kỹ cho nó rồi.
Tôi đã làm cho báo Công An Quảng Nam Đà Nẵng 8 năm. Tôi đi làm báo từ năm 1987 đến 31 tháng 12 năm 1994. Năm 1995 báo Đại Đoàn Kết mời tôi về làm phái viên thường trú tại miền Trung, từ đó đến nay chỉ hai tờ thôi. Con người Trương Duy Nhất cũng khá chung thủy không như nhiều bạn bè chạy đi chạy lại như cầu thủ bóng đá.
Tôi quan niệm làm báo bây giờ phải như cầu thủ tức là phải chuyên nghiệp.
Trong nhiều năm liền, với chức phận là một nhà báo ăn lương, tôi luôn phải viết cả những điều không muốn viết. Ừ thì cũng như muôn vàn nhà báo khác thế thôi. Đó là những bài báo viết không cần suy nghĩ, không động não, không tư duy, viết khoán cho đủ chỉ tiêu bài vở nhận lương hàng tháng. Những bài báo vô thưởng vô phạt mà tự thân mình phải xấu hổ khi núp dưới bút danh khác.
Nhưng: làm báo chả lẽ mãi như vậy? Trên trang blog của mình, tôi đã nhiều lần treo câu này “Nếu không có quyền nói (viết) tất cả những điều mình muốn, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói". Đó là câu của cụ Huỳnh Thúc Kháng, người sáng lập đồng thời là chủ nhiệm tờ báo Tiếng Dân, sau này cụ được Hồ Chí Minh cử làm quyền Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Tôi đã chọn cách của cụ Huỳnh trong nhiều năm khi giữ cho mình cái quyền “không nói (viết) những điều người ta ép buộc nói”. Nhưng đã đến lúc tôi chọn phương cách khác, lắc đầu nói không với cụ Huỳnh: Nếu không có quyền nói (viết) tất cả những điều mình muốn, thì... nghỉ làm báo để viết được những điều mình cần viết!”
Trang blog “Một góc nhìn khác”
Hơn hai trăm bài viết về mọi đề tài trên trang blog của Trương Duy Nhất không phải là ít công sức và tư duy. Mà đề tài nào anh chọn cũng gay cấn và gai góc. Một câu nói hay cách hành xử của lãnh tụ trệch với thông lệ hay cái cử chỉ khiếm nhã của một ông bí thư bị cô gái hầu bàn tát thẳng vào mặt đã làm cho trang blog Trương Duy Nhất rúng động vì lượt người vào thăm.
Trương Duy Nhất săm soi một tin tức mà người khác khi nghe sẽ không dấu được vui mừng. Anh tìm cho ra cái mặt trái của cái tin được gọi là vui đó. Anh viết:
Trong khi báo chí tỏ ra hồ hởi trước kết quả về chỉ số niềm tin “nhất thế giới” của người Việt, tôi lại nhìn đó là một nỗi lo. Nỗi lo về cái bản tính tiếp nhận các hiện tượng, sự thể và cuộc sống một cách rất dễ dãi theo cảm tính, hiếm khi biết lật ngược lại vấn đề, dễ chấp nhận, dễ hòa nhập, dễ bằng lòng với thực tại mà ít đòi hỏi quyết liệt cho những thay chuyển lớn.Tôi thích câu này của Vương Trí Nhàn: Đọc những nhà văn lớn ở nước ngoài, thấy rõ người ta định lớn- người ta muốn cạnh tranh cả với Chúa! Các nhà văn Việt Nam khác. Từ Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân tới Xuân Diệu, Tô Hoài..., luôn luôn chỉ có cái ao ước là tìm ra một chỗ đứng trong đời sống, len lỏi để có thể bám trụ được, từ đó nhìn ra với nụ cười hể hả: ta không chết...!
Xã hội Việt, nhìn từ đó mà ra! Một đất nước, một dân tộc mà chỉ số lòng tin trong dân chúng luôn ở mức hài lòng, dễ dàng chấp thuận thực tại thì đó là một dân tộc không có khao khát lớn. Nhìn ở nghĩa đó, cái chỉ số niềm tin kia là đáng lo chứ không phải đáng mừng!
Khi một clip quay cảnh công an có những hành vi khiếm nhã khi bắt gái mại dâm trần truồng rồi quay phim gọi là điều tra thì Trương Duy Nhất viết câu chuyện đăng trong mục ngụ ngôn trên trang blog của anh diễn tả một đôi chó mắc lẹo như ý thức chống lại điều mà anh cho là đáng xấu hổ này. Bài viết có tên Không Gian Lẹo:
Cặp tình nhân chó mắc lẹo góc phố. Mấy ả vịt gà xoẹt ngang thẹn thùng dang cánh lên che mặt. Anh chó láng giềng cũng ra chiều xấu hổ, xoay đít ra phố, mắt nhắm nghiền gác mõm vào tường.
Đám ruồi nhặng vốn vo ve bám đầy nơi gốc cây vỉa hè cũng đột nhiên bay biến. Dường như chúng không muốn làm vấy bẩn cái... không gian lẹo tình của chó.
Bên kia đường, một gã điên ló cái đầu núp sau bụi cây, ưỡn người cong rạp xuống mặt đường dòm trộm vẻ thích thú. Thỉnh thoảng lão cười rú lên một tràng khiến cặp tình nhân chó giật bắn mình.
Mấy đứa trẻ, tay cắp cặp, cổ đeo khăn quàng đỏ lướt qua. Một, hai, ba rồi cả đám dừng lại, vốc đá ném đôi chó mắc lẹo rồi... bỏ chạy.
Con chó cái quay mặt cúi gằm vào đít anh chàng. Hình như nó khóc. Thằng chó đực phe phẩy cái đuôi như an ủi, rồi tức khí lao theo gã tâm thần cùng đám trẻ.
Vẫn dính lẹo, vừa kéo xềnh xệch nhau, vừa lao theo, nghếch mõm lên sủa: đồ.... con.... người!
Đọc xong bài viết chắc không ít người sẽ mỉm cười nhưng sau cái nụ cười ấy là gì? Có phải sự xấu hổ tràn đến thấm thía nỗi đau thay cho những viên chức tự hào đang duyệt xét và bảo vệ thuần phong mỹ tục bằng các động tác thiếu văn hóa và mất thuần phong nhất.
Hầu như tất cả mọi người đều đồng ý rằng trong xã hội Việt Nam hiện nay nỗi sợ hãi đang bao trùm lên mọi lãnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực được xem là nhạy cảm.
Giới báo chí tiên phong mang nỗi sợ của họ vào tận từng nhà người đọc báo khiến dân chúng có cảm giác rằng họ đang sống trên một cù lao mà thông tin bị cô lập ngay trước sân nhà của mình. Trương Duy Nhất nhận xét về điều này qua bài viết có tựa “Tự bó đầu mình”:
Không biết tự bao giờ và vì sao, người Việt hay có thói quen tự bó đầu mình. Nhiều chuyện chả ai cấm đoán cả, nhưng tự mình cứ ngăn cấm mình, ngăn cấm cả trong suy nghĩ, chứ chưa nói đến việc viết hay làm.Báo chí cũng vậy. Nhà báo/blogger Phan Văn Tú có một câu nghe khá ... chua: “Trong đầu thằng nhà báo Việt nào hình như cũng có một cái kéo. Nó tự cắt nó trước khi bị cắt”.
Không ít, nếu không muốn nói là đại đa số người Việt đã nhiễm nếp tự đóng khung, tự khoanh vùng, tự cấm đoán, tự biên tập, tự cột nhốt chính những suy nghĩ trong đầu. Họ tự cấm mình trước khi chính quyền cấm. Tự cấm cả những điều chả ai cấm cả.
Cái nỗi sợ, sống trong sợ hãi, nhìn đâu cũng sợ, nhìn đâu cũng ra “nhạy cảm” và thói tự trói đầu mình với một người chả sao, nhưng một khi nó đã nhiễm thành số đông, thành thói tính của cả một thế hệ, cả một... dân tộc, thì quả thực nguy nan!
Trương Duy Nhất chẳng những có cái nhìn nhạy bén về các vấn đề xã hội mà đôi mắt anh hình như được trời sinh ra để ghi nhận cái xấu, cái hài hước và đôi khi lố bịch. Hình ảnh các viên chức cao cấp nhất trong chính phủ ngồi họp thì ai cũng thấy, nhưng phát hiện ra họ ngồi trước máy vi tính và không hề dám đụng tới phương tiện thông dụng nhưng hiện đại này thì chỉ có Nhất mới thấy, mới bật ra những câu chữ như sau:
Nếu ai theo dõi các cuộc họp của Chính phủ dạo này sẽ thấy chình ình trước mặt từ Thủ tướng đến tất cả mọi thành viên mỗi người một cái laptop rất to hiệu Sony Vaio (nhìn ảnh chắc là loại xịn).
Có lẽ, đây là dấu hiệu nhìn rõ nhất, cụ thể nhất cho khái niệm “Chính phủ điện tử” lâu nay đang hô hào và dốc tâm xây dựng.
Nhưng nếu chịu khó quan sát tí, sẽ thấy nhiều chuyện khôi hài. Bắt đầu cuộc họp, tất tật laptop đã được bật sẵn. Và dường như suốt phiên họp, từ Thủ tướng đến mọi thành viên, chả ai quan tâm đoái hoài đến cái màn hình laptop trước mặt. Còn cái bàn phím thì càng tất nhiên là không, ít thấy ai đụng vào, dù chỉ một lần. Đa phần vẫn cắm cúi, chúi vào mấy tập tài liệu dày cộp trên bàn. Thi thoảng đến phiên phát biểu, vẫn thấy các vị cầm đọc những tờ giấy chuẩn bị sẵn.
Vì thế, nhìn dòng logo sát ngay dưới hình Quốc huy trên những cái laptop kia, cứ nghĩ Chính phủ đang làm công tác… quảng cáo, tiếp thị cho nhãn hàng Sony Vaio.
Ngày càng có nhiều người tỏ ra nghi ngờ phẩm chất của đảng viên, những người khi nhận được thẻ đảng sẽ xem nó như phương tiện làm ăn, luồn lách, mua chuộc hay tệ hơn đổi chác hay ngã giá. Những người được gọi là đảng viên ấy ngày hôm nay giàu có vượt mức và tư cách của họ đánh đồng với những cụm từ len lỏi, bon chen tìm chức tìm quyền. Trần trụi và công khai giữa xã hội đến nỗi họ bị nhiều người khinh bỉ mà không nói ra. Trương Duy Nhất cũng khinh bỉ nhưng anh lại nói, nói to lên cho những đảng viên biến chất này tỉnh ngộ trong vở kịch không hồi kết thúc:
“Nếu bây giờ còn sống, chắc chắn ba sẽ hỏi câu này:
Sao mày chưa đảng?
Nhưng tin ba sẽ cười khi nghe con nói:
Ngoài đảng nhưng còn tốt hơn khối thằng trong đảng
Bởi có nhiều đứa đảng viên con phải gọi là thằng.”
Không có thẻ đảng Trương Duy Nhất bỏ thẻ báo chí. Anh bỏ một phương tiện đã giúp gia đình anh sống còn trong cuộc đời trong khi nhiều người mơ ước có tấm thẻ như anh mà không được.
Rồi ra, mai này khi trang blog của anh bị hacker tấn công như đã từng làm nhiều lần từ các thế lực đen tối đánh sập, người ta không hiểu Trương Duy Nhất sẽ tiếp tục bỏ cái gì nữa khi cuộc sống không có nhiều thứ quý giá như trang blog của anh, trang blog được hàng triệu người yêu mến và gắn bó.
Gửi ý kiến của bạn