Trong thời gian làn sóng vượt biên tìm tự do của người Việt lên cao, HongKong chính là nơi có số thuyền nhân Việt Nam đông nhất. Họ đã được chính quyền bản xứ đối xử ra sao? Cuộc sống của họ trong các trại tị nạn như thế nào?Trong một chương trình trước, quí vị đã nghe một số người đã từng ở các trại tị nạn kể về đời sống của thuyền nhân trong thời gian trước và sau ngày đóng cửa.
Kỳ này, mời qúi vị nghe tiếp câu chuyện về đời sống thuyền nhân ở Hongkong, nơi mà đa số thuyền nhân là người miền Bắc. Cũng chính nơi đây, đã xảy ra rất nhiều thảm cảnh cũng chỉ vì sự bất đồng chính kiến.
Tải xuống để nghe
Bên trong các trại cấm
Do sự cố tình làm ngơ của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, của chính quyền Hồng Kong, đã gây ra những cái chết đau thương của thuyền nhân Việt Nam và thậm chí, đến bây giờ, có người vẫn còn đang bị giam tù nơi miền đất ấy.
Sơ Christine Trương Mỹ Hạnh, thuộc dòng Chúa Chiên Lành, hiện là Giám Đốc Trung Tâm Phục Vụ Thanh Thiếu Niên và Gia Đình ở Atlanta, bang Georgia, Hoa Kỳ, người từng có mặt ở Hồng Kông để giúp các thuyền nhân Việt Nam ngay từ năm 1976 cho hay:
“Trại Hồng Kông bắt đầu từ năm 1976 vì có một số người đến đó, các nước cho định cư rất nhanh.
Đến năm 1979, thì chiếc tàu Cardilac, đi từ Nha Trang, Đà Nẵng, đa số là người Hoa, khi họ tới Hồng Kông thì chính phủ Hongkong không cho vào, họ phải chờ ở đó đến 4 tháng sau, và có một người cắt dây và chiếc tàu nặng tới 3.000 tấn từ từ chìm, chính phủ Hongkong mới mở cửa và bắt đầu cho phép người ta vào Caolun, và thành lập trại từ đó.
Nhưng sau 3 năm thì họ thấy nuôi những người này quá tốn kém và họ cho ra để đi làm.
Cũng trong thời gian này, chưa có luật lệ chặt chẽ, nên đã có những cuộc xô xát xảy ra giữa người Bắc và người Nam. Trong số đó, có những người đã chết chỉ vì cãi vã nhau.
Đến năm 1982 thì chính thức trại cấm bắt đầu. Lúc đó, chính phủ Hongkong không muốn cho người Việt Nam đến Hongkong nữa. Nhưng, người ta đến càng ngày càng đông, đến độ không có chỗ chưá và chính phủ phải mở tất cả nhà tù ra và luật của trại cấm là áp dụng giống như trại tù của Hongkong.
Mỗi ngày ăn hai bữa, người tị nạn không có tên, mà chỉ có số… Và những người tị nạn phải dồn ép sống chung với nhau. 3 người ngủ chung một giường, một giường có 3 tầng, sống trong những khu nhà tôn, rất nóng. Chung quanh là kẽm gai.
Buổi sáng, khi họ đánh thức dậy là người tị nạn phải dậy hết và hai tay để sau đầu. Khi người ta kiểm tra, phải đứng lên đọc số của mình bằng tiếng Quảng Đông. Có nhiều người lớn tuổi, không nhớ được số mà lại phải đọc bằng tiếng Quảng Đông, nên bị phạt, bị gậy batoong gõ lên đầu.
Ăn uống thì dành giựt nhau vì luật nhà tù nên không có chén dĩa, mà họ chỉ phát cho mỗi gia đình một cái thau, mỗi cá nhân một cái muỗng bằng nilon. Một hộ gia đình thì chỉ đi lãnh cơm trong cái thau và mọi người ngồi xuống dưới đất dùng cái thià của mình ăn.
Nhiều khi đi vào trại, tôi thấy bảy, tám cái đầu cúi xuống một cái thau, thấy rất đau lòng, giống như một con vật gì đó đang dành nhau để ăn.”
Chứng kiến sự đối xử rất tệ hại của chính quyền bản xứ với thuyền nhân Việt Nam, Sơ Mỹ Hạnh quyết tâm tranh đấu với các cơ quan chức năng để yêu cầu chính quyền phải thay đổi chính sách.
Trước sự đòi hỏi chính đáng, đến năm 1986, chính quyền Hong Kong phải nhượng bộ, bắt đầu cho phép các hội đòan quốc tế như World Relief, Save the Children… vào để giúp đỡ thuyền nhân Việt Nam. Cuộc sống thuyền nhân cũng dễ thở hơn, được đối xử tử tế hơn.
Thế nhưng, làn sóng người Việt tiếp tục đổ đến Hongkong. Và năm 1988, Hongkong bắt đầu có trại cấm để thực hiện chính sách thanh lọc. Một điều rất thương tâm tại các trại tị nạn ở Hồng Kong là có rất nhiều cảnh đánh nhau xảy ra giữa thuyền nhân miền Bắc và miền Nam. Sơ Mỹ Hạnh kể tiếp:
“Tôi chứng kiến cảnh đánh nhau quá sức, Hongkong phải lấy trực thăng, đổ lính xuống để dẹp. Những cựu quân nhân của miền Nam gần như bị đánh rất nặng, có một số anh bị chết, bị cắt gân… có khoảng 6 anh, tôi đưa vào bệnh viện, bây giờ có hai anh bị tàn phế suốt đời.
Sau đó, người ta mới chuyển người miền Nam thì đi ở với người miền Nam, lúc trước là Nam Bắc sống chung. Nhưng mà đánh nhau thì chỉ thanh niên thôi, còn những ai có gia đình thì không. Một phần là do trại giam, vì người ta tù túng, suốt ngày cứ nằm dài chờ bữa ăn, năm này qua năm kia… nên khi nói chuyện với nhau, người miền Nam thì tức chế độ CS, chửi ông Hồ Chí Minh, thì những người miền Bắc lại thần thánh hoá ông Hồ Chí Minh, cho nên cãi vã.
Có em Lộc, người Nha Trang, vì chửi nhau như vậy mà giết một anh người miền Bắc và hiện nay vẫn ở tù ở Hongkong. Có nhiều chuyện nó đẩy đưa làm cho con người bí túng, sinh ra dễ cãi nhau. Luân lý và xã hội thì rất thấp vì cuộc sống chung chạ, không có ngày mai, người ta sống giống như trong một cái chuồng, sống lúc nhúc với nhau…”
Cưỡng bức hồi hương
Vào năm 1989, chính quyền Hồng Kông áp dụng cưỡng bức hồi hương. Lúc bấy giờ, cuộc sống của họ vô cùng khốn khổ. Ngòai chuyện phải lo chống lại sự bắt bớ của lính Hongkong, họ còn bị những thành phần du đãng trong trại, hay còn gọi là “đầu gấu” hà hiếp.
Cao Ủy Tị Nạn LHQ và chính quyền bản xứ đều nhắm mắt làm ngơ mặc cho bọn đầu gấu hoành hành, như lời chị Lý Hòang Phúc, hiện cư ngụ tại Atlanta, cựu thuyền nhân trại Chimawan, dành cho người miền Nam, cho hay:
“Chính phủ Hongkong dùng những đầu gấu cai trị mình, đời sống trong đó vừa hồi hộp, vừa bị sợ trả về VN, vừa bị đầu gấu ăn hiếp
Trại không hề có một tờ giấy, một cây viết, không có một cái gì hết. Tụi em phải chờ đến giờ xếp hàng lấy cơm, họ dán tờ giấy ở đó thì tụi em ráng giựt tờ giấy đó ra để viết vài chữ và tìm cách gửi ra ngoài.
Tụi em không hề được liên lạc với người ngoài. Một buổi được hai miếng thịt ba rọi, một gói mì thì 8 người ăn, cơm thì đủ. Thời gian đó, họ áp đảo tinh thần để về Việt Nam, rớt thanh lọc rất nhiều, có nhiều người tuyệt thực, mổ bụng chết… vì nhiều khi không được cứu cấp kịp, cũng có người bị ngộ độc tiêu chảy, không có thuốc men, chết.”
Riêng chị Nguyễn Mỹ Huê, hiện ở Georgia, Hoa Kỳ thì kể rằng:
“Chính phủ Hong Kong thì muốn cưỡng bức, liên lạc với bên ngoài rất khó khăn, hoàn toàn không biết một cái gì về bên ngoài hết.
Khi mình đã bỏ hết tất cả để ra đi, để mong rằng đến một nơi để tìm tự do, mình không biết rằng cái đích của mình có đến được hay không…
Bên cạnh đó tất cả đều thiếu thốn, một mặt thì chính phủ Hồng Kong lại dùng đủ mọi phương thức để cho người ta trở về.”
Một phụ nữ khác, tên Chi, từng ở trại White Head, hay còn gọi là trại Bạc Đầu, dành cho người miền Bắc, cũng cho hay:
“Thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, quần áo được phát cũng không có đủ mặc. Phòng tắm công cộng, rất lớn cho cả hàng trăm phụ nữ tắm ở đó cùng một lúc. Đời sống tinh thần mọi người rất hoang mang, không biết đi về đâu.
Đặc biệt là có những trận đánh nhau xảy ra, khám trại, cảnh sát vào đàn áp… Càng về sau mọi người càng hoang mang vì có những trận cưỡng bức hồi hương, nói chung ai cũng căng thẳng.”
Đáng thương nhất là các em bé sinh ra trong trại cấm. Vì sống trong 4 bức tường, sau hàng kẽm gai, nên khi cha mẹ may mắn được ra trại mở, các em mới có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngòai, như lời chị Mỹ Huê kể lại:
“Khi các em được đi ra ngoài, nhìn con trâu, con chó, thì các em cứ nghĩ là con chuột, vì trong trại cấm các em chỉ thấy chuột mà thôi mà không thấy gì hết!”
Anh Phạm Thanh Vân, hiện ở Alabama, người từng ở trại White Head, tức Bạc Đầu thì kể:
“Về an ninh, người ta rất lo âu vì trong trại có “đầu gấu”, ai có thăm nuôi là chúng biết hết và chúng khám người và khám đồ. Thí dụ thuốc lá 10 bao, thì nó cho mình 3 bao, còn chúng lấy 7 bao, tiền thì nó lấy một nửa. Đầu gấu toàn là Việt Nam mình thôi.
Miền Nam cũng có đầu gấu và miền Bắc cũng có đầu gấu. Sau các vụ tranh chấp từ chuyện nhỏ sang chuyện lớn thì người ta chia ra miền Nam riêng, miền Bắc. Nhưng biểu tình đòi tự do thì vẫn biểu tình chung, tuyệt thực, tất cả Nam- Bắc đều làm chung.”
Được biết anh Vân cũng là một trong những người mổ bụng tự sát khi rớt thanh lọc để khỏi bị trả về Hải Phòng, nơi quê nhà. May thay, anh được cứu sống. Thế nhưng:
“Tôi mổ bụng để chống cưỡng ép hồi hương, rồi đi bệnh viện, khỏi thì lại vẫn cưỡng ép hồi hương về Việt Nam,vẫn bị ép lên máy bay… Tôi phải đi trình diện, cứ hàng tuần là phải ra công an xã trình diện.”
------------------------------
Có lẽ, câu nói mà thuyền nhân nào cũng nằm lòng: “ra đi có số, định cư có phần” đúng với trường hợp của những ai đã may mắn được đến trại Bataan, Philippines, nơi đón tiếp những người được công nhận là tị nạn chính trị để chờ tiếp kiến phái đoàn.
Từ khắp các trại tị nạn ở Đông Nam Á, họ được đưa vào một trại được tổ chức rất có qui củ dưới sự điều khiển trực tiếp của Cao Uỷ LHQ và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Từ tiểu bang Tenesssie, Linh Mục Vũ Đảo, làm công việc mục vụ ở trại Bataan kể lại rằng:
“Hầu hết, thuyền nhân khi vào Bataan thì đều biết chắc rằng sẽ định cư ở Mỹ hay một số nước khác, nên chính là họ học Anh Văn và văn hoá, để thích ứng với môi trường mới.
Thành ra, chính tôi, so với thời gian ở trại tị nạn Songkha Thái Lan, và Bataan, tôi thấy khác một trời một vực và tôi rất mừng là hoàn cảnh thuyền nhân đã được chuẩn bị khá đầy đủ.”
Giờ đây, bao năm đã trôi qua, các thuyền nhân khốn khổ năm xưa đã ổn định nơi xứ người, chắc chắn, họ không thể nào quên được những ngày đau thương ấy. Nhưng, cũng từ vết thương ấy mà đã tạo cho họ bài học rất qúi giá cộng với sự hiểu biết giá trị vô cùng qúi báu của hai chữ “tự do” như lời anh Vân, cựu thuyền nhân trại White Head, tức Bạc Đầu, Hong Kong, tâm sự:
“Tôi chả có gì hối hận với việc mổ bụng của tôi cả, vì tôi không còn con đường nào khác. Tôi làm như vậy để chứng tỏ tôi vì hai chữ tự do.”
Và chị Chi, cựu thuyền nhân trại Chimawan, Hong Kong thì:
“Qua môi trường đó, nó tạo cho mình biết ghi nhận những gì mình đang có. Nhìn lại quãng đời mình đi qua, mình cảm nhận được rằng mình may mắn và ghi nhận những gì mình đang có bây giờ.”
Phương Anh, phóng viên RFA
29/04/2009
Gửi ý kiến của bạn