BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73392)
(Xem: 62246)
(Xem: 39435)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phiên tòa đầu tiên

14 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 1530)
Phiên tòa đầu tiên
51Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.52
Hôm nay toàn trại được miễn lao động để tất cả mọi người « có khả năng theo dõi phiên toà xét xử tên phản động Lê Đức Thịnh ». Các lán trưởng và tổ trưởng thuộc tất cả các T đều được lịnh mời dự khán phiên toà, lũ lượt kéo nhau đi về hướng « trung đoàn » tức bộ chỉ huy trại Long Giao. Trong T1 của tôi, từ hôm trước đã thấy có một số cán bộ được phái đến lăng xăng kéo thêm giây điện, gắn thêm máy phóng thanh ở hội trường để cho tất cả tù cải tạo không được mời tập trung lên đó gián tiếp theo dõi phiên toà.

Lê Đức Thịnh là một sĩ quan có bằng cao học luật khoa. Anh bị biệt giam ở T3 từ hơn 2 tháng qua. Nghe nói anh đã vi phạm nội qui trại vì anh đã viết một lá thơ dấu trong người, đợi dịp đi lao động bên ngoài lén trao cho một người « lơ xe đò », với chút tiền thù lao, nhờ mang về cho gia đình. Vì còn khá ngây thơ nên anh đã ký thác lá thơ cho một tên công an nhân dân trá hình với trọn niềm tin tưởng! Đó là điều đáng buồn : đa số dân trong Nam cho tới giờ phút đó vẫn có vẻ còn mù tịt về bản chất của kẻ cường địch mà họ đã từng chiến đấu chống đở hằng ngày ! Nghĩ cho cùng cũng chẳng có gì lạ : thường tình thiên hạ chỉ thấy và hiểu sự việc theo trí tưởng tượng sao cho phù hợp với sở nguyện và quyền lợi của mình nhiều hơn là theo óc phán xét sáng suốt sự thật hiển nhiên. Lá thơ của Thịnh đương nhiên là đã trở về ban chỉ huy trại và anh được biệt giam ngay. Tất cả tù cải tạo đều chỉ biết có thế, còn về nội dung lá thơ thì không một ai nắm vững. 

Theo đoàn người được mời của T1, tôi cũng tà tà đi về hướng trung đoàn mà tôi chưa từng đặt chân đến bao giờ. Tôi bước di mà đầu óc trống vắng, chẳng suy nghĩ gì, chỉ để tâm thưởng thức cái mát lành lạnh thật dễ chịu của buổi sáng một ngày cuối thu. Đến nơi, tôi lững thững bước vào phòng, để mắt nhìn quanh một lượt. Đó chỉ là một căn nhà tiền chế của trung đoàn 18 BB trước kia, cùng một mẫu với các lán của T1. Bên trong được sắp xếp đầy cả ghế lẫn băng, chỉ chừa một lối đi ở giữa và một khoảng trống ở cuối phòng dành riêng cho 4 cái bàn hình chữ nhựt dài độ hơn một thước được kê sát vào nhau và phía sau là 4 cái ghế. Tôi tránh hàng ghế đầu, nhưng cũng không muốn ngồi ở những hàng ghế cuối vì sợ không theo dõi được tường tận phiên xử. Còn đang tìm một chổ ở hàng ghế thứ ba, thứ tư thì Trung, quản giáo của tôi, không biết từ đâu bổng xuất hiện sau lưng và nhẹ nhàng dẫn tôi lên hàng đầu ở phía bên phải, tôi tránh ngồi ngay ở bìa và chọn chiếc ghế thứ ba kể từ lối đi trong số 7 cái ghế kê sát vào nhau. Trước khi bỏ đi, Trung không quên nói nhỏ cho tôi nghe lý do : trại đã ấn định cho tôi phải ngồi ở hàng đầu ! Nghe nói thế tôi bấm bụng cười thầm :

- Bố khỉ ! Ủ tờ mà còn được chiếu cố như vầy thì vui như Tết Mậu Thân !

Khi tất cả mọi người đều đã ngồi vào chổ, trên hàng ghế đầu tôi có thêm hai người bạn học ngay bên trái. Không đầy năm phút sau đã có 4 tên bộ đội kéo đến đua nhau ngồi vào mấy cái ghế còn lại bên phải tôi. Bọn chúng xem chúng tôi như không có, không buồn chào hỏi mặc dù ngồi ngay bên cạnh tôi. Tôi cũng mặc kệ chẳng lưu tâm đến chúng nó làm chi, chỉ để mắt nhìn quanh căn phòng ; bề ngoài tuy vậy nhưng thật ra tôi rất chú tâm vào tên y tá đang ngồi bên cạnh tôi. Tôi nghĩ hắn là y tá vì khác với ba tên bộ đội kia đều mặc đồng phục quân đội nhân dân, hắn ta lại choàng lên người cái « blouse » trắng, với cái « ống nghe » được giấu trong túi bên phải. Trong lúc ấy, sự hiện diện của tên y tá và cái « ống nghe » cũng chưa làm tôi thật sự lưu tâm, thắc mắc. Tôi lơ đểnh theo dõi mấy tên bộ đội đang lu bu điều chỉnh hệ thống âm thanh trên bàn chủ tọa.

Vẫn chưa thấy mấy quan tòa xuất hiện, tôi lại quay về với tên y tá và ba đồng chí của hắn. Tôi nghĩ mấy tên nầy có lẽ thuộc bịnh xá trung đoàn, được lịnh đến đây mà không kịp thay đổi y phục. Rồi tôi cũng chẳng nghĩ gì thêm, bởi vì lúc đó đã có lịnh đứng lên chào đón các quan tòa vừa đến. Họ gồm có 4 người : thủ trưởng của trại L19, chính ủy của trung đoàn và hai người khác mà tôi chưa bao giờ được biết, có lẽ họ là cán bộ từ trung ương đến. Khi mọi người đã yên vị, phòng xử bổng rơi vào một sự im lặng nặng nề. Tất cả tù cải tạo hồi hộp hướng mắt về góc trái của phòng xử, nơi có một cửa hậu ăn thông ra sân sau. Tất cả chờ đợi sự xuất hiện của Lê Đức Thịnh mà đa số đều chưa biết mặt.

Chúng tôi đã chẳng phải chờ đợi lâu và cánh cửa trong góc cuối phòng được một cán binh mở rộng : Lê Đức Thịnh được hai vệ binh kèm hai bên dẫn vào. Vóc người tầm thước lại gầy gò do những ngày biệt giam kham khổ, nên trông anh càng nhỏ người thêm ra. Tóc tai không được chải chuốt tô đậm thêm nét mệt mỏi, lo âu trên gương mặt xương xẩu của anh. Hai tên vệ binh dẫn anh đến trước mặt các quan tòa, để anh đứng đấy rồi lui về phía cửa ở cuối phòng, sẳn sàng chờ lịnh. Thịnh đứng yên trước mặt các quan tòa, hai tay chấp ra sau lưng, có vẻ bình thản chờ đợi. Thấy vậy tôi cũng có phần yên dạ.

Các quan tòa còn đang bận rộn tra cứu hồ sơ, chẳng ai quan tâm đến tên tội phạm. Trong phòng xử tiếng xì xào bàn tán đã bắt đầu nổi lên. Tôi vẫn yên lặng, hai tay khoanh trước ngực, nhìn sững anh Thịnh mà tâm trí suy nghĩ vơ vẩn, miên man…Mảnh hổ sa cơ trông thật chẳng giống ai ! Cá ăn kiến, kiến ăn cá, cuộc đời nó vẫn vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Có lạ lùng chăng là lắm người vẫn không hề nhớ điều đó, luôn vênh váo tưởng chừng như trên đầu mình chẳng có ai và tương lai hoàn toàn nằm trong tay họ. Hôm nay ngồi ngay sau lưng Lê Đức Thịnh, tôi cảm thấy như chịu cùng số phận với anh : bị bọn mất dạy hạ nhục. Một cơn uất giận bổng ập đến người tôi như một đợt sóng đập mạnh vào ghềnh đá. Tôi giận bọn «đỉnh cao trí tuệ » ngu si vênh váo ; tôi giận đám lảnh đạo miền Nam vênh váo u mê, và tôi giận cả tôi bất tài biếng nhác… Nghe người như rúng động, tôi ưỡn ngực lên hít một hơi thật dài cố trấn áp tình cảm bồng bột và cồ giữ vẻ điềm tỉnh : tôi linh cảm có kẻ đang dòm ngó, theo dõi tôi. Trong hoàn cảnh của tôi lúc đó dè dặt và ý tứ từng ly từng tí là một vấn đề sinh tử. 

Cuồi cùng phiên tòa bắt đầu. Thủ trưởng của trại mở lời tường thuật nội vụ với đầy đủ chi tiết, đúng hay sai thì chỉ có bọn họ và anh Thịnh biết. Thủ trưởng ngừng lại nhiều lần để hỏi anh Thịnh có phải như vậy hay không, và chỉ thấy Thịnh trả lời vắn tắt là đúng hay sai, không nghe anh nói gì hơn ! Không riêng gì đối với thủ trưởng trại, mà suốt cả phiên tòa hình như anh chỉ được xử dụng có mấy tiếng : đúng, sai, có, không ! Sự việc nầy làm cho tôi hết sức nghi ngờ là Thịnh đã mắc vào bẩy của CS. Cái bẩy đó hết sức đơn sơ nhưng vô cùng hiệu quả, đã được CS xử dụng từ mấy mươi năm về trước. Năm 1945, sau khi Nhựt đầu hàng, khi cha tôi và các anh chị tôi còn tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến mùa Thu của Nam Bộ chống Pháp đòi độc lập tại chiến khu An Phú Đông, quê hương của cha tôi, Việt Minh đã từng áp dụng cái bẩy đó trước khi tổ chức mọi cuộc đấu tố Việt Gian để thủ tiêu họ một cách « hợp pháp ». Việt Minh CS cho người đến ôn tồn nhỏ nhẹ đề nghị với nạn nhân rằng trong buổi đấu tố, họ không nên biện bạch dài dòng, chỉ nên trả lời những câu hỏi bằng có hay không, cuối cùng họ sẽ được tha : cuộc đầu tố chỉ là một cái cớ, một dịp để Cách Mạng huấn dạy dân làng ! Người dân quê thật thà, chất phác có hiểu gì đâu, có biết gì đâu : khi bị ghép vào tội « Việt Gian » là thấy chết như không, nay có người đề nghị cứu nguy, khác nào kẻ bị chìm xuồng lại vớ được bập dừa ! Vì thế nên trước mặt mọi người, các tay « Việt Gian » khù khờ quê mùa kia đã ngay tình nhận hết bao nhiêu tội lỗi, tội thật, tội giả, để rồi Việt Minh CS đem họ đi cho « mò tôm » không sót một ai ! Vào thời điểm đó, chính sách khủng bố nầy đã được Việt Minh CS, xuyên qua vô số các ủy ban ám sát, áp dụng triệt để trên toàn miền Nam, khắp các thôn cùng xã vắng, không có nơi nào mà người dân quê không biết mặt thằng chõng, và không nghe nói đến hai tiếng « mò tôm ». Những thằng chõng nầy có lúc nhiều đến độ độc chiếm một đoạn sông dài làm cho dân làng không còn ai dám tắm giặt ven bờ nữa : đã có người đang tắm giặt bổng nhiên có một thây người sình chương nửa chìm, nửa nổi, thấp thoáng trong đám lục bình ngay bên cạnh ! Các cô giặt yếm bên sông sợ đến mất hồn ! Chính sách khủng bố hiểm ác và lợi hại nầy đã giúp Việt Minh CS giết người một cách « hợp pháp » : trước mặt mọi người, những tên « Việt gian » kia rõ ràng là đã nhìn nhận tất cả tội lỗi ! Việt Minh CS có giết oan ai đâu ! Và trên khúc sông cái chảy giữa An Phú Đông và xã Hiệp Bình gần như ngày nào cũng có mấy « thằng chõng » sình chương trôi lều bều giữa những đám lục bình xanh tốt, tứ chi luôn luôn được trói cột theo nhiều kiểu khác nhau và trên bụng đôi khi có cấm một khúc tre ! Trên khúc tre oan nghiệt đó người ta thấy lủng lẳng một mảnh giấy, nhưng ít có người liều lỉnh tìm xem trên đó ghi những gì. Chỉ nghe đồn rằng đó là bản án của tên « Việt gian ». Trong số những « thằng chõng » đó, dân làng đã nhìn ra vài tên thật sự là việt gian : họ đã từng làm « bao bố » điềm chỉ cho Tây bắt bớ ; nhưng đa số còn lại là những người đã từng tham gia vào Phong Trào Thanh Niên Tiền Phong, hay Phong Trào Truyền Bá Quốc Ngữ, hoặc giả chỉ là những người nông dân chất phát. Lần lượt những người theo Tây hay chống Pháp nhưng không theo Việt minh CS, đều nối tiếp nhau đi mò tôm, trở thành những thằng chõng gớm ghiếc, sáng theo con nước lớn trôi về hướng Lái Thiêu, chiều theo con nước ròng xuôi về phía cầu Bình Lợi. Các ủy ban ám sát của CS ngày càng táo bạo hơn : đêm đêm họ đi lùng bắt « Việt gian » ngay trong từng nhà và mang nạn nhân ra trước sân đánh đập, cắt cổ, mổ bụng, có khi còn chặt đầu đem quăng ra truớc chợ ! Việt Minh CS đã dùng họ để làm gương cho dân làng. Quả thật, những tấm gương đó đã gây kinh hoàng trong cả vùng, không còn ai dám chỉ trích hay thậm chí chống lại Việt Minh CS nữa. Mấy người bạn của các anh chị tôi, các anh Hên, anh Sửu, chị Lủy, chị Nỉ từ Dĩ An, Thủ Đức đến, các anh Lân, anh Liền, chị Hừng, chị Thiệt từ Sài Gòn lên, đều lần lần xa lánh làng Bình Phước và gia đình tôi. Gia đình cha mẹ tôi còn tạm được yên lành có lẽ nhờ cha tôi là một giáo chức đã từng dạy luôn hai thế hệ và được dân trong làng kính trọng gọi tôn là « Thầy ». Tuy nhiên, áp lực của Việt Minh trên gia đình tôi ngày càng nặng nề, lộ liểu hơn. Các anh chị tôi phải giải tán Phong Trào Thanh Niên Tiền Phong và Phong Trào Truyền Bá Quốc Ngữ tại xã Hiệp Bình vì chẳng còn ai dám tham dự nữa.Về phía thực dân Pháp sự thù nghịch cũng không kém phần lộ liểu và nguy hiểm. Căn nhà ba gian vách ván, lợp ngói của cha mẹ tôi ở cách chợ Bình Phước không quá 50 thước và cách đường lộ độ chừng 5 thước. Hai bên cổng ra vào gần sát bên đường, cha tôi có trồng hai cây phượng vĩ rất cao. Đến mùa nở bông, từ đàng xa màu hoa phượng đỏ đã đánh dấu nơi chôn nhao cắt rún của anh chị em tôi để bè bạn phương xa không lạc lối. Trước tình hình căng thẳng, cha tôi đã bắt cả nhà trải chiếu dưới đất ngay bên dưới mấy bộ ván gỏ để ngủ đêm. Tôi chẳng hiểu ất giáp gì cả, nhưng rất vui vì được ngủ dưới đất và lại phải tắt đèn sớm hơn thường lệ! Nằm đất được vài ba hôm thì vào một buổi tối, có lẻ cũng gần khuya, một đoàn xe nhà binh Pháp từ hướng Sài Gòn lên Lái Thiêu, khi vừa đến ngang căn nhà của cha mẹ tôi, chúng nổ súng bắn xối xả vào nhà. Đạn xuyên qua cửa và vách ván, ghim trên mặt hai bộ ván gỏ ; nếu anh chị em tôi còn ngủ trên đó ắt đã có thương vong. Rốt lại chỉ có một viên đạn xuyên qua cánh tay phải của ông anh thứ bảy của tôi khi ấy mới được hơn 14 tuổi. Trong bóng đêm anh bảy tôi đã bò đến bên mẹ tôi và đưa cánh tay ra cho mẹ tôi rờ xem có cái gì hơi ướt và nhơn nhớt! Cũng may là viên đạn chỉ xuyên qua phần mềm mà không trúng vào xương. Hôm sau cha mẹ tôi âm thầm đưa cả gia đình vào xã Tam Bình tạm lánh mặt trong ngôi chùa của người dì Hai, cách ngả tư Gò Dưa chừng 500 thưóc, ở giữa một cánh đồng trống trải chẳng có nhà ai gần kề. Ẩn dật nơi thanh vắng, gia đình tôi chẳng hoạt động gì nữa ngoài việc kiếm cơm ngày hai bửa, cũng tạm yên ổn trong cả năm 1946. Thời gian đó tôi dù đã hơn bảy tuổi mà chẳng học hành gì, ngoài những buổi tập đọc, học mấy nốt nhạc và tập đánh « mandoline » hai bản nhạc Lên Đàng Cô Lái Đò do hai bà chị của tôi kèm. Thời gian còn lại tôi chỉ có thả rong ngoài đồng, theo hai anh thứ bảy và thứ tám chăn giữ cặp bò, một phương tiện làm ăn sinh sống của gia đình. Mùa lúa tôi lội xuống mấy thửa ruộng bắt cá trào tửng và cá lia thia; đến mùa thuốc lá thì nhảy xuống giếng, rất rộng và không sâu, quậy cho nước nổi bùn lên để bắt cá chạch. Nhờ vậy mà tôi biết lội hồi nào chẳng hay ! Đến mùa trồng dưa gang, dưa chuột thì bỏ ruộng xuống con rạch cách chùa không bao xa, độ non hai trăm thước, ngay phía sau nhà của bác Tư Sen, chờ nước rồng bắt cá bóng mú ẩn núp trong mấy bẹ dừa nước. Nếu không xuống rạch thì lại ra đồng lật đất bắt dế than, dế lửa về nuôi cho đá…

Thuở ấy tôi sống thật vui vẻ vô tư giữa cảnh yên lành của đồng nội, tưởng chừng như trong cảnh thái bình. Cho đến một buổi sáng, một toán xung kích Việt Minh gồm ba, bốn người chận chiếc xe thổ mộ trên có mấy bà vợ của « tây đen chà chóp » đống đồn ở ngả tư Gò Dưa, lôi tất cả 4 bà xuống đường và đâm họ túi bụi. Mọi việc xảy ra trong chớp nhoáng, không đến một phút đồng hồ và trên khúc đường ngang trước ngôi chùa, cách chùa chỉ hơn trăm thước và cách đồn Tây chưa quá 400! Tiếng kêu la thảm thiết của các nạn nhân trước khi trút hơi thở cuối cùng đã báo động cho lính trong đồn hay. Tức khắc có trên chục lính tây đen ở trần trùng trục, súng cầm tay vừa chạy đến nơi vừa la hét, vừa nổ súng vang rền.Trông chúng nó hung dử đến khiếp, tưởng chừng như chúng sẳn sàng ăn tươi nuốt sống những kẻ đã sát hại người thân của chúng. Nghe tiếng la khóc gia đình tôi cũng ra sân trước chùa để mắt theo dõi nội vụ vừa xảy ra. Sau khi than khóc và mang xác của mấy bà vợ Việt Nam về đồn, bọn lính tây trở ra liền sau đó. Nai nịt gọn gàng, súng đạn đầy người, chúng tủa ra bố ráp dọc hai bên đường, nhưng không vào sâu quá 500 thước. Cha mẹ và anh em tôi đều ở lại ngoài sân chùa chờ chúng nó đến. Thấy chỉ có đàn bà và con nít, chúng bèn bắt cha và anh thứ sáu của tôi vừa 17 tuổi nên cũng có vóc dáng một thanh niên. Cuộc bố ráp chớp nhoáng đã gôm được trên 20 tù binh. Tất cả đều được dẫn về đồn. Đến trưa, một toán lính vũ khí vẫn còn đầy trên người dẫn trở ra đám ruộng cạnh đường nơi đã xảy ra cuộc thảm sát ban sáng một toán tù binh 10 người trong đó chúng tôi nhận rõ có cha và anh chúng tôi. Bọn tây đen sắp họ đứng theo hàng một ở giữa ruộng, song song theo con đường, mỗi người cách nhau một cánh tay. Cha và anh tôi đứng vào cuối hàng về bên phải. Một tên lính « lê dương » cầm súng bước ra đứng trên đường lấy thế, đưa súng lên vai và bóp cò ! Người tử tù đứng đầu hàng từ bên trái ngã khuỵu xuống trước mắt chúng tôi ! Và mẹ tôi cũng quị xuống theo té ngồi trên sân chùa, đôi mắt tuy mở lớn nhưng cặp trồng như đà bất động, tưởng chừng như mẹ tôi cũng vừa bị một viên đạn xuyên qua tim. Và cứ mỗi một tiếng súng nổ là một người dân quê ngã xuống ruộng khô. Đến khi người tử tội thứ bảy vừa ngã xuống bổng có hai chiếc xe Jeep từ Thủ Đức lên và ngừng lại ngay bên cạnh tên lính lê dương đao phủ. Trên xe có hai sĩ quan người Pháp bước xuống. Họ cho ngưng cuộc hành quyết lại, xí xô xí xào với nhau một lúc rồi hình như cha tôi lên tiếng nói năng gì đó nên chúng tôi thấy một tên sĩ quan Pháp bước lại gần bên cha tôi. Hai người trao đổi với nhau khá lâu. Sau đó họ chở ba người tù còn sống sót đưa về đồn. Thấy thế anh chị em tôi bổng đồng loạt kêu lên một tiếng lớn vui mừng cho cha anh vừa thoát nạn trong gang tất. Mẹ tôi cũng vừa ra khỏi cơn ác mộng, vịn vào hai chị tôi để đứng lên đi vào nhà. Đến xế chiều cha và anh tôi được thả về. Sau lần thử thách kinh hồn nầy cha mẹ tôi đã gởi anh Sáu tôi lên Nam Vang lánh mặt. Chẳng bao lâu sau cả gia đình tôi lại phải thêm một lần rời bỏ làng quê để về thành phố với hy vọng được chút bình an, dù biết rằng sẽ phải đương đầu với vấn đề sinh kế vô cùng gay go. Nhưng khi về thành lánh nạn Việt Minh, gia đình tôi lại rơi vào vòng kiềm tỏa của mật thám Pháp.Gần như cứ một hai tuần là có vài ba lính mật thám Pháp vào xét nhà, một căn phố không được lớn lắm ở cách ngã tư Bình Hòa vừa hơn trăm thước. Có khi họ đào cả sân ở phía sau nhà để tìm tài liệu ! Có khi họ đến để chỉ hỏi hai chị tôi về anh Cổ Thượng Lân, một người bạn đấu tranh từ lúc ban đầu, nhưng sau đó anh đã lần lần bị nhuộm đỏ và bặt tin luôn một thời gian. Cuối cùng hai chị tôi bị bắt đưa về bót Catinat điều tra. Cha mẹ và bạn bè đã phải « chạy » hết mình mới giải cứu được. Thoát hiểm, chi Tư đã dẫn anh Tám và tôi nối gót theo anh Sáu lên Nam Vang tạm lánh nạn ở nhà một người bà con. 

Nay nhìn anh Thịnh một mình trước bầy dã thú, không một vũ khí trong tay, cũng không ai binh vực, tôi thấy lo âu vô cùng cho số phận của anh. Tôi bổng như muốn tự dối mình để bám víu vào một ảo vọng rằng CS từ đó đến nay chắc cũng có phần nào thay tâm đổi tánh : đó là con đường thoát duy nhứt cho anh Thịnh. Viết thư về cho gia đình biết mình đang bị giam cầm ở đâu vào thời buổi mà cả tương lai lẫn hiện tại đều rất vô định chỉ là chuyện vi phạm nhỏ nhặc nội qui trại, chẳng có gì đáng nói. Nhưng theo lời của tên thủ trưởng, trong thư anh Thịnh có viết một đoạn căn dặn vợ đi tìm vài người bạn vốn là những sĩ quan cấp tá, nhắn với họ chờ anh về để cùng nhau tổ chức lại công cuộc chống Cộng ! Khi nghe tên thủ trưởng đề cập đến đoạn thư nầy, tôi cũng như tất cả tù cải tạo có mặt tại phiên toà đều sửng sốt và tự hỏi có lẻ nào anh Thịnh lại tối dạ đến như thế ? Anh phải dư biết rằng thư của anh có thể bị lọt lưới bất cứ lúc nào. Tôi bồng nghi ngờ đây lại là mưu thâm của loài quỉ đỏ. Lá thư nay đã nằm trong tay ban chỉ huy trại, nội dung của thư chỉ có anh Thịnh và bọn cán bộ biết. Anh Thịnh chỉ có hứng chịu mà không có quyền chống đở. Anh không may mắn được tự do bào chửa như tôi đã được mấy tuần lễ vừa qua trong lần đụng chạm đầu tiên giữa tôi và các chính ủy của T1. Lần đó thủ trưởng T1 huy động 6 chính ủy, có cả tên chính ủy trung đoàn nay đang ngồi xử Lê Đức Thịnh, và nghĩ rằng dư sức để bẻ gảy tôi. Nhưng họ đã lầm to khi để cho tôi hoàn toàn tự do cải lý, tự biện bạch, chỉ vì bọn chúng rất cao ngạo mặc dù còn rất dốt về tình hình của Ngụy. Sau gần 4 tiếng đồng hồ so cựa, bọn chúng đã phải rút lui có trật tự và tạm để tôi được yên. Có thể vì cái kinh nghiệm nầy mà hôm nay CS đã cẩn thận « khóa khẩu » anh Thịnh lại trước.

Đang ào ào nghiêm khắc trách móc anh Thịnh, tên thủ trưởng trung đoàn bổng nhiên đổi giọng, tiếng nói trở nên dịu dàng dễ nghe hơn khi hắn nhắc lại tính khoan hồng nhân đạo của Cách Mạng. Và hắn ta đã không ngần ngại giảng lại một lần nữa bài học mà tất cả tù cải tạo đều đã thuộc nhừ như cháo. Sau đó hắn ta mới chịu nhường lời lại cho tên chính ủy. Trong 4 tên ngồi trên bàn chủ tọa, không ai biết ai làm gì cả. Giấu như mèo giấu cức là bản chất cố hữu của CS. Theo cung cách nhận thấy thì tên thủ trưởng có vẻ giữ vai chánh án, tên chính ủy làm công tố, còn hai tên cán bộ từ trung ương đến chưa biết làm gì, có thể là quan sát viên, hay là chỉ đến để làm tăng thêm phần long trọng của phiên toà.

Đến khi tên chính ủy trung đoàn mở lời đã thấy « căng » hơn. Hắn ta không quên nhắc lại điệp khúc « Cách Mạng đưa các anh vào đây học tập là để bảo vệ an ninh cho các anh, để tránh cho các anh sự trả thù của nhân dân… ». Và rồi anh em tù cải tạo lại phải nghe thêm một lần nữa đề tài « Cách Mạng là nhân đạo… » ! Tâm trí tôi lại quay về với hình ảnh những thằng chõng trôi lều bều trên dòng sông cái đã in sâu vào ký ức của đứa trẻ mới lên 7, tiếp theo là bao nhiêu hình ảnh mới hơn của cuộc thảm sát nhân dân xứ Huế trong lần công kích Tết Mậu Thân 68, hơn hai mươi năm sau. Chán ngán tôi ngửa mặt nhìn lên nóc nhà như để tìm cách thoát khỏi những lời vàng ngọc của tên chính ủy, vì tôi không dại gì tự bịt tai lại khi đang ngồi ngay trước mặt, trước sự quan sát theo dõi của chúng nó. Tôi tự than thầm : « Giống Hồng Lạc sao lại có thể có một lũ người ngu si, tàn bạo, dối trá đến như thế nhỉ ? Quả thật là vô phúc cho dân Việt ! »

Phiên toà rồi cứ tiếp diễn một cách nhàm chán. Tôi có cảm tưởng CS chỉ muốn lợi dụng cơ hội để trước là xử lý anh Thịnh một cách công khai, hợp pháp, thứ đến là để dằn mặt bọn cải tạo phản động không chịu học tập, và sau cùng là để tiếp tục nhồi sọ, uốn nắn những kẻ dễ dạy chỉ muốn được « an tâm tư tưởng học tập tốt, lao động tốt » với tí hy vọng bảng vàng sẽ đề tên trong những dịp lễ lớn sắp đến để được về sớm. Những khi nhàn rỗi ngồi trong lán đấu láo cho qua ngày, Lương Huỳnh Tân hay nói đùa, lối đùa mà một số anh em cải tạo cho là vô duyên :

- Ai muốn về trước thì cứ hy vọng, mầy với tao ráng gở vài cuốn lịch rồi tính sau !

Chỉ cần nói có thế cũng đủ cho một số các bạn học xài xể rồi, vì họ tin rằng chỉ học vài ba tháng thôi, và họ đã chọn con đuờng nín thở qua sông cho yên thân. Nhưng CS có đủ trăm phương nghìn kế để làm cho họ không bao giờ yên thân như họ muốn. Nếu họ muốn thật sự được an tâm như lời Cách Mạng khuyến dụ thì họ chỉ có một con đưởng : xa lánh bọn phản động, cà chớn nói theo ngôn ngữ miền Nam. Vì thế nên những người bạn học nầy trở nên thầm lặng, họ xa lánh những nơi dụm năm dụm ba, bàn ra tán vào. Họ thích nghe nhạc vàng nhưng chẳng dám đến gần bọn phản động đang hứng khởi ca vang những tình khúc ngày xưa. Muốn an tâm hơn nữa họ chấp nhận bò bốn cẳng đi xu nịnh bọn cán bộ. Nhưng tệ hại hơn hết là họ đi làm « antenne », bù tọt…Họ hạ quyệt tâm đoái công chuộc tội, lại cũng theo lời khuyến dụ đường mật của Cách Mạng ! Tuy vậy mà họ vẫn không được về sớm, thật rõ tội nghiệp. Một khi lở sinh ra đã tối dạ thì chẳng bao giờ họ có thể sáng dạ ra được. Đến giờ phút đó mới thấy rằng Nhu Diệm ngày trước đã hoàn toàn thất bại trong chính sách học tập tố Cộng : miền Nam còn rất dốt về CS. Chả trách sao có rất nhiều nhà trí thức, khoa bảng đã tích cực nối giáo cho giặc chiếm lấy miền Nam trù phú và cướp luôn cả tài sản riêng tư của họ ! Mỵ Nương thời nào cũng có, và bao giờ cũng nguy hiểm. Lịch sử quả thật chỉ là chuyện lập đi lập lại từ thời nầy sang thuở khác, như ngày đêm cứ nối tiềp nhau, như con người cứ triền miên lặng hụp trong u mê danh lợi…

Tên chính ủy càng nói càng trở nên hung hăng cao ngạo. Hắn ta có vẻ như được dịp để chứng tỏ cho mọi người thấy rằng hắn thông suốt lịch sử, quán triệt cả lý thuyềt Mác Lê…Căn bịnh nầy rất phổ biến trong hàng ngũ cán bộ các cấp mà tôi có dịp gần gủi. Tôi còn nhớ (mà quên thế nào được những chuyện tiếu như thế trong chốn lao tù) vào một buối chiều tối, quản giáo Trung, một thanh niên gầy guộc mới 25 tuổi, trong buổi sinh hoạt lán thường lệ, đã nổi hứng lên giọng giảng cho 73 đại úy quân lực VNCH đang ngồi bó gối trên nền đất nghe về chủ trương đường lối của Cách Mạng, về lý thuyết vô địch của CS chủ nghĩa…Tôi dằn lòng chịu đựng suốt hơn nửa giờ. Khi Trung vừa ngưng (có lẻ cái dĩa của anh chỉ có chừng đó) tôi liền đứng lên đến bên cạnh anh ta và chẳng nói chẳng rằng tôi nắm lấy cánh tay và kéo anh ta ra ngoài sân trước lán. Trong lúc đang còn đầy hứng khởi tự mãn, Trung vui vẻ theo tôi không một chút thắc mắc, có lẻ anh nghĩ rằng tôi sẽ có lời ca ngợi sự hiểu biết vượt bực của anh. Nhưng không, tôi lại chỉ tay lên nền trời không trăng, không mây nhưng đầy sao lấp lánh, sáng tỏ với một phần lớn của giải Ngân Hà bàng bạc trên cao. Trung nhìn theo tay của tôi, đã có vẻ ngơ ngác, chưa hiểu ý tôi muốn gì.Tôi cười hỏi Trung :

- Trong những vì sao sáng tỏ nhứt trên kia, anh có nhận biết vì sao nào không ? Anh có biết Ngân Hà là gì, ra làm sao không ?

Trung càng ngơ ngác hơn : tôi lôi anh ra sân chỉ để hỏi anh chuyện trời trăng mây nước chẳng ăn nhập gì đến những lý thuyết cao xa mà anh vừa thao thao bất tuyệt ! Nhưng rồi anh cũng tử tế trả lời :

- Sao nhiều thế kia làm thế nào mà biết được. Còn sông Ngân Hà thì tôi chỉ nghe trong chuyện tích Ngưu Lang Chức Nữ. Tôi chỉ biết có sao Bắc Đẩu, nó ở hướng Bắc về phía chân trời. Nhưng nhiều sao quá tôi chưa nhận ra là sao nào.

Tôi liền chỉ cho Trung biết hầu hết các chòm sao đang xuất hiện trong vòm trời đêm đó, ngay trên đầu chúng tôi. Đầu tiên là nhóm sao Gấu Lớn, Gấu Nhỏ với sao Bắc Đẩu lấp lánh sát trên rặng cây. Giữa hai chòm sao Bánh Lái đó là nhóm sao Thiên Long lượn vòng như hình chữ Z. Ngay trước mủi con rồng nầy và hơi sát gần lại giải Ngân Hà là nhóm sao của đàn Lyre với sao Vega sáng ngời như một viên ngọc bích. Chếch về bên phải có vì sao Deneb sáng trắng như một viên hột xoàn cũng đẹp không kém, thuộc nhóm sao của Thiên Nga đang soải rộng đôi cánh và kéo dài cổ như bay về hướng Đông Nam xuôi theo dòng sông Ngân hà. Trước mủi Thiên Nga lại có Thiên Ưng cũng xuôi theo dòng Ngân Hà với sao Altaïr cùng đua sức sáng với Vega và Deneb. Sau cùng tôi chỉ cho Trung xem « sông Ngân Hà » tựa một làn khói thật mong manh nằm ngay trên Thiên Nga và Thiên Ưng. Tôi không quên cho Trung biết là làn khói tuy mong manh đó lại do trên 200 tỷ vì sao tạo thành ! Tôi nói cho Trung tên của mỗi nhóm sao, tên của mỗi vì sao chuẩn của từng nhóm với cả khoảng cách đối với địa cầu tính theo đơn vị năm ánh sáng. Tôi gỉải thích cho Trung hiểu thế nào là năm ánh sáng với một ví dụ điển hình : khoảng cách giữa địa cầu và mặt trăng đại khái trên 300.000 cây số, ánh sáng chỉ mất có hơn một giây đồng hồ. Từ mặt trời đến địa cầu ánh sáng chỉ « đi » có hơn 7 phút ! Sao Bắc Đẩu cách địa cầu có 40 năm ánh sáng ! Nhưng từ bên nầy bờ sang bên kia bờ Ngân Hà, ánh sáng phải « đi » mất gần 100.000 năm ! Riêng cái « nhánh » của Ngân Hà nơi đang có địa cầu của chúng ta, ánh sáng cũng phải mất đến 700 năm mới sang được bờ bên kia. Và tôi đùa với Trung rằng không biết Ngưu Lang làm cách nào để có thể « sang sông » hằng năm thăm Chức Nữ? Tôi liếc thấy Trung đứng lặng yên, cổ ngóng ngược lên khung trời không một áng mây, mắt nhìn theo ngón tay tôi đang chỉ điểm các chòm sao. Anh có vẻ rất thích thú, ngẩn ngơ không nói gì nữa. Khẻ nhìn vào trong lán, tôi thấy anh em ở hai tổ gần bên cửa đang theo dõi, bàn tán có lẻ tự hỏi không biết tôi đang làm gì tên quản giáo. Tôi chẳng làm gì Trung cả, chỉ nhỏ nhẹ « lên lớp » anh rầng :

- Đấy anh xem, những gì đang có trước mắt anh và tôi ở trên kia chỉ là hình ảnh của mấy mươi năm, mấy trăm năm về trước, tức là hình ảnh của quá khứ ! Trong giờ phút nầy không biết có vì sao nào đã vỡ tan và mất đi nhưng chúng ta chưa nhìn thấy được sự mất mát đó. Phải đợi đến hằng chục, hằng trăm năm nữa mới hay, mới biết. Anh xem, những vì sao chúng ta đang ngắm chỉ là ảo ảnh mà thôi ! Hình như Đảng không có dạy anh điều nầy ? Cuộc đời ngay trước mắt anh nó hư hư thực thực như thế mà Đảng còn chưa biết chỉ dạy anh và anh cũng chưa bao giờ nhận thức được, thì còn nói chi đến những lý thuyết suông viển vông, trừu tượng về Mác Lê, về chủ nghĩa xã hội…Liệu anh có hiểu gì không ? Có phân biệt được điều gì đúng, điều gì sai hay không ?

Và chẳng đợi Trung có phản ứng, tôi khẻ để tay lên vai đẩy nhẹ anh về phía trước và chúc anh về ngủ ngon ! Như còn đờ người trong kinh ngạc, thích thú, anh chỉ ừ ừ hử hử không nói gì thêm và ngoan ngoản lặng lẽ trở về khu của cán bộ. Có lẻ vì cuộc « khám phá » bất ngờ và vô cùng lý thú vừa qua nên anh đã mất hết phản ứng. Tôi trở vào lán, hít một hơi thật dài và thở ra từ từ như để trút bỏ nỗi bực dọc nặng nề. Khi đã bỏ dép trở lại ngồi bẹp trên manh chiếu đã bắt đầu rách, tôi mới bật cười thành tiếng. Mà không cười thế nào được, không cười là mất một dịp vui đáng nhớ. Anh em quanh tổ đều thắc mắc muốn biết tôi đã nói gì với Trung mà lại thấy tôi cứ chỉ tay lên trời. Tôi chỉ cười hẹn sáng hôm sau đi lao động sẽ kể cho nghe, bây giờ đã 21 giờ sắp tắt đèn, lo đi ngủ cho được việc.

Sau phần lý thuyết về Mác Lê, về chủ nghĩa xã hội, về tính khoan hồng nhân đạo của Cách Mạng, tên chính ủy quay sang trách Lê Đức Thịnh vẫn còn ngoan cố, chưa chịu nhận thức đúng đắng về những tội lỗi tày trời mà « nước biển Đông không đủ để rửa sạch », nay lại còn thêm hành vi phản động âm mưu chống phá Cách Mạng…Hắn ta không quên đưa cao lá thư của Thịnh cho mọi người nhìn thấy như để nhắc nhở rằng bằng chứng cụ thể đang nằm trong tay. Phần lớn thời gian hắn ta chỉ dùng vào việc lý thuyết, trách cứ và lên án Thịnh. Hắn ta chẳng hỏi Thịnh được mấy câu, nhưng câu nào cũng buộc Thịnh trả lời bằng có hay không, đúng hay sai, tuyệt nhiên không để cho anh một cơ hội nào giải thích hay tự biện bạch. Đôi lần Thịnh cũng cố ý phá lệ nói thêm về một vài điểm mà anh bị cáo buộc, nhưng anh liền bị chỉnh ngay tức khắc và được nhắc nhở là anh không được dài dòng. Giọng của tên chính ủy càng lúc càng trở nên gay gắt, đôi khi như quát tháo. Sau gần 45 phút, hắn ta mới chịu ngưng và quay sang thì thầm hội ý với các đồng chí trên bàn chủ tọa. Trong phòng xử, một bầu không khí im lặng hết sức nặng nề vẫn bao trùm lên những người tù dự khán. Ý kiến trao đổi xong, tên thủ trưởng lại lên tiếng :

- Toà tạm ngưng giây lát để nghị án.

Tất cả mọi người chưa kịp chuẩn bị đứng lên rời phòng xử, thì một « sự cố kỹ thuật » xảy ra ngoài dự tính của mọi người, đặc biệt là của toà : khi tên thủ trưởng chưa hoàn toàn dứt lời, bất ngờ ba tên cán binh ngồi bên phải tên y tá đồng loạt đứng lên phóng nhanh đến túm lấy Lê Đức Thịnh. Cả ba đều rút trong túi quần ra một mảnh vải trấng. Một tên bịt mắt, một tên bit miệng và một tên cột hai tay của Thịnh thúc ké ra sau lưng. Ai có phần vụ nấy. Họ hành động hết sức nhịp nhàng, thuàn thục và nhanh nhẹn đến độ anh Thịnh hầu như không kịp có bất cứ một phản ứng nào. Và cả đến các quan toà cũng kinh ngạc trong giây lát trước khi tên chính ủy có được phản ứng, nhổm người lên ra lịnh như quát tháo 

- Các đồng chí làm gì thế ? Mở ra ngay ! Toà chỉ tạm ngưng để nghị án, các đồng chí trở về chổ.

Ba tên cán binh lật đật cởi trói, mở miệng, mở mắt cho Thịnh và lặng lẻ trở về chổ ngồi, bẻn lẻn như kẻ trộm vừa bị bắt quả tang. Trên bàn chủ tọa tên chính ủy ngả người ra ghế, ngửa mặt nhìn lên mái nhà, hai tay đưa lên cao nhưng chỉ được nửa vời lại bỏ rơi trở xuống mặt bàn biểu lộ sự bực dộc, chán nản. Hắn ta có vẻ rất bối rối, không biết phải nói năng ra sao. Tên thủ trưởng thì ngồi lặng im, có vẻ « đực người ra » ; chắc là hắn ta rất sượng sùng với hai đồng chí từ trung ương đến chứng giám.

Khi đã ra hết ngoài sân trả lại sự yên lặng cho toà nghị án, tất cả tù cải tạo đều rất xôn xao về sự cố kỷ thuật rất có ý nghĩa trên. Rồi sự lo âu, nỗi buồn bã dần dần xâm chiếm trọn vẹn mọi người. Tôi bổng nghe trong người như có một loài thú dữ đang từ từ vùng lên muốn phá vở lòng ngực để thoát ra…

Mười lăm, hai mươi phút sau, toà tái nhóm. Tôi trở về hàng ghế đầu. Bên phải tôi vẫn là tên y tá với « blouse » trắng và ống nghe trong túi, và bên phải của hắn ba tên bộ đội vẫn giữ nguyên vị trí. Đến lúc bấy giờ cái ống nghe của tên y tá mới thật sự thu hút sự chú tâm suy nghĩ của tôi, và tự nhiên tôi nghe tim se thắt. Tuy vậy tôi vẫn bám víu vào ảo vọng rắng CS bây giờ chắc cũng phải có phần biến chuyển vì dù sao giờ đây cũng chỉ còn có Nam với Bắc.

Bốn vị quan toà trở lại bàn chủ tọa. Từ giây phút nầy, chính ủy là nhân vật chủ yếu trong giai đoạn quyết định của phiên toà. Hắn ta tóm lược lần chót sự việc, nhắc lại tội « trời không dung, đất không tha » của anh Thịnh và của cả bọn Ngụy, đề cao tính khoan hồng nhân đạo của Cách Mạng v.v…Hắn dong dài một lúc khá lâu trước khi ngưng lại uống một ngụm nước. Sau khi chẫm rãi đặt ly nước xuống bàn, hắn khẻ hất hàm về phía ba tên bộ đội ngồi cạnh tên y tá như để ra hiệu, rồi mới từng tiếng một tuyên án Lê Đức Thịnh :

- …Tội tử hình !

Lần nầy ba tên cán binh còn nhanh hơn lần trước nhiều. Khi ba tiếng « tội tử hình » chưa hoàn toàn thoát ra khỏi miệng tên chính ủy thì cả ba đều đã bay đến bên cạnh Lê Đức Thịnh đứng cách đó không quá ba bước. Chúng hành động chớp nhoáng và thô bạo như một bầy dã thú vồ mồi. Và khi tên chính ủy chấm dứt ba tiếng ác nghiệt lạnh lùng nhưng có hiệu lực của một tiếng sét ngang đầu của bản án thì anh Thịnh đã không còn có thể có bất cứ một phản ứng nào nữa. Tiếng la hét cúa anh chỉ còn là tiếng ú ớ nghẹn ngào sau chiếc khăn trắng đã bịt chặt kín miệng anh. Anh cố gắng vùng vẩy cũng vô ích vì sức anh không cỏn đủ để giúp anh thóat khỏi sức kềm chế của ba tên bộ đội khỏe mạnh đang tức tốc lôi kéo anh về hướng cửa hậu của phòng xử và đẩy anh ra sân mất dạng.

 Anh em bạn tù còn lại trong phòng xử vì chưa có lịnh giải tán đều như còn trong cơn mê hoảng, ngơ ngác nhìn nhau chưa hiểu, chưa tin, chưa hoàn hồn như vừa bị sét đánh lầm ! Bốn tên quan toà điềm nhiên thu dọn giấy tờ, trao đổi nhau vài ba câu rồi kéo nhau rời phòng xử theo cánh cửa mà anh Thịnh vừa được lôi ra. Nhửng người tù dự khán cũng lần lượt rời phòng xử với trọn vẹn nỗi bàng hoàng. Họ lặng lẽ theo cán bộ hướng dẫn trở về từng T. Mải một lút lâu sau mới nghe họ bắt đầu bàn tán xôn xao, càng lúc càng ồn ào. Tâm tư tôi miên man trong lo âu buồn bực, chán ngán, uất giận. Tôi tự hỏi không biết bao giờ chúng nó mới thi hành bản án. Và liệu chúng nó còn « mời » tôi và một số bạn tù đến dự khán nữa không ?

Nhưng một tràng AK dòn dã nổ vang từ phía sau lưng đoàn tù vọng lại. Như một cái máy hết xăng, đoàn người tự động dừng lại, quay mặt về phía sau như để tìm xem anh Thịnh ra sao. Nhưng có ai thấy được gì ngoài những căn nhà tiền chế che kín khu đất hoang nằm sát ngoài vòng rào ở về phía Đông Nam của trại. Sau giây phút sửng sốt, mọi người đều lắc đầu thở dài, kẻ cúi đầu, người ngẩng mặt nhìn trời cao…Tôi có cảm tưởng trái đắt nầy và khung trời kia không đủ để chứa nỗi uất ức, chán chường, ghê tởm của họ. Họ không còn xôn xao nữa vì họ không còn gì để bàn tán. Họ âm thầm trở về doanh trại trong sự im lặng lạnh lùng tang tóc phi lý.

Khi trở về tới phần đất của T1, các bạn tù ai về lán nấy. Đa số các bạn trong lán đều vây quanh những người đã được mời dự phiên toà để hỏi thêm một số chi tiết về Lê Đức Thịnh, về các quan toà, về đủ mọi chuyện bên lề, và đặc biệt là về loạt AK mà mọi người đều nghe nhưng không rõ lắm. Tuy không ai có thể xác định được gì, nhưng tất cả đều tin chắc là anh Thịnh đã ra người thiên cổ.

Đã tới giờ cơm trưa, mọi người lo đi lảnh phần ăn như thường lệ, nhưng hôm nay thì chẳng còn ai thấy đói như mọi khi. Ăn thì ăn vậy, nhưng ai cũng có vẻ lo ra và bàn tán nhiều về loạt súng AK. Ai cũng trông ngóng, chờ đợi một tin « chính thức », một tin xác thực về số phận của Lê Đức Thịnh, mặc dù không biết tin đó sẽ do ai mang đến và bao giờ.

Tối hôm đó, trong buổi sinh hoạt lán, quản giáo Trung chỉ xác nhận : bản án của anh Thịnh đã được thi hành ngay sau phiên toà. Hắn ta không cho biết thêm một chi tiết nào khác. Tất cả những câu hỏi quanh vấn đề đó hắn đều tránh không trả lời. Trước khi chấm dứt buổi sinh hoạt ngắn ngủi và buồn tẻ, Trung nhỏ nhẹ nhắn nhủ anh em :

- Tôi khuyên các anh nên thận trọng và nhận thức đúng đắn tình cảnh hiện tại của các anh.

Trung có vẻ như còn muốn nói gì thêm, nhưng do dự giây lát rồi lại thôi và bảo anh em cùng hát « Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng… » rồi bỏ ra về, để mặc anh em tiếp tục hát với nhau. Sau đó anh em dùng thời gian còn lại bàn ra tán vào, đủ mọi giả thuyết. Anh em vây quanh tôi và 4 tổ trưởng đặc câu hỏi không kịp trả lời. Khi nghe kể về « sự cố kỹ thuật » của ba tên bộ đội đã hố trong nhiệm vụ trói tay, bịt mắt, bịt miệng can phạm, anh em đều chửi thề ! Nhưng sau đó, sự lo sợ đã xuất hiện ở một số tù cải tạo. Đêm hôm đó, tiếng thì thầm bàn tán kéo dài rất khuya. Tôi nghe có tiếng thở dài…Tôi trằn trọc, trăn trở, « thương cho người rồi lạnh lùng riêng », đến khuya lắm mới thiếp đi…

 Sáng hôm sau anh em lại đi lao động như chẳng có việc gì xảy ra. Một toán đi cuốc ở sân bay, một toán xuất trại đi về phía bên kia đường liên tỉnh để kiếm củi cho nhà bếp, và cũng thừa dịp tìm luôn thân nhân. Suốt trong 6 tháng đầu, tù cải tạo không được viết thư cho gia đình, nên ngày nào Long Giao cũng có rất nhiều « du khách » lai vãng, nhứt là chung quanh trại cải tạo. Du khách đây chỉ toàn là thân nhân của tù, đa số là các bà xả giả dạng thường dân ! Họ mượn (hay mướn ?) áo quần bà ba đen của dân địa phương, đầu đội nón lá củ kỷ (cũng của dân địa phương) để cố che dấu tông tích. Nhưng chỉ có dấu đầu lòi đuôi thôi chớ có dấu gì được ai đâu ! Chỉ cần nhìn qua cốt cách, dáng điệu đi đứng, nhứt là đôi bàn tay mịn màng, nuột nà là đủ biết ! Chưa kể những gót son còn trắng hồng mà guốc dép gì cũng không che, không giấu được trọn vẹn nét đài các vẫn còn sót lại của thời vàng son.

Nhưng đặc biệt toán kiếm củi hôm đó tìm thân nhân thì ít, mà tìm bạn tù các T khác thì nhiều. Không ai nói ra nhưng tất cả đều muốn biết rõ hơn về vụ bắn Lê Đức Thịnh. Những ai ở lại trại lo việc hậu cần, làm vệ sinh doanh trại cũng nôn nóng, họ trông đợi các toán lao động bên ngoài trở về với hy vọng họ thâu lượm được thêm tin tức. Quả nhiên, chỉ cần một buổi sáng là tin tức đầy đủ, chính xác hơn, như mọi người mong muốn.

Trên mặt nổi, VC công khai tổ chức rầm rộ phiên toà xét xử Lê Đức Thịnh, có sự tham dự của tất cả các « đại diện » tù cải tạo trong toàn trại. Số tù không được dự trực tiếp phiên toà được cán bộ quản giáo hướng dẫn tập trung lên hội trường để họ « có khả năng » theo dõi phiên toà qua trực tiếp truyền thanh. Trên mặt không nổi nhưng cũng không hẳn là chìm, VC đã chỉ định một toán tù cải tạo của một T nào đó không rõ làm công tác đặc biệt ngay trong buổi sáng sớm hôm xử Lê Đức Thịnh. Công tác đặc biệt nầy là đào một cái huyệt trên một khu đất hoang ở gần ngoài bìa ranh, về hướng Đông Nam của trại. Đồng thời, theo lời của toán công tác đặc biệt, VC cũng đã đặt mua một cổ quan tài loại « chiếc hòm chân nhang » rất thô sơ. Buổi sáng hôm đó, quan tài đã được chở đến « pháp trường » khi toán công tác đặc biệt chưa hoàn toàn đào xong huyệt. Khi xong việc, toán nầy được dẫn trở về trại ngay. Khi đó họ không hề nghĩ ngợi, nghi ngờ gì cả. Cho đến khi loạt AK nổ dòn chưa đầy 5 phút sau khi nghe tuyên án tử hình Lê Đức Thịnh, họ mới giựt mình thoát ra khỏi đám mây mù, và thấy rõ, hiểu rõ mọi sự : phiên toà chỉ là một trò lừa bịp ! 

Đối với CS mà đa số gồm giai cấp ngu đần, cuồng tín, mang nặng mặc cảm và bất mãn, ganh ghét hận thù đối với giai cấp tương đối thành công hơn họ, khá giả hơn họ, phương tiện hay nhứt để đảo ngược tình thế một cách mau chóng giúp họ đạt đến danh lợi vẫn là bạo lực, được họ khoát cho mỹ từ : bạo lực cách mạng ! Bản chất bạo ngược đó, CS không hề thay đổi, từ bỏ vì đó là bản chất của giai cấp vô sản ! Tiếc thay, cho đến hôm nay vẫn còn có nhiều, rất nhiều người đã từng ở trong hàng ngũ của chúng ta, giả đui giả điếc hợp tác với CS dưới bất cứ hình thức nào, chỉ vì lợi lộc riêng tư ; hay tệ hại hơn, chỉ vì ảo tưởng của một chút hư danh. Khoa bảng cao, sao họ không học được một chút đạo đức nào của tổ tiên ?

Tiếc lắm thay !

Clermont Ferrand

Mùa Xuân 2001

Đông Vân
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn