BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77514)
(Xem: 63336)
(Xem: 40784)
(Xem: 32413)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tuân

14 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 1975)
Tuân
58Vote
41Vote
30Vote
20Vote
12Vote
4.211
Tân để tôi nghỉ ngơi, trở về chổ ngủ lục trong bao cát lấy ra một bao nhỏ đậu xanh cà, mấy tán đường rồi trở lại kéo chân lôi tôi dậy. Tôi tiếc rẻ chui ra khỏi chăn ấm, xỏ chân vào đôi dép râu của nhà vô địch bóng bàn Lê văn tiết làm tặng, uể oải theo Tân bước ra khỏi phòng, xuyên qua một khoảng sân đi về hướng đội 2. Chiều nay có vài anh em rủ rê Tân và tôi đến ăn chè, uống trà và tán gẩu gọi là để mừng Giáng Sinh vì hôm nay là chiều 24 tháng chạp (1976).

Từng nhóm năm ba, những người tù cải tạo quay quần quanh những « lò đạn pháo binh » (những cái lò làm bằng chui đạn pháo binh) với những lon « gô » (lon sữa Guigoz) đậu xanh nấu đường, hay nước trà thơm phức mà gia đình đã mang lên trong lần thăm nuôi. Mọi người vui vẻ cười nói…nhỏ nhẹ như tiếng lá xào xạc trong gió chiều ! Kẻ tọc mạch muốn biết họ đang nói gì với nhau phải đến thật gần mới mong nghe ngóng được. Thời gian 18 tháng cải tạo vừa qua cũng khá đủ để cho người tù học thêm được một ít khôn ngoan, cẩn trọng.

Vì mải mê nấu chè, pha trà nên chẳng ai để ý đến tên bộ đội vai mang AK đang dẫn Tuân đi về phía giếng nước nằm bên ngoài khoảng sân trống của đội 2. Tuân là một sĩ quan cải tạo còn trẻ, rất phản động, nóng tính, hay phát biểu bừa bải nên bị biệt giam vào conex. Cái « chuồng » của Tuân mỗi cạnh dài 2 thước được đặt trên một khoảng đất trống cách các lán của tù cải tạo vài ba mươi thước. Tuân « nằm ấp » đã được mấy tháng nay nên trông anh ốm yếu xanh xao, khẳng khiu hơn cả vóc dáng ốm đói của tên bộ đội đang dẫn độ anh. Trong ánh chiều tà nước da của Tuân càng thêm tái nhạt, người của anh như dẹp lép trong chiếc áo trận màu xanh, dẹp như chiếc bóng đang chảy dài dưới chân phía trước mặt anh. Tuy kẻ trước người sau nhưng hình như Tuân và tên bộ đội đang cải nhau, hay đang gây gổ với nhau thì có lẻ đúng hơn vì cả hai đều không nói năng với nhau nhỏ nhẹ. Chẳng ai biết họ cải nhau vì chuyện gì, chỉ giựt mình im lặng giây lát để theo dõi khi cả hai đều bổng lên giọng lớn tiếng. Giọng tên bộ đội có vẻ giận dữ chửi bới theo đúng bài bản :

- Bọn Ngụy chúng mầy chỉ biết sống trên đầu trên cổ nhân dân, bóc lột nhân dân, liếm giày đế quốc…

Giọng như quát tháo, Tuân cướp lời không cần biết đến hậu quả :

- Câm cái mồm thối của mầy lại ngay ! Bọn cộng sản chúng mầy, đầu xỏ là tên giặc Hồ, toàn là đồ ngu xuẩn, chỉ biết cúi đầu vâng lịnh quan thầy Nga Tàu, sát hại đồng bào không biết gớm tay !…

Khi thoáng nghe được lời của Tuân vừa phát ra, tôi sửng sốt, kinh hoàng. Tôi tự hỏi có lẽ nào Tuân lại không biết cái bản chất của kẻ thù trước mặt, nhứt là cái tính chất thần thánh của tên giặc Hồ ? Tuân có chửi rủa tên bộ đội thế nào cũng được, nhưng khi xúc phạm đến thần tượng Hồ Chí Minh nặng nề như vậy thì Tuân e khó thoát khỏi cái án tiền trảm hậu tấu của cộng sản.

Tên bộ đội cầm báng súng đưa lên như muốn đánh vào người của Tuân, Tuân nhanh nhẹn quay người lại thủ thế. Tên bộ đội ngập ngừng do dự rồi cuối cùng hạ súng xuống. Cả hai kẻ thù địch lại im lặng tiếp tục đi về phía giếng nước lúc bấy giờ đã vắng người. Tuân tắm thật nhanh có lẻ vì lúc đó trời đã bắt đầu lạnh hơn, cơn gió chiều đã nổi lên lay động cành cây ngọn cỏ. Chờ cho Tuân mặc quần áo xong, tên bộ đội dẫn Tuân trở về chuồng sắt. Cả hai đều im lặng, cái im lặng hết sức nặng nề đang đè lên tâm tư những người tù cải tạo đã châm chú theo dõi nội vụ với ít nhiều thích thú lẫn âu lo. Mãi một lúc sau, khi tên cán binh đã quay trở về khu của bộ đội, tôi mới nghe tiếng các bạn tù nổi lên thì thầm bàn tán.

Giây lát sau mọi việc như chìm vào quên lảng ; mọi người lại tiếp tục chuẩn bị đón mừng Giáng Sinh, cái Giáng Sinh thứ hai trong tù. Vì không có cha tuyên úy nên không có thánh lể…lén ! Những người tù công giáo hợp nhau từng nhóm nhỏ để cùng thì thầm đọc kinh cầu nguyên. Tân cùng tôi và đôi ba người bạn thân cũng bỏ mặc lon gô chè trên lò đạn pháo binh, ngồi lại quanh chiếc bàn nhỏ lâm râm khấn nguyện. Năm bảy phút sau, khi những lời nguyện thầm đã được nhắn gởi cho gió chiều mang lên tận chốn trời cao, lon chè đậu xanh cũng vừa chín tới. Tôi lặng yên lơ đảng thổi vào chén chè đang bốc hơi nghi ngút, trong lúc các bạn đang bàn trở lại về chuyện vừa qua. Lắng tai theo dõi nhưng tôi không nói một tiếng nào, và né tránh không trả lời những câu hỏi của các bạn đặt ra. Thấy tôi trầm tư, yên lặng có lẽ Tân nghĩ rằng tôi đang luyến tiếc Noel của thời vàng son nên Tân nghiêng người về phía tôi cười nói như trêu chọc :

- Nầy, nầy, phải ngoan hơn một chút, đừng có chơi cái trò người hùng phản động thì giờ nầy đang ở nhà ăn Noel với vợ con có phải sướng đời hơn không ?

Tôi chỉ nhìn Tân mỉm cười rồi cùng nhau nhắc lại kỷ niệm của những đêm Giáng Sinh còn mặc đồng phục trắng, thắt cà vạt xanh da trời với ba sọc trắng của Hiệp Hội Thánh Mẫu, cùng dự thánh lễ ở sân trong của trường Taberd, trang nghiêm và ấm cúng làm sao. Nhớ nhứt là những lễ đêm về sau nầy khi tôi đã lên ban tú tài, trong lúc mọi người đang im lặng xếp hàng chờ rước mình thánh Chúa giửa trời khuya lạnh lẽo, « ông Nội », tức sư huynh Théophane, đã chỉ định tôi đọc tấu vĩ cầm bản Đêm Thánh Vô Cùng với tiếng nhạc đệm harmonium của ông. Trước hàng trăm người đang đấm minh trong những nguyện ước thầm lặng, tôi say sưa « cưa kéo » và thả hồn theo tiếng đàn nhẹ nhàng bay lên tận dãy Ngân Hà trên cao. Tôi cũng không quên kể cho Tân nghe « tai nạn » một đêm Giáng Sinh của thời còn lang thang tóc mây cài trên bốn vùng chiến thuật. Giáng Sinh năm đó đoàn Quái Điểu (TĐ1/TQLC) dừng chân ở một xóm nhỏ cách quận Gò Quao không bao xa, trong địa phận tỉnh Cà Mau. Như thông lệ, người lính chiến được phép nghỉ bóp cò 48 giờ nhờ có hưu chiến với giặc cộng. Xóm nhà chỉ có năm ba mái lá nằm rải rác trên mấy thửa ruộng đầy ấp nước. Những căn nhà bề ngoài trông rất bình thường, nhưng khi bước chân qua ngưởng cửa mới thấy không khí sặc mùi chiến tranh : bên trái cửa ra vào là một bộ ván vừa cho ba người nằm được kê sát góc nhà. Bên góc phải là một cái tủ đứng hết sức đơn sơ dùng chứa áo quần, chăn mùng…Kế bên là một cái kệ với một ít chén dĩa, muổng đủa, chảo nồi…Gần bên cửa sau là nhà bếp. Phần lớn còn lại của căn nhà là hầm trú ẩn, một loại hầm nổi tô bằng đất trộn rơm dày độ hơn năm bảy tất, cao đến sát mái nhà ; cửa hầm ngó ngay ra nhà bếp, sau chiếc bàn ăn nhỏ với hai ba cái ghế. Nhìn cái hầm tôi có cảm tưởng như giửa nhà có một gò mối khổng lồ. Quanh nhà có một hàng dậu tươi tốt, cách nhà độ vài ba thước. Có một điều làm cho lính chiến chúng tôi thắc mắc : cả xóm đều vắng hoe, không có đến cả bóng dáng một con chó, một con mèo. Dân chúng đã bỏ đi đâu ? theo lịnh của ai ? Đề cao cảnh giác, một phản ứng tự nhiên của những người ngày ngày kề vai sát cánh với tử thần, với VC vô cùng tráo trở, không thể tin được, toán quân y đã chia nhau ra lục soát và canh gát cẩn thận quanh nhà. Sau khi nhận đủ phần tiếp tế đặc biệt cho dịp nầy, anh em xúm nhau vào cùng lo việc bếp núc, và có phần lảng quên việc canh phòng. Nhưng từ trưa cho đến xế chiều mọi việc đều êm xuôi. Rồi bửa cơm chiều khá thịnh soạn với thịt ba chỉ tươi thay cho thịt ba lát hộp đã qua trong vui vẻ, bình an trước khi mặt trời khuất sau hàng dậu. Thầy trò rời bàn ăn, ai lo việc nấy. Tôi vừa quay gót trở lên nhà trên thì thấy một anh y tá chụp lấy cây M16 dựng cạnh bên bếp và nhẹ nhàng phóng nhanh ra bờ dậu phía sau nhà. Rồi một y tá khác cũng lẹ làng cầm súng bay theo ra góc rào đối diện.Giựt mình chẳng biết có chuyện gì, tôi vừa quay người lại nhìn ra hướng cửa sau thì đã nghe tiếng nổ chát chúa của một trái lựu đạn nội hóa cách chổ tôi đứng vài ba bước, ngay sau vách cạnh hầm trú ẩn! Nhờ vậy nên trái lựu đạn đã không gây một thiệt hại nào, chỉ có làm cho tôi thiếu chút nửa đã đứng tim ! Tiếp theo là tiếng quát tháo của hai anh y tá và tiếng M16 nổ dòn. Thì ra có hai tên du kích núp dưới con rạch cách khu ruộng sau nhà, chờ lúc tranh tối tranh sáng của buổi hoàng hôn bò đến bên hàng dậu để cắn trộm. Nhưng vì mùa đó ruộng có nhiều nước nên khi hành động hai tên du kích đã gây tiếng động dù không đáng kể đối với kẻ bàng quang nhưng đối với người chiến binh đã từng trải thì hai tên du kích kia không qua được mắt họ. Khi biết mình bị lộ, họ quăng bừa quả lựu đạn vào nhà rồi chém vè. Nhưng chỉ có một tên thoát kịp đến bờ rạch và lặn mất, tên còn lại đã bỏ xác tại chổ dưới hai lằn đạn chéo của hai cây M16. Buổi chiều Giáng Sinh năm đó đã thành buổi chiều sát sinh. Nhưng biết làm sao hơn, chúng nó đã muốn như thế. Tự nghìn xưa lề luật của chiến tranh vẫn tàn ác : bắn hạ hay bị hạ…

Trời đã tối hẳn và hình như không còn ai nhắc đến chuyện vừa xảy ra giữa Tuân và tên bộ đội nữa. Nỗi lo ngại vừa qua, niềm vui vừa mới đến, đột nhiên tiếng nói cười của đám tù lại lắng xuống như một lớp học có bóng thầy giáo bước vào ! Từ phía ban chỉ huy có bóng tên chính ủy đang lặng lẽ đi nhanh về phía đội 2, theo sau có một tên bộ đội mang AK. Không ai bảo ai nhưng tất cả bạn tù đều dán mắt vào hai tên việt cộng đang xuyên qua khoảng sân tối, lần theo con đường mòn thẳng ra hướng chuồng sắt của Tuân. Linh cảm chuyện chẳng lành tôi nghe hồi hộp trong lòng, và cố hết sức để quan sát từng cử chỉ của hai tên việt cộng được tới đâu hay tới đó vì khoảng cách cũng khá xa, đêm lại đã tối mù. Tôi bồn chồn nghe ngóng, chờ đợi xem chuyện gì sẽ đến với Tuân.

Hai tên VC không để chúng tôi chờ lâu : một loạt AK nỗ dòn được chúng bắn xả vào lồng sắt nơi Tuân đang nằm nghỉ và chắc chắn là lúc đó anh không hề ngờ rằng câu chuyện ban chiều lại có thể có một hậu quả hết sức phi nhân, phi lý đến như vậy. Khi nghe tiếng AK nỗ, tôi bổng cảm thấy như có một viên đạn đã xuyên qua tâm qua não của tôi. Tim tôi se thắc, đầu óc quay cuồng. Tôi chợt nghe một cơn giận dữ làm rung ly chè tôi đang cầm trên tay. Tôi như muốn bóp nát cái ly ấy và hét lên một tiếng thật lớn cho lòng ngực được nhẹ đi. Nhưng tiếng hét đã đến từ người sĩ quan trẻ vừa bị xử tử hụt, trước sự kinh ngạc lẫn vui mừng của tất cả tù cải tạo.

- Bớ anh em ! Việt cộng nó bắn tôi ! Chúng nó muốn giết tôi !

Nhưng họng súng AK đã lấn át tiếng la của Tuân. Sau loạt nỗ thứ hai, một sự im lặng rợn người đầy tử khí trùm kín cái lồng sắt của Tuân và cả toàn trại T5. Đêm Giáng Sinh 1976 trong trại Hốc Môn cũng đã biến thành đêm sát sinh ! Cũng như chiến tranh, từ nghìn xưa cái ngu si, dốt nát, lòng tham không đáy vẫn là cái đại họa cho nhân loại.

 Sáng sớm hôm sau, tôi vẫn thức dậy lúc 5 giờ như thường lệ, đi « thăm lăng Bác » rồi ra giếng đánh răng, rửa mặt và tập chút thể dục. Tôi bổng nhận ra là toàn trại sáng hôm đó cũng đã dậy sớm hơn thường lệ, nhưng đa số đều nằm yên trong chăn, thì thầm bàn tán về số phận của Tuân. Khi trời hừng sáng, đã thấy nhiều bạn tù tụm năm, tụm ba tự đặt ra nhiều nghi vấn mà không ai tìm được giải đáp. Cũng không có ai dám mon men đến chuồng sắt của Tuân để xem động tỉnh ra sao. Tôi ngồi xếp bằng trầm tư trên chiếc hòm khổng lồ của Công binh ngày xưa dùng để chứa dụng cụ và nay tôi dùng làm giường ngủ. Tân đến ngồi bên cạnh, thầm thì hỏi tôi vài câu, nhưng tôi chẳng nói năng chi, trong lòng buồn bã nên không muốn mở miệng. Cả hai yên lặng ngồi bên nhau cho đến khi Tân thấy bóng tên quản giáo đang đi về phía tổ 3 tìm tôi (tôi là tổ trưởng) để giao công tác trong ngày. Tôi bỏ hai chân xuống đất, vươn vai, lấy lại vẻ bình thản chờ tên quản giáo đến. Tên quản giáo nầy người miền Nam, ít nói, có vẻ như e dè, nhút nhát mỗi khi phải tiếp xúc với Ngụy cải tạo. Trong số bạn tù có người đã nhìn ra anh ta. Tên của anh ta là Thương hay Thường gì đó. Trước 1968 anh ta là một hạ sĩ quan (hình như là thượng sĩ) của sư đoàn 5. Biến cố Tết Mậu Thân đã đẩy đưa anh ta về phía bên kia chiến tuyến. Có lẻ vì lý do đó cho nên bây giờ mỗi khi đứng trước hàng quân gồm toàn thượng cấp cũ, anh thấy khớp.

Tên quản giáo bước lên bực thềm và dừng lại nơi ngưởng cửa. Chưa bao giờ anh ta bước chân hẳn vào trong phòng của tổ 3, ngoài những giờ học tập thảo luận. Tôi chẳng buồn đứng lên tiếp đón theo đúng qui định, mà chỉ ngồi bên mép hòm lặng lẽ chờ lịnh, vì chiếc hòm của tôi được đặt ngay sát cửa ra vào. Có một điều tôi không hề chờ đợi ở tên quản giáo mà lại đến với tôi một cách hết sức bất ngờ, thích thú : anh ta đã báo cho tôi biết là Tuân đêm qua chỉ bị thương nặng ở hai chân chứ không chết. Khi anh ta đã quay đi, tôi vẫn còn ngồi yên lặng bất động, cúi mặt nhìn xuống đất thở ra một hơi dài như để trút bỏ một nỗi lo âu nặng nề đang đè lên tâm trí, và vụt mỉm cười một mình. Tên quản giáo vừa giúp tôi trút bỏ được một nỗi buồn lo, nhưng lại gây cho tôi một điều thắc mắc khác: tại sao hắn ta lại báo cho tôi tin vui đó ? Hắn nghĩ gì và muốn gì ?...Tân dù đã trở về chổ ngủ để tôi một mình với quản giáo, nhưng Tân không bỏ sót một cử chỉ nào của hai chúng tôi. Trước thái độ hơi lạ lùng của tôi, Tân bước lại vổ vai tôi và hỏi dồn dập :

- Sao ? Có gì vui? Có gì hấp dẫn? Sao mầy lại cười ? Bộ thằng Tuân chưa chết hả ?

Tôi ngảng lên nhìn Tân đáp khẻ :

- Ừ, Tuân chưa chết, chỉ bị thương ở chân, có lẻ cả hai chân.

Tân tự nhiên bật cười. Và chỉ trong chóc lát cả đội đều hay biết tin vui. Tôi chán nản nghĩ thầm : anh em lại vui mừng khi biết Tuân bị thương ở hai chân, suốt đêm cho đến sáng nay không hề có ai săn sóc !

Sự vui mừng của mọi người không che giấu được nỗi lo âu chung : lo cho Tuân rồi đây sẽ đau đớn nhiều với vết thương không biết sẽ kéo dài trong bao nhiêu lâu, lo cho Tuân sẽ bị tàn tật sau nầy, và lo nhứt là trước mắt không biết Tuân có đủ sức để chống chọi với thương vong…Riêng tôi, tôi hết sức lo sợ vết thương sẽ nhiễm trùng làm độc vì không đủ thuốc men, phương tiện để chửa trị ; sinh mạng của Tuân như chỉ mành treo chuông. Mọi người tuy bàn tán có lúc lớn tiếng công khai, có khi đề nghị kéo nhau đến conex thăm Tuân, nhưng rồi chẳng có ai thực hiện. Tù cải tạo chỉ hướng mắt nhìn về chuồng sắt của Tuân và chờ xem ban chỉ huy trại xử trí ra sao. Lát sau đã thấy thủ trưởng T5 cùng với hai tên chính ủy đang rảo bước về hướng chuồng sắt. Cả ba tên dừng lại trước cửa chuồng, quan sát, chỉ chỏ, bàn tán với nhau một lút khá lâu mới quay trở về.

Chờ cho bọn họ đi khuất, vài ba người tù cải tạo liều lỉnh rủ nhau đến thăm Tuân vì họ vẫn không tin rằng Tuân còn sống sót sau loạt đạn thứ hai do tên cán binh đứng ngay trước cửa chuồng cách Tuân không quá đôi ba bước. Khi đến trước conex anh em mới chợt hiểu ra : thường khi Tuân vẫn nằm trên một chiếc võng giăng chéo góc trong chuồng sắt, đầu của anh hướng ra phía cửa để hứng chút gió mát, vì cánh cửa sắt bịt bùng bình thường đã được thay bằng một cánh cửa chắn song. Nhưng đêm qua vì trời trở lạnh và vần vũ muốn mưa nên Tuân đã xoay đầu vào phía góc trong và đưa hai chân ra ngoài. Khi tên cán binh được lịnh hành quyết Tuân, trời đã tối sẩm, trong conex lại tối tâm hơn, nên hắn đã nhắm vào phần ngoài của chiếc võng, nghĩ rắng sẽ bắn nát đầu và ngực của Tuân. Nhưng vì Tuân đã trở đầu nên hai chân lảnh đủ. Suốt đêm máu ra khá nhiều, đóng một vũng phía dưới sàn và làm khô cứng một phần chiếc võng.

Tôi được một vài anh em thân cận báo cáo khá đầy đủ về tình trạng của Tuân. Ngoài mặt tôi vẫn giữ vẻ bình thản như không, nhưng trong lòng lo lắng, suy tín về phương cách cứu chửa cho Tuân không thể chậm trể vì tôi dư biết rằng trại không có khả năng làm công việc đó. Tôi nghĩ sau loạt đạn thứ hai Tuân không còn lên tiếng nữa và VC tưởng rằng Tuân đã chết nên bỏ đi. Không ngờ Tuân chỉ bị thương, nhưng có lẻ anh đã chợt hiểu ra cái lỗi lầm chết người vừa qua nên đã lặng thinh giả chết để sống còn. Một khi đã không giết được Tuân đêm qua thì VC khó lòng tiếp tục cho Tuân một loạt đạn thứ ba giửa ban ngày. Nghỉ thế nên tôi lo tìm cách cứu chửa cho Tuân. Tôi đi quanh quẩn ngoài sân chờ xem động tỉnh từ phía ban chỉ huy trại. Đã 10 giờ sáng mà tôi vẫn không thấy một tên cán bộ nào bén mảng đến chuồng sắt của Tuân. Tôi nghĩ thầm hay là chúng nó sẽ để như vậy cho Tuân chết dần chết mòn ? và tôi bổng muốn điên tiết lên…Không riêng gì tôi mà đa số tù cải tạo cũng bắt đầu bày tỏ sự bất mản, và số cải tạo càng lúc càng đông ngang nhiên kéo nhau đến thăm Tuân. Đến khi đó mới thấy hai tên bộ đội đến đuổi đám Ngụy không cho tiếp xúc với Tuân, và đề nghị với Tuân đưa anh lên bịnh xá. Nhưng đã nghe Tuân lớn tiếng, cũng với giọng phản động liều mạng :

- Chúng bây đã muốn giết tao thì cứ để mặc tao, tao sẽ chết vì vết thương nầy. Tao không đi đâu cả và cũng không bao giờ tao để cho bọn ngu si chúng mầy chạy chửa cho tao !

 Hai tên cán binh lặng lẽ bỏ đi. Khi trời gần đứng bóng mới thấy một tên bộ đội khác đưa y tá đến săn sóc Tuân. Tên y tá xách túi đồ nghề bước vào trong conex và chỉ nghe Tuân thỉnh thoảng rên rỉ, chứ không còn lớn tiếng xua đuổi, chửi rủa nữa.

Tối hôm đó tôi thay hình đổi dạng, không mặc bộ bà ba đen xây dựng nông thôn như thường ngày, mà lại thay bộ đồ trận xanh mà khá lâu nay tôi không dùng đến kể từ khi gia đình đem cho bộ bà ba đen. Tôi mượn cái nón tai bèo tự biên tự chế của Tân bỏ lên đầu để che bớt mặt hầu tránh sự dòm ngó của đám bù tọt được tới đâu hay tới đó. Tôi lặng lẽ lẫn qua các đội khác bàn bạc cùng một vài bạn bè thân tín để tìm cách cứu chửa cho Tuân bằng mọi giá. Trọn ngày hôm sau tuyệt nhiên không thấy bóng dáng tên y tá đến thay băng cho Tuân. Tôi vô cùng bực bội và cả đêm trằn trọc suy nghĩ mà vẫn vô kế khả thi.

Hôm sau, dịp may đầu tiên tự nhiên lại đến : một người trong đội của tôi được quản giáo chỉ định mang cơm ngày hai bửa cho Tuân. Biết rằng đây là một dịp may nhưng lòng tôi vẫn còn nghi ngại : tại sao VC lại không giao công tác nầy cho đội nào khác mà lại chỉ định người trong đội của tôi ? Bọn chúng nó mưu đồ gì đây ? Muốn nhử tôi vào bẩy chăng ? Nhưng bẩy gì và để làm chi ? Sau một năm rưởi chung đụng với bọn nầy ít ra tôi cũng học được một điều bổ ích : muốn thắng hay ít ra là không thua VC thì phải đa nghi hơn cả…tía của Tào Tháo ! Tuy rất nghi ngờ, e ngại nhưng tôi cũng chụp lấy cơ hội, nhờ người bạn tù vừa được chỉ định mang cơm cho Tuân, quan sát các vết thương, thần sắc của Tuân và nếu được thì hỏi Tuân vài điều.

Sau lần công tác đầu tiên, anh bạn nầy cho tôi biết cái băng ở phía trên gối phải và giò trái ướt đẩm máu bầm den. Người của Tuân xanh như lá chuối. Ngoài ra anh bạn không nói năng gì với Tuân được vì có tên bộ đội kèm một bên cấm đoán. Biết rằng vết thương của Tuân rất trầm trọng, không thể chần chờ được, tôi liền quyết định đi tìm tên quản giáo của tôi nhờ hắn chuyển đến thủ trưởng T5 lời tôi yêu cầu được chạy chừa cho Tuân với những phương tiện riêng của tôi. Anh ta ngạc nhiên nhìn tôi có vẻ như tự hỏi không biết tôi có mad chưa mà đi yêu cầu một việc như thế. Nhưng hắn ta cũng chuyển lới yêu cầu của tôi. Đến xế trưa, khi tôi đang lom khom bên mấy vồng lan thì tên quản giáo đến bên tôi lúc nào chẳng hay và khẻ bảo tôi :

- Tôi tìm anh để chuyển lịnh của đồng chí thủ trưởng…

Tôi ngạc nhiên lập lại, vì trong lúc bất chợt tôi chẳng nhớ điều tôi đã nhờ hắn lúc sáng :

- Lịnh của thủ trưởng ?

- Ờ, lịnh của đồng chí thủ trưởng cấm cá nhân anh làm công tác y tế trong trường hợp nầy. Nếu cải lịnh anh sẽ chịu hình phạt gọi là để làm gương. Anh nghe rõ chưa ?

- Rõ.

Tôi bực mình nên đáp cộc lốc. Không cho thì thôi, cớ sao còn hăm dọa phạt tôi để làm gương ? Bị chọc tức nên tôi tự nhủ : đã vậy thì ông sẽ làm tới cùng để xem chúng mầy làm gì được ông. Phương tiện duy nhứt và quan trọng của tôi là người mang cơm cho Tuân. Anh sẽ đem nhận xét hàng ngày về cho tôi, từ thần sắc của Tuân cho đến diện tích bị nhượm máu của các băng ở chân, cũng như mùi hôi hay thúi mà anh có thể nghe thấy…Từ những dử kiện đó tôi có thể theo dõi diển biến của vết thương, tình trạng chung của Tuân…

Hai hôm sau, ngưòi đem cơm cho biết Tuân có vẻ mệt hơn và lên cơn sốt. Tôi rất lo nhưng biết làm sao. Trại vẫn chưa cho (hay không cho ?) y tá đến thay băng cho Tuân, lại còn ra lịnh cách bán chính thức cấm các bác sĩ Ngụy tìm cách chửa trị cho Tuân.

Đang lúc bực bội, bối rối thì dịp may thứ hai lại đến : ngoài vai trò anh nuôi, người mang cơm được giao thêm vai trò y tá ! Tội nghiệp anh bạn, khi được giao nhiệm vụ săn sóc vết thương cho Tuân, anh đà muốn xỉu ! Anh có bao giờ làm công việc nầy đâu mà bây giờ lại phải đối diện với một vết thương hết sức ghê gớm. Anh rất kinh hoàng nhưng không thể từ chối được. Cán bộ ở bịnh xá truyền khẩu cho anh vài ba điều căn bản về cách săn sóc vết htương, rồi trao cho anh một cái kéo, một cái kẹp, một ít gòn, băng vải và một chai nhỏ eau oxygénée. Anh mang các thứ khoe với tôi và khẩn cầu tôi giúp anh. Tôi trấn an anh và từ từ giải thích, chỉ dẫn để anh có thể ghi nhớ những bước căn bản trong cách tẩy rửa vết thương, cách băng bó, cách quan sát…Tất cả những gì anh nhìn thấy, ngửi thấy, anh phải ghi nhớ và báo cáo lại cho tôi đầy đũ và trung thực. Anh là một loại thiên lý nhản, thiên lý thủ của tôi vậy.

  Sau lần thay băng đầu tiên, báo cáo của anh đã làm tôi hết sức lo ngại : hai xương ống chân trái của Tuân bị bắn vở tan ở ngay phần giữa. Anh có gắp ra được hai miếng xương bể dài độ 5 phân đem về cho tôi xem ! Tân nhìn thấy thất kinh hồn vía ! Vết thương phần mềm nhầy nhụa ở mặt trong của giò trái dài gần 10 phân ; đùi phải có mấy vết đạn xuyên qua phía trên đầu gối nhưng không trúng phải xương. Mỗi ngày anh bạn mang cơm thay băng cho Tuân một lần, nhưng không có một viên thuốc nào cho Tuân cả, chẳng biết vì trại không có thuốc hay vì trại muốn như thế. Các bửa cơm mà anh bạn mang đến cho Tuân đều được cán bộ hướng dẫn khám xét cẫn thận trước khi mở cửa chuồng để Tuân tiếp nhận. Tên cán bộ dùng đủa xới tô cơm xem có gì khác bên trong, lon rau muống luộc hắn cũng thọc đủa vào gấp mấy cọng rau lên và trố mắt nhìn thật kỹ lon nước màu xanh xanh còn lại. Trong hoàn cảnh đó, chuyển được thuốc đến tay của Tuân quả là một kỳ công ! Thu góp số trụ sinh cần thiết đối với tôi không khó lắm. Tôi cùng một vài người bạn tin cẩn đã tổ chức ngay một cuộc lạc quyên thật kín đáo và nếu cần thì sẵn sàng trao đổi hay thu mua. Mọi việc phải được « bảo mật » tối đa đến mức không ai biết được kẻ đứng ra chủ trương là ai. Có như thế mới mong vô hiệu hóa được đám bù tọt và bảo đảm an toàn cho bọn tôi. Cái khó khăn cuối cùng và quan trọng nhứt là làm thế nào để chuyển số thuốc trụ sinh cần thiết đến tận tay của Tuân một cách an toàn. Mỗi lần đến thay băng anh bạn y tá bất đắc dĩ sẽ mang theo số lượng thuốc trong ngày và tìm cách để lại cho Tuân. Nhưng anh bạn đã phải đem số thuốc trở về vì tên cán bộ hộ tống bám sát, theo dõi quá gắt gao. Sau một buổi chiều bàn thảo, tôi và mấy người bạn rồi cũng tìm ra được diệu kế rất khả thi : dùng những tán dường để chuyển mấy viên nhọng trụ sinh cho Tuân. Vì tán dường khá dày nên có thể moi một lỗ cống nhét được hai viên thuốc vào rồi trám lại cẩn thận. Tên cán bộ kiểm soát khó lòng mà khám phá ra. Tuy nhiên vẫn chưa hết khó khăn : đầu tiên là làm thế nào để trại chấp thuận cho Tuân được nhận mỗi ngày hai tán đường ; kế đến là phải tìm cho đủ số tán đường để chuyển số thuốc cần thiết, và cái khó sau cùng còn có thể là một sự nguy hiểm : làm sao để lần đầu tiên Tuân đừng vội bẻ tán đường ra ăn trước mặt tên cán bộ kiểm soát ! Trong tù Ngụy được đường như khỉ thấy chuối. Khắc phục cái khó khăn nầy tôi chỉ có trông vào anh bạn mang cơm làm hiệu, làm dấu thế nào để Tuân hiểu được.

Hai tán đường đầu tiên, bên trong có 4 viên trụ sinh, được để ngang nhiên trên nấp lon gô đựng rau muống luộc. Tên cán bộ kiểm soát quả nhiên không hề lưu tâm đến. Anh bạn đã cố tình ngồi quay lưng về phía tên cán bộ và làm đủ loại dấu hiệu để lưu ý Tuân, nhưng chẳng biết Tuân có thấy, có hiểu gì không trong tình cảnh của anh. Theo lời của anh bạn thì Tuân có vẻ rất mệt nhọc, chẳng buồn ăn cơm chỉ uống chút nước rau muống luộc. Hai tán đường anh lấy để qua một bên ! Khi tên cán bộ khép cửa chuồng lại, anh bạn mang cơm thở phào nhẹ nhỏm ! Khi Tuân ăn tán đường anh sẽ rõ mọi việc và từ nay sẽ không còn nguy hiểm nào nữa, về mọi mặt.

Một tuần lễ sau, cơn sốt của Tuân đã qua. Tôi thấy có phần phấn khởi và bớt lượng thuốc xuống, cần tiết kiệm thuốc cho đường dài. Mặc dù có anh em đóng góp để bồi dưởng cho Tuân nhưng anh vẫn còn xanh lắm, người gầy hẳn đi. Cơn sốt không còn, giảm dược một mối lo, nhưng tôi không tin tưởng vào tiến trình bình thường của vết thương ở hai chân của Tuân. Sau gần một tháng điều trị, tôi và các bạn không còn tìm ra trụ sinh nữa, đành trông vào sự mát tay của anh bạn y tá bất đắc dĩ và thịt không độc của Tuân ! May thay, vết thương đã không làm độc, cũng không có biền chứng nào đáng ngại. Và hơn hai tháng sau các vết thương đều kéo da non và trên đà từ từ khép lại. Thật là ngoài ước mong của mọi người, đặc biệt là của tôi. Mặc dù mừng cho Tuân vừa thoát hiểm, nhưng tôi vẫn không vui : liệu rồi Tuân sẽ còn xử dụng được cái phần thân thể đã bị bọn người ngu si tàn bạo phá nát hay không ?

 Nhìn một người trai trẻ như Tuân bổng chóc trở thành phế nhân trong một hoàn cảnh hết sức phi lý, phi nhân, tôi cảm thấy uất ức phẫn nộ. Tôi suy nghĩ và lo cho tương lai xứ sở : dân tộc sẽ đi về đâu dưới sự lảnh đạo của lũ người cuồng tín, đầy hận thù lại ngu si dốt nát, tham lam…

Tháng ba tôi được lịnh chuyển trại, bỏ Tuân lại với số phận hẩm hiu. Tôi không còn lo cho sự sống còn của anh nữa, mà chỉ e ngại cho tương lai của anh : vừa qua tôi chỉ có trị vết thương được lành lặng nhưng tôi không có phương tiện nào để chửa chân của anh đúng mức để sau nầy anh còn xử dụng được trong việc đi đứng. Trong tình cảnh đó chắc chắn là xương ống chân của anh sẽ lành nhưng sẽ không dính lại với nhau và sẽ tạo nên một khớp giả : phần thân thể đó sẽ là một cục nợ, một hình phạt đau đớn cho Tuân. Nhưng đau nhứt chính là sự kém suy nghĩ của Tuân : hạ mình xuống gây gổ, đôi co với hạng ngu si lại đang nắm trọn quyền sinh sát mình trong tay chỉ có hại chứ nào được lợi lộc chi. Đâu phải vùng lên trong cung cách đó Tuân sẽ làm cho kẻ thù địch e dè kiêng nể. Đối với đám người ngu si đui mù dó chỉ có xem thường, đừng cố chấp và tìm cách mở mắt, chỉ dạy chúng nó thì sẽ tránh thiệt thòi cho bản thân lại còn có thể được lợi ích chung.

 Clermont Ferrand

 Mùa thu 1998 

 Đông Vân
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn