BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73344)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hãy phá vỡ khối nặng im lặng

22 Tháng Sáu 200112:00 SA(Xem: 1341)
Hãy phá vỡ khối nặng im lặng
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Những giòng viết sau không có mục đích, ý nghĩa giao tế, lịch sự trong một sinh hoạt văn chương chữ nghĩa, cũng không phải là "lời giới thiệu" về một cuốn sách vừa hoàn tất. Chúng ta không tập họp nhau nơi đây để làm công việc hình thức dễ dãi kia, Người Bạn chúng ta cũng không cần những lễ nghi bề mặt để mở đầu câu chuyện kể về toàn cảnh đời quá đỗi đắng cay, khắc nghiệt, với độ bi thảm vượt khỏi mọi ý niệm, mà chắc rằng không chữ nghĩa nào chuyên chất nổi - câu chuyện miên man, bất tận, cùng khắp dài theo khổ nạn quê hương - mà hiện tại, cơn phá hoại, nỗi thống khổ vẫn còn nguyên cường độ, nét, sắc đau thương, uất hận đối với mỗi đơn vị người Việt. Lẽ tất nhiên không tính tới những người chủ trương xóa bỏ, cố ý quên khuất.

Nhưng, nội dung được trình bày tiếp theo đây là tiếng lời hàm ân và bày tỏ lòng thống hối- Hàm ân một Con Người đã tự nguyện gánh khối nặng khốc liệt kinh hoàng mà chế độ cộng sản Việt Nam, bộ máy cầm quyền Miền Bắc đã đổ chụp, siết chặt lên nửa phần đất nước kể từ ngày họ chính thức vào Hà Nội 10 tháng 10, 1954, và toàn thể quốc gia sau 30 tháng tư, 1975. Cũng là lời thống hối chung bởi sự im lặng khiếp nhược đối với Tính Aùc mà số rất đông người Việt đã vô tình, hay cố ý đồng thuận để mặc người cộng sản phóng tay tàn nhẫn hành động, và hung hản đoạt thắng.

Thế nên, dẫu quá muộn sau những thời điểm rất cần thiết phải được ghi nhớ, kết tập kinh nhiệm (của những lần thất bại đối với lực lượng dân tộc, tự do, dân chủ).. 1945, 1954, 1960, 1968, 1972, và lần thất bại toàn diện cuối cuộc 1975... Tiếng lời nay phải được chuyển giao bởi - IM LẶNG CÓ NGHĨA ĐỒNG LÕA CÙNG SỰ ÁC - CHÚNG TA PHẢI PHÁ VỠ KHỐI IM LẶNG TRÌ TRỢM ĐÁNG NGUYỀN RŨA, PHẢI BỊ LÊN ÁN NẦY.

1 - Để Sống qua cảnh Chết: 25 tháng 4, năm 1983. Trại 5 Lam Sơn Thanh Hóa. Anh nhận ra cơn lạnh dâng lên từng chập trong thân thể. Lạnh của khiếp sợ. Lạnh của sự chết. Lạnh do con người biết mình đang dần chết với cơ thể còn hiện sống. Anh đưa tay cào cào lên mặt cửa gỗ phòng giam... Thật sự anh cố lung lay tấm cửa, nhưng bởi đã quá kiệt sức nên đầu ngón tay chỉ sờ sẫm loay hoay trên mặt gỗ sần sùi... Có ai nghe tôi không.. Có ai nghe tôi không?!! Anh muốn hét lớn, nhưng chỉ phát ra những tiếng phì phì rên rỉ ư ư trong cuống họng qua hàm răng dẫu cố nghiến chặt vẫn tự động đập vào nhau do cơn lạnh tê buốt mỗi lúc một mãnh liệt dâng ngập trong thân. Đầu anh lại nóng hầm hầm như đang trong cơn sốt cao độ.. Có ai nghe tôi không.. Có ai nghe tôi không?!! Anh lập lại lời van xin, mắt trừng trừng vào vũng tối hình như dày đặt, và sắc lạnh hơn. Tiếng ư ư dần tắt nghẹn bởi cổ họng khô rốc, đóng cứng... Bên ngoài hai bức tường đá trước cửa khu kiên giam có tiếng lao xao của những người bạn Miền Nam... Đi nghe, "cà phê phượng"... Đi hết nghe, "cà phê phượng". Giọng Quảng Nam nặng âm sắc của Phan Văn Giỏi (mà anh hiểu, cố ý để anh nghe ra được với cách lập lại biệt danh "cà phê phượng" các bạn trước kia gọi anh). Và âm động rầm rập của toán đông người leo lên xe... Đoàn xe mở máy. động cơ nhỏ dần... nhỏ dần. Nhiều người đồng loạt la lớn.. Chào, chào nghe... Tụi tôi đi anh ơi.. Anh ngã sập người lên tấm cửa, chiếc chân bị cùm kéo căng từ bệ nằm không gây nên đau đớn. Anh cũng không biết mình đã bật khóc sau khi gào lên được tiếng ngắn thương tâm... Trời ơi!!

Không biết bây giờ là mấy giờ, và anh đã quì, nằm theo vị thế một chân kéo dài, một chân quì trên đất đã bao lâu.. Có tiếng kẹt cửa từ căn phòng đối diện, và ngón tay gỏ gỏ lên tấm gổ làm dấu hiệu... "Chú, chú gì đấy... Chú "zét"(1) gì đấy.. Chú có nghe gì không?" Anh lắng nghe, nhưng không thể trả lời. Người ở phòng đối diện lại đập mạnh cửa... "Nầy, chú, chú gì đấy... chú "zét" gì đấy.. người ta đi rồi đấy, có nghe ra không..." Anh gắng gượng phều phào hỏi nhỏ... Họ đi thật rồi à!!

-Chứ còn gì nữa, ban nãy cháu ra làm việc, có đi ngang các chú ấy, họ biết cháu ở trong nầy, có người nhắn cháu gởi lời chào chú,

- Anh biết họ đi đâu không?

- Thì vào Nam chứ còn gì nữa!

- Biết đâu họ chuyển trại đi vòng vòng đâu đây? Anh cố gắng, gượng tự cứu, bám vào một hy vọng đã tắt hẳn.

... Xì, làm gì có chuyện ấy, người nào cũng lãnh lương khô để đi hai ngày tàu hỏa, mỗi người một gói thuốc lào An Thái, mười điếu Tam Đảo. Chuyển trại vào Nam mới có tiêu chuẩn ấy chứ.

- Như thế chỉ còn một mình tôi ở đấy sao? Anh phân bua tội nghiệp, cùng đường.

- Thì hẳn thế chứ còn gì nữa, hỏi thối vừa vừa chứ. Nhưng nầy, chú bị vụ việc gì mà khó thế? Giọng nói bỡn cợt, bất cần.

Không để ý lời của kẻ bên kia khung cửa, anh chuyển câu chuyện qua tình huống khác: Anh có thấy ai bị kiên giam tương tự như tôi không?

... Ối, ngoài Hỏa Lò, trên mấy trại phía Bắc khối người ấy, cứ hết hạn nầy đến hạn khác, ba bốn cái "tập trung" suốt!!

Anh bám vào mối an ủi khốn cùng: Nhưng đó chỉ là diện hình sự như của anh chứ gì?

- Hình sự chúng cháu thì nói làm gì, cứ xong "trường"(2) là lên trại, hết trại 1, Phố Lu, đến trại 3, Nghệ Tĩnh, rồi trại Ngọc, trại Phong Quang, nay "quân ta" lại về trại 5 Lam Sơn nầy.. Hết ở trại, ra ngoài được vài tháng gây vụ việc xong lại vào nằm, thì... đời ta vẫn đẹp sao... tình yêu vẫn đẹp sao... dù cùm đeo có nặng thế nào..!!(3) Người nầy đổi giọng nghiêm trọng: "Ý là cháu nói các ông chính trị đấy chứ, có ông ở Hỏa Lò chuyển trại lên Phong Quang mấy năm trước, khi cháu còn ở đấy- cái ông gì chỉ vì "tội làm thơ" mà bị tập trung mấy mươi năm, còn cả gan ném thơ vào Đại Sứ Quán nước ngoài nữa đấy!!"

Xoay vòng chân cùm ở vị thế chữ U úp xuống, anh quì hai gối lên bệ nằm, đầu gục xuống ngực, nói ra lời... Lạy Chúa Thánh Thần xin gìn giữ, giúp sức qua khổ nạn. Xin cầu cho người anh em không quen biết. Xin cầu cho người làm Thơ không biết tên, cho tất cả những ai cùng khốn, đau thương. Lòng anh dần dâng ngập mối an ủi ấm áp... Có người khổ hơn mình, những đồng bào Miền Bắc đã chịu rất lâu tai họa cộng sản, những người vượt sống giữa vũng tối, sự chết, chịu đựng bền bĩ kiên trì mối sĩ nhục vô lường của chế độ mất nhân tính gớm ghê nầy - Những người viết Thơ - biện pháp chiến đấu, quyết liệt để tồn tại với Chữ.

(1) Gọi tắt chữ "Việt gian-Z", để chỉ tập thể tù người Nam bị đưa ra bắc sau 1975.
(2) Trường: "Trường Vừa Học-Vừa Làm", trại tập trung thanh thiếu niên do công an quản lý "giáo dục".
(3) Nhại theo một bài hát tuyên truyền của Miền Bắc trước 1975.

2- Sau lần thanh toán Thượng Đế: Trong thời gian dài lâu, từ thập niên 60, lúc tuổi đời chưa tới ba mươi, khi bắt đầu xử dụng chữ viết, anh đã nhiều lần, thường trực lập lại với riêng bản thân: "Sau khi đã ngang ngược thanh toán Thượng Đế không thương tiếc thì con người có còn không lương năng, tri giác đích thực; có còn không tính trung trực của người trí thức; có còn không bản lĩnh Kẻ Sĩ- Người Dụng Văn- giới sáng tạo chữ nghĩa?".. mỗi khi chứng kiến, nghe, đọc lại về những điều ác độc mặc nhiên được thực hiện, xem trọng, đề cao; bọn bạo ngược trân tráo đoạt thắng, và người hiền lương vô tội, kẻ trung chính bị ngược đãi, bức bách, mà trong rất nhiều trường hợp phải chịu nạn thảm sát thương tâm.. C.V. Gheorghiu, Arthur Koestler, Elie Wiesel trước Thế Chiến 2 ở Châu Âu.

Sau năm 1945, chiến tranh chấm dứt, nhưng bi kịch về thân phận kẻ sĩ, người trí thức, quần chúng vô tội (bị lôi kéo vào vòng tranh chấp, củng cố quyền lực, của những kẻ cầm quyền tham tàn, bạo ngược, nên mặc nhiên biến thành đối tượng bị bức hại chính trị), vẫn không dấu hiệu thay đổi, cải tiến, nếu không nói còn bị đày đọa tàn tệ hơn. Bởi lần nầy, hệ thống quyền lực (các chế độ cộng sản đông, tây) thay đổi sách lược đàn áp người đối lập chính kiến (hoặc bị vu cáo, áp buộc một cách ngang ngược), với kỹ thuật độc hiễm, tàn nhẫn hơn hẵn so với cách giết người thô thiển trắng trợn của nhà nước Đức Quốc Xã đối với người Do Thái, các chủng tộc thiểu số người Gypsies, Slaves, nhóm đồng tính luyến ái.

Nơi Trung Hoa cộng sản, Mao Trạch Đông sau chiến thắng lớn 1949, gồm thâu lục địa, đặt mình cao hơn hẳn Hán Lưu Bang, Tần Thủy Hoàng (gọi những tiền nhân của y kia chỉ là bọn võ biền thô tục, nông cạn chỉ biết "giương cung bắn ó diều" - Thơ Tuyết); năm 1958, Mao thực hiện sáng tạo "Đại Nhẩy Vọt" với sách lược:"Người người làm gang, thép. Nhà nhà làm gang, thép", để cuối cùng có được "thành quả" 20 chục triệu người chết đói từ 1959 đến 1962. Nhưng, Mao bình tĩnh nhận định:"Karl Marx, Lenine, Khổng Tử còn có khi sai lầm. Ta cũng vậy." Lời nói không phải bâng quơ, nên năm 1966, rất tự tin, Mao phóng tiếp chiến dịch "Cách Mạng Văn Hóa" với lực lượng 10 triệu HồngVệ Binh (đếm đủ số trong cuộc duyệt binh tháng 10 cùng năm tại Bắc Kinh), thanh toán các lãnh tụ đối lập, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Bành Đức Hoài.. cùng lần với Khổng Tử, Thích Ca, mà thây xác người dân vô tội ở thành phố Nam Kinh phải dọn bằng xe ủi đất.

Và ở Liên Sô, ngọn cờ đầu của phong trào vô sản thế giới ắt không để chịu thua sút, mà riêng với Staline sau khi nằm xuống (1953), bản báo mật của Khruschev đọc tại đại hội đảng lần thứ 20, năm 1956 đã nêu ra con số: 20 triệu người chết trong 29 năm cầm quyền của một cá nhân được gọi là "người cha không những chỉ riêng của các dân tộc thuộc liên bang Sô-Viết, mà còn là ánh sáng soi đường chung cho toàn phong trào vô sản thế giới.. Hoan hô Staline, vững vàng cây đại thọï. Rợp bóng mát hòa bình. Ngọn hải đăng vô sản- Tố Hữu, 1950". Nhưng triều đại Khruschev cũng không hẳn là buổi "băng tan" đối với giới sinh hoạt văn học sô-viết, nên Boris Pasternak, trái tim lớn của giòng văn chương hiện thực Nga dẫu chỉ ao ước, "Được viết đôi điều sâu xa, và trung thực.." (Đoạn mở đầu của bài viết "từ chối" nhận giải Nobel văn chương 1960), và đã khiêm nhường bày tỏ: "Tôi bắt buộc phải từ chối giải thưởng trao tặng giành riêng cho cá nhân mình. Vậy, xin quý vị chớ phiền hà vì sự chối từ nầy.", kết cuộc, nhà văn trung chính cũng phải chịu sự lưu đày nơi quê nhà, bị khai trừ khỏi Hội Nhà Văn, mà phải đến năm 1987 (hai năm trước lần Liên sô sụp đổ toàn diện), ông mới được phục hồi lại danh dự. Năm 1970, A. I Solzhenitsyn cứng cỏi hơn, kiêu hãnh nhận giải thưởng Nobel văn học, nên cho dù Staline đã chết từ hai mươi năm trước, kẻ cầm đầu đảng cộng sản Liên-Sô hiện tại (1974), Brezhnev vẫn không có biện pháp nào khác hơn đối với nhà văn can đảm nầy bằng biện pháp lưu đày, và hạ nhục.

Nhưng với Việt Nam, tình thế không phải hoàn toàn như trên. Hơn cả Sắc Luật ngày 15 tháng Tư, năm 1919 của đảng cộng sản Liên Sô cho phép cơ quan mật vụ OGPU (tiền thân của MKVD, KGB) có quyền bắt giam những người bị đánh giá là "nguy hại đối với chế độ". Đảng cộng sản Việt Nam với tập đoàn lãnh đạo gồm những ủy viên bộ chính trị, những đảng viên cộng sản thuần thành, chính thống, cũng là những người cộng sản tập trung đầy đủ những tính chất xấu nhất của loại lãnh chúa, quan lại phong kiến (ty tiện, tham tàn, ích kỷ, tự ty, lẫn tự mãn), cộng với kỹ thuật cao nhất về tổ chức, tuyên truyền, vận động quần chúng của cán bộ đệ tam quốc tế - hiện thực nên một tổng hợp nhất quán gọi "đỉnh cao trí tuệ" - tính theo chiều ngược của tri thức nhân loại- cho dù là tri thức về lý thuyết cộng sản. Từ tổng hợp "độc địa và tàn hại" nầy, do huấn luyện, chỉ đạo, điều hành của Hồ Chí Minh, cơ quan đầu não nầy thực hiện được một điều mà các cá nhân, tập đoàn cầm quyền cổ, kim, đông, tây (cho dù thuộc chế độ độc tài chuyên chế khắc nghiệt nhất) cũng không thể xây dựng nên- Đặt toàn bộ dân tộc ra ngoài vòng pháp luật- Có nghĩa- ĐẢNG TOÀN QUYỀN BẮT GIỮ, GIAM CỨU, XÉT XỬ, QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG MỌI BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT ĐỐI VỚI TẤT CẢ THÀNH PHẦN DÂN CHÚNG, ĐẢNG VIÊN CƯ NGỤ TRÊN LÃNH THỔ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ (nghĩa là bao gồm vùng đất và dân cư dưới vĩ tuyến 17, thuộc chính phủ Việt Nam Cộng Hòa) mà không phải tuân theo một quy chế hành chánh, sắc luật pháp chế nào - Sắc Lệnh 1961 về "Chính Sách Tập Trung Cải Tạo" kiểm soát chặt chẽ toàn thể các tầng lớp dân chúng, đảng viên để hiện thực bước ổn định chính trị sau Nghị Quyết thành lập "Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam" (19 tháng 12 năm 1960), và Nghị Quyết "Tập Trung Cải Tạo" của Đại Hội III Trung Ương Đảng. Nội dung chính trị và pháp chế của sắc lệnh nầy về mặt văn hóa được chuyển thành những khẩu hiệu tuyên truyền chiến lược qua những ngôn ngữ đáng kinh sợ do tính sa đọa bất nhân:
Trời không có thiên thần
Đất không có thánh nhân
Chỉ có Nhân Dân thần thánh
Và Đảng ta làm nên sức mạnh
Bay đến chân trời... Nguyễn Đình Thi

Từ vị thế tối thượng bao gồm "chủ thể chỉ huy lẫn mục tiêu thụ hưởng - Đảng và Nhân Dân"- tập đoàn cầm quyền Hà Nội dựng nên hệ thống tiêu chuẩn giá trị đạo đức mới - Tiêu chuẩn nầy cho phép họ thủ đắc toàn diện một quyền hạn tuyệt đối - Quyền quyết định đời sống của người khác - Quyền giết người cho mục tiêu chính trị yêu cầu, với mạo danh nhân dân - Quyền "cách(cái) mạng sống con người", nói theo cách ví von của Hồ Chí Minh.

Người mẹ chỉ có quyền thương con, và bạn của con mình nếu họ có chung "công tác" do đảng chỉ đạo,
Bầm yêu con nên bầm yêu đồng chí
Bầm quí con nên bầm mến anh em.. Tố Hữu

Tương tự như thế, con giành quyền (và phải) kết tội, xĩ nhục, tiêu diệt cha mẹ từ một định nghĩa, phân loại giai cấp của đảng chủ trương,
Ai về làng Bái Hạ
Nhắn "vợ chồng thằng thu" 
(danh từ riêng "thu" viết thường theo như nguyên bản)
Rằng chúng bây là lũ quốc thù... Xuân Diệu

"Vợ chồng thằng thu" là ông bà Ngô Xuân Thu bị kết án là "lũ quốc thù", do đã tần tảo khuya sớm làm ruộng nên trở thành địa chủ, do có phần lúa gạo dư dã cho Xuân Diệu ăn học để nên thành "thi sĩ tình yêu" trước 1945, và sau nầy,"thi sĩ nhân dân" của đảng, và nhà nước.

Thế nên, kể từ 1961 ở Miền Bắc Việt Nam, để hiện thực quyết nghị trên, những đối tượng bị truy lùng, bắt giữ, thủ tiêu không phải chỉ là những người "khác chính kiến, chống đối chế độ về mặt tư tưởng" như những Khái Hưng, Nhượng Tống, Lý Đông A, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Trương Tử Anh.. vào thời điểm đảng cộng sản vừa cướp chính quyền, và quyết tâm củng cố quyền lực trước 1945. Sự trừng phạt khắc nghiệt cũng không giới hạn đối với lực lượng những người viết văn, làm thơ phản kháng có ý thức thuộc nhóm Nhân Văn, Giai Phẩm, 1956 với những kiện tướng Trần Dần, Phùng Cung, Phùng Quán.. do con người lẫm liệt Phan Khôi thủ xướng. Hoàn toàn không phải như thế, "Nghị quyết tập trung cải tạo 1961" đưa toàn bộ Miền Bắc vào trại tù, xuống tận sâu địa ngục, chung quanh vây kín tầng tầøng vũng lửa - những nơi chốn kinh hoàng mà chữ nghĩa nhân loại khó có thể mô tả, viết nên; trí não con người không hề nghĩ đến dẫu trí tưởng tượng dồi dào, phong phú nhất. Địa ngục ấy có thật dưới mặt trời, nơi một chốn được gọi nên là "thủ đô của phẩm giá con người". Chúng ta hãy cùng Nguyễn Chí Thiện phá vỡ khối nặng im lặng gớm ghê đáng sợï, ác độc, đê tiện nầy- Cảnh sống-chết nơi nhà giam Hỏa Lò ở Hà Nội.

3- Buổi con người bị khinh miệt tận diệt: Khu nhà tù Hỏa Lò do người Pháp dựng nên sau khi bình định được nước Việt, là trại giam trung ương của Miền Bắc. Sau năm 1954, công an cộng sản Hà Nội xử dụng làm nơi tạm giam các phạm nhân chờ chấp cung, chưa có án, đợi đưa đi các trại. Nhà tù nằm trên phố Hỏa Lò nên nhận danh xưng nầy, và phần hông dài theo góc phố chính Hai Bà Trưng, phía sau là phố Hàng Bông Thợ Nhuộm. Nhà tù gần trung ương, Bộ Nội Vụ, Cục Trại Giam, thuộc quyền Sở Công An Hà Nội để tiện việc bắt giữ, điều hành, quản lý, xét xử. Nhà tù nhận nhiều đợt tù ngay sau khi bộ đội cộng sản vào Hà Nội 10 tháng 10, 1954, từ đây chuyển đi các trại trung ương từ biên giới Việt-Trung đến Nghệï An, Hà tĩnh, các trại tập trung dọc vùng thung lũng sông Mã Thanh Hóa, Hòa Bình, hậu thân của hệ thống trại Lý Bá Sơ, đã thành danh hiệu một Tây Bá Lợi Á của cộng sản Việt Nam từ khi nhà nước vô sản đầu tiên được dựng nên ở Đông Nam Á, ngày 2 tháng 9, 1945 - cũng là ngày thành hình hệ thống nhà tù cộng sản thay thế ngay lập tức, và có hiệu quả nhà tù thực dân trong những vùng vừa được "giải phóng" với chính sách giam giữ khắc nghiệt, tận khinh miệt con người. Chúng tôi không nói điều mĩa mai, cố ý đặt đễ. Những nhà tù Sơn La, Nghĩa Lộ, Yên Bái với những cùm bằng sắt đã có thời cùm giữ các ủy viên trung ương, cán bộ cộng sản nay được tăng cường số lượng với vòng siết thắt chặt hơn; chén cơm, thức ăn, rau tươi, hoàn toàn bị cắt bỏ thay thế vào đấy những thứ lương thực, thực phẩm như sắn tươi nung khô, bo bo, khoai ủng, rau khô úa mà loài chó, lợn cũng từ chối. Chiếc cùm chân Trường Chinh ở phòng giam nay được giữ lại ở Hỏa Lò như một chứng tích lịch sử của "thời thực dân tàn ác, bóc lột", thật không thấm vào đâu so với khối cùm hộp kẹp vỡ xương ống chân của những con người trong câu chuyện sắp kể ra. Cũng tại nhà tù Hỏa Lò nầy. Thế nên, phải nói thật một điều tưởng chừng như vô lý - Nhà tù Hỏa Lò thời thực dân đã là một thiên đường so với thời "tập trung cải tạo xã hội chủ nghĩa theo lời dạy của Bác Hồ vô vàn kính yêu!!" Chúng ta cần nêu một so sánh để khỏi bị cáo buộc vô bằng cớ. Khi xây khám, người Pháp dự trù chỉ để giam cứu cho vài ba trăm người với những dãy nhà dài rộng. Công an cộng sản chia thành bốn khu chính với những phòng giam ngăn cách bởi những dãy tường đá, trên thả kẻm gai, và mãnh chai vỡ. Một nhân vật của câu chuyện kể (vốn là đại úy Quân Đội Quốc Gia trước năm 1954) tháng 8, 1961 bị đưa vào tù theo nghị quyết tập trung kể trên, có số tù 4257. Điều nầy giúp cho biết, chỉ mới đến tháng 8 lượng tù đã quá số 4000, cuối năm, theo nhịp tập trung bắt giữ như đã xẩy ra ắt hẳn khoản 6000 lượt người, vào và chuyển dần đi. Hỏa Lò nhận một số tù gấp mười lần số lượng dự trù, và diện tích phòng bị co rút lại, thế nên, các phòng giam dẫu treo khẩu hiệu, "Ăn sạch. Ở sạch. Nội vụ sạch", sinh hoạt "điễn hình tiên tiến" ở phòng số 14 đã diễn ra như sau: "Ba chục tên mới vào chen chúc đứng ở chỗ cửa ra vào, rộng khoảng ba thước vuông, đám tù sẵn có chen nhau nằm trên hai sàn, trên lối đi giữa phòng, không một kẻ hở nhỏ. Tất cả phải nằm úp thìa (bụng người nầy sát vào lưng người kia, chân co lại), trong nhà mét (nhà vệ sinh có bề ngang "một mét") hơn một chục tên nằm ngồi ngổn ngang. Tên trực phòng bàn với tù trưởng phòng:

- Bây giờ ba chục tên mới vào nhét vào đâu?

- Đành phải lèn chúng nó bằng được!

Trực phòng gọi từng tên một đến chêm vào đống người nằm chật trên sàn.. Dồn lại! Dồn lại! Miệng hô, gót chân nện vào bụng, ngực những thằng đương nằm, cố có được một khoảng trống độ mười lăm phân để chêm thêm một tên. Vất vả khoảng mười lăm phút cũng chỉ chêm được bảy tên, nên cuối cùng trưởng phòng có sáng kiến:

- Tao có biện pháp, cho chúng nó "tạc tượng", nghĩa là đứng dựa vào tường đêm nay. Đêm mai sẽ thay lớp khác. Lập tức hai chục "pho tượng" được đặt dọc theo bức tường".

Nhưng 250 con người trong căn phòng dự trù chỉ hai mươi người ở kia có những nhu cầu sinh tử, trong đêm họ phải đi tiểu, đại tiện (do buổi chiều vừa được thăm nuôi, và chỉ trong vài phút ngắn đã phải ăn cho hết những thức ăn nhiều chất bột, mỡ, đường). Kẻ đi vào phòng vệ sinh phải trở thành một diễn viên xiếc thượng thặng... Trước khi bước phải tìm một kẻ hở giữa đám người nằm để đặt năm đầu ngón chân xuống, có những chỗ quá xa nên phải nhảy tới, rồi bước lò cò; lỡ chân, đạp lên mặt, lên ngực kẻ nằm, hoặc ngã đè lên họ... Vào được phòng vệ sinh, lại phải thêm một phen chen chúc. Một tên ngồi gục đầu trên hố xí, úp mặt xuống lỗ hố xí thối thủm, một tên khác ngồi ở bệ bước lên, nhưng dù sao đấy cũng là "hai chỗ ngủ tốt". Có tên nằm co quắp trong bệ tiểu tiện, phải đánh thức tên nầy dậy mới đi tiểu được, vừa tiểu tiện xong, bệ tiểu đã có một tên nhảy vào ngồi trám chỗ. Từ cửa phòng vệ sinh, lão (người tù có số hiệu 4257) nhìn ra... Căn phòng im lặng lềnh đặc mùi tanh tưởi của máu, mủ, mồ hôi, mùi phân người bốc lên ngầy ngật... Mấy trăm bộ xương da khẳng khiu, lỡ loét ngập tràn, nằm ôm cứng la liệt như đống xác chết như một nấm mồ tập thể, lộ thiên chưa lấp đất.

Chắc hẳn, bạn đọc đã có ý nghĩ: Đám tù của phòng số 14 nầy phải là những tay anh chị, dân dao búa, vào tù do phạm những tội hình gia trọng?! Cũng có thể đúng như vậy, nhưng trong đám không thiếu những bi kịch thương tâm. Chúng ta hãy nghe người tù già thở than với gã tù trưởng phòng (để gã nầy gia ân cho khỏi ngủ "nhà mét- chuồng xí"... Vâng, thưa bác, cháu chỉ vì đạp xe trái luật, bị cảnh sát phạt hai chục đồng (khoảng một, hai đồng tiền Mỹ). Cháu không đủ tiền nộp, họ giữ ở đồn mấy hôm. Vợ con cháu đói, cháu van lạy công an trả xe, cháu đi làm sẽ nộp phạt sau. Mấy ngày liền cháu lên đồn cầu xin, công an không trả còn mắng chưởi, xua đuổi. Nhà cháu ức quá kêu trời, đất, tên các ông Lê Duẩn, Trường Chinh để kể ra nỗi khổ... Thế là bị giải vào đây, đã mười bốn tháng vì tội "lăng mạ,ï xúc phạm lãnh tụ". Cháu không biết chữ, xin bác làm ơn, làm phúc, viết cái đơn, xin nhà nước tha cho cháu."

Ông lão đạp xích lô không phải là trường hợp riêng biệt, có gã tù trẻ hơn, đói quá đang ngồi bỗng nhiên ngất xĩu, được lão tù (vốn là đại úy quân đội quốc gia vừa kể ra trên) cho uống một ca nước pha chút đường, gã tỉnh lại, rơm rớm nước mắt, kể lễ... "Cháu có tội gì đâu, cháu làm nghề sửa đồng hồ, đạp xe đạp quanh các phố rao mời: "Đồng hồ nhanh, chậm, hỏng vỡ...Ai cần chữa...". Một hôm quá mệt, cháu rao ngắn hơn... "Hồ hỏng, hồ vỡ, sửa chữa.." Rao được vài phố thì bị công an bắt vào đồn. Ông chấp pháp hỏi cung, bắt cháu phải nhận có ý đồ phản động, xỏ xiên lãnh tụ, xúc phạm bác Hồ!! Cháu giải thích, hôm ấy cháu bị ho, lại quá mệt chứ nào dám xúc phạm Hồ Chủ Tịch, cháu còn hai con nhỏ phải nuôi, làm sao có gan bằng giời như thế! Ông chấp pháp bảo nếu có cố ý thì cứ nhận, đảng sẽ khoan hồng, cho về với vợ con. Cháu tin theo, ký vào biên bản, nhưng không hiểu tại sao cứ bị giam ở đây, đã mười tám tháng... Gã thợ sửa đồng hồ khóc nấc".

Những trường hợp thương tâm, bi hài như trên không phải là hiếm hoi, và hậu quả của khốc hại của chế độ giam giữ không chỉ gây nên đói khổ, ngủ nhà xí, trong bồn đi tiểu. Chúng ta qua khu nữ tù, khu thứ ba của Hỏa Lò để biết ra thêm một khía cạnh bi phẫn: Phận người, phận người tù nữ cũng không kém cường độ khốn khổ, trái lại trong những tình cảnh khốn cùng kia, họ đã là những đơn vị thụ động, bị đánh vỡ trước tiên. Chúng ta hãy nghe câu chuyện: Phòng nữ không quá đông như phòng nam, nhưng cũng chật ních, thêm mùi cầu tiêu, mồ hôi, mùi máu mủ, ghẻ lỡ, lậu, giang mai, kinh nguyệt quyện vào lan tỏa... Đám nữ tù khi vào buồng, đồng cởi áo quần, nằm ngồi ngỗn ngang, lấy những mảnh giẻ con thấm máu mủ cho nhau. Có tiếng khóc của trẻ con, mụ trưởng phòng đã ngoài bốn mươi, bế đứa nhỏ trong tay, nựng nịu... Khổ thân cho cháu quá, bé tí thế nầy mà đã vào tù, mới mười tháng mà đã trở thành tù nhân, mà cái nầy cũng chỉ tại mẹ mầy, trẻ người non dạ... Mẹ nó còn đường không đấy? Cô giáo đừng ăn đường của con đấy nhé.

Mẹ đứa bé, vốn là cô giáo sùi sụt: Cám ơn các chị thương cháu, cho cháu đường để pha nước cháo, em đâu nỡ ăn đường của con,

Mụ trưởng phòng an ủi: Thôi đừng khóc nữa, trên thế nào cũng chiếu cố cho mẹ con em về,mà em cũng thật dại, bao nhiêu người chồng chết, con chết mà ai dám chưởi như em đâu?

- Em nào dám chưởi đảng bao giờ, nghe tin anh ấy chết, em chỉ gào mỗi câu "nghĩa vụ quốc tế giết chết chồng tôi rồi...". Không biết kiếp trước mẹ con em phạm tội gì mà giời đày đoạ đến thế nầy, chồng thì bỏ mạng ở xứ người, xác không biết chôn đâu, mẹ con em lại phải vào tù đã năm tháng nay.

Với môi trường tù ngục như trên, đứa bé lại thiếu dinh dưỡng, dẫu cô "nữ quái" của phòng đã dùng đến chiến thuật của nghề cũ- Dùng thân xác mình o ép, lập kế dụ các gã bộ đội võ trang (đi tuần hằng đêm) cung cấp hộp sữa để được sờ mó người cô, và dùng sữa nầy nuôi đứa bé - Nhưng bé không chịu đựng nỗi sức nóng của căn phòng, vào những ngày tháng Tám, nóng lên đến quá 40 độ, bé bị sốt cao, rôm sẩy đầy người, la khóc đến nghẹt thở, xong chỉ còn những tiếng rò rè thiêm thiếp. Cô giáo chỉ còn da, xương, mắt quầng thâm, ôm con lo lắng. Một buổi sớm, cô thiếp mê, khi tỉnh dậy thấy thằng bé há hốc chiếc miệng nhỏ xíu, mắt trợn lên, bất động. Cô hoảng loạn kêu ầm... Con tôi chết rồi!! Con tôi chết rồi!

...Gã tự giác vào phòng, giật đứa bé khỏi tay cô giáo, đẩy cô ngã xuống. Cô vùng lên chạy theo, gào thét... Trả con cho tôi! Trả con cho tôi! Tôi tự tử chết! Cô đập đầu vào song sắt. Máu từ đầu chảy xuống hòa nước mắt.

... Nhờ các bạn tù theo dõi, trông chừng, cô giáo không tự tử chết được, chỉ trở nên người mất trí. Trong cơn điên, cô hát lại những câu hát thời thơ ấu, lúc con còn sống, cô thường hát để thay lời ru... Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng. Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh... Mong Bác sống muôn đời để dìu dắt nhi đồng thành người... Và cô chêm nhữnglời thơ vào bài hát với, lẽ tất nhiên cũng là thơ về Bác Hồ do Tố Hữu viết xưng tụng Bác... Đàn cá kia còn vui với ai. Thơm cho ai nữa hỡ hoa nhài... Cô vừa hát, vừa ngâm thơ, vừa múa đẹp, thường kết thúc trò vui với lời gào khản.. ới con ơi ... ới con ơi!!

Một sáng đầu tháng mười, ông y sĩ trại vào dẫn cô đi. Cô giáo được đưa tới một trại giam người điên bên Châu Quỳ, Gia Lâm. Các bạn tù thì thầm... Nó được Bác Hồ phù hộ đấy. Bác thiêng lắm, hôm Bác mất, giời mưa khóc bác...Thì con điên ấy chẳng thường ngâm, "Người tuôn nước mắt, Trời tuôn mưa" đấy con ơi là con!!

Đến đây, hẳn bạn đọc có thể nại đến một thắc mắc để có được cớ an ủi: Những người tù vừa kể trên thuộc về những thành phần đại chúng, thấp cổ, bé miệng, không ai biết đến, và hệ thống nhà tù đẩy họ vào chung một hoàn cảnh khốn cùng, hơn nữa, Miền Bắc thời chiến tranh, người dân ngoài xã hội cũng không được phần dư dã, thường xuyên chịu kiểm soát, coi chừng. Không phải như vậy, người bạn của chúng ta sau một hành trình từ bốn giờ sáng, suốt 18 tiếng đồng hồ bằng tất cả những phương tiện, ca nô, xe tải, xe lửa... Chen chúc nhau trong một toa đen bịt kín, nhầy nhụa phân lợn, mười một giờ đêm đến trại Phong Quang, sát biên giới Việt- Hoa, cách nơi khởi hành chỉ hơn 100 cây số, khoảng 60 dặêm anh. Sáng hôm sau, Nguyễn Chí Thiện đến bệnh xá tìm gặp một người... Một người trung niên, mặc áo bông, đứng trước cây ớt chỉ thiên, đầu ngẫn lên nhìn trời, nét mặt xám nhợt, bất động. Phùng Cung, cây bút trẻ tuổi mạnh mẽ nhất của nhóm Nhân Văn, Giai Phẩm, từ thập niên 50 đã nhận chân ra được phần "tài năng" của đám bồi bút đảng, những Xuân Diệu , Huy Cận, Chế Lan Viên... như "Con ngựa già của Chúa Trịnh" nhìn cuộc sống ngoài cung điện:.. "Tất cả những cảnh vật trước mắt nó đồng nhỏ lại và thẳng tắp. Rồi cây cỏ, núi đồi cho đến màu xanh của trời chỉ thu lại là một đường thẳng. Nó không ngờ hai chiếc lá đa che hai bên mắt chỉ cho thấy được một chiều...". Từ, bởi những giòng chữ nầy, người viết văn đã phải nhận ngay trừng phạt với mười năm tù không tuyên án tính đến năm 1970 (và tiếp theo sau một thập niên nữa), nghĩa là ngay sau khi nghị quyết tập trung kể trên kia được thi hành. Khác với tình trạng của Rubashov trong Darkness At Noon vào những giờ phút cuối cùng trước khi bị hành quyết, không còn đến cả người bạn tù bên phòng 406 đáp lại tiếng gõ làm hiệu. Ông ta nhớ lại quảng đời dài 40 năm phục vụ đảng, và cách mạng - phục vụ dâng hiến- không hề đặt nên vấn đề: Phục vụ cho ai từ lúc khởi cuộc? Và khi chạm sát vào cái chết, người tử tù tự hỏi mình ngây thơ như đứa trẻ: Hoá ra đảng đã lấy hết tất cả những gì của mình dâng hiến, và không cho lại được tiếng trả lời sao? Phùng Cung không được chết, dù phải bị bệnh lao, chuyển về đội đan lát, (một đơn vị của trại tù có biệt danh "mầm non nghĩa địa"- gồm những người sắp chết), anh phải sống sót, ra tù để chịu đựng sự đe dọa thường trực "suốt chục năm, sau ngày ra tù, (kể cả sau khi Liên sô sụp đổ 1990), công an thường xuyên tới nhà, lục soát, gọïi lên đồn, đe dọa, khủng bố tinh thần. Có lần không biết ai tố cáo, anh phải nộp 50 bài thơ chép tay; may chỉ là thơ tả cảnh, không đụng gì tới chế độ." Bên cạnh sự khủng bố của công an, còn có tiếp sức của cái đói, "cái đói bám vào thắt lưng mà đánh". Phùng Cung tôn kính hạt gạo vô cùng, ông nói thành lời: Tôi rạp đầu. Bạc tóc rạp đầu. Lạy hạt gạo thiêng!

Vợ chồng ông phải sống trong cảnh: Trệu trạo trái sung. Ruột tím cơ hàn... Và trong lòng là nỗi sợ hãi nơm nớp: Mắt trước, mắt sau. Kinh hoàng di lụy. Quỳ gối, chống tay, vẫn còn sợ ngã!

Có điều nào lầm lỗi trong những chữ nghĩa xót xa nầy, một đời người toàn diện hiến dâng cho độc lập, tự do dân tộc, ngợi ca, gìn giữ phẩm giá con người, từ những năm còn độ tuổi thiếu niên...
Vùng châu thổ Lưỡng Hà vang tiếng gáy
Lớp lớp thương vong bằng an ngồi dậy
Dưới sao Mai ưu ái trong lành
....Khắp nẻo Nam, Bắc bán cầu
Chim hót Thánh Thi

Cuối cùng, chế độ quyết định kết thúc đời người tại những tình huống tận sống trong cảnh chết qua bi kịch khốc liệt như sau: "Người thanh niên 31 tuổi, vốn là bộ đội giải ngũ vì thương trận, anh can tội đánh cắp kho thuốc tây phố Đinh Liệt, quận Hoàn Kiếm. Chẳng phải số lượng thuốc bị mất cắp quá lớn để có thể gây thiệt hại đến nền y tế quốc gia, nhưng bởi đấy là kho thuốc của trung ương đảng nên anh bị kêu án tử hình. Aùn xử đã được định sẵn với công tố Đỗ Xuân Sảng vì trung ương đảng muốn cảnh cáo cho dân chúng biết- Đánh cắp của ai cũng có thể châm chước (bằng chứng những vụ tham nhũng, làm hư hại, gây lỗ các xí nghiệp, nhân hàng lên đến hàng chục tỷ đồng cũng chỉ bị "cảnh cáo nội bộ"), nhưng đánh cắp của đảng (của đảng viên tung ương đảng) thì chỉ có tội chết mới xứng đáng- bởi đấy là biễu hiệu nhất quán về phản động chính trị- Coi nhẹ pháp chế của đảng. Xúc phạm lãnh tụ...". Cô gái cũng có trường hợp tương tự, vì uất ức tên trưởng khu phố đã lợi dụng chức vụ( dù chỉ là chức "trưởng khu phố") để đòi cô cho hắn ta thỏa mãn (như cách tổng, lý, xã trưởng của đầu thế kỷ khi còn chế độ quân chủ, phong kiến), còn bứt bách mẹ cô vốn là một cô giáo. Quá phẫn uất, cô gái dùng xăng đốt nhà gã nầy cho đến chết. Cô bị kết án tử hình lúc 19 tuổi. Hai người đối diện nhau qua dãy hành lang của khu khám tử hình và sống cùng nhau trong những giờ phút cận kề, chạm mặt cái chết:

... Hai đứa bị tử hình mà không thương nhau thời thương ai? Thấy mặt anh ngây ra, em buồn cười quá. Chắc chúng mình có duyên nợ nhau từ kiếp trước. Năm nay em mười chín tuổi, ở ngoài , em chưa yêu ai đâu!

- Em mười chín tuổi, chỉ mới trăng tròn lẻ bốn tuổi, chưa mảnh tình vắt vai, tuổi mới bước vào đời mà phải bước ra. Tiếc thật, giá anh có thể chết thay cho em thì tốt biết bao... Mấy đêm trước, anh mơ thấy thầy mẹ anh. Hai "cụ via" vui lắm, nói là sắp được đón anh. Kiếp sau hai đứa mình sẽ chung sống nhé!

- Đợi kiếp sau lâu lắm, em không đợi được đâu, sau khi chết hai linh hồn chúng mình phải gặp nhau cơ. Chúng mình nên chọn nơi thật thơ mộng như bên Hồ Tây, trên đường Thanh Niên ấy,

- Ý kiến hay quá, nhưng theo anh, chúng mình hẹn gặp nhau trên đê sông Hồng, chỗ Đồn Thủy đi thẳng ra...

- Này, nếu ở thế giới bên kia mà anh phụ em, em sẽ "hỏa thiêu" luôn cả linh hồn anh

- Trời đã thương anh, ban em cho anh, anh mà phụ em, trời cho set nổ trên đầu, đánh chết tươi anh ngay. Em ơi, anh muốn sang bên buồng em quá. Nghĩ tới được ôm ấp em, vuốt ve em, anh run cả người lên đây nầy...

- Em cũng muốn lắm, mồ hôi em cũng lấm tấm trên trán đây,

Gã tù hạ thấp giọng, nói nhỏ: Em đã thông cảm thì anh mạnh dạn nói. Đêm qua, anh nghĩ sẽ đề nghị với em là chúng mình sẽ thành vợ chồng, nhưng chuyện động phòng là không thể được rồi. anh chỉ muốn chúng mình ngắm thân thể của nhau!! Đến giờ vệ sinh, anh sẽ đứng lên cùm nhìn sang buồng em. Đến lượt em cũng thế, nhớ cởi hết ra đấy!!

- Nếu có cơ hội, anh mở lỗ cửa gió buồng em như hôm nọ, em sẽ để môi ra cho anh hôn..

- Sáng kiến hay quá, ờ... mà không phải hôn. Anh sẽ uống linh hồn em!

... Nhiều tiếng giầy thình thịch đi vào sân. Rồi tiếng mở khóa loảng xoảng. Gã tử tù ngưng nói, xong hốt hoảng: Có lẽ anh "đi" đấy. Giọng cô gái hồi hộp: Có thể là em!

Tên quản giáo mở cửa buồng gã tử tù. Hai vũ trang xông vào quát: Ngồi im không được cử động. Chúng bẻ tay gã tử tù ra sau lưng, dùng còng số 8 khóa lại. Gã tử tù nói to: Anh đi trước anh đợi em ở bờ sông Hồng! Cô gái đập cửa buồng gào lên: Xin các ông đưa tôi đi bắn cùng anh ấy! Xin các ông!

Gã tử tù bị đẩy ra hành lang, hướng về buồng cô gái: Tạm biệt em, đừng cầu xin gì chúng nó cả. Chắc chắn chúng mình sẽ gặp nhau. Cô gái nức nở: Anh ơi, Em thương anh quá. Em muốn đi với anh, chúng mình gặp nhau ở bờ sông Hồng... Em sẽ tới đó.

Ra tới sân, gã ngoái cổ lại kêu lớn... Đừng buồn, chúng mình gặp nhau trên bờ sông Hồng... ở bờ sông Hồng nghe em.... Sông Hồng... sông Hồng em ơi...

4- Lời Kết: Thưa anh, Người Bạn Nguyễn Chí Thiện, chữ, nghĩa tự thân không phải là điều to lớn. Chúng chỉ là những ký hiệu, nhưng qua bàn tay, từ chiếc đầu nung lửa khổ đau, anh chúng biến thành sức mạnh. Chữ của anh là Phán Xét Chung Cuộc chính xác. Chữ của anh Tiếng Lời Tiên Tri. Bởi, giữa vũng lầy lừa dối của Miền Bắc, siết chặt cùm xiềng, anh đã hằng khẳng quyết: Ta vững tin đất trời kia chẳng phụ. Công đức vun bồi nuôi dưỡng thân ta. Trong đêm cùng vùng nhiệt đới bao la. Trái lửa của ta sẽ bùng lên vạn ánh. Và có ai chia cùng chúng tôi, những người ở Miền Nam nơi buổi mai sáng đất nước vỡ toang để chìm dần xuống đáy huyệt của sự chết toàn diện nếu không muốn nói một mình anh. Chỉ mỗi mình anh với tiếng gào thống hận khôn nguôi... Khi Mỹ chạy bỏ Miền Nam cho cộng sản... Vâng, chung thủy chỉ mỗi mình anh - Người dụng Thơ Nguyễn Chí Thiện.

Ngày trình diện đi tù 26 năm trước
22 tháng 6, 1975 - 22 tháng 6, 2001
Phan nhật nam
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn