BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73165)
(Xem: 62197)
(Xem: 39372)
(Xem: 31127)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mầu Nhiệm Trong Ngục Tù

13 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 1379)
Mầu Nhiệm Trong Ngục Tù
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Vũ Thanh Thủy, một cây bút đã được Hội Phụ Nữ Quốc Gia mệnh danh là Người Phụ Nữ của Thế Kỷ Thứ 21. Bà là vợ của nhà báo Dương Phục đồng thời thuộc nhóm vượt biên cùng với gia đình Nhật Tiến đã trải qua thảm kịch đấu tranh với hải tặc Thái Lan. Từ một phóng viên chiến trường tại Việt Nam, Vũ Thanh Thủy trở thành nhà báo Hoa Kỳ tại San Diego và đã có dịp trở lại Biển Đông vớt người vượt biển được đưa lên chương trình 20/20. Bài viết sau đây của Vũ Thanh Thủy trên tờ báo Dân Chúa viết về Đức Tin và kỷ niệm những ngày lao tù tại Việt Nam.

Sáng Chúa Nhật 29 tháng 5 năm 1997, nhóm nữ can phạm chúng tôi được nghỉ đi lao động nhưng phải làm vệ sinh cả khu trại rộng lớn của Ty công an Xuân Lộc, Long Khánh.

Phòng giam nữ phạm nhân có tất cả 12 tù nhân, một nửa là tù chính trị. Sáu người tù thường phạm thuộc ban nhà bếp, gọi theo giọng Việt Cộng là "Tổ Chị Nuôi". Do đó, công tác vệ sinh hôm nay do những tù chính trị đảm nhiệm. Gồm có chị Sang, đang có thai 5 tháng, bị bắt về tội "hoạt động phản Cách Mạng" với một nhà đầy tài liệu, truyền đơn chống Cộng, dì Thiền và dì Khánh, hai dì phước của dòng Mến Thánh Giá dạy học tại căn cứ 5 Đồng Tâm Long Khánh, can tội "hoạt động chính trị ngược đường lối Cách Mạng" vì đã ... dạy giáo lý trong giờ học, hai ni cô Phật giáo, cô Cúc và cô Mười, cùng với tội danh tương tự hai dì phước dòng Mến Thánh Giá, và tôi, bị bắt trong lúc giúp chồng vượt trại cải tạo.

Chúng tôi phải dọn dẹp thật sạch cả khu sân trước sân sau của trại giam cũng là Ty công an Xuân Lộc. Dì Khánh và tôi đặc trách sân ngoài. Từ đây, tôi có thể nhìn thấy những chiếc xe đò lao vun vút ngoài quốc lộ. Vừa lui cui quét sân, dù cố tự kiềm chế, tôi vẫn không thể không liếc mắt nhìn những chiếc xe đò chạy về hướng Sài Gòn, nơi đó có con tôi đang bơ vơ một mình. Khi đi ra thăm chồng tại trại cải tạo Long Giao, tôi đã chỉ gửi tạm con tôi cho người hàng xóm, tưởng rằng sẽ trở về đón con vào buổi chiều như bao lần trước. Thức ăn, quần áo, vật dụng gửi cho con chỉ đủ dùng cho một ngày. Mà giờ 10 ngày đã trôi qua, tôi không trở về. Vắng mẹ thời gian lâu như thế, đứa con gái 2 tuổi của tôi hiện ra sao?

Nước mắt tôi trào ra làm mờ nhòa chiếc xe đò đang dần xa, chuyên chở theo nó nỗi ước ao tuyệt vọng của tôi được ngồi trên đó, trở về Sài Gòn, ôm đứa con thơ vào lòng. Lòng tôi quắt quay trong ước muốn vùng chạy ra đường cái, vẫy một chiếc xe đò, nhảy lên về với con. Tôi cắn chặt răng, cố ghìm ý muốn cuồng dại đó. Dù nôn nao đến tưởng như vỡ tung cả trái tim vì hình ảnh đứa con bé bỏng đang khóc gào nhớ mẹ, tôi vẫn còn đủ lý trí để hiểu được rằng, với đám công an đang ngồi gác đầy cổng, súng lăm lăm trong tay, chắc chắn tôi sẽ bị bắn gục tại cổng như một tù nhân đã chết khi cố vượt ngục trước đây.

Dù sao, ý tưởng vượt tù đã đến trong đầu, lòng tôi nôn nao với ước muốn vượt thoát đốt cháy lòng. Trong đầu tôi còn vang vang câu nói gay gắt của viên thiếu tá an ninh bộ đội, chính ủy L3, nơi nhà tôi bị giam cải tạo, khi đưa giải tôi từ trại Long Giao về Ty công an Xuân Lộc "Chồng chị còn có ngày về chứ chị thì không có hy vọng đó đâu."

Viên thiếu tá mặt bủng da chì, đôi mắt quắc lên với tia nhìn soi mói ác độc đã gán tôi tội "hoạt động gián điệp cho CIA," chỉ vì tôi thường xuyên có mặt quanh trại để đón gặp nhà tôi ra ngoài lao động. Chính hắn đã trói gập cánh khuỷu nhà tôi lại, dùng giây điện đánh anh tàn bạo, nhốt anh vào conex khóa kín đặt giữa trời nắng, hành hạ tra khảo anh ngày đêm... - những điều đó sau này tôi mới biết -. Nhưng riêng lúc này, tôi đã đủ đau đớn đến tan nát cả lòng khi tôi nhờ hắn thông báo với địa phương tin tôi bị bắt để bạn bè đem con tôi về nuôi giúp, và hắn mỉa mai trả lời: "Con chị nên để nhà nước nuôi thì tốt hơn, có thể nó mới nên người được."
Sự tàn nhẫn của những người Cộng Sản làm tôi thấy tương lai tôi ngập trong bi thảm. Nhà tôi đã bị bắt lại và chắc chắn bọn cán bộ quản giáo sẽ không còn để cho anh một cơ hội nhỏ nhoi vượt thoát được nữa. Con chúng tôi bơ vơ côi cút ở nhà, không còn một ai thân thích. Tôi không thể nào chấp nhận được cái tương lai tuyệt vọng đó. Tôi phải trốn thoát. Bằng mọi giá tôi phải nuôi dạy con tôi, và tìm cách trợ giúp nhà tôi đang khốn khổ trong ngục tù.

Tôi đưa mắt nhìn khắp khu sân trại giam, một dự định táo bạo thành hình trong óc tôi. Mải suy nghĩ, tôi quên bẵng mất công tác đang làm và sự hiện diện của dì Khánh bên tôi. Tiếng dì hỏi nho nhỏ đưa tôi về thực tại: "T. ạ, em có nhớ hôm nay là l­ gì không?" Tôi sực tỉnh, ngỡ ngàng lắc đầu. Dì Khánh nói nhỏ, "l­ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống em ạ. Dì tưởng rằng em phải nhớ chứ, vì hình như Chúa Thánh Thần đang đổ lửa trong lòng em mà!"

Dì Khánh, người bạn tù vô cùng thông minh của tôi! Dì đã nhìn rõ tận tâm can tôi, tận những dự tưởng, ý nghĩ của tôi. Nếu không được gặp Dì trong trại giam này, không chắc tôi còn sống được đến ngày nay.

* * *

Mấy ngày đầu bị bắt, tôi điên cuồng trong nỗi tuyệt vọng cùng cực. Tôi nhớ thương đứa con bé bỏng bơ vơ. Tôi xót xa cho chồng bị hành hạ. Đầu óc tôi lúc nào cũng chìm đắm trong toan tính lìa bỏ cõi đời đen tối này. Thêm nỗi lo sợ trước những tra vấn, hăm dọa của cán bộ chấp pháp làm tôi như cuồng trí.

Nhưng chính dì Khánh, với giọng nói nhỏ nhẹ như tiếng ru êm, với niềm hy vọng về một ngày tươi đẹp gặp lại chồng con được Dì kiên nhẫn nhắc nhở mỗi ngày, tôi đã nguôi ngoai mà chịu chấp nhận thực tại.

Dì dạy tôi cách thắng lướt được thời gian và đau khổ bằng bài hát "Kinh Hòa Bình", "... Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi óan thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm... Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem nguồn vui đến chốn ưu sầu. Lạy Chúa, xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến thương. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời ..." Tôi đã nhẩm đi nhẩm lại bài hát này hàng chục lần mỗi ngày, vào mỗi lúc buồn nản, đau khổ, nhớ thương, tuyệt vọng... Và nhờ đó, tôi đã sống qua được những ngày dài tưởng như vô tận trong tù.

Người bạn thân trong tù của tôi, di Khánh, dáng người bé nhỏ, rất gầy, rất yếu đuối, nhưng có một ý chí vô song, một nghị lực phi thường. Ý chí đó được thể hiện qua những lần đi lao động, dưới ánh nắng đổ lửa mà Dì nhất định không một lần uống nước, nói để nhường nước đó cho người khác khát hơn. Dì nhận mọi việc cực nhọc xem quá nặng nề với thể xác bé nhỏ của Dì mà không một chút ngại ngần than thở. Nghị lực của Dì nổi rõ ở sự bình thản lạ lùng trên nét mặt. Dù bị công an chấp pháp tra hỏi, hăm dọa, dù bị sỉ nhục bằng những lời lẽ nặng nề, bị thiếu thốn đói khổ trong tù, luôn luôn Dì giữ được nét mặt bình thản đến độ phi thường, ẩn dấu một tâm hồn vô cùng bình an và phó thác vào tay Chúa.

Tốt nghiệp về Thần Học và Văn Chương, dì có một trí nhớ đáng khâm phục. Cứ mỗi sáng Chúa Nhật, Dì đọc cho chúng tôi ghi lại những bài Thánh, Phúc Âm của ngày hôm đó để đến tối Chúa Nhật, những người Công Giáo chúng tôi ngồi riêng một góc, giả vờ chuyện vãn, nhưng thật ra để cùng nhau đọc kinh, đọc sách Thánh, Phúc Âm trong một thánh l­ thiêng liêng, đơn giản nhưng vô cùng xúc động.
Những bài Phúc Âm, Thánh Thư sau đó được lén chuyền qua các phòng giam khác của đàn ông, gồm hơn 200 người tù bị dồn cứng như cá hộp trong 3 phòng giam kín mít bằng tôn, bị khóa kín ở ngoài suốt ngày đêm. Hầu hết các tù nhân này can tội "chính trị, hoạt động phản Cách Mạng," hoặc bị bắt trong rừng. Dù đây chỉ là trại tạm giam trong lúc chờ thẩm vấn, nhưng có những người đã bị nhốt ở đây gần 2 năm trời mà chẳng hề được đưa ra tòa để biết rõ về số phận tương lai của mình. Trong số hơn 200 tù nhân này, người Công Giáo chiếm 2/3. Nhưng tù đàn ông không thể tụ họp lại một nơi như bên chúng tôi vì phòng giam của họ vô cùng chật chội, phải nằm xếp lớp bên nhau và đầy dẫy cán bộ trà trộn theo dõi, rình mò.

Nhóm nữ tù nhân chúng tôi đã phải lén chép lại nhiều bản nhỏ xíu bằng bút chì trên giấy vệ sinh để chuyền đến tay các tù bạn, một việc làm rất khó khăn và nguy hiểm. Dì Khánh quyết tâm chia sẻ với họ để họ có thể dâng thánh l­ thiêng liêng trong ngày Chúa Nhật và suy gẫm Phúc Âm để nuôi dưỡng niềm tin trong nỗi đau khổ và mờ mịt của ngày mai.

* * *

Dì Khánh, người nữ tù nhỏ bé, khiêm tốn, bình thản của trại tù Xuân Lộc đang nhìn tôi hiền từ và thấu hiểu. "T. ạ, lát nữa làm vệ sinh xong, dì nhờ em chép lại bài Sách Thánh và Phúc Âm của ngày hôm nay nhé. Và tối nay, Chúa Thánh Thần sẽ trả lời điều em đang bồn chồn suy nghĩ."

Tôi lắc đầu, với ý nghĩ vượt thoát sôi sục trong đầu, "lòng em nóng như lửa đốt, em không chờ nổi đến tối đâu Dì ạ"

Dì Khánh mỉm cười, "đó chính là lửa Thánh Thần nung đốt lòng em để em thêm sốt sắng đón nhận ơn Người. Hãy nhận ơn Người rồi hãy quyết định em ạ"

Tôi lạ lùng nhìn dì Khánh. Sao Dì lại có thể thấu suốt lòng tôi như thế? Ánh mắt Dì hiền từ nhưng lóng lánh một sức mạnh vô song tiềm ẩn, dường như không phải phát xuất từ tấm thân gầy gò, yếu đuối, cũng không phải phát xuất từ sự thông minh uyên bác của Dì, mà hình như do lòng phó thác tin cậy vào quyền lực bao la của Thiên Chúa. Tôi đã bị ánh mắt đó khuất phục. Tuy trí óc tôi vẫn không ngừng suy nghĩ, tìm tòi mọi cách trốn tù an toàn nhất, nhưng lòng tôi đã bỗng nhiên dịu hẳn xuống, không còn thiêu đốt điên cuồng trong tôi nữa.

Buổi tối, chúng tôi ăn bữa cơm chiều đạm bạc gồm mỗi người một chén cơm độn 70% khoai mì hẩm mốc và một thìa muối hột. Dù bụng đói nhưng tôi vẫn không sao nuốt cơm nổi vì nước mắt tôi đã dâng lên nghẹn cổ và trào ướt má. Hình ảnh đứa con bé nhỏ lung linh ẩn hiện, mỗi lần ăn cơm phải có mẹ đút, làm tôi nghẹn ngào. Lòng tôi đau đớn đến nỗi tôi phải buông bát chạy vào góc phòng để các bạn tôi có thể nuốt trôi bữa cơm, dù mắt ai cũng đã đỏ hoe.

Sau bữa cơm, lợi dụng lúc đám công an canh phòng lo sửa soạn bữa ăn tối của họ, tôi lại ngồi bên dì Khánh, lén ghi chép thật vội bài Thánh Thư và Phúc Âm vào bảy mẩu giấy nhỏ. Dưới mỗi ơn, Dì ghi thêm một câu trích dẫn từ Kinh Thánh hay từ lời giảng của các Thánh. Dì cho tôi biết là sau Thánh L­, bảy người nữ tù Công Giáo chúng tôi sẽ cùng chia nhau bốc thăm bảy ơn này, coi như đó là món quà thiêng liêng của Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người. Tôi mong bốc được mẩu giấy có ghi ơn Can Đảm/Sức Mạnh. Tôi đã nhủ thầm: "Lạy Chúa, nếu con bốc được mẩu giấy này, con sẽ coi đó như Chúa đã chấp nhận quyết định của con và con xin phó thác mọi sự trong tay Chúa. Đêm nay con sẽ trốn khỏi trại!"

Tám giờ tối, người nữ công an mười bảy tuổi mà hách dịch vô cùng, chuyên phụ trách sinh hoạt tổ nữ phạm nhân, mỗi buổi tối, đã làm xong nhiệm vụ "giáo dục," chúng tôi ùa ra khỏi phòng, khóa chặt ở ngoài bằng một ổ khóa to tướng. Nhóm nữ tù nhân Công giáo chúng tôi ngồi lại bên nhau, giả vờ thảo luận chung về bài học vừa được giảng dạy, nhưng thật ra để cùng nhau chuẩn bị Thánh L­ thiêng liêng của ngày Chúa Nhật, hôm nay đặc biệt hơn những ngày Chúa Nhật khác, vì là l­ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Tôi được giao phó phần đọc bài Phúc Âm. Nhiều lần, tôi phải ngưng lại vì nỗi xúc động dạt dào làm tôi nghẹn lời. Đến đoạn: "trong căn phòng đóng kín cửa vì bị quân lính ruồng bắt, Thánh Thần đã hiện xuống trên Mẹ Maria và các môn đệ Chúa dưới hình lưỡi lửa trên đầu mỗi người ...," tôi bỗng dưng liên tưởng đến hoàn cảnh hiện nay của cả nhóm chúng tôi, của riêng tôi, trong căn phòng bị khóa chặt từ bên ngoài, trong cảnh tù đày đen tối. Nước mắt tôi trào ra, chảy ràn rụa trên mặt. Tôi ngưng đọc, nhìn sang những người bạn tù. Qua màn lệ nhạt nhòa, tôi thấy tất cả đều cúi đầu rưng rưng nước mắt, kể cả dì Khánh là người thường vẫn cứng cỏi nhất, cũng xúc động đến gục đầu, hai tay chắp lại trước ngực. Phải vài phút sau, tôi mới có thể đọc tiếp bài Phúc Âm và Thánh L­ thiêng liêng được kết thúc với vài lời hết sức đơn sơ giản dị nhưng vô cùng sâu xa của dì Khánh về ý nghĩa của ngày L­ Hiện Xuống.

Sau đó, bảy lá thăm được đem ra để trước mặt mọi người. Chúng tôi lần lượt bốc theo vòng ngồi. Tôi là người bốc thứ nhì. Tôi nhìn 6 lá thăm, cố tìm trong đó lá thăm có Ơn Can Đảm mà tôi mong được nhận, sự can đảm vô cùng cần thiết để tôi có thể vượt thoát bao chông gai nguy hiểm trước mặt. Tôi nhắm mắt cầu nguyện, xin Chúa Thánh Thần ban cho tôi ơn mà tôi cần nhất, rồi bốc đại một lá. Những lá thăm còn lại được lần lượt bốc hết. Từng người chúng tôi mở mẩu giấy của mình và đọc lên cho mọi người cùng nghe.
Lá thăm của tôi ghi: "Ơn Khôn Ngoan" và bên dưới có câu "hãy trở nên như con trẻ, Ta sẽ lo cho mọi sự." Đây là một câu liên quan đến thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, thánh bổn mạng của tôi. Tôi ngẩn ngơ trước sự trùng hợp ngẫu nhiên ngây ngất trong một ơn sủng kỳ lạ mà tôi chưa bao giờ được biết.

"Hãy trở nên như con trẻ." Như thế có nghĩa là tôi phải tùy thuộc tất cả vào Chúa trên trời. Người sẽ lo liệu cho tôi tất cả. Nhưng còn chồng tôi ? Còn con tôi ? Chẳng lẽ Chúa lo cho tôi còn lại để mặc những người tôi yêu thương nhất đời sao ? Tôi quay sang nhìn dì Khánh. Dì ngồi lặng, đầu cúi xuống, hai tay chắp trước ngực. Trước mắt Dì là mảnh giấy có ghi "Ơn Biết Lo Liệu," kèm theo một hàng chữ: "Hãy vác Thánh Giá Ta đã cho con." Chị Sang, người nữ tù can tội hoạt động Phục Quốc đang có mang 5 tháng, chìa miếng mấy về phía tôi, ơn của chị là "Can Đảm và Sức Mạnh" với câu "Ơn ta bao giờ cũng đủ cho con." Chị Khanh, thường phạm can tội trộm cắp, người thường hay trách móc và nhạo báng Thiên Chúa vì những nỗi bất hạnh của cuộc đời chị, nhận được ơn "Biết Kính Sợ Thiên Chúa" và câu "hãy phó thác mọi sự trong tay Ta."

Lòng tôi tự nhiên dịu hẳn xuống. Tôi không còn thấy sôi sục ý muốn vượt tù nữa, ít nhất là trong buổi tối hôm nay. Trong cảnh tù đày khổ nhọc mà tôi đang phải trải qua, còn gì sung sướng cho bằng được trở nên như "trẻ thơ," được có người lo liệu hết mọi sự cho mình ? Tôi thường là người bướng bỉnh và cứng lòng tin, nhưng tối nay sao tự nhiên tôi nghe lòng dịu lạ thường như đang được ru ngủ khỏi cảnh tăm tối vô cùng của ngục tù.

* * *

Đêm đó, có 3 người tù trốn khỏi trại Xuân Lộc. Hai tù nam và một tù nữ thường phạm. Một trong hai người tù chính trị bị bắn trọng thương ngay trong lúc leo rào kẽm gai để thoát ra đường cái. Người còn lại bị bắt ngày hôm sau tại bến xe đò. Cô Hoa, tù thường phạm bị bắt ba ngày sau tại nhà một người bà con cách trại tù khoảng 3 cây số. Lúc bị giải trở về trại Xuân Lộc, mặt và toàn thân cô đầy những vết bầm tím vẫn còn đang rỉ máu. Cô không được đưa trở về cùng phòng giam với chúng tôi, mà bị biệt giam trong trong một căn phòng tối. Một lần được cử đem bát cơm duy nhất trong ngày của phòng biệt giam đến cho cô, tôi nhìn thấy cô nằm úp mặt xuống đất, hai chân bị khóa trong một tấm gông gỗ lớn, hai tay bị xích vào hai ổ khóa sắt chôn dưới nền nhà bằng xi măng. Mùi tiểu tiện và mùi những vết thương bị nhi­m trùng xông lên nồng nặc. Tôi ngồi xuống bên cô, đưa bát cơm độn chan nước muối vào sát miệng của cô. Cô có vẻ đói lắm, cô chồm người lên để ăn cho d­. Hai tay cô kéo ghì sợi xích cứa vào cổ tay cô những vết trầy trụa máu. Hình ảnh thê thảm của cô Hoa làm nước mắt tôi chảy ràn rụa. Tôi ngồi bệt xuống sàn xi măng, dùng tay bốc cơm đút vào miệng cô. Cô ngước mắt nhìn tôi, ánh mắt sáng lên cảm động, đôi môi nứt nẻ rướm máu cố nhếch một nụ cười méo mó. Tồi ngồi xuống đút cho cô ăn đến hết, nhưng người lính gác phòng biệt giam quát lên bắt tôi phải đi ra. Hình ảnh cô Hoa nằm úp mặt trên nền xi măng lạnh lẽo trong căn phòng tối tăm hôi hám, chân bị đóng gông, tay bị xích chặt, cố rướn người lên dùng miệng ăn cơm từ đó cứ theo ám ảnh tôi mãi. Tôi thấy như đó là hình ảnh của chính tôi, nếu tôi đã cố bướng bỉnh làm theo ý định của mình vào buổi tối ngày l­ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

* * *

Một tuần sau đó, dì Khánh được thả. Từ phòng cán bộ chấp pháp trở về trại giam, Dì báo tin cho tôi và tiết lộ chính quyền thả Dì về để buộc nhà Dòng phải nộp tất cả tài sản cho họ. - Dì là thủ quĩ của nhà Dòng - Đó là lần đầu tiên tôi thấy Dì mất bình tĩnh và buồn. Dì nói T. cầu nguyện nhiều cho Dì nhé. Sức Dì thì yếu đuối mà trở về phải lo những chuyện lớn quá." Tôi hoảng hốt nghe tin Dì được tha. Bao sức lực và bình an của tôi như tiêu tan, "không có Dì tụi em sẽ ra sao ?" Làm sao tụi em sống nổi ?" Dì cố mỉm cười với tôi, "T. đừng lo, Chúa Thánh Thần sẽ ở cùng em và nâng đỡ em." Dì để lại hầu hết mọi vật dụng của Dì có trong tù cho tôi, vì tôi vào tù chỉ vỏn vẹn với bộ quần áo mặc trên người. Trước khi rời cánh cổng song sắt nặng nề của phòng giam nữ, dì Khánh nghiêm trang bảo tôi, "Dì tin rằng không những T. sẽ không yếu đuối mà còn có sức để giúp đỡ và chia sẻ với các bạn tù nữa. Nhẩm mãi Kinh Hòa Bình T. ạ."
Lời nhắn nhủ của Dì không bao giờ tôi quên. Nhờ lời nhắn nhủ đó, thời gian còn lại của tôi trong trại tù Xuân Lộc đã trở thành thời gian ý nghĩa và bình an nhất trong đời tôi. Chưa bao giờ trong đời, tôi thấy mình hữu ích cho người khác và có được một tấm lòng thanh thản tuyệt vời dường ấy. Hình như mọi khổ nhọc về thể chất, mọi sợ hãi lo lắng không còn tác dụng gì với tôi nữa. Trong cảnh tù đày cùng quẩn này, tôi nhận ra tôi bất lực hoàn toàn, yếu đuối cùng cực và mất hết mọi khả năng làm chủ đời sống của tôi. Khi nhận thức được điều này, tôi như rũ bỏ được gánh nặng ghê gớm của đời sống để không còn lo lắng gì nữa - vì biết có lo cũng chẳng được. Tôi phó thác số phận chồng và con tôi cho Thiên Chúa. Tôi đặt cả ngaỳ mai của tôi vào tay Người. Tôi sống qua ngày trong tù, cố gắng hết sức để trở nên hữu ích cho người khác. Tôi gạt mọi lo nghĩ ra khỏi đầu óc, đặt mọi hành động, lời nói của mình dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Ngay cả những lúc bị gọi lên thẩm vấn tra hỏi, tôi cũng không chuẩn bị đầu óc, sắp xếp tư tưởng để đối phó nữa. Tôi chỉ cầu nguyện và xin Chúa Thánh Thần làm việc trong tôi, điều khiển mọi lời nói và hành động của tôi. Tôi hát Kinh Hòa Bình hàng chục lần mỗi ngày, gậm nhấm từng câu từng chữ như những viên thuốc bổ hỗ trợ tinh thần tôi. Nhờ đó, tôi chợt tìm được một sự bình an tuyệt diệu khắc chế được hết mọi nỗi sầu khổ của hoàn cảnh cá nhân mình.

Vài tuần sau đó, một cách hoàn toàn bất ngờ, tôi được thả. Công an chấp pháp nói là chồng tôi đã trốn khỏi trại cải tạo Long giao. Sau mấy tuần tìm kiếm, Cộng Sản quyết định thả tôi về và buộc tôi phải ký giấy cam kết sẽ nộp anh ngay khi nào anh liên lạc với tôi. Tôi hiểu là họ muốn dùng tôi làm mồi nhử chồng tôi. Tin tưởng ở sự màu nhiệm của Thượng Đế, tôi lại một lần nữa phó thác tương lai cho Người. Ngỡ ngàng như giấc mơ, tôi lại được gặp chồng, con, bạn hữu. Tôi được nghe kể về những điều kỳ diệu xảy ra trong cuộc vượt ngục của chồng tôi giúp anh thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc. Từ đó, chúng tôi bắt đầu cảnh sống của những kẻ bị săn đuổi, ẩn núp, di động từng ngày trong suốt hai năm.

Cuộc đời chúng tôi sau đó cùng trải qua rất nhiều gian khổ nữa trước khi đặt được chân đến bến bờ tự do. Nhưng tất cả những gian nan đó chỉ làm chúng tôi xác tín rằng có một Đấng vô cùng quyền năng và nhân từ ở trên cao luôn luôn thương yêu, chăm sóc, bảo vệ ta khi ta tin cậy Người và thực thi điều răn của Người là thương yêu lẫn nhau.

Những ngày trải qua trong trại tù Xuân Lộc từ đó đã trở thành những kinh nghiệm sống tuyệt diệu cho tôi. Những khi thấy lòng bối rối trước những thăng trầm của đời sống, kinh nghiệm đó lại nhắc nhở tôi về sự bình an và niềm hạnh phúc mầu nhiệm mà chỉ Thượng Đế mới thực hiện được cho ta trong bất cứ cảnh huống nào. Điều mầu nhiệm cho tới bây giờ vẫn làm lòng tôi rúng động là bài học về bình an và hạnh phúc đó lại được dạy cho tôi trong hoàn cảnh tù đày và đau khổ nhất của cuộc đời.

Vũ Thanh Thủy
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn