BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73241)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chữ Tu... Chữ Tù

13 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 1591)
Chữ Tu... Chữ Tù
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Đã tu còn sợ chi tù
Chữ tù liền với chữ tu một vần!
(Thơ Tuệ Nghiệp)

Năm 1982, sau lần đi tù hai năm trở về mái nhà xưa, tôi mới được quen biết anh Cao Hữu Đính. Những vị từng sống ở Huế, Thừa Thiên và những vị Phật tử miền Trung chắc nhiều người biết anh Cao Hữu Đính. Anh Đính qua đời trong căn nhà của anh đường Trương Minh Giảng - quãng gần cổng xe lửa số 6 - vào năm 1991. Anh nguyên là Tổng Thư Ký Liên Ban Tôn Giáo Chống Độc Tài năm 1963, là Giáo sư Đại Học Vạn Hạnh. Anh hơn tôi đến gần hai mươi tuổi.Tôi được gập anh ở nhà anh Hiếu Chân Nguy­ễn Hoạt. Năm ấy - năm 1982 - tôi viết một số bài kể chuyện linh tinh về đời sống của nhân dân Sài Gòn dưới ách cộng sản, gửi sang Mỹ, Pháp, Úc. Tôi đưa vài bài tôi viết để anh Đính đọc. Anh nói:

- Trước đây tôi có nghe tên anh nhưng tôi không đọc anh. Tôi vẫn tưởng anh chỉ viết được tiểu thuyết thôi, không ngờ anh viết chính luận cũng được quá.

Từ đó anh Đính mến tôi, hay đến nhà tôi, sốt sắng và chân tình giúp đỡ vợ chồng tôi. Anh chị Đính sống tương đối thoải mái về tiền bạc hơn rất nhiều người Sài Gòn những năm đen tối, cơ cực đến rùng rợn ấy. Anh chị có bẩy tám người con, năm người sống ở nước ngoài. Tất cả các con anh chị đều thành đạt.

Là người nghiên cứu Phật giáo và tham gia phong trào chấn hưng đạo Phật từ những năm 1940, anh Đính biết khá nhiều về giới giáo sĩ Phật giáo ở miền Trung Việt Nam. Những lúc vui chuyện anh kể cho tôi nghe về tiểu sử, hạnh kiểm, hành động, công đức tu hành của những vị lãnh đạo của Phật giáo như Hòa Thượng Tăng Thống Thích Tịnh Khiết, Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Quảng Độ, Thiện Minh, Trí Quang, Đức Nhuận, Nhất Hạnh, v.v...

Là người ngoại đạo tôi nghe những chuyện trên rồi quên ngay. Một sáng đầu năm 1984 anh đến nhà tôi, cho tôi biết:

- Công an mở chiến dịch bắt bớ, khủng bố Phật giáo đồ. Lần này coi bộ nặng. Tuệ Sỹ, Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Thích Nữ Trí Hải bị bắt trong ngày hôm qua. Chưa biết còn những ai bị bắt nữa.

Và anh nói:

- Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, Trí Hải là... la crème du Buđhisme, tinh hoa của Phật giáo.

Vài ngày sau anh cho tôi biết thêm về vụ bắt bớ lớn này:

- Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, Trí Hải là ba người con cưng của Hòa Thượng Thích Trí Thủ. Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát bị bắt ở chùa Già Lam, Phú Nhuận. Cô Trí Hải đang lập một tịnh xá ở trên Hố Nai, dùng làm nơi cư trú, tu hành cho những tăng ni không có tên trong sổ hộ khẩu của chùa nào. Công an đi xe đến tận nơi mời Trí Hải về Sài Gòn. Buổi sáng Hòa Thượng Thích Trí Thủ được mời đến trụ sở Mặt Trận Tổ Quốc., hòa thượng được nghe một cuộn băng ghi lời cung khai của một tăng sinh Già Lam bị bắt vì tội phản động. Tăng sinh này khai Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, Ni Cô Trí Hải là những người trong ban lãnh đạo tổ chức phản động. Nghe nói tổ chức này lớn lắm, dự định lập chiến khu, gây bạo động trong thành phố, có súng. Khi trở về chùa Già Lam, công an đã đến bắt Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, Hòa Thượng Trí Thủ ứa nước m¡t.

Vài ngày sau nữa anh Đính cho tôi biết Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Pháp Chủ Phật Giáo Việt Nam, đã tạ thế. Tại họa dồn dập đến với những Phật tử. Đấy là tháng Ba năm 1984. Tình hình của tôi cũng đen tối không kém. Nhiều sự kiện xẩy ra cho tôi thấy là xe bông công an thành Hồ lại sắp sửa đến tận nhà đưa tôi đi lần nữa.

Tháng Giêng năm 1984 có tin nói về một đài phát thanh chống Cộng mới được phát sóng. Một số người ở miền Trung tình cờ bắt được băng tần của đài này. Tin ấy truyền về Sài Gòn. Giữa tháng Hai anh Đính và tôi nghe được đài này. Đây là Tiếng Nói của Đài Phát Thanh Kháng Chiến Mặt Trận Phục Quốc Hoàng Cơ Minh.

1984-1999... Mười lăm năm trôi qua thật nặng nề mà cũng thật nhanh. Đài Phát Thanh Kháng Chiến năm ấy phát thanh năm lần một ngày, mỗi lần một giờ. Đài yếu, rất khó bắt. Người nào có duyên với đài thì may tay có lời, bắt được tiếng nói ngay bất kể máy thu thanh xấu, rệu rã, lão liệt, nhiều người có máy tốt mò đài cả nửa giờ vẫn không ra. Một giờ phát thanh quá dài. Đài Kháng Chiến phát thanh bằng băng thâu sẵn, ba bốn ngày mới thay một băng, tin tức không có, gần như phát toàn những bài viết đả kích cộng sản. Vợ chồng tôi phấn khởi tìm nghe đài, chúng tôi xúc động khi nghe nhạc hiệu của đài, bài "Việt Nam Minh Châu Trời Đông" - nhạc, lời ca thật hay nhưng chúng tôi đã lãng quên cùng năm tháng - chúng tôi muốn đứng tim khi nghe Thái Thanh hát bài "Quê Em... Quê em miền trung du... Đồng quê lúa xanh rờn... Giặc tràn lên cướp phá... Anh về quê cũ, đi diệt thù giữ quê... Giặc tan đón em về..."

Năm ấy Thái Thanh còn sống ở Sài Gòn. Người ở đây nhưng tiếng hát của người lại ở một nơi nào xa lắm vọng về. Nghe tiếng hát Thái Thanh trên làn sóng Đài Phát Thanh Kháng Chiến tôi nghĩ đến những cái gọi là giả chân, chân giả của cõi đời này. Rõ ràng là tiếng hát của Thái Thanh nhưng lúc đó Thái Thanh đâu có hát.

Một tối lúc 11 giờ đêm, tôi mở nghe đài Kháng Chiến. Cái radio Sony mười lăm, mười sáu tuổi đời - nó đến với tôi khoảng năm 1966, 1967 - nằm bên tôi trên căn gác nhỏ, nhưng Alice nằm tình tang trên cái võng treo ở dưới nhà lại nghe được tiếng nó rõ hơn tôi. Nguyên nhân là hệ thống truyền âm trong căn nhà nhỏ của chúng tôi hết sức ly kỳ. Đêm ấy vợ chồng tôi cùng nghe một bài bình luận viết về các văn nghệ sĩ Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa. Đại ý của bài này là trước 1975 văn nghệ sĩ miền Nam có cái lỗi là đã không tích cực chống Cộng, nhưng sau 1975 văn nghệ sĩ miền Nam có cái hay là không một người nào cộng tác với Việt Cộng.

Và đây là nguyên văn một lời trong bài bình luận ấy tôi nghe và nhớ mãi:

- ...Trong năm 1983 chúng ta đã được đọc văn thơ chống Cộng của Hoàng Hải Thủy, Hoàng Cầm, Nguy­ễn Chí Thiện...

Tôi bồi hồi xúc động với những cảm giác vui lo. Tôi được kể tên trước Hoàng Cầm, thi sĩ tôi rất ái mộ, văn nghệ sĩ đàn anh của tôi. Hết giờ phát thanh tôi lọ mọ đi xuống gác, nói với vợ tôi:

- Em nghe rõ đài nói đến tên anh không? Chắc chúng nó phải bắt anh thôi, chúng nó không để anh yên đâu...

*

Lê Mạnh Thát, Tuệ Sỹ, Ni Cô Trí Hải bị bắt ngày 30 tháng Ba, 1984. Chừng một tuần sau Hòa Thượng Trí Thủ viên tịch. Hai giờ sáng rạng ngày mùng 2 tháng 5, 1984 xe bông của Sở Công An Thành Hồ lại đến cửa nhà tôi rước tôi đi.

Tôi trở lại cái gọi là Trại Tạm Giam Số 4 Phan Đăng Lưu, nơi sáu năm trước tôi đã sống hai năm và đã thoát ra. Trở vô lần này tôi lại vào biệt giam Khu C Một. Như Lưu Nguy­ễn tái đáo Thiên Thai, tôi như Thúy Kiều lần thứ hai nhìn thấy ảnh Ông Thần Mày Trắng. Lần trước tôi nằm biệt giam số 6, rồi phòng tập thể số 7, lần này tôi nằm biệt giam số 10, rồi phòng tập thể số 6 Khu C Một.

Vào phòng tập thể số 6 tôi được xếp nằm cạnh một thanh niên trạc ngoài ba mươi tuổi. Chú gọi tôi là bác, tôi gọi chú là chú. Chúng tôi làm quen. Khi nghe chú nói chú là tu sĩ chùa Già Lam, bị bắt vì tội phản động, tôi vội hỏi tên chú là gì. Anh Đính cho tôi biết tên người tăng sinh Già Lam cung khai. Khi biết chú không phải là người tăng sinh đó tôi nói cho chú biết tin Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, Ni Cô Trí Hải đã bị b¡t và Hòa Thượng Trí Thủ đã qua đời.

Chú lờ mờ biết tin ba tu sĩ mới bị bắt nhưng chưa biết tin Hòa Thượng Pháp Chủ đã viên tịch. Chú cho tôi biết chú và chừng hai mươi người trong nhóm chú bị bắt đã ba năm. Năm đầu chú bị giam ở đây, Số 4 Phan Đăng Lưu, rồi chú và các bạn trong ban tổ chức bị chuyển sang Chí Hòa sống hai năm, chú và vài người trong nhóm mới bị đưa từ Chí Hòa trở lại đây để tái thẩm vấn. Nghe tôi nói linh tinh về những chuyện Phật giáo, Phật tử, thượng tọa, hòa thượng, chú hỏi:

- Bác không phải Phật tử sao bác biết những chuyện đó?

- Ông Cao Hữu Đính cho tôi biết - Tôi trả lời - Tôi gập ông Đính gần như mỗi ngày.

Qua chú tôi được biết một số tu sĩ Phật giáo và Phật tử liên kết với một số tín hữu Thiên Chúa giáo - trong số này có nhiều người ở Hố Nai - thành lập một tổ chức chống Cộng. Nhiều người bị bắt từ ba năm trước nhưng họ không chịu khai ra những người lãnh đạo họ. Vì họ không chịu khai nên họ cứ bị giam mãi. Người tăng sinh bị giam đến ba năm trong sà-lim ở Chí Hòa quá khổ cực - suốt ngày đêm ở trần, quần sà-lỏn, chịu muỗi cắn, đi tiểu, đi cầu vào cái sô để bên mình, suốt ngày đêm bị còng chân vào cây sắt, bẩy ngày mới được tắm một lần, ăn cơm với muối, v.v... - chịu không nổi đã phải cung khai. Lời khai của tăng sinh đáng thương này được thu vào băng và Hòa Thượng Trí Thủ được mời đến nghe cuộn băng này. Do đó Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, Ni Cô Trí Hải và Thượng Tọa Đức Nhuận bị bắt.

Người tu sĩ Già Lam trẻ tuổi sống thân thiết với tôi bẩy, tám tháng trời trong Phòng Tù số 6 sinh quán ở Thừa Thiên, thuộc một gia đình Phật tử thuần thành. Ông thân của chú hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông cậu ruột của chú trụ trì một ngôi chùa ở Thừa Thiên. Chủ kể tôi nghe lúc nhỏ chú tu trong chùa của ông cậu, chú bất mãn khi thấy bà mẹ chú lên thăm chùa bị ông cậu chú bắt làm nhiều việc quá nặng nhọc cho nhà chùa. Chú có tâm hồn văn nghệ, thích thơ và làm thơ khá hay. Rất tiếc tôi không nhớ bài thơ nào của chú. Chú tặng tôi hai chữ "Tuệ Nghiệp," tôi tặng chú câu thơ:
    - Đã tu còn sợ chi tù
    Chữ tù liền với chữ tu một vần.

     

Mỗi tháng người tù được nhận thực phẩm gia đình gửi vào tiếp tế một lần. Đồ nuôi của tôi nghèo, ăn được hai ba ngày là hết, chú tu sĩ cho tôi ăn đồ chay của chú. Chú khéo tay, mượn dao của anh em xắt dưa leo, trộn chanh và muối mè, làm gỏi. Tù nhân không được dùng dao, đũa; chén bát, muỗng ăn toàn bằng nhựa, nhưng phòng tù nào cũng giấu được một hai miếng kim khí mài trên nền xi măng làm dao. Nhờ chú tôi được ăn món gỏi vỏ chuối. Chú lấy vỏ chuối xứ treo lên, phơi khô, ngâm nước cho bớt chất đắng, xé nhỏ ra từng sợi, vắt chanh, nêm bằng muối đậu, ăn cho có chất sơ. Chú kể ngày xưa các ông quan triều đình Huế lên chùa chơi với ông cậu của chú thường xin nhà chùa cho ăn món mít non kho.Cái gọi là Trại Tạm Giam số 4 Phan Đăng Lưu - đường Chi Lăng của ta xưa, canh Tòa Tỉnh Trưởng Gia Định cũng của ta ngày xưa - là trung tâm thẩm vấn của Sở Công An Thành Hồ. Gần như tất cả những người dân Sài Gòn bị bắt đều bị đưa vào đây chịu thẩm vấn. Sau khi xong phần thẩm vấn, chừng một năm sau, người tù sang Nhà Tù Lớn Chí Hòa chờ ra tòa hoặc đi trại lao động cải tạo. Khoảng tháng Ba năm 1985 chú bạn tù của tôi rời Số 4 Phan Đăng Lưu để trở lại Chí Hòa. Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, Ni Cô Trí Hải cùng sang Chí Hòa trong tháng này. Tháng Năm 1985 đến lượt tôi đặt chân xuống Thánh Địa Chí Hòa.

Buổi trưa, tôi tay ôm, tay xách hành lý, mùng mền, chiếu, theo các bạn tù đi cùng chuyến xe bước vào trung tâm thánh địa. Đứng trong sân tôi ngửng nhìn. Chỉ thấy song sắt và song sắt. Tôi nghĩ: Người Sài Gòn bị bắt đi tù nếu chưa vào khám lớn Chí Hòa thì vẫn chưa biết tù đầy là gì. Nhìn lên những tầng lầu cao vây tròn tôi bồi hồi tự nhủ: "Đây là Chí Hòa. Với người tù Sài Gòn thì đây như là Đại Học Harvard của sinh viên Mỹ, Eaton của sinh viên Anh, Sorbone của sinh viên Pháp..." Tâm trạng tôi lúc ấy như dòng suối cuồn cuộn trôi. Tôi sợ hãi và tôi kiêu hãnh. Sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa đi tù vì tội chống đối chế độ là một thành tích tốt. Trong hai mươi năm, từ 1954 đến 1975, tôi đã sống, đã hưởng thụ, đã để cho những người khác chết, để cho vợ con những người khác khóc. Bằng những năm tháng tù đầy này tôi trả một phần nào cái nợ được yên bình, được đóng góp phần bổn phận của tôi trong công cuộc chống Cộng chung của dân tộc. Tôi chỉ là một người tù tầm thường. Nhiều người tù như tôi đã chết cô đơn, tức tưởi trong nhà tù lớn nhất Đông Dương này. Rất có thể tôi sẽ không còn sống để đi ra khỏi những vòng tường thành này, nhưng nếu ngày nào trở về được tôi sẽ thầm kiêu hãnh vì tôi đã có những ngày đêm sống trong Nhà Tù Lớn Chí Hòa.

Sang Chí Hòa, chú tu sĩ Già Lam bạn tôi ở trên tầng gác thứ tư khu ED, tôi ở Phòng 10 Tầng Hai khu này cùng với Trí Siêu Lê Mạnh Thát. Ba năm sau - năm 1987 - nhóm Già Lam và nhóm bị gọi là bọn Biệt Kích Cầm Bút chúng tôi mới "được" ra tòa. Có án rồi, chú tu sĩ và tôi gập lại nhau trong phòng 20 Khu FG Nhà Tù Chí Hòa. Chúng tôi nằm đây chờ đi trại lao động cải tạo. Nhóm Già Lam đi khỏi Chí Hòa trước nhóm chúng tôi. Duyên nợ tôi với chú chưa hết. Chú lên trại Z 30 A, Xuân Lộc, Đồng Nai. Sau chú chừng hai tháng một buổi trưa mùa xuân xe tù cũng đưa tôi đến Z 30 A. Ở đây tôi gập lại tất cả những người trong nhóm Già Lam.

*

Thời gian qua... Với ngày như lá, tháng như mây. Thơ Thanh Nam. Những ngày tù đầy gian khổ rồi cũng trôi qua. Anh em chúng tôi bị bắt tám người, hai người chết trong tù. Ở Z 30 A được chừng nửa năm chú tu sĩ bạn tôi bị đưa ra một trại lao cải ở miền Trung. Tôi đến Z 30 A vào một buổi trưa mùa xuân, tôi rời Z 30 A cũng vào một buổi trưa mùa xuân, tết nguyên đán mới qua chừng mười mấy ngày.

Người tù ti­ễn chân tôi ra đến cổng trại Z 30 A là Thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát. Trước sau tôi đã sống gần Trí Siêu đến năm năm trời. Trở về mái nhà xưa đầu năm 1990, năm 1991 được tin chú tu sĩ Già Lam đã hết án, tôi đến chùa Già Lam thăm chú. Nay tôi gọi chú là thầy, chú vẫn gọi tôi là bác. Chú giữ phòng Triển Lãm Văn Hóa - Thủ Công phẩm của chùa. Công việc thật thích hợp với chú.

Năm 1994 tôi sang Hoa Kỳ. Cuối năm 1998 hai người tù Tuệ Sỹ Phạm Văn Thương, Trí Siêu Lê Mạnh Thát ra khỏi tù. Bị án 20 năm, đến năm 2004 mới hết án, hai thầy trở về chùa sớm được 5 năm. Tôi nhìn thấy ảnh Trí Siêu bận đồ bà ba trắng, đi với Tuệ Sỹ, trên đường đi vào chùa Già Lam, đăng trên báo.

Ngày mùa hạ nóng ở Rừng Phong... Nhớ những ngày tù đầy mười mấy năm trước ở quê nhà, nhớ những người bạn tù từng thương yêu, an ủi tôi, nâng đỡ tôi trong cơn hoạn nạn, tôi viết bài này. Tôi hy vọng bài viết của tôi sẽ đến tay những người bạn tù của tôi ở quê nhà.

Hoàng Hải Thủy
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn