BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73339)
(Xem: 62240)
(Xem: 39426)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thiên An Môn, vẻ đẹp, niềm đau và nỗi chết !

29 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 1383)
Thiên An Môn, vẻ đẹp, niềm đau và nỗi chết !
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Tôi lặng nhìn bao quát quảng trường Thiên An Môn rộng mênh mông, giữa cái lạnh một độ, không có tuyết rơi, trời xanh, nắng sáng rạng ngời, không khí trong lành. Khung cảnh này tạo ra được một cảm giác bình an như tên gọi...

Quảng trường công cộng lớn nhất thế giới với kích thước 880m x 500m, có sức chứa một triệu người, nằm giữa lòng thành phố Bắc Kinh. Nơi đây tập trung cơ quan quyền lực chính trị văn hoá Trung Quốc xưa và nay: hoàng cung, đại lễ đường nhân dân, lăng Mao Trạch Đông, đài chiến sĩ và nhà bảo tàng lịch sử. Riêng Trung Nam Hải, quần thể trụ sở đảng Cộng Sản TQ, một “Downing Street” (khu thủ tướng phủ) ở Anh, lại nằm trong khuôn viên Tử Cấm Thành và có kiến trúc cổ, phù hợp với cung điện cổ không phá vỡ cảnh quan chung.

Thiên An Môn... không bình an

Trước khi đến Bắc Kinh, tôi rất thích chiêm ngưỡng dòng tranh thuỷ mặc Trung Hoa vẽ thiên nhiên tre trúc hoa thú hay núi đá chập chùng ẩn trong mây. Tôi luôn bị thu hút vì sự khoáng đãng, nét u trầm mờ ảo qua dòng màu sắc trầm lạnh của quang cảnh trời vừa mờ sáng hay hoàng hôn bảng lảng. Màu lạnh và nhạt khiến tranh thuỷ mặc rất thanh thoát, len nhẹ vào hồn khách thưởng lãm tranh để lại một cảm giác bâng khuâng. Hoạ tiết thêm thắt hay chắt lọc tinh tế là đặc thù của góc nhìn của dòng tranh thuỷ mặc truyền thống. Những ngày nhàn du rong ruổi gần ba ngàn cây số trên xe lửa đến Bắc Kinh, sáng sớm mùa Đông se lạnh, ngắm đồi núi chập chùng mây che sương phủ, so ra vẻ đẹp các bức tranh thuỷ mặc thu nhỏ thật ra không sao sánh nổi với khung trời mở rộng bát ngát, mờ ảo và bình lặng như cảnh Thiên Thai trong huyền thoại !









Quảng trường Thiên An Môn nhìn từ vọng lầu tháp Thiên An của Tử Cấm Thành

Tôi đi thăm Thiên An Môn trong tâm trạng đầy cảm xúc không thoải mái do người hướng dẫn viên du lịch đã dặn dò trước là không được có hành động quơ tay múa may khác thường, vì công an Trung Quốc tràn ngập nếu bị hiểu lầm đang tập Pháp Luân Công thì rắc rối to! Pháp Luân Công hoạt động từ năm 1992, có đến 70-100 triệu học viên, nhưng Giang Trạch Dân đã cấm Pháp Luân Công tại Trung Quốc vào ngày 20 tháng Bảy 1999 cho là tà đạo. Thật ra Giang Trạch Dân nhìn ra sức mạnh cuồn cuộn của dòng người biểu tình quanh trụ sở Trung Nam Hải, khi 10 ngàn người tụ tập kiến nghị việc Công An giam giữ trái pháp luật 45 học viên Pháp Luân Công. Lãnh tụ không được dân bầu rất sợ dân chống và là hình ảnh tái hiện của cuộc biểu tình Thiên An môn năm 1989 !
Năm 2004 tôi đọc trên internet Bài của Hành Kiện về ứng nghiệm trong sách Khải Huyền Thiên Chúa với câu dẫn nhập bài viết là:
“Trước khi trời trừng phạt kẻ ác, thì trời để nó lộ rõ bộ mặt thật điên cuồng” (Ngạn ngữ Trung Hoa)

Sách Khải Huyền 13, Thánh Kinh Thiên Chúa giáo đã tiên tri về những gì xảy đến hôm nay. Tác giả chỉ ra rằng thánh kinh tiên tri về hai con thú “con thú thứ nhất ở biển lên” chính là Giang Trạch Dân, cựu lãnh tụ Trung Cộng Đảng cộng sản Trung Quốc, kẻ đã phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công. Tiên tri trong sách Khải Huyền về con thú thứ hai: “Tôi lại thấy từ dưới đất lên một con thú khác, có hai sừng như sừng chiên con, và nói như con rồng...” được cho là ứng nghiệm vào Tăng Khánh Hồng, Phó chủ tịch nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa. Trong chữ Tăng có hai “sừng” trên đầu ứng nghiệm vào lời tiên tri. Tiếp nữa, cả Tăng và Giang đều từ Thượng Hải, Tăng đã theo Giang trên con đường vào Trung Nam Hải sau vụ thảm sát Thiên An Môn 1989.









Trung Nam Hải, Phủ chủ tịch Đảng CSTQ

Chữ Thiên An Môn có nghĩa là "Cổng Trời Bình An - Heavenly Peace Gate". Thế nhưng "Cổng Trời" đã không còn bình an sau nội chiến do CS Trung Quốc Mao Trạch Đông người gốc Hán!

Dù là người Hán nhưng sau ba trăm năm bị Mãn Châu buộc cạo nửa đầu thần phục với lệnh “Có đầu không có tóc, có tóc không có đầu!”. Lịch sử Trung Hoa bị nhà Thanh gốc Mãn Châu buộc viết lại, lịch sử nhân văn các triều đại trước bị chôn vùi qua nhiều vụ án văn chương thời nhà Mãn Thanh.

Xem các phim của Trương Nghệ Mưu hôm nay mô tả Khang Hy, Càn Long... như các vua tài ba mới thấy nghệ sĩ này mất gốc. Dân Trung Quốc bị đồng hoá đến độ sau cách mạng Tân Hợi nhiều người Trung Quốc quên mất gốc, tưởng tục cạo nửa đầu là truyền thống của người Trung Hoa, không ai còn quan tâm vì sao quan Hán mặc triều phục có khung thêu hoạ tiết hình vuông còn hoàng gia thống trị người Mãn Châu mặc triều phục có khung thêu hoạ tiết hình tròn! Không thể chối cãi chính vì ba trăm năm sống với bạo lực dã man Mãn Châu, nhân cách tan rã, cho nên người Trung Quốc dễ du nhập “bạo lực cách mạng” kiểu thảm sát diệt chủng Cộng Sản. Tâm thức kẻ cai trị người Hán với dân Trung Quốc của CS gốc Hán hiện nay có nhiều cơ sở đã giống hệt cách rợ Mãn Châu cai trị người Hán trong ba trăm năm dài...!

Trừ trẻ con vô tư, tôi có cảm giác du khách và người ngắm cảnh trầm ngâm không hào hứng hay vui vẻ bông đùa, có lẽ họ cũng nhận được lời cảnh báo như tôi. Tôi cũng không vui vì suy tư bị lay động, lòng rưng rưng, cổ nghèn nghẹn bởi ký ức thương tâm về những sinh viên Trung Quốc, mười một năm về trước, đã “chết ba lần” thê thảm oan khiên, vừa bị bắn chết xong bị xe tăng cán tan xác rồi còn bị thiêu mất xác phi tang! Với cái chết ba lần không toàn thây của con cái, với niềm tin tâm linh chết vẫn phải toàn thây thì chắc chắn nỗi lòng cha mẹ sinh viên Trung Quốc vốn chỉ có một đứa con duy nhất, ôm mối hờn căm mang xuống tuyền đài chưa tan! Thiên An Môn đây từng là bãi thảm sát đó sao, dưới chân mình đây từng có xác người ưu tú TQ đó sao? Những ước tính về con số thiệt mạng dân sự khác nhau làm thảng thốt, chết 2.600 theo số liệu ghi nhận của Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc, và một nguồn chưa được xác định khác là năm ngàn. Số người bị thương từ 7.000 đến 10.000 người.

Dù sao thì cũng có một số đơn vị bộ đội từ chối không tham gia vào cuộc thảm sát. Dù sao Trung Quốc vẫn còn có Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương và gần đây là tác giả ẩn danh viết quyển Totem Sói với bút danh Khương Nhung, đã nuôi dưỡng hào khí và hy vọng tương lai... Totem Sói được nhà xuất bản Công An nhân dân Việt Nam mua bản quyền dịch sang tiếng Việt và phát hành tại Việt Nam

Địa ngục giữa địa đàng

Việt Nam có hòn đảo gần là Côn Đảo xanh tươi như miếng ngọc thạch giữa vùng biển Thái Bình Dương sóng yên gió lặng. Hòn đảo đẹp như địa đàng này bị Pháp biến thành địa ngục trần gian giam nhốt chí sĩ VN yêu nước danh tiếng như Cụ Phan Châu Trinh... chịu sự giám sát của tội phạm hình sự cướp của giết người! Nhiều người VN yêu nước đã chết cho quê hương do bàn tay người Pháp. Người Trung Quốc thảm hơn vì bị lưu đày giết bỏ trên chính quê hương do người cùng chủng tộc Hán là Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân!

Tôi nhìn bức tranh sơn dầu vẽ chân dung Mao Trạch Đông cao 6m, rộng 4,6m nặng 1,5 tấn gắn trên bờ tường cao 10 mét giữa cổng vào Tử Cấm Thành. Bức tranh được vẽ lại hay tu bổ hàng năm rất tốn kém nhưng không có mỹ thuật vì chỉ là sao chép hình chụp. Rồi đến cuộc nội chiến thì được cho là giải phóng như ở Việt Nam với 52 vạn lính Quốc Dân Đảng chết ở Hoa Bắc. Mạch suy nghĩ dừng lại ở hình ảnh cuộc biểu tình với tượng nữ thần dân chủ.











Tượng Nữ thần dân chủ
do sinh viên Học viện
Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc
Tượng nữ thần dân chủ [*]
được tái tạo ở Mỹ, đặt tại
Đài tưởng niệm Nạn nhân
Cộng Sản tại Washington DC

Con người Hán tộc Mao Trạch Đông này chắc hẳn đã bị “man rợ hoá” theo Mãn Châu, chính xác gây ra bao nhiêu cái chết cho người Hán tộc? Riêng “Cách mạng văn hoá” đã giết 7.73 triệu người. Hệ tư tưởng sát nhân này nhập lậu vào VN qua tay Nguyễn Tất Thành, gây ra cái chết cho hai trăm ngàn người trong CCRĐ, sang Campuchia thành diệt chủng gần hai triệu dân.
Cuộc “Cách Mạng Văn Hoá" thật sự chỉ là “cơn cuồng nộ” của Mao với cộng sự. Sự man dại vô tiền khoáng hậu vì tính chất mất nhân tính cộng với thiếu văn hoá trong lịch sử Trung Hoa, nước luôn cho mình là nước lớn nước văn minh chỉ có thể so với việc Tần Thuỷ Hoàng mang hai đứa trẻ hoang thai, em cùng mẹ khác cha, bỏ vào bao đập chết! Mao đã tiếp nhận học thuyết bạo lực, dựa vào sức mạnh của nòng súng, dựa vào sức mạnh bầy đàn hoang dại của thiếu niên tạo ra Hồng Vệ Binh thiếu niên để loại hết không phải là đối thủ chính trị mà chỉ là người không chịu coi Mao như Hoàng Đế của muôn đời dám đòi cho ông... nghỉ ngơi vì tuổi tác ! Lâm Bưu theo Mao cũng bị loại, bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc bị Toà án Tối cao nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa kết tội phản cách mạng. Cái chết của Lâm Bưu chưa sáng tỏ là rớt máy bay hay bị hoả tiễn bắn. Vô đạo nhất là Mao đã học và hành động theo Machiavelli là dùng mọi thủ đoạn bất phân phải trái để giữ gìn ngôi vị độc tôn và tránh hoạ công thần: "Ai là kẻ thù của ta? Chúng chính là những kẻ đã đưa ta lên đài danh vọng". Đó là lý do vì sao Lâm Bưu ca ngợi Mao, chủ chốt trong vụ Cách mạng văn hoá sau khi Mao triệt hạ hết kẻ thù, Lâm Bưu được coi như người kế vị, nhưng bỗng bị quy kết là có âm mưu ám sát Mao! Từ Machiavellian ngày nay có nghĩa là nền chính trị quỷ quyệt.

Chính sách kinh tế sai lầm “đại nhảy vọt” khiến Bành Đức Hoài nhận ra: “đích thực chúng ta cũng đã giết chúng ta rồi!”. Có gần 20 triệu người dân Trung Hoa phải chết đói và hơn l0 tỉ Nhân Dân tệ bị phung phí là kết quả phá hoại của độc tài cộng với dốt nát của con người này đây! Tội ác là thế mà ông ta vẫn được nằm yên trong lăng giữa Quảng trường Thiên An Môn là dấu hiệu của cái ác cái lạc hậu còn tồn tại mạnh mẽ lấn áp cái thiện cái tiến bộ trong đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Người kế tục Mao là Đặng Tiểu Bình, không có gì đe doạ an ninh quốc gia mà chỉ để bảo vệ quyền lực độc tôn đã không thèm biết đến ý nguyện của sinh viên trí thức, không thèm thương thảo mà biểu diễn uy quyền tuyệt đối học kiểu thống trị vô cảm của ngoại bang Mãn Châu lên dân Trung Quốc...Đặng Tiểu Bình và Lý Bằng dùng quân đội xe tăng gây ra thảm sát Thiên An Môn. Một thập niên sau Giang Trạch Dân cũng không có gì đe doạ an ninh truy sát truy bức Pháp Luân Công, còn Hồ Cẩm Đào chính là người có công trấn áp nhân dân và tu sĩ Tây Tạng hiền lành, và đang khuấy động biển Đông !

Đông Tây hội ngộ, không hài hoà

Vào hoàng cung qua cổng Thiên An dưới tháp Thiên An mà nét cổ kính và hoài niệm về vua quan với long bào áo mão triều phục, không dung hoà nổi với bức tranh sơn dầu chân dung Mao Trạch Đông. Đối diện hoàng cung là lăng Mao Trạch Đông nửa tân nửa cổ, hai bên là Đại Lễ Đường Nhân Dân và Bảo Tàng Nhân Dân với kiến trúc hiện đại bằng bê tông cốt thép.

Một sự nhào trộn tân cổ giao duyên lỗi nhịp, Đông Tây hội ngộ không hài hoà. Hoàng cung luôn gợi nhớ những dấu xưa u trầm và cổ kính, tâm thức du khách tìm về nền kiến trúc cổ độc đáo đặc thù Trung Quốc với đá lát nền và gỗ chạm hoa văn, tượng sứ linh thú, luc bình đồng tráng men... bỗng bị phá vỡ bởi sự chen lấn của những kiến trúc hình hộp hiện đại, vô hồn.

Hoàng cung luôn là nơi ghi dấu tuyệt đỉnh tài hoa của một dân tộc thời phong kiến, từ chiếc ngai vàng lộng lẫy đến áo long bào thêu chỉ vàng... Kiến trúc cung điện từng hoạ tiết luôn có hồn vì chủ nhân gửi vào đó ước nguyện tâm linh qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân chạm khắc. Những thứ đó dòng chảy của văn minh không thể cuốn trôi đi hay xoá sạch...

Nghệ thuật tương phản cho thấy một vài phối hợp màu tương phản như đen trắng, vàng đỏ, xanh dương vàng cam vẫn tạo ra nét đẹp độc đáo nổi bật. Nhưng vàng đỏ thì đỏ huyết dụ và màu vàng phải là vàng kim (màu của vàng 18) của cung đình hay sử dụng, chứ còn hai màu đỏ vàng như cờ Trung Quốc Việt Nam chói chang không hợp.

Nhìn một tổng thể pha trộn và kiến trúc đẹp đẽ bỗng thành di tích vắng tanh gợi ngay ra cảm nghĩ dòng sông lịch sử Trung Quốc có sự đứt đoạn. Người TQ muốn chối bỏ quá khứ hay căm hờn một giai đoạn lịch sử bị ngoại bang Mãn Châu thống trị? Bạo lực ngoại bang Mãn Châu tạo ra biến động sôi sục từ những con người tham vọng chất ngất và tàn ác khủng khiếp giống như động đất tạo ra sóng thần. Chính trị càn quét khiến người dân Trung Quốc vừa thoát kiếp nô lệ ngoại bang Mãn Châu lại rơi ngay vào kiếp bị lưu đày tệ hại hơn do chính người Hán đã bị Mãn Châu ngoại bang đồng hoá!

Điện Buckingham của nước Anh vẫn đang giữ được vẻ lộng lẫy huy hoàng, và quyền lực hoàng gia còn đó là nhờ dân Anh biết bảo tồn cái tốt thu hẹp cái chưa tốt và tiếp nhận cái mới trong dòng chảy văn minh mà nước Anh vẫn đạt được nền văn minh tiến bộ hàng đầu, và dân Anh là những công dân hạnh phúc.

Tuy vậy Cố cung Trung Quốc vẫn còn mang được chút sống động của một di tích. Những phế tích dày công xây dựng không có lịch sử tiếp nối như Vạn Lý Trường Thành, Kim Tự Tháp Ai Cập, Angkor Campuchia hay Tháp Chàm Chăm Pa ở Việt Nam mang vẻ u hoài hơn rất nhiều. Đến phế tích Angkor sẽ được ngắm nhìn nét trầm tư huyễn hoặc hay nụ cười cổ đại trên gương mặt tượng đá rạn nứt loang lổ bởi thời gian trong một không gian cô liêu u tịch ít nhiều đổ nát...

Dinh Độc Lập với các hoạ tiết, hoa văn cách điệu và phù điêu tài tình tân cổ hài hoà mang đỉnh cao tài hoa và văn hoá đặc trưng Việt Nam của vị kiến trúc sư Việt Nam lỗi lạc đỗ khôi nguyên La Mã Ngô Viết Thụ. Ước gì lịch sử Việt Nam cũng nối tiếp chuyển đổi suôn sẻ hơn để công trình Dinh Độc Lập của người Việt Nam tài hoa thể hiện được tính mỹ thuật truyền thống cao và cả tiện nghi hiện đại này phát huy tác dụng như điện Buckingham... Người Châu Á không biết chia sẻ hài hoà, không biết thương lượng không tôn trọng luật pháp quốc tế qua hiệp ước mà kiêu ngạo muốn giành tất thắng và đam mê như nghiện thuốc phiện hai từ “Cách mạng”.

Totem

Ngoài ngắm nhìn các kiến trúc hoàng cung mang trình độ tối cao của kiến trúc cổ đại Trung Quốc, còn cần tìm hiểu các Totem tức hình tượng được biểu trưng hoá để trở thành biểu tượng vật tổ (Totem) của một tộc trong tín ngưỡng cổ đại để biết phần nào thế giới quan và nhân sinh quan của người Trung Quốc.

Tôi từng ngạc nhiên lạ lùng với Totem vật thiêng thờ phụng của người Chăm lại là Linga-Yoni, một biểu tượng bằng đá gồm trụ và bệ đỡ cách điệu tượng trưng bộ phận sinh dục nam nữ trong tháp cổ Chăm Pa. Nhưng thật ra cổ vật thiêng và quý của các vương triều Chăm, là một loại Linga bằng đá biểu tượng dương vật của thần Shiva, trên đầu có gắn một đầu thần Shiva bằng vàng, theo một nghiên cứu của TS. Trần Đức Anh Sơn, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, thì “hầu như đã biến khỏi Việt Nam, chỉ hiện hữu trong các bảo tàng nước ngoài”.

Ở đền cổ Angkor Campuchia sẽ thấy bên cạnh tượng và phù điêu Thần Phật có đầy tượng và phù điêu vũ nữ Apsara phơi bày vẻ đẹp phồn thực mông to ngực nở, vóc dáng đầy đặn, sinh lực sung mãn. Không ngạc nhiên sao được, khi cùng thời đại Angkor, tại nhiều nước Châu Á phụ nữ phải ẩn mình trong khuê phòng với áo xiêm che kín, vẻ đẹp phải mong manh như liễu yếu đào tơ, càng không khoả thân!

Thợ điêu khắc đá tài tình của Campuchia đã tạc lên đá hình hài tuyệt mỹ trong nhiều tư thế múa uốn mình sống động, ngực trần, xiêm y lơi lỏng, trễ thấp lộ rún, gần như khoả thân và dùng trang sức vàng bạc cầu kỳ sang trọng thay cành táo che hạ bộ của Adam và Eva thuở hồng hoang của con người. Apsara là vũ điệu tiên nữ, Apsara là Nữ thần Thịnh vượng, múa cúng thần, múa mừng chiến thắng ma quỷ, không phải múa mua vui cho con người cho nên dù là tượng đá khoả thân cổ đại hay các vũ công Apsara hiện đại các động tác múa đúng truyền thống vẫn mang nét huyền bí và không hề gợi dục ! Có khi nào vũ nữ Apsara là một trong các Totem của dân Campuchia không ?









Vũ nữ Apsara

Hình ảnh nhiều nhất ở hoàng cung Trung Quốc xưa là Lân, Sư tử và Rồng. Rồng chính là Totem thời cổ đại của nền văn minh nông nghiệp lệ thuộc sông nước gió mưa sấm sét, đó cũng chính là nhiệm vụ của Rồng được thiên đình cắt cử. Nhưng Totem Rồng dần mất đi sự tôn sùng trước làn sóng văn minh khi con người cũng có thể tạo ra mưa. Khác với người Ấn Độ Hindou, Bò cái là linh thú “Totem Bò cái” luôn sống gần gũi, song hành trong suốt lịch sử cổ đại Ấn Độ đến nay, hai con vật Lân Rồng được gửi ước nguyện mang may mắn an lành và cao quý đến cho Hoàng gia chỉ là linh thú tưởng tượng trong huyền thoại và sinh ra từ...Thiên Đình.

Nơi linh thiêng và lớn hơn Tử Cấm Thành và còn mang toàn vẹn nét xưa là kiến trúc cổ Thiên Đàn với điện Kỳ Niên hình tròn mái ngói lưu ly xanh lam hài hoà với thiên nhiên. Có thể nói đây là nơi ghi dấu vũ trụ quan thế giới quan và cả nhân sinh quan của hoàng gia Trung Quốc xưa. Vua quan đã vắng bóng, nhưng cách thần thoại hoá, óc cao ngạo nước lớn thiếu bình đẳng với lân bang khu vực ngày nay vẫn còn tồn tại mạnh mẽ trong tâm thức lãnh đạo và lan toả cả vào người dân Trung Quốc thời nay!

Thiên Đàn ở quận Sùng Văn, cách Cố Cung độ chừng 6 km về phía nam, được xây dựng từ thời Minh Vĩnh Lạc thứ 18 (1420), đồng thời với Cố Cung. Thiên Đàn là khu đất rộng 2.730.000 mét vuông (rộng gấp 5 lần Cố Cung) gồm có ba kiến trúc. Hoàng Khưu Đàn là kiến trúc lộ thiên, ngay trung tâm có phiến đá tròn gọi là “Thiên tâm thạch” nơi Vua đứng hành lễ cúng trời. Du khách ai cũng đứng vào đó chụp một bức ảnh kỷ niệm một phút làm giốngVua làm con trời ! Người Trung Quốc gọi nơi đặt “Thiên tâm thạch” là trung tâm điểm của vũ trụ và Trung Hoa là đất nước trung tâm của thế giới con người, vua Trung Hoa là Thiên tử tức con trời nên hành xử không hề sai lầm...như thánh thần, buộc thần dân phải tin theo và chấp nhận mọi phán xét !









Các vòng đá lát quanh “Thiên
tâm thạch” được tính toán từ con số 9
và các bội số tiếp theo 18, 27...

Nói về Totem ở Trung Quốc, từ 2004 đến nay người dân Trung Quốc đang trong cơn sốt do quyển sách truyện Totem Sói (Wolf Totem), cuốn sách được tán thưởng và bán nhiều triệu bản. Tác giả cuốn sách là một người chống đối nổi tiếng, không chịu xuất hiện trước công chúng. Ông viết văn với bút danh Khương Nhung. Nếu dùng tên thật, sách của ông chẳng khi nào ra mắt công chúng được.

Sau thảm sát ở Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989, tác giả Khương Nhung bị vào tù hai năm, đến bây giờ ông vẫn còn bị cấm dạy học và cũng không có hộ chiếu hoặc được quyền đi khỏi đất nước.

Nội dung quyển sách là ý tưởng: Người Hán tự nhận là truyền nhân của Rồng, nhưng thật ra tâm linh người Hán là sói hay chỉ là những con cừu? Theo Khương Nhung một dân tộc không có dũng khí và tính cách của loài thú như Sói thảo nguyên, thì không có điểm tựa cho trí tuệ và văn hoá. Mông Cổ không lấy Ngựa mà chọn Sói làm Totem vì Sói khôn ngoan dù Ngựa mới là con vật bất ly thân của người Mông Cổ sống đời du mục, Ngựa chỉ cúi đầu tuân phục chủ. Một đất nước có con người ai cũng cúi đầu chịu làm bề tôi cho kẻ khác thì hoặc bị tiêu diệt, trở thành di chỉ khảo cổ, nền văn minh huy hoàng may ra chỉ thấy ở bảo tàng. Chủ đề lập tức được thức giả đam mê lịch sử và trí thức có đầu óc phê phán tranh luận nồng nhiệt. Totem Sói cũng là đầu đề tranh cãi rôm rả, có khi om sòm của các đại gia làm giàu, đang cạnh tranh thương hiệu cho Công ty vào top 5 top 10...

Theo tác giả, những người tộc Hán, chiếm đại đa số dân cư nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, là một bầy cừu sống ngoan ngoãn, cần phải học tính chất tàn bạo của những con sói Mông Cổ là chủ đề xuyên suốt cuốn sách 650 trang Totem Sói. Sói thảo nguyên là Totem của dân thiểu số Mông Cổ ở Trung Quốc từng có Thành Cát Tư Hãn chinh phục thế giới. Theo tác giả quan sát Sói thì Sói có cả sự khôn ngoan và tàn bạo. Bi kịch đã xảy ra khi thuần dưỡng Sói. Thuần dưỡng con vật quá thông minh thì giống như giết chết nó, đó là tâm sự trí thức Trung Quốc. Quả tình Sói không còn bản thể săn mồi thì không còn là Sói, là “chó nhà” khác hẳn, chỉ chờ đợi chủ cho ăn, chỉ làm “Chó gặm xương”, liếm tay vẫy đuôi theo chủ, chờ làm theo lệnh và không bao giờ còn biết tự săn mồi! CS Trung Quốc qua thảm sát Thiên An Môn muốn thuần dưỡng trí thức, biến trí thức thành kẻ hèn...Tác giả mang tâm sự ngườ Hán mất nước muốn quật cường, tác giả ở vị trí kẻ bị đàn áp muốn quật khởi phản kháng, tố chất căn bản của trí thức là muốn liên tục thay đổi để tiến lên. Nếu bắt phải cúi đầu quỳ gối nghe theo các giáo điều củ rích sẽ không còn sức sáng tạo không giúp đất nước cũng không giúp được mình có cuộc sống có ý nghĩa.

Quyển sách phê phán khi người Hán ép dân Mông Cổ bỏ lối sống du mục và chiếm Tây Tạng bỏ đồng cỏ dùng nuôi súc vật để cấy lúa gây ra bao nhiêu là hậu quả xấu cho môi trường.

Tác giả nhắc tới Hoàng Sơn, là tuyển tập bài viết phê phán của nhà trí thức hàng đầu Trung Hoa, đã tạo cảm hứng, chất men nồng làm dậy tư tưởng dân chủ tự do hình thành cuộc nổi loạn của sinh viên năm 1989.

Khương Nhung cho rằng người Hán của Trung Hoa nay đã hoá thành cừu an phận cả rồi, chấp nhận bất kỳ sự lãnh đạo nào hơn là phải chủ động có cuộc đời tương lai của chính mình, như hành động vẫn thường thấy ở loài sói.

Sau Totem Sói có ít nhất bốn quyển sách lấy chủ đề cần để giới tinh hoa tham gia điều hành đất nước. Các nhà xuất bản đã nhận chỉ thị rằng từ nay họ không được phép in sách với những bút danh, trừ phi đã biết rõ căn cước thật của tác giả và khuynh hướng chính trị. Chỉ thị này đến hơi muộn, giúp Khương Nhung bước đầu gặp may.

Nhà Trung Quốc học người Đức là Wolfgang Kubin cho Totem Sói là tư tưởng Phát xít, sẽ khiến cho Trung Quốc mất vị thế, mất định hướng. Sau đó là Pankaj Mishra người Ấn Độ cho rằng ý tưởng của Khương Nhung rất khó áp dụng, dễ bị rơi vào bạo lực.

Thật vậy, khó có thể tán thành tư tưởng của quyển sách Totem Sói, nhất là khi lãnh đạo Cộng Sản đang cai trị tiếp thu sử dụng nó chứ không phải người Hán mất nước chống ngoại xăm Mãn Châu hay là một nhà trí thức Khương Nhung bị Cộng Sản Đặng tiểu Bình bức hại ! Totem Sói phảng phất ý tưởng của nền chính trị dựa vào thủ đoạn của Machiavelli.

Machiavelli nghĩ ra những nguyên tắc cơ sở của thứ vũ khí nguy hiểm nhất là vũ khí chính trị qua óc tàn bạo, với tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Quân Vương (The Prince). Ông viết: “Bậc Quân vương phải biết học hỏi từ bản tính của dã thú, biết kết hợp sức mạnh của sư tử với sự tinh ranh của cáo. Sư tử không thể tự bảo vệ mình tránh các cạm bẫy, còn cáo thì lại không thể chống lại sói. Vì thế, cần phải là cáo để nhận ra những cạm bẫy và là sư tử để doạ sói !” (Niccolò Machiavelli, 1469 – 1527).

Tác phẩm Quân Vương đặt những nét phác thảo đầu tiên cho đấu tranh chính trị. Nó có ích lợi khi giúp nhà đương cuộc chính danh chống tội phạm, hiểu mưu ma chước quỷ của phạm nhân giúp đề phòng hữu hiệu tội ác. Giúp kẻ ở thế yếu có bản lĩnh khôn ngoan và kiên cường lúc cương lúc nhu chống kẻ thù mạnh gắp ngàn lần như dân chống lại chính quyền đô hộ ngoại bang xâm lược hay chính quyền độc tài áp bức.

Tư tưởng của Machiavelli được giới chính trị quân chủ độc tài và Cộng Sản dùng nhiều cho việc thủ ác nên định nghĩa của từ Machiavellian hiện nay là dùng thủ đoạn vô đạo đức để chiến thắng giữ vị trí độc tôn.

Mao Trạch Đông và Giang Thanh cũng đã áp dụng tư tưởng Machiavelli trong Cách mạng Văn hoá để hạ nhục, giết chết, truất quyền, cầm tù, thậm chí Giang Thanh giống mụ đàn bà vô lại khi cho Hồng vệ binh lôi các bà vợ của cán bộ cấp cao ra lột quần áo trước công chúng để hạ nhục... Lãnh tụ cao cấp của đảng cộng sản Trung Hoa bị giáng hoạ là Trần Nghị, Bành Chân, Bành Đức Hoài, La Thuỵ Khanh v.v. Dương Thượng Côn và hai nhân vật cuối cùng là Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, kẻ dám không tôn xưng Mao là thần tượng thần thánh.

Khương Nhung muốn dân cường nước thịnh cũng như Machiavelli dạy vua giữ gìn đất nước trong thời đại còn nhiều mâu thuẫn bạo lực. Machiavelli dạy sự khôn ngoan bản lĩnh, Khương Nhung có thiện ý có tâm sự là dân mất nước vào tay kẻ bạo ngược Mãn Châu và bị bức hại nên muốn làm Sói để tồn tại với Sói, học làm Sói để biết dám kháng cự. Nhưng Khương Nhung không nên quên trí tuệ chính nghĩa không bao giờ địch nổi xe tăng súng đạn và khi chính quyền Cộng Sản Trung Quốc lại làm sói với bầy cừu sinh viên thì gây ra thảm sát Thiên An Môn, làm sói với lân bang Việt Nam thì xảy ra chiến tranh biên giới, làm sói với dân thì thành phát xít.

Gợi ý của Khương Nhung và tư tưởng của Machiavelli vô cùng nguy hiểm, là con dao hai lưỡi, chỉ chệch hướng một chút thì từ Cộng Sản biến thành độc tài Phát xít chứ không thành Tự do-Dân chủ-Nhân quyền hay đất nước hùng mạnh hoà bình !

Totem Sói, Totem Bò cái hay Rồng Phụng... vật thiêng thuộc về cuộc sống cổ đại, lối sống đầy rẫy ảo tưởng con trời hay dùng bạo lực tranh giành như thú hoang. Ngày nay phải là “Totem Người “, về học thuyết đã có nhiều học thuyết như Hoà bình Vĩnh Cữu của Immanuel Kant, Liên minh khu vực hoà bình thịnh vượng như cộng đồng Châu Âu và phải xây dựng luật pháp quốc tế mạnh mẽ, khả năng quân sự trấn áp hùng hậu, Nato hành động theo đúng công ước mục tiêu Hoà Bình đủ mạnh để trừng phạt nước gây chiến mới tránh chạy đua vũ trang giữa các quốc gia như vùng Biển Đông hiện nay. Úc Nhật Việt Nam đang phải tăng cường ngân sách quân sự khi Trung Quốc Triều Tiên hung hăng muốn làm sói ăn thịt cừu !

Trung Quốc xưa và nay

Cố cung là nơi quan lại người Hán của Trung Quốc đã khom lưng cúi mặt hơn ba trăm năm tùng phục ngoại bang dưới triều đại ngoại tộc Mãn Châu man rợ và hoang dại. Ngày nay người Hán viết lịch sử cho rằng Mãn Châu bị đồng hoá nhiều hơn. Đúng là ngày nay khi người Hán Cộng Sản toàn trị thay người Mãn Châu đã đồng hoá khiến chử viết của người Mãn Châu đang có nguy cơ biến mất. Nhưng trước cách mạng Tân Hợi 1911 thì người Hán bị buộc cạo nửa đầu thần phục với khẩu hiệu: “Có đầu không có tóc, có tóc không có đầu”, dành mọi đặc quyền cho người gốc Mãn Châu. Dân Trung Quốc rất yêu nước và đã liên tục chống đối. Nhiều người vong gia thất thổ phiêu linh xứ người như Tướng Mạc Cửu bỏ sang Hà Tiên VN. Kết cục của bạo lực là bị Châu Âu và Nhật với bạo lực vũ khí tối tân hơn chiếm đóng từng phần...

Lịch sử cận đại Trung Quốc không biết bao nhiêu trang viết nói về người đàn bà dốt nát ngoại bang Mãn Châu thống trị triều đình, vùi dập dân Hán hơn nửa thế kỷ. Giữa lòng dân Trung Quốc đói nghèo, bà Từ Hy Thái Hậu cùng kẻ hầu cận là quái nhân như Thái giám Lý Liên Anh vừa là nhân tình đã bày ra biết bao trò xa hoa mang tính hoang dã khủng khiếp. Cuộc sống hoàng cung nơi đó giống như các hoạt cảnh tế thần uy nghiêm mà man dại của các dị giáo cổ đại.

Một số người Hán được chia phần đã 300 năm cúi đầu thần phục Mãn Châu, chấp nhận: “Thà làm chó hoà bình hơn làm người chiến tranh” ! Cả khi quyền lực rơi vào tay một người đàn bà dốt nát là Từ Hy Thái hậu độc đoán, chuyên quyền hay những đứa trẻ tuổi mới lên ba lên bảy đã lên làm Vua! Người đàn bà trên “đỉnh cao chói lọi” của đất nước Trung Quốc này đến đầu thế kỷ 20 (trước 1911) còn không chịu dùng luật pháp và có những hình phạt khó tưởng tượng như bắt quan triều nhà Thanh phải ăn phân của mình. Bà ta có món ăn cực kỳ man dại là vạt đầu khỉ sống ăn óc khỉ, sống cực kỳ xa hoa, đi cầu có hoạn quan đội bô bọc gấm đến. Toàn hoàng cung không hề có nhà vệ sinh là chuyện ít ai biết!

Trung Quốc với lân bang và quốc tế

Người Trung Quốc thông minh cần cù nhưng sinh ra từ đất nước Trung Quốc 500 năm bị ngoại bang Mông Cổ Mãn Châu trực tiếp nắm quyền và đày đoạ thu tóm tài sản, gieo rắc tai hoạ nghèo khó cho nên nay vẫn còn là một quốc gia lạc hậu. Trung Quốc cũng gây tai hoạ, xâm lấn lân bang như Tân Cương Tây Tạng Việt Nam cho nên, quan trọng hơn cả sự nghèo giàu, đó là sự Trung Quốc không nhận được tình hữu nghị, bị ngờ vực xa lánh khắp thế giới!

Dân kinh doanh quốc tế nhìn số 20% dân Trung Quốc giàu có là khách hàng tiềm năng nên nên khen nâng lấy lòng, chứ thực sự Trung Quốc không thể thoát khỏi nợ cơm áo chứ đừng nói chuyện giàu mạnh. Trung Quốc luôn có thể biến mình thành tàn bạo với lân bang.

Trung Quốc giết ngư dân bắt người cướp phương tiện và đòi nộp tiền đánh bắt ngoài biển ngàn đời của Việt Nam như đòi nộp tiển mãi lộ của bọn thảo khấu hay cướp biển Somali.

Làm thảo khấu như thế là sẽ sống triền miên trong thù địch. Làm hàng gian hàng kém chất lượng là tự đào mồ chôn mình như công ty Tam Lộc bị phá sản! Trung Quốc lẻ nào muốn biến thành cặn bả của nền văn minh làm trở lực kiến tạo Hoà Bình Vĩnh Cửu cho thế giới theo tư tưởng Immanuel Kant do Mỹ chủ xướng. Về an ninh quốc nội thì Giấc mơ Mỹ mang đến cơ hội cho mọi người để có thể chấp nhận sống với nhau hài hoà.

Lòng người Việt Nam vì mang niềm đau đất, đứng giữa đất nước Trung Quốc làm sao có thể trải lòng giao hảo hay ngưỡng mộ điều gì?

Từng trải qua năm trăm năm nô lệ Mông Cổ Mãn Châu người Hán ắt đã hiểu niềm đau mất nước. Sao lãnh đạo Trung Quốc hôm nay không nhớ trải nghiệm đau thương đó mà gieo rắc cách giết người khát máu lên chính người dân ưu tú của Trung Quốc ?

Óc bành trướng của Hồ Cẩm Đào được kích thích nhờ sự thờ ơ của quốc tế, quốc tế chống thần quyền mà không biết phân biệt quốc gia thần quyền Hồi giáo hung hãn gây chiến khủng bố và quốc gia thần quyền Phật giáo hiền lành Tây Tạng không sát sanh cả con sâu con kiến

Âu Mỹ không ủng hộ chế độ chính trị thần quyền nên dè dặt khi ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma. Chế độ thần quyền Phật giáo Tây tạng khác Taliban, Iran, Afganistan. Nguời dân Tây Tạng nghèo trong thanh bạch và hoà bình không gây ra tai hoạ xâm lược khủng bố cho bất cứ ai, vùng biệt cư này giống như Vatican lớn.

Cộng sản Trung Quốc viện dẫn các chính sách chuyên chế và chính trị thần quyền của chính phủ Tây Tạng vốn không được phương Tây ủng hộ để xâm chiếm Tây Tạng. LHQ phản ứng không đủ mạnh với các cuộc đảo chính của quân đội cả Cộng Sản và độc tài không Cộng Sản chống lại dân chủ tự do.

Trung Quốc cùng bị đô hộ giống như Ấn Độ cùng mất vai trò nước lớn nhưng sau khi độc lập Ấn Độ có các nhà hiền triết nên nhận ra con đường đi, bỏ Cộng Sản, đón đầu công nghệ thông tin và thành công ngoạn mục. Trung Quốc chỉ có đảng Cộng Sản hung hãn bạo lực với nền tảng trí tuệ rỗng tuếch.

Khi không phát triển được đất nước bằng con đường công nghệ và thương mại tự do toàn cầu, Trung Quốc quay lại con đường chiến tranh chiếm biển lấn đất đưa cả khu vực vào chạy đua vũ trang. Sản xuất hàng kém chất lượng là chính sách kinh doanh sai lầm, ma túy, tiền giả...nguồn gốc của tệ nạn chiến tranh chết chóc suy vong và bị thế giới chối bỏ. Trung Quốc đối đầu với nền văn minh bị phản đối nhạo báng khắp thế giới, hàng hoá bị nghi ngờ cho nên Trung Quốc đúng là đang theo con đường ma quỷ. Lẽ nào TQ vẫn còn muốn...làm cặn bã của nền văn minh quái đản hung ác như Mao Trạch Đông ?

Can thiệp quốc tế còn quá yếu ớt vì không có quyền lợi gì ở Tây Tạng cũng như không can thiệp vào Campuchia kịp lúc để giúp ngăn chặn diệt chủng. Ra văn bản chống Myanmar, phê phán Việt Nam vi phạm nhân quyền, nếu đem so với việc Mỹ đánh Cộng Sản ở Việt Nam hay đánh Iraq cứu Koweit là...quá yếu ớt. Trung Quốc như Chí Phèo “Cố cùng liều thân”, Việt Nam Bắc Hàn Cuba và cả Nga nữa cũng đang tụt hậu !

Một nghị sĩ Mỹ nói không nên nhạo báng Trung Quốc vì tham vọng cường quốc. Không phải nhạo báng mà không thể công nhận kiểu làm cường quốc bằng bạo lực đó, Trung Quốc từng tự cho mình là cường quốc với ý nghĩa là đất rộng, dân đông, lính nhiều sẵn sàng chiến tranh biển người nên hung hãn xâm lược, lấn đất lấn biển. TQ muốn có quân sự mạnh như Đức thời Hitler phát xít và buộc các nước chư hầu nộp cống qua việc mua công nghệ lạc hậu, bán hàng kém chất lượng... Đó không phải là định nghĩa cường quốc mà là thành đất nước xâm lược, cướp cạn như thổ phỉ.

Dư âm sau thảm sát Thiên An Môn

Cả một quốc gia rộng lớn quan Hán tộc vì khiếp đảm sự trừng phạt giết người của quân Mãn Thanh dành cho người Hán chống ngoại xâm. Có cả 50 triệu người Hán yêu nước chết vì tội “phản loạn” dưới tay người Mãn Châu khiến cho người Trung Quốc cam phận “Thà làm chó hoà bình hơn làm người chiến tranh”.

Nhìn lại Việt Nam, đang có bao nhiêu người Việt Nam yêu nước yêu cuộc sống dân chủ tự do bị bị quy tội chống nhà nước? Kiểu đàn áp Thiên An Môn chắc chắn đang là kinh nghiệm học hỏi ám ảnh lãnh đạo VN thúc giục làm theo cám dỗ đó của quỷ Satan để làm con cháu Mao Trạch Đông !

Đến năm 2009 xem lại băng video cảnh người thanh niên chặn đầu xe tăng, cảnh đốt xác người chết phi tang chứng cứ, nghe lại bài hát “Blood is on the square” của Phillip Morgan thác lời cha mẹ tưởng nhớ đứa con chết thảm trên quảng trường với điệp khúc: “Oh Children, blood is on the square”. Nhìn lại cảnh các thanh niên Trung Quốc khóc ngất và ảnh thi hài bị xe tăng quân đội cán nát bấy... mà buồn thay cho dân Trung Quốc !

Nghĩ đến người Cộng Sản tốt Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương bị cách chức, cô lập, quản thúc, giống hệt hình ảnh ông Nguyễn Hộ và nhóm cựu kháng chiến. Ông Võ Văn Kiệt không đồng tình với Cộng Sản nhưng biết không chống nổi sức mạnh mông muội của Cộng Sản. Ông Kiệt đã đấu tranh mền dẻo có vài kết quả. Ông tích cực dù còn xa với tâm nguyện quần chúng, nhưng sau cái chết của ông... đâu lại hoàn đấy !

Ông Triệu Tử Dương đoán được kế hoạch triệt hạ tàn sát, đã rơi nước mắt nói với sinh viên: "Chúng tôi đã già, dân chủ không còn là vấn đề với chúng tôi nữa... Trái lại, sinh viên còn trẻ phải giữ sức khoẻ và không tự hy sinh mình quá dễ dàng như vậy !” Việc làm này của ông được Đặng Tiểu Bình lật lọng kết luận có người muốn lật đổ đứng sau sinh viên.

Sinh viên là những dân thường có tri thức hiểu lẽ phải trái họp nhau trong sự bộc phát không có tổ chức chặt chẽ chỉ hợp tan. Biểu tình sinh viên không phải là tổ chức chính trị, không có sách lược dài hơi chống nhà nước. Do không hiểu chính trị mà chỉ dựa vào lòng nhiệt thanh tin một cách thiếu cẩn trọng rằng “lẽ phải tất thắng” trong khi trong chính trị xấu như CS không là như thế ! Sinh viên đã tay không đối mặt với súng đạn xe tăng để đòi: “Xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn” (“To build a better nation”). Sinh viên không có tổ chức nên dễ bị đập tan tác, song đập vào sinh viên là đánh vào chân lý và từ chối nguyện vọng nhân dân.

Kỷ niệm 20 năm 1989-2009, 19 giáo sư Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp để phá tan sự im lặng và tự kiểm điểm trách nhiệm không bảo vệ được sinh viên của mình trước Cộng Sản độc tài.

Trí thức Trung Quốc cho đánh Việt Nam năm 1979 và thảm sát Thiên An Môn là hai vết nhơ của Đặng Tiểu Bình. Theo tôi còn là vết nhơ của quân đội Trung Quốc khi cán nát xác dân Trung Quốc vừa bị bắn chết. Một sự phỉ báng sinh mệnh mang tâm địa súc vật!

Chắc chắn sinh viên không đọc được tư tưởng và không tưởng tượng nổi sự tan rã nhân cách và óc thiên bạo lực khủng bố coi rẽ sinh mạng thiêng liêng của người Cộng Sản dốt nát và từng tiến thân rất hèn trước Mao Trạch Đông như Đặng Tiểu Bình hay tệ hơn nửa là óc bạo ngược của Lý Bằng gốc bần cố nông! “Đội trên đạp dưới” là trạng thái tâm lý của các kẻ hèn!

Người dân Trung Quốc vẫn biết CSTQ độc tài nhưng không ai nghĩ có thể giết sinh viên con dân ưu tú của đất nước mình như vậy.

Người VN cũng không tưởng tượng ra ngày thống nhất hai miền niềm đau nỗi khổ dân chúng VN lại cao ngất dài lâu đến vậy, sao lại bám cái sai lâu đến vậy!

CS Việt Nam đừng mờ ớ, lẽ phải rất nhiều khi không thuộc về người thắng! Xin phải nhớ lời ông Nguyễn Tất Thành trả lời chất vấn về việc ông ta giết Tạ Thu Thâu trong buổi phỏng vấn ngày 25 tháng 6 năm 1946 được khắc ghi vào lịch sử theo phía sai của Cộng Sản Việt Nam. Nguyễn Tất Thành đã trả lời đảng viên Xã hội Daniel Guérin về cái chết của Tạ Thu Thâu như sau: "Ce fut un patriote et nous le pleurons... Mais tous ceux qui ne suivent pas la ligne tracée par moi seront brisés" (Đó là một người yêu nước, chúng tôi đau buồn khi hay tin ông mất... Nhưng tất cả những ai không theo con đường tôi đã vạch đều sẽ bị tiêu diệt!).

Đất nước cần chí sĩ Tạ Thu Thâu, cách mạng không cần cái chết của Tạ Thu Thâu nhưng Tạ Thu Thâu lúc đó là một trí thức nổi bật hình thành nguy cơ mất vị thế cho con người Nguyễn Tất Thành méo mó, thấp kém dám làm chuyện gian ác nên luôn bị thế giới đúng đắn chối bỏ. Cũng như Trần Phú từng được Liên Xô chọn chứ không phải Nguyễn Tất Thành. Nguyễn Tất Thành giết Tạ Thu Thâu để không còn kẻ cạnh trong việc chiếm vai trò lãnh đạo. Vụ sách động bần cố nông đấu tố qua ảnh cụ Phan Bội Châu làm do Nguyễn Tất Thành chủ trương, hé lộ rằng nghi án bán cụ Phan Bội Châu cũng là do Nguyễn Tất Thành !

Năm 2000, tôi sang Trung Quốc xem trên truyền hình bên Trung Quốc nghi thức chào cờ khá đẹp mắt. Năm 2007, tình cờ xem nghi thức chào cờ CSVN, không khác mảy may, cho thấy óc lệ thuộc đến từng chi tiết! Nghĩ mà ngán ngẩm thay cho CS Hà Nội !

Thật đáng sợ khi quân đội Trung Quốc lại trung thành với đảng Cộng Sản chứ không phải với đất nước. Thế đấy! Bạn trẻ Nguyễn Tiến Trung có lý do khi không chịu đọc lời thề “trung với Đảng”.

Quân đội Việt Nam thì sao đây ? Bác Võ nguyên Giáp tuổi cao như ngọn đèn trước gió. Còn bác thì quân đội còn biết đến dân chỉ dùng Công An bắt nguội biểu tình về chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa, không còn Bác e dân VN sẽ đối diện với sự bất ngờ như các bà mẹ Bắc Kinh là nhìn máu tuổi trẻ yêu nước Việt Nam chảy tràn trề trên đường phố, xác người bẹp dí chết hai ba lần vì súng đạn và xe tăng...
Người Trung Quốc rất sợ chết không toàn thây cho nên kiểu Đặng Tiểu Bình Lý Bằng cho xe tăng cán xác người rồi thiêu rụi phi tang là cách đánh vào tâm linh tàn ác nhất !

Sinh viên VN và chính trị

Vận động dân chủ hoá đất nước mà nhà nước CSVN nay kết tội gọi là "vi phạm điều 88", giới học sinh sinh viên và trí thức luôn là những người tiên phong. Sàigòn trước 1975 có nhiều cuộc biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh. Sinh viên không phải là nhà chính trị chuyên nghiệp không thích làm chính khách dù luôn có quan điểm chính trị cần bày tỏ.

Chính trị gia Mỹ thường hay nói chuyện trong các trường đại học để thống nhất tư tưởng. VN thời VNCH không làm việc này nhưng giải quyết rất êm thắm các cuộc biểu tình. Tình báo Mỹ Việt giúp VNCH rất giỏi đã giúp loại ra một cách cực kỳ chính xác khỏi thành phần sinh viên các cán bộ xách động của Cộng Sản thuộc MTGPMN như Dương Văn Đầy, Cao Thị Quế Hương ở Sàigòn ở Huế là anh em nhà Hoàng Phủ, Nguyễn Đắc Xuân...Sau 1975 họ đều nhận chức vụ chính quyền Cộng Sản và nhận là bị bắt đúng không oan ức gì dù lúc đó luôn cho là mình bị oan ức. Quế Hương được thả liền ăn lê nằm lết nằm vạ trong trường Đại Học để kích động sinh viên báo chí phản chiến!

Các sinh viên thật sự chỉ quan tâm về đất nước được mời vào Dinh Độc lập trao đổi và trân trọng tiếp đãi như quốc khách. Hay Tướng Nguyễn Khánh chỉ cần gặp sinh viên biểu tình, nhận đề xuất hứa xem xét thảo luận kỷ lại về Hiến chương Vũng Tàu là xong việc.

Còn biểu tình bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa thì nhà nước VNCH từng làm việc hợp lòng dân là ủng hộ biểu tình, trong khi nhà nước CSVN bắt bỏ tù.

Mới ngày 27.7.2009 nói chuyện trước thương binh ông Nông Đức Mạnh chỉ nhắc phải bảo vệ thành quả cách mạng mà không nhắc gì đến bảo vệ chủ quyền đất nước. Ông hù doạ các người tàn phế gần đất xa trời mất khả năng lao động này phải bảo vệ chính quyền CS như bảo vệ miếng cơm đang có, dân chủ sẽ làm họ mất miếng cơm hay là ngụ ý gì đây? Nghe xong, tâm trạng thật hoang mang! Tuy vậy dù sao nay ông Nông Đức Mạnh cũng biết là cán binh Cộng Sản không có tư duy chính trị, tức theo ông thiếu một trong ba điều là “chủ trương, tư duy chính trị và tổ chức” ! Vấn đề chính là chỗ đó, là CS đang ở phía sai của tư duy chính trị! CS không biện minh được gì cho chủ nghĩa CS nên không dạy gì về thế giới quan và bộ đội Cộng Sản làm sao biết Cộng Sản là gì tốt hay xấu lạc hậu hay tiến bộ?

Bên ngoài VN là thế giới rộng mở hạnh phúc bay bổng. Sao nỡ chỉ cho dân VN ôm lấy chén cơm hẩm cá khô canh rau, kéo cuộc sống đi xuống đời bộ lạc vậy, ông Nông Đức Mạnh?

Trần Thị Hồng Sương
29.7. 2009

[*] Tượng Nữ thần dân chủ cao 10 mét, bằng với chiều cao tường thành. Tác phẩm do sinh viên Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc đang “mặt đối mặt” với ảnh Mao Trạch Đông trong cuộc biểu tình tháng tư năm 1989. Tượng này được phía chính quyền Cộng Sản ( không rõ Trung Quốc hay VN ) sửa ảnh cho đội vương miện tia để nhìn giống như phiên bản tượng Nữ thần Tự Do ở Mỹ với mục đích vu khống sinh viên Trung Quốc theo Mỹ (xem tượng với vương miện giả trong chương trình You Tube tiếng Việt có tựa “Bóng ma trên quảng trường Thiên An Môn !”). Tượng nữ thần dân chủ được tái tạo ở Mỹ đặt tại Đài tưởng niệm Nạn nhân Cộng Sản tại Washington DC.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn