BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73239)
(Xem: 62215)
(Xem: 39395)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện trầu cau

08 Tháng Tư 200012:00 SA(Xem: 1626)
Chuyện trầu cau
526Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
526

Đã trình bày tại lễ Giổ Tổ Hùng Vương Toronto ngày 8-4-2000


1.- SỰ TÍCH TRẦU CAU

 Sự tích trầu cau được kể lại lần đầu trong sách Lĩnh Nam chích quái [Lượm lặt những chuyện quái lạ vùng phía Nam núi Ngũ Lĩnh, tức nước Việt]. Người ta chưa xác định rõ ai là tác giả sách nầy, chỉ biết sách nầy xuất biện khoảng đầu thế kỷ 15, và được hai ông Vũ Quỳnh và Kiều Phú hiệu chính và đề tựa vào cuối thế kỷ 15. Sách tập hợp một số truyện cổ tích, thần tiên của nước ta như những truyện về đời Hồng Bàng, chuyện Bạch trĩ (trĩ trắng), Kim quy (rùa vàng), Tân lang (cau), Tây qua (quả dưa hấu)...

 Truyện trầu cau kể rằng vào thời thượng cổ, gia đình họ Cao sinh được hai trai là TânLang, ngoại hình hoàn toàn giống nhau, người ngoài khó phân biệt được. Chẳng may ông bà Cao mất sớm, hai anh em đùm bọc thương yêu nhau mà sống. Hai người đến một làng khác, và xin theo học nơi nhà đạo sĩ hoï Lưu. Trong nhà nầy có một cô gái mới lớn tên Liên, thấy hai anh em đẹp nết đẹp người nên đem lòng yêu mến, và muốn lập gia đình với người anh, nhưng không biết rõ ai là anh. Một hôm cô Liên đem bát cháo và đôi đũa ra mời hai người, để thử xem ai là anh. Lang mời Tân ăn trước. Cô gái biết Tân là anh, và xin cha kết hôn với Tân.

Hai vợ chồng sống rất đằm thắm và hạnh phúc, nhưng người em là Lang cảm thấy buồn vì tình anh em bị san sẻ phần nào sau khi anh lập gia đình riêng. Lang âm thầm bỏ nhà đi về quê. Đi mãi, Lang gặp một dòng suối lớn chận ngang phía trước. Lang ngồi bên bờ suối buồn khóc cho đến chết, rồi hóa ra một cây cau. Tân, người anh, thấy em vắng nhà quá lâu, liền đi tìm. Đến bên bờ suối thấy xác em, Tân thương em và nghĩ rằng vì mình mà em mới ra nông nỗi nầy, liền đập đầu vào cây cau mà chết, và hóa thành tảng đá. Người vợ thấy chồng đi tìm em không về, lại ra đi tìm chồng. Đến bên bờ suối, gặp xác chồng, bà bèn vật mình vào tảng đá mà từ trần, rồi hóa thành cây trầu, bám vào tảng đá và leo lên cây cau. Ông bà Lưu, cha mẹ của Liên, xúc động trước tình cảm quyến luyến giữa ba người, liền lập miếu thờ nơi ba người đã từ trần. Ôâng bà Lưu mộng thấy Tân đến xin lỗi, vì mình mà hại đến cô Liên; còn cô Liên thì xin lỗi cha mẹ, đã vì đạo vợ chồng mà làm cho cha mẹ buồn. Ông bà Lưu đã trả lời rằng:"Các con vẹn tình huynh đệ, nghĩa vợ chồng, ta còn gì giận nữa?"

 Một hôm, vua Hùng đi qua xứ đó, ngồi bên bờ suối, thấy cây xanh lá tốt mọc bên khối đá, liền gọi người địa phương đến hỏi thăm, mới biết được sự tích. Nhà vua còn sai người bổ quả cau, lấy một miếng cặp nhai với lá trầu, và nhổ nước bọt lên tảng đá. Lạ chưa, tảng đá trở màu đỏ ối, rất thấm đậm. Hùng Vương truyền cho dân chúng lấy giống cau trầu mà trồng để dùng. Nước ta có tục ăn trầu từ đó.(1)

 2.- TRẦU CAU TRONG LỊCH SỬ

 Trầu cau có thể nói là hai loại cây song sinh rất phổ thông ở nước ta, đặc biệt càng về phía nam, nghĩa là càng nóng và mưa nhiều, thì trầu cau càng ngon và càng phong phú, nên nhiều người thường buôn trầu cau từ miền nam ra miền bắc. Ở miền Bắc, cau nổi tiếng ngon và cao giá nhất là cau Thanh Hà (huyện Thanh Hà, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Cau Thanh Hà còn được gọi là cau "tiến", tức là cau dùng để dâng nạp cho triều đình sử dụng. Ở miền Nam, vùng trầu cau nổi tiếng nhất là 18 thôn vườn trầu (thập bát lưu viên) ở Gia Định.

Ngoài Việt Nam, trầu cau được trồng nhiều ở Phi Luật Tân, Thái Lan, Mã Lai, Indonesia, nam Ấn Độ, Tích Lan (Sri Lanka),(2) và cũng có mặt ở các nước miền đông Phi Châu.(3) Nói chung các nước nầy nằm tại vùng nhiệt đới ẩm, giữa xích đạo và hạ chí tuyến (tức từ vĩ tuyến O độ đến 23,27 độ). Ở những nước nầy cũng có tập tục ăn trầu cau.

Trong tiếng Việt, chữ "trầu" chúng ta nói và viết ngày nay xuất xứ từ chữ "b'lâu" trong tiếng Việt cổ, còn chữ "cau" của chúng ta cùng một gốc với chữ "pnang" hay "mnang" trong tiếng Ê-đê,(4) một chủng người đã từng sống lâu đời tại cổ Việt. Chúng ta còn gọi bẹ cau là mo cau hay nang cau. Chữ "nang" nầy phải chăng đến từ chữ "pnang" hay "mnang"? Bẹ cau hay mo cau hay nang cau ở nông thôn thường dùng làm quạt. (Thằng Bờm có cái quạt mo...)

Theo Lịch Đạo Nguyên, một người Trung Hoa, tác giả Thủy kinh chú, đã từng du lịch cổ Việt vào thế kỷ thứ 6, thì nước ta chỉ có cây cau là đáng xem hơn cả.(5) Tại sao giữa rừng cây lá cổ Việt, chỉ có cây cau là đáng xem? Phải chăng vì hình dáng phương phi mỹ miều "đầu rồng, đuôi phụng le te/ mùa đông ấp trứng, mùa hè nở con"? Thật ra, điều thu hút Lịch Đạo Nguyên chính vì cây cau không có ở Trung Hoa nên cây cau là một cây kỳ lạ đối với ông, nhất là một khi ông được người địa phương mách bảo cho biết công dụng đặc biệt của trầu cau. Phải chăng vì có phong tục ăn trầu nên cay cau mới đáng xem, chứ nếu không thì cây cau cũng chẳng có gì đặc biệt hơn các loại cây khác?

Như vậy, cây trầu và cây cau là hai loại cây địa phương Việt Nam, được người bản địa sử dụng lâu đời, và việc ăn trầu trở thành một phong tục chủ chốt trong mọi sinh hoạt truyền thống của người Việt (Miếng trầu là đầu câu chuyện); và đặc biệt luôn luôn có mặt trong lễ cưới hỏi của người Việt (Trầu nầy trầu tính trầu tình/ Trầu nhân trầu nghĩa, trầu mình cưới ta; hoặc Ba đồng một mớ trầu cay/ Sao anh không giạm những ngày còn không?). Khi về già, người Việt còn dùng một cái cối nhỏ để xoáy cau trầu cho mềm mà ăn.

 Một chứng liệu khác cho thấy trầu cau đã có từ thời thượng cổ tại nước ta, là miền Trung Việt Nam trước thế kỷ 17 là nước Chiêm Thành. Khi mới được thành lập vào thế kỷ thứ 2, Chiêm Thành có hai thị tộc chính là thị tộc cây Cau (Kramukavamca) ở phía nam và thị tộc cây Dừa (Narikelavamca) ở phía bắc.(6) Cây cau trở thành vật tổ của một thị tộc bản địa thời cổ sử, chứng tỏ cây cau đã hiện diện ngay trước khi có người bản địa, nên người bản địa mới tôn thờ cây cau thành vật tổ.

Vấn đề người Việt đưa trầu cau vào lễ nghi tế tự từ khi nào rất khó xác định. Sách gia phả tại đền thờ Ngô Quyền, làng Đằng Hải, Hải Phòng, có viết rằng bà mẹ nằm mơ thấy cây cau rồi sinh ra Ngô Quyền.(7) Ngô Quyền là người đã đánh tan quân Nam Hán năm 938 tại sông Bạch Đằng, giành độc lập vĩnh viễn cho nước ta. Ngày xưa, khi sinh con quý (quý tử), theo các sách Trung Hoa, người ta thường viết rằng bà mẹ nằm mơ thấy thần nhân, tiên thánh, mặt trời, mặt trăng, hoặc thấy rồng vàng. Đàng nầy, gia đình nhà Ngô viết lại rằng nhờ thấy cây cau mà Ngô thị sinh quý tử; điều đó có nghĩa là cây cau đã trở thành một vật thiêng tuy không phải là vật tổ, tức cây cau đã giữ một vị thế rất tôn kính trong đời sống tâm linh của người Việt. Như thế, chắc chắn lúc đó trái cây cau đã được dùng trong lễ nghi tế tự.

Họ Ngô cầm quyền đến năm 965 thì loạn sứ quân xảy ra. Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên được giặc giả, lên ngôi năm 968, tức Đinh Tiên Hoàng. Ông bị ám sát năm 979; con là Đinh Tuệ, mới 6 tuổi lên ngôi. Bên Trung Hoa, Tống Thái Tông (976-1003) thấy vua trẻ mới lên ngôi ở nước Việt, liền sai quân sang xâm lăng. Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn nhân cơ hội nầy, đảo chánh và tự mình lên làm vua năm 980. Tuy Lê Hoàn, mà sử sách thường gọi là Lê Đại Hành (trị vì 980-1005),(8) đuổi được quân Trung Hoa về nước, Lê Hoàn vẫn phải xin nhà Tống (960-1278) phong vương để tránh bị trả thù vì Trung Hoa là một nước lớn. Năm 982, Tống Thái Tông (trị vì 976-1003) phong cho Lê Hoàn làm tiết độ sứ. Càng ngày mối liên lạc ngoại giao giữa hai bên càng tốt đẹp hơn, nên vào 990, Tống Thái Tông sai tả chính ngôn là Tống Cảo và hữu chính ngôn là Vương Thế Tắc làm chánh phó sứ, sang phong thêm cho vua Lê Hoàn, hai chữ "đặc tiến". Khi trở về, Tống Cảo thuật lại rằng: "Lê Hoàn cầm cương ngựa, cùng sứ giả cùng đi, rồi lấy trầu mời trên mình ngựa, đấy là phong tục mời khách rất quý..."(9) Việc Lê Hoàn tiếp đón sứ giả Trung Hoa, thường được gọi là sứ giả của thiên triều (triều đình nhà trời), là việc rất quan trọng; thế mà miếng trầu đã được đưa vào nghi thức ngoại giao để tiếp đón sứ giả đủ thấy lúc bấy giờ trầu cau đã giữ một vị thế quan trọng trong sinh hoạt triều đình.

Một câu chuyện khác được chính sử nước ta kể lại cũng chứng tỏ cau trầu luôn luôn có mặt trong sinh hoạt cung đình. Đó là khi Trần Thủ Độ đưa cháu là Trần Cảnh vào triều hầu vua Lý Chiêu Hoàng (trị vì 1224-1225); Lý Chiêu Hoàng dùng khăn trầu (khăn đậy khay trầu) ném vào người để trêu Trần Cảnh. Trần Cảnh thuật lại với Trần Thủ Độ. Thủ Độ cho rằng Chiêu Hoàng đã ưa thích Trần Cảnh nên đóng cửa cung, làm lễ thành hôn cho hai người năm 1225. Sau đó Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng tức Trần Thái Tông (trị vì 1226-1258), lập ra nhà Trần (1226-1400).(10) 

3.- Ý NGHĨA SỬ HỌC TRUYỆN "TRẦU CAU"

Để thấy rõ ý nghĩa sử học của truyện trầu cau, chúng ta cần phải trở lại hoàn cảnh lịch sử thời cổ Việt. Năm 214 tr. CN, Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư và Sử Lộc đem quân đánh lấy đất Lĩnh Nam, lập ra các quận Quế Lâm (nay là vùng bắc và đông bắc Quảng Tây), Nam Hải (nay là Quảng Đông), và Tượng Quận (vùng cổ Việt). Sau đó, năm 198 tr. CN, Triệu Đà lập nước Nam Việt, ông đưa quân sáp nhập Tượng Quận và cho người sang cai trị.(11)

Người cổ Việt luôn luôn kiếm cách chống ngoại xâm giành độc lập, mà nổi bật nhất là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào năm 40 sau Công nguyên. Khi chú thích Hậu Hán thư của Phạm Việp, đến đoạn nói về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, thái tử Hiền đã viết vào thế kỷ thứ 8 như sau:"...Giao Chỉ thái thú Tô Định dĩ pháp thằng chi, Trắc oán nộ cố phản..."(...Thái thú Giao Chỉ là Tô Định dùng luật pháp trói buộc nên [bà] Trắc tức giận làm phản...).(12) Chữ "pháp" mà thái tử Hiền dùng không phải chỉ một nghĩa hẹp là luật lệ, mà chữ "pháp" ở đây có thể hiểu rộng hơn như là pháp chế, hoặc tổ chức hành chánh, chính trị, cũng như kinh tế, văn hóa, phong tục. Trong số các phong tục nầy, chắc chắn có tục ăn trầu của người Việt mà người Trung Hoa chưa biết đến. Nhấn mạnh điều nầy để thấy rằng trước khi người Trung Hoa đô hộ, người cổ Việt đã có tổ chức hành chánh riêng, luật pháp và tập tục riêng, nghĩa là đã có bản sắc văn hóa độc lập. Vì nhà cai trị Tô Định muốn áp đặt mạnh mẽ chính sách đồng hóa của nhà Hán (202 tr. CN - 220), chẳng những làm mất tự do của người cổ Việt, mà còn xóa bỏ luôn bản sắc văn hóa địa phương, nên mới bị Hai Bà Trưng nổi dậy đánh đuổi về Tàu.

Gần chín trăm năm cai trị của người Trung Hoa, từ khi Hai Bà Trưng thất bại năm 43 đến khi Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán năm 938, đã đưa đến tình trạng ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa quá nặng nề, chi phối hầu như mọi sinh hoạt xã hội nước Việt, nhất là trong giới trí thức nho sĩ, kể cả triều đình sau khi Ngô Quyền đứng lên giành lại độc lập, khiến nhiều người lầm tưởng người cổ Việt chưa có nền văn hóa bản địa độc lập mà chỉ chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Ảnh hưởng Trung Hoa càng đậm nét hơn khi nhà Minh (Trung Hoa) xâm lăng nước ta lần nữa năm 1407, chẳng những vơ vét của cải, mà còn tịch thu gần như toàn bộ sách vở văn chương, học thuật, tư tưởng và cả giới trí thức cũng như nghệ nhân người Việt đem về Trung Hoa.(13)

Hai câu chuyện về giấc mơ của bà mẹ Ngô Quyền và về việc Lê Hoàn mời sứ bộ Trung Hoa ăn trầu trên mình ngựa đồng nói lên hai ý nghĩa: Thứ nhất, không thể một sớm một chiều mà trầu cau được tôn trọng đến nỗi nằm mơ mà sinh quý tử, hoặc miếng trầu được đưa vào sinh hoạt ngoại giao cung đình, do đó việc dùng cau trầu đã rất phổ biến trước đó trong dân chúng rất lâu, có thể cả hàng ngàn năm mới trở thành một tục lệ trong đời sống tinh thần quốc gia. Tục lệ nầy rất phổ thông từ triều đình tới nông thôn. Đám cưới dứt khoát phải có trầu cau. Ngày xưa, ngay cả ở nông thôn, người ta thách cưới không phải bằng trâu bò, mà bằng những buồng cau tức nguyên chùm cau lớn từ trên cây cắt xuống.

Thứ hai, nghi thức dùng cau trầu trong ngoại giao chưa có ở Trung Hoa, mà chỉ có ở nước ta. Hành động của Lê Hoàn ngồi trên mình ngựa mời sứ giả Trung Hoa ăn cau trầu biểu thị tính cách tự chủ của một quốc gia mới thu hồi độc lập. Tính cách tự chủ nầy còn rõ nét hơn khi nhận chiếu chỉ của vua Tống, Lê Hoàn bưng chiếu chỉ đặt lên điện chứ không chịu lạy theo tập tục Trung Hoa.(14)

Câu chuyện "trầu cau" trong Lĩnh Nam chích quái là một câu chuyện hoàn toàn Việt Nam, chứ không phải điển tích Trung Hoa như thường thấy trong văn chương. Câu chuyện nầy đã bổ túc cho những khám phá các di chỉ khảo cổ, để một lần nữa khẳng định rằng trước khi người Trung Hoa (chủng tộc Mông Cổ) và nền văn hóa Trung Hoa tràn vào cổ Việt, thì tại đây đã có một nền văn hóa bản địa, với lễ nghi tập tục riêng. Do đó, dầu trong thời gian gần đây, có tác giả nghi ngờ về sự hiện hữu của Hùng Vương, và cho rằng Hùng Vương chỉ là một truyền thuyết chứ không có thật trong lịch sử cổ Việt,(15) nhưng không ai có thể nghi ngờ sự hiện hữu của nền văn hóa bản địa từ thời cổ sử mà tập tục trầu cau là một ví dụ cụ thể. Nói cách khác, dầu Hùng Vương có hay không có, nhưng chắc chắn văn hóa bản địa là có thật.

Câu chuyện trầu cau và tập tục nhai trầu cau tồn tại mãi cho đến ngày nay chứng tỏ rằng dầu ngoại xâm cố tình làm tất cả các cách để xóa bỏ, bản sắc văn hóa độc lập địa phương của người Việt không thể bị văn hóa ngoại lai triệt tiêu. (Bằng chứng sống động nhất là hiện nay ở hải ngoại, cư ngụ tại những nước văn minh tiến bộ như Canada hoặc Hoa Kỳ, trong đám cưới của các gia đình Việt Nam, cũng có sự hiện diện của cau trầu.) Chẳng những thế, qua thời gian, người Việt còn uyển chuyển thực hiện cuộc tổng hợp văn hóa giữa bản địa với Trung Hoa, với các nước khác ở Đông nam Á theo văn minh Ấn Độ, và với Tây phương (vào thế kỷ 17 trở đi), để hình thành nền văn hóa đa nguyên của dân tộc.

Hiện nay, ở trong nước, đảng Cộng Sản Việt Nam độc tôn một nhánh văn hóa châu Âu cực đoan là lý thuyết Mác-xít duy vật và vô thần của Liên Xô, bài xích toàn bộ gia sản văn hóa dân tộc. Việc độc tôn lý thuyết Mác-xít của cộng sản chẳng những không đốn ngã được nền văn hóa dân tộc, mà còn gây chia rẽ trầm trọng giữa người Việt với người Việt, làm suy yếu tiềm lực dân tộc Việt, và đẩy đất nước đến chiến tranh, chết chóc, đau thương và nghèo đói. Muốn đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bi đát hiện nay, phải loại bỏ chủ nghĩa Mác xít duy vật vô thần, trở về với văn hóa dân tộc đa nguyên. Có như thế mới đoàn kết rộng rãi tất cả người Việt với nhau, và mới có thể tạo một sức mạnh tổng lực nội bộ vững bền, nhằm có thể đối phó với những khó khăn dồn dập đang xảy ra tại đất nước chúng ta ngày nay.

TRẦN GIA PHỤNG

CHÚ THÍCH :

1. Vũ Quỳnh, Kiều Phú, Lĩnh Nam chích quái, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1990, tt. 54-56.

2. Encyclopaedia Britannica, mục "betel".

3. World Book Millennium, vần B, tập 2, nxb. World Book, Inc., Chicago năm 2000, mục "betel".

4. Chữ Nho, trầu là "phù lưu", cau là "tân lang", cũng phát xuất từ các chữ cổ Việt trên đây (Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, in lần thứ hai, Nxb. TpHCM, 1997, tr. 384.)

5. Nguyễn Ngọc Chương, Trầu cau Việt điện thư, Nxb. TpHCN, 1997, tr. 35.

6. Dohamide và Dorohiem, Chiêm Thành lược sử, Sài Gòn 1965, tt. 21-22.

7. Nguyễn Ngọc Chương, sđd. tt. 36, 323.

8. Hán thư viết rằng: Tô Dục nhà Ngụy nói: "Phép đặt tên thụy, lúc sinh thời làm được sự nghiệp to tát hay là nhỏ mọn thì lúc mất tên thụy cũng theo như vậy. Khi tiên quân chưa có tên thụy, mà tự quân (vua nối ngôi) đã lên ngôi, kẻ hạ thần xưng hô nên có phân biệt; vì vậy gọi là Đại hành". (Việt sử thông giám cương mục, bản dịch của Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội 1958, tr. 248.) Trong Nho văn, chữ "hành" cùng một cách viết, có hai âm (hành và hạnh) và hai nghĩa (đi và đức hạnh): "Đại hành" có nghĩa là đi xa, hoặc còn có nghĩa là có đức hạnh to, có danh lớn. Lê Hoàn không có tên thụy. Khi ông từ trần năm ất tỵ (1005), con là Long Việt lên nối ngôi. Triều đình lúc đó theo cách trên, gọi Lê Hoàn là "Đại hành hoàng đế". Như thế, danh xưng "Đại hành" đáng lẽ chỉ gọi tạm một thời gian, nhưng vì sử sách viết luôn thành thói quen gọi Lê Hoàn là Lê Đại Hành.

9. Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu, Đất lề quê thói (Phong tục Việt Nam), Sài Gòn 1968, Đại Nam, California tái bản không đề năm, tr. 149. Tác giả nầy trích dẫn sách bằng chữ Nho là Văn hiến thông khảo, khuyết danh.

10. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch của Nxb, Khoa học Xã hội, tập 1, Hà Nội, 1993, tt. 339-340.

11. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd. tt. 138, 142.

12. Nguyễn Phương, Việt Nam thời khai sinh, Viện Đại học Huế, 1995, trích dẫn, tr. 176.

13. Minh Thành Tổ (trị vì 1403-1424) ra ba chỉ dụ liên tiếp đề ngày 21-8-1406, 16-6-1407 và 24-6-1407 căn dặn và nhắc nhở các tướng lãnh thi hành chính sách đồng hóa của nhà Minh và tiêu diệt văn hóa nước Việt. (Phạm Cao Dương "Từ nạn trộm cắp các cổ vật tại Việt Nam đến tham vọng bá quyền về văn hóa của Trung Quốc", nguyệt san Thế Kỷ 21, số 130-131, tháng 2 & 3-2000.)

14. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd. tr. 226.

15. Tiêu biểu cho khuynh hướng nầy là sách Việt Nam thời khai sinh, của tác giả Nguyễn Phương, đã trích dẫn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn