Bà Trần Thị Hồng Sương: Đây là điều tôi vẫn hằng quan tâm. Quan tâm đến độ khoảng năm 1990 đang là biên chế chính thức của Sở Y tế tôi xin về làm Hội Y Dược. Làm việc đã sáu bảy năm ở sở y tế, những việc có thể làm đã tương đối làm xong, việc bế tắc thì vẫn tiếp tục bế tắc.
Một nghề chỉ phát triển khi có định hướng và lý tưởng tốt. Ai cũng muốn sống sung túc và được xã hội trọng vọng. Xã hội có hai nghề được gọi là "Thầy" đó là Thầy giáo và Thầy thuốc. Nghề Thầy giáo có thanh cao nhưng nghèo và thường tự trào là "Thầy giáo là tháo giày" tức nghèo đến lam lũ đi chân đất, còn nghề y có cả hai yếu tố mong đợi này.
Ngành y dược sau 1975 đang lấy câu "Lương y như từ mẫu" của ông Nguyễn tất Thành làm phương châm nhưng thật sự câu này không tạo ra hiệu ứng gì nếu không muốn nói là còn tạo ra phản cảm... Mẹ là hình tượng văn học của đời thường. Nghề y không phải là đời thường, hơn nữa có từ mẫu mà cũng không ít người Mẹ thiếu kiến thức khiến cho thương con thì có thương nhưng để hậu quả xấu cho con không ít. Về xã hội, mối quan hệ gia đình Châu Âu Châu Á đều chưa tìm ra mô hình tốt nhất. Ở Châu Á do không có kiến thức về kế hoạch, đông con, không có khả năng kinh tế chu cấp khiến không ít cha mẹ coi việc sinh con như một món nợ nhọc nhằn phải trả, "con là nợ, vợ là oan gia". Châu Âu khi một người cha mẹ không có kế hoạch kinh tế lẫn kiến thức để chăm lo con cái thành đạt thì bị Ông John Major, cựu thủ tướng Anh gọi là "cha mẹ của tội ác tương lai!". Người Châu Á cố lấy câu nói "con thảo không chê cha mẹ nghèo" như "chó không chê chủ khó" để tự biện hộ! Ông Mao trạch Đông cực kỳ sai lầm khi khuyến khích phụ nữ Trung Quốc "đẻ càng nhiều càng tốt". Mao trạch Đông chủ trương chiến tranh biển người khiến ở Trung Quốc nhà nào cũng có tang! Mao có tội đã đành mà bà mẹ sinh con chỉ để làm "vũ khí sinh học" sao khỏi đau khổ vì sự thiển cận của chính mình?! Albert Einstein chống chiến tranh và cổ vũ cho việc từ chối tòng quân cho một nhà nước hiếu chiến tàn ác kiểu như chiến tranh đô hộ, hay như lịch sử Trung Quốc là các cuộc chiến tranh biển người, không thể đếm nổi số chết để bành trướng xâm lược lân bang...!
Trước 1975, sinh viên y khoa Sàigòn tốt nghiệp được cấp chứng chỉ học hết chương trình, và chỉ sau khi làm xong luận án "Tiến sĩ y khoa quốc gia" sẽ long trọng nghiêm cẩn đưa cao tay đọc lời thề Hyppocrate trước sự chứng kiến của Thầy dạy, gia đình, đồng nghiệp, bạn bè... Lời thề có thể tóm tắt ba ý chính, quan hệ đến người bệnh: Thứ nhất không mang định kiến chánh trị, giàu nghèo, sắc tộc. Thứ hai chỉ có cứu người. Thứ ba không thờ ơ thiếu trách nhiệm từ chối chữa trị đòi hỏi thù lao cao hơn khả năng người bệnh. Với lời thế và kiến thức y khoa mới có quyền chạm đến lãnh vực tối quan trọng đến thiêng liêng là sinh mạng con người. Tinh thần Hyppocrate là "tinh thần nhân đạo quốc tế" được các bác sĩ thành viên Hội Y học quốc tế tôn trọng, và có nhiệm vụ cứu giúp kể thương binh cả hai bên lâm trận do xung đột chánh trị. Bác sĩ đứng ngoài và không mang định kiến chánh trị, việc xét xử kết tội là của toà án.
Sau 1975 mới biết giáo dục đào tạo của miền Bắc khác hoàn toàn. Học sinh trung học chỉ học 10 năm. Bác sĩ như Thùy Trâm đi B vào Nam được giảm năm học, và không ai làm luận án, không có lời thề y khoa. Sau này có lễ tốt nghiệp nhưng lời thề là lời thề như một người lính trung thành với tổ quốc XHCN! Tìm hiểu mới được biết năm 1954 miền Bắc họp Bác sĩ ra lệnh "...lời thề Hypocrate là lời nói dối! Bác sĩ khi phát hiện người bệnh là địch, phải báo cho công an gần nhất! Nhiều bác sĩ nói đã phải di cư vào Nam vì nguyên do này. Năm 1975 vào tiếp quản, bác sĩ VC đuổi hết thương bệnh binh, bác sĩ VC tát bệnh nhân khi nghe khai là sĩ quan không quân, đã làm dân y tế Sàigòn sững sốt bỏ chạy khỏi nước! Chuyện chống lại lời thề Hyppocrate không phải do Sàigòn tuyên truyền nói xấu mà là có sự thật.
Y sĩ đoàn, Dược sĩ đoàn Sàigòn tuy sinh hoạt chưa cao chưa sâu nhưng liên thông với các tổ chức quốc tế. Từ đó cũng học được nhiều điều về y đạo, y đức. Sau 1975 khá lâu khi làm ở sở y tế, tôi đã nhận ra ngành y dược VN chưa có triết lý nghề nghiệp. Thời gian này Thầy Ngô Gia Hy có viết cho Hội Y Dược Sàigòn quyển sách "Y đức và đức sinh học". Thầy Hy góp nhặt giới thiệu nhưng không bình luận gì chỉ như tư liệu để sách được xuất bản tại VN, nhưng tôi mong có khung luật pháp quản lý ngành Y Dược và có một triết lý hành nghề cao như Hyppocrate.
Năm 1990 nhà nước CSVN cho thành lập Hội Y dược học VN. Do đánh đồng định nghĩa lãnh đạo là toàn trị nên các Hội đoàn VN được dàn xếp cho đảng viên về hưu làm với quan niệm làm việc chơi "cho vui". Bây giờ thì ngành y Trung Quốc và VN đã là thành viên Hội y học quốc tế nhưng chưa làm gì theo tinh thần Hyppocrate này, cũng như cách VN vào LHQ nhưng không chịu thực thi nhân quyền cho đúng nghĩa! Ngành Y Dược chưa xác định triết lý đạo đức nghề nghiệp đúng tầm cao cần thiết để phát triển đạo đức!
Khi báo chí VN chê trách kém y đức không theo tinh thần Hyppocrate, tôi đã gửi cho báo chí nêu lên vấn đề y đức, y đạo và việc hiện nay cần xác định là có hay không có, cần hay không cần sự hiện hữu tinh thần nhân đạo quốc tế Hyppocrate trong ngành Y VN? Khi bắt đưa bà Luật sư Bùi Kim Thành vào bệnh viện tâm thần Biên Hoà trong lúc đó bác sĩ bệnh viện Chợ Quán khám cho về, vì không có dấu hiệu tâm thần, làm dấy lên vấn đề đạo đức ngành y không nhỏ. Lẽ nào toà án rồi đến bệnh viện cũng là nơi CSVN dùng đàn áp dân chủ?
Để đánh giá phải nói rõ hai loại Bác sĩ và hai giai đoạn: Bác sĩ đảng viên làm chức vụ lãnh đạo là người của đảng, không thể không chấp hành lệnh của đảng khi công an CSVN không hề biết tinh thần Hyppocrate là gì! So với việc nhiều Bác sĩ nước Đức tự tử khi Hitler buộc nghiên cứu y khoa trên tù nhân là người Do Thái, thai phụ Do Thái, trẻ em Do Thái, thì Bác sĩ đảng viên lãnh đạo bệnh viện ở VN nghĩ gì, làm gì? Bác sĩ điều trị thì khác, Bác sĩ Chợ Quán khám bệnh, cho y lệnh theo chuyên môn! Nếu thật sự Bà Luật sư Kim Thành không hề có tiền sử bệnh thì có thể kiện Bệnh viện Tâm thần Biên Hoà xâm hại trái với y đức theo tinh thần Hyppocrate qua Hội y học quốc tế mà VN đã là thành viên. Tù nhân chánh trị có thể kiện CSVN ra toà án quốc tế vì VN là thành viên LHQ! Ông Trịnh Vĩnh Bình, nhà đầu tư bị kết án tù và tịch biên tài sản đã khiếu kiện và phía CSVN bắt buộc phải thương lượng thoả đáng ngoài toà án. Không biết khi VN kiện chất độc da cam sau chiến tranh có nghĩ là đó cũng là "một bài tập" giúp VN tự suy luận ra rằng nửa thế kỷ, hay trăm năm sau, nạn nhân CCRĐ có thể kiện ông Nguyễn Tất Thành. Vụ Pol Pốt diệt chủng dân tộc Campuchia, dù ông Hunsen không chủ động truy tố, Quốc tế cũng truy tố Pol Pốt... để biết không thể xâm hại con người coi chuyện VN là chuyện riêng, hành hạ dân VN là quyền của CSVN. Liên tục có nghị quyết lên án CS quốc tế lên án Nga, CSVN có tránh khỏi bị lên án không?!
Trong ngành y lời thề Hyppocrate cũng đề cập cả việc vô ý ác do làm quá chức năng, tức làm việc do mình không biết rõ mà thành tác hại. Có những xử lý chuyên môn sai chỉ do dở nhưng về mặt đạo lý vẫn có lỗi. Ông Bà VN cho rằng: "nhất thế y tam thế suy" một đời làm nghề y ba đời con cháu suy vong. Trong ngành luật xử án, tương tự "nhất thế quan trường tam thế suy vong", có tội với trời đất dù thoát tội trần gian khi kết án oan khiến một con người phải "nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại", tù nhân bị tước hết phẩm giá làm người, là có tội với thiên địa! Con cái nhà quan không thành đạt được cho là do cha mẹ ăn ở không có đức khi làm quan!
Rất dễ sai lầm nếu bác sĩ học không đến nơi đến chốn, còn ở toà án vì định kiến chánh trị, đặc quyền đặc lợi hối lộ, dễ về hùa thế lực ác kết án oan v..v... Không bị luật pháp bắt tội cũng tạo ra sự thất đức, cho nên ngành y có câu "ngành y là học suốt đời!". Các ông thầy nước lạnh, thầy trị bệnh bằng cách "chà chanh" gạt bệnh nhân mắc tội này!
Thử đặt vấn đề một bệnh nhân, nếu Bác sĩ cố gắng sẽ không phải cắt đoạn chi để thành tàn tật suốt đời, nhưng Bác sĩ không cố gắng cứ cắt cho nhanh, cho mau rồi việc... thì có tội hay không có tội? Về luật pháp trong ngành thì không ai bắt tội được, nhưng về đức tâm linh thì có đấy! Trước đây là vậy, còn bây giờ luật lệ các nước cũng đi sâu hơn để ngăn ngừa các việc thế này, và buộc Bác sĩ bồi thường nếu xử lý không phù hợp chuyên môn!
Việt Kiều có lợi thế là phải làm cuộc cách mạng văn hoá con người ngay trên đất nước văn minh để lột xác nhanh chóng, còn VN đang cố thủ cho nên có một khoảng cách tư duy, mới chỉ có tín hiệu chứ chưa có lộ trình thu hẹp... Về tình hình thì có hai giai đoạn: 1- Ngay sau giải phóng, công sức các Bác sĩ Sàigòn còn ở lại VN rất đáng tôn vinh! Những ngày lộn xộn từ giữa tháng 4-1975 các bác sĩ vẫn mổ cho bệnh nhân dù bên ngoài súng nổ, trên đầu pháo kích... hay các bác sĩ quân y vẫn chữa trị dù các sĩ quan khác lo di tản. Năm 1989 sang Mỹ thăm bệnh viện, tôi đã nêu ra cho các Bác sĩ Mỹ và các bạn người Việt Nam biết ngành y tế VN đúng là có tệ do vì thiếu kinh phí, nhưng Bác sĩ VN ở miền Nam đáng phong thánh. Đọc bệnh án một case đụng xe ở Mỹ tốn 160.000 USD. Với 200.000 USD bệnh viện Tỉnh Cần Thơ với các Bác sĩ VN đã mổ trung và đại phẫu 5.000 case, và khám 200.000 lượt bệnh nhân. Một ngày đêm trực một Bác sĩ mổ trung bình sáu bảy case cấp cứu, cao điểm là 12. Mổ xong xỉu luôn! Gia đình bệnh nhân tội nghiệp mua cà phê sữa, trái cây cho ăn uống cầm hơi để còn... dìu nhau qua cơn quốc nạn! Nghèo và cực nhưng khi biết mình còn giúp được người bệnh thì các bác sĩ Sàigòn đã không câu nệ.
2- Bước vào kinh tế thị trường với sức mua của dân còn rất thấp, Bác sĩ vẫn lãnh lương bao cấp. Tiền công một case mổ ruột thừa thấp hơn công vá lổ thủng.... ruột xe đạp! Bây giờ các Bác sĩ nào được bệnh nhân tin cậy chuyên môn đã có thể gọi là giàu. Tuy nhiên các bác sĩ học bổ túc chuyên môn còn kém hay còn quá trẻ để được tin cậy, cuộc sống vẫn rất khó khăn...
Trách nhiệm nằm ở chỗ ngày nay xã hội thật xộc xệch, ai cũng tự cứu không có chuẩn mực đạo lý nào kềm hãm. Óc tự do hoang dã ích kỷ tham lam của con người bộc lộ khá rõ. Công chức cấp cao tự duyệt nhà triệu đô, cấp thấp hành dân bù lương thấp, hối lộ... Ngành y, nhất là người không thể làm thêm ngoài giờ cũng nằm trong sự xộc xệch đó! Dù sao bệnh viện công khắp nơi vẫn đông, vì dân khó có tiền đi bệnh viện tư. Ngay cả khám bệnh tư cũng chỉ hơn 2 USD không đáng phàn nàn đâu! Dân Sàigòn giàu thì sang Singapore điều trị, còn Sàigòn bắt đầu có bệnh nhân nước ngoài như khoa hiếm muộn và kỷ thuật cấy phôi để sinh con thành công tương tự, và chi phí thấp hơn các nước trong khu vực.
Nếu nhà nước giỏi đánh thức, nuôi dưỡng tài năng nắm bắt công nghệ thì với óc thông minh của dân VN sẽ tái lập tình trạng tích cực như trước 1975. Các nhà ngoại giao làm ở VN trước khi về nước thường làm bốn việc, may quần áo, mua đồ gỗ quý, đóng giày, làm răng giả. Thợ thầy VN rất nổi tiếng, giá lại rẻ! Còn nếu như hiện nay chỉ biết bảo vệ Đảng CSVN, dùng ngành y để cô lập hủy hoại sự sống của người bất đồng chánh kiến, là làm chuyện tồi tệ do không có tư duy về triết lý cầm quyền về "y đạo", là quá sai.
Hội y học thế giới vừa ra văn bản lưu tâm các Bác sĩ Trung Quốc hội viên không được tham gia mổ lấy tạng các tử tù để cấy ghép ngoài ý nguyện của chính người tử tù. Ở Mỹ khi dùng thuốc để xử tử tội thay cho ghế điện cũng có tranh luận là phải xem xét khía cạnh phương tiện ngành y được phải chỉ dùng cứu người không được dùng giết, cho dù là tử tội. Người ngoài ngành y tế không để ý để nhận ra, ngành tình báo Nga, bị nghi giết một cựu điệp viên sống lưu vong ở Anh không thể dùng thuốc độc thông thường dùng trong ngành y vì sẽ dễ bị Bác sĩ phát hiện, mà phải dùng chất phóng xạ công nghiệp!
Ở VN bác sĩ giỏi làm tư, bệnh nhân đông có đủ tiền, không cần đòi tiền bệnh nhân. Bác sĩ chưa có bệnh nhân rất khó sống. Việc không ân cần là phổ biến, vì bệnh viện công khi dân nghèo thì luôn quá tải. Mỗi ngày tám tiếng phải khám cả trăm người, tức mỗi giờ khám trên 12 người, ít hơn năm phút mỗi người làm sao mà có thì giờ tư vấn cho đúng chuyên môn, và mệt quá thì cáu gắt. Nhiều người có lý lịch tốt chuyển ngành làm chánh trị mới thăng tiến, mà điển hình nhất là ông Nguyễn tấn Dũng. Trước đây trong bệnh viện còn có lực lượng phụ là các bà Sơ Thiên chúa làm thiện nguyện, giúp bệnh nhân những việc ngoài chuyên môn, ngày nay không còn cho phép nên người bệnh và người nhà bệnh nhân thật sự bơ vơ lúng túng và cô độc ở chỗ "lạ nước, lạ cái" là bệnh viện.
Đài CTM - Hoàng Hà thực hiện
Ý kiến bạn đọc
28 Tháng Ba 20177:48 SA
Rosie
Khách
Bà Sương láo thật. Không biết bây giờ bà có còn sống không nữa?