Phải bước qua một cổng hải quan xác nhận và cho phép tôi mới nhận thức được là đã bước sang nước khác !Kể cả ngược dòng Mekong VN đi Biển Hồ Campuchia hay bay bằng phi cơ qua các nước, khái niệm biên giới lãnh thổ vẫn khó biến thành nhận thức ... Nhưng tôi còn có định nghĩa một quốc gia là gì một thế giới là gì của riêng tôi, rất khác.
“Tôi yêu tiếng nước tôi“ là tiếng Việt vì tôi có thể bày tỏ những điều tinh tế nhất, lãng mạn nhất, văn chương VN, thơ ca và ca dao Việt Nam đã thấm đẫm tâm hồn... Nhưng bước vào thế giới khoa học thì tiếng Anh là bức tường phải vượt qua để được bơi lội trong kho kiến thức. Việc học tiếng Anh tiếng Pháp như một sinh ngữ không đủ, cho dù giao tiếp thông thường dễ dàng và đọc một số sách vở văn học bằng tiếng Anh Pháp để cảm nhận được một phần tinh hoa văn học nước ngoài.Sau hai tháng ở Thailand tôi đi tiếp sang Mĩ và xuống phi trường Kennedy. Cảm nhận thoải mái đầu tiên đó là tôi có thể giao tiếp dễ dàng với Hải quan Mĩ so với việc tôi không biết tiếng Thái !
Tôi thích cảnh quan thiên nhiên VN, dù cảnh ánh trời chiều trên tấm thảm luá xanh, đêm trăng tròn hay bình minh chỉ thanh thoát trong mộc mạc đơn giản chứ không hùng vỹ như núi non Trung Quốc hay lạ lùng như đỉnh non cao tuyết phủ của đất Phật Tây Tạng. Cảnh quan núi non hùng vỹ, tiếc thay đi liền với sự khắc nghiệt là khó tìm nguồn thực phẩm. Mỗi lúc đi xa là thấy thương nhớ khắc khoải hàng dừa, vườn cây xanh và các dòng sông với hai con nước lớn ròng, mang đến cái ăn cho cư dân ven bờ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ăn giống như thở, khi thiếu mới thấy không chịu đựng nổi. Tôi đã mua một trái chuối nướng ở Bangkok giá 8.000 đồng VN (ở VN 8.000 mua được 16 trái) vì nhớ thức ăn VN. Chuối nướng là món ăn của trẻ con VN đã thành một một niềm thương nỗi nhớ cồn cào trong tôi khi đi xa nhà vậy đó!
Tôi bối rối không biết phải làm sao cho đúng với kêu gọi xây dựng "nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc" như CSVN nói, khi đem so truyền thống với các sự kiện lịch sử VN cận đại. Truyền thống hiếu học, Trần Minh khố chuối vượt khó nghèo qua việc cực lực học...nay còn đâu ? Nhân nghĩa lễ trí tín là năm tiêu chí rèn luyện tâm thức làm con người xứng đáng... nay còn đâu ?
Từng người VN cao niên cũng như trẻ tuổi hôm nay phải mang mục tiêu phấn đấu, đương đầu vượt qua dấu vết của cả một lịch sử ngàn năm nô lệ, trăm năm đô hộ bằng cách tận dụng quỹ thời gian, không để thời gian chết, phải học để giỏi tiếng Việt lẫn ngoại ngữ. Cố gắng phù hợp với cuộc sống văn minh đạt trình độ tâm thức nhân hậu và kiến thức uyên bác như bà Condoleezza Rice .
Cách sống cá nhân cũng phải tập dần sự lịch lãm, sạch sẽ ngăn nắp, đi êm nói nhỏ. Trung Quốc đang tích cực dạy dân bỏ thói quen khạc nhổ đáng ghê tởm! Nhưng chúng ta không làm được gì nhiều nếu như bụi, tiếng ồn, ngập úng, rác chưa được nhà nước nghiêm túc loại trừ.
Sách vở là kho kiến thức chuyên môn là trường học suốt đời và internet giúp có thông tin từ mọi hướng của một thế giới đang có lợi là trong quá trình làm phẳng và liên thông. Bằng các thứ đó ta có được an ủi dù đang sống giữa một đất nước VN còn “ngăn sông cấm chợ“ tư tưởng, ngăn dòng chảy tư duy, ngăn hội luận. Chánh trị đang tạo ra gập ghềnh đảo lộn giá trị, tạo bất công trong đảng ngoài dân !
***
Sàigòn xưa và bây giờ 2006
Sàigòn xưa tính từ 1963 , mức nhộn nhịp giống Cần Thơ bây giờ 2006. Thời này rau cải vào thành và hàng hoá ra ngoại thành Gò vấp tiểu thương Sàigòn còn đi bằng xe ngựa. Sau đợt Ông Diệm thực hiện hữu sản hoá dân nghèo Sàigòn có xe Lam(bro) và Taxi làm phương tiện di chuyển. Xe ngựa chỉ còn là ký ức ! Hai mươi năm 1975 đến 1995 mới qua cơn bao cấp dị thường, phù hợp với kết luận "sống không nổi, cột đèn cũng muốn đi !", không có gì tranh luận.
Thoáng nhìn cảnh quan Sàigòn bây giờ, so với 1975 thì đâu đâu cũng có công trường xây dựng, khơi nguồn cảm xúc phấn khởi. Sàigòn có khách sạn hạng sang, tiêu chuẩn quốc tế, có nhà chọc trời làm biểu tượng văn minh giàu có cho VN, dù chủ nhân là tập đoàn nước ngoài với 100% vốn.
VN 2006 dân số tăng gấp đôi so với 1975, dân số Sàigòn lại tăng gắp ba bốn lần do Sàigòn đã dần công nghiệp hoá, dễ kiếm sống. Thành phố bụi nhiều hơn, tiếng ồn nhiều hơn, náo nhiệt quá mức khiến đầu óc lúc nào cũng căng thẳng. Ngành ăn uống Sàigòn phát triển và thức ăn VN ngon tuyệt, chỗ nào mở ra cũng đông. Năm 2006 với câu hỏi ở VN sống được không thì câu trả lời là: Được chứ ! Ý kiến này còn sa vào tranh luận không thống nhất !
Hơn 80 triệu người không liên can đến đảng CSVN bị bỏ mặc vẫn bươn chải chen qua giành lại để sống đấy thôi. Dù gì cũng khá hơn Afganistan thời Taliban cấm giới nữ đến trường, cấm nghe nhạc tây phương và đẩy lùi cả nước về các hủ tục ...
Sống được hay không sống được đều đúng. Cuộc sống nay không dành cho tất cả . Một số người sống với mức sống cao không tin nổi ,nghe rất choáng váng. Ngày xưa công tử Bạc liêu đốt tờ bạc tìm vật đánh rơi cho người đẹp, nay con cái nhà quan cũng dùng tiền trăm xếp hình chơi vung vãi... Nhưng cũng không ít người sống không được ! Nông dân và các thôn nữ đồng bằng sông Cửu Long là thành phần sống như thế. Dân làm ăn mà không có dây mơ rễ má với đảng viên thì tất nhiên là sống không được, kiếm không ra đồng lời, nghèo trắng mắt do thuế cao ! Phải bỏ đi xứ khác !
Cuộc sống vẫn tiếp diễn, lí do là con người chỉ cần rất ít để tồn tại, trong tù cũng còn sống được, trong rừng cũng sống được, non cao tuyết phủ cũng sống được. Iraq sống dân số tăng, Afganistan cũng sống. Nhưng để vui sống, phát triển, học tập tiến bộ, sống cho ra người, đủ điều kiện để sống vui theo sở nguyện căn bản là ăn no mặc ấm, chữa bệnh học hành thì nhu cầu này lại cực kì cao không có được ở VN cho đa số người.
Nhiều Việt Kiều gốc làng quê nghèo, nay trở về VN, có tiền, không va chạm khi làm ăn lại có dịp đi Hà Nội Hạ Long vui chơi xài tiền thì cũng hài lòng vui vẻ phấn khởi đấy thôi! Phải nhìn sâu nội tâm thì cách sống, cách nghĩ, rất khác Sàigòn xưa. Xưa kia, thang giá trị đo bằng học vấn, ai cũng phấn đấu học hành như con đường thoát nghèo khó và sống tốt hơn, theo kiểu cách truyền thống:Chẳng tham ruộng cả ao liền, Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ !. Và các thiếu niên bị doạ “ Nhỏ mà không học, lớn làm đại úy”, bộ máy chiến tranh không được coi là vinh quang như tất cả dân Hà Nội. Dân Hà Nội không lột xác lớn lên qua học vấn mà co mình mặc áo lính, chui vào đảng mới có con đường tiến thân.
Chuyện Sàigòn ngày xưa đẹp nhất là những con đường có lá me bay, là giới sinh viên ưu tú tài hoa được tuyển chọn qua các cuộc thi tuyển công bằng, khắt khe. Con Ông Ngô Đình Nhu cũng phải chịu rớt đại học. Giáo sư Đại học mang kiến thức từ nước ngoài về cùng với ước mơ nâng tầm cao Đại học VN qua khối lượng kiến thức cao và cập nhật để được công nhận tương đương.
Giới kinh doanh người Việt thường có tri thức chuyên môn, như ngành Y Dược có các viện bào chế, bệnh viện tư, nhà bảo sanh tư; giáo dục tư thục, hay công kĩ nghệ gia VN nắm công nghệ cao như công ty sản xuất kem Hynos, xà-bông Cô Ba, gốm sứ Đồng Nai, cao su Kim Đan, đồ nhựa... tạo ra bước khởi đầu tốt đẹp cho nền kinh tế mang nhiều hàm lượng tri thức khoa học công nghệ. Sàigòn không chuộng kiểu “Hồng Kông bên hông Chợ Lớn” giỏi làm “hàng nhái” của người Hoa. Đó là nền tảng để nuôi lớn tầm vóc VN, tôn tạo lòng yêu quê hương và hội nhập bình đẳng thật sự.
Tiêu cực lớn xưa nằm trong giới chánh trị quân nhân và xoay quanh tiền viện trợ Mĩ, dân ít thấy vì không bị quấy nhiễu trực tiếp qua thuế. Người Mĩ tức điên lên vì việc viết chì hai ngàn được quyết toán 20 ngàn này giống chuyện PMU 18 và tiền ODA vậy! Công chức tuy cũng có chuyện lôi thôi nhưng có nghiệp vụ chuyên môn nên không lủng củng đến kì quặc và không nhũng nhiễu đều khắp như bây giờ. Một trong yếu tố là công chức chuyên môn cao nên chỉ ít người và lương đủ sống !
Sàigòn nay, con đường quan trường phải theo một chuẩn mực dị thường và không minh bạch. Trước tiên phải có lí lịch tốt, ngụy quân ngụy quyền, có gia đình nước ngoài thì đừng có mơ. Làm quan không cần học, phải đi làm công nhân lao động, thanh niên xung phong, lao động chân tay hạng chót trước để có thêm lí lịch bản thân là giai cấp thuộc “lớp nghèo dốt thành thị”. Quá trình trưởng thành sẽ từ chạy việc vặt ở cơ quan, nhất nhất nghe đảng, sẽ được kết nạp đảng, học bổ túc qua loa một năm ba lớp, đề bạt lên dần đến chủ tịch Phường Quận Huyện Thành phố.
Đảng CSVN không trang bị tri thức mà trang bị bằng cấp như trang bị vũ khí ngoại thân để đứng đầu các cơ quan toàn trí thức thực học... theo cách như thế đó. Quan cần bằng cấp nào để giữ ghế sẽ có ngay bằng cấp đó với giá khá “bèo” ! Với con đường làm quan này phải biết ơn Đảng vì không làm quan thì rơi ngay vào kiếp “chăn gà” cho vợ, không khớp với cuộc sống độc lập . Không trách họ phải bám “ghế quan” chết bỏ !
Ngành kinh doanh giáo dục không phải xây trường tư dạy học mà “đi tắt đón đầu” bằng kinh doanh lòng “háo danh” và kinh doanh điều kiện giữ chức vụ vô cùng sôi động. Lo từ A đến Z một "bằng thật học giả" gồm luận án, sắp xếp hội đồng đúng chuẩn giá là 40 triệu một bằng Tiến sĩ cho quan chức, 100 đến 300 triệu cho công chức thường, hầu hết được cấp từ bộ phận sau đại học Hà Nội !
Đảng CSVN chuộng kinh nghiệm và không chuộng thay đổi dù là thay đổi để tiến bộ. Tiến bộ đòi hỏi phấn đấu học hành rất nhọc nhằn nên không ít người bám vào đời công chức lương thấp vì thích mọi việc ngày hôm nay như ngày hôm qua và thập niên này sang thập niên khác vẫn chỉ là như thế ! Bảo những người này phấn đấu giống như nước đổ lá môn ! Bằng cớ là cải cách hành chánh thất bại thảm hại.
Về lí, CSVN cũng biết phải cần trình độ, nhưng đâu phải ai cũng có khả năng học ! Vả học làm gì cho nhọc sức, khi đã có cách khác có xe hơi đi dông đi dài ? Đó là biến tấu từ cách chọn người của cấp trên, không cần “bằng cấp” chỉ cần “bằng lòng”, và sau đó là tìm cách hợp thức theo cách ” bằng thật học giả” như thế đó. Một nền học vấn như vậy thì chỉ dành cho người tham vọng học thêm để trở thành người gian manh chuyên nghiệp, sống hai mặt ! Giữ được ghế rồi thì bắt đầu vét tiền dân, rút ruột công trình để bù vào chi phí học vấn này !
Thư lại CSVN là người phải biết sợ, biết cuốn theo chiều gió để bay cao thế đấy.
Trí thức tự trọng trung thực làm sao sống tiến bộ ? Trí thức còn bị làm cho mất tự tin về giá trị con người trí thức, khốn khổ bế tắc cam chịu vì không có môi trường nào khác hơn để trả nợ áo cơm.
Cuộc sống nơi nào cũng khó cả. Ở Mĩ cũng vất vả mới có cuộc sống, không hề dễ dàng. Tuy nhiên dù thất nghiệp, không khớp nổi với xã hội thì nước Mĩ cũng cung cấp cho một công dân đủ sống. Trái lại CSVN sẽ gây mất việc cho người nào chống lại đặc quyền lãnh đạo hưởng thụ của họ. Chủ nghĩa biến con người thành con vật làm trò xiếc múa theo lệnh mới cho ăn, là hèn hạ hoá con người, tiêu diệt hết ý chí và sáng tạo.
Dân Sài gòn biêt rõ như thế, không thể mơ theo quan trường thì nay cũng lo học như là ... con đường thoát thân. Rán xin vào công ty nước ngoài như một lối “thoát thân”. Cố gắng cho con đi học nước ngoài, ra nước ngoài làm việc. Họ nói với nhau chẳng cần che giấu: chánh quyền dở thiệt, tệ thiệt; nhưng, thôi kệ, cứ kiếm cái gì ăn ngon bạn bè chén tạc chén thù tạm vui đi đã. Một người bạn cùng tuổi U 60-70, chọn nghề vẽ chữ (thư pháp). Sài gòn trước 1975 không có Thư pháp, tức loại hình nghệ thuật độc đáo, hình tượng mỗi chữ viết ra nói lên được hồn người, diễn tả dụng ý sâu thẳm của ngôn từ. Anh bạn đã viết chữ “Thôi kệ !” thành bức tranh tâm hồn. Tranh bán được có nghĩa có nhiều người chia sẻ! Tôi nghĩ: Phải làm gì đi chứ, theo chủ nghĩa mackeno không nghĩ có ngày cũng đến lượt mình gánh hoạ sao ? Nói cho đúng thì đối với anh bạn, vẽ thư pháp cũng là “làm” đấy, là trấn tĩnh , là làm cuộc chiến tâm thức đấy chứ! Lời tự nhủ này để dứt “lòng trần” chứ không “dấn thân” nữa ! Thế giới của Ma thì sao có đời người được. Tìm về với hư không để khỏi chết vì tức điên! Tôi đã rất bùi ngùi khi biết anh là kiến trúc sư bị phá sản vì làm một công trình nhà nước. Làm xong nhà nước không chịu trả tiền mà không dám kiện vì quan cứ “trơ” ra, không giựt nhưng cứ bảo ngân sách chưa có, thật sự là đem tiền gửi ngân hàng lấy lãi. Anh kiến trúc sư phải trả lãi ngân hàng cho khoản nợ vay trả lương công nhân. Lãi ngân hàng lúc ấy quá cao dẫn đến phá sản.
Ngay cả một số “trí thức cũ thành đạt” khá yên thân có vị trí cũng bỗng đem lòng yêu loài hoa của vùng sông nước Cần Thơ, “Hoa Lục bình”. Loài hoa lang thang phiêu bạt không nhận chốn nào là quê hương ! Người Sài gòn nay cứ thế mà “phiêu bồng” trong cõi người ta ! Ai sống được thì sống tiếp. Ai lo chạy được thì cứ lo...
Dân nghèo đồng bằng Cửu Long bế tắc hơn đã lấy chồng nước ngoài như phương cách xóa đói giảm nghèo. Những nàng Kiều tội nghiệp, không tài hoa, chỉ có vốn tự có duy nhất là tuổi trẻ và khả năng sinh con. Các cô không có cách gì, không có con đường nào để phấn đấu và có mơ ước gì cao xa đâu, có vui sướng gì cho cam, đó chỉ là:
Một liều, ba bảy cũng liều !
Cầm bằng như thể con diều đứt dây !
Phải chi Quốc hội biết, cố nghĩ hết cách, tác động hết cách, truy xét dòng lưu đồng tiền, chỉ tiêu giáo dục... để giúp không còn bé gái nhà nghèo nào phải bỏ học trước lớp 9, vì thiếu ý thức của Cha mẹ và thiếu trách nhiệm của chánh quyền. Cha mẹ và chánh quyền phải có quy định cưỡng bách giáo dục hết lớp 9 để cháu gái có thể làm công nhân là ít. Đó là giải pháp các cô mơ ước và chấm dứt chuyện đáng buồn phụ nữ VN hiền và xinh đẹp của đồng bằng bị mua bán làm vợ làm mãi dâm khắp cùng trời đất này ! Không phải ngồi đó mà lên án và rẻ khinh !
Trong thế giới tri thức là quyền lực, cũng có chút mặt trái khi chánh phủ không tích cực, sẽ có thành phần tụt lại phía sau. Nghĩ thương cho hai người Nam Nữ tội nghiệp, cùng nghèo, cùng dốt, cùng khổ ở hai nước, lấy nhau trong tình cảnh “tiết kiệm” tối đa ! Tiền đâu tổ chức các buổi giao lưu kết bạn để Nam Nữ tìm hiểu nhau trước khi cưới ? Chữ đâu để viết lời tình ? Ngày giờ đâu để dành cho tình yêu khi cuộc sống quẫn bách vì miếng cơm manh áo ? Họ đã phải tìm nhau cùng trời cuối đất, dù chẳng ai là một nửa của nhau, rổ thúng gá duyên may rủi, trong sự bệ rạc hằn sâu lên số phận người nghèo dốt !
Dân kinh doanh có cách tồn tại khác. Việc đất nước chưa bằng xứ nào, chưa có tự do dân chủ, biết chứ, nhưng để đó, từ từ tính tới. Bây giờ mua gì cũng dễ, khi cần mua lòng quan chức địa phương qua truông luật pháp không khó, có khi quan chức là bà con nên cũng không đến đỗi nào. Không bế tắc như... thời quan Tây hay thời bao cấp !
Cuộc sống dễ dãi bù khú thiếu nghiêm chỉnh thế đó của đại đa số dân chúng không là công chức. Tồn tại chỉ để tồn tại qua ngày. Không ít người sáng say chiều “xỉn” chấp nhận làm chuột sa chĩnh rượu ! Đất say đất cũng lăn quay, Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười !
Cần Thơ xưa và nay
Cần Thơ xưa của tôi là những đêm quây quần về quê Nội, đốt lửa nướng bánh phồng ăn, túm tụm co rúm rút vào nhau nghe cô chú ông nội kể chuyện ma. Là xác trôi sông ghê sợ chất đầy trong ký ức tuổi thơ. Là xe thùng mất vệ sinh và các người phu hốt xe thùng bần hàn ! Là đêm đen đi trong ánh sáng và hương thơm của ngọn đuốc lửa bằng bó lá dừa. Là tiếng xe ngựa lọc cọc lắc lư trong trời hừng sáng mát rượi, ngan ngát hương đồng nội. Là tháng ngày êm đềm không biết gì về quốc sự chỉ vui đời học sinh trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ . Vui làm sao những tháng ngày vụng dại tuổi thiếu niên. Với tôi tuổi trưởng thành là 30 chứ không phải 18.
Sàigòn có khu trung tâm Nguyễn Huệ Lê Lợi và các biệt thự cổ kính kiểu Pháp cùng vài công trình nổi trội như “nhà việc” của Pháp, nhà hát lớn tuyệt đẹp, khách sạn Majestic và Palace của Pháp. Đặc biệt nhất là công trình Dinh Độc Lập của kiến trúc sư tài hoa Ngô Viết Thụ càng ngắm nhìn càng đẹp và thấy tự hào vì từng có người VN làm nên kì tích đó.
Cần Thơ với trường đại học, với mật độ dân cư xe cộ nhà phố hiện nay gần giống cảnh quan Sàigòn nửa thế kỷ trước khi tôi mới chuyển vùng sinh sống. Sau 30 năm làm một Tỉnh như bao Tỉnh khác Cần Thơ mất vai trò là Tây đô. Đồng bằng Cửu Long phát triển đa trung tâm. Dù sao do có Trường Đại học mà vẫn còn dư hương Tây Đô.
Khoa học đâu đâu cũng xuống dốc, tệ hại nhất là kĩ thuật làm đường sá. Dân Nam VN sống gần sông gần đường đi. Rất nhiều người từng chứng kiến Mĩ làm con đường xuyên việt tức quốc lộ 1A bây giờ . Nhà thầu Đại Hàn đã thực hiện, và 30 năm trước mà công nghệ thiết bị hơn hẳn bây giờ. Các xe chuyên dụng cứ lần lượt đi qua xe rải đá lớn đá nhỏ xe cán xe trải nhựa chỉ một đêm sáng ngày sau con đường thẳng tắp láng trơn... và hoàn thành nhanh như chuyện cổ tích có phép thần huyền thoại ! Ba mươi năm sau con đường này được PMU 18 vá nham nhở, công nhân bưng từ ki đá với máy dầm tay như thời Pháp hồi 1950. Xe chuyên dùng được mua xe con hạng sang cho quan du hí và đem cá độ... tương lai dân tộc !
Có gì tốt từ phía người CS cho Sàigòn Cần Thơ không ? Có chút ít, chuyện tốt nhất CSVN làm được cho đất nước, là chợ búa, sinh hoạt của giới bình dân có trật tự hơn. Băng nhóm giựt vọc còn nhưng ít hơn. Công An quản lí dân giang hồ giỏi hơn xưa ! Xét ra chánh quyền CSVN chỉ ở tầm “quản lí” giới bình dân chứ không có tầm vóc vai trò “lãnh đạo” đất nước bao gồm nhiều trí thức như hiện nay. Nhưng rất không may, kinh tế thị trường khiến Công An bây giờ có thêm biến tấu cực kì nguy hiểm, đó là dùng đặc tình gốc giang hồ làm tay sai thực hiện các bảo kê đòi nợ, doạ người và đàn áp dân chủ ! CSVN đồng hóa mình với giới giang hồ chứ không cải tạo giang hồ tứ chiếng thành có trách nhiệm như Công An !
Nếu đã có sự hợp lưu lịch sử tốt năm 1975 thì Sàigòn đã có cả hai thế mạnh, an ninh và tiến bộ, chia nhau một hạnh phúc toàn vẹn, không phải chia nhau trái đắng như hôm nay ! Nếu không có cuộc chiến vào Nam thì bây giờ không phải vào nhà ai cũng thấy bằng “tổ quốc ghi công” và di ảnh một thanh niên mặt còn vương nét ngây thơ đến tội nghiệp !
Hà Nội xưa và nay
Hà Nội xưa trong ký ức tôi chỉ bắt đầu từ 1983, tạm gọi là buổi cực thịnh của bao cấp, 10 năm trước đổi mới. Không có hàng quán, có vài nhà hàng nhỏ bài trí sơ sài mà vào ăn không ăn gì được ngoài trứng chiên, bánh mì đem về Nam làm kỉ niệm vì cứng như đá. Làm bánh mì không có bột nổi, cứng như đá, chọi chó chết liền, làm sao mà ăn ! Khát khô cổ tìm một li nước đá lạnh không nơi nào có. Mỏi chân lên đại xích lô đi về, bác xích lô vui vẻ trong ngạc nhiên, nhưng bị nhiều ánh mắt nhìn hằn học, coi như “súc vật”, vì xe xích lô ngoài Hà Nội chỉ chở hàng hoá súc vật ! Người ngồi người đạp xe là “vô đạo đức, bóc lột, lười lao động”.
Không ai có khả năng quán tưởng để thấy mồ hôi và những đêm trực thức trắng mắt trong đồng tiền của tôi sao ? Tôi hỏi ở ngoài HN này lỡ tôi đổ bệnh, đau tim xỉu cần đi bệnh viện, không đi bằng xích lô thì đi bằng gì, làm sao chở đến bệnh viện? Taxi thì chưa có! Bác tài bảo hai người nhà gánh cái võng cho bệnh nằm hay cõng trên lưng mà chạy ! Trời đất, sao mà cấp cứu kịp !
Người mặc áo lính đầy đường, người mặc áo cộc quần thô hai màu nâu đen cùng khắp, chẳng thấy hoa trên đường phố. Văn Miếu, Chùa còn đó nhưng vắng vẻ đơn sơ không xứng với tầm hiệu quả xưa và là di sản văn hoá quan trọng hôm nay ! Chùa Môt Cột nhỏ nhưng có kiến trúc độc đáo dễ thương dễ gần gũi.
Tôi sai lầm khi mặc áo dài đi thăm Viện đối tác với miền Nam, lòng nghĩ đó là sự tươm tất cần thiết. Đang vui vì được các anh chị tiếp đãi thật chu đáo thì bị í ới nhí nhố sau lưng. Đáp trả lại bằng thái độ thản nhiên mặc kệ, không quay lại, coi như nói về ai không biết ! Nhóm người đường phố Hà Nội tăng cường độ nhạo báng, lớn tiếng nói rõ: kìa ..., tiểu tư sản Sàigòn kìa ! Tiểu tư sản có xấu không ? –Không biết nữa ! Hình như không ! Ngày xưa đi học, bạn nào gọi tên lớn tiếng kiểu “giật ngược” sau lưng, tôi không quay lại, vì cho là mất lịch sự ! Măc kệ ! Nghe làm gì thứ tư duy Pônpốt phá đường lội ruộng đó ! Mà nam giới miền Bắc hình như tỉ lệ thấp bé nhỏ con nhiều hơn trong Nam và hăng tiết như con dế lửa ! Tất cả những người tôi biết đều có hàm răng vào loại... cực xấu ! Đi chợ thấy bán buôn lèo tèo sản vật địa phương. Lạ nhất là con chó thui cạo trắng, nằm chỏng bốn cẳng trong thúng, trông hết hồn, nhưng im, không dám chê khen gì !
Hà Nội 2005 khác xưa, tức không còn khác gì Miền Nam 2005, cho nên tốc độ phát triển thay đổi nhanh hơn Sàigòn. Người dân Hà Nội có vẻ hài lòng với tốc độ này, trái với dân Sàigòn. Sàigòn rất ngậm ngùi sau ba mươi năm tuy ngang so với Hà Nội nhưng xuống dốc thảm thương, lùi lại sau thảm hại so với Bangkok, Hồng Kông, Singapore cùng tầm cỡ Sàigòn hồi xưa. Sàigòn nộp tiền về Hà Nội nghe nói không chính thức là 40 tỉ đô la trong 10 năm cho Hà Nội phát triển đấy Hà Nội ơi !
Vay vốn quốc tế chủ yếu cho Hà Nội còn trả thì cả nước trả đấy ! Đúng không, nếu không thì Hà Nội bạch hoá đi cho Sàigòn... bớt đau lòng ! Tôi mong là không nhưng e rằng là đúng. Tôi mơ hồ vì quốc hội chưa bao giờ là chỗ phân bổ ngân sách như các nước. Quốc hội không nắm thông tin ngân sách, nhưng tôi vẫn đang cố tìm chứng lí chính xác về con số.
Kiến trúc nhà riêng ở Hà Nội có khác một chút là nhà hay có chóp nhọn như kiến trúc Nga. Điều khác làm vui lòng là thức ăn. Hàng quán cũng đầy đường ngang ngõ hẻm như Sàigòn. Có hai món ăn ngon Hà Nội hơn hẳn trong Nam là phở và bánh cuốn, và ba chuyện quái đản, sửa thì cũng dễ thôi mà không sửa.
Ba chuyện quái đản là: Thứ nhất là in địa chỉ “khoan cắt bê tông” loạn xạ, ngang nhiên lên cả tường mới quét vôi đẹp đẽ, chứng tỏ óc phá hoại và thiếu văn hoá đến ngạc nhiên. Thứ hai là đi xe cực kì nguy hiểm cho mình cho người. Thứ ba là phát thanh cho cả nước bằng thứ tiếng Việt sai và thô sượng đến khó chịu ! Tất cả không sửa được cho mãi đến nay !
Ý thức về trật tự, tươm tất, nền tảng của văn minh chưa có hay đã bị làm hỏng mất rồi ! Chắc chắn là do một chánh quyền chỉ biết nói chánh trị mà dành cả việc làm cần người có trình độ chuyên sâu.
Ăn ngon hay không ở Hà Nội thì tùy món. Dĩ nhiên cơm canh chua cá kho không vừa miệng dân Sàigòn, không ngon. Người Hà Nội mê bánh tôm bờ Hồ Tây hay chả cá Lã vọng nhưng tôi ăn không thấy ngon. Làm gì so được với tôm lăn bột chiên hay tôm càng xanh kho tàu, tôm càng xanh nướng, bánh bèo, bánh mặn, bánh cống bánh xèo hủ tiếu Nam Vang Nam bộ ? Tôi “mê” phở gà Hà Nội ở đường Lê văn Hưu và bánh cuốn Hà Nội ở một quán nhỏ không tên quanh Hồ Gươm.
Không gian không mùi, với thức ăn VN đậm đà mùi vị là tiêu chuẩn cực khó của một nhà hàng ăn thức ăn VN. Cho nên vào hàng ăn Hà Nội Sàigòn phải ăn vội đi nhanh vì nồng nặc mùi pha trộn thập cẩm ! Quán ăn bình dân phải là quán ngoài trời mới hợp với thức ăn VN nồng nặc mùi và nhà bếp chưa có thói quen hút khói, dùng tô dĩa có nắp đậy. Nhà hàng nước ngoài phục vụ thức ăn VN phải có máy hút thay đổi không khí liên tục ! Tôi đã cùng các Bác sĩ Mĩ từ nơi họp San-Diego đi về hơn 300 cây số để ăn tối ở một quán ăn VN. Tôi khâm phục hai cô gái Sàigòn cực kì thông minh khi biết phục vụ thức ăn VN theo cung cách Mĩ.
Dịch vụ phục vụ cho thực khách ở Hà Nội vẫn còn “tiết kiệm” dùm khách hàng. Bù lại giá rẻ làm vui lòng khách đến, hài lòng khách đi so với khoản tiền phải bỏ ra !
Tôi nhờ bác Taxi dẫn tôi đi ăn một quán phở ngon nhưng tự phục vụ theo thời bao cấp và mời bác tài cùng ăn, chẳng tốn là bao ! Chê khen mà không so với giá là nói oan cho Hà Nội ! Khách miền Nam sẵn lòng chi trả dịch vụ không đông nên chưa có thay đổi rõ nét như ở khách sạn quốc tế ! Ở Hà Nội cả tuần tôi cũng vẫn chỉ ăn hai món đó cho thoả “tâm hồn ăn uống”, sáng sáng thì rán đón mua xôi đâu phộng của cô gái bán trên chiếc xe đạp, nếp hạt nhỏ dẻo, thật ngon. Tôi muốn cám ơn những người phụ nữ Hà Nội xưa đã lưu truyền giữ gìn tinh hoa cuộc sống nầy qua cơn “diệt chủng” kinh tế tư nhân.
Các cô gái Hà Nội nay số mặc váy tân tiến nhiều hơn Sàigòn. Chạy xe muốn quẹo đậu thì quẹo, đèn đỏ cứ chạy. Công An phạt thì cự cãi quyết liệt, sẵn sàng mất thì giờ với nhau. Sàigòn - Cần Thơ, thì khác, giả bộ khúm núm nháy mắt hai tay lén lén đưa tiền ! Đưa xong, chạy một đỡi chưởi toáng lên bằng ngôn ngữ ngoài hành tinh, tục tằn nhất !
Thử nói chuyện với Công An Hà Nội khi nghe khen Hồ Gươm đẹp, Hà Nội và con đường Thanh Niên thơ mộng, có hàng cây đại thụ Xà cừ thân to có u như tượng điêu khắc quá đẹp, múa rối nước dân gian chuyển thể kịch nhà hát hay quá, thì anh em vui lắm bắt chuyện ngay. Mới chê nhẹ tượng Lênin Mĩ thuật nhưng học thuyết gây hại hay nói Hà Nội hãy xem cách Thái lan làm nhà bảo tàng sáp thay vì Lăng Bác với xác tươi thì nhận ngay ánh mắt e dè lảng tránh không góp chuyện ! Chừng nào chánh trị mới hết là cấm kỵ ? Công An của một xã hội thế tục mà coi Ông HCM như giáo chủ thiên sứ Allah thì khó làm nhiệm vụ đời thường theo luật pháp.
Sài gòn nay cũng đã có "một thoáng Hà Nội" có mấy chổ bán phở Hà Nội bánh chưng, y chang Hà Nội, do người Hà Nội nấu nhưng với phong cách phục vụ và biến tấu Sàigòn là có đủ rau giá và cả lá chanh thái nhỏ ! Ăn phở gà thêm lòng gà, trứng non với lá chanh kiểu Hà Nội lại thêm giá, rau thơm, ngò gai là tuyệt nhất. Nhưng mà vẫn còn thiếu không khí se lạnh của mùa Thu Hà Nội làm tăng cái thú ăn đồ nóng !
Năm ngoái ăn đám cưới ở Cần Thơ có món gỏi làm với loại cải “tiến vua”, một sản vật hiếm chỉ cống cho vua ăn của xứ Huế vùng đất Thần Kinh của vua chúa xưa kia. Và mới hôm qua đi ăn đám cưới bất ngờ được ăn được món xôi đậu phộng gà nướng, món xôi đúng là thật ngon kiểu Hà Nội mà tôi vẫn mê, nay cũng đã có ở Cần Thơ. Tôi cảm thấy lòng mừng như một hiệp ước chánh trị thân hữu hay trao đổi văn hoá hai nước vừa được ký kết ! Tôi khen dân Cần Thơ cũng ra khỏi lũy tre làng, giỏi lên rồi !
Hà Nội 2005 vẫn còn mang chút di sản tâm hồn, không biết phục vụ tận tình yêu cầu phức tạp của khách do cuộc sống từng bị đơn giản hoá đó mà. Giống như người chỉ ngủ phản ngủ chiếu đã quen, nằm nệm êm lại thấy chao đảo không ngủ được ! Như trẻ con không dạy từ bé thì khó lòng khoanh tròn tay chào bậc cao niên !
Nhưng tôi khen Hà Nội là nay rất thân thiện với người miền Nam. Hơn thế nữa vì có óc hơi “bài ngoại” nên trong các chuyến đi du lịch, đã chăm sóc người VN lớn tuổi như tôi, dù là người miền Nam chu đáo hơn, dành chỗ tốt hơn so với mấy ông Tây ba lô. Anh em nói Tây ba lô hơi bị "bầy hầy". VN đã là khách du lịch thì du lịch va-li sang sang chứ không ba lô bụi bụi.
A, còn nữa, Sinh Càphê Sàigòn với cung cánh phục vụ du lịch ba lô và du lịch tầm trung cho người VN trong nước thành công tuyệt vời đã được chấp nhận tận Sapa hay ngoài hải đảo Cát Bà - Hạ Long. Tôi nói với Bác tài xế Taxi đưa tôi từ phi trường Nội Bài về khách sạn, là Hà Nội bây giờ chỉ khác hơn phương Nam là những hàng cây cổ thụ Xà cừ. Hà Nội khi nào đốn hết hàng cây đại thụ Xà cừ thì tôi chắc chẳng còn muốn ra !
Tôi thương Hà Nội với làng gốm Bát Tràng xưa, Hà Nội với làng lụa Hà Đông gợi nhớ thuở xa xưa với tiếng khung cửi lạ tai; nhưng làng gốm Bát Tràng cải tiến như hiện nay sẽ thua xa Cty gốm sứ Đồng Nai. Di sản và đổi mới công nghệ phải rành mạch ra chứ, làm nửa vời sẽ mất di sản để làm du lịch và không có luôn công nghệ tiên tiến ! Còn Văn Miếu Hà Nội xưa, đừng chế tác lại bằng xi măng mới toanh, mà phải phục chế bằng gỗ và bằng chất liệu nguyên, theo cách phục chế Tháp Chàm. Phải làm như phố cổ Hội An mới còn nét xưa chứ ? Hà Nội chưa biết làm đẹp mái nhà tranh nhà gỗ, với hoa cỏ ao bèo, đường làng, với điêu khắc gỗ, mà mê xi măng sắt thép chăng ?
Hà Nội đã thành là một góc tâm hồn tôi, đất nước tôi với những tình cảm và cả nỗi lo, nỗi tiếc như thế đó. Còn Sàigòn Cần Thơ từng là niềm thương nỗi nhớ quay quắt sau một tháng ở Thái Lan, dù cho nỗi buồn nhược tiểu suốt đời tôi và thế hệ con cái chắc chưa rửa sạch.
Thương ghét đành cam lòng chịu, tôi quyết cố làm sao để giới chức trách nhiệm phải làm trách nhiệm với dân. Phải tìm con đường tốt hơn cho đất nước. Dân phải có cơ hội phấn đấu học, có thể từng bước nuôi niềm tự hào thầm kín và giấc mơ hoà nhập như Ấn Độ đã làm, sau khi bỏ chánh trị Xã hội chủ nghĩa, bỏ nền kinh tế chỉ huy từng làm suy kiệt và mất hết tự tin. Ấn Độ đang làm kinh tế vệ tinh cho các nước và đã chạm được tay làm chủ công nghệ IT. Con đường tiến lên của Ấn Độ được coi là một trong các yêu tố làm phẳng thế giới !
***
Tôi bùi ngùi khi đặt tay lên bia mộ chí của Ba tôi và nghĩ về nước Mĩ đã bất ngờ trở thành đất nước ân nhân, nhân danh những gì Ba Mẹ tôi có được và do thời cuộc tôi không kịp làm, không thể làm cho Ba Mẹ tôi. Ba Mẹ tôi được hưởng dụng chăm sóc y tế chu đáo và sinh hoạt đầy đủ không còn gì đáng ước ao thêm. Anh em tôi trẻ, có làm việc, có đóng thuế, chuyện hưởng chánh sách là việc khác. Ba Mẹ tôi là người già nhập cư được đồng thuế của dân Mĩ cưu mang chăm sóc.
Quốc gia là VN, nhưng chốn quê nhà của tôi chính là nơi níu giữ tình cảm của tôi, là nơi có người thân tôi sinh sống, là nơi đi đâu rồi cũng muốn quay về! Ba Mẹ anh em tôi ở xa nửa vòng trái đất, và ai nói ở tuổi 60 người ta đâu cần tới Mẹ là sai. Cha mẹ lúc nào cũng chiếm trọng tâm trong tâm tư con người cho đến lúc lìa đời ! Chiến tranh, bất đồng chánh kiến đã để lại cho tôi hậu quả là tôi có đến hai chốn quê để muốn tìm về !
Thế giới của tôi là những con người tôi có thể chia sẻ tình cảm giao tế, là đồng môn đồng nghiệp trao đổi kiến thức nghề nghiệp, tác động qua lại với nhau, nuôi sống nhau, như Silicone Valley là thế giới của các nhà chuyên môn IT đủ các quốc tịch. Tôi chia sẻ đạo đức nghề nghiệp của mình qua trang Web của WMA (World Medical Association= Hội y học thế giới) hơn là ở quê nhà VN ! Cảm thức này khiến tôi đầy trăn trở ưu tư với câu hỏi: VN hội nhập là hội nhập gì?
Thế giới mở đã cho tôi hiểu rõ tình trạng đất nước, tự tình dân tộc đằm thắm hơn, ít định kiến xúc phạm va chạm, phán đoán chọn lựa mục tiêu cuộc sống tự tin hơn, dễ sẽ cởi bỏ các ngộ nhận về “vinh quang” trong chiến tranh và coi chánh trị là một khoa học quản trị quốc gia, khi biết cái mới tốt hơn thì thay đổi. Chủ thuyết chánh trị không phải là sấm truyền thiêng liêng bất biến.
Dân không bao giờ cũng đúng, cần giải thích chỉnh sửa, nhưng nhà nước tuyệt đối không được phép sai không được làm theo ý cá nhân phe nhóm. Phải bàn bạc mọi hướng lấy ý kiến toàn dân cũng không phải để không bao giờ sai mà để ít sai. Dù có biểu quyết của Quốc Hội nhưng chánh sách thất bại thì Tổng thống cũng phải chịu trách nhiệm. Cho nên sai thì xuống chứ không phải sai thì sửa.
Giá trị con người nay đã có cách nhìn khác, không dựa vào màu da sắc tộc, xứ giàu nước nghèo. Bill Gates nói là trong trận chiến mới ai nắm được số người có IQ cao sẽ thắng. Khoa học cho thấy không có dân tộc ưu việt mà có con người với IQ cao thấp khác nhau. Những người có IQ cao được sinh ra đâu đó khắp hoàn cầu trong mái tranh vách đất cũng như lâu đài hoàng cung. Người giỏi được sinh ra từ hang cùng ngõ hẹp đến đô thị tiên tiến nhất. Thế giới liên thông tạo cơ hội kiếm tìm săn lùng quy tập những con người này. CSVN có hiểu được tầm cao tư duy về IQ để có đối sách đào tạo tuyển chọn con người, hay là cứ bám vào độc quyền phe phái như hiện nay ?
Trần thị Hồng Sương
( 23.12.2006 )
Gửi ý kiến của bạn