BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73216)
(Xem: 62209)
(Xem: 39387)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Từ việc phụ nữ tham gia chánh trị đến tinh thần nhân đạo quốc tế

10 Tháng Mười Hai 200612:00 SA(Xem: 844)
Từ việc phụ nữ tham gia chánh trị đến tinh thần nhân đạo quốc tế
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Theo dòng thời sự ngổn ngang này, có một vài tin khiến phải nghĩ đến các vấn đề phụ nữ tham gia chánh trị, việc cùng gia đình nhưng có chánh kiến riêng, tinh thần nhân đạo quốc tế, Y đạo, Y đức và việc cần thiết phải vận động để VN sống và làm việc theo tư duy tiên tiến.



1- Luật sư Bùi Kim Thành tham gia làm luật sư cho đảng Dân chủ XXI. Bà có chồng là ông Hà Sỹ Quyến, làm việc tại cơ quan đất đai Quận 1, Đảng viên Cộng Sản, không bằng lòng việc làm của Bà. Hà Sỹ Quyến cùng Công An và các Bác sĩ đã giử Bà Thành ở Bệnh viện tâm thần Biên Hoà dù các bác sĩ Bệnh viện Chợ Quán đã khám và cho biết bà Thành bình thường.

2- Theo tin của thông tấn xã AFP ngày 27/1/2006, nhà cầm quyền quân nhân Miến Điện yêu cầu Uỷ ban Hồng Thập Tự Quốc Tế (ICRC) đóng cửa 5 văn phòng trên lãnh thổ Miến, đồng thời chấm dứt các hoạt động nhân đạo ở các khu vực xung đột của người thiểu số. Ngoài việc không được phép thăm viếng các tù nhân chính trị, trong vài tháng gần đây, hoạt động của ICRC còn bị giới hạn rất nhiều. Chương trình hỗ trợ dân sự của ICRC dành cho đồng bào sắc tộc thiểu số Karen các vùng biên giới bị nhà cầm quyền Miến Điện ngăn cấm triệt để. Sắc tộc này đòi tự trị, Human Rights Watch nói rằng chiến dịch tấn công kéo dài cả năm nay đã làm cho 27,000 người Karen phải bỏ nhà đi lánh nạn và làm thiệt mạng ít nhất 45 người.

Bệnh viện Tâm thần Biên Hoà VN giữ người bất đồng chánh kiến và chánh quyền quân nhân Miến Điện đuổi Hồng thập tự quốc tế của LHQ. Dễ nhận thấy cái nghèo vật chất nhưng khó nhận ra sự nghèo nàn tư tưởng, thấp kém tư duy cuộc sống. Một con người thiếu tư duy là cỗ máy cán, máy xúc hay sinh vật tầm thường với cuộc sinh tồn, tranh mồi ăn, đẻ ...

I. Phụ nữ và chánh trị

Xã hội VN đang ngổn ngang nguyện vọng về cuộc sống của dân, do người làm chánh trị nắm quyền lực lớn quên mất đó là một trách nhiệm nặng nề. Chánh trị đang bị biến thành thương trường, chia chác lợi nhuận của công chức đảng viên. Lãnh đạo chánh quyền là bước vào cơ hội tiếp cận sự mời gọi của cuộc sống đế vương, núi tiền kho báu. Khi không có lý tưởng, không có chế tài giám sát mạnh mẻ mà nắm gọn tất cả quyền lực, ngôn luận, luật pháp và quân đội vũ trang như đảng CSVN hiện nay đủ phương cách để bưng bít sự thật, thì mặc sức cho tham ô tung hoành, ăn chia kinh tế với các nhà đầu tư các thương gia giàu có.

Ông Nguyễn Đức Bình nhà lý luận học thuyết Mac-Lê, không đồng tình cho đảng viên làm kinh tế, nhưng việc mỗi quan đều bảo kê một vài doanh nghiệp sân sau còn tệ hại hơn. Ai kinh doanh mà không phải là sân sau của quan chức thì bị ép thuế đến dẹp tiệm... Tình trạng bè phái, tham ô, cạnh tranh vô nguyên tắc, vô đạo đức nhất đang diễn ra phổ biến đều khắp từ lớn nhất đến nhỏ nhất là mua gánh bán bưng. Dòng lưu chuyển của đồng tiền đang chứng minh cho sự bất công, tỉ lệ đầu tư vào giáo dục, chăm sóc con người chưa đáp ứng nhu cầu. Vinamilk VN đóng tiền cho Saddam Hussein 100 triệu đô la để có hợp đồng cung cấp sữa là một sự thật bị phía Mỹ vạch trần. Đảng CSVN chấp nhận cách làm ăn này của quốc doanh, thì ngược lại các công ty Nhật, Đại Hàn, Trung Quốc, Singapore cũng nhiều nguy cơ có làm như thế với VN cũng như đang làm việc mua chuộc này với Myanmar.

Nước Mỹ đã có quy định cho cả Tổng thống về việc nhận quà biếu .Có quy định hạn chế mức đóng góp cho Đảng tranh cử để tránh chuyện giới kinh doanh khống chế chánh trị. Ở VN hầu như chưa có một chủ tịch Tỉnh Quận Huyện xã nào biết nghĩ ra cách tạo ra việc làm cho dân. Trẻ chết sông, cơn bão tràn qua mới thấy dân không được chăm lo bão vệ ra sao. Lẽ ra việc này phải nằm trong đánh giá chính chứ không phải dựa vào độ dày tuổi đảng. Quan đảng thường chỉ chờ dân làm gì thì hạch hỏi, cần tiền là tăng thuế. Khi nhà đất là tài sản lớn thì mọi thứ khó khăn dồn vào việc hợp thức hoá nhà đất. Không thu thuế thì “xin” gà vịt, cá, cây trái... Đồng lời của nông dân, dân làm ăn có chăm chỉ cũng teo tóp đến xót xa !

Dân chúng từ thành thị đến nông thôn như sống trong trận chiến không cân sức với tham nhũng đều khắp và lúc nào phe chánh quyền cũng là phe thắng. Dân chạy dài đi lấy chồng nước ngoài như cơ hội xoá đói giảm nghèo. Đã cạn kiệt vì nuôi một bộ máy ba triệu đảng viên 3 triệu công chức không có lòng lành, quên béng trách nhiệm phục vụ dân! Điều này cũng giải thích việc Đảng CSVN không làm công việc cần làm là xây dựng tư tưởng triết học, tư duy, lý tưởng cho đảng và đảng viên mà lo nhúng tay trực tiếp quyết định kinh tế như nhập dây chuyền lạc hậu cho ngành mía đường thay vì đó là việc làm của các chuyên gia kinh tế và hiệp hội nghề nghiệp ngành mía đường.

Chánh trị bị cấm kỵ: không cho đa nguyên, không cho tự do báo chí để có giám sát, không phải vì sợ mất ổn định đâu, mà sợ mất ăn đấy. Chốn quan trường, không ai tranh làm, chỉ tranh ăn thôi. Tranh ăn mà có Công An giữ còi trọng tài, quân đội theo bảo vệ, thì dân chúng vô phương thoát khỏi đời nô lệ kinh tế !

Chánh trị là khoa học quản trị quốc gia, nhưng khía cạnh thu hút vào đó ở VN lại là mặt trái mafia tham nhũng đặc quyền của nó. Cải cách hành chánh mà chánh phủ chỉ kêu gọi, như năn nỉ làm ơn làm phước, thay vì kết tội cách chức. Sao không ra quy định cấp các loại giấy tờ như Sổ đỏ, Hộ chiếu, thẻ hồng qua bưu điện? Buộc dân cứ phải gặp “quan” trong phòng làm việc kín bưng, hay bê về nhà riêng để bị vòi vĩnh. Dân bị bỏ mặc, phải lê lết chốn công quyền chờ đợi các quan phơi phới họp, bàn, tiếp khách... Chống tham nhũng nước nào không trải qua, và người ta đã đấy ắp kinh nghiệm biện pháp, khó gì mà không học được cách làm! Vấn đề là Đảng CSVN chưa muốn làm, không dám làm, vì ai cũng sợ mất phiếu bầu trong đảng mà đảng thì tiêu cực đang có đa số áp đảo ! Chiếc bánh ngân sách cho dân bị cắt phần lớn làm ngân sách của đảng, bù lỗ cho kinh tế đảng, tài sản nhà nước biến thành của riêng của các quan.

Không khó hiểu khi hai vợ chồng Luật sư Bùi Kim Thành có hai chánh kiến khác nhau. Hai người chịu ảnh hưởng khác, thế trong ngoài khác nhau, góc tiếp cận xã hội khác nhau. Ở VN ai làm ngành nhà đất đều có nguy cơ nằm trong một băng tham nhũng. Ai làm luật sư đều bức xúc chuyện Luật pháp bị bẻ cong, hiến pháp bị biến thành lời nói khoác, miếng bánh vẽ. Ông Quyến, chồng bà Thành, chắc chắn sẽ là tai họa lớn. Bà đang “ngủ với kẻ thù“ đầy cạm bẫy, bất trắc trong từng bước chân, hơi thở. Trong hoàn cảnh này, Bà phải đảm lược, biết đề phòng và cởi bỏ ràng buộc trước, như nhà văn Dương Thu Hương từng làm. Sau cố gắng trao đổi thuyết phục thất bại Bà có quyền riêng tư, không cần nói với bất cứ ai khi không cần thiết. Nhà báo Trần Khải Thanh Thủy dù gian nan nhưng vẫn may mắn hạnh phúc đáng ao ước vì có người chồng chia sẻ quan điểm an ủi và bảo vệ cô, nhà văn Dương Thu Hương chia tay chồng, Luật sư Bùi Kim Thành bị chồng đưa vào bệnh viện Tâm thần ! Thế đấy, “Phía sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ đảm đang gánh vác”. Còn phía sau người phụ nữ thành công thường là người đàn ông luôn làm cho người phụ nữ đó đau lòng ! Đó là nhận xét xác đáng của nhà báo Trung Quốc ! Nếu mâu thuẫn gia đình và sự tàn độc xã hội liên kết lại, lợi dụng nhau, sẽ tước đoạt quyền sống và có thể là cả sinh mạng bà Thành nữa !

Người Sàigòn ơi ! Hãy nhân hậu, kiên cường, khôn ngoan, đừng làm xấu đi cuộc sống thanh bình trong đạo lý ngàn đời của đất phương Nam. Tôi mong là tôi đang nghĩ oan cho ông Quyến và các Bác sĩ bệnh viện Biên Hoà. Có khi nào bà được ngầm cứu giúp không ?

Có khi nào “đời vẫn đẹp sao”, như câu chuyện thần thoại, thời loạn ly của Trung Quốc sau đây không? Chuyện kể cô dâu mắng mẹ chồng trước vệ binh đỏ, nhưng để ngầm cứu Mẹ chồng. Mẹ chồng bệnh, không thấy người, nhưng thấy nồi gà hầm, quý như vàng thời đói, biết là của con dâu lén mang đến, ân tình đã khơi nguồn cảm xúc dâng trào và bà Mẹ đã ăn từng chén tình trong “ngàn giọt lệ rơi” !

II. Y đạo

Bác sĩ là nghề nghiệp đặc biệt vì chạm tay vào sinh mệnh là phần thiêng liêng quý giá nhất của cuộc sống vì vậy cần có đạo đức, có lời thề. Nghề này chịu sự giám sát chặt chẽ từng hành vi, nghề nghiệp có đến hai hệ thống quản lý giám sát: Luật pháp (Y luật) nhà nước quản lý và Hội đoàn nghề nghiệp giám sát, đạo đức khi tác nghiệp theo tiêu chí, tuyên ngôn về y đạo trong “nghĩa vụ luận”(Y đạo)

Hội y học theo dõi và kiến tạo cơ sở tư duy cho từng cách hành xử của Bác sĩ về tất cả vấn đề đảm bảo Y đạo hay còn gọi là đạo đức y khoa. Bác sĩ rất nhiều khi phải tác nghiệp trong một xã hội đa dạng, nhiều sắc dân, nhiều khuynh hướng chánh trị. Bác sĩ phải không có sự lựa chọn, không có mục đích nào khác hơn là điều trị đúng chuyên môn cho bệnh nhân hết bệnh .

Trong chiến tranh giữa hai nước, ở hai chiến tuyến, công dân cũng như người lính đều có tinh thần dân tộc, lý tưởng như nhau, nhưng vì quyền lợi đất nước đối nghịch nhau mà phải sát hại nhau. Người lính cũng phải tuân hành nghĩa vụ công dân chấp hành lệnh của hai chánh phủ thù địch. Việc đúng sai có khi chỉ có lịch sử, thời gian mới xác minh được. Trong khi thực hiện nhiệm vụ công dân, kẻ thương tích hay tù binh bại trận không hề có tội. Vì vậy đều phải được Bác sĩ cả hai bên cứu giúp. Hơn nữa, muốn kết tội phải qua xem xét của toà án, không thể thoạt nhìn mà biết đúng sai, cho nên một con người không có quyền phán xét người khác theo định kiến. Bác sĩ cũng vậy, làm sao làm được điều phán xét này chỉ qua các cuộc tiếp xúc? Khi được ai tin cậy thố lộ, thì -như Ông Cha nhà thờ- đâu có đạo lý nào cho phép đi tố giác con chiên xưng tội! Cần lắm thì khuyên bảo như các Bà Mẹ che giấu con phạm pháp, rồi từ từ mới khuyên bảo con, đưa con đi nhận tội.

Việc giam giữ người không có án, như Bộ Chánh trị Hà Nội giam Sĩ quan VNCH không được ra toà công khai trước công luận là làm chuyện đàn áp bất nhân. CSVN đã biến Hà Nội thành một quân trường, một thời chỉ sống chết bằng máu lửa chiến tranh, đo cao thấp bằng số công trận. Không biết sự thật, không biết đến những điều cao quý của cuộc sống. Bây giờ dân Miền Nam cần phải lên tiếng đòi lại các giá trị bị chôn vùi này cho đất nước và con người VN từ Nam ra Bắc, sống phải có lẽ sống, có lòng nhân, chứ không phải bằng lòng thú dữ tranh mồi như thế.

Hoạt động ngành y quan hệ đến sinh mạng con người trong mối quan hệ phức tạp đó, Bác sĩ còn phải có tư duy nghề nghiệp vượt khỏi tính dân tộc để mang tính nhân loại và phải gạt bỏ tất cả định kiến chánh trị xã hội. Đã có một tư duy chung cho Bác sĩ toàn thế giới theo tinh thần Hippocrates thiêng liêng. VN có ký kết gia nhập từ 1995 nhưng chưa có một hoạt động nào trong vấn đề Y đức Y đạo. Báo chí bức xúc nói đến nhưng không thể xuyên thủng vấn đề.

Năm 1990 sang Mỹ tôi đọc được bài viết ghi lại cuộc tranh luận của Hội Y học Mỹ về việc dùng thuốc tiêm truyền cho tử tội thay cho việc dùng ghế điện để thi hành án tử hình. Một số Bác sĩ đã nêu ý kiến: Khái niệm về nguyên tắc của ngành Y Dược là chỉ cứu sống người, không xử chết người. Nhiều bác sĩ từ chối tham gia thi hành án tử. Dùng thuốc và kiến thức y khoa để giết người, dù là tử tội có án, sẽ phá vỡ khái niệm nguyên tắc này, nhất là khi vấn đề tử hình còn đang được tranh cãi. Tâm thức về nghĩa vụ của Bác sĩ là dùng kỹ năng y khoa duy trì sự sống ,không chấm dứt sự sống. Chỉ mới thấy có Hà Lan cho phép Bác sĩ giúp bệnh nhân được chết theo ý muốn.

Tư duy nào làm nền cho việc xử tử hình? Có người nghĩ cố ý sát nhân phải đền mạng. Có người cho rằng con người sinh ra đời có quyền tồn tại. Phán xét của con người khác tối đa là chung thân chịu cách ly suốt đời với xã hội. Mỗi phán quyết thành án tiết đều có khả năng sai lầm. Có nhiều tử tội được minh oan sau khi kỹ thuật phân tích gen ra đời .

Nhiều bang của nước Mỹ và luật pháp một số nước đã bỏ án tử hình, theo cách nghĩ con người không có cách có phán quyết tuyệt đối đúng để có quyền dứt bỏ sự sống. Nhiều án tử hình chưa phải là phán quyết chính xác, không có được đồng tình. Thí dụ vụ Singapore xử tử hình Nguyễn Tường Vân, một thanh niên gốc Việt quốc tịch Úc mang ma túy qua cửa Hải quan, đã dấy lên lòng cảm thương trong cộng đồng và can thiệp của chánh phủ Úc nhưng không thành công. Nguyễn Tường Vân đã bị treo cổ ở Singapore giữa nỗi tiếc thương thay vì được di lý về Úc là nơi không có bản án tử hình cho tội danh tương đương. Bản án dành cho Tường Vân không được đồng tình vì Tường Vân được thuê mang vác nhỏ lẻ, cần tiền do bế tắc cuộc sống. Án tử hình phải dành cho nhóm tổ chức có mục đích làm giàu. Không thể dùng bản án để tạo ra thông điệp uy quyền Quốc gia.

Cần xử đúng tội chứ không phải là bản án có tăng nặng để làm gương răn đe người khác. Khoảng cách tư duy và biện pháp giáo dục công dân ở hai nước của thế giới khác nhau rất xa và sự tàn bạo thấp kém còn thuộc về tư duy Châu Á. Singapore một góc Châu Á được khen đã thành ”rồng” về kinh tế, nhưng óc “tôm cá” còn đậm nét trong tâm thức giới lãnh đạo Singapore, thể hiện trong việc cha truyền con nối như vua, đảng cầm quyền áp đảo, dù dưới chiêu bài tự do đa nguyên đa đảng Singapore cũng chỉ dân chủ tự do trá hình của một hoàng gia !

Trung quốc là thành viên World Medical Association (WMA) và VN gia nhập Hội viên Hội y học quốc tế này trong nhóm các nước Asian (MASEAN ) năm 1995. Tuy nhiên không có thông tin cập nhật về các tuyên bố thống nhất của WMA cho các Bác sĩ VN để xây dựng cách ứng xử cho từng lãnh vực sự kiện liên quan, mang tính thời sự và đạo đức nghề nghiệp.

Các hoạt động của WMA mang tính rất thời sự, thí dụ, tháng 5.2006 WMA yêu cầu Trung Quốc ngưng việc lấy nội tạng của tù nhân để thực hiện ghép nội tạng. WMA yêu cầu Hội Y học Trung quốc đảm bảo các Bác sĩ không tham gia. Năm 2004 sau khi phát hiện vụ ngược đãi ở nhà tù giam giữ tù nhân nghi là Al Queda, WMA gửi kháng thư đến Tổng thống Bush phản đối việc các bác sĩ tâm lý Mỹ tham gia tư vấn thiết kế phương pháp dùng kỹ năng y khoa khai thác thông tin từ tù nhân ở Iraq, Afghanistan, và Guantanamo Bay, gây ảnh hưởng xấu cho tâm lý, thần kinh tù nhân, trái với nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp quy định: “ Trị lành bệnh cho con người là mối quan tâm hàng đầu của Bác sĩ”. Về việc này, năm 2004, Hội y học quốc tế (WMA) ra tuyên bố: “Bác sĩ nào chỉ dẫn phương cách không đảm bảo sức khoẻ làm suy yếu thể chất và tinh thần của con người không theo đúng phương cách chữa trị là vô đạo đức”. (The WMA’s recent action affirms its policy that it is "unethical for physicians to give advice or perform procedures that are not justifiable for the patient’s health care or that weaken the physical or mental strength of a human being without therapeutic justification.")

Trong kỹ thuật ngành y đang sở hữu muốn có lời “nhận tội khống” để nhà nước dựa theo đó cớ kết tội triệt hạ thì khá dễ. Dùng thuốc gây ảo giác thì người bệnh không còn tự chủ, bảo gì làm nấy, như bị thôi miên. Tra tấn cũng là biện pháp đạt đến mục đích chứ không phải là có được sự thật. Cho nên xã hội tôn trọng quyền con người thì phải cấm hai biện pháp này.

Ở Cần Thơ có vụ án một người thuê và một thiếu niên làm mướn trong nhà. Thiếu niên đó đột nhiên biến mất, đồng thời phát hiện một xác tan rã không nhận diện được ở bờ kinh. Tù nhân bị tra tấn, đánh, ép nhận tội giết người. Quá sợ đòn ông này nhận tội, lãnh án chung thân. Cũng không loại trừ Công An Toà Án “ta" mang định kiến giai cấp với giới chủ ! Đó là xác một cháu bé, chết và được gia đình lén chôn vội trên đường chạy loạn Ponpốt. Đến khi người chủ đi làm ăn xa trở về, xem lại chứng cứ là xác vùi bờ kinh không phù hợp với tuổi người trốn chủ mà Công An tưởng là bị chủ giết chết. Thương đến trào nứơc mắt vì tù nhân này được thả ra vẫn quyết không chịu, cứ xin được ở yên trong tù, nhận mình giết thiếu niên thuê mướn đó vì quá sợ bị Công An đánh nữa !

VN có hội đoàn mang cùng tên làm thành viên WMA (Hội y học quốc tế) nhưng không có hoạt động nào theo tinh thần ký kết. Việc của Luật sư Bùi Kim Thành, gia đình bạn bè có thể gửi về WMA để xin tổ chức này gửi thư phản kháng việc làm của Bệnh viện tâm thần Biên Hoà và yêu cầu Hội Y dược VN làm nhiệm vụ thành viên. Các nước có nền chánh trị tốt đều có nhóm trí thức hàn lâm ở các Viện Trường Đại học, ở Hội đoàn nghề nghiệp, giám sát tầm cao tư duy của các quyết định của lãnh đạo và góp ý. Phải mang tâm thức nhân bản vào cuộc sống bởi vì, cần có sự cân bằng tâm sinh lý và thể chất .

Hồng thập tự quốc tế hoạt động trong khuôn khổ hai luật khác nhau nhưng bổ sung cho nhau là luật về tinh thần nhân đạo quốc tế và luật về nhân quyền ((International humanitarian law, International Human rights law). Khi có chiến tranh nhiệm vụ HTT cứu giúp binh sĩ thương vong của cả hai phía đối thủ của nhau. Hồng thập tự có nhiệm vụ bảo vệ sắc dân thiểu số không bị du vào tình trạng diệt chủng hay bị khai thác theo luật về nhân quyền. Hồng thập tự của LHQ bị chánh phủ Myanmar đuổi vì tầm tư duy của nhóm quân nhân lãnh đạo không tiêu hoá nổi tư duy dân chủ tự do nhân quyền.

Việc đảm bảo tù nhân chánh trị không bị ngược đãi như trại cải tạo của VN sau 1975 là nhiệm vụ của HTT. Myanmar đang từ chối cũng như VN từng từ chối sự giúp đỡ của HTT! Các chế độ độc tài độc đoán, mang tư duy hoang dại, sẽ coi nhân đạo nhân quyền là viên đá cản đường thế đó.

III. Lời thề đạo đức y khoa hay Lời thề Hippocrates

Giới Bác sĩ của hầu hết các nước đều có lời thề Hippocrates khi tốt nghiệp. Thứ Tư, 20/09/2006 Thạc sĩ LƯU TRỌNG TUẤN viết trên Tuổi trẻ Online là: Sinh viên y khoa ở bất cứ trường y nào trên thế giới cũng phải học lời thề Hippocrates.

Không biết Bác sĩ Tuấn có đọc quyển Y đức và đức sinh học của thầy Ngô Gia Hy và làm so sánh điều thiêng liêng ở hai lời thề của VN và Hippocrates không ? Lời thề Y khoa VN hiện nay đâu có dấu vết thiêng liêng của lời thề Hippocrates, mà là lời thề giống của binh sĩ dưới cờ đảng và nhiệm vụ với đất nước XHCN...! Trường Y Hà Nội được vinh danh Anh hùng các lực lượng vũ trang ! VN chỉ có luật hành nghề (y luật) và không có một dòng hướng dẫn về y đạo y đức của Hội Y Dược như WMA (Hội y học quốc tế) mà VN là thành viên.

Lời thề Hippocrates nguyên thủy có từ khoãng ba trăm năm trước công nguyên, đã được đổi mới dựa theo Tuyên ngôn Geneve... Lời thề Hippocrates nguyên thủy có nhiều điều khoản không còn thích hợp với các thành tựu khoa học nhưng các lời thề mới ở các nước vẫn còn gi ữ đủ tính thiêng liêng trong mối quan hệ con người-con người.

Trước 1975 Bác sĩ Sàigòn học môn Nghĩa vụ luận và khi trình luận án, nhận bằng Tiến sĩ y khoa quốc gia, đều làm lễ tuyên thệ làm theo lời thề Hippocrates. Buổi lễ không hoành tráng phô trương, giống một lễ hội dân gian như hiện nay, nhưng rất khiêm cung trang trọng, trước Thầy và đồng nghiệp.

Lời thề Hippocrates thiêng liêng ở bốn điểm chính:

1-Bác sĩ có mối quan tâm duy nhất là trị lành bệnh cho bệnh nhân

2- Giữ bí mật của bệnh nhân, không chú ý gì khác ngoài bệnh trạng. Bác sĩ không lợi dụng được tiếp cận bệnh nhân truy xét lùng sục người bệnh nhân tự nguyện tìm đến mình xin cứu giúp. Bác sĩ như cha xứ không tố giác con chiên tìm đến nhà thờ hay được mời đến nhà xưng tội.

3- Bác sĩ trước bệnh nhân cam kết gạt bỏ định kiến chánh trị như đảng phái, định kiến xã hội như tôn giáo, giai cấp, giàu nghèo... Trước mắt chỉ là người bệnh cần cứu giúp theo đúng yêu cầu chuyên môn.

4- Một lễ tri ân người hiến xác được tổ chức ở Nhà thờ, Chùa và Trường Y ngày 23 Tết, trước khi người sống vui Tết.

Đảm bảo mối quan hệ con người–con người tin cậy cứu giúp, kính trọng sinh mạng, theo tuyên ngôn Geneve, tư cách khiêm cung và tri ân. Bác sĩ chỉ có mối quan tâm duy nhất là sức khoẻ người bệnh. Vì có lời thề mà nhiều bác sĩ Đức đã tự tử khi chế độ phát xít Hitler buộc họ sử dụng người Do Thái như vật thí nghiệm. Nhiều bác sĩ Mỹ từ chối tham gia giết tử tội... Theo Hippocrates, vai trò của người thầy thuốc là phục hồi hoàn toàn sức khoẻ của cơ thể sinh vật. Bác sĩ không có nhiệm vụ nào khác.

Tôi có đọc Lời thể tốt nghiệp cuả Bác sĩ ở trường Y Dược Sàigòn. Đó là lời thề công dân. Tôi lạnh dài cột sống khi nghĩ phải chăng Đảng CSVN cay nghiệt nhẫn tâm muốn tồn tại bất chấp lý tưởng, sự sinh tồn của người khác và muốn khóc khi đọc trang Web của đạo Hồi, một đạo đang mang nhiều điều tiếng và phản cảm vì bạo lực khủng bố. Vậy mà, nhà nước Hồi giáo đó còn biết ra tư vấn cho Bác sĩ Hồi Giáo là trong chiến tranh, trước bệnh nhân phải chỉ là bệnh nhân với vết thương cần cứu giúp.

Không biết thực tế diễn ra thế nào ở các nước Hồi giáo, nhưng ở VN sự im lặng 30 năm của Hội Y dược VN về y đạo cùng những ký ức 30 năm làm tôi đau xót, thương cho người VN !

Có phê phán, năm 1954, Bác sĩ học từ Hà Nội theo chương trình Pháp hay từ Pháp đều có lời thề, đi theo kháng chiến, đã được ra lệnh: Lời thề Hippocrates là lời nói dối, hầu hết Bác sĩ đã tìm cách trốn chạy vào Nam vì bất đồng quan điểm đó. Một sai lầm chánh trị mà nửa thế kỷ không thể lay chuyển sao ? Bác sĩ VN miền Bắc phải biết phân biệt bạn thù theo ý đảng CSVN, phải tố giác truy xét bệnh nhân. Phải báo cho cơ sở an ninh gần nhất nếu phát hiện bệnh nhân có tư tưởng chống đối. Bác sĩ vào chiến trường phải học và bắn súng giỏi như Đặng Thuỳ Trâm, còn túi y cụ ít hơn, chỉ là kim tiêm và băng vải ? Thùy Trâm là liệt sĩ được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, như một người lính, chứ không phải trong tư cách là Bác sĩ. Trường Y Hà Nội cũng được vinh danh “Anh hùng các lực lượng vũ trang !” Không chê trách, không đòi hỏi Thùy Trâm phải biết điều không được học, khi sống sau bức màn sắt, bế môn toả cảng, nhưng đọc nhật ký Đặng Thùy Trâm tôi không yêu thích, có chăng là thương hại sự thiển cận, non trẻ, lầm lạc. Một Bác sĩ không thể quá đậm định kiến chánh trị. Cô quan tâm việc vào đảng nhiều hơn kỷ năng y khoa cứu giúp bệnh nhân, mong học cách giết kẻ thù của các chiến sĩ thiếu nhi ão được tôn vinh, nuôi lòng căm thù nhiều hơn là óc nhân văn nhân bản. Thùy Trâm không biết suy xét tính cách vô lý, tàn bạo của cuộc chiến, kêu gọi thương lượng, như sinh viên Y Dược Sàigòn chúng tôi.

Tôi vẫn khẳng định dù là phe thất bại nhưng Sàigòn vẫn là phe đúng xét trong tình dân tộc và là phe mang đến hoà bình thống nhất cùng tiến trình làm người có tâm thức cao ! Vũ khí vất bỏ, chiến tranh tan rã, nhưng còn lại là tinh thần trung thực đầy tính nhân văn. Những anh hùng thắng trận xem ra rất đau khổ, mà đau khổ nhất là các Bà mẹ VNAH ! “Sinh Bắc tự đi vào cửa tử ở miền Nam” và được dạy thù hận là số phận của một thế hệ Hà Nội. Mỹ không tấn công ra Bắc để quyết thắng cũng có lý do phải giữ “chính đạo” không xâm lược, chỉ chống đỡ, trước thế giới khác hơn quân miền Bắc tấn công vào phía Nam. Không nước nào lên tiếng khi Mỹ cấm vận VN.

Hà Nội từng là một quân trường toàn là lính, phải chấp hành quân lệnh, chứ không cần có tư duy cuộc sống. Chiếm Sàigòn đuổi bệnh nhân VNCH là việc đầu tiên và 1975 ở bệnh viện Cần Thơ Bác sĩ tát tai bệnh nhân là sĩ quan VNCH... Điều này rất xa lạ với Bác sĩ Sàigòn, gây cơn sốc phản cảm ở tôi vô cùng lớn ! Tôi không coi Bác sĩ đồng nghiệp miền Bắc từ chiến khu ra là đúng chuẩn Quốc tế để mang danh xưng Bác sĩ. Tôi tự học rất nhiều nhưng từ chối không học gì thêm từ nền học vấn thiếu hiệu quả để được nâng lương !

Ở Anh đã có nghĩa vụ luận mới ngoài việc đảm bảo toàn bộ tính thiêng liêng của Hippocrates trong mối quan hệ con người – con người giữa Bác sĩ và bệnh nhân, còn có tăng cường nhiều mục đảm bảo cao hơn cho quyền lợi bệnh nhân như quyền được chọn lựa được biết trước phương cách điều trị... Câu hỏi là: vì sao đã gia nhập tổ chức quốc tế WMA mà Hội Y Dược VN không thực hiện việc giám sát thực hiện các quyết định của WMA? Lời thề Hippocrates có chỉnh sửa theo thời gian và theo quốc gia và cả theo tình hình chiến tranh hay hoà bình. Phân tích, xây dựng thái độ ứng xử cho một bác sĩ liên quan đến từng vấn đề là việc phải làm thường xuyên ở các nước của một Hội đồng y khoa (General Medical Association ) như ở Anh Pháp.

Ở VN có Hội Y Dược nhưng không thể hay chưa có việc làm này, bởi rõ ràng theo đạo đức y khoa này, nhiều mục sẽ trái với ngành y tế VN và ngành an ninh về quan điểm, tư duy lẫn chuyên môn.

Về tư duy nếu cam kết với bệnh nhân định kiến chánh trị thì đảng CSVN không điều khiển được Bác sĩ, không dùng Bác sĩ cho mục đích bảo vệ đảng, giúp đảng CSVN khống chế con người bằng phương pháp y khoa , bệnh viện phải sẳn sàng thành nhà tù cho ai bất đồng chánh kiến. Bác sĩ thành Công An. Sẽ không Bác sĩ nào có lời thề Hoppocrates mà chịu giam giữ bệnh nhân không tâm thần trong Bệnh viện tâm thần. Về trách nhiệm Bác sĩ phải cập nhật kiến thức, điều trị cho bệnh nhân với kiến thức y khoa mới nhất thì giáo án giáo trình y khoa sẽ phá sản.

Một lần, khoảng năm 1988 tiếp một giáo sư Mỹ sang nói chuyện tôi phát hiện toàn bộ kiến thức sinh học của tôi học trong thập niên 70 ở Sàigòn đã lạc hậu, không còn giá trị vì thế giới đã chuyển sang khái niệm sinh học phân tử trong giai đoạn mà ngành sinh học phát triển vũ bão.

Vì không có ai, tôi phải làm thông dịch, nhưng sau 18 năm không tiếp cận tiến trình phát triển y dược, tôi thật không có đủ từ để dịch nổi bài nói chuyện với các khái niệm sinh học hoàn toàn mới mẻ. Tôi cố gắng học lại toàn bộ phần sinh học phân tử trên 500 trang để có thể hiểu tiếp theo cơ chế sinh học của bệnh ung thư theo quan điểm mới và cơ chế tác dụng của thuốc tia xạ v.v... Bà giáo sư nói, muốn có thay đổi thì phải loại bỏ hoàn toàn nội dung các bài giảng, bà dùng từ “Up side down“. Các khái niệm y khoa chồng chéo nhau và thay đổi một khái niệm sinh học thì thay đổi hàng loạt.

Tôi lạc hậu 18 năm, nhưng giáo trình Hà Nội mang về phương Nam còn lạc hậu tới nửa thế kỷ -50 năm. Bạn bè xúm lại chế tác thành chuyện cười ra nước mắt: Hoan hô, ngành y tế CSVN rất tốt, nhờ nó mà VN có nhiều “liệt sĩ “anh hùng chết trận. Nhờ vậy mà bệnh nhân và thầy thuốc gắn liền, Bệnh viện chật ních vì chữa hoài không khỏi bệnh, thuốc thì Xuyên Tâm Liên của XN Dược phẩm, mốc meo, đem xử lý bao đường lại nên phải chỉ định uống mỗi lần “một thúng” chưa thấy kết quả ! Bây giờ thì có khi đang đi vào cực điểm suy thoái, khi bệnh nhân không tâm thần, chữa trị để thành điên thật.

Tôi là “Dược sĩ quốc gia” của chế độ Sàigon VNCH và có học kỹ về nghĩa vụ luận Dược khoa. Một trong nghĩa vụ của ngành Dược là: “Không dùng chất độc hại người”. Lời thề rất đơn giản này với năm năm học về hiệu quả và tác hại của thuốc cùng biên giới mong manh của độc hại và hiệu nghiệm thì việc thực hiện không hề dễ dàng. Ai cũng bán thuốc được, nhưng quyết định này cực kỳ khó trước sự thôi miên của lợi nhuận! Lời thề này càng phải thành thiêng liêng ghi khắc trước khi được xã hội giao phó trách nhiệm chỉ có Dược phòng Dược sĩ mới quản lý mua bán thuốc độc có thể hại chết người. Sau 1975 đến giờ, thuốc độc bán tự do đầy chợ Kim Biên. Nền khoa học VN dưới sự lãnh đạo của CSVN quang vinh lại bệ rạc suy vong thế đó được sao ?

Năm 1993 với tâm sự ngổn ngang, không cam lòng nhìn đạo đức y khoa rơi xuống đáy vực, đang làm ở Sở y tế tôi xin về Hội Y Dược để mong xây dựng phần tâm thức này cho tương lai. Lúc đó không ai hiểu vì sao, vì cho mãi đến nay, môt cán bộ biên chế, qua làm hội đoàn là chỗ để cán bộ kém năng lực từ chánh quyền thải sang chờ hưu trí. Tôi nhất định sang thay vì về Xí nghiệp Dược phẩm làm chuyên môn, tôi sẽ vướng ngay lời thề hay là sẽ va chạm lớn. Có những việc lương tâm thiêng liêng, đối với tôi là không có thương lượng. Thuốc kém phẩm chất, thuốc hư vẫn bán. Chồng làm thuốc, vợ làm kiểm nghiệm “bảo kê”... thuốc mới qua truông chất lượng đi vào công chúng...

Tôi chọn làm ở bệnh viện và cùng một nhóm Dược sĩ làm dịch truyền cho bệnh nhân phẫu thuật. Khi tôi bệnh phải phẫu thuật, bệnh viện cũng chăm sóc tôi tốt và muốn mua dịch truyền nhập khẩu rất hiếm lúc đó để tôi dùng. Tôi đã nói với Ban giám đốc là tôi rất cám ơn, nhưng những gì tôi chịu làm là tôi đã khẳng định an toàn đủ để đem đến tốt lành cho bệnh nhân, không làm hại đến bệnh nhân. Tôi thấy không cần dịch truyền nhập .

Dịch truyền nhập khác hơn là tồn trữ được lâu, đáp ứng tiện nghi sử dụng. Với một sản phẩm đơn giản, chất lượng dịch truyền đang dùng trong bệnh viện do khoa Dược sản xuất kiểu pha chế dùng ngay (theo cách làm préparation magistrale của Pháp- Une préparation magistrale est une préparation médicamenteuse effectuée par le pharmacien ou le préparateur en pharmacie pour un patient précis...) là đủ an toàn.

Phần bất tiện cực nhọc thuộc về Dược sĩ phải làm hàng ngày, kiểm nghiệm hàng ngày, để dùng hàng ngày. Lương tâm một Dược sĩ không cho phép trao sản phẩm kém chất lượng cho bệnh nhân. Không thể làm ra thuốc, hô hào người khác xài, còn mình thì xài thuốc nhập. Thời đó lãnh đạo cấp cao VN bệnh đi nước ngoài Trung quốc, Liên Xô chữa trị nên đâu có lo gì cho ngành y tế VN !

Các Bác sĩ bệnh viện Chợ Quán làm đúng tinh thần Hippocrates. Nhưng bác sĩ bệnh viện tâm thần Biên Hoà thì có vẻ đã không như thế. Tại sao? Đó là do có sự đứt đoạn vênh lệch trong tâm thức người Việt, giữa hai luồng tư tưởng nhân văn và CNXH Mac-Lê. Hành xử của hai tính cách Bác sĩ đảng phái và không đảng phái có nguy cơ khác nhau một trời một vực.

Bác sĩ không đảng phái như thiên thần cứu giúp bất kể quốc tịch. Bác sĩ như người đi tu giữa đời thường, vô cảm trước lời mời gọi của tiền bạc, danh vọng và chức vụ huy chương ! Niềm quan tâm duy nhất là phục hồi hoàn toàn sức khoẻ cho người bệnh, ký thác sự sống chết thiêng liêng quý giá của họ trong tay mình .

Trước 1975 Tòa án quân sự chuyển bệnh nhân VC hay hình sự qua bệnh viện được Bác sĩ yêu cầu, có quyền canh giữ, nhưng không được còng vào giường. Bệnh nhân chánh trị có án nặng cũng từng được yêu cầu điều trị trong khu trại tâm thần có song sắt khóa. Nhưng Bác sĩ thường không đồng tình và bệnh nhân thường được nằm theo trại bệnh chuyên môn .

Tôi cảm thấy hổ thẹn vì lối hành xử của bác sĩ tâm thần Biên Hoà nên phải truy tìm tâm thức ngành y VN mà tôi là thành viên trong đó. Ngoài câu của ông Hồ "Thầy thuốc như Mẹ hiền" không còn dấu vết gì khác hương dẫn nào khác từ Hội Y dược và trường Y Hà Nội Sàigòn!

Trần Thị Hồng Sương
(10.12.2006)

Tài liệu đính kèm :

Thử truy cập trang Web về “Duties of a Doctor” sẽ thấy đầy dẫy tài liệu. Còn truy cập vào Web đại học Y Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh, Tổng hội y dược học VN đều không có một dòng về y đạo, y đức, nghĩa vụ luận ! Nói chung bác sĩ VN là người máy !

1. Lời thề Hippocrates nguyên thủy

Tôi xin thề trước thần chữa bệnh, trước thần y học, trước thần "Hygieia” và "Panacea" và trước sự chứng giám của tất cả các nam nữ thiên thần, là tôi sẽ đem hết sức lực và khả năng để làm trọn lời thề và lời cam kết sau đây:

Tôi sẽ coi các thầy học của tôi ngang hàng với các bậc thân sinh ra tôi.

Tôi sẽ chia sẻ với các vị đó của cải của tôi, và khi cần tôi sẽ đáp ứng những nhu cầu của các vị đó. Tôi sẽ coi con của thầy như anh em ruột thịt của tôi, và nếu họ muốn học nghề y thì tôi sẽ dạy cho họ không lấy tiền công mà cũng không giấu nghề.

Tôi sẽ truyền đạt cho họ những nguyên lý, những bài học truyền miệng và tất cả vốn hiểu biết của tôi cho các con tôi, các con của các thầy dạy tôi và cho tất cả các môn đệ cùng gắn bó bởi một lời cam kết và một lời thề đúng với Y luật mà không truyền cho một ai khác.

Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công. Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ; cũng như vậy, tôi cũng sẽ không trao cho bất cứ người phụ nữ nào những thuốc gây sẩy thai.

Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết.Tôi sẽ không thực hiện những phẫu thuật mở bàng quang mà dành công việc đó cho những người chuyên.

Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại nhất là tránh cám dỗ phụ nữ và thiếu niên tự do hay nô lệ.
Dù tôi có nhìn hoặc nghe thấy gì trong xã hội, trong và cả ngoài lúc hành nghề của tôi, tôi sẽ xin im lặng trước những điều không bao giờ cần để lộ ra và coi sự kín đáo trong trường hợp đó như một nghĩa vụ.

Nếu tôi làm trọn lời thề này và không có gì vi phạm tôi sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng và sẽ được hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người.
Nếu tôi vi phạm lời thề này hay tôi tự phản bội, thì tôi sẽ phải chịu một số phận khổ sở ngược lại.

Lời thề Hippocrates có chỉnh sửa theo thời gian và theo quốc gia và cả theo tình hình chiến tranh hay hoà bình. (

trích: The Hippocratic Oathtrong: Wikipedia)
2. Nghĩa vụ Bác sĩ để đảm bảo hành nghề tốt

Bệnh nhân cần phải có thể tin cậy Bác sĩ để giao phó sinh mệnh và sức khỏe . Muốn vậy Bác sĩ phải tỏ rõ lòng tôn trọng sinh mạng con người và phải:
• Lấy việc chữa lành cho bệnh nhân là mối quan tâm hàng đầu
• Bảo vệ và tăng cường sức khoẻ cho người bệnh và cộng đồng
• Cung cấp dịch vụ y khoa chất lượng cao
- Giữ cho kiến thức y khoa và kỹ thuật y khoa cập nhật
- Chú ý tự giới hạn hoạt động trong phạm vi năng lực của mình
- Làm việc với đồng nghiệp theo cách giúp phục vụ bệnh nhân tốt nhất
• Đối xử tôn trọng với bệnh nhân như là một cá nhân có phẩm giá
- Điều trị cho bệnh nhân ân cần và phù hợp
- Tôn trọng quyền bệnh nhân về bí mật nhân thân
• Hành xử bằng tinh thần hợp tác với bệnh nhân
- Nghe bệnh nhân và quan tâm tới nỗi lo và thông tin từ bệnh nhân
- Tư vấn cho bệnh nhân các thông tion cần thiết theo cách bệnh nhân có thể hiểu được
- Tôn trọng quyền của bệnh nhân chấp nhận hay không các quyết định điều trị hay kỹ thuật chăm sóc .
- Giúp bệnh nhân biết tự chăm sóc để tăng cường và bảo dưỡng sức khoẻ
• Lương thiện và cởi mở và hành xử chính trực
- Hành động nhanh chóng không được trì hoãn nếu có lý do rõ ràng đồng nghiệp đang đặt bệnh nhân vào nguy cơ
- Không bao giờ đối xử phân biệt bất công với bệnh nhân hay đồng nghiệp
- Không lạm dụng lòng tin của bệnh nhân hay công chúng về nghề nghiệp

Bác sĩ phải chịu trách nhiệm cá nhân về các quyết định kỳ thuật y khoa áp dụng và luôn luôn phải đảm bảo quyết định và hành động của mình chính xác.

trích: Good Medical Practice (2006)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn