BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73328)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nỗi buồn mang tên Giáo Dục Đào Tạo

07 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 891)
Nỗi buồn mang tên Giáo Dục Đào Tạo
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Tôi khóc than những chân trời không có người bay,
Lại than khóc những người bay không có chân trời
.
(Trần Dần)

Mạo muội viết những dòng chữ này trong tâm thế tự nhiên của người đã một lòng với sự nghiệp, tôi luôn giữ được bình tĩnh khi phải đối diện với những vấn nạn của ngành và nghề mình.

Tôi không hề bất ngờ trước việc Người Đương Thời Đỗ Việt Khoa, người được dư luận cả nước ủng hộ năm 2006, được Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tới nhà riêng thăm với bao quà cáp, sách vở và những lời chúc tốt đẹp… Vậy mà nay lại thành “Người Lỗi Thời”, lâm nạn đến mức phải xin bỏ nghề. Đây là một vụ vẫn còn tai tiếng, một cuộc chơi tay ba tiềm ẩn, quá nhiều những yếu tố bi hài giữa Sở - Bộ và Trường Vân Tảo.

Tôi cũng không hề ngạc nhiên trước việc mấy ông Hiệu trưởng liều mạng chữa 0 điểm thành 10 điểm, 9 điểm, 8 điểm. Chắc cũng chẳng hề vì những giá trị thanh cao nào, đang làm ì xèo dư luận đâu đó trong nội ngoại thành Hà Nội.

Tôi càng không thấy gì là bất ngờ khi ông Nguyễn Thiện Nhân rời “Ghế Nóng”, bất ngờ trở thành cựu Bộ Trưởng và cũng kịp để lại những dự án nhiều ngàn tỉ cho người kế nhiệm phải thực thi và có gì đâu mà không thể hiểu nổi khi quý ông kế nhiệm vừa tuyên bố sẽ “Không tạo dấu ấn cá nhân” về đề tài này! Mấy ai đã quên cuối năm 2007, ai nhân danh lãnh đạo Bộ đã để lại những dấu ấn cá nhân cực kỳ sâu đậm trong hàng loạt các Chỉ Thị ngăn cấm học sinh và sinh viên Việt Nam lúc đó bày tỏ thái độ yêu nước của mình bằng những cuộc biểu tình trước sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn nhằm phản đối kế hoạch Tam Sa của Trung Quốc, mưu toan thôn tính toàn bộ Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Là một người viết báo trưởng thành từ các hoạt động giáo dục, tôi làm sao có thể ơ hờ trước những gì rất đáng lo ngại đang diễn ra ở Trường Trung học Phổ thông Phạm Hồng Thái, Trung Tâm Giáo Dục Thương Xuyên Thanh Oai đặc biệt là vụ tai tiếng ở Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn Hà Nội nơi đã bộc lộ một cách chân xác nhất cái chân lý: “Nơi nào mà quyền năng chính thống bị tha hoá thì đó là mảnh đất màu mỡ nhất cho các loại cỏ dại mọc lên”.

Có thể nói bất ngờ lớn nhất đến với tôi là thái độ im lặng khó hiểu của lãnh đạo ngành trong “Vụ án Hà Giang”, một vụ bê bối chưa từng thấy trong lịch sử ngành Giáo Dục Đào Tạo nước Việt Nam. Nhân vât chính của vụ án này là Sầm Đức Xương, Hiệu trưởng một trường trung học ở Hà Giang, đã nhiều năm liền tổ chức trong trường một đội nữ sinh ở độ tuổi từ 13 đến 17 chuyên phục vụ tình dục cho mình và 16 vị chức sắc trong tỉnh. Sau gần hai năm vỡ lở sự vụ, sau cả hai lần án sự sơ thẩm 06/11/2009 và phúc thẩm 01/02/2010 đựơc tổ chức vội vàng chiếu lệ thì thật bất ngờ Luật sư đầy tài năng Trần Đình Triển đã làm cuộc lội ngược dòng đầy ngoạn mục khi ông chỉ ra điều phạm luật là 2 nữ sinh Nguyễn Thuý Hằng và Nguyễn Thị Thanh Thuý bị đưa lên giường lúc còn ở tuổi vị thành niên. Thế là lại một lần xí xoá để các chiến sĩ công an điều tra lại từ đầu.

Sau hơn một năm điều tra xét hỏi, dư luận lại bị té ngửa khi công an Hà Giang vừa trình làng kết luận lần 2 rằng: Không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự cho 16 vị quyền cao chức trọng tỉnh Hà Giang, 2 nữ sinh Hằng và Thuý vẫn bị khép tội bán dâm và môi giới bán dâm và vẫn đang ở trong vòng lao lý chờ ngày xét xử.

Là một thanh tra giáo dục, tôi thấy khép tội môi giới bán dâm cho hai cháu Hằng và Thuý là không ổn, vì không ai trưng ra được giao kèo giữa bên mua và bên bán. Chỉ thấy khi các quan có nhu cầu thì quan nháy máy gọi các cháu. Việc cho các cháu tiền nhiều hay ít là tuỳ hứng của các quan để các cháu trang trải tiền taxi, tiền điện thoại và tiền mua thuốc tránh thai.

Là người thầy nhiều năm tháng đứng trên bục giảng, tôi thấy các nữ sinh Hằng và Thuý là những con thỏ non ngây ngô, quá non dại và ngờ nghệch trước những những kẻ ma giáo lão luyện luôn rình rập các cháu. Trước những lắt léo, cạm bẫy của những bậc cha chú, thậm chí ở bậc ông nội ông ngoại, những kẻ rửng mỡ lại quá dư thừa tiền bạc và quá sung mãn về dục tình… thì dù các cháu này ở lớp, ở trường, trong khách sạn, lúc lên giường, thậm chí cả lúc phải ngồi trong tù các cháu luôn luôn là những nai vàng, thỏ ngọc đáng thương và rất cần được che chở.









Công An đang dẫn giải cháu Hằng và cháu Thuý ra toà

Hãy nghe những gì cháu Thuý đã nói với luật sư Trần Đình Triển:
Ngày mai thi thì hôm nay thầy Xương gọi cho cháu, ra lệnh cho cháu phải nghe lời và thực hiện lời chỉ dẫn của một người phụ nữ. Cháu bảo: Ngày mai thi rồi nên không đi được thì thầy Xương bảo: Nếu không đi thì kể cả học cũng không đậu, còn đi thi thì không học cũng đậu! Cháu buộc phải nghe, đến khách sạn để gặp người phụ nữ, chính là người lễ tân của khách sạn, cũng gặp anh Sáng - Phó Bí thư Huyện Đoàn Thanh niên Cộng sản Huyện Vị Xuyên Hà Giang người mà cháu biết rõ, vì cháu là cán bộ đoàn trường. Thấy cháu đến, anh Sáng bảo: Vào đi nhanh lên…!” (Tin tức tổng hợp từ các trang mạng).

Đó là những gì đã diễn ra trong khách sạn Hương Trà của Huyện Vị Xuyên. Mệnh lệnh “Vào đi nhanh lên!” là mệnh lệnh mà Phó Bí thư Huyện Đoàn Vị Xuyên dành cho cháu Thuý trước cửa phòng 102 của khách sạn này. Trong phòng lúc đó là “Quan phụ mẫu” Hà Giang đang nằm chờ. Vụ mây mưa đó quan đầu tỉnh mở ví cho cháu Thuý 500.000 VND.

Xung quanh vấn đề luật sư biện hộ cho các cháu, xin hãy nghe lời hai mẹ con cháu Thuý nói với nhau những ngày gần đây:

Cháu Thuý: Mẹ ơi ! Trong này (nhà tù) con khổ lắm!

Chị Thơm: Sao con lại từ chối luật sư?

Cháu Thuý: Mẹ không biết gì cả!

Vậy đấy. Tôi nghĩ rằng tội danh môi giới mãi dâm là dùng cho ai chứ sao lại khiên cưỡng khi dùng cho những “nai vàng ngơ ngác” như thế này.

Bình tĩnh một chút, ai cũng thấy cái không gian, cái phông để các cháu phạm tội là: đời sống học đường; những kì thi; những con điểm; thầy Hiệu Trưởng; cán bộ Huyện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; quan đầu tỉnh Hà Giang… chứ đâu có phải là một lầu xanh, một nhà thổ và ngôn ngữ đối thoại ở đây là ngôn ngữ của một học trò nữ với các bậc thầy và bậc chú bác… chứ đâu có phải là một cuộc mặc cả giữa một con điếm với một khách làng chơi mà lại bảo các cháu can tội môi giới bán dâm!

Câu chuyện đau buồn nảy sinh giữa một không gian sư phạm và người ta đang đối xử với các cháu Hằng và Thuý như đối xử với một Má Mì, một Lý Sư Sư, một Lý Ma Ma, một Tú Bà… chẳng lẽ điều đó không để lại trong lòng các quý vị lãnh đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo một nỗi xót xa nào!

Khi các cháu bị các “bề trên” biến thành những nô lệ tình dục, các cháu đang là biên chế học sinh của ngành Giáo dục – Đào tạo. Dù các cháu này có phạm tội gì đi nữa thì các cháu vẫn đang là đối tượng của Giáo dục – Đào tạo. Sẽ không có gì là bất thường nếu cha mẹ của cháu Hằng và cháu Thuý sẽ khởi kiện ngành “Giáo dục đã Đào tạo” con họ trở thành những kẻ nô lệ tình dục như những gì đã xảy ra. Chưa kể chính các cháu cũng là nạn nhân của thầy Hiệu trưởng và các quan. Chẳng lẽ những hiện thực đó không để lại trong lòng quý vị một cảm khái gì na ná như là sự nhẫn tâm, sự vô trách nhiệm?

Tôi nghĩ rằng không ai có thể bình thản được khi vụ án này đang có dấu hiệu bị làm méo mó. Không ai có thể yên tâm được khi thấy Công an Hà Giang vừa công bố kết luận điều tra lần thứ 2 về vụ án này rằng: “Không đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự” 16 vị quyền cao chức trọng của tỉnh Hà Giang trong “Danh Sách Đen” vương vào vụ án đặc biệt xấu hổ này.

Quý vị nghĩ gì khi 16 vị “tai to mặt lớn” của Hà Giang được chứng minh là vô tội?! Vậy thì phải khép tội các nữ sinh này là tội vu khống chứ. Đã không đủ chứng cứ để khép tội 16 quan thì sao lại dớ dẩn lèo thêm vào kết luận rằng: “Công An Tỉnh Hà Giang đã có công văn kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý các đối tượng trên theo quy định!”.

Thử hỏi ngành Giáo dục – Đào tạo với tiêu chí “Tiên Học Lễ - Hậu Học Văn”, với những cuộc vận động rình rang “Nề Nếp – Kỷ Cương – Tình thương – Trách Nhiệm” là “Hai Không” với bốn nội dung… chẳng lẽ lại vô sự trong vụ bê bối này!

Tôi tán thành lời chia sẻ của một nữ thanh tra viên rất xinh đẹp của Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội: “Sâu cành nào thì cắt cành đó!”. Tôi lại hỏi: “Thế lỡ cái cây đó đã sâu từ gốc rễ lên đến ngọn rồi thì làm thế nào?”. Người bạn đó im lặng và câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Xin dành cho tất cả những ai còn quan tâm đến Giáo dục – Đào tạo.

Tôi nghĩ rằng đằng sau một bậc hiền nhân quân tử hay đằng sau một kẻ tiểu nhân đê hèn; đằng sau một vĩ nhân được mọi người kính trọng hay đằng sau một kẻ đê tiện bị mọi người khinh bỉ; đằng sau một ông “quan lớn” đi mua dâm hay đằng sau một kẻ nô lệ của tình dục phải đi bán dâm.v.v. luôn thấp thoáng bóng dáng của những thầy / cô giáo, những người đã tạo ra nền tảng văn hoá cho họ và như vậy thì những tội nhân trong đời có tuổi đời càng trẻ, trách nhiệm của nhà trường, của những thầy / cô giáo càng nặng nề hơn.

Qua vụ bê bối Hà Giang này, có thể đưa ra một kết luận: “Nền Giáo dục – Đào tạo hiện nay không giúp học trò của chúng ta tự bảo vệ được mình trước giông bão cuộc đời. Đây là một thất bại cay đắng của ngành nghề luôn được tôn vinh là cao quý”.

Tôi viết những dòng này khi những tờ lịch cuối cùng của năm Canh Dần đang rơi rụng. Bất chấp những tiếng la ó, phản đối của rất nhiều người trong và ngoài nước, cháu Hằng và cháu Thuý trong vụ án này vẫn tiếp tục bị giam giữ trong những trại tù. Những nữ sinh này có thực sự là những hiểm hoạ cho chế độ cần phải cách ly khỏi gia đình, nhà trường và xã hội một cách quyết liệt như thế không? Tôi nghĩ: KHÔNG !

Trong một thế giới đang sôi sục những lọc lừa và loạn chuẩn, người đời thường thấy trước những "Bữa Tiệc Chia Chác”. Để đạt được những toan tính, các Chú, các Bác, các Chính Trị Gia, các Thầy Cô, các "ĐỒNG CHÍ ĐÃ LỘ và CHƯA LỘ" cứ thản nhiên ném rác, bôi đồ bẩn thỉu vào mặt nhau; cứ đạp lên lưng nhau, cứ lừa nhau, cài nhau, bẫy nhau; thậm chí cứ giết nhau rồi lại bắt tay nhau, ôm hôn nhau một cách vừa thớ lợ vừa dối trá;... nhưng có nên mang cách hành xử rừng rú như thế vận dụng cho những nữ sinh còn đang ở tuổi nụ, tuổi hoa như những cháu Hằng, cháu Thuý trong vụ án Giáo Dục đặc biệt xấu hổ này không? Theo tôi, câu trả lời dứt khoát là: KHÔNG BAO GIỜ .

Thái độ vị tha và lòng nhân ái luôn là cần thiết, là cứu rỗi cho con người nhất là những con người của ngày mai đang ở độ tuổi như cháu Hằng, cháu Thúy cùng biết bao những thân phận bọt bèo đang chới với giữa dòng đời ô trọc và đầy bất trắc này.

Nguyễn Thượng Long
05/1/2011
Ngày lên xe hoa của Ngọc Linh, con gái út của tôi.

Theo Thông Luận
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn