BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73354)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đồng hành cùng Dân tộc?

07 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 923)
Đồng hành cùng Dân tộc?
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Thời gian gần đây, mỗi khi nhắc đến mối quan hệ giữa Công giáo với chính quyền, nhà nước VN cũng như các chức sắc trong GHCGVN luôn lấy “Thư chung 1980” của HĐGMVN để làm “Kim chỉ nam” cho định hướng của Giáo hội. Trong đó được nhắc đến nhiều nhất là “Sống tốt đời đẹp đạo” hoặc “Giáo hội Công giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc”.



Bài phát biểu của ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng VN tại La Vang chiều ngày 5/1/2010 vẫn là nhà nước Việt Nam đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, đã giao15 ha đất cho La Vang làm Trung tâm hành hương, là các GM, linh mục, tu sĩ Việt Nam dạy dỗ các giáo dân sống “tốt đời đẹp đạo”, là “giáo dân tốt cũng là công dân tốt” và “đồng hành cùng dân tộc”.

Trong lời phát biểu chào mừng, TGM Phê rô Nguyễn Văn Nhơn – Chủ tịch HĐGMVN cũng không quên nhắc lại GHCGVN luôn “Đồng hành cùng dân tộc”.

 

Đồng hành?

 

Đồng hành, theo nghĩa thông thường nhất, dễ hiểu nhất hoàn toàn không “mầu nhiệm” chút nào thì đó là “Cùng đi” – ai cũng hiểu đơn giản như vậy.

Vậy khi nói rằng GHCGVN phải “đồng hành cùng dân tộc” có nghĩa là GHCGVN được xác định và kêu gọi hãy “cùng đi với dân tộc”.

Khi kêu gọi cùng đi, tức là chính nhà nước Việt Nam đã xác định giáo dân Việt Nam, Giáo hội Việt Nam là một chủ thể khác, độc lập với dân tộc này đang có một con đường khác, nay kêu gọi hãy cùng đi một đường với dân tộc Việt Nam.

Nói như vậy cũng có nghĩa là Giáo hội CGVN đang đứng ngoài dân tộc Việt Nam và các quan chức nhà nước cũng như các đấng bậc trong GH luôn hô hào Giáo hội công giáo hãy “đồng hành” cùng dân tộc, đừng đi lạc hướng với dân tộc này?

Như vậy, nếu không được định hướng theo “Thư chung 1980 của HHĐGMVN” như nhà nước nhắc nhở, khuyến khích và HĐGMVN không nhiều lần khẳng định và tái khẳng định, thì GHCGVN đã đi lệch ra ngoài hoặc đi ngược lại con đường của dân tộc chăng?

Xin thưa là hoàn toàn không phải như vậy. Đó là một quan niệm hết sức sai lầm do sự phân biệt và tự phân biệt của cả nhà nước và một số đấng bậc trong Giáo hội Công giáo.

Trước đây và cho đến hiện nay, Giáo hội Công giáo Việt Nam được sinh và lớn lên trên mảnh đất này, đất nước này. Vì thế Giáo hội Công giáo Việt Nam luôn là một bộ phận về mọi mặt con người, văn hóa, lịch sử đời sống… hoàn toàn không tách biệt và không có thể tách biệt với dân tộc này, đất nước này.

Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng mỗi bước đi và sứ mệnh của dân tộc này, đất nước này dù kiêu hùng, thắng lợi hay đau thương… luôn có sự đóng góp và chịu đựng của những người công giáo nói riêng và Giáo hội Công giáo nói chung.

Và vì thế, không thể phân biệt đối xử với giáo dân và Giáo hội Công giáo như một chủ thể tách biệt khỏi đất nước và dân tộc này bằng cách kêu gọi họ “đồng hành cùng dân tộc” như quan chức nhà nước đã từng gọi và chính HĐGMVN đã mặc nhiên thừa nhận.

Chính ĐGH Benedicto XVI đã nói rằng: “Giáo hội không làm chính trị, nhưng không đứng bên lề xã hội”. Người công giáo Việt Nam đã hành động đúng như vậy trong quá trình lịch sử đã qua.

Đồng hành như thế nào

Ngay từ khi xa xưa, khi những bước chân truyền giáo đầu tiên của các tu sĩ, các nhà truyền giáo phương Tây xa xôi mang ánh sáng Tin Mừng (Không phải là “Tin vui” như ông Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu chiều 5/1/2010 tại La Vang) đến mảnh đất Việt Nam này, họ đã cùng ăn, cùng ở và cùng với người dân Việt trên con đường xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc để đất nước được cường thịnh và lớn mạnh.

Con đường tiến bộ của nhân loại là con đường không ai có thể phủ nhận được, đi theo hướng đó là đưa dân tộc, đất nước đi lên đúng theo quy luật tự nhiên và xã hội loài người. Dân tộc Việt Nam, dù với bất cứ chính thể và hình thái xã hội nào thì đó vẫn là con đường duy nhất đúng đắn và phù hợp quy luật phát triển của nhân loại.

Vì vậy, một tổ chức xã hội, cá nhân hoặc một tôn giáo nào đưa đất nước đi theo hướng đó, thì chính họ đã đưa dân tộc đi lên theo đúng hướng văn minh, tiến bộ như hầu hết các dân tộc khác đang hướng tới.

Vậy giáo dân và giáo hội Công giáo Việt Nam thì sao.

Những ký tự latinh đầu tiên đặt nền móng cho chữ quốc ngữ sau này là một minh chứng hùng hồn cho thấy Giáo hội Công giáo Việt Nam trong công cuộc phúc âm hóa mảnh đất này trước hết là vì mỗi người dân Việt Nam, sau đó là đất nước và dân tộc Việt Nam được cường thịnh, văn minh bước kịp thế giới.

Nhiều nhân vật trí thức công giáo, đồng bào công giáo với tỷ lệ gần 1/10 dân số Việt Nam qua các thời kỳ đã đóng góp sức lực, xương máu, trí tuệ để đất nước này có được sự toàn vẹn và mạnh mẽ trước các thế lực xâm lấn, cùng chịu những đau khổ, những vật lộn với các khó khăn bởi thiên tai và địch họa.

Nền văn minh Kito giáo mang lại cho dân tộc Việt Nam này từ con người, văn hóa, khoa học kỹ thuật, thế giới quan… đã thực chất góp phần quan trọng để đưa đất nước này, dân tộc này tiến những bước tiến dài kịp với trào lưu và quy luật phát triển đi lên của các dân tộc và đất nước khác trên toàn thế giới.

Người công giáo Việt Nam cũng chính là những nạn nhân của chiến tranh xâm lấn, đói nghèo, đau khổ bởi chiến tranh tương tàn, bởi cả những chính sách sai lầm và đi ngược lại xu thế tiến bộ, phản quy luật của nhân loại mà toàn thể nhân dân Việt Nam phải gánh chịu. Họ không được bất cứ sự miễn trừ nào.

Trong cuộc chiến tranh chống Pháp trước đây mà nhiều cán bộ tuyên truyền rằng người công giáo là một mối đe dọa, thậm chí còn cho rằng người công giáo đã từng “đồng hành” với đế quốc, thực dân để đô hộ dân tộc, đất nước này bởi đạo Công giáo được các thế lực đế quốc mang đến VN dùng làm công cụ cho các cuộc chiến tranh xâm lược… Đó là sự bịa đặt và dối trá.

Trước khi có những bước chân xâm lược của Thực dân Pháp vào mảnh đất Việt Nam, thì đạo Công giáo đã có lịch sử hàng trăm năm tồn tại và phát triển. Con đường truyền giáo muôn ngàn nẻo nhiều khi khó khăn, đau đớn nhưng là con đường đem Tin Mừng đến với các dân tộc mà không cần cuộc chiến tranh xâm lược bạo lực nào.

Ngay từ khi được gieo trồng trên mảnh đất Việt Nam này, người tín hữu Việt Nam đã chấp nhận sự lựa chọn của mình và trả giá cho Niềm Tin đó bằng chính mạng sống của nhiều con người.

Và qua các triều đại phong kiến tham tàn, bạo ngược, người dân Việt Nam được coi là tầng lớp bị trị thì người công giáo Việt Nam còn là nạn nhân nặng nề hơn.

Rồi khi tư tưởng Cộng sản lây lan đến đất nước Việt Nam, đưa đến cho dân tộc này một hệ tư tưởng vô thần, bạo lực, đấu tranh giai cấp… nhiều khi đã làm băng hoại những giá trị truyền thống của nền văn hóa lâu đời ngàn năm văn hiến đã được xây đắp nên, triệt tiêu quyền cơ bản nhất của con người là quyền sở hữu tư nhân và những quyền tự do cá nhân tối thiếu… thì những người công giáo Việt Nam đã cùng chịu với dân tộc này tai họa đó, thậm chí còn nặng nề hơn gấp bội.

Ngay cả trong thời đại ngày nay, khi cả dân tộc Việt Nam đang đứng trước hiểm họa Bắc Triều xuất phát từ não trạng thần phục và nô lệ của một nhóm người, thì 1/10 dân số Việt Nam cũng đang là nạn nhân, chịu đựng những mối hiểm họa này mà không thể đứng ngoài.

Vậy có chỗ nào, khi nào Giáo hội Công giáo Việt Nam đã tách rời hoặc đi ngược lại con đường của dân tộc hay chưa? Tại sao phải luôn luôn kêu gọi “đồng hành”?

Thực tế là chưa, có chăng chỉ vì tư tưởng vô thần không chấp nhận tôn giáo tồn tại khách quan nên mới có những vấn đề phân biệt được đặt ra nhằm đối phó, tiêu diệt tôn giáo trong quá trình gọi là “Cách mạng vô sản”. Cụ thể là cuộc “cách mạng về tư tưởng văn hóa” trực tiếp đánh vào tôn giáo và chính những tư tưởng này đã làm nẩy sinh ra sự phân biệt tôn giáo. Việc muốn tách Giáo hội Công giáo như một bộ phận đứng ngoài dân tộc này, đất nước này là sản phẩm của sự hoang tưởng đó.

Có chăng cũng như hàng chục triệu người dân trong đất nước, dân tộc Việt Nam không chấp nhận những tư tưởng, hành động nô lệ, bán nước và phản quy luật tiến bộ đưa đất nước, dân tộc này tới chỗ lầm than như não trạng nô lệ, tham nhũng, bất công, dối trá… thì người Công giáo Việt Nam cũng đã cất lên tiếng nói, thể hiện việc làm của mình để chống lại những sự phản động đó.

Đánh tráo khái niệm và mục đích của việc đánh tráo

 

Sở dĩ người cộng sản luôn kêu gọi Giáo hội “đồng hành với dân tộc” để đưa Giáo hội Công giáo đi theo định hướng của đảng cộng sản chỉ đơn giản là vì đã có một sự đánh tráo khái niệm ở đây.

Chuyện đánh tráo khái niệm về ngôn ngữ là chuyện thường xảy ra trong lòng chế độ cộng sản, miễn đạt được mục đích cuối cùng của họ đặt ra, mặc cho ngôn ngữ tha hóa, xã hội suy đồi.

Hẳn chúng ta còn nhớ khái niệm “quản lý” và “sở hữu” đã được nhà nước sử dụng như thế nào khi chiếm đất đai tôn giáo.

Ở đây, những người cộng sản qua bao năm tuyên truyền nhồi sọ để đồng hóa khái niệm “Dân tộc” “Đất nước” chính là “Đảng cộng sản”.

Trong khi thực tế những khái niệm này hòan toàn khác biệt.

Theo đúng chủ Nghĩa Mác – Lê Nin mà tôi đã từng được học thì “Khi lợi ích của phong trào cộng sản có xung đột với lợi ích của dân tộc, thì phải hi sinh lợi ích dân tộc cho lợi ích của phong trào cộng sản quốc tế”.

 

Như vậy, con đường “dân tộc” chỉ là bước ban đầu để đưa Chủ nghĩa Cộng sản với những ảo tưởng vô vọng và phi lý áp đặt trên toàn thế giới. Một khi đã vì những mục đích “cao cả” của Chủ nghĩa Cộng sản thế giới, thì lợi ích dân tộc chẳng có mấy ý nghĩa.

Trước sự sụp đổ không thể cưỡng lại của cái gọi là “Hệ thống xã hội Chủ nghĩa” trên toàn thế giới, những người Cộng sản Việt Nam lâm vào trình trạng khủng hoảng về tư tưởng, lý luận… và khi đó họ bám vào ý thức dân tộc của nhân dân Việt Nam để tồn tại.

Và vì vậy chuyện họ cố tình đánh tráo, đồng hóa khái niệm Dân tộc chính là Đảng CSVN, đất nước chính là “Chủ nghĩa xã hội”… là phương tiện họ cần có. Họ đã cố tình tô vẽ để Đảng CS trở thành biểu tượng là “đạo đức, là văn minh” là “Do dân, vì dân”… nhằm tìm vị trí để tồn tại càng lâu càng tốt.

Chính vì vậy, bất cứ ai khi có những bất đồng với Đảng, có hành động chống đối hoặc bất tuân phục Đảng, lập tức được gán ghép và tội “Chống lại đất nước, dân tộc”, thậm chí còn “Chống lại nhân dân”…

Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định Việt Nam là đất nước chưa phát triển, là một đất nước nghèo. Vì vậy đời sống người dân lao động, nhất là nông dân chiếm hơn 90% dân số đang sống cuộc sống khó khăn, nghèo khổ, chính Giáo hội Công giáo Việt Nam đã là nơi xoa dịu cho họ những bất hạnh, những đau đớn về thể xác và tinh thần. Đó phải chăng là đang “đứng ngoài dân tộc”?

Ví dụ gần đây nhất, khi chủ trương khai thác Bauxite ở Tây Nguyên được ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố là “Đây là chủ trương lớn của Đảng có phản đối vẫn làm” thì người ta mới rõ ràng hơn. Như vậy đây đâu phải là công việc của nhân dân, ý muốn của Dân tộc? Vì vậy hàng vạn người đã tham gia ký tên, phản đối dự án này từ cán bộ cao nhất đến người dân thấp nhất có những lo lắng cho tiền đồ dân tộc, tương lai đất nước… Nhưng, chưa thấy bất cứ một chi bộ đảng, tổ chức nào của đảng nêu ý kiến phản đối dự án có hại cho đất nước, dân tộc này.

Trong khi đó ngay trong GHCGVN, Đức Cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy Ban Công Lý – Hòa Bình đã cùng với hàng chục linh mục, hàng ngàn giáo dân Công giáo ký tên phản đối cách mạnh mẽ, dứt khoát dự án này.

Đó chẳng phải là GHCGVN dù là một tổ chức tinh thần, tôn giáo đã, đang là một bộ phận của Dân tộc, đất nước này và đang day dứt với vận mệnh dân tộc đó sao? Và chính Đảng cộng sản Việt Nam, một tổ chức cầm quyền thực sự trên tính mạng, tài sản của người dân, của dân tộc đang tách mình ra khỏi những nguyện vọng của nhân dân, những chính sách việc làm của đảng có thực sự là nguyện vọng của nhân dân?

Một ví dụ xa hơn, là khi Trung Cộng đang bắt bớ ngư dân trên biển, ngang nhiên cấm người Việt đánh cá trong vùng biển Việt Nam, ngang ngược tuyên bố Trường Sa, Hoàng Sa là của chúng… hàng hàng, lớp lớp các tầng lớp nhân dân Việt Nam đã biểu tình phản đối thì lực lượng công an của Đảng bắt bớ, giải tán. Trong khi đó, Câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình, một tổ chức của giới Công giáo đã tổ chức hội thảo về Trường Sa, Hoàng Sa.

Vậy, ai đã “Đồng hành cùng dân tộc” và ai đã không “Đồng hành”?

Thực tế đã trả lời câu hỏi: “Ai mới cần phải đồng hành cùng dân tộc”?

Cần định nghĩa rõ ràng và có thái độ dứt khoát

 

Những lời kêu gọi “Đồng hành cùng dân tộc” của quan chức nhà nước và ngay cả HĐGMVN trong thời gian qua, như phân tích ở trên đây thực chất là sự mập mờ cố ý, ông nói gà, bà nói vịt để “đánh lận con đen”.

Có thể giải thích đàng hoàng rằng cần có tấm lòng yêu mến dân tộc, với đất nước là đúng, không ai có thể phản đối. Nhưng nói rằng yêu mến quê hương đất nước, dân tộc này đồng nghĩa với yêu mến đảng Cộng sản vô thần là sự đánh tráo khái niệm.

Cũng như có thể kêu gọi lòng yêu nước, nhưng không thể nói rằng “Yêu nước là yêu Chủ nghĩa xã hội” như đảng và nhà nước vẫn tuyên truyền. Xưa nay bao thế hệ cha ông chúng ta và ngay cả thế hệ chúng ta biết mặt ngang mũi dọc của cái “Chủ nghĩa xã hội” như thế nào và vẫn cứ yêu nước đấy thôi.

Có thể nói rằng GHCGVN cùng đi theo đường hướng đưa dân tộc theo chiều hướng tiến bộ và phát triển là đúng.

Nhưng nếu nói rằng cần “đồng hành” với dân tộc, đất nước chính là sự phân biệt và tự tách biệt không có cơ sở.

Vì vậy, cần định nghĩa rõ ràng và phân biệt dứt khoát ngay từ trong ý tưởng và ngôn ngữ sử dụng.

Cũng cần phải chỉ ra rằng: chính Đảng CSVN mới cần phải “Đồng hành cùng dân tộc”.

Lời kêu gọi đó, hãy dành cho Đảng cộng sản Việt Nam.

Ngày Bế mạc Năm Thánh Việt Nam 2010.

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Theo jbnguyenhuuvinhwordpress.com

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn