Tuần trước, đài chúng tôi có loan tin cho hay, ba bạn trẻ Trương Quốc Huy, Trương Quốc Tuấn và Quỳnh Trâm vào một quán cà phê internet ở quận 10, xem thư, đọc tin tức và vào Paltalk, thì bị công an tới bắt.
Sự việc này xảy ra tối thứ 6, 18 tháng 8 vừa qua. Quỳnh Trâm được cho về ngay. Tuấn bị công an giữ đến hôm sau mới được về, nhưng hiện đang bị quản chế tại gia. Riêng Trương Quốc Huy thì vẫn còn bị câu lưu.
RSF tức tổ chức phóng viên không biên giới từ Paris vừa ra thông cáo báo chí yêu cầu Hà Nội trả tự do tức khắc cho Trương Quốc Huy. Để thu thập thêm chi tiết về sự can thiệp này, đài chúng tôi liên lạc với ông Julien Pain, giám đốc văn phòng Internet/ RSF và được ông dành cho câu chuyện sau đây.
Tải xuống để nghe
Đỗ Hiếu: Thưa ông, trong thông cáo báo chí do RSF mới phổ biến thì anh Trương Quốc Huy bị công an bắt cóc, ông có thể giải thích thêm vì sao từ này được sử dụng?
Ông Julien Pain: Theo tổ chức của chúng tôi thì vụ anh Trương Quốc Huy bị công an bắt giữ tại một quán cà phê Internet ở Saigon, được coi là một trường hợp bắt cóc người, vì lúc ấy, nhân viên an ninh, mật vụ, không tôn trọng bất cứ nguyên tắc hợp lệ nào theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đây, như RSF từng nhiều lần lên tiếng trước công luận, Trương Quốc Huy đã bị giam cầm suốt 9 tháng ròng rả mà không hề có sự liên lạc nào về với gia đình để báo tin. Huy cũng không được quyền có luật sư bênh vực cho mình.
Sự bắt bớ và giam giữ đó không thể nào chấp nhận được bởi công pháp quốc tế và dưới một thể chế dân chủ pháp trị, nó chỉ có thể xảy ra dưới một chế độ cầm quyền toàn trị hay do băng đảng chỉ huy mà thôi.
Nhà cầm quyền Hà Nội cần phải rà soát lại những luật lệ mà họ đang cho áp dụng, tránh tình trạng bắt bớ tùy tiện, không lý do chính đáng, và giam cầm trái phép bất cứ ai xét thấy bất lợi cho chế độ độc đoán.
Đỗ Hiếu: RSF có biết lý do vì sao anh Trương Quốc Huy bị bắt lại lần này hay không ?
Ông Julien Pain: Lần đầu, Trương Quốc Huy bị công an bắt cùng với anh là Trương Quốc Tuấn và cô Lisa Phạm là cách đây gần 10 tháng vì cả ba tham gia diễn đàn dân chủ Paltalk để cùng với giới trẻ Việt Nam khác ở hải ngoại trao đổi ý kiến, quan điểm, tin tức và cùng bàn luận về tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam.
Còn lần này, thì ngay sau khi được nhà nước phóng thích hồi tháng 7 vừa qua, Trương Quốc Huy đã liên lạc, tiếp xúc ngay với phong trào vận động cho tự do, dân chủ ở Việt Nam. Anh cũng đã nhiều lên tiếng trên các phương tiện truyền thông quốc tế để phơi bày trước công luận tất cả những gì xảy ra cho anh trong suốt thời gian 9 tháng bị ngồi tù.
Ngoài ra, anh Trương Quốc Huy cũng mạnh mẽ lên tiếng ủng hộ khối Dân Chủ 8406, mới được thành lập trong nước từ tháng 4 đến nay, và công luận quốc tế biết rõ là Hà Nội đang tìm đủ mọi cách để ngăn chặn hoạt động và sự phát triển của nhóm chiến sĩ dân chủ này.
Đỗ Hiếu: Thưa ông, RSF sẽ làm gì để can thiệp cho Trương Quốc Huy sớm được trả tự do ?
Ông Julien Pain: RSF chúng tôi xin khẳng định với quý vị một lần nửa rằng, Trương Quốc Huy bị công an công sản bắt cóc công khai, chứ đây không phải là một trường hợp vi phạm luật pháp thông thường.
Mặc dù RSF quyết tâm vận động với công luận thế giới cùng các tổ chức nhân quyền quốc tế để bênh vực và can thiệp cho Trương Quốc Huy, nhưng riêng tổ chức của chúng tôi ít có hy vọng gây ảnh hưởng cụ thể gì đối với Hà Nội, đến nay họ vẫn hoàn toàn giữ yên lặng, sau khi chúng tôi đánh tiếng.
Tuy nhiên, RSF tin tưởng rằng, hoàn cảnh và thời cơ lúc này khá thuận lợi cho các cuộc vận động của dư luận bên ngoài để yêu cầu Hà Nội trả tự do tức khắc cho Trương Quốc Huy, vì Hà Nội mong mõi được kết nạp vào WTO trong tương lai gần đây, chính vì thế mà Việt Nam đang tỏ ra biết điều hơn và chăm chú lắng nghe ý kiến đóng góp của cộng đồng thế giới.
Dựa vào những yếu tố đó mà RSF chúng tôi đang đẩy mạnh công cuộc vận động đồng loạt bên cạnh giới truyền thông quốc tế. Ngoài ra, chúng tôi cũng tích cực thuyết phục chính giới và dư luận khắp Châu Âu, Hoa Kỳ cùng các quốc gia yêu chuộng dân chủ và công lý trên thế giới, hãy cùng nhau lên tiếng yêu cầu nhà nước Việt Nam tôn trọng nhân quyền, trong đó có việc trả tự do không điều kiện cho Trương Quốc Huy.
Đỗ Hiếu: Thưa ông , theo đánh giá của RSF thì Việt Nam là một trong 15 quốc gia trên toàn cầu xem Internet là kẻ thủ của mình, vậy tình hình hiện giờ có gì thay đổi hay cải thiện chăng?
Ông Julien Pain: RSF chúng tôi không nghỉ là tại Việt Nam hiện giờ tình trạng cấm đoán, hạn chế, phong tỏa Internet còn có thể trở nên khó khăn hơn nữa.
Theo chủ trương của nhà nước thì tất cả báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình đều là phương tiện thông tin, tuyên truyền do chế độ trực tiếp quản lý và kiểm soát, tuyệt đối ở Việt Nam không có một nền báo chí độc lập.
Chính vì thế mà những ai dám lên tiếng công khai bày tỏ quan điểm, lập trường, suy tư của mình đều bị Hà Nội coi là âm mưu chống đối, lật đổ chế độ cầm quyền và đương nhiên là họ bị bắt bớ, cầm tù, xử lý, trù dập vô cớ.
Tuy nhiên cho dù Hà Nội có tứơc đoạt mọi quyền tự do ngôn luận và tư tưởng của người dân, chúng ta cũng đừng vì thế mà cảm thấy bi quan, thất vọng, mà phải nhìn thấy rõ là xã hội Việt Nam đang tiến bước, chuyển mình nhanh chóng, cụ thể là ngày nay, thế hệ trẻ Việt Nam hàng ngày, qua phương tiện Internet mạnh dạn và công khai nói suy tư, cảm nghĩ, quan điểm, nguyện vọng, lập luận của họ về tương lai đất nước trong dân chủ, hoà bình và thịnh vượng.
Có điều chắc chắn là, cho dù Hà Nội e ngại những tiếng nói dân chủ trong nước vang vọng bằng đủ mọi hình thức và phương cách khác nhau, nhưng họ sẽ không bao giờ có đủ khả năng và phương tiện để cầm tù tất cả những ai muốn nói lên sự thật và bày tỏ nguyện vọng đòi hỏi dân chủ, tự do của mình.
Đỗ Hiếu: Xin cám ơn ông Julien Pain, giám đốc văn phòng Internet của tổ chức phóng viên không biên giới tại Paris, Pháp đã dành cho đài chúng tôi cuộc trao đổi hôm nay.
Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA - 24/08/2006
Gửi ý kiến của bạn