Thập niên thứ nhất của thế kỷ XXI sắp trôi qua.
Một năm đối với một đời người không phải là dài cũng không ngắn, còn đối với một quốc gia tưởng chừng như không đáng kể. Tuy vậy nhưng một năm cũng đủ để cho một quốc gia như Việt Nam có thể giải quyết bao nhiêu bài toán khó, bước được những bước đi dài về phía trước, hay bằng một cú rẽ dứt khoát, thoát khỏi những sai lầm vẫn tồn tại suốt mấy chục năm làm cho đất nước và dân tộc không ngóc đầu lên nổi. Ngược lại, cũng một năm đó thôi, nhưng với những sai lầm nối tiếp sai lầm, sẽ thêm một lần làm lỡ chuyến tàu hội nhập vào thế giới tự do dân chủ toàn cầu, kéo lùi đất nước tụt hậu thêm vài thập niên nữa, và đẩy số phận của dân tộc đến gần hơn với nỗi ám ảnh về sự lặp lại của một ngàn năm Bắc thuộc cũ…
Trong những ngày cuối cùng của năm 2010 này, đọng lại trong lòng những người Việt Nam ưu tư với vận mệnh của đất nước vẫn là nỗi buồn nhiều hơn vui.
Buồn vì con đường đi của Việt Nam trước mắt vẫn không có gì thay đổi. Đại hội Đảng cộng sản lần thứ XI sắp diễn ra nhưng nhìn vào những khuôn mặt lãnh đạo của nhiệm kỳ tới cũng như bản dự thảo đề cương đại hội Đảng, hoàn toàn không có hy vọng gì. Một lần nữa dân tộc này lại tiếp tục nhỡ tàu, như cách nói của nhà văn Võ Thị Hảo. Mà trong thời đại này, lỡ thêm một nhiệm kỳ 5 năm là đủ để cho rất nhiều chuyện có thể xảy ra và khoảng cách giữa Việt Nam và các nước càng thêm vời vợi, trong khi mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc sẽ càng khó gỡ…Số phận của Việt Nam như thế là vẫn chưa có gì sáng sủa hơn.
Buồn vì người dân Việt Nam vẫn còn khốn khổ quá, chưa biết đến bao giờ mới được sống trong một đất nước thật sự tự do, dân chủ, một môi trường sống an toàn, văn minh, ở đó luật pháp, quyền con người cũng như các giá trị đạo đức, nhân văn được thật sự tôn trọng.
Khép lại năm 2010, với nhiều người nông dân nghèo Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước, tiếp tục là những vụ xô xát, biểu tình, khiếu kiện vì bị cưỡng chiếm đất đai. Xin được dành bài viết cuối cùng trong năm 2010 trên blog này để nhớ về những người nông dân chịu nhiều oan ức, thiệt thòi mà một trong những vụ lớn nhất xảy ra gần đây là vào ngày 20, 21.12 tại huyện Vụ Bản, Nam Định. Không chỉ sử dụng giới công an, lần đầu tiên nhà nước Việt Nam đã huy động cả quân đội đàn áp nhân dân để cướp đất. Những hình ảnh, chi tiết về việc này đã được một số trang mạng “lề trái”, như Nữ vương công lý, Dân làm báo…và báo chí bên ngoài đưa lên đầy đủ, chi tiết. Cả một lực lượng hùng hậu từ quân đội, cảnh sát cơ động, công an các loại…bảo vệ cho một đoàn máy xúc, máy ủi tiến hành san lấp mặt bằng trong nỗi uất ức, bất lực của người dân!
Năm 2010 với giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục là cuộc sống thắt lung buộc bụng, vất vả chèo chống với đồng lương “còm cõi” trong lúc lạm phát gia tăng, giá sinh hoạt leo thang từng ngày khiến cho đời sống người công nhân đã khổ càng khổ. Xin được dành bài viết cuối cùng trong năm 2010 này để nhớ về những người công nhân đã phải sống kiếp làm thuê ngay trên đất nước mình và đã phải đứng lên đình công vì lương tiền quá thấp, vì sự ngược đãi của chủ thuê lao động; mà điển hình là vụ đình công của hơn 10,000 công nhân tại nhà máy giày Tae Kwang Vina, khu công nghiệp Biên Hòa 2 và hơn 4000 công nhân công ty Namyang tại khu công nghiệp Amata, chuyên sản xuất sữa bột, sản phẩm dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ sơ sinh vào ngày 23.12 vừa qua. Tiếp nối hàng loạt vụ đình công có quy mô lớn của giới công nhân Việt Nam riêng trong năm 2010, như vụ đình công kéo dài nhiều ngày của 10,000 công nhân nhà máy Giày da Mỹ Phong (Trà Vinh) vào cuối tháng 1.2010 (theo BBC ngày 2.2.2010); cuộc đình công của 10,000 công nhân công ty Hưng Nghiệp cổ phần TNHH Pouchen VN (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) kể từ ngày 2.4.2010 (theo Báo Tuổi trẻ ngày 2.4.2010); của hơn 7000 công nhân thuộc Công ty cổ phần giày Duy Hưng (KCN Sóng Thần 1, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) ngày 17.12.2010 (theo VNExpress ngày 17.12.2010) v.v…
Xin được dành bài viết cuối cùng trong năm 2010 này để nhớ về đồng bào tôi ở miền Trung đã phải trải qua những cơn bão lũ dữ dội cướp đi hàng trăm sinh mạng và đẩy hàng ngàn con người vào cảnh mất sạch nhà cửa, tài sản, phải làm lại từ đầu…Đã bao nhiêu năm nay người dân miền Trung phải chịu cảnh sống chung với lũ, nước mắt không còn để khóc mỗi khi mùa lũ về, nỗi cay đắng càng thêm đắng cay vì trong cái họa của thiên nhiên có cả nhân họa do nạn phá rừng bừa bãi, xây đập thủy điện bừa bãi và xả lũ vô tội vạ…Điều đáng nói là câu chuyện dài tang thương mùa lũ này năm nào cũng xảy ra, năm nào cũng mất nhà, có người chết, cũng phải cứu trợ nhưng rồi năm tới, mùa lũ sau…vẫn cứ lặp lại như thế.
Xin được dành bài viết cuối cùng trong năm 2010 này để chia sẻ với những người ngư dân bị tàu Trung Quốc bắt giữ, đánh chìm tàu, cướp hết tài sản, đòi tiền chuộc…nhưng nhà nước của họ thì không dám làm gì để bảo vệ họ ngoài việc lặp đi lặp lại những câu phản đối thông qua cái miệng của bà Nguyễn Phương Nga. Đồng thời xin chân thành gửi lời chúc mừng muộn đến những người may mắn thoát nạn hoặc được Trung Quốc thả ra như 9 ngư dân huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi trong tháng 10.2010; những thủy thủ vì miếng cơm phải đi làm thuê xa cho tàu cá Nam Hàn và bị chìm tàu ở Nam Cực song đã may mắn sống sót trở về trong tháng 12 này, bên cạnh những người vĩnh viễn bỏ mình dưới lòng nước lạnh giá...
Xin được dành bài viết cuối cùng trong năm 2010 này để chúc mừng những người công nhân đem thân đi làm thuê ở xứ người cuối cùng cũng đã giành được công lý, trong vụ kiện hãng sản xuất đồ nhôm Spektra Alucast về tội buôn người có liên quan đến công nhân VN, khi công ty này chính thức bị cảnh sát Malaysia khởi tố nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của tổ chức Camsa, Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu . Nhưng còn bao nhiêu công ty khác từ tổ chức giới thiệu, môi giới cho đến công ty/đơn vị chủ thuê lao động, thực chất là hoạt động buôn người thông qua chính sách xuất khẩu lao động công khai ở Việt Nam chưa phải ra tòa và đền bù cho những thiệt hại của người lao động?
Xin được dành bài viết cuối cùng trong năm 2010 này để chia sẻ với các nạn nhân của bao nhiêu vụ án oan sai, mà gần đây nhất là hai nữ sinh Thúy, Hằng trong vụ án mua dâm và cưỡng dâm học trò tai tiếng ở tình Hà Giang. Dù đã biết trước, dư luận vẫn không khỏi cay đắng cho kết quả mới nhất của vụ điều tra, khi hàng loạt quan chức bị điểm mặt chỉ tên trong danh sách mua dâm, kể cả ông Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô, tiếp tục được thoát vòng lao lý trong lúc hai nữ sinh, nạn nhân của vụ cưỡng dâm, mua dâm thì tiếp tục ngồi tù. Và còn biết bao phận người nhỏ bé khác đang khắc khoải chờ đợi được giải oan như 3 thanh niên tỉnh Hà Đông phải chịu tù oan 10 năm trời vì bản án hiếp dâm, một trong ba người còn vô tình bị nhiễm HIV trong thời gian ngồi tù vì sự ẩu tả vô trách nhiệm của các cán bộ y tế. Công lý nào cho những phận người vô cùng nhỏ mọn trên đất nước này?
Và còn đó linh hồn vất vưởng của những người dân bị chết oan trong những vụ bị công an dùng nhục hình tra khảo dẫn đến tử vong nhiều khi chỉ vì những tội danh rất nhỏ như chạy xe quên đội mũ bảo hiểm hay cãi vã, xô xát với hảng xóm, láng giềng…như anh Nguyễn Quốc Bảo, Hà Nội (tháng 1.2010), Nguyễn Mạnh Hùng, Hà Đông (tháng 3.2010), Võ Văn Khánh, tỉnh Quảng Nam (tháng 5.2010), Vũ Văn Hiền, tỉnh Thái Nguyên (tháng 7.2010)… Trong đó có những vụ người dân quá bức xúc đã nổi dậy biểu tình phản đối như vụ bạo loạn xảy ra tại Bắc Giang vào tháng 7.2010 với sự tham gia của hàng ngàn người xuất phát từ việc công an đánh chết một người thanh niên tên Nguyễn Văn Khương, chỉ vì…không đội mũ bảo hiểm; hay mới đây nhất, hàng trăm người dân An Giang đã mang xác một thanh niên tên Đen đặt trước trụ sở Công an phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên để phản đối việc CA đánh chết người. Cả những vụ xô xát lớn hơn giữa người dân và chính quyền có liên quan đến đất đai như vụ công an nổ súng thẳng vào dân làm bị thương 1 người, chết 2 người trong đó có một thiếu niên 12 tuổi tên Lê Xuân Dũng (tháng 5.2010) tại công trường Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa…Không thể kể hết.
Theo BBC Vietnamese ngày 23.9.2010 “Tổ chức Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW) vừa lên tiếng yêu cầu chính phủ Việt Nam điều tra các vụ cáo buộc công an hành xử tàn bạo với dân.
Tổ chức có trụ sở chính tại New York viết trong một thông cáo ra vào tối thứ Tư, rằng họ có trong tay tài liệu về 19 vụ bạo hành liên quan công an Việt Nam, trong đó 15 người chết, trong một năm qua. (BBC Vietnamese ngày 23.9.2010)”. Con số này chắc chắn chưa phản ánh đúng thực tế.
Năm nay, quả đúng như blogger Mẹ Nấm, là năm “tung hoành” lập công của giới công an chỉ biết “còn Đảng, còn mình” trên cả hai mặt trận: đàn áp người dân và đánh phá các trang báo mạng “lề trái” với nhiều thành tích “xuất sắc”. Càng ngày người dân càng phải chứng kiến thói côn đồ, coi thường tính mạng con người của giới công an và thói côn đồ ấy lại không hề bị trừng phạt, hầu hết những vụ đánh chết dân đều chỉ xử qua loa hoặc bị chìm xuồng. Không chỉ với những cá nhân trong những vụ việc đơn lẻ, khi xảy ra những vụ xô xát giữa chính quyền với nhân dân xung quanh những mâu thuẫn về đất đai, đền bù không thỏa đáng, giới công an đã luôn luôn chứng tỏ sự trung thành tuyệt đối với chế độ, sẵn sàng dùng bạo lực, thậm chí xả súng thẳng vào dân, nếu cần. Ngay cả quân đội cũng chỉ biết có Đảng, mà vụ việc tại Nam Định là minh chứng.
Xin được dành bài viết cuối cùng trong năm 2010 trên blog này để nhớ về những người đã lần lượt phải vào tù vì dám cất lên tiếng nói bất bình trước những bất công, sai trái trong xã hội, đòi tự do ngôn luận, đòi cải tổ hệ thống chính trị, những con người đã nói thay cho nỗi niềm của hàng triệu người khác nhưng đến lúc tai ương đổ xuống thì chỉ có mình họ và gia đình gánh chịu, trong đó có những người là bạn, là người quen và chưa quen của tôi: Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày, Phan Thanh Hải tức blogger Anh Ba SG, giảng viên Phạm Minh Hoàng tức blogger Phan Kiến Quốc, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, ba người trẻ tuổi bảo vệ cho quyền lợi của dân oan và người công nhân: Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Nguyên Chương…và rất nhiều người khác nữa.
Họ đã nối tiếp thêm danh sách những người bất đồng chính kiến bị bắt ngày càng dài hơn ở Việt Nam: chỉ riêng giới luật sư đã có Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Bắc Truyển, Lê Quốc Quân, Nguyễn Thị Thùy Trang, Bùi Kim Thành, Lê Công Định, Lê Trần Luật, Phan Thanh Hải (tức blogger AnhBaSG, luật sư Cù Huy Hà Vũ… Bên cạnh đó là các vị tu hành, những người trí thức cho đến người dân bình thường: linh mục Nguyễn Văn Lý, hòa thượng Thích Quảng Độ, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, nhà văn Dương Thu Hương, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, bộ ba trí thức trẻ gồm bác sĩ-luật sư-doanh nhân Lê Nguyên Sang, Nguyễn Bắc Truyển, và Huỳnh Nguyên Đạo, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà giáo Vũ Hùng, nhà báo Trương Minh Đức, cô Phạm Thanh Nghiên, anh Phạm Văn Trội, các anh Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Hữu Tính, Nguyễn Kim Nhàn, Ngô Quỳnh…
Và những người thường xuyên bị xách nhiễu, bị mời lên đồn thẩm vấn, bị gây khó dễ trong đời sống, nghề nghiệp…như nhà báo Hà Sĩ Phu, kỹ sư Đỗ Nam Hải, luật sư Lê Trần Luật, luật sư Lê Thị Công Nhân-người vẫn đang trong thời gian bị quản chế sau khi phải ngồi tù 3 năm rưỡi, vợ chồng blogger Uyên Vũ-Trăng Đêm, chị Dương Thị Tân vợ cũ của nhà báo Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày…
Việt Nam đất nước tôi dân tộc tôi.
Năm 2010 tiếp tục chứng kiến nhiều bước đi sai lầm của Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khi ngoảnh mặt khước từ những lời can gián, phản biện chí tình chí lý của đông đảo người dân từ việc tiếp tục dung dưỡng, cưng chiều các tập đoàn kinh tế quốc doanh bất chấp những vụ làm ăn thua lỗ nặng nề như Vinashin, vung tay chi tiêu hoang phí cho đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội bất chấp kinh tế Việt Nam đang phải oằn lung cõng những gánh nợ nước ngoài và miền Trung thì đang lũ lụt, tang thương; việc cho các công ty nước ngoài thuê rừng tại các tình biên giới phía Bắc, triển khai dự án khai thác Bauxite bất chấp bài học nhãn tiền từ vụ bùn đỏ ở Hungary hay vụ xây dựng đường sắt cao tốc dù đã bị Quốc hội bác bỏ nhưng vẫn cố mà làm cho bằng được…
Năm 2010, năm cuối cùng của thập niên thứ nhất thuộc thế kỷ XXI, lẽ ra đã có thể là cơ hội cho sự thay đổi ở Việt Nam trước nhiều sức ép và nhiều cơ hội. Sức ép từ những dấu hiệu khủng hoảng kinh tế ngày càng rõ sau một thời gian dài chỉ chạy theo con số tăng trưởng qua việc đồng tiền liên tục mất giá, lạm phát gia tăng đến hai chữ số, giá vàng và đôla lên xuống bất thường trong đó giá vàng có những lúc cao hơn hẳn so với trên thế giới, dự trữ ngoại tệ cạn kiệt…Sức ép từ những mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn giữa khát vọng muốn được sống trong một cơ chế xã hội khác hơn, tốt đẹp, công bằng hơn của đông đảo người dân và sự kiên quyết giữ vững mô hình chính trị, giữ vững thế độc quyền lãnh đạo của Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam. Và từ bên ngoài là sức ép trong mối quan hệ ngày càng bị lấn lướt, thiệt thòi, ngày càng trở nên nguy hiểm với nước láng giềng Trung Quốc.
Đồng thời năm 2010 cũng là năm Việt Nam có nhiều cơ hội, xuất phát từ sự thay đổi đường lối ứng xử trong quan hệ quốc tế của Trung Quốc đã buộc các nước khác cũng phải thay đổi chính sách ngoại giao, quốc phòng, quân sự của mình. Hoa Kỳ tuyên bố quay trở lại châu Á, công khai bày tò sự ủng hộ các nước Đông Nam Á trong hồ sơ Biển Đông và chìa bàn tay cho Việt Nam. Các nước từ Nhật Bản, Ấn Độ cho tới Nga cũng đều mong muốn Việt Nam mạnh lên và thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong điều kiện đó, Việt Nam đã làm được một số việc, đó là công khai những tranh chấp về chủ quyền trên các vùng biển, đảo và khơi gợi được sự chú ý của thế giới trước mưu đồ lâu dài của Trung Quốc về vùng biển này. Nhưng, lẽ ra Việt Nam đã có thể làm một cú thay đổi ngoạn mục thay vì chỉ dừng lại ở vạch mức này và tiếp tục bảo vệ thành trì chế độ, tiếp tục ngoan ngoãn nằm trong vòng kiềm tỏa của Trung Quốc chỉ vì sợ mất Đảng, mất chế độ. Việt Nam lại tiếp tục…nhỡ tàu. Lần này biết đâu sẽ là lần nhỡ tàu tai hại nhất, cú thoát cuối cùng có thể, bởi sau 5 năm nữa, ai biết được cán cân thế giới đã nghiêng về đâu, và Trung Quốc sẽ kịp đi thêm những bước đi nào trong vùng biển này?
Sẽ không có hy vọng gì trước mắt. Bởi, đáng buồn thay, khi đứng trước bao sức ép và vận hội, thì Đảng cộng sản Việt Nam lại đang ở vào giai đoạn khủng hoảng sâu sắc từ tư tưởng cho đến nhân sự, và để đối phó lại sự khủng hoảng ấy, họ đã lại chọn con đường đứng yên, bảo vệ mình trước hết thay vì bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ quyền lợi của nhân dân.
Nên bài viết cuối năm 2010 này vẫn là những nỗi buồn.
Việt Nam đất nước tôi dân tộc tôi. Bao giờ cho đến ngày vui?
Song Chi
30-12-2010
Theo Blog Song Chi
Gửi ý kiến của bạn