BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Việc phải đi mà không đi thì bao giờ đến?

01 Tháng Năm 200812:00 SA(Xem: 931)
Việc phải đi mà không đi thì bao giờ đến?
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
(Quy luật là: Ở các nước một đảng thì chính phủ ngày càng tham nhũng, điều hành yếu dần đi, ngày càng xuất hiện các tầng nấc trong quản lý nhà nước. Còn các nước đa đảng thì chính phủ ngày càng bớt tham nhũng, điều hành tốt dần lên, tầng nấc trong quản lý nhà nước mất dần đi!)

Nhân đọc bài “Nghĩ về một lộ trình phát triển” đăng trên BBC ngày 06/03/2006 của tác giả Quang Linh từ Hàn Quốc tôi xin có đôi điều tranh luận cùng bạn như sau: (Nhận định của bạn được in nghiêng)

1. Xét về đặc điểm xã hội, Việt Nam là nước đa dân tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo các mâu thuẫn xã hội phức tạp nên không phù hợp với thể chế đa nguyên - đa đảng.

Sai! Có lẽ 195 nước trên thế giới đang áp dụng hệ thống chính trị đa nguyên thì không thể nói Việt Nam mình là trường hợp riêng có đâu bạn ạ, mình không giống các nước Châu Âu thì mình có giống Thái lan, Nhật, Hàn Quốc, Inđônêxia, Malaixia...Không?

2. Xét về mặt lịch sử, hệ thống chính trị đa nguyên ở các nước đó đã xuất hiện cách đây hàng trăm năm và đã trải qua những thời kỳ sóng gió để đạt được trình độ như ngày nay Việt Nam mình bây giờ mới làm thì đã muộn lại phải xảy ra 1 thời kỳ sóng gió thì gay lắm, và phải mất mấy chục năm nữa Việt Nam mới có một chế độ dân chủ kiểu như Thailand?

Sai! Theo tôi nếu nó tốt thì phải áp dụng ngay thôi! Muộn còn hơn là không mà. Nói như bạn thì phải chăng muộn rồi thì không áp dụng nữa? Theo tôi 100 năm so với chiều dài của lịch sử thì không lớn lắm, mình không sướng thì con cháu mình sướng. Hơn nữa 60 năm chủ nghĩa xã hội đã có đóng góp gì cho đất nước đây?

Bạn suy nghĩ gì khi:

 Trên đường liên Tỉnh tôi đi

 60 năm ấy có gì khác xưa?

 Ông lão đánh trâu đi bừa

 Là cháu ông lão năm xưa đi cày!

3. Trình độ kinh tế, trình độ dân trí của của Việt Nam hiện nay rất thấp chưa thể áp dụng bầu cử dân chủ đa nguyên đa đảng được!

Sai! Vì sao trình độ kinh tế, trình độ dân trí của nước ta thấp? Giả dụ Miền Bắc không xâm phạm Miền Nam thì có phải Kinh tế - xã hội của Miền Nam giờ đã như Hàn Quốc rồi không? Còn Miền Bắc như bắc Triều tiên?

Thái lan, Nhật, Hàn Quốc, Inđônêxia, Malaixia họ áp dụng bầu cử dân chủ đa nguyên đa đảng từ vài chục năm nay, trả lẽ giờ đây dân trí nước ta vẫn kém họ lúc đó?

‘Người nông dân phải tâm niệm hàng ngày câu châm ngôn sau đây : « Thà chịu hiểm nghèo mà được tự do còn hơn sống bình yên trong cảnh đời nô lệ »’ (Bàn về khế ước xã hội, của Rousseau, Nxb lý luận chính trị, trang 38)

4. Qua việc đổi mới như vừa rồi Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế hơn các nước đa đảng vậy không nhất thiết phải dân chủ đa nguyên đa đảng.

Sai! Kinh tế phát triển ư? Bạn thử hình dung sống ở một gia đình dù hiện tại có nghèo mà ở đó cha mẹ hoà thuận tôn trọng con cái, con cái kính trọng cha mẹ (dân chủ, nhân quyền) thì họ có nghèo mãi không? Còn 1 gia đình khác dù giàu nhưng cha mẹ độc đoán không bao giờ cho con cái có ý kiến thì con cái có kính trọng họ không? họ có hạnh phúc không? Cái giàu của họ có bền lâu không? Kinh tế nhà họ có phát triển mãi được không? Hơn nữa phận là con sống ở đó có sướng không khi ăn ngon đó mà cha mẹ chẳng cho suy nghĩ, tư duy?

Kinh tế phát triển ư? Phát triển để rồi đầu tư các con đường rắn lượn à? Sau này con cháu ta bao đời phải chịu đi trên các con đường đó? Mà phần nhiều là do vay lãi đấy chứ! rồi con cháu ta nai lưng ra mà trả nợ! Kinh tế phát triển ư? Việt Nam có bao nhiêu Bùi Tiến Dũng đấy thưa bạn?

Tôi xin hỏi: Kinh tế, xã hội năm xưa ở Miền Bắc có bằng Miền nam không? Do Mỹ đổ tiền ư? Nước Mỹ có bao nhiêu tiền mà đổ cho cả thế giới? không đâu! do cơ chế cả thôi! Bắc Triều Tiên so với Hàn Quốc? Đông Đức so với Tây Đức? Đông âu so với Tây âu? Liên xô so với Mỹ? Việt Nam so với Thái lan?...

5. Việt Nam không có lực lượng chính trị đối kháng nên không có cơ sở xã hội cho đa nguyên đa đảng.

Sai! Ta cũng có những nguyên nhân lịch sử nhất định đó thôi năm 1930 có 3 đảng sao lại sát nhập lại? Quốc hội 1946 là quốc hội đa nguyên? Đảng nào đã chèn ép để Đảng dân chủ, đảng xã hội và các đảng khác không có đất sống? Hiện nay tại sao đảng cộng sản lại bắt bớ tù đày đảng viên các đảng dân chủ? Nhà nước là của đảng cộng sản lại không công nhận các đảng dân chủ mới thành lập thì họ hoạt động đảng dân chủ sao lại cho họ là phạm pháp? Có điều kiện nào để được lập đảng không?

6. Mặc dù là đa nguyên chính trị nhưng tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hiện tại của Cămpuchia không hơn gì Việt Nam, thậm chí thua kém về nhiều mặt.

Sai! Bạn không còn nước nào để so sánh nữa ư? Không nên so thế bạn ạ, Họ vừa trải qua nạn diệt chủng do chế độ cộng sản thái quá mang lại mà (Việt Nam cộng sản thì có cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, Trung cộng thì có cách mạng văn hoá...), hiện nay họ kém Việt Nam nhưng chẳng bao lâu nữa đâu Việt Nam sẽ kém họ đấy. (nếu không thực hiện dân chủ đa đảng)

7. Ở châu Á Đa số các nước như: Philippines, Indonesia, Malaixia, TháiLan, Pakistan, Bangladesh , Srilanca, Ở Nam Mỹ như: Peru, Bolivia... không có nước nào xây dựng hiến pháp theo chế độ cộng sản, độc tài hay quân chủ mà đều xây dựng nhà nước theo chế độ cộng hòa với hiến pháp dân chủ (tam quyền phân lập) và đa nguyên về mặt chính trị (đa đảng), nhưng cũng không hơn Việt nam bao nhiêu!

Sai! Tại sao đa số họ không nước nào xây dựng hiến pháp theo chế độ cộng sản, độc tài? Phải chăng họ dốt?

 Họ không hơn ta nhiều ư? chỉ 2 năm nữa, Việt Nam sẽ qua mặt Indonesia? Bạn có lạc quan tếu không? Không hiểu những người mất tiền đi du lịch Thái Lan, Indonesia, Malaixia về họ có kể cho bạn nghe không? Còn tôi thì tôi nghĩ cứ cơ chế này thì không hiểu 50 năm nữa Việt Nam có bằng họ hiện tại hay không? đó là xét về khía cạch kinh tế còn xã hội thì còn xa lắm mới mong bằng họ.

Ở ta có bao giờ? Có lực lượng nào gây được áp lực lên một chính phủ để đến nỗi chính phủ đó phải từ chức khi chính phủ đó điều hành yếu hoặc tham nhũng lớn? Hẳn là chính phủ như thế ở ta không hiếm? Vậy mà ở nước họ, họ làm được đó! Kết quả đó là do đâu? Phải chăng do họ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập?

Đúng thôi! Giả định chính phủ ở ta yếu kém hay tham nhũng lớn, đảng cộng sản có kêu gọi dân chúng lật đổ không? Hoàn toàn không! Vì chính phủ đó là của đảng cộng sản! Vì chả lẽ lại giở áo cho người xem lưng à? Vì biết thay chính phủ nào đây? – Không có giám sát thì chính phủ nào chả hư đốn! Lực lượng nào làm cái việc đó đây? Câu trả lời là không có! Vậy nên chính phủ đó tha hồ tham nhũng, tha hồ yếu kém! Còn ở các nước đa đảng thì chính phủ của đảng này mà yếu kém hay tham nhũng lớn thì họ sẽ bị các đảng đối lập kêu gọi dân chúng lật đổ đi vì vậy mà họ không dám điều hành yếu kém hay tham nhũng lớn!

Vậy đến đây xuất hiện một quy luật là: Ở các nước một đảng thì chính phủ ngày càng tham nhũng, điều hành yếu dần đi, ngày càng xuất hiện các tầng nấc trong quản lý nhà nước. Còn các nước đa đảng thì chính phủ ngày càng bớt tham nhũng, điều hành tốt dần lên, tầng nấc trong quản lý nhà nước mất dần đi!

Đó cái khác biệt cơ bản của 2 thể chế là ở chỗ đó!

8. Việt Nam kém là do chiến tranh! 

Sai! Tại sao ta có chiến tranh? Một bên là Hàn Quốc một bên là Bắc Triều Tiên, một bên là Tây Đức một bên là Đông Đức, một bên là đời sống kiểu Đài Loan một bên là Trung Quốc, một bên là đảo quốc Cu Ba đói khổ một bên là đảo quốc Nhật Bản giàu có thì bên nào nên giải phóng bên nào? Bên nào sai?

Hơn nữa chiến tranh đã qua đi hơn 30 năm sao ta vẫn nghèo? ngày xưa các vua chúa khi giành được độc lập thì chỉ trong phạm vi 5 – 10 năm là đất nước thái bình thịnh trị “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông lúa mọc đầy đồng trâu chẳng thèm ăn!”

9. Các chỉ số kinh tế, HDI, mức độ tăng trưỏng về GPP của ta hiện nay đều tốt vậy không cần dân chủ đa nguyên đa đảng!

Sai! Các chỉ số đó nó có nghĩa gì đây khi con người không có tự do? Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: ''Nước có độc lập mà dân không được tự do, thì độc lập ấy không có nghĩa lý gì''

Có chuyện ngụ ngôn rằng: Chó rừng gầy đói hỏi con chó nhà béo núc: Anh chó nhà ơi anh làm gì mà sướng thế? Tôi trông nhà cho con người nên con người cho tôi ăn no chẳng bao giờ sợ đói – Chó nhà trả lời. Chó rừng lại hỏi: Thế vết gì ở cổ anh đấy? Là khi người ta vắng nhà thì người ta xích tôi lại đó mà – Chó nhà trả lời. Thôi thế thì thà tôi đói còn hơn, nói rồi Chó rừng chạy mất!

Loài vật còn thế ngỡ con người?

10. Đa nguyên đa đảng để rối loạn xã hội à? như Pakistan ấy sợ lắm!

Sai! Nước họ rối loạn xã hội ư? bạn có biết Việt Nam Có 3 TÂY không? Tây bắc, Tây nguyên, Tây nam bộ có rối loạn không? Rồi biết bao người chỉ vì kêu gọi thực hiện đúng quyền dân chủ, nhân quyền mà họ phải vào nhà đá? Biết bao bà con Việt kiều trước đây đã phải bỏ nước mà đi, nay kiếm được chút vốn muốn đem về đầu tư tại quê nhà mà đâu có phải đơn giản? Việt Nam ổn định mà thế ư?

Pakistan và một số nước mới thực thi dân chủ đa đảng có phức tạp thật nhưng các vụ đánh bom ầm ĩ là vậy mà cả năm 2007 họ chỉ chết có 968 người, nếu so với tai nạn giao thông ở Việt Nam năm 2007 mất 14.000 người thì họ chả đáng là bao! Mình chết tai nạn giao thông còn hơn cả chết trong chiến tranh - lời Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Đó là do tai nạn giao thông ư? Vấn đề là nguyên nhân gốc của tai nan giao thông là do đâu?

Do đường xấu! Do đâu mà đường xấu?

Do Phóng nhanh vượt ẩu! Do đâu mà Phóng nhanh vượt ẩu?

Do phương tiện tham gia giao thông không đảm bảo tiêu chuẩn! Do đâu mà phương tiện tham gia giao thông không đảm bảo tiêu chuẩn?...

“Dân chúng sẽ được gì nếu ngay cả sự yên tĩnh cũng chỉ là yên tĩnh trong nghèo khổ? Nằm trong ngục tối người ta vẫn thấy yên tĩnh. Cái yên tĩnh ấy có ai thích thú? Dân Hy Lạp bị giam trong hang của thần Cyclope cũng sống yên tĩnh để chờ ngày bị thần ăn thịt” (Bàn về khế ước xã hội, của Rousseau, Nxb lý luận chính trị, trang 59)

11. Mặc dù đa nguyên về chính trị, Philippines và Indonesia cũng được liệt vào các nước tham nhũng nhất trên thế giới !

Lời Bình: “Mặc dù đa nguyên về chính trị...” câu này thì bạn đã vô tình mà ca ngợi cơ chế đa nguyên rồi đó! Nó tương tự câu “Mặc dù bạn có học mà chẳng hiểu biết gì cả” là người nói muốn chỉ ra rằng có học thì tốt nhưng trường hợp của bạn là một đặc biệt, không thể lấy trường hợp đặc biệt để nói cho cái chung được!

Hơn nữa họ tham nhũng thật, nhưng ở họ với cơ chế dân chủ đa đảng thì tham nhũng càng nhày càng bớt đi, còn ta ngày một nặng thêm.

12. Ở Nam Á, các nước như Pakistan, Bangladesh, Srilanca...Ở Nam Mỹ, các nước như Bolivia, Peru…cũng giành được độc lập trên dưới hơn 50 năm nay và cũng lựa chọn con đường đa nguyên (mặc dù đôi khi do sự rối loạn của hệ thống chính trị đa nguyên mà các chính quyền quân sự độc tài xuất hiện) nhưng lại là những nước chậm phát triển nhất và thường xuyên bất ổn về mặt chính trị vì biểu tình, bạo lực, khủng bố, thậm chí nội chiến (như ở Srilanca).

Lời Bình: Tôi chỉ lấy 2 ví dụ ngoạn mục là chế độ độc tài của người hùng Musharraf đã bị khuất phục bởi bầu cử dân chủ đa đảng, Chế độ độc tài khét tiếng của thống tướng Than Shwe ở Mianma đã phải có lộ trình để tới 2010 tiến hành bầu cử dân chủ đa đảng! Như vậy có thể nói lên mùa xuân đang đến với họ còn ta...? Bạn có ấn tượng không khi đọc tin này: “Đảng của cố Thủ tướng Benazir Bhutto và đảng của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, đã đánh bại đảng ủng hộ ông Musharraf trong cuộc tổng tuyển cử ngày 18/2.” (Vietnamnet, 28/02/2008)

13. Cuối cùng tôi đề nghị các vị chủ trương đa nguyên thử hình dung về viễn cảnh của một Việt Nam đa nguyên sẽ như thế nào?

Theo sự hình dung của tôi thì, một khi hệ thống chính trị đa nguyên đa đảng được áp dụng, ít nhất có các đảng phái và các tổ chức chính trị sau đây sẽ ra đời ở Việt Nam: - Đảng Cộng sản: chủ trương con đường xây dựng xã hội như hiện nay. - Các đảng phái theo hướng Dân chủ xã hội: lấy mô hình Tây Âu và Bắc Âu. - Các đảng phái theo khuynh hướng dân tộc như Quốc Dân Đảng: có thể áp dụng các mô hình cổ điển của Đài Loan, Hàn Quốc (độc tài trong đa nguyên). - Các đảng phái có khuynh hướng “quốc gia”, chủ trương khôi phục chế độ Việt Nam cộng hòa, nhưng với nhiều quan điểm khác nhau (Đảng thì ủng hộ chế độ Ngô Đình Diệm, Đảng thì ủng hộ chế độ Nguyễn Văn Thiệu)...

Trong các đảng phái, các tổ chức chính trị trên đây, chắc chắn sẽ có các đảng phái, các tổ chức chính trị có chủ trương, đường lối trái với lợi ích quốc gia, nhà nước sẽ xử lý như thế nào? Nhà nước có thể cấm họ tổ chức, tuyên truyền và hoạt động, nhưng như vậy sẽ vi phạm các quy tắc của trò chơi dân chủ (quyền lập hội, quyền tự do ngôn luận, quyền không bị phân biệt đối xử vì chính kiến), và sẽ đẩy họ vào con đường đấu tranh phi pháp...

Lời Bình: Tôi hình dung thế này, giả định Việt Nam chấp nhận đa nguyên, bầu cử dân chủ trong thời điểm này sẽ xuất hiện nhiều đảng có tư tưởng dân chủ, dân tộc, dân tộc cực đoan khác nhau...khi đó xã hội sẽ phức tạp hơn hiện nay và tự nó sẽ xuất hiện một Tổng Thống độc tài kiểu Boris Yeltsin có thể là Tổng Thống Nguyễn Tấn Dũng, Hoặc Nguyễn Minh Triết hay Phùng Quang Thanh. Hãy nghe báo VnExpress, ngày 24/04/2008 “Cựu tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đánh giá cao công trạng của Yeltsin...Trong bài phát biểu trên truyền hình, đương kim tổng thống Nga Putin nhớ về người tiền nhiệm của mình như một người: Dũng cảm nhưng thân ái!". Sau đó là những cuộc bầu cử dân chủ đa đảng thực sự và những nhà Dân chủ chính thống như Lê thị công Nhân, Tiến Trung, Nguyễn Vũ Bình đứng ra lãnh đạo đất nước...

Có mâu thuẫn thì giải quyết, ai làm trái lợi ích quốc gia thì các đảng tiến bộ sẽ cùng nhau lên án để rồi tiêu diệt đi, đi mãi rồi sẽ đến, chả lẽ ta sợ cải tổ rồi vẫn như cũ để rồi sợ đến mức không dám nghĩ tới dân chủ ư?

Họ làm được chả lẽ ta kém ?

Bạn nên nhớ: “Sở dĩ có người nô lệ bẩm sinh vì trước đó đã có người nô lệ không bẩm sinh. Họ bị cưỡng bức làm nô lệ, rồi do tính hèn nhát mà họ thành nô lệ mãi. » (Bàn về khế ước xã hội, của Rousseau, Nxb lý luận chính trị, trang 55). Đó là bạn đó!

14. Lịch sử quá khứ và tình hình hiện tại ở Philipine, Indonesia, Srilanca, Iraq, Pakistan, Thailand, Peru, Bolivia, Nam Tư và hàng loạt các nước khác cho thấy khi mà dân trí thấp, khi mà các mâu thuẫn về lịch sử xã hội, tôn giáo và dân tộc phức tạp, khi mà lợi ích cục bộ bị đặt trên lợi ích quốc gia, khi mà các thế lực bên ngoài tìm mọi cách can thiệp chia rẽ để trục lợi, có không ít đảng phái lựa chọn các hình thức khác nhau (hợp pháp và phi pháp và bất bạo động và bạo động) để tạo ra sự hỗn lọan, gây sức ép nhằm thực hiện mục tiêu chính trị của mình. Và lấy cái gì để đảm bảo điều đó không lặp lại ở Việt Nam?

Tại thời điểm này, trong điều kiện hiện nay, với sự chuyên chính (độc tài) của hệ thống luật pháp một đảng kết hợp với chính sách đại đòan kết dân tộc, tôi đồng ý rằng Việt Nam có điều kiện chính trị xã hội ổn định hơn các nứoc trên. Nhưng nếu mở cửa cho đa nguyên xem, bức tranh chính trị- xã hội của Việt Nam sẽ hoàn toàn khác…và đất nước Iraq hiện đang đứng bên bờ vực nội chiến, bất chấp sự có mặt của hơn 130.000 lính Mỹ.

Lời Bình: Nên nhớ, việc phải đi mà không đi thì bao giờ đến? không lẽ vì sợ như thế mà dân Việt ta phải chịu mất quyền con người, mất quyền dân chủ, thực hiện độc tài, chuyên chế mãi sao? Đằng nào cũng phải đi thì nên đi sớm lúc trời trưa nắng gắt!

Nên nhớ chính quyền chuyên chế, độc tài không bao giờ đem lại một xã hội tốt đẹp cho người dân, không thực thi dân chủ thì dân trí không bao giờ được nâng lên! Hãy hình dung chỉ sau hoà bình lập lại ở miền bắc 1 thời gian ngắn thì đã có phong trào “Nhân Văn Giai Phẩm”! Tôi không bàn đến việc sai đúng của phong trào đó ở đây, chỉ nội việc dám đấu tranh, phát biểu quan điểm của mình trái hẳn với quan điểm của lãnh đạo cũng đủ cho thế hệ ngày nay kính phục!

Việc đấu tranh thẳng thắn như thế giờ đây có không?

Mất rồi bạn ạ!

Sẽ chẳng bao giờ có: ‘Sự chuyên chính (độc tài) của hệ thống luật pháp một đảng kết hợp được với chính sách đại đòan kết dân tộc’ đâu.

Đây này, Cách đây 300 năm Montesquieu đã nhận xét: Chính thể dân chủ thì có đạo đức, trong chính thể quân chủ thì có danh diện, trong chính tể chuyên chế chỉ có sự sợ hãi vì ở đây đạo đức là không cần thiết và danh diện sẽ là nguy hiểm. (Bàn về tinh thần pháp luật.Montesquieu, trang 58, Nxb lý luận chính trị)

Vậy đó nước chuyên chế thì đạo đức và danh diện đều không tồn tại chỉ có sự sợ hãi mà thôi!

Bạn có thích sống ở đó?

15. Có nhiều trắc trở khó khăn nhưng đây không phải là lúc chúng ta đứng trước ngã ba đường để băn khoăn chọn hướng, mà là lúc chúng ta đang tìm cách làm cho con tàu tăng tốc để tiếp tục cuộc hành trình.

Nếu có phải lựa chọn, thì sự lựa chọn lúc này không phải là thêm một lần thử nghiệm rẽ sang phải hay rẽ sang trái, mà là làm sạch bộ máy, chỉnh sửa hỏng hóc, thậm chí thay thế những bộ phận hư hỏng thoái hóa và tiếp thêm nhiên liệu, nguồn lực mới để con tàu đi nhanh hơn, đến đích sớm hơn trên con đường đã chọn.

Lời Bình: Bạn đã sai lầm nghiêm trọng!

Sai 100% rồi!

Không chọn hướng đúng thì Tăng tốc có ích gì? Càng tăng tốc càng xa đích mà thôi!

Hiện thực ở ta càng phát triển thì càng có nhiều con đường rắn lượn qua đất nhà quan! Vậy sau này con cháu có sửa được đường đó không? hay là lại tốn hơn làm mới?

Càng phát triển thì bạn và cả tôi càng không dám nói thẳng nói thật! Vậy có bằng ngày xưa không?

Ngày xưa Bác Hồ xuất bản “Bản án chế độ thực dân Pháp” tại Pari, vậy gìơ đây tôi xuất bản “Bản án chế độ cộng sản Việt nam” tại Hà nội có được không? Ai cho tôi xuất bản bạn nói cho tôi biết với! Chắc bạn không định nói vì Thực dân Pháp thối nát nên họ mới cho xuất bản như thế!

Nên nhớ: Làm sạch bộ máy chỉ đạt được khi đa nguyên đa đảng!

Xin tranh luận đôi điều, điều gì thất thố mong bạn thông cảm, mong nhận được hồi âm từ bạn và những người quan tâm.

 Trung Ngôn

1.5.2008
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn