BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Quá khứ bi thảm – Tương lai huy hoàng

30 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 1319)
Quá khứ bi thảm – Tương lai huy hoàng
52Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.73
Sau hơn ba thập niên Hoa Kỳ rút lui khỏi cuộc chiến VN, chấm dứt sự can dự ở Đông Nam Á (ĐNÁ), tình hình ở đây bước vào một khúc quanh lớn khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ bà Hillary Clinton đến Thái Lan ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với các nước ASEAN. Trong cuộc họp báo khi vừa đến Bangkok ngày 22/07/2009, bà Hillary Clinton tuyên bố: “Tôi muốn gởi một thông điệp rất rõ ràng là Hoa Kỳ đã trở lại Đông Nam Á”.

Sự trở lại ĐNÁ của Mỹ là để cân bằng thế lực với Trung Quốc (TQ). Sau lời tuyên bố của bà Clinton, từ đầu năm 2010 TQ đã bắn tiếng với Hoa Kỳ khi họ công khai tuyên bố biển Đông là “quyền lợi cốt lõi” của họ. Để thực hiện mục tiêu trên, Trung Quốc liên tiếp mở các cuộc tập trận ở biển Đông kéo dài đến tận eo biển Malacca và thực tập oanh tạc các mục tiêu trong khu vực đảo Trường Sa. Nhìn vào bản đồ, người ta sẽ thấy 10 quốc gia khối ASEAN đều nằm chung quanh biển Đông; theo chiều kim đồng hồ, kéo dài từ Phi Luật Tân xuống Brunei, Nam Dương, Singapore, Mã Lai, và vòng lên VN, Cam Bốt, Lào, Thái Lan và Miến Điện.

Trước sự diệu võ dương oai của Trung Quốc, ngày 23/07/2010 tại Hội nghị thường niên của Diễn đàn khu vực ASEAN (Asean Regional Forum – ARF) tại Hà Nội, bà Hillary Clinton tuyên bố: “Mỹ chống lại bất cứ quốc gia nào xữ dụng vũ lực ở biển Đông, vì lẽ Hoa Kỳ cũng như các quốc gia khác cũng có “quyền lợi thiết yếu” về tự do lưu thông trên các thủy lộ và tôn trọng luật pháp quốc tế trên biển Đông”. Sau đó, Hoa Kỳ đưa Hàng không mẫu hạm George Washington vào khu vực Đông Bắc Á tham dự cuộc tập trận với Quân đội Đại Hàn (Nam Triều Tiên). Sau cuộc tập trận, Hàng không mẫu hạm của Mỹ di chuyển xuống ĐNÁ, có mặt ngoài khơi miền Trung của VN. Họ mời một phái đoàn giới chức chính phủ và quân sự của VN đi thăm tàu, vài ngày sau khu trục hạm USS John McCain ghé cảng Đà Nẵng.

Lời lẽ của bà Clinton tuy nhỏ nhẹ, nhưng cương quyết khiến Trung Quốc phải dịu giọng. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng “Nhận xét của bà Clinton có vẻ như thực sự nhằm mục đích tấn công TQ bằng cách tạo ra ảo ảnh rằng tình hình biển Đông là đáng báo động. Thực sự, an ninh trên biển Đông hoàn toàn được bảo đảm và TQ luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình qua thương thuyết”. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao TQ đưa ra đề nghị 5 điểm, trong đó họ chấp nhận thương thuyết giữa sáu nước về chủ quyền đảo Trường Sa.

Việc tự do lưu thông ở biển Đông ảnh hưởng đến sự phát triển phồn vinh của nhiều nước Đông Á, nên vấn đề an ninh, ổn định trong khu vực là điều cấp thiết. Vì thế mà trong tháng Mười vừa qua, VN đang đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN đã triệu tập hai hội nghị quan trọng tại Hà Nội. Đầu tiên là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN, Hoa Kỳ và các cường quốc bao quanh các nước ASEAN là Ấn Độ, Nga, Trung Cộng, Nhật Bản, Đại Hàn, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan. Đến cuối tháng là Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (East Asia Summit). Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Robert Gates đã tuyên bố: “Hoa Kỳ luôn luôn xữ dụng quyền của mình và bảo vệ quyền của các nước khác được tự do lưu thông và hoạt động trong hải phận quốc tế. Điều đó không thay đổi, cũng như Hoa Kỳ sẽ không thay đổi các cam kết của chúng tôi về những hoạt động chung với các đồng minh và những nước cộng tác”. Lời khẳng định của Robert Gates về quyết tâm của Mỹ khiến Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt phải xuống giọng, không còn đề cập đến quyền lợi cốt lõi của TQ ở biển Đông nữa. Đó là quyền lợi của tất cả các nước chung quanh biển Đông, trong đó có các cường lực lớn Nga, Mỹ, Ấn và Nhật. Ngay sau đó, Lương Quang Liệt đã ngõ lời mời Robert Gates sang thăm Bắc Kinh vào đầu năm tới... Các biến động trên khiến thực trạng VN có sự thay đổi lớn.

Lịch sử đổi chiều: Việt Nam xem Trung Quốc là địch thủ

Đó là tựa đề bài viết “In historic turn, Vietnam casts China as opponent” của ký giả John Pomfret trên tờ Washington Post ngày 30/10/2010. Bài báo dẫn chứng: “Cách đây ba tuần có một cuộc triển lãm tại Viện Bảo tàng Quân sự VN. Trong một hành lang dài, một bên trình bày các chứng tích của hai cuộc chiến với Hoa Kỳ và Pháp… Có điều mới lạ là phía bên kia hành lang triển lãm. Dọc tường hành lang là các tranh minh họa, giáo mác, các khẩu hiệu của vua chúa và tướng sĩ Việt Nam với rất nhiều chi tiết của cuộc đấu tranh dài với Trung Quốc qua nhiều niên biểu như các trận đánh năm 1077, 1258 và những trận thư hùng trong thế kỷ 16, 19. Cung cách trình bày -đặt một bên là ‘Những kẻ xăm lăng Tây phương’, một bên là ‘Thiên triều Trung quốc’ cho thấy một sự thay đổi tâm lý lớn trong giới lãnh đạo Việt Nam và là cái gai đối với Trung Quốc”.

Bài báo viết tiếp: “Trung Quốc từng cố gắng siết chặt quan hệ thân hữu với chính quyền CSVN...” Nhưng Trung Quốc càng mạnh, càng có thái độ uy hiếp VN, nên các nhà lãnh đạo Việt Nam trở nên cảnh giác ý đồ của ông bạn lớn phương Bắc. Đối với Việt Nam, Trung Quốc đang mất dần tư cách bạn bè thân hữu và trở thành một lân bang đáng ngại như VN vẫn thường xem từ ngàn xưa. Thay đổi cách nhìn về TQ, VN tìm bạn trên thế giới để phòng chống TQ, quan trọng nhất là Hoa Kỳ… Thứ trưởng QP Nguyễn Chí Vịnh trong một cuộc phỏng vấn mới đây đã nói ‘Có thêm một người bạn là tốt, nhất là khi người bạn đó là một cựu thù’. Dấu hiệu xích lại gần nhau giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thể hiện rõ qua chuyến viếng thăm Hà Nội của bà Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton. Đây là chuyến thăm VN lần thứ hai của bà Clinton trong vòng 4 tháng. Ba tuần trước, Bộ trưởng Quốc Phòng Robert Gates cũng đã đến Hà Nội. Một viên chức cao cấp Việt Nam không nêu tên đã nhận định ‘Hoa Kỳ đã chiến đấu tại Việt Nam để ngăn chận Trung Quốc, thì nay Hoa Kỳ kết bạn với VN cũng để ngăn chận ảnh hưởng của Trung Quốc thôi’. Cuộc viếng thăm hai ngày vừa qua của NT Hillary Clinton là để Hoa Kỳ tham dự hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Tác giả còn đề cập đến nhận xét của nhà văn Bảo Ninh – một cán binh Quân đội Bắc Việt từng đánh nhau với lính Mỹ ở miền Nam VN, sau chiến tranh, đã viết cuốn tiểu thuyết nổi danh Nổi buồn chiến tranh(Sorrow of War). Mới đây, ông đã phát biểu: “Hãy để cuộc chiến tranh đã qua cho các nhà văn. Thế hệ chúng tôi không có gì để oán trách Hoa Kỳ. Nếu hỏi ý kiến của các quân nhân, quý vị sẽ thấy đa số có cảm tình với Hoa Kỳ”.

Theo ký giả John Pomfret: “Mục tiêu chung của Việt Nam và Hoa Kỳ là không để cho TQ chiếm cứ biển Đông làm sở hữu chủ. TQ đã tuyên bố chủ quyền trên một triệu dặm vuông của biển Đông, và đã gởi một đoàn tàu tuần tra duyên hải hùng hậu vào biển Đông sách nhiễu ngư dân VN không cho đánh cá. Họ hăm dọa các công ty nước ngoài có giao kèo tìm dầu khí ngoài khơi bờ biển VN. Để đối phó với hiểm họa phương Bắc, ngoài Hoa Kỳ, VN còn tìm đồng minh với Liên bang Nga. Năm 2009 VN mua 5 tàu ngầm loại Kilo của Nga. VN kết thân với Ấn Độ và nhờ Ấn giúp tối tân hóa các không đội Mig-21. VN còn kết thân với Nhật và Nam Hàn. Năm năm trước VN đã cho phép công dân hai nước này vào VN không cần xin chiếu khán nhập cảnh trước”.

Nhà báo Nayan Chanda, tác giả cuốn Brother Enemy (Anh em trở thành thù địch) một cuốn sách miêu tả quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, đã nhận định ‘VN đang đánh một nước cờ tế nhị khi muốn nói với TQ rằng chúng tôi cũng đang có những người bạn cường quốc’. (Trần Bình Nam lược dịch, Bán Tuần San Việt Luận Úc Châu số 2507, Thứ Sáu 05/11/2010)

Quan điểm của đồng bào trong ngoài nước trước bước ngoặc lớn của lịch sử

Lần đầu tiên tại Việt Nam, báo chí và các cơ quan truyền thông nhà nước công khai loan tãi những lời tuyên bố cứng rắn của bà Hillary Clinton và Robert Gates với lời bình luận lộ vẻ có thiện cảm với Hoa Kỳ. Đồng bào trong và ngoài nước đều kỳ vọng đất nước sẽ có những sự thay đổi lớn có lợi cho dân tộc trong những ngày sắp đến.

- Tại Mỹ, ông Ngô Vĩnh Long nguyên là sinh viên Việt Nam “thiên tả” đầu tiên công khai bày tỏ lập trường phản đối chiến tranh Việt Nam, ông được tuyển vào Đại Học Harvard hồi cuối năm 1964. Hiện nay là Giáo sư về lịch sử Châu Á tại Đại học Maine, ông chủ trương: “Việt Nam trong thế bị Trung Quốc ức hiếp cần phải nắm lấy thời cơ này để có chính sách thỏa đáng nhằm giải tỏa sức ép từ phía Bắc Kinh, bảo vệ tư thế độc lập của mình”. (Trọng Nghĩa, “VN cần tranh thủ thời cơ Hoa Kỳ cải thiện quan hệ với ĐNÁ để hạn chế sức ép từ TQ”, RFI 28/07/2009.) Tuy chủ trương Việt Nam phải liên minh với ASEAN và HOA Kỳ, Gs Long vẫn nhấn mạnh phương châm “dựa vào dân để tránh thế yếu”. Vì thế “Chính phủ Việt Nam phải để cho người dân VN, trí thức và dân chúng trên thế giới bàn về chuyện này. (“Tranh chấp biển Đông: Dựa vào dân để tránh thế yếu” - Lê Quang phỏng vấn GS Ngô Vĩnh Long - Tuần Việt Nam 31/03/2010.)

- Tại Pháp, kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng và nhóm Thông Luận nhận định “Hoa Kỳ trở lại ĐNÁ vào lúc này chỉ giản dị là trở lại VN, có nghĩa là Mỹ sẽ tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam, không để Trung Quốc ức hiếp Việt Nam nữa. Việt Nam bắt buộc phải đi đến đồng minh với Mỹ. Sau khúc quanh lịch sử này, chọn lựa kế tiếp của CSVN là thẳng thắn chấp nhận dân chủ đa nguyên, thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc và tự hóa thân thành một đảng hoàn toàn khác về cả đường lối và nhân sự lãnh đạo. Chần chừ đồng nghĩa với tự sát. (Nguyễn Gia Kiểng, Bắt đầu một giai đoạn thay đổi dồn dập, Việt Luận, Úc Châu số 2487, Thứ Sáu 27-08-2010)

- Trong nước, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ thuộc thành phần trí thức “tinh hoa” của CS, trong bài phỏng vấn dành cho đài VOA hồi đầu tháng Tư 2010 đã nhận định “VN phải dựa hẳn vào Hoa Kỳ, tìm cách liên minh quân sự với Hoa Kỳ”. Lý do, vì “siêu cường quốc quân sự này là quốc gia duy nhất có chính sách kìm hãm sự bành trướng trên biển của Trung Quốc với sự hiện diện của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương. Liên minh quân sự với Mỹ thì Việt Nam chắc chắn sẽ bảo vệ được Trường Sa nói riêng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ nóí chung trước mọi cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc và qua đó bảo vệ được nền độc lập của chính mình”. (Huy Phương, “TS Cù Hà Huy Vũ: Tham vọng của TQ trong cuộc tranh chấp quá rõ ràng”, VOA 09/04/2010). (6)

Các đảng phái và tổ chức chính trị hải ngoại trước các biến động của thời cuộc

Trước các biến động của thời cuộc, các đảng phái và đoàn thể chính trị cũng hăng hái Tại Sydney từ cuối tháng Mười 2010 đã có các cuộc hội thảo chính trị:

Ông Nguyễn Gia Kiểng - Thường trực Ban Lãnh Đạo Tập hợp Dân chủ Đa nguyên đến từ Paris, thảo luận với đồng hương về tình hình đất nước (29/10). Ông đặc biệt chú trọng đến sự trở lại của Hoa Kỳ, những biến động chính trị ngoạn mục tại Trung Quốc như việc nhà tranh đấu dân chủ của Trung Quốc là Lưu Hiểu Ba được giải Nobel Hòa bình, việc Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tuyên bố Dân chủ là một khát vọng không thể phủ nhận được. Chế độ độc tài của đảng CSVN đang bị thử thách nghiêm trọng trước những vấn nạn lớn xảy ra ngoài ý muốn mà họ không giải quyết được. Tình thế đòi hỏi một lực lượng dân chủ mạnh phải có tư tưởng chính trị chỉ đạo, được học tập văn hóa tổ chức, có dự án chính trị khả thi và có nhân sự quyết tâm mới nắm bắt lấy các điều kiện thuận lợi đang xảy ra để làm nên lịch sử: đưa đất nước vào kỷ nguyên tự do.

Tiếp theo là cuộc hội thảo chính trị ngày 14/11/2010 do Liên minh Dân chủ Việt Nam khu bộ Úc châu tổ chức. Diễn giả đến từ Hoa Kỳ là Bác sĩ Mã Xái -Chủ tịch và Tiến sĩ Lê Minh Nguyên - Phó Chủ tịch Đảng Tân Đại Việt trình bày hai đề tài “VN trước đại họa mất nước” và ” Vai trò của ý thức hệ trong cuộc đấu tranh để giải thể chế độ CSVN”. Ý thức hệ đó là chủ nghĩa Dân tộc Sinh tồn là nền tảng của Đại Việt Quốc Dân Đảng do nhà cách mạng Trương Tử Anh phác họa từ những năm 1930. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã khai triển thuyết dân tộc sinh tồn thành chủ nghĩa quốc gia khoa học khi ông thành lập Đảng Tân Đại Việt hồi năm 1964. Sau biến cố 30/4/1975, trên bước đường lưu vong Gs Huy thành lập LMDCVN.

Theo GS Huy, sự sinh tồn của dân tộc phải tùy thuộc vào qui luật phát triển, phù họp với xu thế chung và đặc trưng của dân tộc, chớ không thể cưỡng ép sự sinh tồn bằng ý muốn cá nhân của người lãnh đạo. Nó xuất phát từ lòng dân, ý nguyện của dân, khởi xướng từ dân lên, chớ không phải từ lãnh tụ xuống. Thuyết dân tộc sinh tồn đòi hỏi sự đoàn kết, hợp tác và khoan dung giữa các lực lượng kết thành dân tộc. Mối liên kết giữa các lực lượng dân tộc dựa trên cơ sở tôn trọng tự do dân chủ, thượng tôn pháp luật. Bản chất của chế độ dân chủ là phải chấp nhận những thế lực đối kháng với nền dân chủ và tìm cách thuyết phục nó chớ không phải tiêu diệt nó. Nó hoàn toàn đối nghịch với ý thức hệ chủ nghĩa CS. Trong bước ngoặc lớn của lịch sử, LMDCVN chủ trương đại đoàn kết toàn dân, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, thực hiện chế độ tự do dân chủ để xây dựng đất nước phồn vinh, chớ không phải một nước VN Cộng sản dựa trên một số cá nhân “tài tình” và một thể chế độc tài.

Cuối cùng là lễ ra mắt Lực lượng Dân tộc Cứu nguy Tổ quốc (LLCQ) ngày 20/11/2010. LLCQ bao gồm Tập hợp Đồng Tâm (Úc châu), Tổ chức Phục hưng VN của ông Trần Quốc Bảo ở Hoa Kỳ và Phong trào Quốc dân đòi trả tên Sàigòn của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ. LLCQ chủ trương tranh đấu trong ôn hòa để thực hiện hai mục tiêu là giải thể chế độ CS và chận đứng hiểm họa Bắc thuộc. Chương trình hành động của LLCQ là đập tan “thần tượng Hồ Chí Minh”, ép buộc đảng CSVN hủy bỏ điều 4 trong Hiến pháp, tố cáo âm mưu thôn tính VN của TQ dưới sự tiếp tay của chính quyền Hà Nội, vạch trần tình trạng bất công tham nhũng và thối nát của xã hội VN hiện nay. Đồng thời LLCQ tích cực yểm trợ các chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ ở trong nước, các phong trào đòi dân sinh của giới công nhân và nông dân, phong trào đòi tự do tín ngưỡng của các tôn giáo…

Phản ứng của Đảng CSVN: Tổ chức Đại lễ Nghìn Năm Thăng Long-Hà Nội (1010-2010)

Song song với ba hội nghị quốc tế quan trọng về an ninh và ổn định ở khu vực Đông Á được tổ chức tại Hà Nội (được đề cập ở phần trên) rất có lợi cho VN trong bối cảnh bị TQ chèn ép… Giới lãnh đạo CSVN tổ chức kỷ niệm Nghìn Năm Thăng Long-Hà Nội thật “hoành tráng” với tổng kinh phí chuẩn bị và tiến hành đại lễ lên đến 100 ngàn tỷ đồng tức gần 5 tỷ mỹ kim. Đại lễ khai mạc ngày 1/10 và kết thúc ngày 10/10, trong khi lịch sử đã ghi rõ Lý Công Uẩn dời đô về thành Thăng Long vào mùa Thu, tháng Bảy năm Canh Tuất (1010). Ai cũng biết 1/10 là ngày quốc khánh Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tức TQ. Còn 10/10 thường gọi là ngày Song Thập - quốc khánh của Cộng hòa Trung Hoa hay TH Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch (trước 1949) hiện nay là Đài Loan.

Qua đại lễ trên, nhiều nguồn dư luận cho rằng Hà Nội ngày nay đã thần phục và chịu ảnh hưởng toàn diện của Bắc Kinh. Tôi nghi ngờ ý nghĩ này, không tin giới lãnh đạo CSVN đã mê muội đến nổi không hiểu được “thế nước lòng dân” và có hành động “vong bản” quá sức lộ liễu như vậy. Tôi nghĩ rằng giới lãnh đạo ở Hà Nội có ý nghĩ khác, và cầu mong đó là sự thật. Họ lợi dụng cơ hội ngàn năm một thuở này, khai mạc Đại lễ Nghìn Năm Thăng Long vào đúng ngày 01/10 để bày tỏ lòng tri ân đối với đảng CS Trung Quốc. Ngày 01/10/1949 nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời và ba tháng sau CHNDTH là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (18/01/1950) và đã tận tình chi viện nhân vật lực giúp CSVN kháng chiến chống Pháp và Mỹ sau này. CSVN có được địa vị như ngày nay là nhờ Trung Quốc. Tri ân người giúp mình là phù hợp với truyền thống dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”. Nhưng rất tiếc, vì những hành động của chính quyền Hà Nội sau 1975, khiến Đặng Tiểu Bình lên án CSVN là phường vong ân bội nghĩa.

Năm nay 2010, kỷ niệm 60 năm mối bang giao hai nước Việt Nam/Trung Quốc (1950-2010), và như nhận định của ký giả Pomfret của tờ Washington Post “đối với VN, TQ đang mất dần tư cách bạn bè thân hữu và trở thành một lân bang đáng ngại như VN vẫn thường xem từ ngàn xưa”. Vì thế kết thúc mối giao hảo 60 năm cũng để bế mạc đại lễ Nghìn năm Thăng Long vào ngày 10/10, là để quay về thời điểm năm 1945, nước VNDCCH ra đời với tiêu đề Độc lập-Tự do-Hạnh phúc. Tiêu đề này xuất phát từ Chủ nghĩa Tam dân của Bác sĩ Tôn Dật Tiên (Trung Hoa Dân Quốc, tiền thân của Cộng Hòa Trung Hoa hay Trung Hoa Quốc Dân Đảng). Đó là Dân tộc độc lập - Dân quyền tự do - Dân sinh hạnh phúc để làm nền tảng cho chế độ mới.

Ba tiêu đề trên cùng với ý niệm tự do bình đẳng là khát vọng ngàn đời của đồng bào, nên từ tháng 9/1945 họ hướng về HCM coi ông như vị cứu tinh dân tộc. Trong Tuyên ngôn Độc lập, ông HCM đã nói ngày ông HCM đọc Tuyên ngôn độc lập: “Hỡi đồng bào cả nước, Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Lời nói bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu nói ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là lẽ phải không ai chối cãi được…

Nếu như ông Hồ vì lợi ích dân tộc, chân thành đàm phán với Trung Hoa Quốc Dân Đảng và Pháp hồi năm 1945/1946, thì đất nước đã độc lập từ hơn nửa thế kỷ trước. Như thế CSVN chọn ngày 01/10 và 10/10 làm lễ khai mạc và bế mạc Đại lễ Nghìn Năm Thăng Long là có ý nghĩa lịch sử: Chấm dứt quá khứ bi thảm, lệ thuộc Tàu Cộng mà hậu quả là chiến tranh tàn khốc kéo dài quá lâu, đất nước tụt hậu, nhân dân ly tán, hận thù dân tộc, đạo đức suy đồi… Để mở đầu tương lai huy hoàng, dân tộc độc lập, tự do hạnh phúc, văn minh tiến bộ. Vì thế việc trước tiên là tri ân Đảng CS Trung Quốc, rồi sau đó từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản để quay về với dân tộc.

Trong niềm kỳ vọng đó, tôi rất vui mừng đón nhận quyển hồi ký Thời Đại Của Tôi của Giáo sư Vũ Quốc Thúc dày ngót 1100 trang. Suốt cuộc đời phục vụ quốc gia, nay vào tuổi 90, vị tôn sư của nhiều thế hệ trí thức, đã ghi lại những bước thăng trầm của đất nước và nhắc nhở các thế hệ tương lai “Tương lai đất nước tùy thuộc rất nhiều ở cách suy tư cũng như xử sự của mọi người Việt, đặc biệt của những kẻ đang cầm quyền”. Do đó nhân dịp CSVN tổ chức đại lễ kỷ niệm Nghìn Năm Thăng Long, tôi xin sơ lược những nét chính của mối bang giao giữa VN và TQ trong 10 thế kỷ qua. Đặc biệt là sự can dự của HOA Kỳ và TQ vào nội tình VN trong 65 năm cuối cùng (1945-2010) mà Giáo sư Thúc là một chứng nhân của thời đại, hầu giúp đồng bào có cơ sở để suy tư và xử sự.

Bang giao Việt Nam-Trung Hoa trong 1000 năm qua

Chiến thắng của Ngô Quyền, đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938 đã chấm dứt thời kỳ dân tộc ta bị Tàu đô hộ kéo dài hơn một ngàn năm. Chế độ Tiết Độ sứ bị bãi bỏ, Ngô Quyền xưng vương dời đô từ thành Đại La là di tích của thời Bắc thuộc, ngài chọn Cổ Loa làm kinh đô của đất nước độc lập. Ngô Vương làm vua được 6 năm thì mất, chánh quyền trung ương ngày càng suy yếu, đưa đến loạn 12 sứ quân. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lần lượt dẹp hết các sứ quân, tái thống nhất đất nước, xưng đế hiệu Tiên Hoàng, lấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt đóng đô ở Hoa Lư. Năm 980 Đinh Tiên Hoàng mất, thái tử còn nhỏ, quân Bắc Tống lăm le xâm chiếm nước ta, triều đình tôn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua để chống giặc. Triều đại (Tiền) Lê kéo dài đến năm 1009, vua Lê Ngọa Triều mất, Lý Công Uẩn được triều thần và giới tăng lữ Phật Giáo tôn lên ngôi vua, mở đầu triều đại nhà Lý kéo dài hơn hai thế kỷ (1010-1225)

Tháng Bảy năm Canh Tuất (1010), vua Thái Tổ nhà Lý (Công Uẩn) dời kinh đô nước Đại Việt từ Hoa Lư về Thăng Long tức thành Đại La cũ. Lịch sử ghi nhận thiên niên kỷ vừa qua, là kỷ nguyên tự chủ của dân tộc. Tuy giành được quyền tự chủ, song đất nước vẫn chưa độc lập hoàn toàn, vua Lý Thái Tổ phải cầu phong triều đình nhà Tống bên Tàu, nhận sắc phong Giao Chỉ quận vương Tĩnh Hải quận tiết độ sứ. Thái độ thần phục là hình thức để làm vừa lòng bọn phong kiến phương Bắc, chúng luôn tự nhận là Thiên triều, cái rún của vũ trụ.

Nhờ cái danh hão đó, mà các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn cùng tồn tại lâu dài với triều đại lớn bên Tàu là Tống, Nguyên, Minh, Thanh trong suốt 9 thế kỷ. Trong thời gian dài đó, chủ quyền đất nước đã được xác định như bốn câu thơ vang vọng trong đêm khuya trên sông Như Nguyệt (Sông Cầu) năm 1077:
“Nam quốc sơn hà, Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẵng hành khan thủ bai hư”.

(Nước Nam thì vua nước Nam ở,
Rõ ràng số phận đó đã được định trong sổ Trời.
Cớ sao nghịch tặc lại sang xâm chiếm?
Bọn bây sẽ thấy, phải chuốc lấy thất bại)

Hai thế kỷ sau, vị thế hai nước được phân định rõ ràng, nhưng Bắc phương lại gây sự, khiến Đại Việt phải ra tay “điếu phạt” như lời Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước vì đại nghĩa.
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Non nước cỏi bờ đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Ngô Đinh Lý Trần, bao đời xây nền độc lập,
Cùng Hán Đường Tống Nguyên, mỗi bên hùng cứ một phương.
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có”.

Việc cầu phong và thần phục là cách hành xử ngoại giao khôn khéo của các triều đại phong kiến nước ta: sống hòa bình với phương Bắc để dồn nổ lực mở rộng bờ cỏi về phương Nam. Trong suốt thời kỳ tự chủ, nước Tàu không xâm chiếm được một tất đất nào của tổ tiên để lại. Chỉ có bốn lần chúng gây hấn nhưng đều bị quân dân Đại Việt đánh bại để bảo vệ nền tự chủ.

1- Nhà Lý chiến thắng quân Tống

Năm 1069, Tống Thần Tông dùng Vương An Thạch làm tể tướng thi hành Tân Pháp canh tân xứ sở. Nhà Tống vừa được ổn định, năm Ất Mão 1075 Vương An Thạch tâu vua Tống rằng nước ta đang bận chống cự Chiêm Thành, nên thừa dịp này đánh chiếm được. Chúng tập trung lập lượng, lập căn cứ để chuẩn bị xâm chiếm nước ta. Biết được ý định của nhà Tống, triều đình sai Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem 10 vạn quân vượt biên giới đánh phá các căn cứ địa xuất phát cuộc chiến xâm lược ở châu Khâm, châu Liêm và châu Ung. Nhà Tống gởi chiếu thư sang đòi vua ta phải thần phục sang chầu và ăn năn việc tấn công thiên triều, nếu không, họ sẽ thay mệnh trời trừng phạt.

Vua ta không đáp ứng nên họ ra tay. Năm 1076 chúng sai Quách Quì làm Chiêu thảo sứ đưa quân đánh nước ta, lại cấu kết với Chiêm Thành Chân Lạp quấy nhiễu mặt Nam. Quân Đại Việt đang đối đầu với quân Tống trên sông Như Nguyệt, hai bên nghe văng vẳng bốn câu thơ như đề cập. Cả hai bên đều tin tưởng đó là lời thần nhân mách bảo, khiến quân Tống kinh hồn bị Lý Thường Kiệt đánh bại phải rút quân về nước.

2- Nhà Trần đánh thắng quân Nguyên (Mông Cổ)

Vào giữa thế kỷ 13, Đế quốc Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn đã tung hoành từ Á sang Âu, gồm thâu trên 40 nước. Năm Đinh Tý 1257, Hốt Tất Liệt đem quân đánh nhà Tống, tướng Mông Cổ - Ngột Lương Hợp Thai sai sứ sang Đại Việt bảo vua Trần Thái Tông phải thần phục Mông Cổ. Vua Trần không những không chịu mà còn giam sứ giả, đồng thời sai Trần Quốc Tuấn động binh trấn giữ cửa ngõ ở phía bắc. Ngay sau đó, Mông Cổ đưa bốn vạn quân từ Vân Nam theo sông Thao (Sông Hồng) tiến xuống Hưng Hóa và Thăng Long. Triều đình nhà Trần rời kinh đô về đóng ở Thiên Mạc củng cố lực lượng để phản công. Quân Mông Cổ không hợp thủy thổ phương Nam, lại bị quân sĩ của Hưng Đạo Vương tấn công, bị tổn thất nặng tại Đông Bộ Đầu, cuối cùng phải theo đường cũ chạy về Tàu.

Thập niên sau, Mông Cổ lại gây hấn. Năm Canh Ngọ 1270 chúng bắt bẽ vua nhà Trần tiếp chiếu mà không chịu lạy, không tiếp đón sứ Tàu theo lẽ vương nhân. Vua Trần Thánh Tôn trả lời: “Bản quốc được thiên triều phong vương, há không phải là vương nhân sao? Sứ giả của thiên triều lại xưng mình là vương nhân thì e làm nhục phong thể triều đình, huống chi bản quốc trước đã tiếp chiếu thư, được chỉ bảo cứ theo nguyên tục cũ”. Năm 1271, Hốt Tất Liệt cho sứ sang dụ vua Thánh Tông sang chầu, vua cáo bịnh không đi. Năm sau vua Nguyên cho sứ sang tìm cột đồng Mã Viện, vua ta đáp “cột đồng ấy lâu ngày đã mất rồi”.

Năm 1279, Mông Cổ đánh bại nhà Tống, thành lập triều Nguyên ở bên Tàu. Chúng sai sứ sang Đại Việt trách cứ vua Trần Nhân Tông lên làm vua, không xin phép cũng không sang chầu, và hăm dọa “nếu triều đình trị tội thì Ngài trốn lỗi ấy vào đâu? Xin Ngài nghĩ kỷ lại”. Năm 1281 vua Trần cử chú họ là Trần Di Ái sang chầu Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt). Nguyên chúa không chịu, lập Di Ái làm An Nam Quốc Vương, đổi nước ta là An Nam Tuyên úy Ty, cử quan viên sang cai trị các châu huyện. Năm 1282, họ đưa Trần Di Ái về nước, cử Thái tử Thoát Hoan làm Trấn Nam Vương cùng hữu thừa tướng Toa Đô, Tả Thừa Lưu Thâm, Tham chính A Lý và Ô Mã Nhi đi đánh Chiêm Thành, họ yêu cầu nước ta phải giúp nhân lực và quân lương.

Vua Trần Nhân Tông nhún nhường từ chối, trả lời: “Từ khi lão phụ tôi quy thuận thiên triều đến nay đã 30 năm – can qua tỏ ra không dùng nữa, quân lính đổi ra làm dân đinh. Còn việc giúp lương, nước tôi nhỏ bé, đất giáp với biển, ngũ cốc sản xuất không nhiều”. Cuối năm Giáp Thân 1284, quân Nguyên quyết dùng vũ lực thôn tính nước ta, đưa 50 vạn quân từ phía Bắc và 10 vạn quân từ phía Nam tiến đánh Thăng Long. Cuộc chiến diễn ra ác liệt, quân nhà Trần lần lượt chiến thắng quân Nguyên ở Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương… Toa Đô tử trận, cuối cùng vào giữa năm Ất Dậu 1285, Thái tử Thoát Hoan và Ô Mã Nhi dẫn tàn quân trở về Tàu.

Lúc bấy giờ nhà Nguyên bận đánh Nhật Bản nên đình chỉ việc thôn tính nước Nam, chuẩn bị dốc toàn lực để phục thù. Năm Mậu Tý 1288, Thoát Hoan và Ô Mã Nhi mở cuộc xâm lược lần thứ ba, quân Nguyên lại đại bại ở trận Vân Đồn và Bạch Đằng. Ô Mã Nhi bị bắt sống, Thái tử Thoát Hoan hoảng sợ cùng chư tướng Mông Cổ tháo lui bằng đường bộ. Để tránh chiến tranh tiếp diễn, sau đó vua Trần sai sứ sang Tàu xin thần phục nhà Nguyên, chịu triều cống như xưa. Chúng đòi vua Trần phải sang chầu, nhưng nhà vua luôn tìm mọi cách để thoái thác. Giặc Bắc xâm đã yên, Thượng Hoàng Trần Thánh Tông có làm hai câu thơ để kỷ niệm:
“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu”.
(Xã tắc hai phen bon ngựa đá,
Non sông muôn thuở vững âu vàng)

3- Bình Định Vương Lê Lợi cổi ách đô hộ nhà Minh

Theo lẽ thịnh suy, đến cuối thế kỷ 14, cả hai triều đại Đại Việt và Trung Hoa đều suy yếu. Đế quốc Mông Cổ sau 162 năm tung hoành, đã cáo chung vào năm 1368, sau khi bị Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ) đánh bại, khai sáng nhà Minh. Tại VN, triều đại nhà Trần kéo dài 175 năm thì bị Hồ Quý Ly cướp ngôi vua năm 1400. Minh Thành Tổ kế nghiệp Minh Thái Tổ, sau khi củng cố xong vương triều thì toan tính ngay việc thôn tính phương Nam. Cơ hội đã đến khi Trần Thiêm Bình tự xưng là con vua Trần Nghệ Tông cầu xin Minh triều can thiệp để khôi phục nhà Trần. Năm 1406, Minh Thành Tổ đưa quân sang dẹp Hồ Quý Ly, đặt lại ách hộ lên dân tộc ta như lời Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi:
“Họ Hồ ngang ngược, lòng người căm hờn.
Quân Minh thừa dịp hại dân.
Đảng nguỵ manh lòng đem bán nước.
Hỡi lũ đầu đen trên lửa bỏng,
Đẩy phường con đỏ xuống hang sâu.
Dối trời hại dân, gian xảo đủ muôn nghìn lối,
Gây binh nhóm loạn, tàn hại trải hơn mười năm.
Múc cạn nước Đông hải dễ mà rửa sạch tanh nhơ,
Đẵn hết trúc Nam sơn, chẳng đủ biên ghi tội ác.
Thần, người đều căm giận; Trời, đất chẳng dong tha.
…Trước thù lớn làm ngơ không thể,
Cùng giặc già chung sống được sao!

Vì thế vào tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418) Lê Lợi khởi binh ở Lam Sơn để tiêu diệt bộ máy cai trị của quân Minh xâm lược. Sau 8 năm chiến đấu gian khổ, năm 1426 Lê Lợi tiến quân đến Đông Quan để bao vây Thăng Long. Minh đế phái Chinh di tướng quân Vương Thông mang 5 vạn quân sang cứu Đông Quan và bị đại bại tại trận Tuy Động (Hà Đông), Thượng thư Trần Hạp và Nội quan Lý Lương bị giết. Vua nhà Minh liền phái các chiến tướng như Liễu Thăng, Lương Minh, Đô đốc Thôi Tụ, Binh bộ thượng thư Lý Khánh, Công bộ thượng thư Hoàng Phúc thống lĩnh 10 vạn quân theo đường Quảng Tây, tràn vào Ải Nam Quan, tiến vào VN. Một đạo quân khác do Chinh nam tướng quân Mộc Thạnh gồm 5 vạn quân theo hướng Tuyên Quang sang tiếp viện cho Vương Thông ở Đông Đô.

Quân binh trấn thủ Ải Nam Quan thấy quân địch đông và mạnh, nên rút về mai phục ở Chi Lăng. Quân Minh lọt vào trận địa, Liễu Thăng bị chém tại Mã Yên. Hoàng Phúc, Thôi Tụ đem tàn quân chạy về Chí Linh cố thủ và bị bắt sống tại đây. Quân Mộc Thạnh khi tiến vào VN, Bình Định Vương cho đám tù binh mang sắc thư, ấn tính của Liễu Thăng đến bản doanh của Mộc Thạnh. Y hoảng kinh bỏ chạy về nước. Trong tình thế đó, Vương Thông xin cầu hòa, rút quân về nước. Trong bài biểu gởi Minh triều, có câu “Xin thôi đừng vì miếng mất hẻo lánh một phương mà làm nhọc lòng binh lính đi xa muôn dậm. Bây giờ muốn đánh lại phải huy động đại quân như buổi ra đi. Nhưng dù có lấy lại được thì sự giữ sau này cũng vẫn khó lòng”. (Phạm văn Sơn, Việt Sử Tân Biên - Trần Lê Thời Đại Quyển II, Nxb Đại Nam (Hoa Kỳ) tái bản, Tr.462)

4- Quang Trung Nguyễn Huệ chiến thắng quân nhà Thanh

Theo lẽ thăng trầm, hết thịnh đến suy. Minh triều bên Tàu kéo dài 277 năm (1368-1644) thì suy vong, bị quân Mãn Thanh cướp ngôi. Còn triều Lê kéo dài 361 năm từ 1428 đến những năm 1780 thì triều chính rối loạn. Chính quyền chúa Trịnh thối nát, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy từ Phú Xuân kéo ra Bắc “phù Lê, diệt Trịnh”. Dẹp xong họ Trịnh, Nguyễn Huệ rút quân về Nam, để Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại Thăng Long giúp vua Lê. Sau đó, Chỉnh có công trấn áp được sự trổi dậy của thế lực họ Trịnh, nhưng y lại lộng quyền và có ý chống lại Tây Sơn. Vì thế Nguyễn Huệ cử Vũ văn Nhậm đem quân ra Bắc giết Chỉnh. Vua Lê Chiêu Thống rời bỏ kinh thành chạy sang Tàu, cầu cứu triều đình Mãn Thanh. Nhân cơ hội này, vua Càn Long cử Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân sang xâm chiếm nước ta.

Tối 26/12/1788 quân Thanh bắt đầu vượt sông Hồng tiến vào Thăng Long. Chúng lập đồn Ngọc Hồi làm căn cứ phòng ngự do Hứa Thế Hanh phó tướng của Tôn Sĩ Nghị chỉ huy. Một cánh quân do Sầm Nghi Đống phụ trách đóng đồn ở Đống Đa. Được tin quân Thanh vượt biên giới xâm lăng nước ta, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, xưng đế hiệu Quang Trung điều động quân binh từ Phú Xuân kéo ra Bắc. Ngày 15/01/1789 (tức ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân) quân Tây Sơn tập kết tại Tam Điệp, vua Quang Trung quyết tâm tiêu diệt quân Thanh trong những ngày Tết Nguyên đán năm Kỹ Dậu 1789. Do đó Ngài ra lịnh chuyển quân thần tốc đến Thăng Long trong những ngày cận Tết.

Đêm giao thừa năm Kỹ Dậu, quân Tây Sơn chia thành 5 đạo bắt đầu mở cuộc tấn công. Quân Thanh đóng ở đồn Hà Hồi phía nam Thăng Long đầu hàng đêm mùng ba Tết. Sáng mùng năm tết, quân TS công phá đồn Ngọc Hồi, Hứa Thế Hanh tử trận. Một đạo quân khác tấn công đồn Đống Đa, Sầm Nghi Đống hoảng sợ thắt cổ tự tử. Quân TS tiến thẳng đến Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị cùng thuộc hạ vội đào tẩu chạy về Tàu. Phúc An Khang được Càn Long cử thay Tôn Sĩ Nghị, đến Quảng Tây điều động 50 vạn quân chuẩn bị xâm lược Đại Việt một lần nữa để trả thù. Nhưng ông ta nhận thấy quân Tây Sơn quá mạnh nên chủ trương hòa nghị. Vua Càn Long cũng có muốn chiêu dụ Nguyễn Huệ, nên ra chỉ dụ sắc phong Nguyễn Huệ làm “An Nam quốc vương” và có ý định nhân vua Quang Trung làm phò mã.

Một điều không may cho dân tộc là vua Quang Trung đột ngột qua đời (1792), nhà Tây Sơn suy yếu dần. Nguyễn Ánh bắt đầu phản công, từ phương Nam tiến quân ra Bắc, chiếm thành Thăng Long vào giữa tháng Bảy năm 1802. Thống nhất đất nước xong, vua Gia Long (Nguyễn Ánh) chọn Phú Xuân (Huế) làm kinh đô, sai sứ sang Yên Kinh cầu phong, được nhà Thanh sắc phong An Nam Quốc vương.

Ảnh hưởng phong kiến Trung Hoa chấm dứt

Ảnh hưởng Trung Hoa suy tàn dần từ khi Pháp chiếm Nam Kỳ làm thuộc địa. Sau đó thực dân Pháp đặt ách bảo hộ ở Trung và Bắc Kỳ năm 1883. Triều đình Mãn Thanh nhân dịp đó cho quân tràn sang Bắc Kỳ phối họp với giặc Cờ Đen và quân triều đình Huế đánh phá quân Pháp. Sự can thiệp của Tàu bị Pháp dẹp tan, đưa đến Hiệp ước ký tại Thiên Tân ngày 11/5/1884 giữa Francois Fournier và Lý Hồng Chương: Trung Hoa cam kết rút quân khỏi Bắc Kỳ và tôn trọng những hòa ước giữa Pháp và VN. Nước VN đặt dưới sự bảo hộ của nước Pháp được tái xác nhận trong hòa ước Giáp Thân ký ngày 6/6/1984 giữa Patenotre -Đặc sứ toàn quyền Pháp ở Trung Hoa và Lý Hồng Chương. Ảnh hưởng của phong kiến Trung Hoa hoàn toàn chấm dứt tại VN năm 1884. Chiếc ấn mạ vàng của vua Càn Long gởi cho vua Gia Long năm 1803 đã bị hủy bỏ. VN sẽ độc lập hoàn toàn khi chủ nghĩa thực dân cáo chung. Điều này sẽ xảy ra khi Thế chiến II chấm dứt từ sau 1945.

Tình hình Việt Nam từ 1945 đến 2010

Năm nước Đồng minh đã đánh bại Đức, Ý, Nhật, trở thành năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo An LHQ là Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô và Trung Hoa Dân Quốc (Tưởng Giới Thạch) đồng ý sẽ trao trả độc lập cho các thuộc địa của mình sau khi chiến tranh chấm dứt.

Phần đất phía Nam vĩ tuyến 16 trước kia là Nam Kỳ thuộc địa của Pháp, nên khi quân Anh vào đây giải giới Nhật đã giúp Pháp tái lập chủ quyền, sau đó sẽ thương lượng với người bản xứ và trao trả độc lập cho họ. Phần đất Bắc vĩ tuyến 16 nằm trong mặt trận Hoa Nam của Tưởng Giới Thạch trong TC II, nên khi quân TH vào giải giới Nhật, họ giúp những nhà cách mạng VN xây dựng chính quyền thân Trung Hoa. Giữa tháng Chín 1945, 18 vạn quân Tưởng Giới Thạch do Lư Hán và Tiêu Văn chỉ huy vào Hà Nội. Lúc bấy giờ ông HCM đã thành lập chính phủ lâm thời nên Tiêu Văn đề nghị ông HCM cải tổ chính phủ, dành nhiều bộ và chức vụ cho hai lực lượng cách mạng từ bên Tàu về là Việt Cách của Nguyễn Hải Thần và Việt Quốc của Nguyễn Tường Tam. Ngày 19/11/1945 ba lực lượng Việt Minh, Việt Cách và Việt Quốc đồng ý chấm dứt xung đột, thành lập chính phủ thống nhất quốc gia. Chính phủ liên hiệp ra đời ngày 1/1/1946.

Hai tháng sau (28/2/1946) Meyrier - Đại sứ Pháp và Tống Tử Văn đại diện Trung Hoa ký hiệp ước Trùng Khánh: Pháp giao hoàn các lãnh thổ TH mà triều đình nhà Thanh đã nhường cho Pháp hồi thế kỷ trước, cho chính phủ Tưởng Giới Thạch như Thiên Tân, Hán Khẩu, Thượng Hải, Quảng Đông... Đổi lại, quân Pháp sẽ thay thế quân Trung Hoa ở bắc vĩ tuyến 16. Đầu tháng 3/1946, đại diện Pháp là Sainteny đến Hà Nội thảo luận việc thay thế quân Trung Hoa và tương lai chính trị Việt Nam. Hai bên đã ký Thòa ước 06/03/1946: Pháp công nhận nước VNDCCH là một nưóc tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Riêng Nam Kỳ tạm thời do Pháp quản lý để chờ cuộc trưng cầu dân ý. Ba tháng sau, Pháp công nhận nước Cộng hòa Nam Kỳ cũng có những thể chế giống như như nước VNDCCH ở ngoài Bắc. Cả hai chính phủ VNDCCH và Cộng hòa Nam Kỳ đều đòi Pháp công nhận Việt Nam được độc lập và thống nhất.

Đầu tháng Sáu 1946, theo lời mời của chính phủ Pháp, ông Hồ Chí Minh đến Paris để thảo luận tiếp việc trao trả độc lập và thống nhất Việt Nam. Cuộc đàm phán ở Fontainebleau diễn ra trong thời gian ba tháng, ông HCM về nước, sau đó phát động Toàn quốc kháng chiến chống Pháp (19/12/1946). Thất bại với ông HCM, Pháp thương lượng với cựu hoàng Bảo Đại. Năm 1948, Nguyễn Văn Xuân, Thủ tướng Cộng hòa Nam Kỳ được ông Bảo Đại cử giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Lâm thời. Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân đã ký thỏa ước Vịnh Hạ Long với Bollaert - Cao ủy Pháp ở Đông Dương ngày 08/06/1948: Pháp nhìn nhận VN độc lập và tự do thực hiện việc thống nhất quốc gia. Từ thỏa ước trên đưa đến Hiệp ước Elysée được Bảo Đại và Tổng Thống Pháp Vincent Auriol ký ngày 9/3/1949: Pháp chính thức công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập và thống nhất thuộc khối Liên hiệp Pháp. Quốc gia VN chính thức ra đời ngày 1/7/1949, cùng thời điểm với các nước Ấn Độ, Nam Dương, Miến Điện.

Quốc gia Việt Nam độc lập thống nhất vừa ra đời, Mao Trạch Đông chiến thắng ở Hoa Lục. Mao thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và ba tháng sau công nhận nước Việt Nam Dân Chủ Hòa (18/01/1950). Bốn ngày sau, ông Hồ Chí Minh đi Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa xin viện trợ quân sự cho Việt Minh. Trong thời Pháp thuộc, ảnh hưởng TH đã chấm dứt. Nay Pháp tiến hành việc trao trả độc lập cho VN thì ông HCM chủ trương kháng chiến chống Pháp, mang ảnh hưởng TQ trở lại VN. Đảng CS Đông Dương đã tuyên bố tự giải tán ngày 11/11/1945 để ba tổ chức cách mạng Việt Nam là Việt Minh, Việt Quốc và Việt Cách thành lập chính phủ liên hiệp. Từ 1951, Đảng Cộng Sản Đông Dương hoạt động trở lại với danh xưng Đàng Lao Động Việt Nam, tư tưởng Mao được ghi vào điều lệ của đảng.

Hành động đầu tiên của Mao sau khi chiến thắng ở Hoa Lục là ủng hộ Kim Nhật Thành vượt vĩ tuyến 38 tấn công Nam Triều Tiên là khu vực ảnh hưởng Mỹ. Đồng thời biến hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây thành hậu phương lớn yểm trợ CSVN.

Mục tiêu của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam: Ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc

Trước tình thế đó, Hoa Kỳ ủng hộ Pháp để ngăn chận TQ tràn xuống ĐNÁ. Từ cuối tháng Tư 1954, hội nghị Genève được triệu tập để kết thúc chiến tranh ĐD. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Foster Dulles coi chiến tranh ĐD làm nguy hại cho nền hòa bình và an ninh của toàn vùng ĐNÁ và Tây bộ Thái Bình Dương nên “cần phải chấm dứt mau lẹ nhưng với điều kiện là phải bảo đảm tự do và công lý cho tất cả các dân tộc ở khu vực này”. Dulles nhấn mạnh “Nếu Bắc Kinh mưu định giúp Việt Minh can thiệp vào chiến tranh ĐD làm cho hội nghị thất bại thì TQ sẽ nhận một lời cảnh cáo rất cương quyết của Hoa Kỳ”.

Từ giữa tháng Tư 1954 song song với những lời đe dọa dùng sức mạnh can thiệp để thúc đẩy cuộc đàm phán sớm kết thúc, Dulles chỉ chú tâm vào việc thành lập Minh ước Phòng thủ ĐNÁ (SEATO). Ông nhấn mạnh: “ĐNÁ là vùng then chốt trong chiến lược của các cường quốc Tây phương…Trong trường hợp Pháp và TQ đi đến một thỏa thuận chia cắt ĐD thì Minh ước Phòng thủ ĐNÁ sẽ được thành lập>”. Ông Dulles hy vọng tổ chức quân sự này sẽ ngăn chận được mưu đồ bành trướng của Trung Quốc, bảo vệ hòa bình và an ninh ở ĐNÁ, vì mục tiêu của Mỹ là tránh tham chiến ở đây.

Tài liệu của CSVN tiết lộ, trong sách “Sơ lược lịch sử Trung Quốc hiện đại”, xuất bản ở Bắc Kinh năm 1954 có bản đồ vẽ lãnh thổ TQ bao gồm cả nhiều nước chung quanh, kể cả Đông Nam châu Á và vùng biển Đông. Ý đồ bành trướng của Trung Quốc đã lộ rõ trong câu nói của Mao Trạch Đông trong cuộc đàm phán với đại biểu Đảng Lao Động Việt Nam (tiền thân Đảng CSVN) ở Vũ Hán năm 1963: “Tôi sẽ làm chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam Châu Á”. Tháng 9/1963 trong cuộc tiếp xúc với đại biểu bốn đảng cộng sản VN, TQ, Nam Dương và Lào tại Quảng Đông, Thủ Tướng Chu Ân Lai nói: “Nước chúng tôi thì lớn nhưng không có đường ra, cho nên rất mong Đảng lao động VN mở cho một con đường mới xuống Đông Nam châu Á”. (Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, NXB Sự Thật,Hà Nội, 1979, Tr. 13-14 & 17)

Trước đó vào đầu tháng 08/1958, Bắc Kinh đưa ra bản tuyên cáo lãnh hải 12 hải lý với bản đồ đính kèm ghi nhận lãnh hải TQ bao gồm biển Nam hải (biển Đông) trong đó có các đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Không có một nước nào trong khu vực chấp nhận bản tuyên cáo của Trung Quốc, chỉ trừ VNDCCH. Ngày 14/9/1958 Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đã ký công hàm gởi Thủ Tướng Chu Ân Lai công nhận bản tuyên cáo lãnh hải của Trung Quốc với kỳ vọng, Bắc Kinh sẽ trả ơn, giúp Hà Nội “giải phóng” Miền Nam Việt Nam.









Công Hàm của ông Phạm Văn Đồng

Đầu năm 1965, VNCH đứng bên vực của sự sụp đổ. Vì mục tiêu chiến lược ngăn chận Trung Quốc, Hoa Kỳ không còn sự lựa chọn nào khác, đành phải đưa quân vào Miền Nam Việt Nam, cách xa nước Mỹ nửa vòng trái đất, để đương đầu với một địch thủ bất cân xứng về mọi mặt. Hiệu quả tức khắc là cuộc đảo chính của tướng Suharto ở Nam Dương, tiêu diệt nửa triệu đảng viên CS. “Trục Bắc Kinh - Gia-các-ta - Phnôm Pênh – Bình Nhưỡng - Hà Nội” và kế hoạch thông qua In-đô-nê-xia vận động triệu tập “Hội nghị các “lực lượng mới trổi dậy (CONFO) của Trung Quốc (Sự thật về quan hệ VN-TQ trong 30 năm qua, đã dẫn trên, trang 18) đã bị phá sản hoàn toàn. Đối với VN, Hoa Kỳ không dùng sức mạnh để tiêu diệt CS. Họ chỉ tạo điều kiện giúp nhân dân VN thoát khỏi chế độ độc tài CS bằng quyền tự quyết của người dân. Với thiện chí đó, Hoa Kỳ đã bắt nhịp cầu nói chuyện với hai đàn anh của CSVN để chấm dứt chiến tranh bằng một hiệp định hòa bình không có kẻ thắng người bại, chỉ có nhân dân VN là kẻ chiến thắng duy nhất.

Sau khi HĐ Paris 1973 ra đời, vòng vây ngăn chận Trung Quốc tràn xuống ĐNÁ đã hình thành. Nhật, Mã Lai, Singapore, Úc và Tân Tân Tây Lan đều là thân hữu của Mỹ, các quốc gia còn lại được sự lãnh đạo của các thống chế, tướng lãnh thân Mỹ. Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan, Pak Chung Hee ở Đại Hàn, Ferdinand Marcos ở Phi Luật Tân, Suharto ở Nam Dương, Kittykachorn ở Thái Lan, Lon Nol ở Cam Bốt và Nguyễn Văn Thiệu ở Nam VN. Trong bối cảnh đó, VNCH sẽ thực hiện việc hòa giải, hòa hợp dân tộc, xây dựng thể chế dân chủ qua cuộc tuyển cử tự do để tiến đến thống nhất đất nước trong hòa bình. Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh, mở ra thời kỳ hòa bình, hợp tác mọi bên đều có lợi, không riêng cho VN mà cả với hai thế lực lớn từng đối nghịch với mình là Liên Xô và Trung Quốc.

Nhờ đó, mà Đông Nam Á ổn định và hòa bình trong nhiều thập niên qua, nhiều nước như Đại Hàn, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore phát triển thành những con rồng kinh tế ở Á Châu. Riêng Trung Quốc, nhờ có Đặng Tiểu Bình khôn ngoan, nương theo thế cờ của Mỹ, vừa giúp Mỹ (kết thúc chiến tranh lạnh) vừa nhờ Mỹ (canh tân, hiện đại hóa) mà Trung Quốc ngày nay trở thành cường quốc kinh tế, vượt qua Nhật, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.

Về phần Việt Nam, trong 20 năm qua đã có những tiến bộ lớn… Nhưng vẫn còn kém các nước trong vùng, lại vướng mắc những vấn nạn nghiêm trọng do những người tiền nhiệm để lại, nên không thể phát triển mạnh được. Đó là những lấn cấn trong mối bang giao với Trung Quốc. Năm 1949 ông HCM mang ảnh huởng của TQ vào VN…Nhưng từ khi tham dự hội nghị Genève 1954, Trung Quốc có khuynh hướng nghiêng về phía Mỹ. Tài liệu chính thức của Đảng CSVN xuất bản năm 1979 về quan hệ VN/TQ, đã nói rõ điều đó. Vì thế, sau khi chiếm được MNVN, Tổng Bí thư Lê Duẩn đứng hẳn về LX, thù nghịch với BK và ghi vào Hiến pháp Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc. Đó là lý do Đặng Tiểu Bình lên án CSVN là phường vong ân bội nghĩa và dạy cho bài học.

Cung cách hành xử như vậy, cho thấy Tổng Bí Thư Lê Duẩn không khôn khéo bằng các triều đại phong kiến, vì lẽ ông tin tưởng vào sức mạnh của Liên Xô. Trong diễn văn chào mừng Đại hội lần thứ 26 Đảng CSLX ngày 24/2/1981, ông Duẩn đã nói “Chủ nghĩa CS ngày nay là vô địch, hệ thống xã hội chủ nghĩa là không gì phá vỡ nổi. Không một âm mưu nham hiểm nào, không một hành động hung hãn nào của bọn đế quốc và tay sai có thể đảo ngược được tình thế đó”. (Lê Duẩn, Đoàn kết và Hợp tác toàn diện với Liên Xô là nguyên tắc, là chiến lược và tình cảm của chúng ta, Nxb Sự Thật, hà Nội, 1982, Tr.110).

Sự tự động sụp đổ của hệ thống XHCN thế giới, làm cho CSVN mất chỗ dựa - phải chăng đó là do trời xui khiến? Hay là hậu quả tất yếu của một đường lối chính trị sai lầm? Đảng CSVN không để ý đến điều đó, họ quay về thần phục TQ để tìm chỗ dựa mới. Giang Trạch Dân đưa ra “16 chữ vàng” làm khẩu hiệu cho mối bang giao mới, trong đó VN “hợp tác toàn diện và lâu dài” với TQ. Biên giới trên bộ và vịnh Bắc Việt đã được triều đình Mãn Thanh và thực dân Pháp -đại diện cho VN ký năm 1887 đã phân định rõ ràng. Nay TQ áp lực VN ký hiệp ước mới năm 1999 và 2000 khiến VN mất nhiều đất và biển. Và từ ba bốn năm nay, họ tung hoành ở biển Đông và chiếm Trường Sa và Hoàng Sa. Đây không phải là lỗi lầm của những người đang lãnh đạo đất nước, nhưng họ không dám đổi mới tư duy, dám đột phá, xé rào về kinh tế như ông Võ Văn Kiệt đã làm hồi 30 thập niên trước.

Nhớ lại, bốn thập niên trước, Hoa Kỳ đến VN không phải để giúp TT Nguyễn Văn Thiệu hoặc tiêu diệt CSVN, mà chỉ vì lợi ích của nhân dân VN. Hoa Kỳ đã ngăn chận được mưu đồ bá quyền của TQ, tạo sự ổn định cho khu vực ĐNÁ để các nước trong vùng phát triển kinh tế phồn vinh. Ngày nay, biển Đông “dậy sóng” Hoa Kỳ trở lại ĐNÁ không phải để ủng hộ CSVN chống TQ. Họ kềm chế sự bành trướng của TQ bằng cách đưa nước này vào khuôn khổ “hợp tác quốc phòng” giữa các thế lực lớn Nga, Ấn, Mỹ, Nhật và TQ, để bảo vệ sự ổn định hầu giúp các nước Đông Á phát triển kinh tế vững mạnh trong thế kỷ 21.

Trong các cường lực trên, đối với TQ, chỉ có Hoa Kỳ là không có tranh chấp về lãnh thổ với họ. Từ mấy thập niên qua, Hoa Kỳ đã giúp TQ hiện đại hóa, nền kinh tế đã vững mạnh, không phải để ức hiếp các nước nhỏ mà là hợp tác với Mỹ viện trợ giúp các nước đang phát triển. Hoa Kỳ đã nuôi dưỡng TQ thì họ cũng có thể làm TQ sụp đổ như Liên Bang Xô Viết hoặc Liên bang Nam Tư, nếu TQ tạo ra sự xung đột căng thẳng trong khu vực. Đây là thời cơ thuận lợi cho VN để vạch ra hướng đi mới có lợi cho dân tộc.

Kết luận

Chiến tranh Việt Nam là một quá khứ bi thảm. Sau chiến thắng 30/04/1975 của CSVN, Leonid Breznhev tuyên bố trước Đại hội Đảng Cộng Sản Liên Xô (1976): “Sự bành trướng của chủ nghĩa CS trên toàn cầu là bước tiến không thể đảo ngược của lịch sử”. Nhưng 15 năm sau, thế giới đã thấy chiến thắng 30/04/1975 của CSVN không phải là “bước rẩy chết tất yếu của chủ nghĩa tư bản hiện đại” mà là bước mở đầu sự suy tàn của CNCS.

Một dân tộc tự hào đã đánh thắng Đế quốc Mỹ, lại góp phần làm sụp đổ khối CS. Ngày nay họ có một đội ngũ chất xám ở hải ngoại rất hùng hậu, với tổng sản lượng GDP xấp xĩ với quốc nội, lại có đủ ba yếu tố Thiên thời: Hoa Kỳ trở lại ĐNÁ. Địa lợi: Hải cảng Cam Ranh có một vị trí thuận lợi ở biển Đông, là trung tâm điểm của khối mậu dịch lớn nhất thế giới trong thế kỷ 21. Nhân hòa: có dịp tiếp xúc với thế giới bên ngoài, với phương tiện Internet, người dân nhất là giới trẻ không còn bị nhồi sọ ý nghĩ hận thù dân tộc, hận thù giai cấp. Họ đã hiểu được nguyên nhân và thấy được con đường nào để đưa dân tộc vượt lên sự bế tắc để tiến lên.

Với những yếu tố trên, tôi vững tin dân tộc ta tất phải có một tương lai huy hoàng. Đại hội XI Đảng CSVN sắp tới sẽ quyết định hướng đi tới của đất nước. Một là tiếp tục hợp tác và lệ thuộc Trung Quốc với kỳ vọng bảo vệ sống còn của Đảng CS (có được bảo đảm hay không?). Hai là liên minh với Hoa Kỳ để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ (có thực tế hay không?). Ba là tùy cách suy tư và xử sự của đồng bào và giới lãnh đạo đất nước.

Có lẽ đây là sứ mạng của tôi, đại diện cho lịch sử đất nước chúng ta trên con đường thẳng tiến đến đỉnh cao huy hoàng của tổ quốc…Có lẽ đây là trách vụ của tôi để viết lên những trang cuối cùng của quyển sử ký vĩ đại của đất nước chúng ta” (Lời của Charles De Gaulle, Tổng Thống nền Đệ ngũ Công hòa Pháp). Cá nhân tôi không bao giờ dám so sánh với vị anh hùng đã có công giải phóng Paris hồi cuối Thế chiến II… Nhưng không dấu diếm, cùng chung hoài bảo và có ý nghĩ như bực vĩ nhân của nước Pháp về tương lai huy hoàng của Tổ quốc và niềm tự hào dân tộc. Đây là bài viết của người nghiên cứu lịch sử, để đồng bào suy tư và giúp những người làm nên lịch sử định hướng tương lai.

Lê Quế Lâm

Theo Thông Luận
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn