Tổ chức đã chọn cái tên là “One Body Village” vì mong muốn rằng các em khi đến “làng” này sẽ sống hòa thuận, yêu thương đùm bọc nhau như trong “một thân thể”.
Một thiện nguyện viên có kể lại với tôi rằng trong một buổi gây quỹ để giúp đỡ các em, sau khi cô thuyết trình về hoàn cảnh của các em, những công việc mà tổ chức đang làm và kêu gọi mọi người giúp đỡ, một chính khách lớn của cộng đồng đã đến ngay chỗ đang đứng và phán: “Cứ dẹp bọn cộng sản đi là khỏi phải làm gì cả!”. Cô ta đã hỏi lại: “Thưa ông, ở Ấn Độ, ở Indonesia, ở Philippines, ở Thái Lan... có cộng sản đâu mà tại sao ở các nước đó nạn buôn người vẫn hoành hành, có khi còn hơn ở Việt Nam nữa? Thế giới đã giúp chúng ta quá nhiều, chúng ta cũng phải làm một cái gì để giúp các đồng hương bất hạnh của chúng ta chứ?”. Ông ta làm thinh và đi xuống.
Người Việt “chống cộng” thường hay khư trú mọi vấn đề vào mục tiêu “chống cộng” nên có cái nhìn phiếm diện và lệch lạc. CIA cho biết hiện nay vấn nạn buôn người là ngành tội phạm lớn nhất, chiếm vị trí thứ 3 trên toàn thế giới, chỉ sau ma túy và buôn lậu súng mà thôi. Buôn người hiện là một thị trường có giá trị từ 30 đến 40 tỷ USD, thường liên quan tới tội phạm có tổ chức. Do đó, không thể chỉ nhìn vào Việt Nam để nhận ra tình trạng buôn người hiện nay và các biện pháp mà Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và các nước trên thế giới đang áp dụng để ngăn chận. Cứ đọc bản phúc trình ngày 14/6/2010 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về nạn buôn người trên thế giới chúng ta sẽ biết được thực trạng như thế nào.
Nạn buôn người trên thế giới
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết trên thế giới hiện có khoảng 27 triệu nạn nhân của các vụ buôn người xuyên biên giới, và hàng năm có thêm hơn 800 ngàn nạn nhân mới. Con số này đã tăng lên gấp 7 lần so với năm 1960.
Đại Sứ Mark Lagon, người được Tổng thống Bush bổ nhiệm đặc trách theo dõi vấn đề buôn người đã nói trong buổi họp báo vào ngày 11/1/2009 như sau:
“Khoảng 800 ngàn người được buôn bán qua biên giới mỗi năm, 80% những người này là phụ nữ, trong đó 50% là trẻ em. Con số này không kể hàng triệu người bị biến thành nô lệ tình dục hay cưỡng bách lao động ngay trong nước mình”.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều thông báo về nam giới bị buôn bán làm lao động rẻ mạt. Năm ngoái cảnh sát Italia ở vùng Puglia đã giải thoát cho gần 100 công nhân Ba Lan, những người cho biết họ đã phải làm việc như những nô lệ thực sự.
Ngoài ra Bản Phúc Trình Toàn Cầu về Buôn Người của Văn Phòng Bài Trừ Ma Túy và Tội Phạm của Liên Hiệp Quốc (United Nations Office on Drugs and Crime -UNODC) cho biết thêm như sau:
Cuộc điều tra tại 155 nước trên thế giới cho thấy có đến 79% là các vụ buôn người để khai thác tình dục, đa số là phụ nữ và các em gái. Có đến 30% quốc gia cho biết kẻ buôn người là phụ nữ chiếm đa số. Khoảng 18% nạn nhân được dùng như nô lệ để khai thác lao động. Con số này có thể cao hơn, vì đa số trường hợp không được báo cáo.
Xếp hạng các quốc gia có buôn người
Năm 2000, Hoa Kỳ đã ban hành đạo luật có tên là “Victims of Trafficking and Violence Protection Act” (Đạo luật Bảo vệ các Nạn Nhân Buôn Người và Bạo Hành) viết tắt là VTVPA. Mục tiêu của đạo luật là chống lại nạn buôn người, một biểu hiện đương đại của chế độ nô lệ mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, để đảm bảo công bằng và hiệu quả trong việc trừng phạt những kẻ buôn người, và bảo vệ các nạn nhân của họ.
Điều 110 của đạo luật nói về các các biện pháp Hoa Kỳ có thể áp dụng để chống lại các chính phủ không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu. Theo điều luật này, Hoa Kỳ sẽ không cung cấp viện trợ không nhân đạo, không quan hệ mậu dịch với bất cứ chính phủ nào:
(1) Không tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu cho việc loại bỏ nạn buôn người;
(2) Không có những nỗ lực đáng kể để đưa tới việc tuân thủ các tiêu chuẩn như vậy.
Hàng năm, chậm nhất là vào ngày 1 tháng 6, Bộ Trưởng Ngoại phải nộp cho các ủy ban liên hệ của Quốc hội một bản báo cáo về tình trạng của các hình thức nghiêm trọng của nạn buôn người. Luật chia các quốc gia có nạn buôn người thành ba loại (tier):
Loại 1: Các nước có đặt ra các tiêu chuẩn tối thiểu để loại bỏ nạn buôn người và chính phủ của các nước đó đã thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn đó;
Loại 2: Các nước có đặt ra các tiêu chuẩn tối thiểu để loại bỏ nạn buôn người, nhưng chính phủ của các nước đó vẫn chưa thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn đó, tuy đã có những nỗ lực đáng kể để đi đến sự tuân thủ;
Loại 3: Các nước có đặt ra các tiêu chuẩn tối thiểu để loại bỏ nạn buôn người nhưng chính phủ của các nước đó không thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn đó và không có những nỗ lực đáng kể để đưa đến sự tuân thủ.
Loại 3 là loại có thể bị chính phủ Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp chế tài như đã nói trên.
Theo báo cáo năm 2006 của UNODC, các nước có nạn nhân buôn người nghiêm trọng nhất trên thế giới là Thái Lan, Trung Quốc, Nigeria, Albania, Bulgaria, Belarus, Moldova và Ukraine, Nhật Bản, Israel, Bỉ, Hà Lan, Đức, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Nhưng vấn đề được đặt ra không phải là tình trạng buôn người tại một quốc gia nghiêm trọng như thế nào, vấn đề là chính phủ của quốc gia đó có đưa ra những luật lệ nghiêm khắc để trừng phạt tội buôn người và có thực hiện các biện pháp để loại trừ nạn buôn người hay không.
Báo cáo năm 2010 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho thấy các quốc gia được xếp vào loại 1 rất ít, chẳng hạn như Mỹ, Anh, Úc, Pháp, Đức, Áo, Ba Lan, Thụy Sĩ, Thuỵ Điển, Ý, Tây Ban Nha, Canada, Tân Tây Lan, Phần Lan, Bosnia, Nigeria, Nam Hàn, Đài Loan v.v.
Đa số được xếp vào loại 2, trong đó nhiều quốc gia được xếp vào “Watchlist”, tức là các nước cần giám sát về nạn buôn người, chẳng hạn như Nga, Trung Quốc, Singapore, Philippines, Sri-Lanka, Syria, Bangladesh, Lào, Lebanon, Iraq, Thái Lan, Malaysia, Mozambique, Panama, Guatemala, Venesula, Việt Nam v.v.
Những nước được xếp vào loại 3 là những nước có thể bị chế tài gồm có Iran, Papua New Guinea, Saudi Arabia, Kuwait, Sudan, Cuba, Congo (DRC), Miến Điện, Mauritania, Dominican Republic, Bắc Hàn, Eritrea và Zimbabwe.
Tình trạng buôn người ở Haiti và Somalia rất nghiêm trọng, hiện hai nước này đang được đặt dưới sự kiểm soát của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ còn cho biết nạn buôn người ở Miến Điện là một quan tâm nghiêm trọng bởi vì quân đội Miến Điện có tham gia tuyển mộ trẻ em vào lính, và tiếp tục là một trong những thủ phạm chính trong các vụ cưỡng bách lao động.
Về Bắc Triều Tiên, phúc trình nói rằng hình thức buôn người thông dụng nhất là buôn phụ nữ và trẻ gái lấy chồng hoặc làm gái mại dâm ở Trung Quốc.
Buôn người tại Việt Nam
Năm nay, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã đề nghị Quốc Hội Hoa Kỳ đưa Việt Nam xuống quốc gia loại 3, tức quốc gia có thể bị chế tài. Tại sao?
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga tuyên bố rằng báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2010 về nạn buôn bán người trên thế giới phần về Việt Nam mang tính chính trị và có những nhận xét không khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế của Việt Nam, cho dù đã được phía Việt Nam cung cấp thông tin đầy đủ. Bà nói rằng Việt Nam rất chú trọng công tác phòng chống buôn bán người, kiên quyết đấu tranh và nghiêm khắc xử lý loại tội phạm này. Đến nay, những nỗ lực của Việt Nam trong cuộc đấu tranh phòng chống buôn bán người đã có tác động tích cực đến toàn xã hội và được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Nói như thế là Việt Nam hoặc không hiểu chính xác thế nào là buôn người hoặc chỉ muốn cãi chày cãi cối.
Khoàng 15 năm về trước, cụm từ buôn người (trafficking in persons hay human trafficking) chỉ được dùng để chỉ các hoạt động liên quan đến một người bị người khác giữ để cưỡng bách lao động. Ngày nay, đạo luật chống buôn người năm 2.000 của Hoa Kỳ nói rõ hơn rằng việc cưỡng bách lao động bao gồm cả việc bắt phục dịch ngoài ý muốn, bắt làm nô lệ, câu thúc để buộc làm việc trừ nợ và cưỡng bức lao động... cũng đều được coi là buôn người.
Hoa Kỳ nhận xét rằng cho đến nay Việt Nam chỉ mới có các biện pháp đối phó với nạn buôn người để làm nô lệ tình dục. Đây là “thành tích” mà bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao muốn khoe khoang. Còn nạn buôn người làm lao nô thì vẫn chưa được chú ý.
buôn người để làm nô lệ tình dục |
Phụ nữ Việt Nam bị bán sang Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc thông qua kết hôn giả để bóc lột hoặc cưỡng ép lao động. Việt Nam còn là nguồn cung cấp lao động sẵn sàng di cư hợp pháp để làm việc trong các ngành xây dựng, đánh bắt cá hoặc chế tạo ở Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan và Trung Đông, nhưng sau đó họ lâm vào tình trạng làm công trả nợ hoặc bị cưỡng ép lao động. Nhiều người phải sống trong tình trạng rất thiếu vệ sinh, và bị tước hết giấy tờ để không thể chạy thoát đi đâu được.
Chính quyền Việt Nam đã tỏ ra không tích cực trong việc giải thoát và giúp đỡ các nạn nhân bị lường gạt đi lao động nô lệ ở nước ngoài và cũng không mạnh mẽ trừng phạt những tổ chức được thiết lập để lường gạt.
Các tòa đại sứ hay lãnh sự Việt Nam tại những nước có người Việt đến lao động thường từ chối can thiệp mỗi khi được kêu cứu. Các viên chức này có khi còn đứng về phía chính quyền hay công ty thuê muớn lao động sở tại để khống chế những người khiếu nại.
Hoa Kỳ cho rằng đây là một vấn đề nan giải, vì chính những tổ chức môi giới được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam lại có liên hệ rất mật thiết với các giới chức cao cấp của nhà cầm quyền. Nhưng vấn đề có lẽ không giản dị như vậy.
Theo Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước thuộc Bộ Lao Động - Thương Binh - Xã Hội, hiện có khoảng 500.000 người Việt đang sống và làm việc tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là lực lượng chủ lực làm tăng lượng kiều hối gửi về Việt Nam mỗi năm. Các số liệu của Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cho thấy trong giai đoạn từ 2001 đến 2008 lượng kiều hối hàng năm của Việt Nam đã tăng hơn gấp ba, lên tới 7,2 tỉ USD, tương đương với 8% tổng sản lượng quốc nội của Việt Nam.
Nhà cầm quyền Việt Nam tiên liệu rằng trong một thời gian nữa, lượng kiều hối do người Việt tỵ nạn hay sum họp gia đình gởi về càng ngày càng ít dần và có thể sẽ không còn đáng kể khi thế hệ thứ nhất qua đi. Vậy cần phải thay thế bằng kiều hối của những người đi lao động nước ngoài. Số tiền do nhóm này gởi về đã chiếm khoảng 2/3 số kiều hối gởi về mỗi năm hiện nay. Vì thế, chiến dịch khuyến khích đi lao động nước ngoài ngày càng được đẩy mạnh, bất chấp chuyện gì có thể xẩy ra cho người đi lao động. Các nhà ngoại giao Việt Nam thường không muốn can thiệp mỗi khi có tranh chấp giữa người đi lao động và các tổ chức sử dụng lao động, vì sợ nước sở tại sẽ không tuyển lao động Việt Nam nữa. Đây là một hình thức kiếm đô la bằng cách bán sức lao động và nhân phẩm của người Việt Nam với giá rẻ mạt. Việt Nam đáng bị đưa xuống loại ba.
Hiện nay, hồ sơ các hình thức buôn người kiểu này của chính quyền Việt Nam đã được thiết lập rất nhiều và sắp được đệ nạp cho Quốc Hội Hoa Kỳ. Những chế tài mà Quốc Hội Hoa Kỳ đưa ra sẽ thúc buộc chính phủ Việt Nam phải chấm dứt tình trạng buôn người này.
Những người thiện chí
Hoa Kỳ công nhận rằng trong việc chống nạn buôn người làm nô lệ tình dục, nhà cầm quyền Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể. Vụ giải cứu 8 cô gái cô gái Việt bị dụ sang Thái Lan với lời hứa “làm ít, tiền nhiều” để rồi rơi vào bẫy của bọn buôn người vào tháng 8 năm 2009 là một trong những thí dụ điển hình.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn là nguồn cung cấp phụ nữ và trẻ em cho Trung Quốc, Kampuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan và Ma-Cao để bóc lột tình dục. Việt Nam cũng chưa có những nỗ lực để giúp đỡ các nạn nhân. Vì thế, nhiều tổ chức thiện nguyện của tư nhân đã được tổ chức để phụ trách công việc này, chẳng hạn như tổ chức “One Body Village” của nhóm Lm Nguyễn Bá Thông mà chúng tôi đã nói ở trên.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 23/11/2010 của ký giả Hồ Minh Dũng, chủ nhiệm Tạp Chí Niềm Tin, Lm Thông cho biết như sau:
“Tôi bắt đầu những công việc này từ những ngày đầu tiên bước vào đại học. Bây giờ đã làm linh mục hơn 6 năm và tôi được phép của Đức Cha địa phận Savannah (GA) để tiếp tục, miễn là nó không ảnh hưởng đến việc coi sóc giáo xứ.
“Còn việc cứu và nuôi dạy các trẻ em bị bán làm nô lệ tình dục là do tình cờ! Năm 1999 tôi đi qua Campuchia sống với các trẻ em bụi đời và biết được vấn nạn này - thế là từ đó tôi và các bạn bè tập trung vào một việc duy nhất. Đó là cứu giúp các trẻ em này ra khỏi các “cũi nhốt người!” và nuôi dạy các em trưởng thành. Và bây giờ chúng tôi thêm một việc nữa, đó là “ngăn chặn” các con đường đưa các em vào đó...
“Cho đến hôm nay – cuối tháng 10/2010, OBV đã trực tiếp cứu và nuôi dạy được đúng 220 em! Một số em đã trưởng thành và có cuộc sống riêng - Một số ít em bỏ OBV và lại lang bạt và một số em vẫn còn đang được nuôi dạy trong các mái ấm của OBV ở Việt Nam. Chúng tôi coi các em đó là con cái của mình. Dự án của chúng tôi là nuôi nấng chăm sóc dạy dỗ các em để giúp các em trưởng thành và trở nên những con người hữu ích cho xã hội...
“Trong nhiều năm qua trước khi OBV chính thức thành lập năm 2008 thì chúng tôi “liệu cơm gắp mắm” vì OBV chỉ là sự hợp tác của một nhóm bạn bè trẻ - mỗi năm góp 2 ngày lương. Trung bình từ 30 đến 40 ngàn USD một năm! Nhưng từ năm 2008 đến nay vì có nhiều người biết đến và giúp đỡ về tài chánh hơn nên chúng tôi mạnh dạn cứu và nuôi nhiều em hơn. Có năm lên đến cả 100 ngàn USD. Các báo cáo tài chánh, danh sách Mạnh Thường Quân và cả giấy khai thuế chúng tôi vẫn có đầy đủ - gởi đến mọi người và được đưa lên trang website của tổ chức One Body Village – Xin mời mọi người vào xem!...
“Vì OBV có cả một Hội Đồng Quản Trị với nhiều bác sĩ, tiến sĩ và những người lãnh đạo giỏi. Các anh chị em này đang là nòng cốt điều hành và là cái kiềng 3 chân vững vàng cho OBV phát triển! Mọi người trong hội đồng quản trị OBV đều tâm nguyện, nhất quyết là cho đến khi nào còn các trẻ em bị bắt ép/buôn bán hay lạm dụng tình dục thì OBV sẽ không thay đổi mục đích hoạt động!”.
Trách nhiệm của mọi người
Trên đây chúng tôi chỉ mới trình bày những nét đại cương về trình trạng buôn người trên thế giới và những nỗ lực để chận đứng thảm trạng này. Chúng tôi cũng đã cố gắng phân tích để cho nhà cầm quyền Việt Nam thấy rõ hơn tại sao họ đã có những nỗ lực đáng kể trong việc chận đứng nạn buôn người để khai thác tình dục mà vẫn bị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đề nghị xếp vào loại 3, tức loại có thể bị chế tài.
Trong bài diễn văn đọc ngày 14/06/2010, bà Ngoại Trưởng Clinton nói:
“Báo cáo hàng năm về Nạn Buôn Người lần thứ 10 trình bày tổng quát về những thách thức liên tục trên toàn cầu, kể cả ở Hoa Kỳ... Hoa Kỳ tự xếp loại lần đầu tiên không phải là một sự đình hoãn mà là một trách nhiệm để tăng cường những nỗ lực toàn cầu chống lại chế độ nô lệ hiện đại, bao gồm cả những người bên trong nước Mỹ. Sự lạm dụng nhân quyền này là phổ quát, và không ai có thế nói họ không bị dính dấp tới hoặc không có trách nhiệm đối đầu với nó”.
Đây là một vấn đề rất bi thảm và phức tạp, chúng tôi sẽ trở lại.
Lữ Giang
21/12/2010
Gửi ý kiến của bạn