Mời quý vị nghe tiếp cuộc trò chuyện giữa Trân Văn với bà Nguyễn Thị Thơm về những điểm bất thường khác trong suốt tiến trình điều tra lại vụ án…
Tải xuống để nghe.
Trân Văn: Thưa chị, lần chị gặp cháu gần nhất cách nay bao lâu ạ?
Bà Nguyễn Thị Thơm: Lần gặp gần nhất là hôm mùng 4 tháng 12 vừa rồi anh ạ.
Trân Văn: Từ khi Tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại từ đầu cho đến ngày 4 tháng 12 vừa rồi thì chị được gặp cháu tất cả mấy lần?
Bà Nguyễn Thị Thơm: Tôi được gặp hai lần anh ạ.
Trân Văn: Thưa chị, trong cuộc gặp giữa chị với cháu ngày 4 tháng 12 thì có điều gì đáng chú ý không?
Bà Nguyễn Thị Thơm: Mẹ con sáu tháng mới được gặp nhau một lần. Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là nhìn thấy cháu rất gầy. Nó chỉ khóc, nó bảo là con ốm suốt, con chẳng ăn được gì mà thuốc thì không có.
Mẹ con gặp nhau thì tôi cũng chỉ biết khóc thôi.
Tôi cũng không biết là… không hiểu là như thế nào… Cũng không thể nói được nhiều… Con tôi nó chỉ khóc và nó chỉ nói là: Mẹ ơi! Thôi mẹ đừng lấy trứng chọi với đá nữa mẹ ạ!... (khóc)…
Tôi cũng… tôi cũng động viên con. Tôi mong muốn là… lúc nào tôi cũng mong muốn là phải có luật sư… Tôi nói với con tôi là: Điều mẹ mong muốn nhất là phải có luật sư để bảo vệ quyền lợi cho con khi ra xét xử!.. Con tôi có nói với tôi là: Mẹ mời luật sư cho con trong giai đoạn xét xử.
Trân Văn: Cho đến nay thì việc cháu từ chối luật sư Trần Đình Triển làm người bào chữa cho mình vẫn còn hiệu lực phải không ạ?
Bà Nguyễn Thị Thơm: Điều đó tôi không biết. Tôi không được nhìn thấy đơn từ chối luật sư của cháu mà chỉ nghe Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh thông báo là cháu đã từ chối luật sư.
Trân Văn: Thưa chị, cho đến nay, luật sư Trần Đình Triển có tham gia vào vụ án như là một luật sư của cháu không?
Bà Nguyễn Thị Thơm: Bây giờ Tòa án cứ bảo rằng con tôi đủ 18 tuổi rồi nên mời luật sư hay không là quyền của cháu.
Trước đây, tôi đã làm thủ tục để mời anh Triển tham gia vào vụ án. Anh Triển đã được cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho cháu nhưng Công an Điều tra thông báo là cháu có đơn từ chối luật sư. Khi luật sư Triển lên để trực tiếp vào gặp cháu, hỏi xem vì lý do nào mà cháu từ chối luật sư thì Viện Kiểm sát và Công an Điều tra ở tỉnh ngăn cản, nhất quyết là không cho anh Triển vào gặp cháu.
Bây giờ, theo mong muốn của gia đình và cũng là mong muốn của cháu thì tôi lại tiếp tục làm thủ tục mời luật sư Trần Đình Triển bào chữa cho cháu trong giai đoạn xét xử.
Trân Văn: Thưa chị, là một người mẹ, theo dõi các diễn biến vụ án từ khi cháu Thúy bị khởi tố cho đến khi Tòa án huyện Vị Xuyên xử sơ thẩm, rồi sau đó Tòa án tỉnh Hà Giang xử phúc thẩm… theo chị, nếu như trong phiên phúc thẩm mà không có luật sư thì liệu vụ án này nó có trở nên tày hoày như thế không?
Bà Nguyễn Thị Thơm: Chắc chắn là không anh ạ! Nếu như mà không có luật sư thì tôi chắc chắn một điều là con tôi đã nhận được bản án trọn vẹn năm năm tù. Không thể có… Không có những điều để mà hôm nay chúng tôi nói được nỗi lòng của những người mẹ, nói lên được tiếng nói của mình nữa!
Bây giờ tôi không mong là mời luật sư vào để chối, để cãi rằng con tôi không có tội. Điều đấy hoàn toàn không có trong ý nghĩ của tôi. Cái chính và là cái quan trọng nhất đối với tôi là tôi mong có luật sư để lấy lại sự công bằng trong luật pháp và sự nghiêm minh trong pháp luật.
Con tôi nó phạm tội đến mức độ nào thì nó phải chịu tội đến mức độ đấy nhưng phải công bằng. Tất cả những người phạm tội đấy cũng phải chịu tội. Ông này, ông kia hay là người cày ruộng thì cũng phải được hưởng cái sự công bằng, cái sự nghiêm minh của luật pháp như nhau.
Trân Văn: Quyết định của Tòa Phúc thẩm về việc hủy án sơ thẩm để điều tra lại từ đầu có công, có sự đóng góp của luật sư nhiều không?
Bà Nguyễn Thị Thơm: Công lớn nhất là của luật sư Trần Đình Triển anh ạ! Và đó còn là công của các nhà báo Việt Nam chân chính đứng về phía những người dân vô tội để nói thay những người dân thấp cổ, bé họng. Chúng tôi nghĩ là mình vẫn còn có thể tin tưởng vào những người mà thật sự có lương tri, lương tâm. Chúng tôi không biết nói như thế nào để bày tỏ, để cám ơn luật sư, tất cả những nhà báo đã lên tiếng để phiên phúc thẩm hủy án.
Trân Văn: Theo chị thì cháu Thúy và cháu Hằng có thấy được vai trò của luật sư không?
Bà Nguyễn Thị Thơm: Về phía cháu Hằng thì em không nói nhưng về phía cháu Thúy thì lúc nào tôi cũng nghĩ là con tôi nó nhận ra vấn đề, hiểu được vấn đề. Thế nhưng còn những điều muốn nói thì nó không thể nói được anh ạ. Có rất là nhiều sức ép trong khi bố mẹ thì không được gặp... xã hội thì không biết nó như thế nào… chỉ trong bốn bức tường, các điều tra viên, kiểm sát viên và cán bộ quản giáo thôi… Những đứa trẻ còn vị thành niên chưa hiểu biết nhiều về pháp luật… hơn một năm nay không có một thông tin nào nên tôi cũng không dám chắc được là nó nghĩ như thế nào (?). Mẹ gặp con thì dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan công an cho nên là có điều muốn nói thì cũng không thể nói được…
Sơ thẩm lần hai sẽ không khác lần một?
Khi vụ án “mua dâm người chưa thành niên”, xảy ra tại trường trung học Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, được Toà án tỉnh Hà Giang đưa ra xử phúc thẩm hồi đầu năm nay, các luật sư bào chữa cho hai nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Thúy và Nguyễn Thị Hằng đã công bố một số tài liệu cho thấy, cả hai không chỉ bị cưỡng ép để phải ăn nằm với hiệu trưởng mà còn được “giới thiệu” để phải ăn nằm với hàng chục cán bộ, doanh nhân tại Hà Giang. Trong đó có cả chủ tịch tỉnh.
Điểm đáng chú ý là thay vì phải điều tra, làm rõ, tất cả những chi tiết, chứng cứ có liên quan thì hệ thống bảo vệ pháp luật tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang lại bỏ chúng ra khỏi hồ sơ vụ án. Trong bản án phúc thẩm, Tòa án tỉnh Hà Giang chính thức xác nhận, toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử ở cấp sơ thẩm có nhiều sai sót.
Còn công chúng thì cho rằng, hai nạn nhận là nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Thúy và nữ sinh Nguyễn Thị Hằng đã bị biến thành tội phạm để che đậy cho những tội phạm khác.
Tuy án sơ thẩm đã bị hủy để điều tra lại từ đầu nhưng tiến trình điều tra lại vẫn bộc lộ nhiều dấu hiệu bất thường, kể cả trong Kết luận điều tra lẫn Cáo trạng. Với tiến trình điều tra lại và với Kết luận điều tra lẫn Cáo trạng còn tạo ra nhiều thắc mắc như thế, phiên xử sơ thẩm lần hai sẽ như một phiên xử hay lại giống một vở kịch?
Trân Văn, phóng viên RFA
29-12-2010
Gửi ý kiến của bạn