BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73230)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chạy loạn

25 Tháng Mười Hai 200612:00 SA(Xem: 1461)
Chạy loạn
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, Việt Minh tấn công quân Pháp tại Hà Nội nhưng bị đè bẹp phải rút vào hậu phương hô hào toàn quốc kháng chiến, ở làng tôi thanh thiếu niên, phụ nữ, dân quân . . ai nấy hăng hái tham gia cách mạng. Quân Pháp thắng thế tiến nhanh như gió cuốn, chiến tranh lan tràn xuống quê tôi.

Tôi chạy loạn từ khi còn bé, hồi tôi mới lên bẩy, hai đứa em tôi lên ba lên bốn, chúng tôi đã theo thầy mẹ chạy loạn hết làng này sang làng khác. Chạy loạn nhiều lắm nhưng nay tôi chỉ nhớ được có vài lần. Một lần nhờ phúc đức ông bà để lại tôi mới còn sống sót để viết lên những hàng chữ này, lần ấy tôi không bao giờ quên được. Tôi nhớ một hôm chúng tôi chạy ra ngoài đồng trong khi xe tăng của bọn lính Tây đang gầm gừ tiến trên đê làng, chúng từ Hà Đông về đánh đuổi Việt Minh. Hôm ấy tôi nằm cạnh anh tôi bên bờ ruộng nhìn lên đê thấy xe tăng đang lầm lũi chạy, bỗng một chiếc dừng lại, tôi thấy gần chỗ chúng tôi nằm tự nhiên bụi đất tung lên, anh tôi hốt hoảng kéo tay tôi bảo:

- Chạy đi mày ơi nó bắn!

Thế là hai anh em tôi nắm tay nhau chạy thục mạng về phía cánh đồng, hôm ấy chúng đưa xe tăng về thị uy, bắn phá lung tung, Việt Minh, dân quân cao chạy xa bay hết.

Một lần cả gia đình tôi bồng bế nhau chạy ra quê ngoại, lần này tôi nhớ có hôm cả nhà cũng chạy ra nằm rạp xuống bờ ruộng, tôi nhớ như in trong trí cảnh hai bên giao tranh, đạn lửa từ trong cụm rừng nhỏ bắn ra như mưa bấc vậy, hôm ấy tôi thấy xa xa một người nông phu vẫn bình tĩnh cầm cái cầy đi theo sau con trâu, hôm sau kể lại cho anh tôi nghe, anh tôi nằm chỗ khác nên không tin bảo:

- Mày nói láo, đang đánh nhau ai dám cầy ruộng!

Nhưng tôi nhớ rõ như in hình ảnh người nông phu ấy chắc là quá chán chường nên không thiết sống là gì.

Rồi lại chạy loạn ở làng tôi, hôm ấy nhà tôi và nhiều người làng kéo nhau ra bên ngoài lũy tre xanh xuống nằm dưới mấy cái hố lớn tránh đạn, bỗng có người lính Tây trắng đi cùng một anh lính ta đến hố, mọi người dơ tay hàng:

- Bẩm quan lớn ạ!

Người lính Tây trắng đưa tay bảo:

- Tiền tiền tiền!

Tôi thấy mấy người lớn dốc hầu bao lấy tiền đưa tiền cho anh lính Tây trắng, lấy tiền xong hai tên lẳng lặng đi, lần đầâu tiên trong đời tôi thấy một người Tây trắng, công dân nước Đại Pháp, trung tâm văn hóa của Châu Âu và của cả Thế giới nữa! người ấy chỉ biết một câu tiếng ta: “tiền” và anh ta cũng chỉ cần biết thế!

Đâu đã hết, gia đình tôi và cả gia đình chú tôi có lần phải chạy sang các làng Táo, làng Vàng, làng Hạ ở bên kia sông. Làng Táo toàn những là táo, nhà nào cũng có một vườn táo chi chít những quả, thầy tôi có ruộng đất ở những làng này nên quen biết nhiều người. Lần sang sông này cũng ghê rợn lắm, máy bay khu trục của bọn thực dân ở đâu sà xuống bắn tạch !tạch !tạch ! khiến mọi người phải chạy ra núp dưới mô đất ngoài hàng rào, hôm ấy chú tôi than:

- Lạ thật, đã theo nó rồi mà sao nó vẫn bắn phá ghê quá thế chứ!

Chiến tranh dần dần nguội đi ở quê tôi, Việt Minh đã rút đi thật xa, Tây trắng Tây Đen không về làng khủng bố bắn giết nữa, chúng tôi lại được sống trong cảnh thanh bình nhưng chỉ là thứ thanh bình giả tạo.

Thấm thoắt tám năm khói lửa đã trôi qua, gia đình tôi di cư vào Nam, chúng tôi được đưa tới trại di cư thuộc khu vực Bình Xuyên bên kia cầu Nhị Thiên Đường. Bình Xuyên là một đảng cướp lớn nhất thời ấy, họ có một đạo quân đông đảo, chủ lực là năm tiểu đoàn công an xung phong, ăn mặc y như quân đội Quốc Gia chỉ khác cái mũ nồi be rê mầu xanh lá cây, chúng được Pháp trang bị, cũng có xe díp, quân xa. Thủ lãnh là Bảy Viễn tức Lê Văn Viễn, thời kỳ quân Pháp trở lại Đông Dương, tại Sài Gòn hắn có một lực lượng cách mạng chống Pháp mạnh nhất hồi ấy khoảng hơn một ngàn tay súng, sau theo Việât Minh, rồi lại ra hàng theo Pháp, được thực dân nâng đỡ hắn tổ chức cờ bạc, mãi dâm công khai tại Chợ Lớn như Kim Chung, Đại Thế Giới, từ một tay cách mạng Bẩy Viễn đã trở thành tên tay sai Pháp và rồi tên thủ lãnh đảng cướp. Hắn tự phong là Thiếu Tướng Tư Lệnh Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia chống lại chính phủ của thủ tướng Ngô Đình Diệm.

Ở trại được một tuần gia đình tôi dọn đến trọ nhà một người cùng làng ở gần đấy, nhà này quen mấy ông sĩ quan Bình Xuyên, một ông quan ba thường gọi là Ba Ló hay ghé chơi, có lần tự nhiên ông bảo:

- Bắng chớt thằng Ngô Đừn Diểm, vức nó xuống sông , cức cức ! cái chắn phủ cức!

Nghe ông ấy nói mới biết Bình Xuyên và chính phủ Quốc Gia đang xung đột. Chúng tôi đọc báo, nghe tin tức được biết Quân Đội Quốc Gia và lính Bình Xuyên sắp sửa đánh nhau, tình hình ngày càng găng hơn trước. Thủ tướng Ngô Đình Diệm đóng cửa các sòng bài và chốn ăn chơi như Kim Chung, Đại Thế Giới của Bình Xuyên, Bẩy Viễn tức giận lắm, hắn cho lính khiêu khích Quân Đội Quốc Gia. Thế rồi hai bên đụng độ, đạn bay súng nổ ầm ì giữa Sài Gòn Chợ Lớn, hôm ấy cả nhà tôi lại cùng mọi người trong khu vực kéo nhau chạy ra giữa cánh đồng, mọi người trố mắt nhìn ngọn lửa cao ngất khủng khiếp đang phùng phực ở phía Sài Gòn, có người bảo:

- Chắc là cháy cây xăng rồi, lửa cao khiếp quá!

Quân đội Bình Xuyên dàn ra hai bên vệ đường nghinh chiến, bỗng một cái máy bay bà già của ký giả bị trúng đạn cháy rớt xuống gần đấy khiến ai cũng sợ hết hồn, đến chiều hôm ấy tình hình đã dịu hơn trước, gia đình tôi và mấy người cùng làng phải dọn lên Gia Định vì Quân Đội Quốc Gia sắp tổng tấn công qua khu vực Bình Xuyên.

Chúng tôi băng qua cầu Nhị Thiên Đường, lính Bình Xuyên đặt mìn chờ Quân Đội Quốc Gia đến là giật sập cầu, qua cầu một quãng xa chúng tôi qua Bình Đông, nghe tiếng súng nổ xa xa ai nấy hồi hộp mong cho chóng thoát khỏi chốn vùng lửa đạn, gia đình tôi thuê xích lô máy chạy ào ào về phía Gia Định, thế là thoát nạn. Lính nhẩy dù của Quân đội Quốc Gia tấn công vào các doanh trại của Bình Xuyên, lính Bình Xuyên thua chạy như vịt vào rừøng Sát rồi lũ lượt ra hàng.

Gia đình tôi kiếm sống vất vả tại nơi xứ lạ nhưng đổi lại được sống yên ổn tự do, tôi thi đậu vào lớp đệ thất trường trung học công lập, nhà nghèo được cắp sách đi học là quí lắm rồi, miền Nam chỉ yên ổn được mấy năm rồi lại bị chiến tranh xâu xé như không bao giờ dứt. Sau cuộc đảo chính ông Diệm, quân Mỹ ồ ạt đổ vào miền Nam, Cộng quân ngày càng gia tăng áp lực, miền quê hầu như đã lọt vào tay địch. Gia đình tôi được nghe những người từ thôn quê di cư lên thành thị kể những nỗi khổ ải của họ, chúng tôi lại nhớ đến những ngày chạy loạn gian nan ngày trước.

Tôi lên đại học được mấy năm thì xin được chỗ dạy tại trường trung học thuộc Bảo Lộc Lâm Đồng, một tỉnh cao nguyên gần Đà lạt, tôi nhận việc sau cuộc đảo chánh chừng một năm, có lần đi xe đò về Sài Gòn bị Việt cộng chặn đường, đó là lần đầu tiên tôi gặp Việt Cộng ở miền Nam, trên xe đò ai nấy mặt xanh như chàm, chúng chỉ hỏi tài xế mấy câu rồi cho đi. Rồi mặt trận ngày càng mở rộng hơn, tôi đi xe đò lên Bảo Lộc bị chặn đường như cơm bữa, có khi mấy anh Ba mời mọi người vào trong vườn nói chuyện, khi giật sập cầu, khi đào đường. Hồi ấy tôi qua cửa kính của trường học, tôi hay nhìn ngọn núi xanh xanh cao ngất ấy thế mà có ngờ đâu mười năm sau tôi leo qua ngọn núi ấy.

Tôi bỏ ngành giáo dục về học ngành hành chánh được một năm thì sảy ra biến cố tết Mậu Thân, hồi ấy cũng may nhà tôi ở vùng Phú Nhuận không bị tấn công, miệt Gò Vấp, Chợ Lớn . . có giao tranh dữ dội, khói lửa ngút trời, người ta bồng bế nhau chạy loạn gợi lại cho tôi những hình ảnh chạy loạn xa xưa nơi đất Bắc.

Tôi ra làm công chức tại Sài Gòn được mấy năm thì tới mùa hè đỏ lửa 1972, đồng bào miền Trung chạy loạn trên đại lộ kinh hoàng bị địch pháo kích theo chết như rạ vậy, khi ấy gia đình tôi được hưởng hoà bình nhưng cũng chỉ là hòa bình giả tạo vì chiến tranh vẫn kéo dài lê thê không dứt. Trước ngày ký hiệp định Ba lê tôi bị đổi lên làm tại Quảng Đức, một tỉnh nhỏ gần sát Ban Mê Thuột, khi hiệp định vừa ký xong trên thế giới cũng như trong nước ai nấy hân hoan phấn khởi tưởng như không bao giờ còn chiến tranh nữa, nhưng cũng chỉ là một cảnh hòa bình giả tạo. Một năm sau tự nhiên lại diễn ra trận đánh lớn gần biên giới thuộc quận Khiêm Đức tại tỉnh tôi, dư luận trong nước bàng hoàng và rồi cái gì phải đến đã đến, Phước Long thất thủ sau một tháng cầm cự, những người chạy loạn mặt mày lem luốc sang tỉnh tôi, trông thấy họ chúng tôi chợt nghĩ đến số phận sắp tới của mình.

Ngày 10 tháng 3 năm 1975, sáng hôm ấy đẹp trời chúng tôi nhóm viên chức hành chánh đang ngồi quây quần uống cà phê ca hát thì được tin quận Đức Lập bị địch tấn công dữ dội tối qua nay đã mất, đó là trận khởi đầu của trận đánh cuối cùng, Đức Lập là một quận thuộc tỉnh của chúng tôi, gần Ban Mê Thuột, nơi mà hai mươi năm trước đây đồng bào di cư Công Giáo Nghệ An đến định cư, một địa phương trù phú nhất của tỉnh có nhiều đồn điền cà phê, và rồi hôm sau Cộng quân tiến chiếm Ban Mê Thuột.

Chúng tôi bị bao vây hoàn toàn vì tỉnh chỉ có một đường bộ duy nhất qua ngả Ban Mê Thuột, vợ con các viên chức trong tỉnh được đưa ưu tiên đưa đi bằng máy bay trực thăng sang Lâm Đồng, mấy hôm sau các viên chức Quốc Gia Hành Chánh chúng tôi được gọi lên tư thất ông phó tỉnh trưởng, ông cho biết đại tá tỉnh trưởng sẽ cho chúng tôi di tản bằng máy bay hết nhưng ông sẽ cho đi từ từ vì sợ bên quân đội người ta phân bì. Ông nói ông sẽ sang bên ấy lập văn phòng đại diện cho tỉnh nhà, kế đó là đọc tên mấy người được ông đại tá cho đi trước, toàn là những người trong phe nhóm cả. Ông phó tỉnh trưởng sang Lâm Đồng rồi ở luôn bên ấy, chúng tôi bèn kéo nhau lên ở tư thất ông ta cho an toàn hơn. Đó là những ngày thật đen tối chán chường, có lần nghe đài BBC Luân Đôn nói về cuộc di tản cao nguyên, người xướng ngôn viên ném ra những lời đe dọa ghê gớm: . . . Tổng thống Thiệu đã cho lệnh rút bỏ các tỉnh cao nguyên để về giữ miền đồng bằng, ông khó hy vọng lấy lại các phần đất đã mất của mình. Đây là một cuộc chạy loạn lớn nhất trong lịch sử chiến tranh tại miền nam nước Việt từ trước đến nay, Sài Gòn có thể bị tấn công vào năm tới !



Thỉnh thoảng ông đại tá mới cho đi vài người, tư thất ông phó cách dinh ông Tỉnh có vài chục thước, chúng tôi nhìn sang thấy ông vẫn mặc áo may ô đi lại thanh thản trong khi ai cũng sốt ruột mong được máy bay bốc đi, lúc ấy chẳng ai còn tình nghĩa với ai, người ta như sẵn sàng đạp lên đầu người khác để chạy.

Phi trường Nhân Cơ cách tỉnh hai chục cây số bắt đầu lâm nguy, các đơn vị địa phương quân, biệt động quân phải chống trả với lực lượng địch đông gấp mười lần, thuốc men đạn dược ngày một cạn nên phải rút dần về tỉnh. Ngày khởi đầu trận đánh đến nay thấm thoắt đã gần hai tuần qua. Ông đại tá cho gọi hai người sang bên tư dinh để lên trực thăng qua Lâm Đồng, ông ấy hứa với chúng tôi sẽ trở về đón tất cả những người còn lại, nhưng không bao giờ ông ấy trở lại, ông đã vét hết tiền trong ngân khố đem lên máy bay. Ở Lâm Đồng, ông đại tá nói máy bay trục trặc không thể về tỉnh được, chẳng biết có hay không? người nhân viên tổng đài điện thoại đã được nghe những lời chửi rủa thậm tệ của thiếu tướng vùng dành cho ông đại tá bỏ chạy, thiếu tướng nói sẽ đưa ông ra tòa án quân sự.

Ông tiểu khu phó được biết ông tỉnh trưởng đã tẩu vi thượng sách từ sáng bèn lệnh cho ba quân nhổ sào ra khơi, chúng tôi khoảng mười người lên xe nhập bọn với đoàn xe của tỉnh tiến về phía Lâm Đồng, người ta phá hủy các kho đạn, những tiếng lổ ầm ầm long trời lở đất rung chuyển cả một vùng, lửa phừng lên dữ tợn, khói tỏa mù mịt. Hằng trăm xe dân sự, nhà binh nối đuôi nhau về phía Lâm Đồng, chạy mấy tiếng đồng hồ thì hết đường, xe cộ phải bỏ lại hết, người ta bắn thủng các vỏ, lốp xe để địch không xử dụng được. Ngủ đêm xong mọi người băng rừng lội suối. Bọn hành chánh chúng tôi lạc nhau mỗi người một ngả, tôi đi theo đại đội trinh sát của ông trung úy Nhành, ông ấy trước đây đóng ở gần nhà ông phó tỉnh, đã đôi ba lần truyện trò và có cảm tình với tôi. Thật là may mắn tôi được đi theo những người tử tế lại biết rõ đường đi, họ là những người đi rừng nhà nghề nên không phải sợ lạc đường, đại đội chừng hai chục người, toàn là lính trẻ thật thà dễ thương.

Đoàn người đi cùng đường với chúng tôi cũng đông lắm, đến xế chiều thì tới một khúc sông rộng nước chảy siết, một số người bị cá sấu cắn hoặc bị nước cuốn tại đây, đại đội trinh sát làm bè qua sông, đến sẩm tối chúng tôi quây quần ăn cơm sấy rồi ngủ vùi vì mệt nhọc. Ngày đi đêm nghỉ, cam go nhất của cuộc hành trình là vượt qua một ngọn đồi tám trăm thước, chúng tôi đi quanh một con đường mòn leo dần lên đỉnh, đi được một giờ lại nghỉ ngơi lấy sức, tôi mệt lử đôi lúc hoa cả mắt vì kiệt sức rồi nằm lăn ra đất, các tốp lính khác đi ngang qua thúc dục tôi đứng dậy lên đường, họ bảo:

- Ráng lên chút nữa ông ơi! sắp tới nơi rồi.

Chân tôi mỏi nhừ tử, mấy hôm đầu còn đi hăng nay bắt đầu thấm đòn, vả lại ăn không bao nhiêu, cơm sấy khó nuốt lắm, nhờ uống sữa của đội trinh sát nên mới có sức đi, tôi mất không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt mới men dần dần tới ngọn đồi.

Tỉnh tôi hiền lành, mọi người đều vui vẻ tử tế, suốt cuộc hành trình không hề sảy ra chuyện gì đáng tiếc, mãi rồi chúng tôi cũng vượt qua được đỉnh đồi cao. Có ngờ đâu mười năm trước đây, tôi hay ngắm nhìn ngọn đồi này từ cửa sổ trường trung học ở Lâm Đồng và bây giờ tôi lại leo qua đỉnh ngọn đồi cao ngất ấy. Tôi mong cho chóng đến nơi để được nghỉ ngơi mấy ngày, thăm bạn bè quen biết tại nơi mà mười năm trước tôi đã dạy học tại đây.Chừng mười cây số nữa là tới Lâm Đồng, những tiếng súng nổ vang vui mừng hoà cùng tiếng chim hót líu lô, tiếng gió đùa trong các cành cây. Rừng gồm toàn những cây lớn, nhiều thông, phong cảnh thật là ngoạn mục. Chim chóc ca hót tưng bừng như đón chào đoàn lữ hành, từng bầy chim vờn đuổi nhau ca hót líu lô trên các ngọn cây, chúng thản nhiên bay lượn như không biết có người đang đi dưới gốc.

Chúng tôi ngồi nghỉ đun nước sôi pha sữa uống dưới gốc cây, ông trung úy Nhành tươi cười bảo tôi:

- Ông đi theo chúng tôi là chuột sa hũ nếp đấy nhá!

Mọi người vui vẻ pha trò, họ toàn là lính trẻ măng hồn nhiên, tử tế.

Chúng tôi nghỉ ngơi rồi lên đường, chẳng bao lâu đã vào tới địa phận tỉnh Lâm Đồng, đến một khúc suối tôi bèn xuống rửa mặt, gội đầu thật sạch rồi vội vã theo mọi người. Bầu không khí mát lạnh dễ thương khiến tôi nhớ lại mười năm trước đã sống ở đây mấy năm. Tối ấy tôi ghé nhà một người địa phương quân ngủ nhờ, anh ta đãi cơm nước tử tế, hỏi thăm tình hình.

Sáng hôm sau, ngày 27 tháng 3, tôi theo những người di tản vào tỉnh trong tiếng súng đại bác nổ ầm ầm như rung chuyển cả trời đất, Lâm Đồng cho xe ra đón họ vào phi trường, những người lính trên xe dơ tay vẫy tôi, họ ra hiệu cho tôi đi nhanh theo họ, tôi chẳng hiểu gì cả, một chiếc xe díp chạy vọt qua mặt tôi, họ cũng vẫy tôi, rồi một chiếc khác qua mặt tôi dừng lại, một người quân nhân đầu đội mũ sắt mặt mày lấm láp, râu rậm nhảy xuống kéo tôi lên xe bảo:

- Mình phải vào phi trường cho nhanh, Lâm Đồng cũng di tản, ông đại tá tỉnh trưởng đang chờ chúng mình ở trong ấy, hồi nãy ông có nghe nó pháo vào tỉnh không? Ở đây người ta cho xe ra đón chúng mình!

Tôi ngẩn người ra chẳng hiểu gì, chạy sang đây đúng vào ngày di tản của họ, nhưng số tôi cũng may, trên đường chạy loạn gặp toàn những người tử tế. Một lúc sau chúng tôi vào đến phi trường, lính tráng ngồi đầy cả ra, tiếng người nói chuyện ồn ào hoà với tiếng động cơ xe nhà binh tăng phần náo động. Nhận ra ông đại tá tỉnh trưởng đang đứng gần đấy, tôi bèn nhảy xuống xe chạy lại, ông ta chìa tay ra bắt miệng cười hô hố:

- A ha! Anh mà cũng đến được đây cơ à!

Tôi nghĩ bụng:

- Nó muốn cho mình chết ở trong rừng chắc!

Ông ta hỏi thăm nhóm anh em hành chánh vài câu rồi bảo tôi:

- Ngồi đây! Không được đi đâu nhá, lát nữa có máy bay đi Nha Trang, anh lên đó rồi xuống Di Linh.

Một lúc sau có năm chiếc trực thăng trên trời xà xuống cùng đậu một lúc, tiếng động cơ nổ ầm ầm, cánh quạt kêu phành phạch, ông đại tá dơ tay ra hiệu, tôi chạy lại leo lên máy bay ngay, đủ số người máy bay cất mình lên cao, đảo một vòng rồi lao về phía trước. Trên máy bay nhìn xuống tôi thấy cả tỉnh Lâm Đồng cũng đang chạy loạn, hằng trăm hằng nghìn chiếc xe nhà binh, du lịch, xe hàng, Honda. . nối đuôi nhau vô tận chạy về Đà lạt ở phía Bắc, nhìn xuống tôi thật sửng sốt. Khi tới Di Linh người phi công cho máy bay là là sát mặt đất bảo tôi:

- Tới Di Linh rồi, ông xuống nhá!

Tôi nhảy xuống ngơ ngác nhìn quanh rồi chạy ra ngoài đường nhìn trước nhìn sau chỉ thấy quân dân lũ lượt tay xách nách mang leo lên xe di tản, tôi tiếc ngẩn ngơ, biết thế cứ ngồi lì trên máy bay về Nha Trang luôn.

Thấy một chiếc xe vận tải đậu gần đấy, tôi lẳng lặng bước lên, số người đã đông, bác tài mở máy chạy vùn vụt nhập đám đông, mấy tiếng sau xe quành vào một xưởng cưa. Tôi xuống xe đi tới dãy nhà ngang, người ta đang làm cơm cho nhân công ăn, những nồi cơm, chảo thịt, chảo canh đầy tú hụ bốc khói nghi ngút, tôi chưa kịp hỏi thì một bà bằng một giọng rất tử tế bảo:

- Ông ăn không? mời ông vào ăn.

Bà ấy đưa bát đũa cho tôi, tôi ngồi xuống ăn uống thoải mái rồi cám ơn bước ra đường. Giòng xe cộ vẫn ào ào như thác, tôi vẫy mãi chẳng có xe nào chịu ngừng, thấy một xe máy cầy loại nhỏ chạy chầm chậm như xe đạp, tôi cứ nhẩy đại lên cái thùng dài phía sau, người tài xế chẳng nói năng gì chỉ lẳng lặng lái, một lúc sau mới hỏi thăm tôi vài câu. Xe cộ đủ loại chạy vùn vụt qua mặt tôi, thấm thoắt đã mười năm qua, mới ngày nào Lâm Đồng còn quê mùa mộc mạc nay đã phát triển quá nhanh, xe vận tải, xe du lịch, Honda. . . đầy đường.

Đến gần cây cầu bắc ngang con sông rộng mênh mang đoàn xe phải ngừng lại hết. Phía bên kia thuộc địa phận Đà Lạt, lính canh bên kia cầu không cho đoàn xe qua vì Đà Lạt chưa có lệnh di tản. Tôi đang nhìn qua cầu chờ họ cho đi bỗng một anh chàng trẻ tuổi cưỡi Honda gần đấy gọi tôi:

- Ông thầy! Nhớ em không? em là Tiến, học trò cũ của thầy đây.

Tôi mừng quá hỏi:

- Cho ta đi ké với, được không?

- Ô kê! mời thầy sang.

Tôi kể cho Tiến nghe chuyện băng rừng tuần qua, anh kể cho tôi nghe tình trạng Lâm Đồng:

- Ông trung tá tỉnh trưởng lấy tiền trong ngân khố lên xe díp chạy từ 3 giờ đêm qua, sáng ra cả tỉnh mới biết.

Tiến cho tôi biết anh là thiếu úy nhảy dù giải ngũ, bị thương ở bàn tay trái nhưng vẫn lái xe được. Một lúc sau bên kia mở hàng rào cho đi, đoàn xe vô tận lao qua cầu vùn vụt, nghe Tiến kể tôi mới biết tình trạng bi đát mà mấy tuần nay bị bao vây không hay, vùng Một của ta cũng bị thảm bại phải rút về Đà nẵng chết nhiều lắm vì bị rơi vào tình trạng hỗn loạn, bọn lưu manh lợi dụng cướp bóc hãm hiếp, bắn giết tàn bạo.

Trên đường chạy loạn tôi gặp nhiều bạn bè, học trò cũ ở đây nhưng chỉ kịp vẫy tay chào họ. Tiến đã thấm mệt, anh quành vào một quán nhỏ bên đường uống nước nghỉ ngơi, thấy một tờ báo ngày hôm qua ở trên bàn tôi vội dở ra đọc vì mấy tuần nay chưa được đọc báo. Trên trang nhất đầy những hình ảnh và những bài nói về tấn thảm kịch ghê gớm tại Đà Nẵng khiến cho tôi rùng mình ghê sợ: tha ma nghĩa địa, gầm cầu, hố rác . . chỗ nào cũng đông nghẹt những người chạy loạn trong cảnh màn trời chiếu đất, con người khổ hơn con chó!. Những quả pháo của địch rớt vào khu đông dân cư gây lên những đám cháy như một biển lửa, không bút mực nào tả cho xiết những cảnh tang thương đau khổ.

Nghĩ ngơi lấy sức và cho xe nguội máy chừng một giờ hai thầy trò lại tiếp tục cưỡi ngựa sắt chạy theo đoàn người di tản, tới một phố chợ nhỏ chúng tôi ghé mua hai chục cà chua, vài ổ bánh mì rồi lại vội vã lên đường. Tôi bỗng nhận ra bọn lính trẻ của đại đội trinh sát đang ngồi ngất ngưởng trên một xe chở đầy đồ đạc, những người đã dẫn đường cứu mạng tôi lúc băng rừng vừa qua. Họ vẫy tay tươi cười ra hiệu cho chúng tôi đi nhanh hơn, tôi bèn lấy cà chua liệng lên từng trái một, họ đưa tay chụp được hết. . bọn lính trẻ thật hồn nhiên tử tế.

Tôi bảo Tiến chạy lên Đà Lạt để mua vé máy bay về Sài Gòn nhưng khi đến ngã ba Đơn Dương thì thấy xe Đà Lạt cũng đổ xuống dốc chạy ào ào như thác, nhiều nhất là xe vận tải. Tiến bảo tôi:

- Hết hy vọng lên Đà Lạt rồi thầy ạ, mình phải về Phan Rang.

Cả hai đoàn xe Đà Lạt, Lâm Đồng cùng rẽ vào ngã ba Đơn Dương . . hai đoàn nhập một, đông vui như tết vậy, mắt chưa trông thấy cảnh máu chẩy thịt rơi nên tôi thấy vui lạ. Đoàn xe xuống đèo Ngoạn Mục, đường đèo đã được công binh sửa sang lại nay rộng rãi thênh thang tuyệt đẹp bên những hàng thông cao vút, phong cảnh thật là hùng vĩ nên thơ, tráng lệ không bút mực nào tả cho siết được. Ngay lúc chạy loạn hốt hoảng này tôi cũng cố để chút tâm tư thưởng ngoạn thắng cảnh của giang sơn. Con đường quanh co sạch bóng lượn vòng xuống chân đồi, tiếng thông reo vi vút như oán như than, như tiễn đưa giòng người chạy loạn.

Khoảng chín giờ tối hôm ấy chúng tôi vào đến thị xã Phan Rang, các trường học đã đầy nhóc những người, chúng tôi rẽ vào một ngôi chùa có mái hiên bên sân gạch rộng rãi, Tiến bàn với tôi sáng mai sẽ ngược đường về phía bắc ra Nha Trang, hắn có gia đình tại đấy, tôi đồng ý vì cũng có bạn bè tại thị xã này. Mệt quá hai thầy trò bèn lăn ra nền gạch ngủ vùi như chết.

Lúc bốn giờ sáng tự nhiên tôi thấy rét run cầm cập, lấy chăn quấn chặt vào người nhưng không thấy bớt, cơn lạnh như thấm vào tận xương tủy, tôi bị cảm lạnh vì đã gội đầu tại suối nước khi vào địa phận Lâm Đồng tối hôm qua. Tôi đã tỉnh hẳn, nước mắt ràn rụa, nhìn quanh thấy Tiến nằm cạnh và mọi người đang ngủ say li bì giấc điệp. Tôi dậy mặc thêm quần áo, quấn chăn ngủ tiếp, giấc ngủ sâu và nặng nề hơn trước.

Tôi mơ thấy đang cùng Tiến dắt nhau chạy loạn trong rừng sâu đầy những suối lạch, núi đồi, bụi rậm . . tôi bỗng thấy mình hoa mắt, chân tay bủn rủn được Tiến dìu qua một rãnh nước, tôi chập chững không cất bước nổi và thều thào bảo Tiến:

- Em hãy khiêng ta đi, khi ta chết nhớ chôn ta rồi hãy đi!

Tôi choàng dậy, Tiến đang đập vào vai bảo:

- Thầy ơi! dậy đi thôi!

Hai thầy trò đi ăn sáng tại một tiệm phở, tôi nhai mấy sợi phở rồi thở dài:

- Ăn như ăn gỗ đá vậy!. . người nó bần thần mệt mỏi lạ.

Tôi húp vài muỗng nước lèo rồi thừ ra ghế, người đệ tử trung thành ra vẻ thương tình bảo:

- Ráng lên thầy, mình phải ra Nha Trang tìm đường về Sài Gòn, trưa nay mình có thể tới Nha Trang, ở đấy còn yên!

Ăn xong Tiến chở tôi đi mua thuốc, tôi uống một lúc hai viên thấy cũng đơ đỡ. Sáng hôm ấy chúng tôi lại rong ruổi trên đường trường về hướng Bắc không biết rằng tại Đà Nẵng Tuy Hòa hằng ngàn vạn người cũng đang chạy chối chết về Nha Trang ngược chiều với mình. Đường quốc lộ hôm nay thật vắng vẻ, chiếc Honda cứ chạy vùn vụt giữa cảnh đồng không mông quạnh, mấy tiếng đồng hồ sau Tiến rẽ vào một cái quán bên đường, người bán hàng không hay biết gì, chúng tôi cũng dấu không dám nói thật sợ gây hoang mang, uống nước dừa xong tôi ngả người vào ghế lim dim đôi mắt rồi chìm vào trong giấc mộng, toàn là những cơn ác mộng hãi hùng như cảnh đám dân chạy loạn bị bỏ lại trong rừng kêu khóc thảm hại. .

Tiến lay tôi dậy, tôi thấy mệt và buồn ngủ khủng khiếp chỉ muốn nằm lăn ra đấy. Hai thầy trò lại cưỡi Honda phóng ào ào trên con đường quốc lộ vắng tanh mãi đến trưa thì tới Nha Trang, Tiến rẽ vào nhà ông anh thiếu tá hiện đang ở Tuy Hoà chưa có tin tức gì, bà chị dâu bằng giọng Huế ngọt ngào than thở trách cậu em:

- Trời ơi! sao không ở lại giữ nhà, chạy đi đâu em? ở lại còn giữ được nhà cửa, đi thì mất hết.

Tiến thở dài:

- Ba, mẹ, các anh em theo xe nhà binh đi hết cả, chỉ có mình em đi Honda, nó vào đến nơi rồi chị ạ!

- Chạy đi đâu cũng vậy em ạ! Nó lấy Kontum Pleiku, sắp lấy Qui Nhơn Đà Nẵng . . rồi cũng lấy Nha Trang. Chạy đi đâu bây giờ, trời ơi sao ba mẹ không bảo các em ở lại!. Tứ xứ kéo về đây đông quá trời, nó pháo vài quả là xéo lên nhau mà chết chứ gì? Trời ơi! sắp mất hết rồi! Tỉnh nào cũng mất.

Bây giờ nhớ lại sao tôi thấy bà ấy nói đúng và hay đến thế, hồi ấy tôi và có lẽ biết bao người khác lại không nghĩ ra!

Tôi vừa ngồi nghe vừa ngủ gật, bà chị Tiến thấy vậy bảo:

- Trời ơi khổ chưa? Em đưa ông ấy vào phòng nghỉ đi.

Tiến dẫn tôi vào phòng, tôi nằm vật ra giường ngủ như chết vậy, mấy tiếng sau Tiến lay tôi dậy ăn cơm mà tôi không sao ngồi dậy được, chưa bao giờ tôi ngủ ngon như vậy. Mãi đến chiều mới tỉnh, tôi mượn Honda đi tìm mấy người bạn, đến nhà người bạn học cũ làm cảnh sát trưởng tại đây không gặp, tôi đến nhà Bá, làm ở giám sát viện để nhờ:

- Tôi nhờ anh có cách nào giúp tôi về Sài Gòn được không?

Anh ta chỉ người bạn ngồi cạnh:

- Đây đây tôi có ông bạn, xin giới thiệu ông dược sĩ Tuấn, ông này mướn tầu chở đồ đạc, thuốc men về SàiGòn, sáng mai tầu rời Cầu Đá, hỏi ông ấy đi!

Ông dược sĩ cứ cười cười khiến tôi cũng ngại, nói chuyện khá lâu, lúc ra về tôi đánh liều hỏi:

- Sáng mai tôi ra Cầu Đá được không anh?

- Dạ được! anh cứ ra đấy lúc bẩy giờ anh ạ.

Ông ta cho biết số tầu, đậu ở đâu . . . tôi ghi mọi chi tiết vào tờ giấy, trong lòng an tâm hẳn lên, thế là tôi lại gặp người tốt, từ khi lên đường chạy loạn vào rừng đến nay tôi gặp toàn những người tử tế, cho tới nay tôi cũng không hiểu sao mình lại may mắn đến thế.

Tờ mờ sáng hôm sau, ngày 29-3-1975. Tiến đánh thức tôi dậy ăn sáng rồi chở tôi ra Cầu Đá, tôi đem theo mấy ổ bánh và một túi quần áo. Tiến chở tôi đến tận nơi, chúng tôi chia tay nhau tại cửa vào bến, anh chìa tay ra bắt rồi chúc tụng:

- Em chúc cho thầy lên đường bình an! Nếu có gì trục trặc thầy gọi điện thoại về nhà, em sẽ ra đón, hay thầy thuê xe về cũng được. Cầu Chúa ban ơn phước cho thầy.

Ôi cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy! tôi bùi ngùi cảm động muốn rơi nước mắt nhưng niềm vui sắp được về với gia đình lại khiến tôi phấn khởi ngay, tôi bắt tay, cám ơn Tiến rồi xách túi vào bến. . từ đấy tôi không bao giờ gặp lại Tiến, người đệ tử, người ân nhân, tôi không biết anh đã phiêu bạt phương nào! Bèo hợp rồi tan, nhất ẩm nhất thực giai do tiền định, cuộc hội ngộ ngắn ngủi chỉ có mấy ngày nhưng nó thể hiện biết bao ý nghĩa sâu xa thắm thiết, không bao giờ tôi quên được những ngày rạt rào tình nghĩa ấy.

Tôi vào bến thấy một chiếc tầu dài mấy chục thước đúng y như số hiệu ông dược sĩ đã cho, thấy một ông to cao chắc là thương gia đang coi người ta trục xe hơi của ông lên tầu, tôi bèn lại gần hỏi thăm, ông này hách dịch bảo:

- Tôi không biết ông dược sĩ Tuấn là ông nào hết.

Tôi chờ mãi sốt cả ruột, chừng hai giờ sau mới thấy ông dược sĩ lại gần tầu, tôi mừng quá chạy tới bắt tay hỏi, Tuấn vui vẻ bảo:

- Dạ cứ lên đại đi anh ạ!

Tôi nghe ông bèn bước lên tầu, Tuấn nói chuyện với ông nhà giầu một lúc rồi chào tôi ra về, ông ta chỉ thuê tầu chở thuốc chứ không đi theo tầu, đó là lần cuối cùng tôi gặp Tuấn, ông cũng là người ân nhân đã cứu tôi thoát nạn. Một lúc sau tầu nổ máy rẽ sóng chạy men theo bờ xuôi về Nam, chỉ một ngày trước khi sảy ra cảnh hỗn loạn, hôm ấy tầu di tản từ Đà Nẵng chở xác chết của mấy trăm đứa trẻ nít cập bến để đưa vào nhà xác, người ta đạp lên xác chết mà chạy, . . bọn tù quân lao thoát ra khỏi trại bắn giết, cướp bóc hãm hiếp khắp thành phố, tôi thật may mắn quá, đến đâu cũng có quí nhân phò trợ.

Gió biển lồng lộng thổi vào mặt tôi, mặt biển trong xanh tuyêt đẹp rộng mênh mông đến tận chân trời xa tít. Tôi xin được một ly trà, lấy bánh ra ăn rồi dựa vào thành tầu nhìn đàn cá bay là là trên mặt nước nhớ lại hai mươi năm trước đây theo gia đình di cư vào Nam đứng trên boong tầu Mỹ nhìn xuống biển cũng thấy những đàn cá bay như vậy, và bây giờ là lần chạy loạn cuối cùng trong đời tôi. Tối ấy chúng tôi vào phòng lái nghe đài BBC Luân Đôn, người hoa tiêu quay lại nói vội vã:

- Đà Nẵng thất thủ rồi, một trăm nghìn quân bị bắt làm tù binh.

Người ta bàn tán về những tin tức khủng khiếp ngoài Đà Nẵng, một thành phố bỏ ngỏ cho sự hỗn loạn, cướp bóc hãm hiếp, bắn giết. .

Tôi nằm xuống sàn ngủ nhưng tầu bị sóng đánh ngả nghiêng khó ngủ lắm, người tôi đau nhức như rần, phần vì ăn uống thất thường cả tuần nay, và vì bệnh vẫn còn, mỗi lần tầu nhào xuống, ngoi lên tôi lại thấy y như ai cầm gậy đánh vào lưng mình, nhưng đến khuya cũng ngủ được một giấc.

Gần trưa hôm sau đã đến Vũng Tầu, đài ra đa bãi trước hiện ra, ai nấy vui mừng hớn hở. Tôi xuống bến, ra đường lộ đón xe về Sài Gòn. Về đến nhà, khi tôi bước vào sân, ai nấy chạy ra kinh ngạc, mẹ tôi, anh chị tôi tưởng tôi đã chết rồi. Cả nhà náo động hẳn lên vì mừng rỡ, hàng xóm cũng chạy sang hỏi thăm tình hình, vẻ lo âu hiện lên nét mặt họ.

Trong số những người viên chức hành chánh chạy đường bộ, tôi là người về Sài Gòn trước nhất vì may mắn đi theo đại đội trinh sát của ông Nhành, họ đi đúng đường. Những người kia không có bản đồ, họ đi theo địa bàn bị lạc đường, một người mất tích, số còn lại chạm súng với Việt Cộng, một người bị thương, họ yếu thế phải đầu hàng, bị tước khí giới nhưng không bị bắt, họ về được Phan Rang trong ngày di tản rồi kéo nhau về Phan Thiết trong cảnh hỗn loạn hãi hùng, đã trải qua biết bao chặng đường chông gai rồi mới lần về được Sài Gòn.

Tôi đã được nhiều quí nhân phò trợ trong cuộc di tản cam go, Nhành, Tiến, Tuấn. . đã giúp cho tôi về nhà bình an, đáng tiếc thay tôi không được gặp lại những con người nhân đức ấy, trong cơn khói lửa mịt mù không biết họ đã phiêu bạt nơi đâu?

Những hy vọng ngây thơ của người miền Nam dần dần tan thành mây khói, đất nước bị bỏ ngỏ như một miếng mồi ngon, Cộng quân tiến nhanh như vũ bão, chẳng mấy chốc địch đã tiến sát vòng đai bảo vệ thủ đô, chính phủ mới vừa lên cầm quyền thì phi trường Tân Sơn Nhất bị ném bom dữ dội.

Tôi về Sài Gòn hôm 30-3 đến nay đã được gần một tháng, tối hôm ấy cả nhà tôi thức giấc vì tiếng còi báo động từ phiá phi trường Tân Sơn Nhất rú lên ghê rợn trong đêm tối, tiếp theo là những tiếng đạn pháo kích nổ long trời lở đất, nhà tôi ở Phú Nhuận nghe rõ lắm, cả nhà không ai bảo ai mọi người đều nằm rạp xuống sàn gạch hết, tiếng đạn nổ hòa với tiếng còi báo động ghê rợn một lúc lâu thì êm hẳn, khi ấy tiếng o . o. của những chiếc máy bay cất cánh bỏ chạy sang Thái Lan, tiếng động cơ máy bay cũng ghê rợn như tiếng pháo của địch và tiếng còi báo động ban nãy.

Tình hình hôm sau lại găng hơn trước, đạn bay súng nổ ầm ầm, những quả pháo khủng bố của địch rơi vãi khắp nơi, rải rác trong thành phố chỗ nào cũng có người chết, người bị trúng đạn. Cả nhà tôi trong cơn hốt hoảng phải dọn đến nhà bà cô ở đường Võ Di Nguy, đó là một căn nhà lầu đúc ba tầng kiên cố. Chúng tôi, chủ nhà và một gia đình nữa ở tầng dưới cùng tránh đạn vì nếu chúng có pháo vào nhà, hai tầng trên đã đỡ được đạn. Khi ấy người ta chạy loạn tới tấp ngoài đường phố y như hồi tết Mậu Thân, nhiều người chở túi, bị trên xe gắn máy phóng như bay từ hướng phi trường, Gò Vấp về Sài Gòn. Hôm ấy trận giông bão đầu mùa đổ xuống, cành cây lá cây vương vãi khắp vỉa hè.

Hôm sau tình hình có vẻ dịu hơn trước, tiếng súng đạn bớt hẳn đi, người đi đường đông hơn trước đa số là dân chạy loạn, lúc gần trưa cả nhà chạy lại máy thâu thanh nghe chính phủ mới tuyên bố buông súng đầu hàng. Từ lúc đài phát thanh Sài Gòn truyền lệnh của ông tổng thống mới thì tiếng súng tự nhiên ngớt dần rồi im bặt. Người ta không còn nghe thấy tiếng đại bác ầm ầm đâu đây, y như cơn phong ba bão táp đã qua, bây giờ là cảnh trời yên bể lặng.

Không ai bảo ai, dân chúng tự động kéo nhau ra đứng đầy hai bên đường phố để được chứng kiến biến cố lớn nhất trong lịch sử nước ta từ trước đến nay, ảnh hưởng của trận mưa bão đầu mùa vẫn còn, mây đen u ám dăng đầy trên không, hôm nay là cảnh trời sầu đất thảm, mưa tuôn rả rích, những hạt mưa phùn lấm tấm tựa như muôn nghìn giọt lệ tự trên trời đổ xuống để khóc cho số phận cay đắng nghiệt ngã của một đất nước hiền lành vô tội trước sự sai lầm của lịch sử, lịch sử đã chọn Ma Vương.

Hàng nghìn vạn người đội mưa đứng nhìn giòng xe quân sự từ hướng Tổng Tham Mưu, Gò Vấp, Gia Định . . đổ về Cầu Kiệu, Sài Gòn. Những hạt mưa phùn lấm tấm phủ một làn nước mỏng trên mặt đường làm cho nó trơn bóng lên. Tôi cũng nhập bọn với đám đông để nhìn những người lính chiến đầu đội mũ sắt ngồi ủ rũ trên xe díp, xe GMC, xe kéo pháo . . .đang từ từ lướt qua mặt đám người bàng quang đông đảo đứng hai bên lề, tôi nhìn họ mà trong lòng như đứt từng khúc ruột, dẫu cho đến ngày nhắm mắt lìa đời tôi cũng không bao giờ quên được ngày hôm ấy.

Làn mưa vẫn còn loáng thoáng, xe nhà binh vẫn tiếp tục từ ven đô tiến về Sài Gòn liên tu bất tận, vài người lính tươi cười đưa tay vẫy chào dân chúng, phần nhiều ủ rũ cúi mặt đăm chiêu. Tôi chăm chú nhìn những con người ấy như đọc lên được cái tâm tư tuyệt vọng trên nét mặt sầu thảm và đôi mắt u hoài của họ. Kể từ nay một thời chinh chiến đã qua, họ giã từ vũ khí, súng ống chúc nòng xuống biểu hiệu của sự đình chiến. Tôi đưa tay vẫy mấy người lính trẻ khi xe díp của họ chạy gần phía tôi, họ tươi cười cầm mũ vẫy chào lại để biểu lộ niềm thông cảm quân dân. Một chiếc xe tăng chạy ầm ầm trên đường nhựa, người lính thiết giáp đầu đội mũ sắt đứng trên xe trông oai vệ như khi lâm trận, anh ta tươi cười vẫy tay chào hai bên lề bảo:

- Hòa bình rồi!

Anh ấy nói đúng, nhưng sao tôi thấy nó chua chát quá!

Chiến tranh đã chấm dứt, chạy loạn không còn nhưng cay đắng tủi chục thì như không bao giờ hết!

Tôi ngước mắt nhìn trời, nhựng hạt mưa bụi lấm tấm rớt đầy mặt, tôi nhìn theo hai chiếc phản lực cơ cao vút trên nền trời u ám và ướt sũng nước, chúng bay vút lên thật cao vòng qua vòng lại, những chiếc máy bay Mỹ từ Thái lan qua để quan sát cuộc di tản của họ, nhiều người cũng ngước mắt nhìn hai chiếc máy bay trên nền trời cao vút ấy, một quang cảnh trời cao u buồn không bút mực nào mà tả cho siết được. Bầu trời hôm nay xám đen thê thảm, trận giông bão đầu mùa đã để lại mầu tang tóc ấy.

Cộng quân ồ ạt tiến vào thủ đô bỏ ngỏ, dân Sài Gòn lo sợ ngày mai không có gạo ăn, nhiều người đổ xô đến các kho gạo để khuân về nhà, họ đi lấy đồ tại các kho mãi đến khuya hôm ấy. . . Ngày 30 tháng 4 năm 1975, một ngày dài nhất của lịch sử miền Nam nước Việt từ từ chấm dứt, nó kết thúc một cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ, một trang sử ô nhục dẫu cho muôn đời cũng không bao giờ rửa sạch.

Mặt trận cuối cùng bắt đầu từ ngày 9-3 –1975 khi Cộng quân tấn công quận Đức Lập và Ban Mê thuột cho đến nay ngày 30-4-1975 tính ra mới có năm mươi mốt ngày. Việt Minh tấn công quân Pháp tại Hà Nội ngày 19 tháng 12 năm1946, đó là ngày khởi đầu của cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ, cho đến nay ngày 30-4-1975 là ngày kết thúc, thấm thoắt đã 28 năm qua, 28 năm khói lửa, 28 năm dày vò xâu xé đất nước tôi. Ai gây nên cảnh tương tàn? Cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ ấy đã giết hại hằng mấy triệu đồng bào tôi, tàn phá quê hương tôi, thiêu đốt hàng trăm hàng nghìn làng mạc, đô thị của đất nước tôi. . Cuộc chiến tranh đã kìm hãm dân tộc tôi trong vòng nghèo đói lạc hậu, nó sẽ ĐỜI ĐỜI ĐẮC TỘI trước Non Sông và Tổ Quốc.

Trọng Đạt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn