BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73173)
(Xem: 62202)
(Xem: 39376)
(Xem: 31130)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Giáo xứ Thái Hà quanh quẩn ký (Kỳ cuối)

14 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 850)
Giáo xứ Thái Hà quanh quẩn ký (Kỳ cuối)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
... Gần 30 năm trời sống gần giáo xứ, chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh tượng Thái Hà đông vui, nhộn nhịp như bây giờ. Kể từ đêm định mệnh 28 tháng 8, 400 bà con bị đánh và sự kiện Đức Mẹ hiện về an ủi giáo dân sáng 29 tháng 8, mỗi ngày có vài nghìn người kéo về đông như chảy hội. Người đến từ Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, người ở ngay Hà Nội. Cả trẻ, già, nam, nữ, lớn bé góp mặt... Người đi xe máy, xe đạp hay chen xe khách tấp nập kéo về nhà thờ Thái Hà để tham dự cầu nguyện ở Linh Địa Đức Bà và để cảm nhận bầu không khí thánh thiêng ở nơi đây, khiến cho địa phận Thái Hà vốn đã bị đảng ăn thịt, chiếm đóng gần hết (từ 60,000m2 năm 1928 còn 3,000m2 đất hiện tại) trở nên quá nhỏ bé chật chội, đến mức người sát bên người, người nọ cách người kia chỉ bằng đúng một bàn chân.

Giữa xô bồ nhộn nhạo, nơi này bị lực lượng thanh niên tình nguyện kích động quấy phá, hát vang những bài hát về tên “thánh tổ” của đảng: “Như có bác trong ngày vui đại thắng”... Nơi kia là đám con hoang của Chúa chạy lăng xăng, dậm dọa bà con giáo dân không được vi phạm quy định của pháp luật, ai về nhà nấy (!).Nơi khác là những đôi mắt thú gườm gườm soi mói lương dân qua lại trong khu vực của giáo xứ. Thậm chí camera gắn ở mọi chỗ để hễ có gương mặt của bất kỳ dân oan, dân chủ, người bất đồng chính kiến nào lọt vào cũng bị đẩy ra không thương tiếc, hoặc... a lê hấp, bắt lên đồn trình diện... Riêng họ - những con chiên ngoan đạo đã chịu phép thôi miên của Chúa, vẫn ngồi, hai bàn tay như hai cánh hoa úp vào nhau, nét mặt nghiêm trang, bình lặng, biểu hiện một sự chú tâm thật vô cùng thành kính, thiêng liêng. Niềm thành kính từ nội tâm phát tỏa ra ngoài, trở thành một nguồn năng lượng tiềm tàng, bí ẩn, cùng hướng tới sự cao khiết muôn đời, đó là Chúa lòng lành của họ.

Theo chân một đoàn giáo dân lên Đền Thánh hành hương và ra viếng Đức Mẹ tại Linh Đài nơi Linh Địa, một người quen của tôi ở xã Thạch Bích, Thanh Oai, Hà Nội - nơi anh dạy học, gọi điện thoại báo tin cho tôi biết: “Trong số những người hành hương từ Thanh Oai ra có cả các cán bộ công an huyện và công an xã”. Đám “bạn dân” này đi theo để theo dõi và giám sát giáo dân ở Thanh Oai ra đây hành hương, hiện đang theo bà con vào Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ngoài ra còn đủ mặt công an các tỉnh huyện khác như Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh... Bất kể nơi nào, hễ có giáo dân hành hương về Thái Hà là có công an bám theo để nhận mặt và giám sát mọi việc làm của giáo dân đến đấy. Cũng theo lời anh kể: Tại Linh Địa lúc này có đến bốn chục công an mặc sắc phục, không kể những công an chìm làm nhiệm quay phim chụp ảnh, giám sát chung các hoạt động của gần 3,000 giáo dân, hễ ai có hiện tượng lạ là lập tức bẩm báo, xử lý.

Mặc... kể từ ngày 13 tháng 8 đến nay, tuy bị công an đàn áp, nói xấu, bắt bớ, xua đuổi từ cửa nhà, đầu ngõ, hay bến ô tô (không cho họ đi) đến mọi ngóc ngách trong nhà thờ Nam Đồng này, song hết ngày nay sang ngày khác, hàng ngàn giáo dân luôn cùng nhau, đồng lòng, đồng tâm ra linh địa Đức Mẹ cầu nguyện. Trong lời ca tiếng hát họ như được tiếp thêm sức mạnh, tình yêu và sẵn sàng hiến dâng cho Chúa với lòng bác ái yêu thương. Ngoài người lớn, phụ nữ, thanh niên, còn cả những đứa trẻ cũng dắt tay nhau đứng bên cạnh những ông bố bồng con còn ẵm ngửa. Bao phụ nữ có bầu vượt mặt, những cụ già lưng còng, những đôi trai gái yêu nhau cùng hòa vào dòng người cầu nguyện, cất vang bài Thánh ca: “Mẹ là ngôi sao sáng , soi lối cho con lúc vượt biển thế gian, soi lối cho con thẳng về nơi phúc nhàn. Sống chết con trông nhờ. Bao nhiêu sức hộ phù. Lòng Mẹ sẵn sàng mà đoái đến con .Giúp con đưa con về tới bến. Giúp con đưa con tới thiên đàng”.

Sáu giờ 30 chiều, cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng và cha Gioan Baotixita Hồ Quang Lâm cử hành thánh lễ cuối ngày. Cả đám đông 3,000 người trong một khuôn viên chật hẹp ngồi tràn ra cả ngoài mái hiên, trong sự “bao bọc” của công an, nhà báo của Đảng. Dù thế nào họ thực sự là đám đông có tổ chức. Điều này chỉ có thể lý giải được bởi mối liên kết giữa họ với nhau chính là niềm kính tín.

Bảy giờ 30 phút, cả nhà tôi quây quần bên mâm cơm, phía trước là chiếc ti vi đang bật, không khí chùng hẳn lại khi tiếng một con quạ cái xinh đẹp phát đi bản tin vô cùng phản động về tình hình bà con giáo xứ Thái Hà: “Lợi dụng trời tối, những kẻ chủ mưu đã bộc lộ bản chất thâm hiểm bằng cách xúi bẩy, mớm lời cho một số giáo dân hô hoán lên rằng: Họ đã bị lực lượng công an dùng dùi cui đánh, bị xịt hơi cay nên đi đứng loạng choạng, nhiều người ngất xỉu. Thế nhưng chẳng thấy ai phải sơ cứu, phải vào bệnh viện điều trị... Vào lúc 22 giờ đêm, nhiều phần tử hiểu ra mình bị các đôi tượng xấu lôi kéo, kích động nên lần lượt bỏ ra về thì những kẻ cầm đầu, chủ mưu, chuyên gây rối, cố tình kéo trở lại, với số lượng hàng trăm người tụ tập tại bãi đất trống để dựng lên cái gọi là lập biên bản về chuyện chúng đã bị xịt hơi cay, khiến nhiều người ngất xỉu. Ngay cả những giáo dân ở giáo xứ Thái Hà chứng kiến hành vi ngang ngược của những phần tử chống đối này cũng tỏ ra hết sức bất bình”.

Tôi chưa kịp bày tỏ gì, chồng tôi đã thủng thẳng:

- À, lại luận điệu cũ rích, phát nhai nhải trên loa truyền thanh, đài tiếng nói Việt Nam từ sáng đến giờ, bây giờ phát lại đấy mà.

- Đài tiếng nói Việt Nam ư? Tôi không tin vào tai mình hỏi lại:

- Chứ còn sao nữa, sáng nào anh đưa hai con đi học qua khu vực giáo xứ Thái Hà, chả phải nghe. Còn đến trường, muốn tìm hiểu tình hình bà con giáo dân một chút, bật lên là lại nghe đài nói oang oang mà” - chồng tôi khẳng định.

Thật xấu hổ vì tiếng của mấy con quạ đen, đại diện cho một nhóm mặt người dạ thú, nham hiểm, lừa lọc lại trở thành tiếng nói của 87 triệu người dân Việt Nam cả hai miền Nam Bắc? Chúng cố tình biến những con chiên ngoan đạo mà người đời gọi bằng hai tiếng thân thương “giáo dân”, “giáo xứ” thành... giáo gian và ngược lại, mượn miệng, mượn hình của lũ giáo gian để bao che cho việc làm đê hèn, bẩn thỉu của chúng, phỉ báng bà con giáo dân chân chính, hiền lành.

Thở dài đánh thượt, tôi đứng lên, chợt vập mặt vào hai câu thơ “Khuyên kẻ điêu toa” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm làm từ cách đây hơn nửa thiên niên kỷ (500 năm) mà bố tôi vẫn còn giữ được:
“Phép nước ví dù còn tránh được
Tội trời khôn thể tránh đâu nào”

Trở lại bàn làm việc nơi tôi đã định hình chân dung mình bao nhiêu năm qua theo đúng quan điểm duy vật biện chứng: “Làm nghề gì có chân dung của nghề đó”, tôi bật màn hình computer, bấm vào dòng “chúa cứu thế” trên mạng và biết thêm tin về 7 người bị bắt, về cha Khải - người đứng ra ổn định dân chúng trong đêm giáo dân bị xịt hơi cay - đang bị công an đe dọa vì tội “ kích động giáo dân nổi loạn, chống chính quyền”...

Quả là không hiểu lũ công an ra làm sao nữa, ngay từ cái tên cũng đã là một sự dối trá rồi. Công là công bằng, bác ái, an là an ninh, trật tự. Một lực lượng lẽ ra phải bảo vệ lương dân giáo dân khỏi cảnh rối loạn xô bồ, nhiễu nhương nơi nhà thờ, thánh lễ, thì ngược lại hành xử như những kẻ côn đồ. Đành rằng vì miếng cơm manh áo, vì nồi cơm của vợ con - như chúng từng nói: “Mọi con đường đều phải đi qua cái dạ dày, trước khi lên được tim óc cũng phải qua dạ dày đã”. Nhưng đâu có phải vì làm nô lệ cho dạ dày mà đánh mất mọi thứ, từ lương tâm nhân phẩm danh dự làm người, đặc biệt là với bà con giáo dân, vốn chỉ có lòng tin vô bờ vào Đức Mẹ hiển linh?

Biết rất rõ những điều đã đọc trong Triết học Mác-Lê Nin từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường xã hội chủ nghĩa: “Tôn giáo, sắc tộc là những thùng thuốc nổ cực mạnh”, tôi trộm nghĩ: “Nếu đảng cứ cố tình châm ngòi nổ bằng những hành động đàn áp, rồi vu khống đê hèn như thế này, hết dùi cui, roi gân bò, lựu đạn cay, lại lấy lưỡi mềm biện bạch, chối tội, đổ hết lên đầu bà con giáo dân thì chắc chắn kết cục nhỡn tiền sẽ xảy ra... kẻ kích hoạt những thùng thuốc nổ sẽ bị thuốc nổ thiêu rụi...” Nghĩ sao, làm vậy, tôi vội vàng gõ chữ, trút tiếng thở dài vào những câu thơ ngắn, như nhắn nhủ với bà con giáo xứ Thái Hà:
Hãy biến đời mình thành thuốc nổ
Đốt thành than bọn cuồng nộ đê hèn
(Trái ý trời thì trời tru đất diệt
Trái lòng người, chuốc mọi rủi ro)

Hình ảnh Mẹ - thiêng liêng và đầy huyền bí - trở thành nền tảng của mọi giá trị thẩm mỹ trong giáo xứ, vẫn liên tục hiện về tạo ra những ám ảnh khôn cùng, không những trong lòng bà con khắp các giáo xứ mà cả trong lòng tôi nữa:
Mẹ đã hiện về tay bế Chúa Giê Su
Giữa mây xanh lồng lộng bóng người...
10 triệu giáo dân thành một khối
Chống bạo tàn, đàn áp bất công...

Giữa họ và Đức Mẹ như có sự cộng hưởng, giao thoa, liên hệ gắn kết với nhau bằng một mối đồng cảm riêng, một ký ức tinh thần riêng, hoàn toàn thiêng liêng và trong sáng... Vì thế cho dù công an có áp dụng kỷ luật sắt. Dù là nắm đấm, hay dùi cui, còng xích, nhà tù, cũng không thể nào chia rẽ, giải tán họ được. Ngược lại ý thức rõ trách nhiệm, niềm vinh dự tự hào vì được tử vì đạo của mình, họ sẽ liên kết thành một khối, chống lại mọi sự bạo tàn, đàn áp bất công...

Hà Nội 14 tháng 9 năm 2008
Trần Khải Thanh Thủy
(Nguồn: Người Việt, Monday, September 14, 2008)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn