BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 65575)
(Xem: 59651)
(Xem: 36969)
(Xem: 29242)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bộ giáo dục và đào tạo Việt Nam đã sai tiến sĩ Chu Văn Sơn giết môn văn như thế nào?

11 Tháng Mười Hai 200412:00 SA(Xem: 894)
Bộ giáo dục và đào tạo Việt Nam đã sai tiến sĩ Chu Văn Sơn giết môn văn như thế nào?
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Tiến Sĩ Chu Văn Sơn lâu nay được nhà nước Việt Nam cho giảng dạy môn Văn Trung học trên Đài truyền hình Việt Nam, giảng viên văn học dạy ở các đại học, chuyên luyện thi học sinh giỏi văn và dạy trong các lò luyện thi đại học ở Hà Nội và khắp cả nước. Ông còn là Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học của Hội Nhà Văn Việt Nam. Chính ông tiến sĩ con cưng của chế độ này đã dạy cho em học sinh Nguyễn Trung Ngân để em viết trong “bài văn điểm 10”, rằng “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử là thơ điên cuồng, uất hận. Chúng tôi ( T.M.H.) xin gửi đến “quý báo mạng” một chùm 3 bài phê bình lối dạy văn cốt để giết văn của ông tiến sĩ này. Mong được ông Chu Văn Sơn và cấp trên của ông là Bộ GD&ĐT trả lời trước công luận.

T.M.H.

1. CÓ THẬT NGUYỄN DU TẢ LIỄU CHỈ ĐỂ TẢ LIỄU ?

Báo “Văn Nghệ” số 47 ra ngày 20-11-2004 có in bài : “ Thêm một công trình nghiên cứu có chất lượng về Thơ Mới” của Văn Giá, nhằm ca ngợi hết lời cuốn : “ Ba đỉnh cao Thơ Mới” của Chu Văn Sơn ( viết về Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử – NXB Giáo Dục, 2003), với sự đề cao mà nếu dành cho Hài Thanh e còn hơi quá : “ Công trình này tự nó đã có một dáng dấp của một lý thuyết nghiên cứu riêng”… “ Người viết đã như gọi được hồn vía của mỗi nhà thơ hiện lên trang giấy”… “ Chu Văn Sơn đã có một ngôn ngữ phê bình riêng… mang ấn tín, quyền uy của Chu Văn Sơn”… “ Công trình này mang tính chuyên môn cao”… “ Công trình này là một minh chứng thuyết phục cho tính chuyên nghiệp của nghiên cứu phê bình văn học”… “ Với một tinh thần lao động như thế, chữ nghĩa của tác giả đã làm nên tư tưởng, làm nên dấu ấn riêng, đường nét riêng trên con đường định hình một phong cách nghiên cứu phê bình văn học Chu Văn Sơn”…

Chu Văn Sơn cho toàn bộ thơ Hàn Mặc Tử là thơ điên, với một hình thức điên, là hình thức cái tột cùng; rồi thơ Hàn Mặc Tử là thơ điên nên nó khác với thơ trữ tình, thơ điên Hàn Mặc Tử lại cũng khác với Thơ Mới… toàn là chuyện động trời mà tác giả “Ba đỉnh cao Thơ Mới” làm giật thót tim người đọc; hoặc giả chuyện Chu Văn Sơn giải thiêng thơ tình Xuân Diệu khi tuyên bố “nàng thơ” trong thơ tình Xuân Diệu” là hai mang, vừa mọc râu vừa nảy nở nhũ hoa, nghĩa là nửa trai nửa gái…

Trước khi có những bài bàn với Chu Văn Sơn về những ‘ phát minh’ trên, trong bài này, chúng tôi muốn trao đổi với ông về lối tả liễu của Nguyễn Du mà theo ông, chỉ nhằm tả liễu; còn cách tả liễu của Xuân Diệu mới là cách tả liễu hay ho, vượt lên cách tả liễu của tác giả chuyện Kiều. Ấy là khi Chu Văn Sơn bình giảng bài thơ : “ Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu từ trang 98 đến trang 124 ( sách đã dẫn), với việc so sánh lối tả liễu của Xuân Diệu mới hơn, hay hơn lối tả liễu của Nguyễn Du, như sau : “ …Còn Xuân Diệu ? Ấy là dáng liễu. Khi rặng liễu bắt đầu mang dáng đứng chịu tang, thi sĩ biết rằng mùa thu đã hiện diện ở xứ sở này : “ Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang / Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng : / Đây mùa thu tới, mùa thu tới / Với áo mơ phai dệt lá vàng…”. “Chúng ta biết, Thơ Mới bắt đầu mới trong cảm xúc…. Nét dễ thấy ở đây là một lối liên tưởng mới. Chính lối liên tưởng này đã tạo ra một vẻ đẹp mới cho đối tượng cũ. Ai cũng biết liễu là hình ảnh quá quen thuộc trong thơ cổ điển. Trong Truyện Kiều thật nhiều những dáng liễu đẹp :

“- Lơ thơ tơ liễu buông mành
- Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha


…Trong thơ Nguyễn Du, liễu có phần nghiêng về vẻ đẹp khách quan, liễu chủ yếu hiện lên bằng vẻ đẹp của bản thân liễu. Nhà thơ mới Xuân Diệu không chịu làm thế. Ông đã “áp đặt” vào liễu một vẻ đẹp chủ quan, liễu mang trong nó vẻ đẹp người. Từng dòng lá liễu rủ xuống mang trong nó những dòng tóc đang buông xuống và trăm nghìn giọt lệ đang tuôn xuống. Tâm trạng liễu là tâm trạng người. Cảm nhận liễu, người ta cứ thấy phảng phất trong liễu bóng dáng những giai nhân đài các, kiêu sa mà âu sầu buồn bã. Trước Xuân Diệu, xem ra, chưa có một dáng liễu nào giống thế”…. “Cảm xúc thẩm mỹ mới về mùa thu của Xuân Diệu, rõ ràng đã gắn liền với một khía cạnh thi pháp mới, đó là một trường liên tưởng tân kỳ : vẻ đẹp tạo vật thiên nhiên được quy chiếu về vẻ đẹp của những giai nhân…”.

Qua trích đoạn trên, ta thấy Chu Văn Sơn đã bộc lộ một số cái sai sau:

Cái sai thứ nhất là khi Chu Văn Sơn bảo trước Xuân Diệu chưa hề có lối mượn thiên nhiên để tả người, chưa có “thi pháp” : “ Vẻ đẹp tạo vật thiên nhiên được quy chiếu về vẻ đẹp của những giai nhân”, mà chính Xuân Diệu mới là người ‘phát minh’ ra lối dùng thiên nhiên để tả người, cụ thể là để tả giai nhân. Thưa rằng, tất cả cảnh vật, thiên nhiên trong thi ca phương Đông từ Kinh Thi, Ly Tao, qua thơ của các thời Hán, Tấn, Tuỳ, Đường, Tống, Minh, Thanh…bên Trung Quốc và ca dao, thơ Lý Trần qua Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Huy Tự, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà … của ta đều dùng lối mượn cảnh tả tình, mượn cảnh tả tâm trạng, tả người, dùng non tả nước, dùng âm tả dương, dùng vật tả tâm… và ngược lại. Ví như Nguyễn Trãi mượn cỏ, mượn hoa để nói về người, về thời thế, về vua và về dân : “Hoa thì hay héo cỏ thường tươi”…Điều này đã được Nguyễn Du khái quát thành nguyên lý : “ Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu / Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Cái sai thứ hai của Chu Văn Sơn là dám bảo Nguyễn Du tả liễu cốt để tả liễu; mặc dù mào đầu, ông còn giảm “tông” kết luận này bằng từ “ có phần” rồi tiến đến “chủ yếu”; rằng “ Trong thơ Nguyễn Du, liễu có phần nghiêng về vẻ đẹp khách quan, LIỄU CHỦ YẾU HIỆN LÊN BẰNG VẺ ĐẸP CỦA BẢN THÂN LIỄU”. “Chủ yếu” có nghĩa là gần trăm phần trăm lối tả liễu của Nguyễn Du cốt chỉ nhằm tả liễu, tả vẻ đẹp bên ngoài liễu ( khách quan). Chu Văn Sơn khẳng định dứt khoát : “ Xuân Diệu không chịu làm thế”, tức không chịu tả liễu đơn giản như Nguyễn Du. Vậy ta cần xem, theo Chu Văn Sơn, Xuân Diệu tả liễu kiểu gì ? Chu Văn Sơn tấn phong Xuân Diệu lên thành nhà “liễu học” với 3 phong cách nhân hoá liễu như sau : “- “áp đặt” vào liễu một vẻ đẹp chủ quan – liễu mang trong nó vẻ đẹp con người- dáng liễu là dáng người”. Ý của Chu Văn Sơn trên đã khẳng định Xuân Diệu không tả liễu như Nguyễn Du. Vậy thì những gì Xuân Diệu phong cho “liễu” tức là Nguyễn Du không có. Và do đó, theo Chu Văn Sơn, ta thấy Nguyễn Du có 3 cái thiếu khi tả liễu như sau :

- Nguyễn Du không “áp đặt” vào liễu một vẻ đẹp chủ quan, tức vẻ đẹp của chủ thể sáng tạo.
- Nguyễn Du không cho “liễu mang trong nó vẻ đẹp người”
- Nguyễn Du không biết tả “dáng liễu là dáng người”.

Ở chỗ này, Chu Văn Sơn hoặc chưa đọc Truyện Kiều, hoặc có đọc mà đọc qua quýt, đọc mà không hiểu nên đã nói rất liều, đã đổ tiếng oan cho Nguyễn Du trong sự tả liễu kém hơn nhiều hậu bối Xuân Diệu. Nếu Xuân Diệu còn sống, đọc tới đoạn này của Chu Văn Sơn, chắc thi hào họ Ngô sẽ giật thót mình mà than rằng : “ Không dám đâu ! Đừng nói thế e tôi tổn thọ, rằng về cái khoản tả liễu, Diệu tôi đây giỏi lắm chỉ hàng quan cửu phẩm, sao sánh được với lối tả liễu “ ma ma Phật Phật, ảo ảo chân chân” của bậc cửu trùng Tố Như !”. Nói rồi, chắc Xuân Diệu nhất định chạy đến trước bàn thờ thắp hương vái Nguyễn Tiên Điền, xin tha cho kẻ hậu sinh chưa đọc Truyện Kiều mà dám lộng ngôn đến thế !”

Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã trên dưới 25 lần nói đến liễu hoặc tả liễu. Phép tả liễu của Nguyễn Du quả là biến hoá khôn lường. Đại thi hào vừa dùng liễu để tả liễu và để không tả liễu. Tả liễu, Nguyễn Du tả hồn mình, tả dáng giai nhân, tả tình nhân vật. Tả liễu, Nguyễn Du còn tả cả trời đất trong đó, tả cái hữu hạn thướt tha trong cái khôn cùng, lại tả cái khôn cùng mượn hữu hạn liễu mà lơi lả, mà du dương. Tả liễu, đồng thời Nguyễn Du còn như muốn tả hồn của hậu sinh lúc đọc đến dáng liễu-Tiên Điền đang buông thả hết rung cảm lên từng câu Kiều tha thướt…Xin mở ra phép tả liễu của Nguyễn Du : “ Tả liễu : ở chỗ không có liễu vẫn có liễu; ở chỗ thấy liễu mà không còn là liễu nữa”, như sau :

Bóng tà như giục cơn buồn
Khách đà lên ngựa người còn ghé theo
Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha


Đoạn thơ trên tả nỗi buồn chia xa, lưu luyến của Kim Kiều sau phút ban đầu gặp gỡ, khi cả hai cùng bị “tiếng sét ái tình”. Trong thơ phương Đông nói chung và thơ cổ Việt Nam nói riêng, liễu là một ước lệ dùng để chỉ vẻ đẹp kiều diễm của giai nhân : “ liễu yếu đào tơ”, “phận bồ liễu”…Nhà thơ nói đến liễu tức là nói đến người con gái đẹp và ngược lại. Liễu là liễu mà không phải là liễu mới là liễu, chính là phép tả liễu kỳ ảo của Nguyễn Du. Ví như 4 câu thơ trên, nhìn vẻ ngoài chỉ câu thứ tư : “ Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha” là có liễu thực : có rặng liễu rủ bên cầu, có cả bóng liễu do nắng xiên khoai hoàng hôn in dài trên mặt đất, và cả bóng liễu in lơi lả dưới lòng suối trong veo. Nhưng cái hồn của liễu, cái vẻ đẹp buồn lê thê của cuộc chia xa Kim-Kiều đã đổ bóng dài xuống 3 câu thơ trên. Câu thơ : “ Bóng tà như giục cơn buồn” đã bị “liễu hoá”, khiến cả cái “bóng tà” – vệt hoàng hôn đổ sóng xoài lên cuộc chia tay cũng đu đưa, lơi lả, chập chờn, chờn vờn, níu kéo, vời xa, vẫy vẫy bịn rịn không muốn dứt, không muốn lìa. “Bóng tà” này cũng chính là một bóng liễu được phóng đại, cùng tham dự vào cuộc run rẩy của xúc cảm chia lìa buổi ban đầu tình yêu “sét đánh” kia. Ở câu thơ tiếp, vẻ ngoài chỉ là tả người thư sinh lên ngựa và kẻ hồng quần ngơ ngẩn ngó theo. Nhưng cả nhịp đi của câu bát này cũng là nhịp đùng đình, chập chờn, níu kéo, dây dưa, rưng rưng, phập phồng muốn loãng ra, tan ra của liễu khi bị cơn gió tình yêu làm xao động. Câu thơ thứ 3 : “ Dưới cầu nước chảy trong veo” thực ra không thấy liễu mà chính là Nguyễn Du đang tả liễu đấy ! Vì rằng cái bóng liễu in dưới suối kia mới đẹp, mới lung linh, mới run rẩy vì cuộc chia tay hơn là cây liễu thật trên bờ đang bị gió tình yêu xô đẩy. Cả dòng suối mềm lung linh chuyển động cũng chính là một thứ liễu âm âm đã chìm xuống tan thành nước, để không còn phân biệt được đâu là liễu đâu là nước nữa. Cũng như cái tình của Kim –Kiều đã nhập lại cùng nhau mà hoá thân thành liễu, thành nước, thành gió, thành bóng chiều, giữ lấy cuộc chia tay của mối tình đầu văn học, mối tình thi ca vĩnh cửu, để chúng ta hôm nay được tham dự vào buổi chiều tơ liễu xưa còn rung động ngàn sau. Câu thứ 4, ta thấy liễu thực nhưng mà không phải đâu, chính là bóng dáng Thuý Kiều đấy, chính là tình yêu của nàng hoá thành liễu; và vì vậy, từ nay, liễu của tình đầu này đã bị Kiều hoá, Kim Trọng hoá , cũng chính là hồn Nguyễn Du hoá thân vào tất cả mà thành !

Xem ra, phép tả liễu của Nguyễn Du cao thủ hơn lối tả liễu của Xuân Diệu nhiều. Hai câu mở đầu của Xuân Diệu trong bài “Đây mùa thu tới” mà Chu Văn Sơn cho là hay hơn, cao sâu hơn, mới mẻ hơn lối tả liễu của Nguyễn Du, thực ra là cách viết rất Tây, cách nhân cách hoá kiểu Tây : “ Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang / Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”, hầu như đã phơi hết liễu lên mặt giấy. Hình ảnh liễu ủ rũ đứng chịu tang mùa thu, rồi bóng liễu từng giọt đổ như lệ tuôn là hình ảnh rất cổ trong thơ Tây-Tầu xưa, Xuân Diệu mượn lại mà mở đầu cái giọng hổn hển, vồ vập, cuồng nhiệt của mình mà thôi. Đằng sau cây liễu ủ rũ như người đàn bà đứng chịu tang, đằng sau muôn giọt liễu khóc này, ta không còn thấy một thứ “liễu” nào nữa. Nhưng Nguyễn Du, ông tổ của ngành : “ Thi pháp-Liễu” Việt Nam thì biết tả liễu ở cả những chỗ không có liễu; lại biết tả người ở chỗ chỉ có liễu, theo một quy trình biến ảo kiểu : sau liễu là người, sau người lại thấy liễu; cứ tưởng là tả nước, tả hoàng hôn, tả người lên ngựa, người ngó theo mà thực ra Nguyễn Du toàn tả liễu mà thôi. Lúc người đọc tưởng ông tả liễu thì rốt cuộc, lại hiện ra người, hiện ra hồn vía nhân vật, hồn vía tác giả và lạ thay, hiện ra cả hồn vía của người đang đọc Kiều nữa. Không chừng người đọc“bị” hoá thành liễu lúc nào không hay ?

Chúng tôi muốn dẫn ra hàng chục trường hợp tả liễu kỳ ảo của thiên tài Nguyễn Du trong Truyện Kiều, để thấy mỗi lúc liễu của ông mỗi khác; nhưng vì khuôn khổ bài báo có hạn, hẹn một dịp khác lại được bàn về liễu Nguyễn Du với ông Chu Văn Sơn và ông Văn Giá. Xin hai ông cùng chúng tôi đọc lên, gọi lên một thứ Liễu vốn là người, người thật trăm phần trăm mà vẫn cứ là bóng liễu đổ dài tha thướt theo nỗi niềm cảm động, nhớ thương, tiếc nuối, đớn đau của Thúy Kiều còn lưu mãi trong hồn chúng ta :

Khi về hỏi liễu Chương Đài
Cành xuân đã bẻ cho người chuyền tay


Thương thay cho nàng Liễu thị của Hàn Hoành bị kẻ khác cướp mất, để nỗi đau buồn xưa còn hoá liễu Kim Kiều, rủ nhớ thương xuống câu lục bát Nguyễn Du. Hi vọng việc lấy mất tài tả liễu tuyệt vời của Nguyễn Du để trao cho Xuân Diệu của ông Chu Văn Sơn sẽ không giống việc nàng Liễu thị của “Toàn Đường thi thoại” bị người Phiên cướp đi , để lại Chương Đài một dáng liễu xanh xanh trong nỗi nhớ thương khôn tả của Thuý-Kiều -Liễu.,.

30-11-2004

2. “THƠ ĐIÊN HÀN MẶC TỬ – THI HỌC CỦA CÁI TỘT CÙNG” – HAY LÀ CÁI TỘT CÙNG CỦA SỰ TÙY TIỆN ?

Báo “Văn Nghệ” số 47, ngày 20 -11-2004 có đăng bài của tác giả Văn Giá nhan đề : “Thêm một công trình nghiên cứu có chất lượng về Thơ Mới”, nhằm hết lời ca ngợi cuốn tiểu luận : “ Ba đỉnh cao Thơ Mới” của Chu Văn Sơn ( NXB Giáo Dục, 2003). Có thể nói, những lời ca ngợi Chu Văn Sơn của Văn Giá nếu dùng cho Hoài Thanh e còn hơi quá, ví dụ : “…Công trình này tự nó đã có dáng dấp của một lý thuyết nghiên cứu riêng, mặc dù tác giả chưa có ý định lập thuyết. Một công trình nghiên cứu được gọi là hay không chỉ có được những kết quả hay mà còn thể hiện được phương pháp nghiên cứu hay, mới mẻ, thú vị. Công trình này có được những phẩm chất như vậy. Tác giả đã thực sự làm mới lại, trẻ lại những gương mặt thi sĩ cách chúng ta chừng 70 năm…”… “ Người viết đã như gọi được hồn vía của mỗi nhà thơ hiện lên trang giấy…”… “ Chu Văn Sơn đã có một ngôn ngữ phê bình riêng, hiểu theo cả nghĩa rộng như một cách thức tiếp cận riêng, và cả nghĩa hẹp, như một hệ thống từ vựng xác định, mang ấn tín , quyền uy của Chu Văn Sơn”… “ Công trình này mang tính chuyên môn cao”… “Công trình này là một minh chứng thuyết phục cho tính chuyên nghiệp của nghiên cứu phê bình văn học…” … “ Với một tinh thần lao động như thế, chữ nghĩa của tác giả đã làm nên tư tưởng, làm nên dấu ấn riêng trên con đường định hình một phong cách nghiên cứu phê bình văn học Chu Văn Sơn…”…

Chúng tôi sẽ lần lượt khảo sát ba phần của cuốn : “ Ba đỉnh cao Thơ Mới” của Chu Văn Sơn ( viết về Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử) xem những lời tụng ca hết cỡ trên của Văn Giá với tác giả này đúng hay sai, xem “tư tưởng”, “phong cách”, “ấn tín” và “quyền uy” của Chu Văn Sơn là những món gì… Phần đầu tiên, chúng tôi muốn bàn với hai ông Chu Văn Sơn và Văn Giá về linh hồn phần viết về Hàn Mặc Tử của Chu Văn Sơn từ trang 226 đến trang 245 trong cuốn sách đã dẫn với tiêu đề : “ THƠ ĐIÊN HÀN MẶC TỬ – THI HỌC CỦA CÁI TỘT CÙNG”.

Trước hết, chúng tôi muốn bàn về khái niệm : “THƠ ĐIÊN HÀN MẶC TỬ” do Chu Văn Sơn phát minh ra trên cơ sở nhận xét của Chế Lan Viên về “trường thơ Loạn Quy Nhơn” trong lời tựa cho tập “Điêu tàn” như sau : “ Cái gì của nó cũng tột cùng !”. Nghe nói Hàn Mặc Tử có ý định đặt tên cho tập thơ “ Đau thương” là “ Thơ điên”, nhưng rồi thi hào bỏ ý định không chuẩn đó. Có lẽ vì điều này mà Chu Văn Sơn lầm tưởng rằng “Đau thương” là “Thơ điên” nên ông đã điên hoá toàn bộ thơ Hàn chăng? Đồng thời, Chu Văn Sơn còn ngây thơ tách câu văn “ Cái gì của nó cũng tột cùng” của Chế Lan Viên ra khỏi văn cảnh, ngữ cảnh của nó là bài tựa của chính Chế Lan Viên cho tập “Điêu tàn”, để lấy từ “CÁI TỘT CÙNG” này ra làm “mỹ học của cái tột cùng”, “thi học của cái tột cùng”. Chao ôi, “CÁI TỘT CÙNG SỐNG”, tận cùng sống là gì nếu không phải là “CHẾT”. Như vậy, theo công thức của Chu Văn Sơn : Thơ điên Hàn Mặc Tử = Thi học của cái tột cùng, theo phép tam đoạn luận, ta có đẳng thức TỘT CÙNG SỐNG = CHẾT = THƠ ĐIÊN… ư ? Có bao nhiêu sự vật (bao gồm sự vật vật chất và sự vật tinh thần), thì cũng có bấy nhiêu cái tột cùng, có thể kể ra VÔ TẬN CÁI TỘT CÙNG như tột cùng tốt, tột xùng xấu, tột cùng thiện, tột cùng ác, tột cùng chim, tột cùng khỉ, tột cùng tuỳ tiện, tột cùng lăng nhăng…Thành ra theo Chu Văn Sơn, ta có thể có hàng tỉ tỉ chủng loại THI HỌC ư ? Cho nên, khái niệm THI HỌC CỦA CÁI TỘT CÙNG = THƠ ĐIÊN …là một khái niệm tuỳ tiện, lăng nhăng chẳng hề có cơ sở khoa học gì cả.

Xin hãy nghe Chu Văn Sơn lập thuyết, lập luận : “Chinh phục cái tột cùng, tất nhiên, cần phải có thơ ca của một hình thức tột cùng. Hình thức ấy liệu có thể là gì khác hơn Thơ điên ?”. Như vậy, theo Chu Văn Sơn “Thơ điên” không hề là một nội dung, mà nó chỉ là MỘT HÌNH THỨC, tức là THƠ ĐIÊN = MỘT HÌNH THỨC TỘT CÙNG. Ở trang 231, Chu Văn Sơn lại viết gần như ngược lại rằng thơ điên không còn thuần tuý là một hình thức như kết luận ban đầu của ông nữa, mà nó có nội dung đấy, như sau : “ Và đây là cái gốc của Thơ điên . Đúng thế, nếu ĐAU THƯƠNG LÀ NỘI DUNG SÁNG TẠO, thì ĐIÊN LÀ HÌNH THỨC của sáng tạo ấy” ( Phần chữ in hoa trong bài đều do TMH nhấn mạnh). Qua kết luận này của Chu Văn Sơn, ta có một đẳng thức sau : THƠ ĐIÊN = NỘI DUNG ĐAU THƯƠNG + HÌNH THỨC ĐIÊN. Kết hợp đẳng thức 1 với đẳng thức 2 trên đây, ta có một đẳng thức khá trọn vẹn của Chu Văn Sơn như sau : THƠ ĐIÊN = MỘT HÌNH THỨC TỘT CÙNG = NỘI DUNG ĐAU THƯƠNG + HÌNH THỨC ĐIÊN.

Đến mức này, “lý luận” của Chu Văn Sơn đang đẩy “hệ thống điên” của ông vào chốn tắc tị. Vậy, xin hỏi thế nào là MỘT HÌNH THỨC TỘT CÙNG ? Chẳng lẽ, CÁI TỘT CÙNG mà Chu Văn Sơn nâng lên thành “Thi học”, thành “ Nguyên tắc mĩ học đặc thù của Thơ điên” ( trang 227) lại chỉ là một hình thức mà không có nội dung ư ? Hoá ra, theo Chu Văn Sơn, lại có một thứ “THI HỌC”, một thứ “MĨ HỌC” chỉ thuần có hình thức mà không có nội dung ư ? Nhưng rồi, sao MỘT HÌNH THỨC TỘT CÙNG lại chính là HÌNH THỨC ĐIÊN; hoá ra, rút gọn lại, ta thấy Chu Văn Sơn lại đồng nghĩa CÁI TỘT CÙNG chính là ĐIÊN. Nhưng quả tình luẩn quẩn, lung tung beng, làm sao trong MỘT HÌNH THỨC TỘT CÙNG lại chứa nổi cái NỘI DUNG ĐAU THƯƠNG + HÌNH THỨC ĐIÊN đây ? Ôi chao, thuật ngữ kinh dị của Chu Văn Sơn phát minh ra mới lẩm cẩm làm sao : HÌNH THỨC ĐIÊN ? Thế nào là “hình thức điên”, rồi “một hình thức tột cùng” thì xin ông Chu Văn Sơn lý giải cho rõ, kẻo chúng tôi người trần mắt thịt không có cách gì nhận thức nổi !

Bây giờ, xin quý độc giả hãy nghe Chu Văn Sơn giải thích từ ĐIÊN ở trang 227 : “ Cái tên có phần giật gân của Thơ điên, ngay từ đầu đã có sức mê hoặc giới nghiên cứu. Người ta nghĩ ngay đến việc nhận diện bản chất của ĐIÊN và bản chất Thơ điên. Không ít người đã yên trí với cách nghĩ giản đơn : điên chỉ là một trạng thái bệnh lý, đồng nghĩa với chứng loạn thần kinh, mà không thấy rằng còn có ĐIÊN NHƯ MỘT TRẠNG THÁI SÁNG TẠO”.

Chao ôi, ĐIÊN NHƯ MỘT TRẠNG THÁI SÁNG TẠO là một định đề hết sức phi khoa học của Chu Văn Sơn. Không một trạng thái sáng tạo nào có thể được gọi là sáng tạo nếu nó được sáng tạo trong cơn điên. Bới vì mọi sự sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật đều ra đời trong sự kết hợp giữa cảm xúc và lý trí. ĐIÊN dù trong trường hợp nào, trạng thái nào cũng đều là sự loạn trí, mất hết lý trí, mất hết nhận thức. Không còn nhận thức, không còn lý trí, không còn bộ óc thì làm sao người nghệ sĩ có thể sáng tạo? CÁI ĐẸP của sáng tạo nghệ thuật bao giờ cũng là một cái đẹp của khát vọng CHÂN THIỆN MỸ trong thế giới con người. Khi một kẻ nào đó, một trạng thái nào đó bị coi là điên, tức là mất khả năng nhận thức, mất khả năng NHẬN CHÂN; thiếu cái CHÂN, nghệ thuật cũng đồng thời không đạt tới cái THIỆN. Trong trạng thái ĐIÊN nơi kết luận của Chu Văn Sơn, nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng đã khước từ khả năng CHÂN THIỆN thì làm sao nó có thể đạt được tới cái MỸ là CÁI ĐẸP đích thực thi ca ?

Trong khi định nghĩa : “ ĐIÊN NHƯ MỘT TRẠNG THÁI SÁNG TẠO” Chu Văn Sơn đã cố tình lờ đi ngữ nghĩa của từ ĐIÊN. Xin xem định nghĩa của ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT của Bộ GD&ĐT do NXB Văn hoá Thông tin in năm 1999, trang 633 như sau : “ ĐIÊN : Ở tình trạng rối loạn thần kinh, không tự chủ được bản thân, phát khùng, rồ dại…”. Bảo Thơ Hàn Mặc Tử là thơ điên, thơ khùng, thơ rồ dại, thơ mất trí là một sự vu khống trắng trợn, phủ nhận sạch trơn thiên tài thi ca Hàn Mặc Tử của Chu Văn Sơn vậy.

Người đọc thơ, hơn nữa là một người nghiên cứu văn học chuyên nghiệp như Chu Văn Sơn, sao lại không biết một nguyên tắc đơn giản là muốn kết luận một điều gì cần phải căn cứ trên văn bản, chứ không căn cứ những lời đồn thổi hay tuyên bố ngoài văn bản dù là của ngay chính tác giả. Trong một số tuyên bố của Hàn Mặc Tử hay Chế Lan Viên thời “trường thơ Loạn Quy Nhơn”, có thể các thi sĩ này nghiêng về phần “mê”, phần “vô thức”, phần “loạn”, hoặc toan đặt tên tập thơ mình là “Thơ diên”… cho hợp với phong trào giả điên của thời thế đang tiếp thu cái phần cực đoan của “tượng trưng”, “đa đa”, “dã thú”, “siêu thực”… Nên nhớ rằng những người điên thực sự không bao giờ nhận mình điên. Chỉ những người tỉnh táo mới thậm xưng nói mình điên, như một sự làm dáng nghệ thuật, hoặc chứng tỏ ta đây đã thoát khỏi trường thơ truyền thống…

Thơ Hàn Mặc Tử phần lớn vẫn là sự tiếp thu nghệ thuật trữ tình truyền thống ông cha xưa kết hợp với chất lãng mạn và một chút tượng trưng. Ngay cả những bài thơ mang tựa đề rất điên như “Anh điên” dưới đây của Hàn Mặc Tử cũng vẫn dựa trên thể ngũ ngôn truyền thống với một hiện thực trữ tình, chẳng hề là một thứ “Thơ điên-Thơ khùng” mất hết lý trí như Chu Văn Sơn vu khống : “ Anh nằm ngoài sự thực / Em ngồi trong chiêm bao / Cách nhau xa biết mấy / Nhớ thương quá thì sao ? / Anh nuốt phút từng chữ / Anh cắn vỡ lời thơ / Anh cắn cắn cắn / Hơi thở đứt làm tư !”. Xin dẫn thêm một bài thơ khác được Hàn Mặc Tử đặt tên là “Em điên” thì vẫn cứ là thứ thơ truyền thống kết hợp tí chút lãng mạn, một vẻ đẹp nền nã, mê đắm kiểu “Gái quê”, chẳng hề có sự mất trí, sự rồ dại khùng điên nào như Chu Văn Sơn vu vạ : “ Em xé toang hơi gió / Em bóp nát tơ trăng / Em túm muôn trời lại / Em cắn vỡ hương ngàn / Em cười thì sao rụng / Em khóc thì đá bay / Em nhớ chàng quá trí / Mà chàng vẫn không hay !”…

Chính vì sự đọc không kỹ, chưa biết cách đọc thơ Hàn hay vì một nguyên nhân nào đó mà việc Chu Văn Sơn xoá sổ Hàn Mặc Tử bằng cách vu cáo thơ ông là Thơ điên, thơ khùng, thơ mất trí, thơ rồ dại lại được Văn Gía ca ngợi hết lời trên báo Văn Nghệ là một việc không sao hiểu nổi. Chỉ trong phần viết về Hàn Mặc Tử, Chu Văn Sơn tung ra bao nhiêu điều tuỳ tiện, lăng nhăng núp dưới bóng khoa học. Chẳng hạn như việc Chu Văn Sơn tách

Thơ Hàn Mặc Tử ra khỏi lãnh địa THƠ TRỮ TÌNH vì nó là THƠ ĐIÊN như sau : “Trong thơ trữ tình, việc chủ thể phân thân, hoá thân vào các đối tượng hết sức khác nhau để cất lên những tiếng nói trữ tình phong phú khác lạ không còn là điều xa lạ nữa. Ở Thơ điên, tình hình có khác hơn…”. Hoá ra, theo Chu Văn Sơn, vì Thơ Hàn Mặc Tử là Thơ Điên nên nó không phải là thơ trữ tình ?

Ở phần đầu, Chu Văn Sơn cho rằng Thơ Điên từ trong Thơ Mới (1932-1945) mà ra nhưng rất khác Thơ Mới. Nhưng đến đoạn cuối, ông quên mình đã nói điều này, để đến nỗi viết ngược lại rằng THƠ ĐIÊN và THƠ MỚI là hai loại khác nhau : “Nếu Thơ Mới là hành trình đi mãi vào địa hạt cái tôi, thì Thơ Điên mang cái tham vọng muốn tới chỗ sơn cùng thuỷ tận của cái tôi đó. Nếu Thơ Mới là nỗi cô đơn của con người, thì Thơ Điên là trạng thái chót cùng hoàn toàn quá tải của cô đơn…”. Hoá ra Thơ điên Hàn Mặc Tử không nằm trong lãnh địa của Thơ Mới ư ?

Chu Văn Sơn còn đưa cái thứ thơ mất lý trí, thơ rồ dại, phi nhân ( vì con người không còn trí não thì không còn là người hoàn chỉnh nữa) do ông “phát minh” ra rồi gán cho Hàn Mặc Tử, đặng ca ngợi hết lời cái thuật ngữ “thơ điên” là đã vượt lên trên cả siêu thực, tượng trưng, hiện đại như sau : “ Xem ra, Siêu thực, Tượng trưng, Hiện đại… đều là những cái ô chật chội đối với thể hình ngoại chuẩn của Thơ điên”. Để kết luận, Chu Văn Sơn khái quát rất tuỳ tiện như sau : “ THƠ ĐIÊN – chỉ có thể là chính nó- Tiếng thơ của những cái tột cùng”. Với định nghĩa về Thơ Điên thoáng tới mức vô bờ bến như thế này, ta có thể theo Chu Văn Sơn mà kết luận Thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Huy Cận, Lưu Trọng Lư… thảy đều là THƠ ĐIÊN CẢ. Vì sao vậy ? Vì thơ của các thi sĩ kia đều là THƠ CỦA CÁI TỘT CÙNG. Này nhé : Xuân Diệu là tột cùng yêu, Nguyễn Bính là tột cùng nông thôn, Chế Lan Viên là tột cùng ma, Lưu Trọng Lư là tột cùng ngơ ngác, Huy Cận là tột cùng vũ trụ… Ngay cả với định nghĩa THƠ ĐIÊN LÀ TIẾNG THƠ CỦA CÁI TỘT CÙNG của Chu Văn Sơn thì những đại thi hào dân tộc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương cũng sẽ bị Chu Văn Sơn xếp vào rọ THƠ ĐIÊN mất thôi; vì Thơ Nguyễn Trãi là thơ của tột cùng buồn đau, thơ Nguyễn Du là thơ của cái tột cùng hay, tột cùng kêu thương, thơ Hồ Xuân Hương là cái tột cùng bản ngã, tột cùng cái tôi…

Và học theo phương pháp luận về “mỹ học của cái tột cùng”, “thi học của cái tột cùng là thơ điên”, một thứ thơ dùng “hình thức điên” mà diễn đạt các khái niệm u u ơ ơ nơi bài viết trên của Chu Văn Sơn và bài ca ngợi của Văn Gía, cho phép chúng tôi được bắt chước hai ông mà thưa lời cuối rằng : những điều các ông “phát minh” ra trên đây quả thực là CÁI TỘT CÙNG TUỲ TIỆN vậy .,.

28-11-2004
(source : “Thế Giới Mới số 614, ngày 4-12-2004)


3. CÓ THẬT CON NGƯỜI CÁ NHÂN ( CON NGƯỜI ĐỜI THƯỜNG) CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN BÍNH CHỈ TOÀN LÀ CẶN BÃ ?

Sở dĩ chúng tôi đã cho công bố ba bài báo in trên “Văn Nghệ”, “Người Hà Nội” , “Thế Giới Mới” trong tháng 12-2004 phê bình tiến sỹ Chu Văn Sơn, trong cuốn sách “ Ba đỉnh cao Thơ Mới ( viết về Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử – NXB Giáo Dục) đã công khai núp bóng nghiên cứu khoa học để hạ bệ, bôi nhọ danh dự và thi ca từ Nguyễn Du tới Hàn Mặc Tử. TS. Chu Văn Sơn đang là giảng viên khoa văn đại học sư phạm Hà Nội, lại thường xuyên lên Đài Truyền Việt Nam bình giảng văn thơ cho cả nước học tập, thường xuyên được các sở giáo dục mời đi bồi dưỡng các đội tuyển học sinh giỏi văn lớp 12, nên việc ông dùng những kiến thức không chuẩn, những quan niệm sai lầm, những nhận định có tính chất mạ lỵ, xúc phạm tới các tác giả lớn để giảng trong nhà trường là một việc làm rất nguy hiểm; ví như việc tác giả để hẳn một chuyên luận bảo thơ Hàn Mặc Tử là thơ điên khùng, là thứ thơ mất trí, vô nghĩa, nhảm nhí; lại nói xấu Nguyễn Du bảo ông tả liễu thua xa Xuân Diệu, tả liễu chỉ cốt để tả liễu, mặc dù trong Truyện Kiều đại thi hào đã 25 lần tả liễu và toàn là tuyệt chiêu của nghệ thuật thi ca. TS. Chu Văn Sơn còn ra sức nói xấu, hạ bệ thơ tình Xuân Diệu như bảo “nàng thơ” của nhà thơ tình số một Việt Nam là nửa trai, nửa gái, rằng “em”, với “nàng” trong thơ tình Xuân Diệu phần lớn là đám đực rựa râu ria xồm xoàm; rằng chính con người Xuân Diệu có cấu tạo sinh lý nửa đực, nửa cái…

Đã đến lúc chúng tôi phải nhờ công luận báo chí tạo sức ép, không cho phép TS. Chu Văn Sơn được dùng các diễn đàn hết sức quan trọng và nhậy cảm như để hạ bệ, bôi nhọ trắng trợn các thần tượng văn học nước nhà. Ấy vậy mà kinh ngạc thay, trên báo “Văn Nghệ” số 47, ngày 20-11-2004, tác giả Văn Giá bằng bài viết : “ Thêm một công trình nghiên cứu có chất lượng về Thơ Mới” đã hết lời ca ngợi TS. Chu Văn Sơn, bằng những lời tung hô đại ngôn mà nếu dành để khen Hoài Thanh, e cũng còn quá đáng. Chỉ xin tóm tắt mấy ý, mấy từ của Văn Giá, coi Chu Văn Sơn như “vua” phê bình thơ nước nhà như sau : “ MANG ẤN TÍN, QUYỀN UY CỦA CHU VĂN SƠN”, “ Có dáng dấp một lý thuyết nghiên cứu riêng”, “ Làm nên tư tưởng, dấu ấn riêng”, “Xuất sắc”, “Tính chuyên môn cao”, “Mang phong cách Chu Văn Sơn”, “ Gọi được hồn vía của mỗi nhà thơ hiện lên trang giấy”…

Lần này, chúng tôi xin mời quý độc giả, xem Chu Văn Sơn gọi hồn Nguyễn Bính hiện lên trang giấy bằng cách bảo sau khi vắt kiệt tinh hoa cho thơ, cuộc đời riêng ( tức con người cá nhân đời thường) của nhà thơ Nguyễn Bính chỉ còn toàn là cặn bã . Trước hết, xin quý độc giả xem quan niệm về con người của Chu Văn Sơn đúng hay sai : “ Nghiên cứu tiểu sử nhiều nhà văn, lắm lúc thấy nghi ngờ cái tín điều đã thành mặc nhiên trong truyền thống : văn là người. Thực ra, chẳng phải nhọc lòng hoài nghi. Nó vẫn mặc nhiên là tín điều. Có chăng, cần phải hiểu thế nào về người thôi. Sự đồng nhất giản đơn con người sinh hoạt với con người văn chương thì rất dễ gây thất vọng, hẫng hụt. Bởi văn là sự lên tiếng của con người tâm linh, con người khát vọng. Khát vọng chân chính của một con người chính là biểu hiện tập trung cho bản chất của người ấy. Và do đó, tầm vóc khát vọng cũng quyết định phần lớn tầm vóc của cá nhân. Tôi chưa biết anh là ai, nhưng hãy bộc bạch khát vọng của mình, tôi sẽ biết anh là ai”…

Quan niệm về con người của Chu Văn Sơn trên đây là hoàn toàn duy tâm và không đúng. Đánh giá con người đúng hay sai, xấu hay tốt, đẹp hay không đẹp người ta đánh giá trên tư tưởng, tình cảm, lời nói và hành vi người ấy, chứ sao lại chỉ căn cứ trên khát vọng, trên ước mơ của người ấy như Chu Văn Sơn bảo “khát vọng” là “bản chất” của con người, rằng : “ …Hãy bộc bạch khát vọng của mình, tôi sẽ biết anh là ai” (!) Ví dụ như khi có một tên chuyên môn giết người cướp của mang bộ dạng thiện lương, ăn mặc rất trí thức lịch lãm đến gặp Chu Văn Sơn, rồi bộc bạch khát vọng của mình như sau : tôi luôn ước mơ sống trong giàu sang phú quý và khát vọng cả thế gian ai cũng vợ đẹp con khôn, ăn sung mặc sướng, tôi muốn thế giới hòa bình, xã hội phồn vinh…Ôi chao, toàn là khát vọng chân chính cả thôi ! Nếu chỉ căn cứ vào khát vọng này để đánh giá, chứ không căn cứ vào hành vi ( thực chất anh này là tên giết người cướp của) thì e tất cả bọn đao phủ trên thế gian này đối với Chu Văn Sơn đều có thể là người tốt cả ư ? Khát vọng của Hitle, Mao trạch Đông, Stalin, Pônpốt, Kim Nhật Thành… há chẳng tốt đẹp lắm sao ? Bao nhiêu kẻ có ước mơ khát vọng vương đạo nhưng hành vi thì bá đạo. Bao nhiêu kẻ lấy mục đích tốt đẹp ( khát vọng bình đẳng, tự do, bác ái) làm môn bài, làm bình phong để che lấp hành vi xấu xa, độc ác, ví như dương ngọn cờ chính nghĩa của Cách Mạng tư sản Pháp đi cướp nước người ta đó sao ?

Mang quan niệm sai trái về con người như trên, rồi áp đặt vào đánh giá con người nhà văn, Chu Văn Sơn đã đi từ sai lầm này đến sai lầm khác : “Cho nên “văn là người” là con người ấy, tức con người bên trong, con người bề sâu, con người khát vọng”. Đánh giá “con người nhà văn” sao chỉ căn cứ vào khát vọng của anh ta ? Sao lại tách con người thật, con người đời sống, con người thân phận mang tư tưởng, tình cảm, mang bi kịch cá nhân của nhà văn ra khỏi bản chất bên trong làm nên nghệ thuật của anh ta ? Việc Chu Văn Sơn tách “khát vọng bên trong” ra khỏi đời sống bên ngoài của nhà văn là tách cá ra khỏi nước, tách nội dung ra khỏi hình thức, tách hồn ra khỏi xác, cũng giống như việc cắt đứt sợi dây diều vẫn buộc con diều vào mặt đất. Bằng quan niệm duy tâm này, Chu Văn Sơn mượn lời Nguyễn Khải để cặn bã hoá con người nhà văn nói chung và con người Nguyễn Bính nói riêng : “ Nhà văn Nguyễn Khải có lần nói : đối với anh nghệ sĩ, phần tốt đẹp cao quý nhất của tâm hồn đã trút vào văn chương hết rồi. Còn những gì thể hiện trong sinh hoạt đời thường, đôi khi chỉ là phần cặn bã của hắn mà thôi. Người ta đã kể ra chả ít chuyện nhếch nhác, bê tha, lôm loam của Nguyễn Bính trong sinh hoạt giao du. Con người đời thường lắm chỗ sao mà trái cựa trái khoáy với con người văn chương đến thế. Nhưng bức chân dung tinh thần đích thực là thuộc về cái tôi bề sâu của nghệ sĩ. Cái tôi ấy tự hoạ trong văn chương ngay cả khi nó không hề tự giác. Nguyễn Bính đã trút vào thi ca tất cả những khát vọng sâu kín và cao quý nhất của mình. Cho nên CHẢ VÌ CÁI BÃ BÊN NGOÀI MÀ NGHI NGỜ CÁI HỒN BÊN TRONG. Cũng bởi SỰ KHÔNG ĐỒNG NHẤT NÀY mà trong nghiên cứu nghệ thuật mới cần phân biệt CON NGƯỜI THI SĨ (NGOÀI ĐỜI) và CÁI TÔI THI SĨ ( TRONG VĂN)… ( Phần chữ in hoa trong bài do TMH nhấn mạnh).

Ngay cả khi nói đùa, nói cốt để nhún mình, diễu mình, chọc mình…đi nữa thì câu nói Chu Văn Sơn dẫn ra được cho là của Nguyễn Khải ( nói ở đâu, trong hoàn cảnh nào, ngữ cảnh nào ?) cũng không thật đúng. Dù tác giả có đưa từ “ đôi khi” đi kèm, tức để nói rằng không phải là phổ biến, thì ý tưởng bảo nhà văn sau khi sáng tạo, tinh hoa phát tiết hết ra ngoài nên bản thân “hắn” chỉ còn là cặn bã là một cách bôi nhọ nhà văn, bôi nhọ người nghệ sĩ. Xin xem “Đại từ điển Tiếng Việt” của Bộ GD&ĐT ( NXB Văn hoá Thông tin 1999) trang 271, định nghĩa từ “cặn bã” như sau : “ Cái vô dụng, xấu xa, thấp hèn, đáng bỏ đi, ví như phần cặn và bã sau khi đã chắt lọc, lấy hết tinh chất : trừ bỏ cặn bã, văn chương cặn bã, phần tử cặn bã trong xã hội”. Vượt qua mức độ “đôi khi chỉ là phần cặn bã của hắn ”-nhà văn, Chu Văn Sơn áp dụng ngay vào trường hợp Nguyễn Bính, và không hề nới tay, đã cặn bã hoá cuộc đời tư của nhà thơ này bằng từ : CÁI BÃ BÊN NGOÀI : “ Nguyễn Bính đã trút vào thi ca tất cả những khát vọng sâu kín và cao quý nhất của mình. Cho nên, chả vì CÁI BÃ BÊN NGOÀI mà nghi ngờ CÁI HỒN BÊN TRONG”. Trong đời thực, hoàn toàn không có cứ liệu nào chứng minh cuộc đời riêng của Nguyễn Bính toàn là cặn bã như Chu Văn Sơn vu vạ.

Ở chính chỗ này, Chu Văn Sơn đã “pha” cuộc đời nhà thơ Nguyễn Bính ra làm hai phần hồn và xác, như người ta “pha” thớt thịt heo : xương ra xương, thịt ra thịt, huyết ra huyết. Nghiên cứu tác giả tác phẩm mà ‘nghiên cứu’ theo phương pháp mổ bò thế này, thì tiêu vong hết mọi đối tượng tiếp cận mà thôi. Sau khi “pha” Nguyễn Bính ra làm hai phần hoàn toàn riêng biệt và đối lập hẳn nhau : CON NGƯỜI THI SĨ ĐỜI THƯỜNG chính là CẶN BÃ và CÁI HỒN BÊN TRONG – CÁI TÔI THI SĨ TRONG VĂN toàn là tinh hoa cao quý. Hoá ra, cơ sở của văn thơ tinh hoa cao quý kia lại chính là CẶN BÃ ư ? Làm sao một con người có cuộc đời cá nhân, cuộc đời thân phận vô dụng, xấu xa, thấp hèn, đáng khinh, đáng bỏ đi, thải hoại đi như thế lại sinh ra vàng mười thơ ca toàn là thiêng liêng quý giá được ? Tục ngữ Việt Nam có câu “Người làm sao chiêm bao làm vậy”; làm sao một kẻ có cuộc đời cặn bã như Nguyễn Bính (theo Chu Văn Sơn) lại có thể sinh ra ngọc ngà châu báu thi ca ? Không phải bất cứ nhà văn nào cũng phải sống đúng như tiêu chí CHÂN THIỆN MỸ mà tác phẩm ông ta luôn phải hướng tới; hoặc hoàn hảo, tuyệt đối như KHÁT VỌNG CÁI ĐẸP của tác phẩm đặt ra; nhưng chí ít cuộc đời của mỗi người viết cũng phải là vật bảo hiểm cho điều anh viết ra. Một kẻ bán nước, làm tay sai cho giặc không thể viết ra những dòng thơ yêu nước làm cảm động hồn người. Một kẻ sống ác thì làm sao viết ra điều thiện làm xúc động lòng người đây ? Nhà văn thu nạp đời sống vào trong mình như quặng, để rồi dùng tài năng nghệ thuật luyện từ quặng ra thành vàng, thành kim cương văn học. Lẽ nào kim cương ấy, vàng ấy lại quay ra phản quặng, đối lập với quặng ? Nếu đời sống sinh hoạt của nhà văn chỉ toàn cặn bã, tức là bản thể anh không phải là quặng nữa rồi. Làm sao anh có thể luyện cặn bã ra vàng mười thơ văn đây?

Đối lập hoàn toàn giữa con người nhà văn với tác phẩm của ông ta, rồi còn CẶN BÃ HOÁ đời sống thường nhật của nhà văn không chỉ trong trường hợp riêng Nguyễn Bính, như Chu Văn Sơn đã làm trên đây là một hành vi tiêu diệt chính văn học vậy. Thế mà lạ thay, Văn Giá lại mượn báo Văn Nghệ mà khen Chu văn Sơn đến mức tót vời như thế, thì quả là không còn trời đất gì nữa rồi.,.

11-12-2004
T.M.H.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn