BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73165)
(Xem: 62197)
(Xem: 39370)
(Xem: 31127)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ngoài hiên mưa rơi rơi...

06 Tháng Bảy 200812:00 SA(Xem: 981)
Ngoài hiên mưa rơi rơi...
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Đang trên đường về nhà gặp cơn mưa bất chợt, gió quất vào các vòm lá, cuốn bụi bay mịt mù trên đường. Trời bất thần đổ mưa, một, hai phút đầu còn lộp độp, lác đác, sau đó mưa đổ dày như trút nước, táp vào mặt, vào người như những làn roi quất, gió quặt ngang tay lái khiến xe chạy với tốc độ rùa bò, mặt đường sũng nước đen kịt bởi bao rác rến từ ven đường ngõ phố trôi dạt, gầm xe quá thấp, không thể nào đi tiếp được nữa, tôi đành tấp vào một "quán cóc liêu xiêu đầu phố quen" chờ mưa tạnh. Ngồi buồn ngắm mưa, nhấm nháp ly cà phê đắng ngắt, chợt nhớ bài hát Ướt Mi của Trịnh Công Sơn, những câu tha thiết như tả cơn mưa Hà Nội: "Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi…", bèn rút bút, lấy giấy ra viết vội bài tốc ký này, kẻo đã mất công chờ thì 4, 5 tiếng sẽ bốc bay theo mưa mà còn sốt ruột hơn. Bao nhiêu dự định, ý nghĩ lại trôi vèo trong gió xoáy, rơi tõm xuống lòng đường, miệng cống hết.



Ai đã qua Hà Nội vào thời gian này, dù chỉ một ngày, hẳn ký ức không thể nào bỏ qua được sự hồi tưởng về những cơn mưa Hà Nội, mưa xối xả, mưa sầm sập và ngay sau đó là nguy cơ Hà Nội ngập trắng phố.

Đoạn phố tôi đang ngồi là phố Nguyễn Khuyến, tên của cụ Tam Nguyên Yên Đổ xưa, với câu thơ nổi tiếng: "Sông kia giờ đã nên làng", bị nhại thành: "Phố kia giờ đã nên...hồ" từ nhiều năm nay. Quả là "thế gian cải vũng nên đồi", còn thể chế chính trị cộng sản thì cải đường thành... sông, suối, ao, hồ thật. Chỉ cần mưa liên tục trong vòng hai tiếng là 36 phố phường Hà Nội biến thành 36 bể bơi Tăng Bạt Hổ, Hồ Thiền Quang, Hồ Tây ngay. Nhìn cơn mưa trắng trời, trắng đất, bà cụ chủ nhà ngáp ngắn ngáp dài bảo:

- Mưa thế này đã ăn thua gì, mấy trận mưa đầu mùa còn kéo dài cả tuần, nửa tháng nữa kia, những trận gần nhất là 27/6 , 1/7, 3/7, phố này còn ngập quá đầu gối, nghiã là hơn nửa mét cơ. Chả là chỗ này sâu và trũng nhất Hà Nội mà, các dãy phố khác chỉ khoảng 30, 40 cm là cùng.

Ngồi chờ mưa tạnh, nhân thể có chồng báo của chủ quán trước mặt, lại muốn tìm ý tưởng cho bài viết, tôi lật nhanh, từ : "Tin Nhanh buôỉ chiều", "An Ninh Thủ Đô", "Gia Đình và Xã Hội", "Tiền Phong", "Hà Nội Mới"...Tất thảy đều chụp ảnh, đưa tin về hậu quả sau mỗi cơn mưa từ đầu hè đến nay. Chỉ một đoạn 200 mét phía đầu Nguyễn Khuyến - nơi tiếp giáp với đường tàu hoả, ga hàng cỏ, Cửa Nam, đường Nam Bộ đã làm cho cả loạt phương tiện giao thông tắc máy, lưu thông ngẽn mạch, ngay cả các dịch vụ ăn theo như đẩy xe ô tô, dắt xe máy, xì khô, sửa bu gi, thuyền "cứu hộ" cũng bó tay, chờ nước rút. Cả ngàn người phải chôn chân 3, 4 tiếng đồng hồ sau mưa, từ lúc tan tầm (4h30 phút) đến 7 giờ tối, cả người, cả xe sũng sĩnh như chuột lột, mới thoát ra khỏi cửa tử này để thuê người đẩy về nhà. Việc thăm khám các chi tiết, bộ phận, sửa bu gi, để máy có thể vận hành được đầy tốn của, tốn công còn phải chờ hậu xét.

Từ khi Hà Nội tiến hành đô thị hoá, lấp hết sông hồ, ao chuôm để xây nhà, những dịch vụ ăn theo này được đà phát triển mạnh. Đầu tiên vào thập kỷ 90, chỉ lác đác vài nhà ở phố bờ sông - thuộc địa bàn phường Phúc Tân, Phúc Xá - hễ "tháng 7 nước nhảy lên bờ" là ngập lụt cả mấy tháng trời, họ phải dùng thuyền để chở xe đạp, xe máy, đồ lề, hòm xiểng, người ngợm, tài sản, gia súc, gia cầm sơ tán, bây giờ cả 36 phố đều ngập thì nhà nhà mua thuyền, người người mua thuyền, nếu nhà cầm quyền cho phép dùng xe ...lội nước, chắc họ cũng sắm.

Nhìn mưa, lòng tôi ngao ngán, tự hỏi : "Đã có biết bao nhiêu dự án với nước ngoài phải đình lại giữa chừng, cắt hợp đồng chỉ vì cảnh ngập úng này"?

Trong khi hai bên họp hành, thảo luận, thống nhất, liên hoan mừng thắng lợi, chỉ còn chờ rót vốn thì bên B- tức chủ đầu tư, lại từ chối thẳng thừng. Đơn giản vì họ phải chôn chân ở bến xe phía Nam (địa bàn phường Giáp Bát) hơn bốn tiếng đồng hồ chờ nước rút. Khi bị chất vấn qua phiên dịch, ông chủ dự án đã trả lời: "Đúng là tôi đã ký, nhưng khi ấy trong biên bản hợp đồng không nói rõ điều khoản này. Bên A các ngài chẳng chịu sắm các thiết bị... lội nước, còn chúng tôi rõ ràng không thể chi thêm bất cứ khoản nào ngoài số vốn đã quy định(!)

Người Việt Nam vẫn đặt nạn "thuỷ, hoả, đạo, tặc" lên đầu, còn tôi cho rằng tệ nạn nguy khốn nhất trong bốn tệ nạn đó lại là "thuỷ". Xác định làm ăn với Việt Nam nên tôi rất rành Lịch sử Việt Nam. Từ thưở vua Hùng dựng nước, công việc trị thuỷ đã được đề cao. Triều đại nào làm tốt công việc đắp đê, chống lụt là triều đại đó được nhân dân ủng hộ, bốn cõi yên bình. Ngược lại, triều đại nào các bậc chăn dân bỏ bễ việc chắn lũ, ngăn sông để xảy ra lụt lội, mùa màng thất bát, thì muôn dân điêu đứng, trăm họ lầm than, lòng dân oán thán, dễ sinh nguy biến. Nếu tôi nhớ không nhầm, dân tộc Việt Nam có một truyền thuyết về hai chàng Sơn Tinh- Thuỷ Tinh hay lắm. Hình ảnh vị thần núi Tản Viên tài phép oai hùng, khuất phục biển sông hung hãn đã được đáp đền bằng công chúa Mị Nương -con gái vua Hùng - chính là phần thưởng xứng đáng hào hoa mà người dân ban tặng chàng. Bây giờ vị thần ấy ở đâu? Hàng trăm ngàn Sơn Tinh của Việt Nam đâu ? Sao lại để tình trạng ngập úng diễn ra thường xuyên như thế này? Tuần trước đi khảo sát tình hình khu vực đặt máy móc trang thiết bị, tôi đã bị chôn chân 5, 6 tiếng đồng hồ ở giữa trung tâm Thủ đô, bỏ lỡ cả buôỉ họp cũng như bữa tiệc mà các vị đã đặt tại khách sạn để thết đãi, trong khi quỹ thời gian của tôi quý lắm. Ngay hôm ấy tôi đã có ý định huỷ bỏ hợp đồng, nhờ cậu phiên dịch đây năn nỉ vật nài nói đỡ cho các ngài nên tôi vẫn ký quyết định. Nào ngờ ở một thành phố văn minh- nơi các ngài luôn tự hào là tốc độ đô thị hoá lớn đến mức - không kém bất cứ thành phố Châu Á, Châu Âu nào, việc ngập úng lại xảy ra thường xuyên như thế này ư? Ở lại Việt Nam chưa đầy ba tuần, tôi chứng kiến vài ba trận ngập. Lần đầu ngập mắt cá chân, lần sau lên tận đầu gối. Một trụ sở lớn có thành tích nhiều năm như công ty các ngài, từng vươn mình tới các thị phần Trung Quốc, Đài Loan, Sanhgapore, cũng không thoát khỏi cảnh ngập mỗi lần mưa xuống, vậy làm sao đảm bảo tiến trình công việc? Làm sao xuất hàng đúng như hợp đồng với nước thứ ba ? Nếu đặt địa vị tôi vào vị trí của các ngài, tôi có được đối xử tử tế, may mắn hơn không ? Xin các ngài thông cảm.

Thực tế sự nguy ngập này không còn là xuân, thu, nhị kỳ nữa mà thường xuyên như nạn tắc đường ở Hà Nội trong những giờ cao điểm (7, 8 giờ sáng và 4, 5 giờ chiều) . Cứ đến hẹn lại lên, sau mỗi trận mưa là người dân Hà Nội lại được thể lội nước đi làm, cảnh quần xắn móng lợn của phụ nữ, quần đùi áo cánh của nam giới (quần dài buộc túm quanh cổ, lõng thõng hai ống trước ngực, thùng quần bịt kín sau gáy) mặt tái mét, cố sức dắt, đẩy, đạp cần khởỉ động cho xe ra khỏi quãng phố ngập - là cảnh tượng hết sức quen thuộc của thành phố 4 triệu dân này...Hàng đoàn người lôi thôi lếch thếch, áo mưa trùm kín, xe ô tô chết máy ùn lại trên đường, kéo theo cả tá người hò hét, gò lưng đẩy, gây lấn chiếm ách tắc lòng đường. Chưa kể bao con người hốt hoảng, mò tìm đồ vật của mình như giày dép, đồng hồ, điện thoại di động, vừa bị nước cuốn do va chạm với người đi sau mà tay lái hẫng đi, giỏ xe, miệng túi bị nghiêng khiến đồ đạc văng ra, lập tức bị nước cuốn trôi. Cả chục con người vừa mò vừa làu bàu gắt gỏng vì bao nhiêu kỳ họp hội đồng nhân dân, hàng ngàn nhà cử tri ngập sũng nước mà các đại biểu vẫn cứ ung dung thảo luận chất vấn nhau về trách nhiệm của từng bên. Cứ "sư nói sư phải, vãi nói vãi hay". Công ty thoát nước đổ thừa cho sự lộn xộn, tắc trách của sở quy hoạch thành phố, ông giám đốc sở lại trơ trẽn nói rằng: "Đứng về mặt pháp lý, cho đến nay, chức năng này ngành quy hoạch thành phố chúng tôi chưa được bàn giao, nên không thể đảm nhận. Dù thế nào, trách nhiệm chính vẫn thuộc về các anh"... Dốt cục chỉ lắm sư, lắm sãi mà đình, đền, chùa chiền, miếu mạo, nhà dân vẫn... ngập trắng nước.

Ở góc độ công dân, càng nghĩ lại càng buồn cho kiếp làm người ở...thủ đô ta. Sau mỗi kỳ họp hội đồng nhân dân các cấp, cánh hàng thần lơ láo lại đưa ra một con số lớn hơn. Ở kỳ họp trước năm 2000, các đại biểu của dân phấn khởi thông báo "toàn thành phố chỉ có 97 điểm ngập", kỳ họp 2001 lại phát hiện thêm vài chục điểm trong thành phố nữa, nâng tổng số lên 120 điểm ngập úng, kỳ họp 2002 là 150 điểm ngập úng, kỳ họp 2005 là 250 điểm và năm 2008 này thì họ lơ láo nhìn nhau, nói huỵch toẹt luôn : "Có trời mới biết". Nghiã là các điểm úng ngập trong thành phố sau mỗi cơn mưa đã không thể tính được nữa rồi, mặc trời hoành hành, tác oai tác quái. Nhờ sự tiếp sức của ngành quy hoạch đô thị thành phố mà điểm ngập mỗi ngày một lan rộng và sâu thêm, không chỉ ngập đầu gối mà cả trên bắp vế, không phải 30, 40 cm mà cả 0,6, 0,7 mét cũng có. Trước kia (thời điểm trước 2000) mưa dai, mưa to mới ngập, chỉ sau vài chục phút đồng hồ là rút êm, nay thì hễ mưa là ngập, lại còn ngập cả đêm không muốn rút, người dân được ngủ yên trong cảnh sóng nước đêm đêm ì oạp vỗ quanh nhà. Sáng ra đi làm, lại được thể ngân vang câu hát : 'Phố hoá thành dòng sông uốn quanh, dòng sông quanh anh, dòng sông quanh em, dòng sông đôi ta. Tiếng mưa như nước chảy, sao xót xa đến thế ... Tiếng mưa như tiếng lòng than...'

Thời loạn, người dân Việt Nam đếm tiếng bom rơi để ngủ thì nay thời bình đếm tiếng mưa rơi mà lo nẫu ruột nẫu gan, bởi những việc nhà cầm quyền không làm được thì dân ta tha hồ mà độc lập - tự lo- hạnh phúc. Cứ nước ngoài đường tràn vào nhà thì ra công dùng máy bơm hút rồi xả sang hàng xóm theo quy luật tự nhiên, cũng là nguyên lý của nước: - nước chảy chỗ trũng. Hệt như định luật bảo toàn năng lượng vậy: Nước không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, chỉ chảy tràn từ phố này sang phố khác, nhà này sang nhà khác...

Có ti tỉ nguyên nhân người ta lơ láo đưa ra trong cuộc họp giữa các bậc công thần với nhau: Nào:"đường cống quá cũ nát do thực dân Pháp để lại có tuổi thọ cả trăm năm, không hề được sửa chữa, tu tạo". Nào "sông rạch bị san lấp vô tội vạ, làm gì còn chỗ chứa"? Nào "đổ rác ven sông lấp luôn dòng chảy của nước rồi còn đâu" ? Nào "tại thành phố chưa kịp có cốt san nền v.v…và v.v... Tất cả do lỗi của khách quan, còn chủ quan thì các quan làm chủ cả số tiền khổng lồ tỉ tỉ đồng bao nhiêu năm - với hàng trăm dự án chống ngập sao nước vẫn không thoát ? Sao không lôi các quan đầu ngành ra mà hỏi xem số tiền ấy đi đâu ? Sao lại bị vô hiệu hoá đến mức mỗi lần gặp mưa là cảnh úng ngập xảy ra ? Hay là ăn ngập cổ ngập miệng từ trên xuống dưới rồi, nên nước không có đường thoát ? Hễ mưa là nước nhảy lên bờ, tràn lòng đường, hè phố, cống rãnh, mặc người dân lóp ngóp trong mưa, không có đường đi lối lại, đứng chen chân, dồn cục nơi úng ngập cả nửa ngày trời.

Trước đó để học tập "thành phố Hồ Chí Minh" - thành phố có số dân đông gần gấp đôi Hà Nội (7 triệu người) - ngành giao thông công chính Hà Nội đã có chủ trương thành lập một tổ công tác đặc biệt để chống ngập, nhưng sau vài năm triển khai hoạt động thì chả ai dại dột tin vào sự xoay xở tháo gỡ của đội đặc biệt này nữa. Kinh nghiệm nhỡn tiền từ bao lâu nay làm dân sáng mắt ra rồi: "Dào ôi, hàng tỷ tiền chi ra cho hàng trăm dự án lớn nhỏ, đồ sộ còn chẳng ăn thua nữa là, một đội chống úng tẹp nhẹp này ? Mọi hy vọng mơ ước của người dân - những hậu duệ, cháu con của nàng Mị Nương xưa, rồi cũng trôi vào miệng cống, lòng đường, rác rưởi thôi. Các cống vật Thuỷ Tinh thu được càng nhiều thì Sơn Tinh chỉ còn nước... giãy chết, nước càng được thể chảy vào chỗ trũng, gây úng ngập triền miên, ắc tách lâu dài.

Ngoài hiên mưa thôi rơi, lòng tôi vẫn chơi vơi. Chỉ được an ủi chút đỉnh là bài phóng sự đã kịp hoàn thành trong mưa. Vấn đề còn lại là làm sao vượt qua dòng sông người đông đặc đang lội ì oạp bì bõm trong mưa như thế này để về nhà, chờ có điện trở lại mới có thể đánh máy , thêm các dữ liệu vào...

Bất giác tôi ngửa cổ kêu trời: - Trời ơi, chỉ vì đảng là của cuộc sống của dân, luôn cho dân và vì dân nên trăm dân mới khổ sở điêu đứng như thế này đây. Không phải :
Nghiêng đồng đổ nước ra song
Vắt đất ra nước thay trời làm mưa

mà ngược lại
Tham tiền, bỏ mặc muôn nơi
Phố xưa ngập nước khi trời đổ mưa

Hà ...lội mùa mưa 2008
Trần Khải Thanh Thủy

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn