BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73356)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Muc đích duy nhất của học văn : Để làm bài tập, để thi?

13 Tháng Bảy 200012:00 SA(Xem: 825)
Muc đích duy nhất của học văn : Để làm bài tập, để thi?
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Trong cuốn :" 217 ĐỀ VÀ BÀI VĂN " dày 627 trang, NXB Đại học quốc gia Hà Nội tái bản số lượng lớn năm 2000 - tập văn mẫu của GS. Nguyễn Đăng Mạnh ( chủ biên), TS. Đỗ Ngọc Thống, TS. Hà Bình Trị, Chu Văn Sơn, trong "Lời nói đầu" của người chủ biên, có đoạn viết :" Hiện nay trong phạm vi nhà trường, để đánh giá trình độ học văn của các em, Nhà nước hầu như chỉ có một phương thức duy nhất là yêu cầu viết một bài văn theo một đề bài nhất định ( tất nhiên trong giới hạn của chương trình môn học). Như vậy, viết được một bài văn có chất lượng, ấy là năng lực có ý nghĩa quyết định nhất đối với các em trên con đường tiến lên từ lớp này qua lớp khác, đặc biệt là qua các kỳ thi hết cấp và tuyển sinh đại học - nói riêng về môn văn ".

 Đọc qua đoạn trích trên, tưởng như không còn gì để bàn, nếu không gắn nó với mục tiêu cuốn " 217 ĐỀ VÀ BÀI VĂN" được ghi rõ trên bìa lót :" Dành cho lớp 10 - 11 - 12 . Ôn thi tốt nghiệp phổ thông trung học và đại học ". Cuốn sách này do các tác giả trên là giáo sư, là tiến sĩ ra tới 217 đề văn, cũng chính các vị này làm bài văn mẫu. Trên mỗi bài văn mẫu có ghi "Bài văn tham khảo". Nhưng trên cái gọi là tham khảo này lại ghi rành rành là "bài học". Khi những bài văn tham khảo viết ra để dùng làm "bài học" cho học sinh học thi tốt nghiệp phổ thông trung học và đại học, thì đích thị nó là những bài văn mẫu rồi. Hiện nay, ngoài cuốn văn mẫu này, còn hàng chục cuốn văn mẫu khác do NXB Giáo Dục, NXB ĐHQG Hà Nội và một vài NXB khác ấn hành. Những sách loại này bày bán khắp nơi, khiến học sinh mắc vào hội chứng loạn chuẩn : cùng một đề tài, một bài văn, mỗi sách giảng một khác, mỗi mẫu mỗi khác, khiến các em không biết đâu là thật giả . Nhưng vấn đề then chốt nằm ở phần vừa dẫn trên : mục đích dạy và học văn có phải chỉ để làm bài thi chăng ?

Có thật "...Để đánh giá trình độ học văn của các em, Nhà nước hầu như chỉ có một phương thức duy nhất là yêu cầu viết một bài văn theo một đề bài nhất định" như tác giả Nguyễn Đăng Mạnh viết ? Do vậy, chỉ cần học tủ, học vẹt, học để đối phó với thi cử, học cốt kiếm bằng cấp là đủ sao ? Không, nghiệm thu của Nhà nước và của phụ huynh học sinh với việc học văn của con em mình đâu phải chỉ đơn giản thông qua "một phương thức duy nhất " là ở kết quả bài kiểm tra hoặc bài thi ? Nhà nước và nhân dân nghiệm thu môn văn nơi con em mình thông qua giáo dục văn học ở nhà trường là nghiệm thu người, nghiệm thu tư tưởng, tình cảm thẩm mỹ, phương pháp tiếp cận tác phẩm văn học, tình yêu với ông cha, với đất nước của các em . Nghĩa là học văn, rốt ráo là học làm người. Văn học là nhân học, văn là người, là tư tưởng tình cảm, tâm hồn dân tộc trong cái đẹp vô cùng của tiếng Việt. Một học sinh không được giáo dục thẩm mỹ văn học không thể có cơ sở tiếp nhận được thẩm mỹ văn hoá. Một con người không biết yêu tiếng mẹ đẻ, không biết cái hay, cái đẹp của tiếng mẹ đẻ trong văn học dân tộc mình, con người đó khó có thể có lòng yêu nước. Người Việt Nam ngay từ thuở lọt lòng đã được mẹ dạy văn một cách gián tiếp, một cách trực giác, bản năng là lời hát ru bằng những vần ca dao, giọng hò, điệu chèo, điệu lý, quan họ dân ca tuyệt mỹ. Rồi nhà trường tiếp tục truyền đạt vào tư tưởng tình cảm học sinh vẻ đẹp ngàn đời của tâm hồn dân tộc qua Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... Tình yêu Tổ Quốc của các em khởi đầu bằng văn học, từ văn học. Tình yêu ấy cao hơn mọi bài luận, bài thi. Tình cảm và tư tưởng thẩm mỹ ấy tạo nên nhân cách con người học sinh chính là mục đích cao cả của việc dạy và học văn trong nhà trường vậy .

Việc dạy văn chỉ cốt giúp các em " Viết được một bài văn có chất lượng", coi đó là " năng lực có ý nghĩa quyết định nhất với các em" như tác giả phần trích dẫn trên khẳng định quả tình đang là vấn nạn lớn của việc học văn. Đó là dòng thác lũ "văn mẫu " dùng đối phó, cốt thi, cốt lấy bằng chứ không phải học văn để bồi dưỡng tâm hồn tư tưởng, nhân cách, lối sống cho học sinh, giúp học sinh trở thành con người chân chính có ích cho cộng đồng dân tộc. Tất nhiên, việc kiểm tra bài tập làm văn, hoặc viết bài luận văn thi tốt nghiệp của học sinh, sinh viên là việc quan trọng, phản ánh trình độ học văn trong nhà trường của các em; nhưng không phải là "phương thức duy nhất " để "Nhà nước đánh giá trình độ học văn của các em " như tác giả phần "Lơi mở đầu" của cuốn văn mẫu này kết luận.

Yêu cầu của nhà nước và nhân dân với việc dạy và học văn cao hơn nhiều những bài kiểm tra, bài thi đang bị các thứ "văn mẫu " kia che phủ hết hồn vía môn văn là khả năng độc lập sáng tạo trong tiếp nhận thẩm mỹ văn học của học sinh. Ngay cả "Truyện Kiều ", một thiên lục bát tuyệt vời nhất của văn học dân tộc, nhưng đã có ai dám hô lên rằng đây là thơ mẫu chưa ? Viết văn hay như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Tuân... mà đã ai dám bảo tác phẩm của họ là những áng văn mẫu ? Thế mà, một số vị giáo sư, tiến sĩ tự mình ra đề, tự mình làm bài văn cho học sinh học gạo, học tủ, học vẹt một thứ văn mẫu không có văn, thì mục đích dạy văn và học văn đã bị sai lạc hoàn toàn rồi vậy.,.

Trần Mạnh Hảo
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn