BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76706)
(Xem: 63121)
(Xem: 40518)
(Xem: 32141)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Buồn trông giáo dục Việt Nam

05 Tháng Tư 200712:00 SA(Xem: 924)
Buồn trông giáo dục Việt Nam
51Vote
41Vote
30Vote
21Vote
10Vote
3.73
Trong bài viết của mình về sự phát triển của giáo dục nước nhà, giáo sư Hoàng Tuỵ thẳng thừng nhận xét: "Thật là một nền giáo dục hỗn láo và hư hỏng". Vâng: Hỗn láo và hư hỏng vì tính chất phi luân của nó. Như thằng bé con nhà nghèo được nuông chiều quá mức trở nên chi bời lêu lổng, vung tay quá trán, học đòi chúng bạn, tiêm nhiễm thói hư tật xấu, khiến công lao bố mẹ, anh chị, họ hàng thành nước lã trôi sông hết .

I- Ngôi nhà sắp đổ:

Từ ngày còn sống, giáo sư Tôn Thất Tùng (1912- 1982) đã nhìn ra căn bệnh trầm kha của giáo dục Việt Nam là một nền giáo dục vô bổ, tội nghiệp, nặng về lý thuyết dông dài, nhẹ về thực hành, nghiên cứu, ông lên tiếng cảnh báo: "Trẻ em không đơn thuần là một đứa bé mang cặp trong một khung cảnh chật chội về chương trình cũng như về thời gian. Càng không phải một sinh vật chỉ biết ngủ đêm quá ngắn còn ban ngày thì đằng đẵng những hội họp, chương trình, bị khủng bố về nội quy, thi cử, học hành... Học, học nữa... hộc máu (!) Trong khi tri thức nước ngoài truyền về Việt Nam nhanh nhất cũng bị chậm lại sáu tháng, còn các nghiên cứu khoa học trong các phòng ban, vụ viện của Việt Nam thường xuyên chậm hơn thế giới hàng chục năm"... Lời cảnh báo của ông từ 1982, hơn 2,5 thập kỷ sau còn vẹn nguyên ý nghiã.

Cô giáo trẻ Lê Mỹ Ý sinh 1978 - giảng viên trường đại học Huế - sau ba năm bám trường, bám lớp vinh dự được cử đi học cao học, gặp bạn bè, hễ ai chúc mừng "nhà giáo dục trẻ", cô đều chữa lại: Không phải nhà mà là lều. Bởi ngôi nhà có tuổi thọ hơn 60 năm (từ 1945), vừa cổ lỗ, vừa dị hình, dị dạng, càng sửa chữa, cải nới càng thụt nền, long móng, bất cứ lúc nào cũng có thể đổ ập xuống. Để không xúc phạm ngôn từ, tốt nhất nên gọi là lều, cũng là để phân biệt với các ngôi đền tri thức đàng hoàng, to đẹp, cổ kính, uyên bác khác trên thế giới.

Theo chương trình cao học (bộ môn giáo học pháp- được tài trợ lớn nhất so với các bộ môn khác) chưa được bao lâu thì cô bỏ, trước sự chưng hửng của mọi người. Một suất biên chế "béo bở" như thế phải mua bằng cả chục năm lương (từ 5- 7000 USD) còn cô, từ đỉnh cao tót vời lại từ bỏ quá dễ dàng để ra đi đầu không ngoảnh lại, mặc sau lưng bàn tán, trêu đùa như vậy? Bị bố mẹ, người thân chất vấn, cô giải thích:

- Nào có phải giáo học pháp đâu mà là... giáo học phét đấy chứ, lời lẽ huênh hoang, chất lượng hời hợt, không thể nhồi được. Quá trình nhận thức gắn liền với hứng thú. Học đã vô bổ thì dạy dỗ truyền đạt cho học trò - những người thầy của biết bao thế hệ tương lai làm sao?

Ba lần cô góp ý để sửa đổi, hoàn thiện chương trình thì hai lần bị coi là nổi loạn, phá phách... lần thứ ba được chấp nhận xem xét, nghiên cứu lại, song các quan chức trong ngành không hề tìm hiểu kỹ tinh thần, ý tưởng, thực chất những vấn đề cô nêu ra, chỉ quan tâm đến những chi tiết vụn vặt, không có tính nguyên tắc rồi dựa trên tư duy bảo thủ sẵn có của mình để bác bỏ thẳng thừng. Chán nản cô quay về với trường cũ, đồng nghiệp, chị em trong khoa, lại gặp toàn những kẻ đố kỵ, rình rập, tâng công, bẩm báo, vu cáo với lãnh đạo. Sợ cảnh "đùi em sinh ra đã không may trắng hơn đùi chị" sẽ gây nên những cảnh ba đào, triệt hạ uy tín danh dự nhau, cô bỏ thẳng ra Hà Nội thuê nhà, tìm việc sinh sống. Thà "đội trời khuấy nước mặc dầu, dọc ngang nào biết trên đầu có ai"? Còn hơn là một thứ Từ Hải chết trong vây như thế.

Trường hợp của cô không phải là hiếm, tất cả những ai vượt qua hàng rào phẩm cách, không chịu luồn cúi, đánh mất mình, hoặc dẫm chân lên nhân cách đồng loại, cũng như không thể trưởng thành trong nỗi sợ hãi các đồng chí, đồng nhất mình với đảng, với lãnh đạo Việt Nam - như số đông đồng loại - đều xử sự khác người, khác đời như thế. Như những hạt thóc mảy, họ tự nguyện văng ra khỏi trục quay của nhà nước đầu tiên và có thể nảy mầm ở bất cứ chỗ nào trên đất cứng, mặc cho các hạt thóc lép - chính là những kẻ vô dụng, dốt nát bám vào, vận hành theo guồng quay hành xác, công thức cũ "Sáng vác ô đi, tối ô về", mặc chất lượng giáo dục ở lại, nằm liệt.

Cùng với những ông thầy bất đắc chí là những cô cậu sinh viên không chịu tiêu hoá các món hổ lốn bị nhà trường nhồi nhét, trong đó không ít những cô cậu từng được giải thưởng quốc gia. Nguyễn Tiến Đặng, Lê Thành Chương đều là học sinh giỏi toán của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang được tuyển thẳng vào đại học Bách khoa. Hết năm đầu chán quá, cả hai rủ nhau bỏ sang đại học tổng hợp, càng chán hơn, liền sang sư phạm... Quá tam ba bận vẫn không trụ lại với trường lớp cũng như đội ngũ các thầy cô nông choèn thiển cận, các kiến thức lạc hậu, giáo điều, liền bỏ thẳng ra ngoài hành nghề gia sư, luyện thi cho vài chục đứa trẻ ôm mộng vào đại học. Hy vọng đi vòng trên đường thẳng, dăm bảy năm có đủ tiền chi phí năm đầu và vé máy bay sang Singapure, vừa học vừa làm. Thà một lần tốn kém mà được hưởng kiến thức hiện đại của nhân loại còn hơn bốn lần không xong vì mớ kiến thức nghèo nàn ở Việt Nam.

Thực trạng nền giáo dục Việt Nam đang khủng hoảng trầm trọng. Bao nhiêu tiếng chuông cảnh báo, bao nghị quyết chồng chéo dẫm chân lên nhau mà đâu vẫn hoàn đấy. Bài toán về quy mô giáo dục và chất lượng đào tạo không hề có đáp số thoả đáng. Nói chính xác hơn, túp lều tri thức của Việt Nam khác xa với mọi ngôi đền tri thức bình thường ở các nước, phần vì được xây dựng và quản lý theo quan niệm lỗi thời cũ kỹ, càng phát triển càng đòi hỏi đầu tư phi lý hơn (hiện đã đạt tới mức giới hạn trong điều kiện lạm phát ở Việt Nam) mà nhà vẫn lệch, móng vẫn nghiêng, tường nhà loang lổ, hàng nghìn vết ố, nền nhà lỗ chỗ ổ voi, ổ gà, sứt sẹo nham nhở. Càng loay hoay sửa chữa và cơi nới càng gặp hiểm hoạ. Lẽ ra phải mạnh dạn nâng cấp hoặc xây mới thì người ta đổ cả đống tiền vào chỉ để sơn sửa chắp vá qua loa, còn lại bỏ túi chia nhau mặc cho hậu quả nhỡn tiền là phụ huynh học sinh và con em chúng ta phải chịu.

II- Ba khối u của nền giáo dục:

Dù là người ngoại ngạch, ít quan tâm về giáo dục cũng hiểu rõ ba khối u dị dạng của nền giáo dục Việt Nam hiện nay là: Thi cử nặng nề, học thêm tràn lan, sách giáo khoa thay đổi xoành xoạch.

Không đâu trên thế giới có hệ thống thi cử nặng nề, tốn kém lại ít hiệu quả, gây nên lắm cảnh tiêu cực, dị thường như ở Việt Nam. Từ phổ thông cơ sở, trung học cơ sở rồi phổ thông trung học. Cấp nào cũng tổ chức thi, nào nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, 3 rồi phân ban, phân ngành. Nhìn ngoài tưởng chặt chẽ quy củ mà bằng giả, bằng mượn (nhờ người thi hộ), bằng mua cứ ù xoẹ. Học chỉ để đối phó lấy bằng, đâu phải vì kiến thức? Cả nước lao vào học thêm, dạy thêm với cường độ và quy mô hiếm thấy. Hệt như một cơn xoáy lốc mà ai cũng bị hút vào. Từ lúc cắp sách đến trường đến khi ra khỏi trường đại học, cứ chúi đầu, chúi mũi vào hết các lớp học thêm này đến các lò luyện thi khác, từ sáng sớm đến tối mịt, chẳng còn thời gian mà nghiền ngẫm, suy nghĩ áp dụng thực tĩễn nữa. Học sinh kém ngồi lẫn với học sinh khá, giỏi. Tất cả cào bằng hết, lại "đậu phụ là chính, mì chính là phụ". Học trong chương trình thầy chỉ giảng lấy lệ miễn hết giờ, còn dành kiến thức để truyền đạt trong các giờ ngoại khoá, gom đầu học sinh thu tiền, bù vào số lương ít ỏi nhận được từ bộ, sở. Vì thế mà chất lượng thấp kém đến kinh ngạc, cả hai kỳ tuyển sinh cao đẳng và đại học 2004, 2005 của bộ đại học và trung học chuyên nghiệp - số học sinh đạt điểm trung bình 5 trở lên mỗi môn chỉ chiếm từ 7 đến 8 %. Năm 2006 vừa qua cũng chẳng mảy may nhích thêm một li một lai.

Ngay ngày đầu tiên chấm thi hơn 300 bài của trường Cao đẳng Ngân Hàng không hề có bóng dáng điểm 8. Cao nhất chỉ là 7- trong khi học sinh từ lớp 1 đã leo lẻo đọc: Vứt điểm một, xoá điểm 2, bỏ điểm 3, trừ điểm 4, gạch điểm 5, không lấy 6, chẳng lấy 7, vượt qua 8, vươn lên 9, tiến vào 10... chúng ta cười, được điểm tốt, tặng thầy cô.

Thành quả lớn nhất của nền giáo dục hư đốn này là tạo ra những nhu cầu vô cùng giả tạo. Chất lượng giả, thành tích giả, không những không rèn cho các em thói quen tự học, tự tìm tòi suy nghĩ để khẳng định mình mà ngược lại, luyện cho các em thói quen bị ấn, bị nhồi, bị buộc phải học thêm...Đầu năm, cuối cấp chỉ biết dựa dẫm vào thầy, vào sách vở, nên cứ rời phao bi của thầy ra là luống cuống chết đuối, chết chìm giữa biển tri thức nhân loại. Hệt như những chú gà công nghiệp ngơ ngác, ngô ngọng, đã được thả ra khỏi cửa chuồng rồi mà không biết chạy, biết kiếm ăn, cứ loanh quanh luẩn quẩn quanh khu vực chuồng rồi chui tọt vào để còn có thức ăn, nếu không chỉ còn chịu cảnh chết đói...

Xét cho cùng chuyện học hành, trình độ ở Việt Nam mình đâu có quan trọng gì, cứ có tiền, có lực là "ghế trên ngồi tót sỗ sàng" được ngay. Tấm gương bà phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa là một ví dụ điển hình. Chả cần thi cử học hành, tốn kém vẫn có sáu tấm bằng đại học, chỉ cần giúp mấy chuyên viên của sở, bộ xoay vài cái dự án liên doanh với nước ngoài là được nhà trường quý mến, tặng lại bằng cấp. Bộ trưởng bộ thương binh xã hội Nguyễn Thị Hằng - cần bảy bài báo để xét tiến sĩ theo quy chế, là bảy lần bỏ tiền thuê người viết hộ... rồi đăng báo, đem ra báo cáo, lấy bằng- nghiã là không phải mía sâu có đốt, nhà dột có nơi, mà dột từ nóc dột xuống... Tức cảnh, người dân Việt Nam mượn thơ Tố Hữu để truyền tải:

Ôi Việt Nam xứ sở lạ lùng
Đến Trương Mỹ Hoa cũng có sáu tấm bằng
Nguyễn Thị Hằng cũng hoá thành tiến sĩ
Dốt như Nông cũng cưỡng chiếm ngai vàng...


Năm nào nhà cầm quyền cũng bỏ cả đống tiền khổng lồ để in sách giáo khoa trên cơ sở đã được chỉnh lý biên soạn lại. Tưởng thúc đẩy cho nền giáo dục phát triển vượt bậc, sánh vai với các cường quốc năm châu - vậy mà ngược lại. Huyền thoại Thánh Gióng, bao năm không biết nói, biết cười, suốt ngày chỉ đứng ngồi trơ trơ, trong khi ăn khoẻ, ngốn khỏe, xài ngông, lãng phí công quỹ vô tội vạ, vẫn không lớn nổi thành người, còn phát triển thành những khối u dị dạng, sống tầm gửi trên cơ thể xã hội với sức huỷ hoại ghê gớm khôn lường. Thay vì mạnh dạn cắt bỏ cả ba khối u, tẩy sạch những loài tầm gửi ký sinh sống bám vào môi trường giáo dục, trả lại sự lành mạnh, bình yên cho lớp trẻ thì người ta nhân thể đục nước béo cò, mặc ngôi nhà giáo dục ngày càng rệu rã xuống cấp, ba khối u chèn ép, đến khi không trụ được, phải đổ kềnh ra thì thôi.

Chi phí giáo dục phình to, mà hiệu quả đầu tư lại vô cùng thấp bé. Sách giáo khoa năm nào cũng in ra với số lượng khổng lồ, trong khi chất lượng vẫn ì ạch. Cái đã định hình thì tự nhiên bị đem ra chỉnh lý, bổ xung, cái cần cải cách lại hoá cải lùi. Đội ngũ viết sách đa phần thuộc về cánh hẩu, có máu mặt trong làng giáo, gía nhuận bút cao gấp 80 lần nhuận bút thông thường nên đội ngũ các thầy cô giỏi, tự trang bị kiến thức cho mình, bị đứng ngoài, chỉ những kẻ sống đời ăn bám lọt vào. Thế là sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Chị Nguyễn Thị Nga giáo viên sinh trường PTTH Kim Liên khi nhận được bản nhận xét về chất lượng sách giáo khoa đã chun mũi kêu lên: "Viết tối nghiã đến thế này thì giáo viên cũng không thể luận được, huống hồ học sinh? Cái cần khắc sâu thì bỏ qua, cái có thể đi lướt thì kéo dài cả ba tiết, hiện tượng, bản chất lẫn lộn, một khái niệm đơn giản như "diễn thế sinh thái" tức là diễn biến của các thế hệ động, thực vật trong trạng thái tự nhiên cũng không giải thích nổi ..."

Trong cuộc họp đồng niên khoa sinh Đại học Sư Phạm khoá 1978-1982 gần đây, chị phát hiện ra bạn cùng khoá là chuyên viên Nguyễn Thị Vịêt Hồng, bị đúp lại từ năm thứ nhất với tổng số 8/9 môn thi lại, chầy chật mãi mới ra được trường. Sau khi bỏ người yêu cũ cùng quê để lấy "bố già" ở Hà Nội, liền được chuyển vào bộ giáo dục, đi học cao học 3 năm rồi về phòng chuyên viết sách cho các thầy cô cấp III. Thật là trò đùa trớ trêu của giáo dục. Thằng dốt ngồi trên đầu thằng giỏi, viết sách giáo khoa bắt thằng giỏi truyền đạt lại sự dốt nát tối tăm của mình cho bao thế hệ học sinh...

Một nghịch lý trớ trêu nữa là: Sách dốt cứ được viết ra, ngồn ngộn năm này sang năm khác mà giá bán cho học sinh thì cứ cao ngất ngưởng, tót vời. Một bộ sách giáo khoa cấp III kèm sách tham khảo, đủ hết nửa tháng lương của cán bộ, hoặc một vụ thu hoạch còm của bà con nông dân.

Tóm lại: Tất cả những điều Bộ Giáo Dục làm được trong bao năm qua chỉ là một sự lãng phí khổng lồ. Vừa lãng phí công sức của hàng vạn, hàng triệu thầy cô, vì mải chạy theo dạy thêm lu bù, nào dạy tăng tiết, nào dạy ngoại khoá, luyện thi đến mức không còn thời gian nghiên cứu học thêm để cải tiến phương pháp giảng dạy, nội dung giáo trình nữa. Chưa kể còn những cái lãng phí lớn hơn là hàng trăm tỷ tiền của nhà nước đổ ra nuôi một đội quân cấp vạn, triệu - những ông thầy ù lì, có mắt giả mù, có tai giả điếc, cắm đầu, cắm cổ dạy học sinh những kiến thức vô bổ lạc hậu so với thế giới hàng chục năm như thế. Thật là:

Buồn trông giáo dục Việt Nam
Lòng ai đau đáu, dạ bầm xót xa.


Hà Nội, 5/4/2007
Trần Khải Thanh Thủy

Trích DCVOnline
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn