Để ổn định tình hình, cứ lượm hết các thành phần có khả năng “quậy” là nhóm bị loại không còn công cụ để “quậy” nữa. Đó là chiến thuật quen thuộc của Đảng CSVN.
Vụ Luật sư Cù Huy Hà Vũ bị bắt vào đêm 03/11/2010 vừa qua cũng nằm trong chiến dịch “dẹp quậy”. Tuy nhiên, trường hợp của Luật sư Cù Huy Hà Vũ đã nêu ra nghi vấn từ lâu. Nhiều người đã hỏi: Các bloggers như Như Quỳnh (Mẹ Nấm), Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió), Phan Thanh Hải (Anh Ba Sài Gòn), Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Lê Nguyễn Hương Trà (Cô gái Đồ Long), nhà báo Phạm Đoan Trang, v.v. chỉ “quậy” chút chút chơi mà đã bị bắt, còn Luật sư Cù Huy Hà Vũ “cha đẻ” của nhiều bài viết và vụ kiện “quậy” được đánh giá là “khuấy động dư luận”, tại sao đến đầu tháng 11 mới bị bắt?
Vấn đề là nguy hiểm hay không nguy hiểm
Một số người đã giải thích lý do tại sao Cù Huy Hà Vũ “quậy” thoải mái mà không bị bắt. Theo họ, tại vì Luật sư Cù Huy Hà Vũ là con trai nhà thơ Cù Huy Cận, người từng là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Bộ trưởng đặc trách Văn hóa Thông tin của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng. Mẹ của ông ta là bà Ngô Thị Xuân Như, em ruột Xuân Diệu và ông ta cũng đã được Xuân Diệu nhận làm con nuôi. Với cái thân thế đó, nhà cầm quyền không muốn đụng tới. Một số khác lại cho rằng có thể có một thế lực nào đó đứng đàng sau, Cù Huy Hà Vũ mới dám “quậy” mạnh như thế.
Chúng tôi không tin hai cách giải thích nói trên là đúng. Kinh nghiệm cho thấy Cộng Sản chỉ bắt hay thanh toán những thành phần bị coi là “nguy hiểm cho chế độ”, không cần biết người đó là ai.
Tôi đã từng chứng kiến: Một bà bị công an gây phiền hà, đã đứng giữa chợ chửi cộng sản như tát nước vào mặt, công an vẫn đứng nghe. Cuối cùng, anh trưởng công an đến vổ vai bà và nói: “Mẹ mệt rồi về nghỉ đi, con phạt chúng nó cho”. Thế là nội vụ coi như đã giải quyết xong. Trái lại, một sĩ quan VNCH mới đi tù về, lúc đó đang ngồi trong quán cà phê đã lạm “góp ý” với hai người cùng bàn về chuyện công an đã làm, chiều hôm đó anh ta bị công an gọi “đi làm việc”. Tại sao? Tại vì sự “góp ý” của anh ta có căn bản lý luận, có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều người, nên bị coi là thành phần nguy hiểm.
Cù Huy Hà Vũ sinh năm 1957 tại xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, có bằng Cao Học Văn chương của Pháp, bằng Tiến sĩ Luật ở Đại học Sorbonne và đồng thời cũng là một họa sĩ. Ông đang hành nghề luật sư tại Hà Nội.
Tuy có lý lịch “gồ ghề” như trên, nhưng qua những lời tuyên bố và việc làm của Cù Huy Hà Vũ, chúng ta thấy khả năng pháp lý cũng như nhận định chính trị của ông cũng rất giới hạn, Ông lại là người không sâu sắc, ruột để ngoài da, nên nhà cầm quyền không sợ ông tạo ra được một phong trào chống đối. Trong mùa Đại Hội Đảng, ông bị cô lập để nhóm bị loại không thể lợi dụng ông.
Khả năng pháp lý
Tuy đậu tiến sĩ luật khoa tại Đại Học Sorbonne ở Pháp, nhiều người phải "lắc đầu ngán ngẩm" khi thấy ông khởi động một số vụ kiện. Một thí dụ điển hình là “Đơn khởi kiện Thủ tướng do đã ban hành trái pháp luật Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg phê duyệt phân vùng khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015” đề ngày 11/06/2009. Những người biết các nguyên tắc về tố tụng đều nói rằng một luật sư không thể đi kiện như thế. Cả đối tượng bị kiện lẫn tư cách xử dụng tố quyền đều sai.
Ngày 15/06/2009, Toà Án Nhân Dân Thành phố Hà Nội đã bác đơn của ông viện lý do “Tòa án không có căn cứ pháp lý để thụ lý và giải quyết đơn khởi kiện”.
Ngày 24/06/2009, trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC, Luật sư Lê Thành Kính, trưởng đại diện Văn phòng luật sư Lê Nguyễn ở Sài Gòn cho rằng vụ kiện thủ tướng không thành vì "sai đối tượng và sai thủ tục". Luật sư Kính nói:
“Vấn đề đặt ra ở đây là người luật sư, ví dụ luật sư Vũ, mục đích của ông ta là gì thì cái đó cần phải xác định lại. Vì là luật sư ông ta chắc cũng phải biết, là ông có phải là đương đơn trong cái vụ kiện này hay không, ông ta phải xác định được.
“Đương đơn trong vụ kiện này (phải) là những người bị thiệt hại. Mà người thiệt hại trong trường hợp này nếu có, thì phải là dân chúng vùng mà người ta đầu tư vào đó, vùng mà người ta khai thác quặng, người ta đưa đơn hoặc người ta ủy quyền cho ông ta.
“Nếu quyết định của ông thủ tướng sai, thì phải kiện ông chính phủ, chứ không thể kiện ông thủ tướng được”.
Tuy nhiên, Luật sư Kính đã đặt ra một nghi vần: “Cho nên nó đặt ra vấn đề là tôi nghĩ ông Hà Vũ không phải là người không hiểu pháp luật vì chính ông là luật sư. Ta cũng cần phải đặt câu hỏi mục đích của vụ kiện là gì, cái đó mới cần quan tâm hơn”.
Cũng trong ngày 24/06/2009, ông Lê Minh Phiếu đã viết bài “Toà án Hà Nội bác đơn kiện Thủ tướng của LS Cù Huy Hà Vũ” đăng trên website của ông, phê bình đơn kiện của Luật Sư Cù Huy Hà Vũ. Ông Phiếu đã mở đầu bài này như sau:
“Đơn kiện của LS. Cù Huy Hà Vũ đã bị bác. Điều này hoàn toàn không làm tôi ngạc nhiên. Tôi đã biết chắc chắn đơn kiện này sẽ bị bác ngay từ khi vừa đọc nó. Đó là bởi vì đơn kiện LS. Cù Huy Hà Vũ đã sai lầm trong cách tiếp cận vấn đề: (1) Nó đã lựa chọn không đúng đối tượng cần khởi kiện và (2) tư cách khởi kiện của LS. Cù Huy Hà Vũ là chưa chắc chắn”.
Sau đó ông nói về đối tượng khởi kiện và tư cách khởi kiện trong vụ này.
Về đối tượng bị kiện, ông Lê Minh Phiếu cho rằng Quyết định 167/2007/QĐ-TTg ngày 01/11/2007 của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt Quy hoạch là một văn bản quy phạm pháp luật, nó không phải là một “quyết định hành chính”. Hiện nay chưa có luật pháp nào của Việt Nam cho phép kiện các “văn bản quy phạm pháp luật”. Luật chỉ cho phép kiện các “quyết định hành chánh” mà thôi. Do đó, theo ông Phiếu, lẽ ra LS Cù Huy Hà Vũ phải khởi kiện các “Quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư” khai thác bauxite được cấp về sau thì mới có cơ thành công".
Về tư cách đứng đơn kiện, ông Lê Minh Phiếu nói việc Ls. Vũ đứng đơn với tư cách người khởi kiện cũng chưa chắc chắn: “Người khởi kiện là cá nhân, cơ quan, tổ chức cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính”. Ls.Vũ khó chứng minh được ông là người có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm... để có thể đứng đơn khởi kiện.
Dĩ nhiên là phe “chống cộng bằng biểu dương khí thế” và bằng “phèng la” đã mạnh mẽ chống lại Luật sư Lê Thành Kính và ông Lê Minh Phiếu và cho rằng hai nhân vậy này là “tay sai cộng sản”.
Đây là một vấn đề khá phức tạp, nhưng chúng ta phải nhìn vấn đề một cách thẳng thắn để hiểu tại sao nhà cầm quyền CSVN đã coi thường Luật sư Cù Huy Hà Vũ.
Phản pháo của Luật sư Cù Huy Hà Vũ
Trong bài “Kiện Thủ Tướng là đúng thủ tục” được phổ biến trên đài BBC ngày 29/06/2010, Luật sư Cù Huy Hà Vũ đã phản bác lập luận của Luật sư Lê Thành Kính đã đưa ra.
Kiện Thủ Tướng là đúng thủ tục |
1.- Về tư cách người đứng đơn kiện
Trước hết, Luật sư Vũ trích dẫn lời phê phán của Luật sư Kính: “Đương đơn trong vụ kiện này (phải) là những người bị thiệt hại. Mà người thiệt hại trong trường hợp này nếu có, thì phải là dân chúng vùng mà người ta đầu tư vào đó, vùng mà người ta khai thác quặng. Còn ông ta (Cù Huy Hà Vũ) đứng với tư cách cá nhân để kiện, thì không được”.
Luật sư Cù Huy Hà Vũ trả lời rằng theo quy định của pháp luật thì bất cứ công dân Việt Nam nào cũng có thể khởi kiện Thủ tướng để bảo vệ môi trường Tây Nguyên đang và sẽ bị xâm hại bởi những hệ quả của Quyết định 167/2007/QĐ-TTg được ban hành trái Luật bảo vệ môi trường. Luật sư Cù Huy Hà Vũ viện dẫn khoản 1 Điều 128 Luật Bảo vệ môi trường như sau:
“Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Toà án về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.
2.- Về đối tượng khởi kiện
Luật sư Lê Thành Kính nói: “Ông Thủ tướng chỉ là nhân danh Nhà nước. Nếu quyết định của ông Thủ tướng sai chẳng hạn, thì phải kiện ông Chính phủ, chứ không thể kiện ông Thủ tướng được”.
Luật sư Cù Huy Hà Vũ cho rằng chính phủ chỉ có thể là đối tượng khởi kiện trong trường hợp “sản phẩm” của Chính phủ - nghị quyết, nghị định - được ban hành trái pháp luật, chứ tuyệt nhiên Chính phủ không thể chịu trách nhiệm về quyết định sai trái của Thủ tướng, kiểu “quýt làm cam chịu”.
Một vài nhận xét
Dù dựa vào các nguyên tắc tố tụng của VNCH trước 1975, của Pháp, của Mỹ hay của CHXHCNVN hiện nay, lập luận của Luật sư Vũ không thể chấp nhận được.
1.- Về tư cách khởi tố.
Nguyên tắc chung là phải có thiệt hại mới có tố quyền để đi kiện. Án lệ Mỹ xác định rằng sự thiệt hại là căn bản của tố quyền và ở đâu không có thiệt hại, tố quyền không thể khởi động (The court held that the damages were the ground of the action, and as there were no damages, the action could not be brought.)
Sự thiệt hại để phát động tố quyền phải là sự thiệt hại thật sự (real damage hay actual damage). Án lệ xác định rất rõ ràng rằng khi sự thiệt hại có thể đo lường được một cách chính xác, được coi là thiệt hại thật sự (When damages can be precisely measured, they are called actual damages.)
Luật sư Cù Huy Hà Vũ không phải là cư dân ở trong vùng sẽ được khai thác bauxite nên ông sẽ không có sự thiệt hại thật sự (có thể đo lường được) khi việc khai thác xẩy ra. Sự thiệt hại về môi trường mà ông viện dẫn chỉ là sự thiệt hại tổng quát và trừu tượng, không thể đo lường được nên không thể viện dẫn để khởi phát tố quyền.
Về điểm này, quan điểm của Luật sư Lê Thành Kính và ông Lê Minh Khiếu đều đúng.
Trong trường hợp này, nếu muốn kiện, Luật sư Cù Huy Hà Vũ phải đại diện cho một số cư dân ở trong vùng có thể bị phương hại, ông mới có thể phát khởi tố quyền. Chuyện này cũng dễ dàng thôi, tại sao ông không làm?
2.- Về đối tượng bị kiện
Tôi không đồng ý với ông Lê Minh Khiếu cho rằng Quyết định 167/2007/QĐ-TTg ngày 01/11/2007 của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là một “văn bản quy phạm pháp luật” nên chưa có luật lệ nào ở Việt Nam cho phép kiện. Thật ra văn bản lập quy (règlementaire) là văn bản ấn định thể thức thi hành luật pháp, còn quyết định của Thủ Tướng Dũng nói trên chỉ là một văn kiện “phê duyệt phân vùng khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007 – 2015” nên nó là một quyết định hành chánh, có thể kiện được.
Tôi đồng ý với Luật sư Lê Thành Kính, nếu muốn kiện quyết định nói trên phải kiện chính phủ chứ không thể kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nếu Nguyễn Tấn Dũng đi trộm gà hay giựt hụi, chúng ta có thể kiện ông ta được, vì trong trường hợp này, ông ta đã hành động với tư cách cá nhân. Trái lại, khi ký Quyết định 167/2007/QĐ-TTg, ông đã hành động với tư cách đại diện chính phủ nên phải kiện chính phủ. Giả thiết vài hôm sau ông Dũng bị cất chức hay bị bất đắc kỳ tử, vụ kiện vẫn tiếp tục và chính phủ phải chịu trach nhiệm chứ không phải ông Dũng.
Nhiều người khi nghe bà Nguyễn Thị Dương Hà, vợ ông Cù Huy Hà Vũ, phát biểu trên các đài phát thanh hải ngoại, đã có nhận xét rằng bà có căn bản về luật pháp và biện luận vững hơn ông Cù Huy Hà Vũ.
Chỉ là một Whistleblower
Ngoài vụ kiện nói trên, Luật sư Cù Huy Hà Vũ còn làm nhiều “chuyện động trời” khác mà nhiều người đã biết, chẳng hạn như:
- Đơn khởi kiện Thủ tướng Chính phủ về hành vi ban hành Nghị định cấm công dân khiếu nại tập thể trái Hiến pháp và pháp luật;
- Thanh tra Chính phủ quy định không xử lý đơn khiếu nại, tố cáo có chữ ký nhiều người là trái Hiến pháp và pháp luật;
- Đường sắt cao tốc Bắc-Nam, dự án tham nhũng;
- Đơn khởi kiện UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về quyết định cấp phép đầu tư xây dựng dự án khách sạn Life Resort trên đồi Vọng Cảnh là xâm phạm vào "di tích văn hoá bất khả xâm phạm";
- Kiện album "Chat với Mozart" của ca sĩ Mỹ Linh vì cho rằng “vi phạm quyền nhân thân” các tác giả nhạc cổ điển khi đặt tên và lời tiếng Việt cho các tác phẩm của họ trong album này;
- Nộp đơn xin tự ứng cử chức vụ Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, mặc dầu ông là người ngoài Đảng;
- Đòi hủy bỏ điều 4 Hiến Pháp;
- Tranh chấp pháp lý quanh ngôi nhà của Xuân Diệu khi UBND TP Hà Nội muốn lấy ngôi nhà đó làm "phòng lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu", v.v.
Mặc dầu những hành vi trên đã khiến nhiều người phải "lắc đầu ngán ngẩm", nhưng nếu so với một số vụ án trước đây, các hành vi của Luật sư Cù Huy Hà Vũ không có gì nghĩa lý gì cả. Sau đây là một vài thí dụ cụ thể:
* Luật sư Nguyễn Văn Đài bị tuyên án 5 năm tù vì tuyên truyền chống chế độ XHCN: Kêu gọi nhân dân không tham gia cuộc bầu cử Quốc hội khoá 12. Tàng trữ và phổ biến tài liệu “Đảng cộng sản Việt Nam là nghiệp chướng, chính Đảng đã đem vùng trời đen về cho dân tộc Việt Nam”; “Những bí ẩn về tân thủ tướng Việt Nam”; “nhật ký dân oan”, v.v.
Ngoài ra, Nguyễn Văn Đài còn bị tố cáo nhận tiến tài trợ từ ngoại quốc để hoạt động. Nguyễn Văn Đài khai có nhận hàng tháng trên 1.000 USD và đã tự trả lương cho mình 700 USD, 4 nhân viên khác được 200 USD... Nhưng Công An nói họ có tài liệu cho thấy Luật sư Đài nhận được nhiều hơn. Phải chăng đây là số tiền do các tổ chức chống cộng cò mồi của CSVN ở ngoại quốc gởi rồi đưa bằng chứng cho Công An?
Trước khi bị bắt, Nguyễn Văn Đài còn bị gài và bắt quả tang vừa sửa bản điều lệ cho Đảng Dân Chủ Việt Nam của Hoàng Minh Chính.
* Luật sư Lê Thị Công Nhân bị gài vào khối 8406 và Đảng Vì Dân, một đảng chống cộng cò mồi của CSVN do Nguyễn Công Bằng ở Houston cầm đầu với hai đảng con là Đảng Thăng Tiến và Liên Đảng Lạc Hồng.
* Trường hợp của Luật sư Lê Công Định và ông Trần Huỳnh Duy Thức còn nặng hơn: Cả hai bị gài vào Đảng Dân Chủ Việt Nam (hậu thân của Đảng Nhân Dân Hành Động), một đảng chống cộng cò mồi khác do Nguyễn Sỹ Bình lãnh đạo. Tháng 2/2008, Nguyễn Sỹ Bình gửi cho Định bản "Tân hiến pháp Việt Nam" để Định nghiên cứu và góp ý. Vào ngày 26.3.2009, Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức đã sang Phuket, Thái Lan, gặp Nguyễn Sỹ Bình để thống nhất thành lập các tổ chức chính trị thay thế Đảng Cộng Sản Việt Nam khi xảy ra biến cố chính trị vào năm 2010. Cả ba quyết định thành lập thêm 2 đảng là Đảng Lao Động VN do Lê Công Định làm chủ tịch và Đảng Xã Hội Việt Nam do Trần Huỳnh Duy Thức đứng đầu, v.v. Tất cả những cuộc gặp gở này đã được ghi băng và quay hình. Do đó, khi Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt, Công An đưa những thứ này ra, Lê Công Định đành nhận tội và xin khoan hồng!
Trái lại, Luật sư Cù Huy Hà Vũ không có những hành động táo bạo như vậy và cũng không bị gài cho dính vào các tổ chức chống cộng cò mồi.
Nhiều người đã coi Luật sư Cù Huy Hà Vũ chỉ là một “Whistleblower”. Trong tiếng Anh danh từ này có nghĩa là một người muốn trình bày ra những sai trái trong một tổ chức với hy vọng có thể ngăn chặn nó lại, nhưng không thành công.
Ở hải ngoại, “biểu dương khí thế” và đánh "phèng la" qua 34 năm hình như không ảnh hưởng gì đến tình hình trong nước, trái lại “tình hữu nghị” giữa Anh Hai Chống Cộng và CSVN ngày càng khăng khít hơn.
Nhưng ở trong nước, một người chuyên thổi còi như Luật sư Cù Huy Hà Vũ cũng có thể có tác dụng tốt. Với chính quyền, ít ra tiếng còi của ông cũng khiến nhiều cơ quan phải chùng tay lại, như trường hợp UBNN thành phố Huế trong vụ đồi Vọng Cảnh. Với những người đấu tranh, tiếng còi của ông cũng có tác dụng khơi dậy lòng dũng cảm.
Nhiều người tin rằng sau Đại Hội Đảng vào tháng giêng sắp đến ông sẽ được phóng thích và tiếp tục thổi còi.
Lữ Giang
14/12/2010
Theo Thông Luận
Gửi ý kiến của bạn