Những anh chàng háu đói luôn mơ về một gánh phở rong nơi phố mình với nồi nước xương bò hầm nhừ, trong veo, cùng mùi thơm của ngũ hương, thảo quả, sá sùng ngọt lịm, thơm điếc mũi, đánh thức con tì, con vị trong người trỗi dậy... Hồi còn ở nhà, chỉ vừa kịp nghe tiếng bước chân người bán phở đủng đỉnh quẩy gánh tới, rao lên một tiếng quen thuộc: Phở ơ, là vội vàng thò đầu ra khỏi chăn ấm, hét tướng qua khe cửa: Phở! Ngay lập tức dạ dày được củng cố, bao nhiêu vết lõm trong dạ dày ngập tràn một thứ dung dịch thơm, cay, bùi, béo của đủ thứ gia vị chanh, ớt, dấm, tỏi, nấm hương, hành lá nóng hổi thơm phức, vừa nhàn cư lại chẳng lo... bất thiện tí nào, càng thú vị vì cảm giác còn theo vào tận giấc ngủ và theo mãi suốt đời đến tận trời Tây(!)
Những tiếng rao đêm đã bám chặt vào ký ức của người Hà Nội, dù đi đâu và xa cách bao lâu, không thể nào cọ rửa nổi, làm nên một phần hồn của đêm Hà Nội, nhất là những người sống trong khu vực phố cổ... Chỉ vừa sầm trời, sập tối là tiếng rao của những người Hoa bán lạc rang nóng vọng vang: Phàn xôi! Phá sa hay người bán chè vừng đen với giọng rao ngồ ngộ: Chế ma phù! chế ma phù.. .ù.
Quà đêm Hà Nội Nguồn: apec2006.vn |
Tám giờ tối, khi âm thanh nhộn nhịp của ban ngày lắng xuống là lúc bắt đầu nhịp điệu chậm rãi trong tĩnh lặng của buổi đêm, người dân lại nghe tiếng rao kéo dài: Lục tào xá! Suỵch chế!... Tím săm bao (bánh bao nóng). Đêm càng khuya tiếng rao càng vang xa, ngân dài từ đầu phố đến cuối phố, nhẫn nại và chậm chạp.Tiếng rao nối những con phố dài, vắng lặng, hun hút với những ánh đèn vàng vọt, leo lét lọt qua khe cửa khiến đêm càng sâu hơn. Giữa không gian tĩnh lặng, đông đặc tưởng có thể dùng dao mà cắt thành hình, thành khối được, bỗng vang lên tiếng gậy khươ lộc cộc của mấy ông già tẩm quất... ai hay đau lưng mỏi gối, chỉ chờ nghe tiếng “tầm quéc! tầm quéc đi” là vội vàng nhỏm dạy, khươ khoắng đôi guốc dưới chân, loẹt quẹt chạy ra... từng mi-li-mét trên người - dưới bàn tay của người hành nghề tẩm quất thức dậy, đón đợi, nghe ngóng rồi dần dần ngủ lịm. Bàn tay “thầy” chạm đến đâu là những khoảng rỗng, ù lì trong người lập tức được rót đầy một luồng sinh khí mới: ấm áp, nóng rực, tê rát, khoan khoái. Khi bước chân của người tầm quéc xa dần là giấc ngủ của người được tẩm quất cũng đến gần. Hà Nội chìm sâu vào giấc ngủ đêm: tĩnh lặng, dịu dàng và đằm sâu, mướt mát của đủ các loại hoa và sương đêm: Dạ hương, hoa sữa, mộc lan, nhài v.v.
Gần sáng tiếng rao của những người bán bánh cuốn nhân thịt, cháo gà, mỳ vằn thắn vang lên... Bình minh thực sự bắt đầu với những tiếng rao: Lò mài phản của người bán xôi nóng-lạp sườn cất lên. Tiếng chổi tre quét đường xào xạc của những chị lao công hăm hở... đẩy trần mây tím sẫm lên trời cao, lộ ra những ánh hồng non bấy bớt của một ngày. Hà Nội bắt đầu trong gió sớm ban mai, trong bộn bề cảm xúc... Tiếng rao càng trở nên nhộn nhịp hơn khi đội quân bán bánh mỳ, ngô rang, hạt dẻ tiến vào từng ngõ phố tạo nên bức tranh riêng: xôn xao và ồn ã. Ít ai còn nằm rốn trên giường được nữa khi tiếng rao lọt vào tận khe cửa, qua chăn ấm, đệm êm, khoan sâu vào màng nhĩ và ánh nắng hỗn hào của buổi sớm lọt vào nhà như chọc tức, trêu ngươi... Khi ấy, ba mươi sáu phố phường Hà Nội càng mặn mà, duyên dáng thêm bởi những bước chân mềm mại của người đi làm, ăn nhịp với giọng rao ngọt ngào của các cô hàng bánh, hàng quà trên đất Hà thành
Cái thời mơ mộng ấy, qua mãi rồi người ơi... Câu hát của người Hà Nội hôm nay như chấm dứt bản hoà tấu của những tiếng rao đêm. Hà Nội vào thời mở cửa, tiếng rao cả ngày cũng như đêm trở nên chát chúa, nhức nhối, mệt mỏi hơn. Đêm tối bắt đầu bằng tiếng rao của bầy trẻ nhỏ, ăn vận tồi tàn, những tiếng rao vội vàng, gấp gáp: Kết quả đây! kết quả đây! Tiếng rao cất lên ngay sau khi các hàng xổ số, lô đề dừng lại và vô tuyến truyền hình trung ương cùng đài phát thanh Hà Nội truyền đi thông tin về kết quả “xổ số kiến thiết thủ đô”. Cả nghìn người tụ tập quanh nơi mở thưởng - nơi ngành xổ số đang làm ăn phát đạt trên lưng hàng nghìn, hàng vạn, hàng triệu con bạc khát nước. Bao phen ích nước, hại nhà, đâu phải lợi ích đa chiều cho cả công dân và chính quyền Hà Nội như những lời kêu gọi quảng cáo. Những bộ mặt căng thẳng, nhợt nhạt, ngầu máu trong ánh nhìn, tia mắt, hồi hộp chờ đợi khi vòng quay cuối cùng - định mệnh hiện ra... đa phần là ích nước. Mạng thông tin của dân chơi ào ào hoạt động như bốc, như sôi, điện thoại “nằm” điện thoại “chạy” réo rắt loan tin tới các trung tâm lô đề trong cả nước. Người cười, kẻ khóc, người cay cú, kẻ hân hoan... Các chú nhóc đánh thuê lên giây cót thần kinh, vặn tốc độ tối đa, thực hiện cuộc chạy ma ra ton hai cẳng và ma ra ton thanh quản của mình ào vào mọi ngõ ngách trong thành phố, trong lờ nhờ bóng đêm, hét lên những tiếng rợn người: Kết quả đây! Kkết quả đây!
Hà Nội đang vào thu lặng lẽ, tuy nhiên tiết trời vẫn còn oi bức, nhiệt độ trong nhà thường xuyên lên tới 31-32 độ C, khiến các cư dân trong những ngôi nhà hình thước thợ, hình ống phải đổ ra đường, ai đó thuộc đám dân chơi, anh chị gọi giật giọng:
- Ê kết quả lại đây!
Nhận từ tay chú bé tờ giấy ghi vội vàng, cẩu thả, thông báo về những con số trúng thưởng vô tri, vô giác, người mua hàng nghiến răng vò nát:
- Hừ như thế này mà gọi là kết quả à? Có mà chết cả thì có. Thật đánh bạc với ông nhà nước chỉ tổ dại, ích nước bao năm mà chẳng lợi nhà tí nào...
Tiếng rao: Chết cả đây! Chết cả đây! còn len lỏi vào tận ngõ xóm với giá rẻ mạt 1000, 2000 đồng một tờ đến tận 9, 10 giờ đêm .. Bấy giờ, thay vì những tiếng rao “tầm quéc” như ngày xưa là tiếng xe rú rít trên nền đường. Hà Nội vào khuya muộn mằn như Sài Gòn vậy, nghề tẩm quất bị vật chết tươi khi cơ chế thị trường vừa kịp ùa vào, nhường chỗ cho dịch vụ massge, vật lý trị liệu lên ngôi. Người thay thế nó không còn là các ông già, các chàng trai cỡ tuổi trung niên không may mắt mờ đục từ bé nữa, mà là các em bé vừa kịp mười tám, đôi mươi, với kiến thức mát sa hơn hẳn các “thầy”. Bàn tay, ánh mắt của các bé chạm vào đâu là cơ thể khách hàng rạo rực, cương cứng, nóng ấm và dần dần mềm nhũn ra đến đấy, hệt vế đối của bà Đoàn thị Điểm khi Trạng Quỳnh lẻn vào buồng riêng của bà ngày xưa: Trướng nội vô phong phàm tự lập (trong phòng không có gió mà cột buồm lại dựng lên) đơn giản vì giữa thời... thả cửa, tiền chùa bị thả nổi, mát xa biến tướng thành mát gần, vật lý trị liệu thành liệu mà vật ngửa khách ra trị một cách có lý nhất, hoàn thành được công đoạn từ A đến Z, khiến “cột buồm” dựng lên lại hạ xuống là số tiền tăng 10 lần so với giá ban đầu.
Bánh mì long đơi, ai ngô lướng, sắn luộc, khoai lùi lào. Nguồn: discovermekong.com |
Vào những thời khắc tiếp theo, thay thế cho tiếng rao của người Hoa Kiều là tiếng rao của các bà, các cô từ thôn quê, tứ chiếng tụ dồn về thành thị kiếm sống. Ban ngày gom đồng nát, sách báo, sắt vụn, mong kiếm được đồng lành nuôi con, ban đêm thì bánh mỳ, ngô nướng, sắn luộc, khoai lùi, những món nông sản phụ rẻ tiền mà họ có thể tiêu thụ được vào đêm hôm khuya khoắt cho những con bạc tỉ thí qua đêm hoặc sinh viên nghèo thức khuya học bài. Bước chân mệt mỏi, giọng rao năn nỉ mời chào cất lên.
- Bánh mì lóng đơi, ai ngô lướng, sắn luộc, khoai lùi lào.
Chặn bước chân một người tôi hỏi:
- Chị bán hàng như thế này một tối được bao nhiêu, có được vài chục nghìn không?
- Ôi chao, lếu thế thì chúng em giàu to. Vào tận lò bánh mỳ lấy hai chục cái, mỗi cái hưởng lãi xuất 200 đồng, còn các mặt hàng lông sản phụ ở quê thì hôm lào cũng đi rạc cẳng, mỏi chân, khản cổ, mới vẻn vẹn được 4, 5 nghìn... trong khi rẻ rúng nhất cũng 2.000 đồng một đêm ngủ trọ.
- Số người rao hàng đêm như chị ở Hà Nội có nhiều không ?
Em không biết chỉ biết nhõn người của làng mình thôi. Cả làng em khoảng băm mấy người kéo lên, thuê một căn nhà cấp 4, mươi mười lăm mét, chủ nhà may cho một cái màn bố căng kín cả 4 bức tường, cả đám liền bà con gái chui vào trong ấy, tha hồ hít hơi hít hà nhau. Được cái đi cả ngày mệt, đặt mình là ngủ như chết... Hạch toán ra mỗi tháng cũng được ba trăm nghìn đưa cho các cháu ló lộp học phí. Thôi thì vì tương lai con em chính ta, bác ạ, chứ con em chúng ló có cả hai mấy tỷ, đâu phải chỉ có mỗi hai tý mẩy như bọn em? Chỉ cần bớt vài giọt rượu cặn trong bữa tiệc đêm của chúng ló là chúng em thoát cảnh gió bấc đêm đông hay lóng bức đêm hè thế lày rồi.
Sáng ra, thay vì tiếng tàu điện, chổi tre, tiếng chào mời ngọt ngào của các hàng quà sáng là những tiếng rao đã được cơ giơí hoá, điện tử hoá, từ bán báo, bán bánh mì cho đến thuốc dạo, xe buýt v.v. Những cái đài nhỏ được vặn hết vô-lum, chạy bằng ắc quy, hoặc cả dàn tăng âm với loa thùng, loa nén lưu động:
- Bánh mì Sài Gòn, đặc ruột, thơm bơ, ăn vô là nhớ... ơ... ơ...
- Thuốc diệt chuột đặc biệt đây. Chuột lớn, chuột con, chuột cha, chuột chú, chuột chù, chuột nhắt, chuột Pháp, chuột Mỹ, chuột Tuy-ni-di... chuột gỉ gì gi, chuột gì cũng chết, mua đi kẻo hết…
Và:
- Báo mới đây, con rể ngủ với mẹ vợ. Con tôi, cháu bà, cảnh nhà ù xoẹ, mua nhanh kẻo tiếc, chỉ cần liếc mắt, đã đáng đồng tiền, báo đây, báo đây...
Hoặc:
- Giám, Cửa Nam, Bờ Hồ, Bác Cổ... tất cả lên đê... Giá cả phải chăng, chẳng phân biệt tuyến, chạy ù một chuyến, lên đê, lên đê…
Thời buổi công nghiệp hoá, ai cũng cố tỏ ra năng động. Thay vì tất cả lên đê, mọi người vội vàng lên xuống nhanh như ma đuổi, quỷ hối... Một ngày mới bắt đầu ồn ào và rệu rã như thế. Tiếc rằng trong phạm vi một bài báo nhỏ không thể kể thêm hàng trăm tiếng rao ban ngày của Hà Nội được, chỉ muốn nói thêm rằng, trong nền kinh tế thị trường, những tiếng rao đêm của những người lao động lam lũ - góp phần làm nên diện mạo của một Hà Nội xưa đã bị chìm sâu vào mọi tiếng động ồn ào, hỗn tạp và mỗi ngày một lùi thêm vào dĩ vãng.
Đêm Hà Nội đã nuốt chửng những lời rao vào cái cổ họng to tướng, đỏ lòm, lập loè ánh điện, điệu nhảy đit cô (disco), đít cậu của các vũ trường đêm. Hoạ hoằn lắm - vào những đêm mưa phùn, gió bấc, bão chết cò, mặt đường, mặt ngõ vắng tanh, tiếng rao mới nổi lên, phảng phất màu sắc, âm điệu của tiếng rao xưa, văng vẳng từ ngoài mặt đường vào trong chăn ấm, từ mặt đất tối thẫm, ướt rượt lên lưng chừng trời - nơi những căn nhà chung cư mới dựng, đem đến cho người dân chút cảm thông, ấm áp , khiến người dân ngỡ ngàng nhận ra một Hà Nội yên tĩnh, sâu lắng sau cái phần ngày ồn ào, náo nhiệt, gấp gáp, quay cuồng, hưởng lạc kia.
Thật là tiếc nuối, bâng khuâng ...
Hà Nội cuối tháng 9/2006
Trần Khải Thanh Thuỷ
Trích DCVOnline
Gửi ý kiến của bạn