BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73178)
(Xem: 62205)
(Xem: 39378)
(Xem: 31132)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đường xa nghĩ nỗi sau này... mà kinh!

19 Tháng Chín 200612:00 SA(Xem: 827)
Đường xa nghĩ nỗi sau này... mà kinh!
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

DCVOnline: 11 giờ đêm ngày 2/9/2006, tác giả Trần Khải Thanh Thuỷ (bút danh Nguyễn Thái Hoàng) đã bị công an chận bắt tại quán cà-phê internet (tại khu tập thể Gỗ Diêm, phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội) và đã dùng áp lực đưa chị về đồn căn vặn, thẩm tra về việc sử dụng internet trái với quy định của nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (?). Thiết bị lưu trữ dữ liệu USB và điện thoại cầm tay của chị đã bị công an thu giữ để làm tang chứng điều tra. Vào sáng sớm ngày 07/09/2006 (giờ Việt Nam), Đàn Chim Việt đã liên lạc với trực tiếp với Trần Khải Thanh Thuỷ và được biết tác giả đang nghỉ tại nhà cùng gia đình trong tình trạng mệt mỏi, hậu quả từ sự vụ xảy ra đêm 2/9 và các cuộc tra khảo trong những ngày sau đó về những liên hệ của chị trong việc giúp bà con dân oan khiếu kiện.

Đàn Chim Việt sẽ theo dõi kịp thời những diễn biến tiếp theo để thông báo với bạn đọc về tác giả Trần Khải Thanh Thuỷ, người cộng tác bền bỉ với Đàn Chim Việt suốt từ năm 2002 đến nay. DCVOnline gửi lời cám ơn tới các cơ quan truyền thông, các tổ chức và bạn đọc đã có những quan tâm và chia sẻ với ban biên tập về tình hình của chị Trần Khải Thanh Thuỷ trong mấy ngày qua.

Dưới đây là bài viết mới nhất của Trần Khải Thanh Thuỷ mà DCVOnline nhận được.

31 năm là bao ngày
Mà trông Tổ quốc hao gầy, xác xơ?










Trần Khải Thanh Thủy
Nguồn/Ảnh: DCVOnline


Với sự lãnh đạo chuyên quyền, độc đoán, vừa yếu, vừa thiếu của Đảng Cộng Sản, cái được chỉ là bề nổi, thiểu số, còn cái mất là tất yếu, số đông. Đánh giá tầm vóc và chất lượng đời sống của một quốc gia, chính xác nhất là xem nền giáo dục quốc gia ấy đang nằm ở điểm nào. Vì vậy muốn biết rõ cái gọi là sự nghiệp “công nghiệp hoá, hiện đại hoá” sau 20 năm “đổi mới” “định hướng” (mà nhiều người vẫn hãnh diện, tự hào) ở Việt Nam thì hãy xem qua nền giáo dục hiện tại… Không còn cách nào khác ngoài cách mượn từ của cụ Tiên Điền Nguyễn Du để lẩy: “Đường xa... nghĩ nỗi sau này mà... kinh”!

Theo nhận đjnh của nhiều nhà khoa học, từ năm 2020-2025 là thời điểm nước ta có thể bắt đầu trở thành nước công nghiệp tiên tiến. Trong khi đó những nhân tài làm nên sự nghiệp “công nghiệp hoá, hiện đại hoá” đa phần đang ngồi trên ghế trường tiểu học, mẫu giáo mà điều nghịch lý trớ trêu là hàng vạn giáo viên chỉ được hưởng mức lương “ba cọc ba đồng” (700 đến 800 ngàn đồng một tháng). Trong đó (điều tra của năm học 2005-2006) còn 84.352 cô mẫu giáo cám cảnh hơn, hưởng lương thoả thuận, hợp đồng do hợp tác xã trả bằng 150 kg thóc (quy thành tiền chưa đến 400.000 đồng Việt Nam một tháng – tức khoảng 25 USD).

Ngạn ngữ Anh có câu: “Chúng ta ăn để sống, chứ không phải sống để ăn. Với mức điều hoà ít ỏi như vậy, quả là ăn cũng chẳng đủ, nói gì đến các nhu cầu “người” khác. Nào học hành, hoàn thiện, nâng cao tay nghề, dạy dỗ các cháu v.v... Nhu cầu “con” không đủ kéo theo bao hậu quả nhỡn tiền... Người cô ở lớp, lòng cô ở... đường, chợ, nơi mà “tiền đồ” hơn hẳn cái nghề dạy dỗ nhếch nhác này. Vì điều kiện nghiệt ngã như vậy nên bao năm nay, các cô bị các bậc phụ huynh gọi chệch thành... cô nuôi dạy... cọp. Còn lũ nhất quỷ nhì ma, độ tuổi thò lò mũi xanh cũng chẳng kém. Thay vì lời hát cô giáo như mẹ hiền, chúng đặt ngay cho các cô danh hiệu: Cô giáo như mẹ mìn... Đơn giản vì các cháu đến lớp cũng sợ các cô như sợ cọp (!). Bị ép ngủ, nhồi ăn, nghe la hét và bị ngôi bô cho tớí khi bố mẹ đón về. Một ngày dài dằng dặc lê thê... đối với cả cô và cháu: Ba Thu dồn lại của cụ Tiên Điền Nguyễn Du cũng chẳng bằng.

Muốn thay đổi chất lượng, chỉ còn cách biến đổi hoàn toàn cuộc sống cho cả cô và cháu, tiếc thay, lãnh đạo hợp tác xã phần đông xoá mù ở cổng trường tiểu học, hệ “đại học chữ to” nên đã vô tình biến cái nghề nuôi dạy trẻ cao quý - vì lợi ích trăm năm trồng người này thành nghề... cau có, trong những nghề cau có (!). Suốt ngày tiếp xúc với quần áo đái dầm, bưng bê, dọn dẹp, hầu hạ con thiên hạ mà bản thân mình vẫn nghèo khó túng quẫn. Mọi điều kiện vật chất tối thiểu chi dùng cho nhu cầu tự thân trong cuộc đời vẫn chỉ là “thoả mãn bần cố nông”, cơm ba bát, áo ba manh, đành quên bệnh tật đi mà sống như đồng bào đồng bằng sông Cửu Long hàng năm vẫn sống chung với lũ. Tiếc là ngoài các đòi hỏi cần thiết như ăn mặc, ở , giao tiếp, xã giao còn đủ mọi khoản phát sinh khác như sinh nhật, đám cưới, đám tang, giỗ chạp, tân gia v.v. Vì vậy làm sao cô có thể ngồi ôm cháu, nựng ru cho cháu ngủ bằng những lời ca tiếng hát ầu ơ, chứa chan sâu lắng hoặc tỉ mẩn hàng giờ hướng dẫn các cháu cách chơi, gấp giấy, cắt hoa, học múa hát được. (Chỉ có một số lượng rất nhỏ các trường ở nội thành Hà Nội, địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và một số ít khu vực thành phố, thị xã khác là tàm tạm về chất lượng).

Học sinh ở độ tuổi nhi đồng, vườn trẻ, mẫu giáo coi các cô như một khuôn mẫu, tấm gương sống động để nhìn vào, nghe theo, bắt chước. Người “trồng cây, ươm hạt” nghèo nàn cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần thì những cây con làm sao đủ tố chất dinh dưỡng cần thiết để vươn lên. Cả số tiền nhỏ giọt, thảm hại, ngán ngẩm đầu tư cho sự nghiệp “trồng người” nữa. Theo giấy tờ sổ sách - với đối tượng phổ thông (cơ sở và trung học) từ 15 -20 USD một người/năm. Vào được đại học, số tiền đào tạo là 40 USD một người/ năm. So với Mỹ - đất nước bị Đảng Cộng sản rêu rao là ít nhân quyền nhất, hay với Nhật cùng là “nền văn minh cầm đũa” lại chỉ băng 1/70 đến 1/100 (3.000- 4.000 USD). Nước chảy chỗ trũng, thử hỏi tài năng chất xám bao nhiêu năm trôi về đâu? Hay viễn cảnh: Tò vò mà nuôi con nhện, đến khi nó lớn nó quện nhau đi, tò vò ngồi khóc tỉ ti, nhện ơi nhện hỡi nhện đi đằng nào? - là điều tất yếu. Ở nông thôn hễ thi đỗ đại học là tìm mọi cách ở lại thành phố - ăn đậu, nằm chờ, nhờ cậy “gõ cửa trăm nơi” mong có cơ may đổi đời... Còn học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế cứ có điều kiện du học nước nào là hầu hết tìm mọi cách ở lại định cư, nhập quốc tịch nước ấy để có cơ hội thăng tiến hơn… (Tất nhiên là loại trừ một số trường hợp con cả, cậu ấm thuộc diện 4C - CCCC (Con Các Cụ Cả), nhà đã sẵn cao, cửa đã sẵn rộng, ghế xa lông của một tổng công ty quốc doanh hay sếp trong một cơ quan nhà nước ngon lành nào đấy đã được thân phụ, thân mẫu đặt trước).

Sắn khoai khô cũng nuôi nổi con người, song trí tuệ nghèo nàn không bao giờ làm nên sự nghiệp. Với mức đầu tư nhỏ giọt, được chăng hay chớ, đào tạo lấy được, học để lấy bằng chứ không cần lấy kiến thức, nên ngay từ những năm tháng đi học đầu tiên... Số vào đại học đã ít (thông thường 1 chọi 100 hoặc hơn) song 60% số sinh viên ra trường ở mức độ trung bình, yếu, kém phải dùng “nạng chống”, “đòn bẩy” để vượt qua mức xà quy định! Nào photocop py, sao chép, phao bơi trong giờ thi, nào quan hệ lòng vòng, cửa tiền cửa hậu, dùng quà, phong bì mua thầy, cô... 30% còn lại tìm cách quện nhau đi vặt hái khế ngọt ở quê người, xứ người. Quê hương là con đò nhỏ, trong tình trạng đất chật, người đông, tất cả mấy triệu người cùng chất lên... quả thực đò nhỏ cũng chòng chành, chao đảo. Việc “tay gậy tay bị khắp nơi tung hoành” tìm miền đất hứa để tránh cảnh “đắm đò” là điều dễ hiểu.









Mặc đồ tắm ưỡn ẹo dễ kiếm tiền hơn là cầm bút chi!
Nguồn: echotech.org


Giữa cuộc thi hoa hậu và học sinh giỏi toàn quốc, người được tài trợ, đầu tư triệt để hơn, trớ trêu thay lại là hoa hậu. Chỉ cần làm mấy động tác uốn éo, ưỡn ngực, liếc mắt, đưa tình khoe bụng gọn đùi thon, và khả năng ứng xử nông choèn, dở ẹt là được nhận giải thưởng 10 triệu (hoa hậu), 7 triệu (á hậu). Trong khi các đối tượng học sinh giỏi quốc tế, trường Amsterdam, đại học quốc gia nhân văn v.v... bao lần đoạt huy chương vàng, bạc, đem lại niềm tự hào đích thực cho nước nhà, từng học hành gầy người, sút cân, mắt mờ, óc nứt theo khẩu hiệu “Học! Học nữa!... hộc máu”, mà chiếc vi tính 5 triệu đồng lọai second hand, three hand, vẫn còn là điều... tính nhầm, mơ hão.

Xem ra cái sự học mới khốn khó làm sao. Ngay trong địa phận nước nhà đã đầy những nghịch lý mâu thuẫn, nhìn xa trông rộng ra nước ngoài để so sánh mình với họ còn thiệt thòi, phi lý đến đâu.

Kể từ Trung thu hoà bình đầu tiên, với mong muốn thế hệ con cháu phải học tập rèn luyện để đưa nước nhà sánh vai với các cường quốc năm châu. Cụ Hồ đã viết: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu...”. Dân tộc Việt Nam vốn thông minh, anh hùng, điều ấy khó ai phủ nhận nổi. Song sự học hành về tổng thể hơn 60 năm qua mới chỉ là... người lùn sánh vai với người khổng lồ. Trong khi trẻ em trong độ tuổi đến trường ở Nhật Bản là 100%, Hàn Quốc 91%, Đài Loan và Sinhgapo 96% thì ở Việt Nam ( thống kê năm học 2005-2006) là 15,7 % với độ tuổi phổ thông trung học. 48,8% với trung học cơ sở và 30,1% với đối tượng vườn trẻ, mẫu gíao.

Từ ngày cơ chế thị trường mở ra, hiện tượng tái mù có chiều hướng tăng cao. Biết bao nữ giáo viên chịu cảnh “Đêm khuya thân gái dặm trường”, lên khai hoá văn minh cho đồng bào dân tộc, vào tận bản vận động cha mẹ học sinh cho con em vào phổ thông trung học. Nhiều phụ huynh trả lời “đúng như cái bụng mình nghĩ”: Cô giáo à! Học lớp 7 là chữ nhiều như lá cây trên rừng rồi, cần gì phải học nữa? Chỉ cần học đủ 4 phép tính, biết cái mặt chữ để xuống chợ bán măng, mua muối, khỏi bị người kinh bắt nạt thôi!

Với người kinh lên khai hoang kinh tế, sự trả lời còn dữ dằn hơn: “Từ xưa đến nay chúng tôi chỉ nhìn thấy mả của người chết đói chứ có mả của người chết dốt đâu? Đã kéo nhau lên tận “góc tăm tối cuối cùng” này, nơi ánh sáng văn hoá của Đảng, Bộ, Sở chỉ còn le lói... thì theo đuổi học hành, đóng góp mà làm gì? Cuối cùng lại là cảnh: Đời ông lặp lại đời cha, đời con cháu giống mãi đời cụ kỵ, quý khoai bắp như là sâm với quế... Không đứt bữa, ốm đau là được rồi ”...

Những câu trả lời khiến cô, thầy phải rơi nước mắt, lặng lẽ ra về, cúi đầu trong tiếng nấc, thương trò, thương mình, thương cho “sự nghiệp trồng người” èo uột của mình. Không kể trong năm học, các giáo viên chủ nhiệm vài ngày lại phát hiện ra một em trong lớp minh “bốc hới” đâu mất. Đến tận nhà tìm hiểu gia cảnh, nguyên nhân thì được giải thích: “Cũng muốn thắt lưng buộc bụng, đắm đuối vì con lắm... nhưng không thể thắt được rồi cô ạ. Trăm thứ tiền đè lên đầu: Nào xây dựng trường, bảo hiểm xã hội, học phí, quỹ phụ huynh v.v… Tất cả trông vào hột thóc, hoa màu. Mùa rét còn được 5 - 6 ngàn đồng một cân cà chua, 3 ngàn đồng một cân bắp cải, chứ ấm lên một chút là cả gánh dưa chuột, sà lách không đủ tiền mua 5 cuốn sách giáo khoa cho các cháu. Trong khi nhà 5, 7 miệng ăn, đành đói chữ để khỏi chết đói vậy cô giáo ạ”. Với lại... nhiều người rơm rớm chỉ ra cánh đồng trước mặt: Mấy đứa lớn đã tốt nghiệp lớp 12 cả rồi mà nào có thoát cảnh ông cha nó ngày trước đâu, vẫn “ông lão đánh trâu đi bừa, là con ông lão ngày xưa... đi cày” đấy chứ!

Ở thành phố, thị xã nơi có thu nhập ổn định, phong lưu, sự học hành còn lắm khó khăn, đến mức các bậc phụ huynh phải nhại thành bài hát: Tiền gì mà cao cao thế, xin thưa rằng học phí. Thu gì mà đến là cao, ôi chao! Cha mẹ còn nước đi tu... thì ở nông thôn chuyện đóng góp, nuôi nấng, còn bấp bênh vất vả đến đâu? Sẵn ù lì chậm chạp vai u thịt bắp - thân rùa đâu cũng là thân phận rùa... Họ đành để con vĩnh viễn trong cảnh “ngu si hưởng thái bình” hoặc “tái mù” trở lại, miễn sao kiếm đủ miếng ăn giữ vững tuổi thọ của họ nhà Rùa là được.

Chính vì lẽ đó, học sinh đến trường ở các tỉnh miền núi, phía Nam càng thấp hơn: Tại Minh Hải cứ 222 cháu trong độ tuổi đi học mới có một cháu được đến trường, tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng là 1/191. Lạng sơn 1/172, Lào Cai 1/127.

Mức lương hợp đồng của giáo viên đã thấp, song trong biên chế cũng chẳng khả dĩ hơn. Ở các nước công nghiệp, tư bản, lương giáo viên bình quân từ 4 – 6.000 USD một tháng (giáo sư đại học thì cao hơn nhiều). Còn ở Việt Nam tổng cổng tất tật các khoản lương, thưởng, ăn trưa, qua bao lần điều chỉnh, cải cách, nâng lương, bù giá, vẫn không quá 100 USD một tháng. Trong khi xăng lên giá 12.000/lít, hơi đốt lên giá 180.000 đồng 1 bình, gạo, nước, điện đóm cái gì cũng tăng. Người nghèo nhiều con đường kiếm ăn, túng thì phải tính và thế là sẵn sự “năng động”, họ chẳng chịu sống mòn như kiếp giáo Thứ ngày xưa mà ngược lại, sẵn sàng mài mòn danh dự, nhân cách để sống, cốt kiếm đủ ăn và khẳng định mọi nhu cầu về nhà ở, đồ vật sử dụng của mình và gia đình giữa đồng loại. Cách dễ dàng phổ biến nhất là “tấn công” túi tiền cha mẹ học sinh. Nào học trên lớp, phụ đạo vào thứ bảy, chủ nhật còn tranh thủ dỗ các cháu vào buổi chiều taị nhà v.v. và v.v. Dù Bộ, Sở, Ban ngành đã ra sắc lệnh cấm, song vẫn chỉ là hiện tượng “bắt cóc bỏ đĩa, đánh trống bỏ dùi”.

Giáo dục là quốc sách, thầy chẳng ra thầy, trò chẳng thành trò, trong khi đầu tư nhỏ giọt, đào tạo được chăng hay chớ, nên những tiêu cực trong đội ngũ thầy cô cứ phát sinh bời bời, ngày càng đông học sinh không vào được đại học, trung cấp, hoặc ra trường không có công ăn việc làm, đã trở thành... “xách cuốc” (!).

Đường xa... nghĩ nỗi sau này mà... kinh! Buộc phải viết ra những điều này vì không thể yên tâm vào sự vững bước của thế hệ trẻ trong thời đại công nghiệp hoá năm 2020- 2025. Bởi trình độ học vấn chung trong cả nước hiện tại quá thấp. (Lấy số trường lớp chia đều cho các đầu dân) đạt khoảng lớp 7, lớp 8. Còn ở nông thôn chỉ lớp 2, lớp 3.

Dù thế nào cũng phải cúi đầu khấn lạy cụ Tiên Điền Nguyễn Du và câu thơ bất hủ của cụ, không chỉ nói riêng về thân phận nàng Kiều mà nói về cả tiền đồ, tương lai sự học hành, giáo dục của nước nhà trong thời đại cộng sản, thanh thiếu niên thế hệ Hồ Chí Minh này. Không biết cả trăm cái đầu lãnh đạo có ai nghĩ đến… “nỗi sau này” cho dân cho nước được nhờ không hay cứ ù lì tăm tối mãi, để dân tộc Việt Nam mãi mãi là dân tộc yếu và một dân tộc dốt như lời cụ Hồ nhận định? Cho dù thế giới đang bước vào kỷ nguyên tin học, thế hệ @ (a-còng) chiếm tới hơn nửa dân số cả nước đi chăng nữa?

Đường xa, quả thật không dám nghĩ tiếp nữa, xin nhường sự nghĩ này cho ông bộ trưởng mới - Nguyễn Thiện Nhân. Hy vọng những câu thơ bút tre về ngành giáo dục không bao giờ còn ngân vang trong óc người dân nữa:

Hoan hô bộ trưởng Nguyễn Minh
Hiển nhiên phát triển ngành mình… tụt hâu
Học trò xách cuốc đi đầu
Đít trâu làm đích, cắm đầu… theo trâu


Tây Hồ tháng 9/2006
Trần Khải Thanh Thuỷ

Trích DCVOnline
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn