BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73354)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Muốn Cho Thanh Cao Hay Muốn Cho Đục Ngầu?

25 Tháng Chín 200512:00 SA(Xem: 1199)
Muốn Cho Thanh Cao Hay Muốn Cho Đục Ngầu?
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Cho đến thời điểm này, Nhắc đến tên trường Dục Thanh (1), nơi "Bác Hồ" đã dừng lại làm nghề dạy học trước khi bôn ba xứ người tìm đường cứu nước, bà con Phan Thiết từ đứa trẻ học tiểu học đến các cụ già gần đất xa trời đều nhắc đi nhắc lại rằng: Hoàn toàn bịa đặt. Thật là ba trợn. Xạo hết chỗ nói v.v

Sự thực trường Dục Thanh có từ đầu thế kỷ 20 - do tư nhân mở để dạy vỡ lòng cho một số con em những nhà giàu mới phất, họ là cư dân từ vùng ngoài vào, lập nghiệp ở mảnh đất Bình Thuận, nhờ gặp đúng luồng cá mà phất nhanh, phất mạnh, phất lên trông thấy. Sau vài năm lập nghiệp trở thành chủ vựa cá, chủ thuyền hay nhà sản xuất nước mắm... Vì vậy năm 1907 họ quyết tâm mở trường để đổi đời, mở mặt cho con cháu. Trong số này phải kể đến Nguyễn Trọng Lôi, con trai lớn của Nguyễn Thông, tình nguyện cho mượn một phần nhà còn bỏ ngỏ để làm trường. Huỳnh văn Đẩu tặng 10 mẫu đất hạng nhất đẳng điền, để thu hoa lợi làm chi phí cho trường. Ngoài quốc ngữ, chương trình lúc đó còn dạy chữ Pháp và chữ Hán, với các môn khoa học như địa lý, cách trí, vệ sinh, toán, việt văn và thể dục. Các ông Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Nguyễn Quý Anh, Trần Lê Chất... phụ trách việc giảng dạy.

Lúc đó sự giao thông đi lại vô cùng khó khăn. Con đuờng Phan Thiết - Mũi Né phải đi vòng qua ngọn đồi Ngọc Lâm, tới Đá ông Địa, rồi men theo bãi biển qua mũi Ba Giai, Phố Hài mới tới được. Toàn bộ chặng đường dài 32 km. Hoàn toàn đi thuyền buồm nên vô cùng vất vả, bất tiện, gian nan. Nếu trời yên biển lặng, mưa thuận, gió hoà thì sau 12 giờ mới tới được, ngược lại gặp bão biển mưa giông, sóng to gió lớn là thuyền bị lật úp như chơi. Sau này tỉnh lỵ từ Hòa Đa dời về Phan Thiết, trở thành hải cảng, nên tất cả thương vụ, tàu thuyền đều cập bến Thương Chánh. Con đường công thương mới từ Phan Thiết đến Mũi Né được mở, cắt ngang đồi Ngọc Lâm, tới Đá Ông Địa, rồi tới Mũi Né chỉ còn khoảng 20 km, mới có thể đi bằng đường bộ. Chính vì trường sở nghèo nàn, tạm bợ, đường xá đi lại khó khăn nên số học sinh đếm trên đầu ngón tay, thu nhập hầu như không đáng kể,

Do đỗ cùng khoa thi với cử nhân Trương Gia Mô (1901) mà Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc đã gửi gắm con trai là Nguyễn Tất Thành, nhờ bạn nhận vào dạy học, hòng kiếm cơm tá túc qua ngày. Khi đó Thành đã bị đuổi khỏi trường quốc học Huế (tháng 5-1908) đang hoang mang giữa ngã ba đường, về quê không được, ở lại Huế không xong, vì thân cô thế cô lại không một đồng xu dính túi... Nể lời bạn, thấy chàng trai khôi ngô sáng sủa, ông Mô giới thiệu Thành với ban giám hiệu của trường, Thành được nhận vào dạy nhưng qua kiểm tra trình độ, cả bằng cấp và học vấn đều thấp, chỉ vừa đỗ tiểu học, mà chưa kịp qua một lớp đào tạo nào dù chỉ là 6 tháng theo quy định, nên được chiếu cố dạy lớp đồng ấu theo kiểu bình dân học vụ, tổ chức xoá mù, chứ không thể đủ trình độ để đảm nhận các môn Pháp Việt, Hán Văn, địa lý, khoa học của các lớp trên... Yên vị một thời gian, thấy đồng lương ít ỏi, tương lai mịt mù xa ngái giữa vùng biển chỉ toàn mây, cát nên chỉ mấy tháng sau, anh thanh niên 18 tuổi với cái tên tất Thành, dễ bại đã ngậm ngùi rút lui khỏi môi trường "ăn cơm rau vật nhau với trẻ" để tiếp tục sự nghiệp vạ vật lang thang ra đi cứu lấy thân mình, cho tới ngày bỏ xứ.

Ngay sau đó, ngôi trường cũng bị chìm trong quên lãng không gợi lại một dấu tích nhỏ, phần vì bom đạn tàn phá, phần vì sau 1945 gia đinh cụ Nguyễn Thông đã bán cả khu đất cho chủ mới và không còn ai nhớ tới nó... Vậy mà theo cách bài trí sắp xếp của Đảng Cộng Sản từ thập kỷ 1980 (sau khi bị Trung Quốc dạy cho một bài học nhớ đời, "răng" cắn bập vào "môi" cả đời không liền sẹo, còn bản thân thì mất mặt vì đem quân chiếm Cămpuchia không thành), Đảng đã hoá phép ra một ngôi trường khác hẳn, cố dựng lên hình tượng Hồ Chí Minh nhằm che đậy muôn vàn tội ác xấu xa, độc tài của Đảng, qua các việc đánh tư sản mại bản, cải tạo công tư hợp doanh, lùa dân vào những ô tem phiếu hoặc bỏ lại đất tổ quê cha đi lên vùng kinh tế mới v.v và v.v

Toàn bộ nhà cửa, sản nghiệp bao đời của đại gia đình Nguyễn Thông (tuy đã sang tay chủ khác, bao gồm toà ngang dãy dọc, từ đường và Ngọa Du Sào (2) mà thời trẻ Nguyễn Thông sinh sống, trong có đủ bàn, ghế, tủ, phản, liễn đối, án thư, ấm chén, tráp, nghiên... cùng những bảo vật trân quý) với vài chục dãy nhà gạch chạy dài nằm tít cuối vườn xum xuê cấy trái bị trung ương đảng và chính quyền địa phương cướp trắng. Công tác xây cất quy hoạch thật quy mô. Từ tường hào, cổng tam quan, nhà ngang nhà dọc, nhà bảo tàng lịch sử, cây cảnh, giếng nước, bàn ghế học trò... mọi thứ đều tân tạo theo trí tưởng tượng đã được đúc khuôn sẵn từ trung ương xuống. Bên ngoài san đất, giải phóng hàng chục hộ dân để làm đường xá, công viên bao quanh. Trong khuôn viên trường Dục Thanh, nhiều cây ăn quả như xoài, mận, sầu riêng được trồng khẩn cấp, các vòi nước âm thầm rỉ rả phun suốt đêm ngày, hòng xoá nhoà khoảng cách. Từ sự nghiệp 100 năm phải trồng người thành... sự nghiệp 1 năm phải nặn tượng, xây trường, trồng cây (!)... Khi vỏ bọc bên ngoài hoàn tất, cần thêm các đồ đạc trang trí bên trong mang tính lịch sử, lưu niệm, cho đủ lệ bộ, đúng bài bản, các cán bộ bảo tàng chia nhau đi sâu sát trong quần chúng để tìm hiểu tình hình, thu thập chứng cớ. Cả một vùng rộng lớn bao gồm toàn bộ khu vực Phan Rí, Phan Thiết, ai cũng chỉ một động tác không biết, không nghe, không thấy gì hết. Khi bị gặng quá liền nổi xung thể độc: Đã bảo ’không có là không có, kể cả ông Hồ chí Minh sống lại, kề dao vào cổ tui cũng vậy’ đào đâu cho ra kỷ vật của người bây chừ? Bị quần chúng ra mặt tẩy chay, quay lưng đàm tiếu, phê phán gay gắt, đảng ta vẫn gan không núng, trí không sờn, quyết biến ngôi trường ọp ẹp, chật chội, mượn tạm từ một dãy nhà gạch bỏ không đã mất hết dấu tích trên vùng đất yên tĩnh hài hoà của vùng đất Phan Thiết thành ngôi trường bề thế, danh tiếng vang vọng ba miền, tầm cỡ như Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội), Trí Đức học xá (Đông Hồ), Lâm Tấn Phát (Hà Tiên) để cánh bồi bút văn nô tha hồ vung bút kiếm cơm, bốc thơm công trạng (3).

... Từ bàn ghế tủ, phản, liễn đối, bộ chén sứ uống trà, giá để sách, tráp đựng văn thư, nghiên mài mực v.v những thứ mà thưở dạy học, anh Thành chưa từng thấy hoặc có thấy mà không có nổi tiền để mua bỗng biến thành đồ dùng của bác hết, với lời ghi chú trang trọng: "Đồ dùng của bác trong khi dạy học", cho đến các tấm ảnh chụp cảnh biển Phan Thiết với ghi chú ’bãi biển Thương Chánh, nơi ’bác’ dẫn học trò đi dạo mỗi chiều’; ’Ngọn đồi này là nơi ’bác’ cùng học trò ngắm cảnh và ngâm thơ yêu nước’; Trường Dục Thanh nơi ’bác’ giảng dạy tinh thần yêu nước; cách mạng cho học sinh. Vườn cây trái do tay ’bác’ trồng. Thậm chí còn có hình chụp giếng nước và cái gầu múc nước mới toanh với ghi chú ’bác’ dùng chiếc gầu này để tưới cây. Chưa kể những bức ảnh bác quây quần bên đám học sinh đông vui như trảy hội với tựa đề: Các em học sinh nghe tin bác dạy đã từ các tỉnh Đồng Tháp, Sa Đéc nô nức tới học.

Những người dân Phan Thiết xem ảnh, xem hình, xem tượng, ngắm nhìn hiện vật, khắp trong nhà bảo tàng ra đến vườn cây xum xuê cây trái phải nở nụ cười hình thoi, nhận định: Học sinh đông như vầy, chắc họ phải đi bằng hia bảy dặm mất, vì tới tận năm 1945, sự giao thông giữa phan Thiết - Phan Rí - và Mũi Né còn muôn vàn khó khăn, gian khổ, nói chi tới chuyện đi từ các tỉnh ngoài vào. Nếu không chỉ có thể nhờ sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Đảng Cộng sản dẫn dắt họ mới tới vùng biển Phan thiết trong thời điểm 1908 ấy được thôi. Ngẫm ra sức mạnh Đảng tài tình thật. Biến không thành có, có thành không, biến một dãy nhà gạch bỏ hoang trong cả khuôn viên rộng rênh hoang vắng nơi biển thẳm thành nơi học trò tụ tập đông vui giữa chốn kinh thành đô hội. Thế là lượng học trò theo ngòi bút của các nhà báo nhà văn tung tăng bước vào ngôi trường mới, đông tới con số hàng trăm, hàng nghìn người.

Ngay sự ra đi của thầy cũng được coi như một sự kiện trọng đại. Sách báo cộng sản ghi rõ:Năm 1910 vì ban giám hiêu trường Dục Thanh cũng như công ty Liên Thành (Gồm các chủ vựa cá, chủ thuyền, nhà hàng nước mắm...) chia làm hai phe, nên ’bác’ lặng lẽ bỏ đi.

Ngày nay đoàn đoàn lớp lớp cháu ngoan của bác từ miền bắc vào tham quan, gục đầu bên bức tượng đá khắc hình người, khóc thút thít vì cảm động vì thiêng liêng, trước ngôi trường có tuổi đời vài trăm năm (4) các cô bé gái cầm gầu múc nước mới toanh, đứng bên thành giếng mới xây khóc sụt sùi thảm thiết khi nhớ lại hình ảnh bác hơn 100 năm về trước, trên đường đi cứu nước mà dừng lại ngôi trường này, dạy lớp ba, nhì, thỉnh thoảng dạy thêm lớp tư và lớp nhất. Ngoài dạy tiếng Hán, tiếng Pháp còn dạy tất cà các môn học khác, kể cả thể dục cho mọi khối lớp. Học chính khóa chưa đủ, thầy Thành còn kiêm luôn việc chỉ đạo, hướng dẫn những buổi sinh hoạt ngoài trời với học sinh tại Thương Chánh, đình làng Thiềng Đức... từ đó gieo vào tâm trí học sinh tư tưởng yêu nước, thương dân, quyết vùng lên đánh đuổi bọn đế quốc, thực dân (5)...

Càng đi sâu vào khu nhà lưu niệm trưng bày đầy đủ các dấu tích kỷ vật của bác, cầm lên những cuốn sách, tờ báo viết về người và ngôi trường lịch sử này, từ năm 1975 đến nay càng thêm cảm phục tấm gương sáng ngời đạo đức cách mạng, sự hy sinh cao cả của người cho dân tộc Việt Nam (6).

Nếu thế giới cũng trọng vọng Người như vậy, hẳn bao nhiêu bãi biển, khách sạn, nhà hàng nơi bác đến làm bồi tàu, bồi bàn, quét dọn... lập tức được san lấp đặt tượng hết. May thay ở Việt Nam mới chỉ có dăm ba trăm câu truyền khẩu của người Việt dưới những bức tượng đồng của Người thôi, đại loại:

Chiều chiều bên bến Ninh Kiều
Dưới chân tượng bác, đĩ nhiều hơn dân


Hay:

Vạn niên là vạn niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân
Ba Đình còn gấp triệu lần
Toàn dân gãy cổ, mát thân cụ Hồ...


Và:

Ai về qua chốn Ba Đình
Ghé thăm cái xác thối xình trong lăng


v.v và v.v

Việc làm của Đảng thật trái ngược với cái tên của trường. Từ thanh cao, dưỡng dục thành bưng bít, lọc lừa.

***

1. Dục (tiếng Hán) là mong muốn, dưỡng dục. Thanh: thanh cao trong sáng.
2. Ngoạ du sào: Nơi nằm chơi, thưởng ngoan (ngoạ: nằm, du: chơi, sào: tổ)
3. Theo anh Nguyễn Minh Đức, cháu bốn đời của dòng họ Nguyễn Thông xác nhận: Nhà của cố anh khi đó rất bề thế, khang trang. Ngoài hai chốn tôn nghiêm là từ đường họ Nguyễn và Ngoạ du sào của cụ tổ Nguyễn Thông - không ai được phép ra vào, còn lớp lớp nhà ngang dãy dọc. Lớp học của trường Dục Thanh chỉ là một dãy nhà gạch ở tít cuối vườn, nhưng đã bị chiến tranh tàn phá, không còn dấu tích 4. Trong bài "bác Hồ đường vào Nam’ của Tôn Quang Duyệt, đăng trong tờ ’Kiến thức ngày nay (số 30 ngày 1-3-1990, trang 4), khẳng định: "Trường Dục Thanh do cụ Nguyễn Thông, một nhà nho yêu nước ở Miền Nam, cùng một số nhân sĩ khác thành lập". Sự thực ông Thông chết từ 1884, còn trường thành lập năm tận 23 năm sau đó.
5. Theo Huy Sô, tác giả bài ’ thầy giáo tôi’, viết có 6 giáo viên dạy lúc đó là các thầy Cung, Hải, Anh và Nguyễn Tất Thành. Thầy Thành đảm nhiệm tất cả các môn của hầu hết các khối, lớp.
6. Kể từ sau 1975 hàng loạt sách báo cộng sản viết về ngôi trường này và sự hiện diện của thầy Thành, xin đơn cử:
- ’Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại,’ Chánh Đạo nhà xuất bản Sự Thật Hà Nội 1990.
- Việt Nam niên biểu nhân vật chí, văn nghệ Bình Thuận (số 25 tháng 5-1995,)
- Kiến thức ngày nay số 30 ngày 1-3-1990,
- Thế giới mới số 237 ngày 26-5-1997
- Đi tìm Út Huệ (Sơn Tùng) Thế giới mới số 222 năm 1997
- ’Vững vàng cây tùng trên núi,’ Thế giới mới số 347 ngày 2-81999 v.v và v.v
Tất cả đều cách xa sự thực.


Phan Thiết 25-9-2005
N.T.H
(Tổng hợp từ Net và sách báo của Đảng)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn