BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72811)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nước Ta Cái Gì Cũng Nhất....

13 Tháng Bảy 200012:00 SA(Xem: 1014)
Nước Ta Cái Gì Cũng Nhất....
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Mười một giờ trưa, trời nắng chang chang, tôi làm nhiệm vụ đón thằng con út về học, những người đàn ông xồn xồn đứng quanh tôi cũng phải làm việc ấy, do quen mặt nhau qua nhiều niên học, và gặp nhau mỗi ngày, nên chúng tôi quen nhau, quen nhau thì có, nhưng không biết tên nhau, chúng tôi nhắc đến nhau qua tên chiếc xe người ấy đi, qua thói quen, câu nói nào đó, mời nhau điếu thuốc hút cho thơm râu là được rồi. Và chúng tôi không ngần ngại tâm sự vụn với nhau đủ mọi chuyện, hoặc giúp anh bạn già yếu đuối, không dựng nổi chiếc xe quá nặng nề, vì lẽ đó mà nếu hôm đó một trong những người vắng mặt, đều được hỏi thăm tận tình.

Đứa con út của tôi năm nay đã lớn nhưng cũng giống như những phụ huynh khác, phải đưa đón con, không phải vì chiều chuộng mà quá sợ những chuyện xảy ra cho chúng. Trấn lột, hoặc ăn cướp xe đạp do những tên cướp nhóc khác cướp bóc ngay tại cửa trường. Đã có đã xảy ra nhiều vụ rồi, mà không được giải quyết, kêu bảo vệ trường hay nhờ công an phường ngay gần đó bắt nóng ngay đám côn đồ nhưng rồi ngài công an trực ban trả lời:

- Bọn côn đồ gây án ở bên kia đường nên không thuộc phường này, phường bên kia có trách nhiệm, chú sang phường bên ấy báo cho công an biết.

Còn bảo vệ trường thì trả lời chuyện ấy ở ngoài phạm vi nhà trường, bảo vệ không có bổn phận. Thua, từ thua đến thua, vậy thì phụ huynh học sinh phải tự bảo vệ lấy con mình trong một xã hội cả đến băng hoại cũng đứng vào hạng nhất. Con tôi đã mất đến ba cái đồng hồ đeo tay vì bị trấn lột.

Anh xe ôm ở gần xóm tôi, đón con đi học, có hôm tôi không thể đi đón cháu được, thấy thằng con tôi đi bộ về, anh ta gọi nó lên xe chở về luôn, nhưng nó cương quyết từ chối, anh xe ôm có nói với tôi... Tôi biết điều đó, tất cả những phụ huynh nếu quan tâm đến con cái đều nhắc nhở chúng nó, không nói chuyện với người lạ, không leo lên xe bất cứ ai cho đi nhờ. Tôi im chuyện ấy đi sợ ông bạn xe ôm phật lòng.

Buổi trưa trời nắng cũng như trời mưa chúng tôi gặp nhau trong mươi mười lăm phút nhưng cũng khối chuyện để nói. Có chuyện vui chuyện buồn, chuyện tiêu cực trong ngành giáo dục, chuyện nhà trường các cháu, các con hiện đang theo học. Cả chuyện "cay đắng mùi đời" mà chính họ là nạn nhân. Kể cả những chuyện cắc cớ đưa ra để đố nhau, nói về những tiêu cục của nhà nước hay cơ quan ban ngành nào đó để giết thì giờ trong lúc chờ mấy đứa nhỏ tan trường. Có hôm, tụi tui nói về chuyện mua bảo hiểm được nhân viên ăn hoa hồng đến tận nhà mời chào, vì là chỗ quen biết. Ông bạn than:

- Người làm cho hãng bảo hiểm nói khéo quá, tôi biết rồi chẳng đi đến đâu, nhưng vì là chỗ quen biết, nên tôi đẩy sang cho vợ tôi từ chối. Vợ tôi ngu dại lại đóng cho họ mấy xuất bảo hiểm, thế là toi đời.... Mình không dám ăn mà để cho thằng khác ăn ngon lành, bút sa gà chết, chẳng làm gì được nó. Nếu hãng bảo hiểm tuyên bố phá sản thì khách hàng làm gì nó nào, chẳng làm gì được có phải không các ông anh. Đi kiện hả có mà tiền mất tật mang, như vụ kiện điện kế điện tử Linkton bây giờ đi đến đâu rồi không biết, dân đóng thuế chết mẹ, nó nuốt của mình bao nhiêu tỉ... Mấy thằng cha nhà nước có làm gì được đâu, ngoài việc bắt nó đi ở tù. Dù nó có ở tù thì vẫn là ông hoàng trong nhà tù, tù cha.

- Còn khối chuyện vô lý khác, ngay trong việc học hành của con chúng ta, họ tìm mọi cách để móc tiền của chúng, chính là của phụ huynh học sinh. Nào là đóng tiền vào đoàn vào đội, rồi không trúng tuyển vẫn phải nộp tiền, chuyện thối không chê được, tiền gì cũng báêt phải nộp tiền, đã nộp còn phải ký thêm giấy đồng ý đóng tiền, không đóng thì thằng con bị hành, bị trù dập... Ôi thôi đủ thứ tiền.

- Nói quái gì được, từ ngày giải phóng đến giờ, đến kỳ lễ Noel học sinh không được nghỉ dù chỉ một ngày. Ngày này là ngày lễ của quốc tế rồi, họ còn cố tình làm khó.

- Hy vọng năm 2006 học sinh sẽ được nghỉ để chúng biết thế nào là ông già Noel.

- Còn lâu, nếu các ông lãnh đạo không chịu khai sáng cái đầu, cái gì xưa cũ không ích quốc lợi dân thì bỏ nó đi, nên đi sang các nước tân tiến học hỏi cái hay của người ta "Dìa" cho dân nó nhờ.

Những câu chuyện như thế cứ lan man, hình như không dứt được trong ít phút ngắn ngủi. Tết nhất đến nơi, giá cả tăng vòn vọt mà lương lậu công nhân vẫn đứng ì một chỗ, bao nhiêu là thất bát trong những vụ làm ăn, đều đổ lên đầu công nhân, thời buổi này mà lương lậu chỉ có sáu bẩy trăm ngàn một tháng thì ăn cái gì, không đủ để nuôi một thằng con đi học, nói chi cả gia đình sống. Nhiều gia đình chỉ biết kiếm làm sao cho đủ sống qua một ngày, chứ đừng nói tới chuyện nghĩ tới ngày mai. Nếu có ai nói tới chuyện đầu tư vào con cái, sau khi nó ra trường rồi, sẽ theo nghề gì. Thì đều nghe được tiếng thở dài, với đời sống hiện nay, lấy tiền đâu cho chúng nó học tới nơi, tới chốn. Tất cả mọi người dân đều sống mòn, không kể chỉ có một số người chuột sa hũ nếp sống trên đầu trên cổ họ, những bổng lộc không biết từ đâu mà đến... rồi thì hoạnh hoẹ làm khó làm dễ khi người dân cần đến họ, phải lòi tiền ra, có một vài vị quan chức nói thẳng với dân rằng "Thời buổi này, không ai làm không cho ai", đấy là triết lý sống của các quan thời nay. Với cái mồm quen nói láo, các quan ăn bẩn, nuốt trôi biết bao nhiêu nhà cửa, đất đai của dân nhiều người đi kiện đến cỡ vài chục năm, quá già trước khi chết uỷ quyền cho con cái theo kiện tiếp. Xây nhà, làm cầu, làm đường thì rút ruột. Công trình chưa khánh thành, thì tình trạng nhà xuống cấp, tường nứt, mái dột, cầu thì lún sụp, đường thì bị bong tróc. Tham nhũng tràn lan đến cái chức bé nhất là làm tổ trưởng, tổ phó cho một khu xóm thôi, chỉ cần một vài năm đã thấy gia cảnh của các vị tổ tôn này khấm khá lên. Mà nếu kể hết thì chẳng có giấy mực nào mà viết cho hết. Có một lão già, có lẽ là có tiền có bạc ra một giải thưởng một trăm ngàn đồng cho ai nói lên được một, chỉ một điểm tốt đẹp của chế độ thôi, ban giám khảo là những phụ huynh học sinh đứng đây bình chọn. Nhưng qua hai niên học rồi chưa có một người nào giật giải. Các phụ huynh cười mà nói:

- Bố ra đề khó quá, phải chi bố ra đề ngược lại thì vô khối người trúng giải.

- Bậy nào, không lẽ bao nhiêu điều như thế mà không tìm ra được một điều tốt hay sao?

- Chúng tôi cũng đang cố tìm đây, không biết bao giờ thì tìm ra.

Rồi ngày nọ qua ngày kia, các lão già, những anh xồn xồn lại thảo luận trên mọi vấn đề, vấn đề nào cũng thua thiệt nghiêng về phía người dân.

- Các ông biết không, ở Cà Mau người ta khuyên dân dùng ruộng trồng lúa để nuôi tôm xuất khẩu, nghĩa là cho nước mặn vào ruộng để nuôi tôm, nay tôm không xuất khẩu được nữa và ruộng ngập mặn không trồng được lúa đành bỏ hoang đấy, muốn phục hồi lại đất ruộng phải bỏ hoang như thế trong nhiều năm. Năm 2006 nhà nước mình đành bỏ hai mối lớn xuất khẩu gạo trong đó có Indonesia, sợ dân mình đói. Dân Nam kỳ mà đói thì còn trời còn đất gì nữa...Khi mình đứng thứ hai trên thế giới ở việc xuất khẩu gạo.

- Nhà nước chắc là tiếc lắm.

- Cũng phải chịu thôi. Vì từ đầu năm đến giờ, có nơi nào nói là trúng mùa đâu, nếu có cũng không làm sao đủ cho dân có gạo ăn chờ mùa thu hoạch sau.

Một ông khác người Quảng thì than phiền đường lên giá quá, trong khi nước mình sản xuất được đường, có bao nhiêu nhà máy đường ngưng sản xuất để dân buôn lậu đường qua các ngã biên giới, béo bở cho mấy anh hải quan.

- Tại sao xư Quảng của anh sản xuất ra đường có truyền thống từ bao nhiêu đời không làm đường cho dân ta tiêu dùng?

- Làm thế đếch nào được, dân được khuyến khích trồng mía nhưng khi thu hoạch thì bị ép giá, dưới cả vốn bỏ ra, dân bực họ phá ruộng mía đi để trồng thứ khác, nhà máy đường đầu tư vào bao nhiêu tỉ không có nguyên liệu để sản xuất đành bỏ hoang, kéo theo bao nhiêu người thất nghiệp, nguyên do là ở chỗ đó... Chứ đâu không sản xuất được đường, giải quyết chuyện tiêu dùng bằng con đường lậu mà giá cứ lên vòn vọt.

Hết chuyện khôn dồn chuyện dại, hết chuyện dại lại chuyện khôn. Những câu chuyện vặt cứ quanh quẩn như thế. Có vị nói về một robot của Nhật mang sang biểu diễn ở Việt Nam, cứ y như là người thật, biết tất cả, ứng xử vô cùng khôn ngoan và chính xác đến trăm phần trăm. Tất cả đều lắng nghe người được chứng kiến nền khoa học "kinh khủng" đó. Một anh đón con, đi chiếc xe City, có lẽ là một nhà trí thức đứng suy nghĩ rồi mỉm cười có vẻ coi thường câu chuyện. Anh ta vốn là kẻ lầm lì ít nói, hôm nay lên tiếng:

- Có gì mà đáng khen, nước ta có tất cả những điều khoa học nói tới gọi là phát minh tiên tiến, nước mình có đủ hết đấy. Tại các vị không chịu đọc sách không chịu nghiên cứu mà thôi. Có đấy.

- Nói thử xem nào để tụi tui còn mở rộng tầm nhìn.

Mặt anh phụ huynh đi xe City tỉnh bơ:

- Đất nước ta là đất nước anh hùng, thế kỷ mười ba ta đánh thắng được quân Mông Cổ, giống dân hung hãn nhất trong lịch sử loài người. Đến ngày nay chúng ta thắng được đếù quốc Mỹ, đánh cho Mỹ cút và đánh cho Nguỵ nhào, ngày nay thành phố chúng ta được mang danh hiệu thành phố anh hùng. Còn mấy cái phát minh lẻ tẻ thì có nhằm nhò gì, xưa như trái đất, ta làm được từ thời thượng cổ kia.

Mọi người nhao nhao:

- Nói thử coi!

- Con Robot hả, ta đã có từ thời Phù Đổng Thiên Vương, đức thánh Gióng cưỡi ngựa sắt đánh tan giặc Ân, con ngựa sắt của ngài có phải là robot không nào?

Tiếng vỗ tay:

- Hay hay, cho hai điểm. Tiếp tục đi.

Anh Ta nhìn mọi người chung quanh, hỏi tiếp:

- Đố các ông... Ai bay lên mặt trăng đầu tiên?

- Mỹ!

- Không phải, chính là Đại Việt mình, thằng Cuội. Các ông có nhớ chuyện: Thằng Cuội ngồi gốc cây đa, bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời, cha còn cắt cỏ trên trời, mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên, ông thì cầm bút cầm nghiên, ông thì mang tiền đi chuộc lá đa. Như vậy có phải là chứng minh người Việt mình đã lên cung trăng từ ngàn xưa không, còn trồng cấy nuôi trâu bò trên ấy nữa, hình ảnh thằng cuội ngồi gốc cây đa ông Trời đã chụp hình được còn lưu lại đến bây giờ.

- Đúng, đúng.....

Những câu khen tặng, và những khuôn mặt háo hức của những người vây quanh, khiến anh xe City hưng phấn, anh tiếp:

- Có trận đánh ghen nào lớn nhất thế giới khiến gây ra cả cơn sóng thần giết hại bao nhiêu triệu người không?

Một người hỏi lại:

- Ở nước ta?

- Đúng vậy, ngay tại nước ta.

Ai cũng nhìn nhau, một người nóng ruột lên tiếng:

- Rồi thôi chịu thua... nói thử nghe coi.

- Chuyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh, vào đời Hùng Vương thứ 16, đức vua có một công chúa đến tuổi cập kê. Hai vị thần Sơn Tinh và Thuỷ Tinh cùng mang lễ vật đến hỏi, đức vua thật khó nghĩ vì hai vị thần đó đều xứng đáng, không biết chọn vị nào làm phò mã, các quan lớn bé trong triều bèn họp bàn để đưa ra một quyết định để vua ban chiếu chỉ, trong hai vị thần vị nào mang lễ vật tới sớm nhất trong ngày mai thì vua cha gả công chúa cho. Sơn Tinh tới trước, Thuỷ Tinh thua bèn làm ra sóng thần đánh như vũ bão, nhưng cũng chẳng ăn thua gì vì Sơn Tinh hoá phép cho núi cao mãi, dân chết vô khối. Hàng năm, năm nào cũng lụt lội. Hai năm trước Thuỷ Tinh nghe tin Sơn Tinh đưa vợ sang ngả Ấn Độ dương nên anh thần cả ghen ấy bèn gây ra sóng thần, đánh vỡ mặt anh Sơn tinh láu cá. Anh Sơn tinh vẫn không chết, hình như di chuyển vợ đi đâu đó, bao nhiêu là người chết, bao nhiêu thành phố làng mạc bị xoá dưới sức nước sóng thần bạo tàn, nhưng Thuỷ tinh chưa nguôi giận, vẫn tiếp tục đi truy tìm tình địch, gặp đâu đánh đó...

- Hay quá, hay qua.

- Không đâu còn nhiều nữa, nhưng thôi mấy đứa nhỏ ra rồi.

Một người đề nghị với ông già treo giải thưởng:

- Thôi ông trao giải thưởng cho anh này đi.

Ông lão treo giải thưởng nói:

- Dù anh chàng này không đáp ứng được đề tài của tôi đưa ra, nhưng những chuyện của anh vừa kể là những cái nhất của VN dù lấy trong những truyền thuyết, nhưng vẫn xứng đáng được trao giải mười gói thuốc lá trị giá một trăm ngàn.

Tôi không đợi được để hút những điếu thuốc anh chàng trúng giải chia cho mọi người chung quanh cùng hút, vì thằng con hối về để cho nó ăn cơm, soạn bài vở cho kịp đi học buổi chiều.

Trên đường chở con về nhà tôi nghĩ miên man, về câu chuyện những cái nhất của anh chàng kia phịa ra cho nó phù hợp với những chuyện ngày xưa, nhưng dù sao đi nữa, đó là những giây phút thư giãn để làm cho chúng tôi quên đi những thực tại cuộc sống cực khổ, nghèo đói, những bức xúc hàng ngày mà chính chúng tôi những người dân sống trong đất nước Xã Hội Chủ Nghĩa gặp phải mà không biết kêu với ai...

Nguyễn Thụy Long
[thuylongus@yahoo.com]
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn