BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72810)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cúc kê – Liên áp

17 Tháng Mười Hai 198512:00 SA(Xem: 816)
Cúc kê – Liên áp
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Tứ của bài viết đã hiện rõ trong đầu, chỉ còn vài dòng nữa thôi là có thể “chốt” lại, cho nó một dấu chấm hết.

Anh mỉm cười hài lòng, đọc qua một lượt:

… "Nói đến con gà trong văn hoá dân gian không thể không nhắc đến một cụm từ quen thuộc: "cúc kê - liên áp", nghĩa là cúc gà, sen vịt. Có người giải thích: gà là giống vật thường kiếm ăn quanh bụi cúc trong vườn nhà, còn vịt thích ăn ở hồ sen trước ngõ. Người thực tế hơn lại bảo: thịt gà nhồi hoa cúc, thịt vịt ướp hạt sen ngon và bổ vào loại nhất. Vì thế... "

Vợ anh từ trên gác bước xuống, giọng xoe xoé:

- Giời ạ, giờ mà ông vẫn còn ngồi ì ra đấy à? Có biết mai là ngày gì không hở?

- Biết, - anh nói sẵng - mai là ngày giỗ bố tôi.

Vợ anh đến sau lưng anh, liếc qua đầu đề bài viết chi chít chữ... rồi bưng miệng cười khúc khích:

- Sao giờ này anh không đi kiếm con gà cho bữa giỗ ngày mai có phải “mát lòng hởi dạ” cụ nhà ta hơn không? Bày đặt viết bài về gà. Anh định bắt cụ phải xơi gà trong... văn hoá dân gian chắc?

- Im đi! - anh quát.

Anh chăm chú đọc tiếp. Chợt anh bắt gặp mình lúng túng như… gà mắc tóc, vì ý nghĩ về đoạn "chốt" bất ngờ đã biến đâu mất tiêu.

"Chỉ tại cái con mẹ hàng lươn... Muốn ngồi mà viết cũng khó" – anh đau xót nghĩ – Ở rể khốn nạn thế đấy. Biết đến bao giờ mới chấm dứt cái cảnh "chó chui gầm chạn"? Biết đến bao giờ nhà nước mới phân cho một căn hộ để ở? Người ta bảo không lâu đâu. Chỉ từ… năm năm đến mười năm thôi. Làm thế nào bây giờ? Cãi nhau với mụ ư? Chỉ hơi thấy có to tiếng là bà mẹ vợ xông tới, ông bố vợ chạy lại, lũ em vợ kéo đến. Chỉ tổ dại... Chi bằng đánh bài chuồn, tìm đến nhà cậu bạn tị nạn qua đêm mà tranh thủ viết nốt, kẻo mai cụ về đã không được ăn giỗ lại phải chứng kiến cảnh cơm không lành, canh chẳng ngọt...

- Ơ hay? Anh định đi đâu đấy? - giọng chị hốt hoảng.

- Đi bắt gà mang về cho bà!

Anh đay lại, mặc vợ đứng đực ra giữa nhà, hùng hục dắt xe đạp ra ngõ.

Vừa giơ tay gõ cửa, anh bạn đã ló đầu ra:

- Sao thế này, bị vợ đuổi hay bồ rẫy mà... ỉu xìu xìu như gà nhúng nước thế?

- Phải, - anh chìa bản thảo - bực bội - Mình đang viết bài “Con gà trong văn hoá dân gian” thì con vợ nheo nhéo đòi phải có ngay một con gà thật trong bữa giỗ ngày mai... Túi thì nhẵn như chùi. Giết ai ra?

 - À... Ra thế!

Bạn anh gật gù. Rồi ngâm nga:

Con gà cục tác liên miên

Con vợ đỏng đảnh... đưa tiền cho tôi,

Phu quân khóc đứng, khóc ngồi,

Tiền tôi có phải... lá rơi vỉa hè?

Anh cười lăn, phục tài xuất khẩu thành chương của bạn, quên hẳn nỗi bực bội trong lòng.

Anh bạn đọc xong bài viết, vỗ vai anh:

- Con gà này ông bệ ở đâu ra thế này? Hay đấy. Tận Trung Hoa kia à? Thật khổ, đã là đồ Tàu, lại không biết cách chế biến, vừa nhạt vừa thiếu gia vị, làm sao thiên hạ sực nổi?

- Ông bảo sao? - anh nhìn bạn ngơ ngác – “Cúc kê – liên áp” là thứ không chỉnh à? Này, tôi tra cứu đâu ra đó đấy nhá.

- Thôi... - bạn anh thân mật – tớ thấy cái tứ của cậu rất sống động, bỏ đi kể cũng tiếc. Hừm, làm thế nào bây giờ. Thôi được, để đấy cho tớ. Tớ sẽ bỏ công nhặt nhạnh, chăm bẵm thêm, tiện thể dùng nghệ đánh bóng mạ vàng luôn.

- Tại sao lại dùng nghệ ở đây? Thế là thế nào?

- Là... vỗ béo cái con gà Tàu của cậu, rồi... mổ, xát nghệ cho đẹp màu da, xào xáo lại toàn bộ gan, ruột, thêm mắm, muối gia vị vào đấy... cho cậu bưng ra trình Sếp, lấy tiền... mua gà sống chứ còn làm sao!

Anh sướng tỉnh người.

Cả đêm, anh không sao ngủ được, đầu óc lâng lâng khó tả như có... đôi cánh gà đập phành phạch trong đầu.

Sáng sớm, bạn bảo:

- Xong rồi, giờ ông theo tôi lên toà soạn. Nếu được, tôi sẽ nói khó với Sếp chỉ đạo “đầu ra” tạm ứng nhuận bút cho ông

Ý định cho con vợ tai quái biết tay không ngờ lại được thực hiện chóng vánh và ngon ơ như vậy. Là nhờ ông bạn cả.

Cầm một trăm ngàn đồng tiền bán “gà” Tàu, kết quả trọn nửa tháng trời lăn lóc trên thư viện, nuôi gà bằng cả chất xám lẫn mồ hôi, rồi cắt, rồi tỉa, rồi gọt, rồi xoá... anh mới có được món tiền này.

Lượn lờ suốt cả giờ dãy cửa hàng đặc sản Lương Văn Can, anh thu hết can đảm để bước vào một quầy nhỏ nhắn, cùng cô bán hàng nhỏ nhắn không kém, anh lí nhí hỏi cô:

- Ở đây có loại đặc sản ”cúc kê - liên áp” không cô?

Nhìn anh như một kẻ “gà mờ”, cô bán hàng quát:

 - Sáu mươi nhăm ngàn một cân!

Trời đất! anh giật mình, líu ríu bước ra khỏi quán. Sao mà “cúc kê - liên áp” lại có thể đắt đến mức ấy? Giời đất thiên địa ơi, những sáu mươi nhăm ngàn đồng một cân?! Bài báo mất bao nhiêu công phu chỉ được có cân rưỡi ”cúc kê - liên áp”! Giá có liều mạng mua về thì cầm chắc mụ ta lại nhảy choi choi lên trước bàn thờ cho mà xem! Ai bảo anh ném tiền qua cửa sổ như thế hả? Thôi, với số tiền ấy ta ra chợ gia cầm, mua được đôi gà thường béo núc. Tội quái gì?

Nghĩ sao, làm vậy, anh thủng thẳng đạp xe đi.

Mới hơn tám giờ sáng, giờ này các lái gà mới từ các chợ tỉnh, chợ quê cất hàng lên Hà Nội. Từ xa đã nghe đủ loại tiếng động ồn ào, phành phạch, quang quác. Anh lách mũi xe qua đám người chật như nêm cối vào chợ.

- Chào bác, mở hàng cho nhà cháu đi!

- Anh “giề” ơi!

- Bố mua gà cho con nhá! Kìa bố!

Hai lái gà tuổi choai choai đang chặn chân, banh miệng những chú gà tội nghiệp ra nhồi những bánh đúc, cám bổi vào cổ họng chúng. Anh chăm chú xem hai đứa có cho cả đá răm như người ta nói không?

Nhìn anh, đúng kiểu được vợ sai đi… mua gà, hai thằng liền chào mời rối rít.

- Mua đi bố! – một thằng nhăn nhở.

- Mua gà của mày để tao mất oan mấy lạng diều ấy à? - anh vừa bỏ đi vừa đáp – Thôi đi mày.

Thằng oắt con vứt lồng gà lại cho bạn, chạy theo túm lấy xe anh, nhăn nhở:

- Con trừ cho bố mỗi con một lạng, được không?

- Dào, - anh hất tay nó ra - Tao còn lạ gì cái kiểu cân của chúng mày. Con gà đáng cân hai, mày ních thành cân tư, cân rưỡi... Xem kìa, con nào con nấy diều nứt ra, không ngóc đầu lên nổi, vừa vẩy, vừa nấc... Lại thở khò khè như người hen nữa chứ, bố ai dám rước!

- Lạy bố mớ bái, - thằng thứ hai tiếp tục giọng điệu mơi tiền - Gớm bố kỹ tính quá... Thôi, bố sợ mua gà phồng tốn thêm mấy lạng diều thì con bán gà lép này cho bố vậy. Đây bố duyệt đi, con còn cả một lồng đầy cơ mà.

Anh còn đang do dự, thằng oắt con được thể ấn vào tay anh cả cái lồng gà hôi rình, bê bết phân gà khăn khẳn. Nó cố tình chạm sát vào bộ cánh "quân tử nhất bộ" của anh, khiến anh buông vội tay ra, kêu lên:

- Ô, cái thằng này, hay nhỉ!

Cửa lồng bật mở, bốn năm con gà nhốn nháo bay ra. Anh buông vội xe, hai tay giúp thằng bé giữ chặt cửa lồng:

- Kìa! kìa! Ối!... ối!... Ối giời ơi!...

Như chỉ đợi có thế, hai thằng đang ngồi trong quán nước lao ra, mỗi thằng vồ vội một con sống thiến chạy biến vào trong đám đông.

Hai thằng choai choai bỗng trở mặt:

- Đền gà cho chúng con đi, bố!

- Đền đi!

Anh phản đối:

- Tao đã đồng ý mua đâu mà chúng mày...

- Không lôi thôi, không nói nhiều, - một mũi dao nhọn, sắc, sáng loáng, dí vào lốp xe đạp của anh – Không đền là không đi nổi đâu.

Anh nhìn chung quanh, cố tìm một người bảo vệ mình. Chẳng có một ai. Mọi người quay mặt đi, coi như không có chuyện gì xảy ra, người nào việc nấy. Chuyện này xảy ra ở chợ như cơm bữa. Anh thở hắt ra, ảo não:

- Sao các anh lại gây sự với tôi?

- Thế nào là gây sự? Ông làm xổng gà của chúng tôi thì phải đền. “Nôn” ngay ra rồi cút.

Anh rên lên:

- Các anh muốn… bao nhiêu?

Biết con mồi đã chịu thân phận trong bẫy, hai thằng phán:

- Bỏ rẻ mỗi con cân rưỡi, thương bố già thật thà, lóng ngóng, tính sáu mươi ngàn thôi.

- Trời đất! - anh kêu lên, tưởng đất dưới chân mình sụt xuống – Quá thể!

Thằng oắt con nắm chặt vai anh sau một cái vỗ manh.

- Không đủ vốn đâu đấy, bố ạ. Thôi, nôn ra nhanh cho được việc!

Mặc cả, giằng co chán, chúng mới chịu thả cho anh đi với giá năm mươi ngàn đồng. Coi như mất nửa số tiền bán con ”cúc kê - liên áp”.

Trong lòng đầy hậm hực, anh dắt xe đi sâu vào khu vực chợ, qua cả dãy lồng gà đủ loại, bỏ lại sau anh bao tiếng chào mời ngọt ngào, co kéo: “Bác mở hàng cho em đi, em có con này béo lắm!”, “Mua con mái tơ này cho em nào, anh ơi!”

Cuối cùng, anh dừng lại trước một dãy hàng gà đã mổ. Anh tặc lưỡi: thôi thì mua béng con gà làm sẵn về luộc cũng được. Vừa sạch, vừa thật, khỏi mất oan mấy nghìn tiền diều.

Việc lớn đã quyết, anh sà vào quầy hàng bày toàn gà béo nung núc, da vàng ươm, cả đùi, ức lẫn lườn căng thây lẩy, bóng nhóang màu mỡ gà. Cô bán hàng cũng nhẹ nhàng hay mắt (lạy giời, chứ lại chỏng lỏn như cái cô "cúc kê - liên áp" lúc sáng thì có mà chạy bán sới).

Cô bán gà vồn vã:

- Này, bác ơi, gà của em là gà Tam Hoàng hẳn hoi đấy. Chắc bác mua gà làm giỗ, phải không ạ? Thế thì bác lấy con này đi! Gà mổ rồi vẫn cứ phải là gà trống, đủ cả đầu cả chân mới đặt lên ban thờ được, mới gọi là gà giỗ. Con này da vàng, mỏ vàng, chân vàng. Tuyệt cú mèo rồi đấy, bác không cần chọn ở đâu nữa…

Anh chưa kịp đáp, bà chủ đã lại “bật băng” rào rào bên tai như... gà mổ thóc:

- Thứ gà này, bác ạ, là gà vườn hẳn hoi đấy nhá, đã ngọt nước lại thơm thịt, mà là thịt săn, dai thớ hạng nhất. Chứ không nhẽo nhèo như cái tang gà công nghiệp đâu. Phàm làm giỗ không ai mua gà ri, ngon thật đấy, nhưng không phải lối. Bác mua cho em, em không dối bác đâu, lừa đàn ông đàn ang như bác phải tội chết.

Anh rút khăn mùi xoa lau tay, lau trán, cố cất giọng vui vẻ, hỏi lại:

- Chị nói thật đấy chứ?

- Ắy chết, sao bác lại hỏi em thế! Em mà nói láo, cân điêu, em xin làm đứa ở suốt đời dọn phân gà cho vợ chồng bác!

Chị hàng gà hạ một lời thề.

- Thôi, thôi, - anh xua tay – không cần phải thề bồi nữa, chọn cho tôi một con thật ngon vào...

Chị bán hàng đảo mắt, lia tay, nhanh như chớp, chú gà vàng rộm bóng nhẫy đã nằm ngay đơ trên mặt đĩa, khiến chiếc kim đồng hồ đảo đồng đảo địa một hồi rồi từ từ dừng lại, chỉ rõ: hai cân bốn lạng rưỡi.

Anh toát mồ hôi hột.

- Chết. Những hai cân bốn lạng rưỡi cơ à?

- Vâng, em mà cân điêu cho bác thì em chết băm chết vằm, chết đường chết chợ, chết…

- Ấy, tôi đã nói: đừng thề mà. – anh lại xua tay - Chẳng qua tôi…

Chị hàng gà cong cớn:

- Khốn em đã thề rồi, mà bác không tin.

- Không, - anh luống cuống – tôi tin tôi tin chứ. Nhưng tôi không còn đủ tiền…

Chị hàng gà nheo mắt nhìn anh dò xét:

- Vậy bác còn bao nhiêu?

- Tôi, tôi… chỉ còn... đúng năm mươi ngàn thôi.

Chị hàng gà thở phào:

- Tưởng gì? - chị nói, giọng thông cảm - Em thấy bác tử tế, em cũng thấy ái ngại. Chắc bác gái chỉ đưa bằng ấy thôi là để bác mua một con chừng hai ký thôi, hơn không được, hí hí. Nhưng con này cũng có hơn bao nhiêu đâu, hàng em bán rẻ mà, con này tính đúng là năm mươi sáu ngàn…

- Nhưng tôi chỉ còn đúng năm mươi…

- Bác chưa nghe em nói hết, thế này nhé - chị ta xởi lởi - em bớt hẳn cho bác sáu ngàn. Vừa xoẳn cho bác.

- Cảm ơn chị quá.

- Dáo, ơn huệ gì. Kể ra thì không đủ vốn đâu, nhưng lọt sàng xuống nia, bác ạ. Bán mở hàng cho bác đấy. Để bác về nhà còn được bác gái khen chứ.

Lủng lẳng treo túi thịt gà ở ghi đông xe đạp, anh hoan hỉ đạp xe ra về.

Vợ anh cũng vừa đi chợ về tới. Anh đón ngõ, giơ con gà lên tận mặt chị:

- Bà thấy chưa, mở to mắt ra mà nhìn, này, con gà trong văn hoá dân gian mà bà đay tôi đã biến thành... gà thật rồi đây nhá. Nhà mình giỗ ra giỗ, không lèm nhèm... Đấy, cứ chê tôi rằng nghiệp dư, rằng tôi là ”mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre’’ nữa đi... Bây giờ mảnh chĩnh hơn đứt chuông khánh rồi nhá!

- Bao nhiêu đấy, con này? - chị ngắm nghía con gà với vẻ nghi hoặc – Năm chục ngàn cơ à?

- Không phải giá à? Mặc cả mỏi miệng đấy. Rẻ thối!

- Cả một bài báo vật vã bao nhiêu ngày đêm mới được mỗi con qué này còn kêu rẻ. - vợ anh bĩu môi – Mang hộ tôi các thứ vào nhà nào.

Tất tưởi bày biện, sắp xếp các thứ ra, đến khi nghe tiếng nồi nước gà réo xôi ùng ục, vợ anh mới chống gối đứng dậy, xoay xoay đôi đũa trong nồi.

Anh pha ấm trà móc câu Tân Cương, ngồi rung đùi. Xem ra bà ấy không còn cách gì nói anh nữa.

- Giời ạ! gà phế phẩm. – từ phía bếp vang lên tiếng vợ anh hét - Bơm nước lã, đánh véc ni... Quân khốn nạn, quân lừa đảo.

Anh chạy bổ lại. Trước mắt anh, con gà vừa được vớt ra, nhợt nhạt, nhẹ thọp gầy giơ xương, trên bề mặt da vỡ tung hàng chục mảng

Vợ anh buông đũa, ôm đầu, rên rỉ:

- Gà vừa già, vừa dai nhoanh nhoách, lại vỡ nham, vỡ nhở thế này, làm sao dám đặt lên bàn thờ cụ, hả giờì?

Anh buông thõng hai tay, mặt dài thượt.

Thế là hết.

Thôi, đành khấn vái xin hương hồn cụ thông cảm cho, khốn nạn, cõi trần bây giờ xô bồ, nhốn nháo vậy đấy. Đâu có được như thời các cụ.

Trần Khải Thanh Thủy
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn