Thời Nguyễn Văn Thiệu là nguyên thủ quốc gia, tôi cũng bị ném vào Chí Hoà vì tội chống đối lăng nhăng gì đó. Bị khóa tay. Nhưng cái còng năm xưa vắng bóng đâu rồi. Một loại còng mới có răng cưa, dây xích ngắn, khóa chắc chắn do Mỹ quốc viện trợ. Tôi nhìn thấy cả thùng còng chưa dùng tới có dán nhãn hiệu hai bàn tay nắm lấy nhau, tỏ rõ lòng thân thiện, ném ở góc phòng can nhơn khám Chí Hòa.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, tôi quờ quạng lại bị tóm và bị còng. Nhìn lại cái còng, tôi thấy nó đã cũ kỹ, đúng là cái còng tàn dư của Mỹ Ngụy bỏ lại. Tôi bị khóa tay giải đi khám Chí Hòa. Tôi vô phúc nên bị khóa bằng cái còng xét rỉ. Khóa hóc, càng cựa quậy lưỡi răng cưa ở cái còng tối tân càng thít chặt, đến độ hai tay tôi sưng lên, đỏ lựng. Người cán bộ công an lôi tôi đi phá chiếc còng bằng búa và đục sắt. Hai cổ tay đau điếng mà không dám kêu. Tôi còn bị chửi lên đầu:
- Tổ cha thằng phản động, mày làm tao tiêu mất một cái còng rồi.
Khi vào xà lim, tôi bị cùm bằng sắt. Tới trại học tập cải tạo tay tôi bị cùm bằng tre, chân thì bị cùm gỗ cây thau lau, cổ cũng bị gông nốt. Khi bị kết tội chống đối hay trây lười lao động.
Nói tóm lại, cái còng, cái cùm, cái gông đều là một thứ dụng cụ để khống chế cơ thể con người. Nó muôn hình vạn trạng.
Tôi muốn quên chuyện đó khi được trả tự do.
Quên vĩnh viễn cái còng. Nó lâm sự xui xẻo cần được đốt vía xua đuổi đi như thay pháp trừ tà ma quỉ quái. Tôi trở về tự.do, thảnh thơi sống bằng nghề mua bán ve chai. Tôi rong chơi khắp thành phố, rao hàng và nhiều khi cũng trúng mánh. Thâu mua được nguyên một cục răng vàng, một cái đỉnh bằng bạc, một cái huy chương bắc đẩu bội tinh bằng vàng 18 K của một ông tướng, ông tá nào đó ở cư xá sĩ quan mà nay phải đi học tập mút mùa tận Hà Sơn Bình. Thằng con trai ngu dốt dại khờ của ông ta lục ra bán cho tôi. Thế là tôi trúng mánh..
Rõ ràng tôi là thằng mua gian bán lận. Đạp lên đầu nhau mà sống. Để chắc ăn, tôi móc ra hai chai át xít Một chai nước màu vàng, một chai nước màu trắng. Chấm lên đồ vật mình định mua. Một vệt đen nổi lên. Trúng rồi! Tôi phải ếm giá. Cái đồ khỉ này chỉ đáng giá một ly cà phê đen, thêm cho ba điếu thuốc lá Samit lậu Thái Lan! Tôi nói với chú nhóc:
- Cho chú em năm đồng đi uống cà phê, hít Samit cho đỡ vã, thật ra tôi chẳng muốn mua cái khuy đồng này làm gì.
- Cái huy chương của ba tôi, Bắc đẩu bội tinh.
- Chẳng cần biết, cũng như cái khuy đồng thôi. Chỉ có kẻ ngu dốt như tôi mới mua một cái khuy đồng tới năm đồng bạc.
Chú nhóc vã, đành ô kê ngay. Thế rồi tôi thơ thới ra đi. Thật ra chẳng cần mua bán nữa, tôi đã trúng mánh rồi. Tôi chạy về bọn thu mua ngồi ở góc đường Nguyễn Thiện Thuật, hùng dũng gọi rượu thuốc uống để nung chí anh hùng. Thằng phân lòm cân vàng trả tiền cho tôi theo giá vàng thị trường. Mặt tôi cứ vác lên, ra lệnh cho đám ve chai hết thời gọi rượu uống thả cửa. Thằng bạn tôi có bút hiệu là Sao Biển, trước kia làm nghề viết báo, nay cũng ra nghề ve chai mang cái bản mặt sưng tím, lỗ đầu, lỗ mũi ăn trầu, trẹo quai hàm trở về:
Xui quá, tao bị chúng nó quây lại "phện" cho một trận thừa chết thiếu sống. Chút xíu nữa thì chúng nó móc mắt tao cho tao chuyển sang nghề bán vé số. Tôi thân róc ly rượu xây chừng mời bạn:
- Cạn ly, lý do?
- Tao thử vàng, một bà lão có chiếc răng vàng lung lay muốn bán cho tao, nhưng còn ở trong miệng bả. Để chắc ăn tao biểu bả há miệng ra, lấy át xít thử. Không may một giọt át xít rớt ra nước răng bả, bả dẳy lên tê tê. Vậy là con cháu bả xúm lại đập tao. Phải thử vì răng vàng bây giờ nhiều loại giả, làm bằng đồng mạ vàng hay i-nốc. "Đại đế ve chai đã cảnh giác anh em như thế.
Chúng tôi hộc lên cười, uống rượu như điện, an ủi bạn gặp cảnh tai nạn nghe nghiệp. Thay vì ca hát, chúng tôi mở cuộc thi rao hàng xem đứa nào hót hay nhất. Nội dung bài thi chỉ như thế này:
- Mắt kiềng bể, vỏ đồng hồ, vỏ cà rá, răng vàng, bạc vụn, tiền xưa bạc cũ, ai bán không. Mua hết, bán hết, bà con cô bác ơi...
ấy vậy mà nhiều thằng rao không ra lời. Thằng thì nghẹn lời, thằng tủi thân, mấy con "ghệ" rao như khóc. Thằng bị bệnh sốt rét tắt tiếng ngang. Thằng sứt môi rao có âm điệu ễnh ương kêu. Tôi dĩ nhiên rao được, công phu tập luyện đi lại theo đại đế ve chai hết sáu tháng trời mới vỡ giọng.
Hôm nay tôi giật giải vì tôi là người trúng mánh.
ậ Không phải ngày nào cũng giống như ngày nào.
Ngày vàng son có và ngày thê thảm cũng có. Vận bỉ đến không hẹn, tôi rao rát cổ bỏng họng mà chẳng có ma nào mang đồ ra bán. Tôi đi vào một xồm xưa, theo tôi đánh giá hẳn là có cối giã trầu bằng bạc, hay tiền xưa bạc cũ, chắc cũng bằng quí kim. Xóm Gà này có nhiều bà già trầu, ưa để dành chắt bóp, tiền bằng bạc chôn giấu cả hũ ngoài vườn. Thế là tôi cất tiếng rao giữa buổi trưa nắng cháy. Nâng giá đồ vật mình muốn mua lên cho thêm phần hấp dẫn.
Trong xóm có một quán nhậu đông đảo khách hàng. Tôi nhận ra họ đều là thanh niên, ở trần, mặc quần đùi ngồi chồm hổm ngay giữa quán nhậu đế với một mâm xíu quách, chấm nước mắm chanh ớt. Bữa nhậu đang đến hồi gay cấn, bầy hấy. Chẳng biết họ đã "cưa, hết bao nhiêu lít đế, văng tục và chửi bới nhau đến từ thứ bao nhiêu triệu. Những cục xương văng vung vãi khắp nơi. Ruồi nhặng bay như vãi đậu. Có người nghe tiếng rao, anh ta ngoắc tôi vào:
- Mày mua tiền xưa bạc cũ phải không?
- Dạ, đúng vậy.
- Mua với giá cao, một đồng ăn chín mười đồng?
- Đúng vậy.
- Kim loại màu vàng?
- Chính thế!
Người đàn ông hỏi tôi mặt đỏ như mặt gà chọi, kêu thằng nhỏ ngồi cùng bàn:
- Bẩy, mày về nhà tao mở cái ngăn tủ, lấy sang đây cho tao đồng kim loại màu vàng. Chủ quán đâu, đưa thêm một can rượu nữa, hết xíu quách thì nướng khô...
Thằng Bẩy phóng rẹc một cái. Nó sang đến bên kia đường. Chạy vào nhà, lục lọi. Tiếng đàn bà la chói lói. Thằng nhỏ chạy sang quán đưa đồng tiền cho tôi:
- Chung tiền đi, quí lắm đó?
- Cha mẹ ơi, một đồng tiền điếu, dùng để cạo gió.
Đồng tiền dùng lâu ngày mòn vẹt, màu vàng, bóng loáng. Không phải đồng tiền bà đầm xoè. Tôi chưa kịp nói gì mụ đàn bà đã nhào sang xoe xoè chửi:
- Nhậu nhẹt từ đêm qua tới giờ chưa đã sao, bây giờ lại về nhà khiêng của đi bán nữa.
Gã lớn tuổi bình tĩnh:
- Đừng ồn lên vậy, bà yên tâm bán được cho chú ve chai này, tôi chia cho bà năm chục.
Tôi lắc đầu đưa lại đồng điếu:
- Tôi không mua đâu.
Một gã khác trong đám nhậu:
- Tại sao không mua, rõ ràng mày nói mua mà.
Mụ đàn bà nhảy choi choi:
- Không bán, tao không bán cho đồ lưu manh chợ trời. Bọn này ghê lắm, chuyên đi lừa gạt người lương thiện.
Tình thế trở nên gay cấn. Đám đàn ông say rượu hung tợn. Chúng dám làm thịt tôi cướp hết tiền bạc vốn liếng lắm! Miệng mụ đàn bà điêu toa độc ác, kinh khủng không kém:
- Đồ buôn gian bán lận, trời ơi, đồng tiền cạo gió của tôi bằng vàng y mà rẻ mạt thế à. Lột da nó ra!
Không còn cách nào khác, chạy là thượng sách. Tôi nhẩy nai. Tôi phải nhanh hơn bọn say rượu kia, khoẻ hơn mụ nái xề chân yếu tay mềm. Tôi phóng đi, vẫn nghe tiếng chân đuổi theo đồng thời nghe tiếng ngã ạch đui. Chín mươi chín phần trăm tôi thoát hiểm. Nhưng này, sao lại có bàn tay ai túm cổ tôi. Sợ chết, tôi liền giở mặt hèn ra:
- Lạy ngài, tha cho con, con còn phải nuôi mẹ già, vợ dại, con thơ.
Tiếng cười hề hề:
- Bình tĩnh đi...
Gã đàn ông mặt rỗ chằng rỗ chịt, có hàm răng cải mả ố vàng, nam đen, trông cái mặt như trái xúp lơ.
Tôi vẫn chưa hoàn hồn:
- Thật tình tôi không thể mua được món hàng ấy của các ông. Tôi không gian dối gì hết...
Gã đàn ông buông cổ tôi, vẫn cười nhe hàm răng cải mả:
- Đúng rồi, tôi hiểu, cái đồng điếu hạng bét đó mà mua gì được. Vào nhà tôi đi, anh có hàng mua được. Tôi biết anh là "chuyên gia mua đồ cổ".
Tôi hoàn hồn thật sự, đứng trước mặt anh ta.
Hình dạng anh ta coi xấu xí vậy nhưng cũng không có gì nguy hiểm. Tôi chỉ nhận thấy anh ta có biệt tài bắt người. Chỉ một cái nắm cổ, hết cựa quậy. Hẳn là một cao thủ, giấu tung tích.
Tôi theo anh ta vào căn nhà rách nát. Mái lá, tường bằng tôn thùng khuy. Sàn xi măng loang lổ trơ cả đất Hai đứa trẻ ở truồng, mặt mày lem luốc nằm ngủ. Đứa nhỏ đút ngón cái vào miệng mút, dãi dớt nhậu nhão Căn nhà nhỏ thấp lè tè, nóng hầm hập. Gã đàn ông mặt mũi quái gở mời tôi ngồi xuống sàn:
- Ngồi chơi chờ tôi chút. Tôi mang ra món đồ "gia bảo" này chắc chắn anh mua được. Hắn khom người xuống mở cái cửa tủ nhỏ xíu lục lọi. Tiện tay tôi lột cái mũ ra quạt cho hai đứa bé. Tự nhiên tôi thấy thương chúng, như thương hai đứa con tội nghiệp của tôi. Mái tóc tơ của trẻ thơ phơ phất. Gã đàn ông lục một hồi, lấy ra một vật gói giấy cẩn thận đưa cho tôi:
- Đồ gia bảo đó, sự nghiệp đời tôi, bây giờ phải bán cho anh, tôi tiếc đứt ruột.
Vật tôi cầm trên tay nặng như sắt thép, có thể một vật gì đó không bằng vàng cũng bằng bạc, đồng đen? Tôi vẫn chưa mở giấy:
- Cái gì đây?
- Anh có quyền mở ra xem hàng, mình thuận mua vừa bán, tôi chỉ cần tiền mua đủ năm ký gạo cho các chịu Tội nghiệp chúng cả tháng trời nay ăn mì sợi khoai lang. Con vợ tôi đi bán tàu hủ mà không đủ tiền mua gạo cho tụi nó. Tôi thất nghiệp mấy năm nay rồi, không làm gì ra tiền, cứ phải bán dần đồ đi ăn... Tháng trước tôi bán chiếc xe đạp cũ, sườn hiệu Tao cho lạc xoong. Người ta tân trang sơn phết lại lời đáo để đó Tôi giở hai lần giấy gối lấy ra món đồ. Tôi thất kinh kêu lên: Trời, cái gì thế này, sao lại cái còng? ừ cái còng đồ, cái còng gia bảo của tôi, mua đi rẻ thôi mà.
Tôi vẫn giẫy lên:
- Không được tôi sợ cái này lắm.
Gã cười, nhe hàm răng cải mả và nước răng xám ngoét ra:
- Xem kỹ hàng đi, hàng tốt, cả một đời làm lính kín của tôi mới trúng thăm được cái này. Một triệu cái còng viện trợ mới có một cái đặc biệt, trong nghề tôi biết, không sét rỉ, khóa nhậy đàng hoàng, pặc một cái là khóa nghiến lại, hết đường cục cựa.
Anh bạn mới say sưa nói đến sự nghiệp lính kín chuyên đi bắt người của anh ta ngày nào, nay đã là dĩ vãng. Những cái hay cái đẹp và cái tốt của chiếc còng gia bảo mà anh may mắn làm chủ. Anh nói nó "o li din" đồ ngoại vì có chữ đề Ma de in USA. Tôi phải chặn anh ta lại:
- Tôi hiểu giá trị của nó rồi, nhưng cái này mua làm gì được?
- Đề phòng kẻ gian.
- Thôi đi cha nội, mua rồi tôi bán cho ai đây?
- Sao lại không, công dụng của nó ghê lắm chứ. Bây giờ kẻ gian hơi nhiều, anh dùng cái còng này khóa xe đạp, ông nội thằng vồ xế nào dám đụng đến. Mấy cái khóa xe đạp Trung quốc sản xuất đâu có bằng. Công dụng của nó đó, chưa kể...
Anh ta bỏ lửng câu nói, nhưng tôi cũng hiểu cái oai của cái còng khiến kẻ gian e ngại. Nhìn hai đứa bé ngủ say, tôi thấy tội nghiệp quá. Tôi nói thôi được. Trả cho anh ta năm đồng bạc, ném cái còng vào túi xách khoác vai, ra khỏi nhà anh cựu lính kín, nói cách khác là công an chìm thời chế độ cũ. Trời vào trưa, nắng gay gắt, nhưng tôi phải đi nữa, mua được món gì kha khá một chút. Không thì coi như hôm nay lỗ sở hụi. Tôi nghĩ đến vài địa bàn hoạt động: Tại sao tôi không đến nhà một bà quen mà ở đó tôi từng mua được nhiều món quí. Giới thiệu người ăn hoa hồng. Khu đó là nơi béo bở cho những thằng ve chai như tôi.
Tôi cuốc bộ đến nơi đó.
ậ Cư xá buổi trưa vắng tanh. Hình như chỉ có mình tôi cầm xâu chuỗi máng đồ ve chai, - vừa lắc vừa điểm ngón tay từng món hàng:
Coi này, cái kiềng bể cũng mua được, cái nắp viết máy cũ rích cũng mua được. Cái vỏ cà rá mất hột cũng mua được. Tất cả mọi thứ trong nhà vứt đi đều mua được hết. Chung tôi không mua rẻ bán đắt mà chỉ lấy công làm lời. Bán hết, bán ráo trọi đi bà con ơi. Tôi lảm nhảm độc thoại, ai muốn nghe thì nghe, không thì thôi. Tôi giống như một thằng điên. Cuối cùng tôi cũng đến được ngôi nhà đó. Nhà chị Tư. Rung xâu chuỗi ve chai lên, cánh cổng mở. ở nhà đã hiểu ám hiệu của tôi.
Chị Tư tiếp tôi ở phòng khách. Chị lúc nào cũng mặt hoa da phấn, áo quần là lượt diêm dúa. Hôm nay mà chị bận bộ đồ suýt bóng màu tím hoa cà, thêu ren, móng chân móng tay sơn phết công phu. Người chị đẫy đà ấy vậy mà chị lại có bệnh. Căn bệnh hiểm nghèo là nhồi máu cơ tim. Bệnh hoạn như vậy, nhưng chị lại làm một nghề cực kỳ nguy hiểm gai góc là chủ tàu chuyên đóng tàu vượt biên đưa người ra nước ngoài. Sự khôn ngoan của chị không để đâu cho hết. Lời nói chị như mật ngọt róc vào tai người nghe. Đứa con gái lớn của chị bưng ra cho tôi một ly nước chanh ướp lạnh. Uống vừa mát vừa ngọt vừa giải cảm nắng. Chờ tôi uống hết ly nước chanh, chị hỏi tôi trong nụ cười:
- Thế nào, hôm nay định đưa đến chị mấy mối?
Tôi khẽ lắc đầu, chị hơi nhíu đôi lông mày "điêu thuyền":
- ờ sao lạ vậy, tôi nói với chú cả tháng nay mà không tìm được mối nào sao?
- Dạ, cũng có tìm, nhưng người ta không tin em có tàu. Người ta sợ em bịp.
- Chú cứ đưa đến đây, tôi bao hết, tiền mặt thì ba cây một người, nếu chung tiền bên kia thì bốn cây. Chung tiền bên kia, ở đây tôi vẫn cho chú hoa hồng trước Nhưng này, có đưa đến đây cũng phải đặt cọc cho tôi, tôi mới cho xem tàu. Dứt khoát là cọc năm chỉ, không ưng đi tôi trả lại cọc, không sợ mất, tôi giữ lại hai chỉ làm tin.
- Chi vậy chị?
Chừng nào tàu của tôi ra khỏi hải phận tôi trả nết. Chớ không nó đi tố cáo tôi thì ai chịu cho tôi đây, chiếc tàu của tôi cả mấy trăm cây vàng. Tính tôi thực thà có sao nói vậy, chuyện gì bảo đảm được tôi mới dám nói. Tôi bảo đảm bến bãi an toàn, tàu ra khỏi hải phận, được chưa, khi ấy tôi mới hết nhiệm vụ. Ra ngoài đại dương tôi không bảo đảm được sóng to gió lớn hay cướp biển. Chuyện đó thuộc về chuyện của ông Trời rồi.. Ta cầu xin Trời, Chúa, Phật. Người nào cầu xin theo đạo người nấy, nên cầu lấy bình an là đáng quí nhất. Sóng gió có thể vượt qua được, tàu của tôi không bao giờ dùng loại tàu nhỏ, ít lắm là dài hai mươi lăm thước, máy Ray 6. Bốn ngàn lít dầu dự trữ. Thủy thủ đoàn toàn là hải quân cũ, hai tài công một lái đường sông, một lái đường biển. Chú thấy đã mê chưa. Ba cây vàng rẻ rề...
Chính tôi nghe nói mà còn mê tít, vì tôi cũng muốn đi mà không có vàng, có cây cối gì ráo. Tôi đành thúc thủ, mặt buồn xo. Nhặt lẻ vài ba phân vàng, mua bán ve chai, đời thuở nào mới đủ "cây" để đi.
Chị Tư là người sểnh tâm lý, chị hiểu tôi, chị nói:
- Chú tìm cho tôi ba mối, mỗi mối ba cây chồng tiền bên này. Tôi cho chú một chỗ.
Tôi không tin được tai mình. Tôi nhìn chị, tự chỉ vào ngực mình:
- Em ấy à?
- Chính chú, chú tưởng tôi nói giỡn đó hả. Chú biết tôi là người làm ăn đàng hoàng mà, một là một, hai là hai. Thôi cố gắng lên, tôi thương chú như em, đáng ra tôi cho chú đi không, nhưng tôi e rằng người ta dị nghị.
Nụ cười của chị Tư nở tòe loe coi rất là... đã.
Thân phận tôi là kẻ hèn nên đành nhịn và cũng cười mỉm ăn theo. Chị Tư luôn luôn đoán trước được ý nghĩ của tôi, chị hỏi:
Hôm nay không có mối manh gì, chú đến chị có việc gì không?
Tôi như được gãi đúng chỗ ngứa, vọt miệng:.
- Chuyến này chắc chị có cho con chị đi theo tàu?
Có chứ, hai đứa, cũng để làm tin với khách hàng.
- Vậy thì chị bán lại cho em thứ gì của cháu không cần xài nữa, chẳng hạn như đồng hồ, cát xét, ra-đi-ô hay quần áo cũ gì cũng được. Em đi rạc cẳng từ sáng đến giờ mà chưa mua được gì.
Chị Tư lại cười:
- Mua bán khỉ gì, được rồi, tôi cho chú. Sang Mỹ thì xài đồ Mỹ, mấy thứ này ở Mỹ nó vứt ra nghĩa địa. Tôi khoái trong bụng. Tôi chợt nhớ ra tôi chưa hút điếu thuốc lá nào. Tôi có mấy điếu Đà Lạt xuất khẩu lẻ để trong túi xách. Tôi lục tôi tìm thuốc và cái bật lửa. Tay tôi lụp chụp, vô tình cái còng gia bảo mà tôi mua được lọt ra khỏi giỏ rơi cạch xuống nền gạch bông. Chị Tư nhìn xuống, hét lên một tiếng thất thanh, ngã bật ngửa ra ghế sa lông. Những đứa con của chị chạy ra cấp cứu mẹ vừa lúc tôi nhặt cái còng lên. Chị Tư chưa ngất xỉu hẳn, chị thều thào:
Công an, chú ấy là công an, cái còng kìa, còn súng... Chú ấy theo dõi nhà mình bấy lâu nay má không biết... Chuyến ngoài Bà Rịa mình bể... do... do chú... ấy...
Tôi cuống lên, xua tay lia lịa:
- Không phải, không phải...
Đứa con gái chị Tư, thuộc nòi làm ăn, phản ứng nhanh, quì ngay xuống chân tôi vái lấy như tế sao:
- Lậy chú, xin chú bỏ qua vụ này cho má cháu. Cháu không quên đền ơn chú ngay tức thì hai cây.
- Nhưng tôi.... số là thế này...
Tôi thấy chị Tư đưa bàn tay nguyên năm ngón lên. Đứa con gái líu tíu:
- Dạ, thưa năm cây vậy, cháu biết chú chia chác với anh em. Chú để cho tàu nhà cháu thoát chuyến này. Vâng, chú cứ cầm trước năm cây vậy. Tôi hết đường chối cãi. Tôi nhìn thằng con trai to con của chị Tư, mặt nó lầm lì coi thiệt dễ sợ. Tôi bắt buộc phải thủ thế, một tay cầm cái còng, tay kia đút vào túi xách. Tôi vừa bóp nát một điếu thuốc Đà Lạt. Không thể nói năng, giải thích gì được. Tôi lùi ra cửa và ra đường luôn.
Chỉ loáng sau tôi nhìn thấy chị Tư ngồi sau xe Honda của thằng con trai chạy vụt qua tôi. Họ mải nhìn sang phường công an bên kia đường nên không nhìn thấy tôi. Thiệt là một ngày xúi quẩy.
ậ Chưa ra hết chung cư, tôi gặp thằng Sao Biển. Nó lắc xâu chuỗi ve chai, nhẫn nại rao hàng, người nó rạc đi như con ve sầu, mặt đỏ gay, gân cổ kéo lên cả chùm. Nhưng gặp tôi, nó cười ngay:
- Trúng mánh rồi hả, không thấy mày rao nữa.
Tôi chửi thề một câu:
- Đ. M. xui tận mạng.
Hai thằng kéo nhau vào quán, ăn đỡ đói rồi nhậu. Tôi kể cho bạn nghe vụ cái còng. Hắn nghe lấy làm thú vị. Rượu sừng sừng, hắn nói:
- Mày ngu quá, cứ lấy mẹ nó năm cây hối lộ đi, làm gì nhau nào. Mày đưa tao tới... Tao tính gọn sổ sách.
Tôi lắc đầu:
- Đầu óc tao chậm tiêu cũng có mà muộn rồi cũng có. Đừng nghĩ nuốt năm cây của nó dễ đâu. Nó có thể nhốt mình lại chờ cho chuyến của nó ra khơi mới thả. Hoặc băm xác mình như xíu mại, liệng xuống hầm cầu dội nước cho tiêu theo phân...
- Thôi ghê quá, mày? Đừng nói nữa. Có bao nhiêu bỏ ra đây mình ăn nhậu. Mai mình sẽ trúng mánh, tao với mày chia nhau.
- Vốn đâu nữa mà làm ăn?
- Vay vốn con Bokassa nhà tao, "xanh xít đít đui thôi, như bạn hàng chợ Tân Định.
Bokassa là cô gái lai da đen, con nuôi của bà mẹ vợ Sao Biển. Vì là da đen nên Sao Biển phong cho nó chức vị công chúa Bokassa, con gái hoàng đế Bokassa, vua kim cương, đá quí ở châu Phi.
Buổi nhậu của tôi với Sao Biển tàn cuộc về đêm. Khi trăng treo đỉnh đầu.
Trên đường về, Sao Biển nói với tôi rằng đã tìm ra nơi có chiếc thuyền buồm bằng bạc. Có khắc chữ Sterling, bảo đảm "din". Ngày mai trúng mánh đó tha hồ mà vẻ vang.
Đi qua cầu Bình Lợi, Sao Biển hỏi tôi có chán sống không. Hắn hỏi mượn tôi cái còng và quăng tòm luôn xuống sông.
Hắn nói:
- Tưởng mày chán sống thì khóa tay mày lại bằng cái còng gia bảo này quăng mày xuống luôn.
Tôi dựng tóc gáy.
Nguyễn Thụy Long
Gửi ý kiến của bạn