BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73335)
(Xem: 62240)
(Xem: 39425)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mẹ LS Lê Thị Công Nhân nộp đơn yêu cầu giám đốc thẩm cho con gái

16 Tháng Sáu 200612:00 SA(Xem: 1144)
Mẹ LS Lê Thị Công Nhân nộp đơn yêu cầu giám đốc thẩm cho con gái
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam


Độc lập – Tự do – Hạnh phúc


ĐƠN KIẾN NGHỊ


v/v Xem xét Kháng nghị Bản án Phúc thẩm số 1037/2007/HSPT


 ngày 27/11/2007 theo thủ tục Giám đốc thẩm


Kính gửi: - Ông Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao

 - Ông Viện truởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao

Kính thưa quý ông,

Tôi ký tên dưới đây là TRẦN THỊ LỆ, sinh năm 1953, địa chỉ: P316, A7, tập thể Văn phòng Chính phủ, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.

Con gái tôi là luật sư LÊ THỊ CÔNG NHÂN hiện đãng bị giam giữ tại Trại giam số 5 Thanh Hóa theo sự tuyên án của Bản án Phúc thẩm nêu trên trong vụ án hình sự “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Là thân nhân duy nhất của con tôi được phép tham dự phiên tòa Phúc thẩm ngày 27/11/2007 – trong khi đó “Giấy ra vào” của Tòa Phúc thẩm cấp cho tôi ghi 2 ngày – tôi đã theo dõi toàn bộ buổi xử án. Theo nhận xét của tôi thì phiên tòa này đã vi phạm nghiêm trọng về Luật Tố tụng hình sự. Đơn cử một số vi phạm đặc biệt rõ nét như sau:

1. Không triệu tập đầy đủ nhân chứng: Tòa chỉ gửi giấy triệu tập có 9/17 nhân chứng theo thỉnh cầu của các Luật sư bào chữa và thực tế chỉ có 5 người có mặt. Ông Thẩm phán không giải thích lý do vì sao không triệu tập đủ nhân chứng. Mà không đầy đủ nhân chứng thì cả Hội đồng xét xử cũng như các luật sư đều không thể lắng nghe trực tiếp lời khai của họ để đánh giá các chứng cứ khác.

 Đã vậy Hội đồng xét xử vẫn cứ sử dụng các tài liệu mà họ là tác giả (ví dụ như tác phẩm “Khát vọng ngàn đời” của Nguyễn Thanh Giang…) hoặc các công việc mà họ làm như những chứng cứ để buộc tội, việc này vi phạm điều 67 về lời khai của người làm chứng, điều 134 về việc dẫn giải người làm chứng, điều 192 về sự có mặt của nguởi làm chứng của Bộ Luật Tố Tụng Hình sự hiện hành.

 Nghiêm trọng hơn là việc nhân chứng Phạm Văn Trội đã bị công an bắt ngay tại cổng Tòa án Nhân dân tối cao khi Trội đến để làm nhân chứng. Việc ông Trội bị đưa vào đồn CA và bị hành hung ngăn trở không cho dự phiên tòa như thế nào thì ông Trội đã viết rất rõ trong đơn đề nghị gửi cho Tòa nên tôi không đề cập nhiều ở đây nữa. Có điều đáng để phê phán là ở chỗ trong khi bên ngoài tòa thì CA hành xử đối với nhân chứng như vậy, bên trong tòa thì thẩm phán Nguyễn Minh Mắn lại ngăn chận không cho Luật sư Lê Công Định đọc đơn tố cáo của Trội viết về việc CA ngăn không cho Trội đi làm nhân chứng mà còn bắt phải nộp đơn này cho tòa rồi sau đó vị thẩm phán này không đề cập gì đến. Việc hành xử của thẩm phán Nguyễn Minh Mắn làm cho chúng tôi không thể không nghi là có sự tiếp tay ngầm giữa CA bên ngoài với thẩm phán bên trong nhầm làm sai lệch nội dung của sự việc để có lợi cho việc kết tội của họ.

2. Tòa đã không xem xét thậm chí còn ngăn chăn luật sư bào chữa đưa ra chứng cứ mới, tài liệu mới gồm:

 * Công uớc Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị của Liên hiệp Quốc mà Việt Nam đã tham gia năm 1982 (cụ thể Điều 19 về Quyền tự do ngôn luận).

 * Luật Luật sư 2005 (điều 3 về chức năng xã hội của Luật sư).

 *Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 52, Điều 81 về việc xem xét các điều luật có trái với Hiến pháp hoặc Công uớc Quốc tế mà VN đã gia nhập).

 * Luật ký kết gia nhập và thực hiện Điều uớc Quốc tế năm 2005 (cụ thể Điều 4, Điều 6 về việc Điều ước Quốc tế và quy định của pháp luật trong nước mà có khác nhau về cùng một vấn đề thì phải áp dụng theo Điều ước Quốc tế)

 Việc các Thẩm phán đã thẳng thừng không cho phép các Luật sư trình bày cũng như không hề xem xét các tài liệu mới này đã vi phạm nghiêm trọng điều 246 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự. Đặc biệt là thẩm phán Cù Đinh Thắng đã tuyên bố là tòa chỉ xét hành vi bị cáo theo Luật Hình sự Việt Nam mà thôi. Ngay cả Bản án của Tòa án Phúc thẩm hoàn toàn không xem xét, căn cứ các tài liệu chứng cứ mới này. Như vậy Hội đồng xét xử đã hoàn toàn không áp dụng các quy định pháp luật trong phiên xử này. Điều này vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và luật hình sự trên thế giới về việc suy đoán theo hướng vô tội cho các bị cáo, dẫn đến việc xét xử thiếu khách quan.

3. Hội đồng xét xử đã cản trở các Luật sư trong phần xét hỏi nhân chứng và tranh luận:

*Chủ tọa Nguyễn Minh Mắn đã cản trở khi Luật sư Trần Lâm đặt câu hỏi với các nhân chứng khiến cho Luật sư đã phải to tiếng một lúc về điều này.

 *Về phần tranh luận thì hầu như cả 5 Luật sư đều bị thẩm phán chủ tọa nhắc nhở, cản trở khi đọc luận cứ và tranh luận. Việc nhắc nhở là điều cần thiết nhưng cản trở Luật sư trình bày luận cứ, cản trở Luật sư tranh luận là điều không thể chấp nhận được.

 Và càng không thể chấp nhận được khi mà Hội đồng xét xử nhiều lần cản trở các Luật sư thực hiện quyền bào chữa của mình – đặc biệt với Luật sư Đặng Trọng Dũng – trong khi đó HĐXX không hề yêu cầu một số người tham dự làm ồn khi Luật sư Đặng Trọng Dũng phát biểu phải trật tự theo nội quy mà tòa án quy định cho người tham dự. Điều này khiến chúng tôi không thể không nghi là ông Thẩm phán muốn họ gây áp lực đối với luật sư khi họ phát biểu.

4. Hội đồng xét xử đã vi phạm quyền bào chữa của bị cáo và các Luật sư:

 Phiên tòa dự trù sẽ diễn ra 02 ngày nhưng phần tranh luận thực chất không được 30 phút! Thời gian tranh luận ngắn ngủi như vậy chắc chắn không thể bảo đảm được quyền bào chữa của bị can nói chi đến việc bào chữa của các Luật sư khi đi sâu vào việc tranh luận từng sự việc. Như luật sư Nguyễn Văn Đài yêu cầu lấy ngay bài viết “Quyền tự do thành lập đảng tại Việt Nam” mà luật sư đã viết cho BBC để mọi người cùng xem để có thể nhận xét nội dung của bài có chống lại Nhà nước CHXHXN Việt Nam hay không. Trong khi VKSNDTC còn đang cân nhắc xem có nên làm hay không thì ông Thẩm phán chủ tọa đột ngột tuyên bố chấm dứt tranh luận và chuyển qua lời nói sau cùng của hai luật sư bị cáo. Vì vậy phiên tòa đã tuyên án và chấm dứt rất sớm ngay trong ngày 27/11/07.

 Như vậy dễ thấy sự tắc trách trong việc điều hành của vị Thẩm phán chủ tọa trong một phiên tòa quan trọng mà CA đã ra sức bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt. Ngoài tôi và vợ Luật sư NVĐ, chỉ có toàn là người của CA và bộ phận an ninh, không ai là người thân khác được phép vào dự phiên tòa dầu phòng xử còn khá nhiều chỗ trống, CA còn đặt cả máy soi hồng ngoại, không cho phép ai mang điện thoại di động, máy ghi âm v.v…

 Xét về Bản án Phúc thẩm thì kết luận trong Bản án không phù hợp với các tình tiết khách quan như:

1. Vì luôn bị ghép chung với Luật sư Nguyễn Văn Đài nên bản án Phúc thẩm không xác nhận rõ các tài liệu nào, phương tiện hoạt động nào là của ai. Trong khi đó cơ quan an ninh điều tra đã khám xét và tịch thu tại nhà của Luật sư Lê Thị Công Nhân chỉ có 25 đầu tài liệu và 01 CPU. Riêng tài liệu “Nhân phẩm, nền tảng của Nhân quyền” của Công Nhân dùng để trao đổi với các em sinh viên bị tịch thu vào ngày 03/02/07 thì hoàn toàn không có tính chất tuyên truyền xuyên tạc gì đối với Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

2. Ông Phạm Văn Trội không phải là nhân viên của văn phòng Luật sư Thiên Ân do Luật sư Nguyễn Văn Đài làm trưởng phòng như trong bản án trang 3 đã ghi.

3. Trang 5 của Bản án phúc thẩm có ghi “…Nhân khai là hoạt động dưới sự chỉ đạo của, ủng hộ tích cực của Nguyễn Văn Đài”, điều này hoàn toàn sai. Công Nhân không hề khai như vậy hoặc nói điều gì tương tự như vậy.

4. Trang 5 BAPT còn ghi thêm: “Những người làm chứng có mặt tại phiên tòa đều khẳng định lại nội dung đã khai tại cơ quan điều tra và phiên tòa Sơ thẩm.” nhưng bản án không ghi lại cụ thể nội dung gì. Trong khi đó 4 nhân chứng đều trả lời trước Tòa là các em chỉ đến văn phòng Thiên Ân để tìm hiểu về Nhân quyền dưới hình thức trao đổi. Riêng cô Trần Thanh thì khai rằng cô là nhân viên của công ty Việt Luật và cô không tham gia lớp học nào cả.

 Thưa quý ông,

 Với các vi phạm nghiêm trọng về Luật Tố tụng Hình sự cũng như các kết luận của Bản án Phúc Thẩm không phù hợp với các tình tiết khách quan nêu trên là quá đủ để làm căn cứ kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm theo điều 273 Bộ Luật Tố tụng Hình sự được quy định rõ như sau:

 Bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, khi có một trong những căn cứ sau đây:

1. Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ;

2. Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;

3. Có sự vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử;

4. Có những sai lầm trong việc áp dụng Bộ luật hình sự.

 Vì vậy tôi kính đề nghị ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, ông Viện truởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xem xét và kháng nghị để vụ án của con tôi là Luật sư Lê Thị Công Nhân và Luật sư Nguyễn Văn Đài được xét xử theo thủ tục Giám đốc thẩm. Khi người dân chúng tôi vi phạm luật pháp, chúng tôi luôn bị xử phạt, nhẹ thì xử phạt hành chính, nặng thì tù tội theo Luật Hình sự. Còn các cơ quan công quyền thì sao? Ở các nước, có các vị lãnh đạo phải từ chức, phải xin lỗi nhân dân, có khi cũng phải bị tù tội. Trong vụ án của con tôi – luật sư Lê Thị Công Nhân - và Nguyễn Văn Đài tôi rất mong quý ông hành xử đúng pháp luật. Đó không chỉ là cơ hội của các luật sư nêu trên mà còn là cơ hội của quý vị, cơ hội để quý vị chứng tỏ nền Tư pháp Việt Nam hiện nay vẫn còn có CÔNG LÝ.

 Trân trọng kính chào,

Đính kèm:

Bản bào chữa của tôi cho Lê thị Công Nhân tại Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội. 

Hà Nội, ngày 16, tháng 6 năm 2006

Trần Thị Lệ

Mẹ Luật sư Lê Thị Công Nhân
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn