BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76377)
(Xem: 63036)
(Xem: 40426)
(Xem: 32020)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trách nhiệm của các thế hệ Việt Nam

17 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 865)
Trách nhiệm của các thế hệ Việt Nam
54Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
4.65
(Vài suy nghĩ sau khi đọc tiểu luận “Nhà văn Việt Nam: Đổi mới và Hội nhập” của nhà văn Tô Nhuận Vỹ và tự truyện Lạc đường của nhà văn Đào Hiếu)

Tháng 2 năm 2007, trên diễn đàn talawas, tôi có viết một bài để góp ý với ông Võ Văn Kiệt về “hòa giải dân tộc và khép lại quá khứ”. Thời gian ngắn sau đó, tôi nhận một email từ Việt Nam chuyển lời của ông Võ Văn Kiệt, rằng nhiều điểm góp ý của tôi có thể tranh luận nhưng cũng rất nhiều điểm ông thừa nhận là rất có lý. Ông cũng dặn với người đưa tin nếu tôi có dịp về thì đưa tôi đến nhà chơi để trao đổi với ông. Tôi trả lời, cũng qua trung gian người đưa tin, cám ơn ông về việc mời đến nhà nhưng quan trọng hơn tôi mong ông đáp lại những điều tôi đã nêu ra trong bài viết, nhất là những điểm ông cho rằng có thể tranh luận được, và phổ biến rộng rãi cho mọi người cùng đọc. Chuyện đất nước là chuyện chung chứ không phải là chuyện giữa ông và tôi. Các thế hệ Việt Nam mai sau trưởng thành từ những bài học, những kinh nghiệm của các thế hệ đi trước để lại. Không có kinh nghiệm lịch sử nào là nên bỏ qua và không có bài học lịch sử nào mà không đáng học. Có lần tôi đọc đâu đó, ông Võ Văn Kiệt dự tính viết một cuốn sách, tôi rất mừng và âm thầm chờ đợi một tác phẩm hay một hồi ký của ông.

Tôi không kỳ vọng ở hồi ký của ông Võ Văn Kiệt một con số đúng về bao nhiêu sĩ quan công chức chế độ Việt Nam Cộng hòa bị ông và Đảng của ông đày ra các vùng rừng sâu nước độc Tiên Lãnh, Hàm Tân, Hoàng Liên Sơn, Thanh Phong, Thanh Hóa. Tôi không kỳ vọng ở hồi ký của ông một con số bao nhiêu người dân Sài Gòn bị ông và Đảng của ông đuổi đi khắp các vùng kinh tế mới miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Tôi không kỳ vọng qua hồi ký ông sẽ công bố đầy đủ danh sách những người bị Ủy ban Quân quản, do ông làm bí thư Đảng ủy đặc biệt, xếp vào thành phần tư sản mại bản; của cải, nhà cửa bị tịch thu, cha mẹ phải vào tù, con cái phải sống lang thang đầu đường cuối chợ. Tôi không kỳ vọng qua hồi ký ông sẽ giải thích nguyên nhân nào khiến hàng triệu người Việt đã bất chấp sóng to gió lớn để vượt biển tìm một con đường sống trong muôn ngàn đường chết. Tôi cũng không kỳ vọng qua hồi ký ông sẽ chính thức xin lỗi cùng nhân dân miền Nam nói riêng và cả nước nói chung, những sai lầm của Đảng do ông trực tiếp lãnh đạo đã gây ra. Và như tôi đã đọc tiểu sử, quá trình đấu tranh của ông và những mất mát của riêng bản thân ông, tôi cũng không nghĩ ông Võ Văn Kiệt sẽ thành lập một đảng hay một cánh đối lập, công khai thách thức vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản để lót đường cho một cuộc vận động toàn dân, toàn diện nhằm tiến đến một xã hội mới, dân chủ, nhân bản và thịnh vượng như một số người đã bàn tán trước đây.

Ông Võ Văn Kiệt từ năm 1938 cho đến cuối đời vẫn là người cộng sản. Khác chăng so với những lãnh đạo cộng sản cùng thời, ông Võ Văn Kiệt sinh ra từ miền cây trái Vĩnh Long, phần lớn quãng đời đấu tranh của ông cũng từ ruộng đồng, sông nước miền Nam, gần gũi với nhân dân miền Nam và trong những ngày cuối đời nhìn lại đã có lúc chạnh lòng buông những câu nói như những lời an ủi muộn màng, rải rác đó đây trên vài cơ quan ngôn luận, trong những buổi nhậu, dành cho những người đã chịu đựng dưới bàn tay ông.

Dù sao tôi cũng mong ông viết, bởi vì hơn ai hết, ông Võ Văn Kiệt là người có thẩm quyền để viết. Giá trị trong tác phẩm của ông Võ Văn Kiệt không hẳn ở chỗ là sự thật mà là sự kiện, dù được nêu ra để biện hộ cho những sai trái của chính ông. Những Giọt nước trong biển cả của Hoàng Văn Hoan và Hồi ký của một Việt cộng của Trương Như Tảng vẫn có giá trị sự kiện nhất định và là những tác phẩm tham khảo cần thiết cho các sử gia và thế hệ mai sau. Hôm nay, ông Võ Văn Kiệt đã qua đời. Ông ra đi mang theo nhiều chi tiết quan trọng của những năm khó khăn nhất trong lịch sử dân tộc thời cận đại. Phần lớn những lời phân ưu dành cho ông đều chấm dứt bằng câu cầu mong hương linh ông được yên nghỉ, nhưng làm sao hương linh ông có thể yên nghỉ được khi vẫn còn nợ thế gian này một món nợ mà ông chưa trả hết.

Những chịu đựng của dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân miền Nam nói riêng dưới bàn tay ông Võ Văn Kiệt và Đảng của ông trong những năm ngay sau 1975, sẽ mãi mãi sẽ là một vết thương hằn sâu trong lịch sử. Máu và nước mắt của nhân dân miền Nam đổ xuống trong các trại tù, trên các khu kinh tế mới, dọc các vỉa hè Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn đã đóng thành băng trong ký ức của giống nòi. Không ai trách ông Võ Văn Kiệt tại sao bảy mươi năm trước đã tham gia Đảng Cộng sản nhưng chắc chắn các thế hệ Việt Nam mai sau sẽ trách ông đã không có những câu trả lời cho những thảm trạng mà đất nước đã trải qua trong suốt 22 năm dài (1975 – 1997), thời gian ông đã đóng vai trò quan trọng trong chính trị Việt Nam.

Ông Võ Văn Kiệt, giống như hầu hết những người cộng sản trong thế hệ Tân Trào, Pác Bó đã không làm được, đã không trả lời được những câu hỏi của phiên tòa lịch sử, nhưng tôi tin các thế hệ Viêt Nam tham gia Đảng Cộng sản sau ông, thế hệ “chống Mỹ cứu nước”, thế hệ “Tổng công kích Tết Mậu Thân” với một số khá đông vẫn còn đang sống, có thể trả lời và thậm chí phải trả lời trước khi các anh các chị xuôi tay nhắm mắt ra đi.

Điều đáng mừng là trong thời gian qua, một số hồi ký như Tôi bị bắt của nhà thơ Trần Vàng Sao, Tôi bày tỏ của nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự mà tôi đã có dịp góp ý trước đây, tiểu luận “Nhà văn Việt Nam: Đổi mới và Hội nhập” của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, hay mới đây tự truyện Lạc đường của nhà văn Đào Hiếu đã nối tiếp nhau ra đời. Các anh viết vì bức xúc cá nhân hay từ nhận thức chính trị không phải là điều quan trọng, điều quan trọng nhất vẫn là viết ra. Tôi tin rằng với chiều hướng Việt Nam đang cố mở rộng các mối quan hệ với nước ngoài, những tấm màn sợ hãi sẽ được vén lên cao hơn, những biên giới cách ngăn sẽ dần dần thu hẹp, trong tương lai sẽ có nhiều tác phẩm như thế nữa.

Tôi vừa đọc hết tự truyện Lạc đường của nhà văn Đào Hiếu. Là một người trong thế hệ trẻ hơn, tôi cảm ơn anh đã kể lại những chặng đường anh đã đi qua, ghi lại những thao thức và trăn trở của anh và thế hệ anh. Ngay cả những việc chúng ta mới làm hôm qua, hôm nay có thể đã không còn đúng nữa và những câu nói mới vừa thoát ra khỏi cửa miệng nhiều khi biết mình nói sai rồi, huống hồ những việc đã làm 40 năm trước. Ai cũng có một thuở hai mươi và ai cũng trải qua một thời tuổi trẻ. Sinh ra và lớn lên trên quê hương chiến tranh, nghèo khó, chịu đựng cái nhục của một nước nhược tiểu bị các nước lớn khinh khi, coi rẻ, câu hỏi làm gì cho đất nước luôn là mối ám ảnh hàng ngày, hàng đêm trong ý thức của những người trẻ biết đau cái đau của đất nước.

Năm 1968, năm cao điểm của cuộc chiến Việt Nam, tôi lớn lên ở gần cửa biển Sơn Chà, quận 3, Đà Nẵng. Buổi chiều tôi thường ngồi trên cồn cát trắng ở xóm Cổ Mân nhìn những đoàn xe chở bom đạn nối đuôi nhau từ cảng Tiên Sa nhập vào các kho quân sự chung quanh thành phố để từ đó đi vào cuộc chiến. Tôi thầm nghĩ những bom đạn kia nay mai đây sẽ rơi xuống ở một nơi nào đó trên quê hương tôi. Đêm đêm trên đường Bạch Đằng dọc bờ sông Hàn những anh lính Mỹ đen, Mỹ trắng miệng sặc mùi bia rượu, tay ôm những cô gái Việt bằng tuổi chị tôi và cất tiếng cười khả ố. Niềm tự ái dân tộc trong lòng tôi dâng cao. Tôi cảm thấy bi xúc phạm. Họ xúc phạm không chỉ dân tộc Việt Nam, người con gái Việt Nam, mà dường như còn xúc phạm đến cả hàng phượng đỏ, hàng sao xanh trên con đường Bạch Đằng thơ mộng. Cách thành phố Đà Nẵng không xa là bãi rác Hòa Cầm rộng mênh mông. Nơi đó, mỗi buổi sáng, hàng trăm đứa bé mới ngoài mười tuổi như tôi bám theo những chiếc xe rác Mỹ để nhặt những miếng thịt thừa, những lon bơ bỏ dở và ngay cả từng chiếc bao nhựa dơ dáy. Ngày đó, tuy còn khá nhỏ tôi đã biết tủi thẹn cho số phận của một cây cổ thụ bốn ngàn năm đang biến thành dây chùm gởi, đồng thời tôi cũng tự hỏi, những điêu tàn đổ nát, những bất công phi lý của xã hội Việt Nam, trong đó có sự hiện diện của những người Mỹ đen Mỹ trắng kia phải phát xuất từ một hay nhiều nguyên nhân nào đó.

Hoàn cảnh đất nước và nhiệt tình tuổi trẻ đã buộc các anh chị chọn lựa cho mình một hướng đi, một lý tưởng sống, một dâng hiến dành cho quê hương mà các anh chị nghĩ là đúng nhất. Sự chọn lựa nào cũng kèm theo đó sự hy sinh, cũng mang tính lịch sử và lịch sử Việt Nam trước 1975 là một lịch sử đầy nhiễu nhương, đau thương và ngộ nhận. Nhìn lại tuổi hai mươi không phải để phê phán những việc làm thời đó đúng hay sai. Sai hay đúng là thái độ của hôm nay và về sau chứ không phải của quá khứ.

Bốn mươi năm trước, nếu có người cho rằng xã hội miền Bắc tốt đẹp hơn xã hội miền Nam có thể đã không gây ra nhiều tranh cãi bởi vì các tệ nạn tham nhũng, quan chức lộng hành quá phổ biến ở miền Nam trong khi chưa ai thật sự sống một ngày dưới chủ nghĩa xã hội; thế nhưng, hơn 30 năm sau mà những người đó vẫn còn tiếp tục luận điệu giống như thế thì đó chỉ là một cách nói liều.

Bốn mươi năm trước, vì giới hạn về tài liệu tham khảo, nếu có người nhận xét ông Hồ Chí Minh, ông Trường Chinh, ông Lê Duẩn về mặt đạo đức tốt hơn các ông Tổng thống miền Nam có thể còn thông cảm, nhưng sau 30 năm với tất cả tài liệu đã được tiết lộ, Cải cách Ruộng đất, Nhân văn – Giai phẩm, vụ án xét lại, Tổng công kích Mậu Thân, chuyên chính vô sản, độc tài đảng trị, mà có người sùng bái các lãnh tụ cộng sản trên thì thật là một niềm tin mù quáng.

Tôi cũng cám ơn nhà văn Tô Nhuận Vỹ đã phổ biến tiểu luận “Nhà văn Việt Nam: Đổi mới và Hội nhập”, kết quả của đề tài nghiên cứu mà anh tham gia với William Joiner Center (WJC) thuộc Đại học Massachusetts trong hai năm 2005 đến 2007. Vài điểm trong tiểu luận của anh có thể thảo luận như tôi sẽ làm dưới đây, nhưng về tổng quát tiểu luận này đã giúp cho tôi thêm những kiến thức về sinh hoạt văn học trong nước mà tôi không biết đến nhiều.

Nhắc đến WJC, tôi nhớ lại những chuyện xảy ra mười năm trước. Tôi sống ở Boston và không xa lạ gì các khóa hội thảo mùa hè của WJC. Trong hai năm 1998 và 1999, tôi đã cùng một số anh chị trong giới cầm bút đến nói chuyện tại các khóa hội thảo mùa hè của trung tâm này. Mặc dù không phải là nhà văn, nhà thơ có những tác phẩm văn chương đủ tầm vóc để đại diện cho văn nghệ sĩ hải ngoại, tôi vẫn được mời, đơn giản chỉ vì tôi sống ngay tại Boston, quen thuộc với sinh hoạt của cộng đồng người Việt và đã có thời học ở Đại học Massachusetts.

Tôi ủng hộ quan điểm và thái độ tích cực tham gia vào các khóa hội thảo mùa hè tại Đại học Massachusetts của tổ chức cộng đồng Việt Nam. Thay vì tập trung các sinh hoạt trong nội bộ người Việt, sự có mặt trong những buổi thảo luận về văn học Việt Nam, chiến tranh và hậu quả xã hội Việt Nam tại các diễn đàn rộng hơn, liên quan đến nhiều quốc gia là những việc nên làm và ngay cả phải làm. Chúng ta đang đấu tranh cho quyền tự do phát biểu của đồng bào trong nước thì không có lý do gì tự giới hạn quyền phát biểu của chính mình trong một xã hội tự do.

Trong chiến tranh, chế độ Việt Nam Cộng hòa không có nhiều cơ hội để nói lên tiếng nói chính nghĩa của mình. Miền Nam không phải của ông Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu hay Dương Văn Minh mà là miền Nam của hơn hai chục triệu người, trong đó có một triệu người lính đã phải chiến đấu trong những điều kiện hết sức khó khăn, vừa cô đơn và cũng vừa cô thế. Những vành khăn tang trắng của những người vợ lính, những đứa bé mồ côi vì cha vừa tử trận chỉ trắng trong các khu gia binh nghèo, trong những căn nhà tranh heo hắt chứ không trắng trên các màn ảnh truyền hình quốc tế. Và từ sau 1975, các nhà văn, nhà thơ từ các quốc gia khác cũng chỉ biết Việt Nam dưới chế độ cộng cản qua vở kịch do Đảng Cộng sản Việt Nam dàn dựng, qua các khẩu hiệu tuyên truyền của phe có quyền ăn nói, nhưng không biết đến một Việt Nam khác đang bị bịt miệng, đang bị đày ải trong tù ngục và bị tước đoạt những quyền căn bản của con người. Do đó, giống như việc thắp lên que diêm trong đêm tối trời, gióng lên được một tiếng nói của lương tâm dù ở đâu cũng là điều cần thiết.

Ngoại trừ tôi, hầu hết các nhà văn miền Nam tham dự các khóa hội thảo mùa hè do WJC tổ chức đều đã nhiều năm phục vụ trong quân đội và thời gian ở tù sau 1975 cũng không ngắn hơn bao nhiêu so với quãng đời lính tráng của họ. Trong số anh em chúng tôi, nhà văn Hoàng Ngọc Liên lớn tuổi nhất. Vào tháng 9 năm 1999 ông đã ngoài 70 tuổi. Là một cựu sĩ quan cao cấp trong quân đội Việt Nam Cộng hòa và bị giam 13 năm trong các nhà tù khắp miền bắc, thế nhưng, ông không dùng diễn đàn WJC để tố cáo tội ác cộng sản, để đòi Đảng Cộng sản phải đền nợ máu trước nhân dân, đòi giới lãnh đạo Đảng phải ở tù ít nhất bằng số năm ông đã từng phải ở. Không. Nhà văn Hoàng Ngọc Liên xem buổi hội thảo chỉ là cơ hội để kể lại những điều mắt thấy tai nghe trong năm tháng ông ở tù và quan trọng hơn, nhắn gởi những lời đầy hy vọng đến những người cầm bút Việt Nam thuộc thế hệ trẻ trong nước cũng như đang tham gia trong khóa hội thảo mùa hè năm đó. Trong bài viết “Những câu chuyện chưa kể” ông đọc ở hội thảo vào buổi chiều ngày 1 tháng 9 năm 1999 tại Đại học Massachusetts, Boston, nhà văn Hoàng Ngọc Liên kết luận: “Tôi nghĩ rằng lâu nay, nhất là từ năm 2000, tuổi trẻ Việt Nam là kỳ vọng của dân tộc Việt Nam, trong chiều hướng góp phần xây dựng đất nước chúng tôi, một đất nước bị chiến tranh tàn phá, sau 24 năm hòa bình, thống nhất, vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu mà dân chúng hầu như xa lạ với những quyền Tự do căn bản của con người. Tôi, và những người như tôi, tin tưởng vào thế hệ trẻ, ủng hộ các bạn trẻ cầm bút, với văn phong mới mẻ hơn, súc tích hơn.”

Nếu câu nói trên do tôi nói ra thì chẳng có gì đáng để ý. Tôi trẻ hơn nhà văn Hoàng Ngọc Liên nhiều, chưa từng bị đánh đập, bị đày ải một ngày nào trong các trại tập trung Hoàng Liên Sơn, Thanh Phong, Vĩnh Phú, phát biểu hay ca ngợi lòng nhân ái là chuyện thường tình, nhưng nhà văn Hoàng Ngọc Liên thì khác, ông vừa mới thoát ra khỏi địa ngục trần gian cộng sản, sức khỏe chưa kịp phục hồi, thân thể còn đau nhức nhưng vẫn dựa lên các giá trị thiêng liêng của tình dân tộc và mục đích Tự do, Nhân bản cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau để nói lên những lời tâm huyết của mình. Thật quý hóa và may mắn biết bao nhiêu. Không ai hòa giải với ông và ông cũng chẳng cần ai hòa giải. Ông đã tự hóa giải các xung đột bằng nhận thức và qua đó đã hòa giải được với chính mình. Dù bị tù 13 năm ông đã bước ra khỏi cổng trại như một người chiến thắng chứ không phải người thua trận. Ông trở về như sau một cuộc hành quân dài chứ không phải một người vừa được trao trả tự do, bởi vì lý tưởng Tự do Nhân bản vẫn còn là nguồn thôi thúc trong lòng nhà văn 70 tuổi và ông vững tin mục đích tốt đẹp đó một ngày sẽ đến với đất nước Việt Nam.

Đọc tiểu luận “Nhà văn Việt Nam: Đổi mới và Hội nhập”, tôi cũng tìm thấy trong nhà văn Tô Nhuận Vỹ một ước vọng ngày mai tươi sáng như nhà văn Hoàng Ngọc Liên. Đất nước phải vượt qua những bế tắc, văn học phải vượt qua những bế tắc, mỗi nhà văn nhà thơ cũng phải tìm mọi cách vượt qua những bế tắc của chính mình để đi lên và đưa đất nước đi lên. Tuy nhiên, khác với nhà văn Hoàng Ngọc Liên ở điều kiện tự do, nhà văn Tô Nhuận Vỹ cho rằng bước đầu tiên và cần thiết nhất để hội nhập văn học Việt Nam trong cũng như ngoài nước là hòa hợp hòa giải trong giới văn nghệ sĩ: “đội ngũ nhà văn Việt Nam sẽ đóng vai trò đi đầu, là chiếc cầu nối cho việc hoà giải, hoà hợp dân tộc, đặc biệt giữa cộng đồng người Việt ở nước ngoài với đồng bào trong nước, do hoàn cảnh lịch sử, đã để lại một hố sâu ngăn cách, dị biệt chua xót sau chiến tranh.”

Tôi không nghi ngờ thiện chí của nhà văn Tô Nhuận Vỹ nhưng thành thật mà nói, hòa giải hòa hợp chỉ là một chiếc bóng do Đảng vẽ ra mà những người Việt có lòng đang đuổi bắt như đã từng đuổi bắt con bồ câu hòa bình trước 1975.

Hình ảnh con bồ câu trắng hiền hòa trên bầu trời quê hương thân yêu đã đẩy bao nhiêu tuổi trẻ Việt Nam tự nguyện lao vào chỗ chết, đơn giản bởi vì “nếu là chim tôi sẽ làm một bồ câu trắng và nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương”. Các thành phố lớn miền Nam như Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, đâu đâu cũng xuất hiện các phong trào đòi quyền sống, đòi hòa bình, đòi tự quyết. Các cuộc xuống đường diễn hành gần như mỗi ngày, mỗi tuần, nhiều đến nỗi làm cho dư luận quốc tế và cả những người hiểu biết giới hạn về chính trị có nhận xét trong các phe đang đánh nhau chỉ có chính quyền miền Nam mới là những kẻ hiếu chiến và đi ngược lại khát vọng hòa bình dân tộc.

Kỹ thuật tuyên truyền tinh vi của Đảng đã biến những người lính miền Nam đang ngày đêm đổ máu trong cuộc chiến mà không có quyền chọn lựa thành những kẻ sát nhân, trong lúc những kẻ ném lựu đạn vào nhà hàng Mỹ Cảnh, pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy, chôn sống đồng bào trên Bãi Dâu Huế, đặt mìn trên quốc lộ số một… lại trở thành những anh hùng dân tộc. Và sau 1975, mọi người đều biết tất cả các phong trào hòa bình giả tạo đó đều do Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo, những con chim bồ câu trắng xinh xinh kia là do bàn tay Đảng vẽ ra, và những kẻ ném bom ngày nào cũng không ai khác hơn chính là những đảng viên biệt động thành trung kiên của Đảng.

Tôi cũng không nghĩ cần thiết phải có một nhu cầu hòa giải trong giới văn nghệ sĩ dù một thời đã phải đứng hai bên chuyến tuyến khác nhau. Tôi chưa gặp anh Tô Nhuận Vỹ chỉ vì chúng ta chưa có điều kiện gặp nhau chứ không phải tôi hận thù, oán trách gì anh mà không gặp. Tôi đi rất nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều anh chị chú bác trong giới cầm bút nhưng rất hiếm khi gặp một nhà văn nhà thơ mang lòng thù hận các nhà văn nhà thơ trong nước. Một số khá đông không thích tham gia vào các tác phẩm viết chung giữa các nhà văn trong nước và hải ngoại bởi vì họ không muốn làm cái loa tuyền truyền giùm cho Đảng, vả lại những tác phẩm viết chung chẳng đem lại một lợi lạc gì cụ thể khi phần lớn chỉ phát hành tại hải ngoại chứ không phải trong nước, một nơi có 80 triệu người cần phải đọc. Sau 33 năm, hàng trăm tác phẩm được viết trước 1975 tại miền Nam vẫn chưa được tái bản, chưa được công nhận, nhà văn nhà thơ gốc Việt Nam Cộng hòa vẫn còn bị đối xử như một thứ công dân hạng hai, nói chi là các nhà văn nhà thơ vượt biên sau 1975 và tác phẩm của họ được viết ra tại hải ngoại. Nếu văn học là đời sống tinh thần của con người trong một thời đại nhất định thì văn học hải ngoại hẳn phải mang đậm nét của hành trình tìm tự do đầy gian khổ, đương nhiên những tác phẩm như thế sẽ không bao giờ có mặt trong một nhà sách nào ở Việt Nam khi chế độ cộng sản còn tồn tại.

Tình cảm giữa những người cầm bút dù bên này hay bên kia không xa cách nhiều như anh Tô Nhuận Vỹ lo lắng. Tôi còn nhớ mười năm trước, vài ngày trước khi đến WJC tham gia hội thảo, có người hỏi tôi, nếu gặp nhau trong buổi hội thảo, tôi sẽ làm gì, sẽ đối xử ra sao với những người được gọi là “văn nô cộng sản” từ Việt Nam sang. Tôi trả lời người đó rằng sau buổi hội thảo, tôi sẽ rủ các anh chị từ trong nước sang đi uống cà-phê. Mọi người ngồi chung quanh tôi hôm đó đều bật cười vì nghĩ rằng tôi nói chơi. Không, tôi nói thật. Tôi đã đi uống cà-phê với nhiều anh chị văn nghệ sĩ từ trong nước sang. Không giống như những năm đầu, thời anh Lê Lựu sang tham gia WJC trở về, viết những bài ký sự rẻ tiền được in trong hai tập ký Một thời lầm lỗi và Trở lại nước Mỹ, các anh chị đến những năm sau dễ thông cảm hơn nhiều. Gặp ai tôi cũng chỉ yêu cầu một điều, hãy viết về cuộc đời và đất nước như các anh các chị đã từng sống. Thời kỳ viết theo chỉ thị đã qua rồi, xin để lại cho các thế hệ mai sau những lời chân thật. Hơn bao giờ hết đất nước đang cần những người nói thật và sống thật.

Đối với các em sinh viên du học cũng thế. Tôi gặp họ rất sớm. Nhiều em mới sang còn đọc thơ Tố Hữu cho tôi nghe và còn nói về “Bác Hồ là vị cha chung, là sao Bắc Đẩu là vầng Thái Dương” của các em bằng một ánh mắt hồn nhiên và hãnh diện. Tôi kiên nhẫn nghe mà không phản đối bởi vì tôi hiểu đó là tất cả những gì em có. Thế giới tri thức của em từ lớp vỡ lòng đã được đóng khung trong những bài giảng đầy tính giáo điều cuồng tín. Một tuần lễ trước khi bị xử tử hình về tội diệt chủng, Nicolae Ceausescu vẫn còn được học sinh Rumani, giống như các em học sinh Việt Nam ngày nay, ca tụng là tinh hoa kết tụ từ dòng trường giang Danube. Tôi biết sau 4 năm đại học, các em sẽ thay đổi. Các em còn trẻ nên những thói hư tật xấu, mê tín dị đoan dễ đến nhưng rồi cũng sẽ dễ đi. Bệnh sùng bái cá nhân sẽ bớt dần, nhường chỗ cho ánh sáng khoa học thâm nhập vào tâm hồn trẻ trung của các em. Quá trình đổi mới nhận thức không diễn ra trong một sớm một chiều mà là một quá trình dài, từng bước và liên tục. Các em sẽ lớn lên và trưởng thành không phải chỉ ở tuổi tác mà cả về trí thức. Mỗi thế hệ có trách nhiệm riêng trong từng giai đoạn lịch sử. Các bậc cha chú dù đúng hay sai rồi cũng sẽ lần lượt xuống đất hay lên giàn hỏa và các em sẽ phải nghiêng vai gánh vác trách nhiệm lịch sử của thế hệ mình. Các em có quyền trách móc, đổ thừa nhưng không có quyền từ chối.

Cửa nhà tôi ngày đó giống như cửa chùa, ai đến cũng được, tôi chưa bao giờ hỏi lý lịch hay căn cước người nào. Cách nói và cách trả lời với từng người có thể khác, nhưng đều chuyên chở một quan điểm chính trị và niềm tin về tương lai đất nước giống nhau. Quan điểm chính trị của tôi rất rõ ràng và đơn giản. Với tôi, cả dân tộc Việt Nam từ Bắc đến Nam, từ nhà văn nhà thơ cho đến người chưa hề viết nổi một lá thư, từ các nhà trí thức học nhiều hiểu rộng cho đến các bác nông dân tay lấm chân bùn, từ các cha cho đến các thầy, từ những người đã chết sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập năm 1930 hay còn sống hôm nay, nói chung hơn 80 triệu người, đều là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản.

Đảng Cộng sản thắng trong chiến tranh không phải vì họ có chính nghĩa, mà bởi vì họ đã kiên trì với mục đích nhuộm đỏ Việt Nam, được tổ chức một cách tinh vi từ trung ương Đảng cho đến tận tổ ba người và khai thác triệt để lòng yêu nước sâu đậm của người dân Việt Nam. Tôi cũng có một niềm tin rằng dân tộc Việt Nam với mật độ dân số trung bình không quá đông hay quá ít, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, với lực lượng chuyên viên đông đảo trong các ngành khoa học đang có mặt trên khắp thế giới, với truyền thống yêu nước Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa vẫn chảy đầy trong huyết quản, nếu được chắp đôi cánh tự do, dân chủ, nhân bản, Việt Nam sẽ bay lên cao, sẽ thật sự trở thành một cường quốc kinh tế, cường quốc quân sự, sẽ đủ khả năng bảo vệ sự toàn vẹn vùng trời, vùng biển của tổ quốc thiêng liêng. Nếu không có tự do dân chủ, “khát vọng cất cánh” mà anh Tô Nhuận Vỹ nêu ra trong phần đầu tiểu luận chỉ là một giấc mơ tiên.

Có người cho rằng Đảng Cộng sản đã có một thời đồng hành với dân tộc, cùng hướng đến một mục tiêu như dân tộc Việt Nam, do đó vai trò lãnh đạo của Đảng ngày nay là hệ quả tất yếu của lịch sử. Tôi không đồng ý. Đó là lý luận của kẻ cướp. Với tôi, rất nhiều đảng viên Đảng Cộng sản tham gia chống Pháp phát xuất từ lòng yêu nước và đã chết cho đất nước như tôi đã nhiều lần viết trên diễn đàn này, nhưng bản thân Đảng Cộng sản như một tổ chức chính trị chưa bao giờ đồng hành với dân tộc. Việc giành lại nền độc lập và chủ quyền đất nước từ tay thực dân là mục tiêu, là bến bờ của dân tộc Việt Nam, trong khi đó đối với Đảng Cộng sản, độc lập dân tộc chỉ là phương tiện, một chiếc cầu, một chiếc ghe họ cần có để đi qua trên đường tiến tới cách mạng vô sản. Mục tiêu đó đã được khẳng định ngay trong “Luận cương chính trị” Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương do Trần Phú chủ trì năm 1930 và được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương phê chuẩn vào tháng 4 cùng năm:”Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong cuộc cách mạng; hai giai đoạn cách mạng từ cách mạng tư sản dân quyền chống đế quốc và phong kiến nhằm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và người cày có ruộng và sau đó chuyển sang làm cách mạng xã hội chủ nghĩa.”

Sau 1975, một số người từng xếp bút nghiên vào rừng “Chống Mỹ cứu nước” đã phẫn nộ, kết án giới lãnh đạo Đảng đi ngược lại quyền lợi dân tộc, phản bội lý tưởng, phản bội máu xương của đồng chí họ, đưa đất nước đi vào con đường nghèo đói, độc tài, đảng trị. Nghĩ cho đúng, đó là những lời kết án thiếu cơ sở lý luận lẫn thực tế. Thật là oan cho Đảng. Nếu họ chịu khó đọc các đề cương chính trị đại hội Đảng từ ngày thành lập 78 năm trước cho đến đại hội lần thứ X cách đây hai năm, sẽ thấy Đảng Cộng sản chưa bao giờ phản bội mục tiêu của mình. Mục tiêu cộng sản hóa toàn cõi Việt Nam và đặt dân tộc Việt Nam dưới quyền cai trị tuyệt đối của Đảng chưa bao giờ thay đổi. Vì một số điều kiện cách mạng và biến chuyển chính trị thế giới xảy ra ngoài tiên liệu, các chính sách của Đảng cũng phải theo đó mà áp dụng một cách thích nghi hơn, mềm dẻo hơn qua những chính sách gọi là “đổi mới”, “hội nhập” v.v…, nhưng mục đích của Đảng từ trước đến sau luôn nhất quán.

Có người đến nay vẫn nghĩ rằng việc họ hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng Cộng sản để đứng lên “Chống Mỹ cứu nước” là một lý tưởng cao đẹp của cuộc đời họ, nhưng không biết rằng câu đó chỉ là một trong hàng chục khẩu hiệu có tính giai đoạn mà Đảng đã dùng. Nếu Mỹ không qua Việt Nam thì Đảng có để yên cho nhân dân miền Nam xây dựng một xã hội tự do dân chủ không? Chắc chắn là không. Dĩ nhiên, Mỹ không qua sẽ không có khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước”, nhưng Đảng có thừa chuyên viên truyên truyền chuyên nghiệp để nghĩ ra những khẩu hiệu khác không kém phần khích động.

Tôi đồng ý với nhà văn Tô Nhuận Vỹ rằng giữa các nhà văn nhà thơ trong và ngoài nước hay đã từng đứng trên chuyến tuyến khác nhau vẫn còn “một hố sâu ngăn cách, dị biệt chua xót”, nhưng nghĩ cho đúng, cái hố sâu đó chẳng phải do nhà văn nhà thơ nào đào ra. Đó không phải là hố sâu tình cảm mà là hố sâu ý thức hệ. Theo lẽ tự nhiên, ai đào ra thì người đó phải lấp lại. Trách nhiệm hòa giải hòa hợp dân tộc, xóa bỏ các cách ngăn về ý thức hệ là trách nhiệm của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong suốt 33 năm qua với bao nhiêu cơ hội nhưng các lãnh đạo Đảng chẳng những không thể hiện một hành động nào cụ thể để chứng tỏ tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc mà càng đào sâu hơn những hố sâu ngăn cách, làm lở loét thêm những vết thương vẫn còn đang mưng mủ trên da thịt của nhiều triệu người Việt Nam. Việc yêu cầu chính quyền Nam Dương đập bỏ tấm bia tưởng niệm đồng bào chết trên Biển Đông hay việc tổ chức rầm rộ kỷ niệm 40 năm Mậu Thân trên nỗi đau câm nín của hàng ngàn đồng bào Huế là vài ví dụ điển hình.

Với đồng bào hải ngoại, những hành động xúc phạm hương linh của những em bé chết trôi, những bào thai ngột nước ngay lúc còn trong bụng mẹ, những oan hồn đang vất vưởng khắp Biển Đông như thế, làm sao lãnh đạo Đảng Cộng sản có thể vận động được đoàn kết trong ngoài, nhất là đối hơn hai triệu người Việt hải ngoại, để cùng đưa đất nước đi lên?

Với đồng bào trong nước, những chương trình ca nhạc rầm rộ mừng 40 năm chiến thắng Mậu Thân, trong lúc cùng thời điểm đó trên khắp ba miền đất nước, nhất là tại Huế, hàng trăm ngàn đồng bào đang khóc trong âm thần, trong tủi nhục, trong hờn căm u uất, thì làm sao lãnh đạo Đảng có thể phát huy được nội lực dân tộc?

Bất cứ một người Việt Nam nào với một trình độ nhận thức trung bình cũng biết những hành động vừa nêu của giới lãnh đạo Đảng là không cần thiết và quá đáng. Tôi tin ngay cả trong Bộ Chính trị và Trung ương Đảng cũng có người biết việc đó là phi nhân, lạc hậu, vụng về và quá đáng, nhưng họ không có chọn lựa nào khác ngoài việc phải làm, đơn giản bởi vì che đậy tội ác là phản ứng tự nhiên của những kẻ đã gây ra tội ác.

Chim bay cần đôi cánh nhưng không phải giống chim nào có cánh cũng có thể bay cao. Chim se sẻ chỉ biết bay quanh vườn, nhảy nhót trên những cành xoài, cành ổi, nhưng để có một hạm đội Việt Nam, một phi đoàn Việt Nam, một vệ tinh Việt Nam, một phi thuyền Việt Nam, đất nước phải cần có đôi cánh phượng hoàng, nói đúng hơn là đôi cánh dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam, với những mâu thuẫn đối kháng và bế tắc ngay từ bên trong cơ cấu độc tài đảng trị sẽ không có khả năng đưa đất nước lên ngang tầm với thời đại, và do đó, việc chọn lựa một con đường thay thế là trách nhiệm của các thế hệ Việt Nam trong và ngoài nước hôm nay.

Trần Trung Đạo

2008
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn