BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73344)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lược ghi cuộc gặp gỡ với phái đoàn của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ, ngày 25/10/2007

30 Tháng Mười 200712:00 SA(Xem: 895)
Lược ghi cuộc gặp gỡ với phái đoàn của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ, ngày 25/10/2007
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Ngày 18/10/2007, qua đường bưu điện, tôi nhận được Giấy mời của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn đề nghị tôi tham dự một cuộc gặp gỡ với phái đoàn của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ, vào lúc 16 giờ 10 phút, ngày 25/10/2007 tại Khách sạn New World, Quận 1, Sài Gòn.

Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ (http://www.uscirf.gov/) được thành lập năm 1998 và khởi sự hoạt động từ năm 1999. Ủy ban là cơ quan thuộc chính phủ Hoa Kỳ, do tổng thống bổ nhiệm và Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn. Nhiệm vụ của Ủy ban là theo dõi những vi phạm về các quyền tự do căn bản của con người trên phạm vi toàn cầu. Đó là các quyền tự do tư tưởng, thông tin, ngôn luận, tôn giáo, tín ngưỡng, v.v… Qua đó, với các bản phúc trình hàng năm của mình, Ủy ban sẽ đưa ra những báo cáo, khuyến nghị cho Chính phủ, Bộ ngoại giao, Tổng thống và Quốc hội Hoa Kỳ,… để giúp các cơ quan này hoạch định những chính sách cụ thể cho từng quốc gia mà Hoa Kỳ có quan hệ. Chương trình làm việc lần này của đoàn tại Việt Nam là từ 21/10 đến 1/11/2007. Đoàn sẽ đi từ Hà Nội vào Sài Gòn, rồi kế tiếp là Huế, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, … Đòan gồm 6 người, do ông chủ tịch Ủy ban Michael Cromartie dẫn đầu. Sau chuyến đi này, đoàn sẽ có trách nhiệm báo cáo lên các cơ quan trên của Hoa Kỳ.

 Đúng hẹn, tôi đã có cuộc gặp với phái đoàn trong 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Lẽ ra, cuộc gặp còn có bác sỹ Nguyễn Đan Quế, nhưng do những khó khăn khách quan, ông đã không đến được hôm ấy. Điều đặc biệt ở lần này là công an Sài Gòn đã không ngăn cản tôi như những lần trước. Mặc dù cũng như hàng ngày, tôi vẫn luôn bị công an mặc thường phục bám sát. Họ chia làm nhiều ca trực, với mỗi ca có 3 người, đi 2 xe gắn máy theo dõi tôi suốt ngày đêm, trong suốt mấy năm qua. Điều này, hàng trăm gia đình ở hai bên đường xung quanh nhà tôi, bạn bè, người thân của tôi đều biết. Gần nhất là cách đây khoảng 2 tháng, họ đã chặn tôi lại trên đường tôi đi gặp đại diện của các đại sứ quán Anh, Pháp, Đức rồi mời tôi về Cơ quan an ninh điều tra - Sở công an, tại số 4 Phan Đăng Lưu - quận Bình Thạnh. Vì vậy, cuộc gặp theo dự kiến đó đã không thực hiện được.

 Sau những phút chào hỏi, tôi đưa cho đoàn xem tờ nhật báo Thanh Niên (http://www.thanhnien.com.vn/ & http://www.thanhniennews.com/) cùng ngày. Trong đó ngay trên trang nhất có bài viết mang tựa đề: “Thẳng thắn, cởi mở, giải tỏa nhiều thắc mắc”, ghi lại chuyến thăm và làm việc của đoàn với Bộ công an Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Hưởng, thượng tướng, Thứ trưởng tiếp đoàn. Tôi nói: “Trong bài báo này có ghi lại yêu cầu của bà Felice D.Gaer, thành viên trong đoàn trực tiếp nêu lên 3 vấn đề với ông Nguyễn Văn Hưởng: “Thứ nhất là giúp đoàn điều tra một số trường hợp bị ngược đãi, giam cầm, bằng cách cho đoàn đi thăm một số người đang bị giam giữ. Thứ hai là trả tự do cho những người bị bắt giữ vì họ bày tỏ quyền con người cơ bản và cả hai trường hợp này, đoàn đều có sẵn danh sách. Thứ ba là đoàn mong muốn phía Việt Nam đề ra phương thức để ngăn chặn những trường hợp bị ngược đãi trong tương lai, bằng cách tiến hành điều tra đầy đủ. Thiết lập cơ chế điều tra độc lập, minh bạch về những trường hợp bị ngược đãi. Việt Nam cũng cần nghiên cứu đề ra phương thức về đào tạo cán bộ để họ có thể tiếp cận, xử lý các vấn đề về nhân quyền một cách công bằng và nhân đạo.”. Đọc hết bài báo tôi thấy rằng phản ứng của ông Nguyễn Văn Hưởng về những đề nghị trên là khá tích cực, ít ra là ở lời nói. Do vậy, tôi đề nghị phái đoàn hãy tận dụng cơ hội này để thực hiện những nội dung mà bà Felice D.Gaer đã nêu trên, ngay trong chuyến công tác này”. Ông chủ tịch Ủy ban đã trả lời tôi rằng: “Chúng tôi đã thực hiện được một phần những đề nghị trên; đó là đã vào một nhà tù ở Hà Nội để thăm 2 luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân đang bị giam giữ tại đó”, và ông hỏi tôi có bị bất ngờ về tin này không? Vì sao?

Trả lời:

Vâng, tôi ngạc nhiên về tin tức mà ông vừa thông báo; bởi vì có thể nói đây là lần đầu tiên nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cho phép một đoàn nước ngoài được làm như vậy. Theo tôi, có ít nhất hai lý do để giải thích cho động thái khác thường này của họ. Thứ nhất là nhu cầu cần phải giải tỏa những áp lực quốc tế đang được tạo nên một cách rất mạnh mẽ, thường trực như hiện nay. Trong đó có áp lực của chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, sau đợt đàn áp, bắt bớ những người đấu tranh dân chủ trong nước vào cuối năm 2006, đầu năm 2007 vừa qua. Điều này Tổ chức Quan sát nhân quyền (H.R.W) đã gọi là “đợt đàn áp tệ hại nhất trong vòng 20 năm qua”. Thứ hai là xuất phát từ nhu cầu muốn tẩy rửa bộ mặt vi phạm nhân quyền ở Việt Nam cho bớt lem luốc trước quốc tế, trong xu thế Việt Nam buộc phải hội nhập toàn diện và không thể đảo ngược được hiện nay. Nhất là khi Việt Nam đã tham gia vào W.T.O và mới đây được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc.

 Tuy nhiên, tôi rất mong quý vị hãy hiểu cho rằng: cả hai nhu cầu trên đều xuất phát từ lợi ích của một thiểu số nắm đặc quyền, đặc lợi trong ĐCS Việt Nam mà thôi. Họ là những người được toàn quyền lèo lái con thuyền Việt Nam đi theo những tính toán có lợi cho họ và dỹ nhiên là có hại cho đại bộ phận dân tộc chúng tôi. Vì vậy, một khi mà những nhu cầu kia được thỏa mãn, các áp lực đã được giải tỏa,… thì khả năng là: ngay lập tức, họ sẵn sàng ra lệnh cho bộ máy chuyên chính vô sản Việt Nam thẳng tay đàn áp những người yêu nước đang đứng lên đấu tranh quyết giành lại tự do, dân chủ cho dân tộc chúng tôi hôm nay. Điều này chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm lịch sử.

 Tiếc rằng, có rất nhiều cá nhân và đoàn khách quốc tế vào Việt Nam trước đó đã bị họ đánh lừa và tôi hy vọng rằng sẽ không có ai bị họ đánh lừa thêm nữa. Dẫu sao, những động thái trên cũng là đáng mừng và chúng tôi hoan nghênh. Mặt khác, nó cũng giúp chúng tôi những chỉ dấu cần thiết để tiếp tục vững bước trên con đường đấu tranh của mình. Mà một trong những chỉ dấu đó là: cũng như tất cả các chế độ độc tài từ trước tới nay thì chế độ độc tài ở Việt Nam hiện nay cũng vậy; họ chỉ chịu nhượng bộ các lực lượng dân chủ trong nước và quốc tế khi và chỉ khi những áp lực tạo ra đối với họ đủ mạnh mà thôi! 

Hỏi: Chúng tôi đã gặp một số người bị bắt, bị đàn áp vừa qua. Họ nói rằng họ chỉ thực hiện những quyền tự do căn bản của con người; họ không vi phạm Hiến pháp và luật pháp Việt Nam. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Trả lời: Đúng, tất cả những người đấu tranh cho tự do, dân chủ bị bắt, bị đàn áp, sách nhiễu vừa qua và cả trước đó nữa, mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã quy cho họ theo Điều 88 của Bộ luật hình sự, với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” đều vô tội. Bởi vì, Điều 88 trên đã vi phạm nghiêm trọng chính cái Hiến pháp hiện hành của nước CHXHCN Việt Nam. Cụ thể là vi phạm Điều 69 Hiến pháp quy định rằng: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Những chứng cớ phi lý mà các cơ quan tư pháp Việt Nam thường đưa ra để kết tội những người đấu tranh là: “… Cơ quan công an đã phát hiện và kịp thời ngăn chặn được âm mưu của bọn phản động, bất mãn, cơ hội chính trị trong nước, câu kết với các thế lực thù địch ngoài nước để tự động ra báo, tự động lập hội, lập đảng, liên đảng, liên minh; chúng đòi đa nguyên, đa đảng, đòi trưng cầu dân ý,… khám nhà chúng, công an đã tìm ra nhiều tài liệu có nội dung trên, tìm ra nhiều máy tính, điện thoại, Simcard,…”. (!)

 Một trong những mánh khoé làm luật rất phổ biến ở Việt Nam là: Hiến pháp thì quy định làm ra vẻ như công dân Việt Nam có quyền được hưởng những quyền tự do căn bản của con người, theo các tiêu chuẩn quốc tế lắm. Thế nhưng, cái dòng chữ rất đỗi hiền hòa “theo quy định của pháp luật” gắn ở cuối câu đã triệt tiêu hầu hết những quyền tự do của người dân Việt Nam viết ở đầu câu, mà Điều 88 - Bộ luật hình sự trên là một ví dụ điển hình. Ở Việt Nam, tất cả các ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp và truyền thông nhà nước đều tập trung mọi nỗ lực, theo chiếc gậy chỉ huy chung để trói tay, bịt miệng những con người dám dũng cảm đứng lên đấu tranh giành lại các quyền tự do cho dân tộc. Tấm hình viên trung tá công an Nguyễn Minh Tân bịt miệng Linh mục Nguyễn Văn Lý trong phiên tòa xử ông và các cộng sự vào cuối tháng 3/2007 vừa qua tại Huế là một bằng chứng cụ thể và hùng hồn nhất để chứng minh cho nhận xét này.

 Tôi khẳng định: những người từ trước đến nay bị truy tố bởi tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” đều là những người yêu nước, thương nòi. Luận điệu của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cho rằng: “Ở Việt Nam không có ai bị bắt vì lý do bất đồng chính kiến, mà chỉ có những kẻ vi phạm luật pháp Việt Nam. Họ bị bắt về các tội hình sự,…” là một luận điệu giả trá, chạy tội. Chính họ, những kẻ chủ trương và thực hiện việc đàn áp, bắt bớ, sách nhiễu, kết tội những người đấu tranh dân chủ từ trước đến nay mới là những kẻ có tội nặng với dân tộc. Họ thực sự là một thế lực phản dân chủ và phản dân tộc đã và đang luôn tìm cách cản đường dân tộc Việt Nam chúng tôi muốn đi hôm nay.

 Hỏi: Trong bản danh sách những người tự nguyện tham gia vào Khối 8406, chúng tôi thấy có rất nhiều vị là người của các tôn giáo ở Việt Nam. Theo ông thì vì sao lại có hiện tượng đó?

Trả lời: Theo tôi, điều đó là rất tự nhiên. Bởi vì khi tự nguyện tham gia vào Khối 8406 (được thành lập sau khi bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ Cho Việt Nam 2006, được công bố vào ngày 8/4/2006) thì tôi hiểu rằng các quý vị ấy đều ý thức một cách rất rõ: nếu phong trào dân chủ Việt Nam giành được các quyền tự do dân chủ thì hệ qủa tất yếu là quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng cũng sẽ được tôn trọng. Bản Tuyên ngôn 8406 chẳng những đã nói lên được thực trạng, nguyên nhân của sự mất tự do mà còn vạch ra được con đường để giành lại các quyền tự do ấy cho dân tộc chúng tôi. Đó chính là lý do vì sao mà nhiều vị là người của các tôn giáo đã tự nguyện và tích cực tham gia vào Khối 8406.

 Hỏi: Ông có tin rằng tự do kinh tế sẽ dẫn đến tự do chính trị?

Trả lời: Vâng, tôi tin vào điều đó. Tuy nhiên, tự do về kinh tế chỉ là điều kiện cần, chứ nó không phải là điều kiện cần và đủ để Việt Nam có tự do về chính trị. Đó cũng chính là lý do mà chúng tôi đã và đang đứng lên đấu tranh để hai sự tự do này phải được tiến hành đồng thời. Trong đó, một trong những tiêu chí quan trọng của quyền tự do về chính trị là phải có sự đa đảng. Chừng nào mà trên chính trường Việt Nam vẫn chỉ có duy nhất một Đảng cộng sản Việt Nam tung hoành một cách rất bất lương như hiện nay thì chừng đó, những cái gọi là “tự do” chỉ là sự giả trá, quay quắt, ngụy biện của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hòng đối phó trước áp lực đòi tự do dân chủ của nhân dân Việt Nam và của thế giới tiến bộ hôm nay mà thôi.

 Đất nước chúng tôi đang rất cần vốn liếng, công nghệ, chất xám,… để xây dựng và phát triển. Nhưng trước hết và trên hết vẫn là cần sự tự do về chính trị. Nếu không, tất cả những gì nhân dân chúng tôi có thể đạt được về mặt kinh tế sẽ bị chính cái hệ thống chính trị cực kỳ vô cảm, thoái hóa và hư hỏng; cực kỳ tham nhũng, lãng phí và đạo đức giả hiện nay nuốt chửng mà thôi. Chẳng phải đâu xa, tôi xin lấy một trong hàng trăm ngàn ví dụ: chỉ tính riêng việc theo dõi, phân tích, tổng hợp,… về tôi thì hàng tháng, bộ máy ấy đã tiêu tốn của nhân dân hàng trăm triệu đồng tiền thuế (khoảng 6000 USD/tháng). Nó tương đương với khoảng 8 năm thu nhập bình quân của 1 công nhân làm việc trong các Khu công nghiệp (khoảng 1 triệu VNĐ/tháng), và tương đương với 15 năm thu nhập bình quân của 1 nông dân Việt Nam (khoảng 500.000 VNĐ/tháng). Bộ máy ấy không hề tiếc tiền của, công sức của quốc gia chỉ để tìm mọi cách duy trì cái chế độ độc đảng phản dân, hại nước hiện nay. Điều đau lòng cho dân tộc chúng tôi là vậy.

 Hỏi: Phong trào của các ông có bao nhiêu người? Chúng tôi được biết là nhiều nước trên thế giới đã giành được tự do, dân chủ với vai trò quan trọng của tầng lớp sinh viên. Điều đó thể hiện ở Việt Nam ra sao? Ông đánh giá thế nào về triển vọng sắp tới của phong trào?

Trả lời: Nếu chỉ tính riêng với Khối 8406 thì lúc ban đầu thành lập vào ngày 8/4/2006 mới chỉ có 118 người tham gia. Nhưng chỉ vài tháng sau, con số ấy đã là hàng ngàn, rồi hàng chục ngàn người ở khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam và cả đồng bào tôi ở nước ngoài; họ bao gồm đủ mọi thành phần trong xã hội. Đây là một con số thực tế: có rất nhiều người bị bắt bớ vừa qua là thành viên của Khối 8406 chúng tôi. Nó chứng tỏ một sự chuyển biến mạnh về cả chất và lượng của phong trào dân chủ Việt Nam. Tôi tin rằng con số này trong tương lai sẽ phát triển thành hàng triệu, hàng chục triệu người và hơn thế nữa, cho dù nhân dân có bị đàn áp bởi nhà cầm quyền thế nào đi chăng nữa.

 Chúng tôi xác định rằng: tầng lớp sinh viên nói riêng và tầng lớp trí thức nói chung vừa là lực lượng vừa là động lực của cuộc đấu tranh giành lại tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Chúng tôi tìm đến với họ và họ cũng tự tìm đến với chúng tôi. Điều đáng mừng là mối liên hệ ấy đang phát triển ngày càng mạnh mẽ, mặc dù nhà cầm quyền rất lo sợ điều này và luôn tìm cách đánh phá.

 Chặng đường đấu tranh sắp tới sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng thuận lợi mới là căn bản. Chúng tôi đã xác định được một đường lối đấu tranh đúng đắn và nỗi lo sợ bị đàn áp bởi bộ máy chuyên chính vô sản Việt Nam đã và đang dần bị đẩy lùi trong nhân dân. Đây là thời cơ thuận lợi để xây dựng và liên minh các lực lượng dân chủ Việt Nam. Một thế trận đấu tranh mới đã hình thành và phát triển. Chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ ngày càng mạnh mẽ và có hiệu qủa của đại bộ phận dân tộc, cùng thế giới tiến bộ hôm nay. Năm 1977, khi Vaclav Havel và các cộng sự của ông ở Tiệp Khắc công bố trước toàn thế giới bản “Hiến Chương 77” thì 12 năm sau, năm 1989 với thắng lợi của cuộc “Cách mạng Nhung” đã giúp dân tộc này thoát khỏi ách độc tài cộng sản, mở đường cho nền dân chủ phát triển ở đây. Năm 2006, chúng tôi đã có bản Tuyên Ngôn 8406 và chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng: với điều kiện trong nước và quốc tế đã thuận lợi hơn rất nhiều so với 30 năm trước, nhất định dân tộc chúng tôi cũng sẽ giành được nền dân chủ thực sự như nhân dân Tiệp Khắc, nhưng với khoảng thời gian ngắn hơn.

 Tôi cũng tin rằng nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ đều sẽ cùng được hưởng lợi một khi nền dân chủ ấy đến. Bởi vì chỉ có khi ấy thì nền an ninh khu vực, an ninh biển Đông, an ninh từ các khoản viện trợ, đầu tư, …mới có cơ sở vững chắc để được gìn giữ. Và cũng chỉ có khi ấy thì vấn đề tìm kiếm những tù binh, những người bị mất tích trong chiến tranh (POW/MIA) của Hoa Kỳ, của Việt Nam ở cả 2 phía mới được tiến hành nhanh chóng và thực chất, v.v…Bởi một lẽ đơn giản là: chất lượng của mối quan hệ giữa 2 quốc gia dân chủ nhất định sẽ tốt hơn nhiều lần so với chất lượng của mối quan hệ giữa một bên là dân chủ, còn bên kia lại là độc tài, thường đem những vấn đề trên ra để mặc cả một cách rất thiếu tử tế.

 Cuộc gặp kết thúc lúc 5 giờ 45 phút cùng ngày và chúng tôi đã có những tấm hình chụp chung làm kỷ niệm. Chúng tôi cảm ơn nhau về buổi gặp gỡ rất chân tình, thẳng thắn này và mong rằng sẽ có những cuộc gặp nữa sắp tới.

Phương Nam - Đỗ Nam Hải.

Sài Gòn - Việt Nam, ngày 30/10/2007.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn