BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72826)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phỏng vấn Phương Nam Đỗ Nam Hải: Đảng CSVN vẫn cứ là lực lượng lãnh đạo trực tiếp toàn diện và tuyệt đối dân tộc

16 Tháng Hai 200712:00 SA(Xem: 788)
Phỏng vấn Phương Nam Đỗ Nam Hải: Đảng CSVN vẫn cứ là lực lượng lãnh đạo trực tiếp toàn diện và tuyệt đối dân tộc
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Kính thưa quý thính giả, như quý vị đã biết trong thời gian vừa qua, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (CSVN) luôn sách nhiễu và có những sự đàn áp đối với những nhà đấu tranh cho dân chủ trong nước, trong đó có kỹ sư Đỗ Nam Hải. Rất may mắn, hôm nay Đối Thoại Online đã liên lạc được với anh hiện đang ở Sài Gòn, và sau đây xin mời quý thính giả theo dõi cuộc trao đổi của chúng tôi với kỹ sư Đỗ Nam Hải về cuộc bầu cử do đảng CSVN tổ chức.



  • Tải xuống để nghe

  •  


    Duy Khang: Thưa anh, Hội nghị trung ương của đảng CSVN, họp từ ngày 15/1-24/1/2007 đã quyết định là cuộc bầu quốc hội khóa 12 sẽ diễn ra vào Chủ nhật 20/5/2007. Sau đó Ủy ban thường vụ quốc hội đã có cuộc họp và có các quyết định là tổng số đại biểu quốc hội được bầu của khóa 12 là 500 đại biểu, trong đó có 160 đại biệu quốc hội khóa 11 tái cử. Thưa anh, anh có nhận xét gì về sự kiện dân chúng chưa bầu mà đã có 160 đại biểu quốc hội tái cử ạ?

    Ks Đỗ Nam Hải: Xin kính chào quý thính giả, tôi là Phương Nam – Đỗ Nam Hải đang phát biểu từ thành phố Sài Gòn, Việt Nam. Về câu hỏi vừa rồi thì tôi xin có một vài nhận xét như sau:

    Nếu nói về mặt số lượng thì đại biểu quốc hội khóa 11 so với khóa 12 sắp tới không chênh lệch nhau bao nhiêu. Tức là 496/500 đại biểu, chênh lệch có 4 đại biểu. Tuy nhiên, cũng như các cuộc bầu cử đại biểu quốc hội trước đây thì lần này cũng vậy, mọi việc đều do Bộ chính trị, Ban bí thư trung ương và Hội nghị trung ương quyết định. Cụ thể kỳ bầu cử quốc hội khóa 12 này là do Hội nghị trung ương đảng CSVN họp từ ngày 15-20/1/2007 quyết định. Từ đó các bộ máy khác, thí dụ như bộ máy quốc hội, bộ máy chính quyền từ trung ương tới địa phương và cơ sở sẽ là cụ thể hóa những sự định hướng, chỉ đạo ấy mà thôi.

    Trong hoàn cảnh, điều kiện như vậy thì cũng giống như 11 kỳ bầu cử quốc hội trước đây, việc chưa bầu mà người ta đã biết được số lượng người trúng cử là chuyện bình thường. Đối với các nước có nền tự do dân chủ, đa nguyên đa đảng thật sự thì nó là điều bất thường, thậm chí là điều dị thường. Thế nhưng, ở Việt Nam thì đấy là điều mà dân tộc Việt Nam đã phải chấp nhận nó bao nhiêu năm rồi. Đấy là một vài nhận xét ban đầu của tôi về việc bầu cử quốc hội khóa 12 này.

    Duy Khang: Thưa anh, Ủy ban thường vụ quốc hội cũng đã chỉ định Ban tổ chức bầu cử gồm 21 người, đứng đầu là ủy viên bộ chính trị, đương kim chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Theo anh thì liệu rằng với BTC như vậy thì cuộc bầu cử năm nay có khác so với những cuộc bầu cử quốc hội trước đây không?

    Ks Đỗ Nam Hải: Theo tôi thì chắc chắn không có một sự thay đổi gì gọi là cơ bản cả. Mặc dù họ cũng nêu ra được vài điểm gọi là có cải tiến, có đổi mới. Ví dụ như là tăng số đại biểu quốc hội chuyên trách lên, hoặc tăng số đại biểu không phải là đảng viên cộng sản trong quốc hội lên, v.v… Tuy nhiên, như trên tôi đã trình bày thì vấn đề cơ bản không hề được thay đổi; đó là đảng CSVN vẫn cứ là lực lượng lãnh đạo trực tiếp toàn diện và tuyệt đối dân tộc. Theo tôi thì những thay đổi trên hoặc là những thay đổi nào đó mới, nếu có từ đây cho tới ngày bầu cử quốc hội 20/5/2007 thì cũng chỉ là một sự thay đổi, mà nói một cách hình ảnh là sự thay đổi của con Kỳ Nhông luôn thay đổi sắc màu, để phù hợp với điều kiện, môi trường mới mà thôi. Nó không phải là sự thay đổi thực chất mà dân tộc cần, nó chỉ là sự thay đổi mà đảng CSVN muốn mà thôi.

    Duy Khang: Trong bối cảnh như vậy thì theo anh có nên tẩy chay cuộc bầu cử này không ạ?

    Ks Đỗ Nam Hải: Theo tôi thì việc tẩy chay là cần thiết. Việc tẩy chay này làm rõ được tính bịp bợm một lần nữa. Nó giống như sự bịp bợm của những lần bầu cử quốc hội trước đây ở Việt Nam. Tất nhiên tôi cũng hiểu rằng việc tẩy chay này không có nghĩa rằng là họ sẽ thất bại. Họ cũng vẫn cứ “thắng lợi rực rỡ”, vẫn cứ là “99% cử tri đi bầu” và các đại biểu đắc cử thì cũng vẫn cứ thắng cử từ 80%-90% trở lên, v.v…Thế nhưng, khi chúng ta tẩy chay như thế thì chúng ta đã làm được một việc rất quan trọng là làm lộ rõ tính chất lừa dối của cuộc bầu cử này.

    Trong điều kiện văn minh ngày nay thì sự kiện “Đảng cử dân bầu” là không thể chấp nhận được. Tất nhiên tôi cũng nghĩ rằng có thể sau kỳ bầu cử quốc hội mới này cũng có một vài người nào đó có tài, có đức, và họ cũng có thể nói được những tiếng nói phản biện. Nhưng theo tôi thì một nhóm người nhỏ nhoi như vậy cũng khó có thể xoay chuyển được tình hình. Vấn đề, theo tôi vẫn cứ phải là một cuộc bầu cử tự do, công bằng thực sự mà trong đó điều kiện cơ bản phải là một cuộc bầu cử đa đảng thì nó mới có tính cạnh tranh thật sự. Còn bầu cử độc đảng thì dù có thay đổi một vài điểm nào đó nhưng nhất định nó không phải là một sự thay đổi thực chất; cho dù nó có được tô son, chát phấn thế nào đi nữa.

    Duy Khang: Qua sự nhận xét và trình bày của anh như vậy, là một người luôn luôn trăn trở với sự nghiệp dân chủ và tự do cho đất nước thì theo anh trong điều kiện nào thì cuộc bầu cự quốc hội mới có thể chấp nhận được?

    Ks Đỗ Nam Hải: Như trên tôi đã trình bày thì cuộc bầu cử có thể chấp nhận được phải là cuộc bầu cử đa đảng, có quốc tế giám sát như các nước Đông Âu đã làm cách đây 16 - 17 năm, khi họ chuyển mình từ chế độ cộng sản độc tài độc đảng, toàn trị sang một chế độ đa nguyên đa đảng tiến bộ. Trước hết thì họ phải có được sự thay đổi về hiến pháp. Tức là thay thế hiến pháp của một nền chính trị độc đảng sang hiến pháp của nền chính trị đa đảng. Khi đó thì các lực lượng chính trị mới sẽ được hình thành, phát triển và lúc này mới có thể nói đến tính cạnh tranh lành mạnh trên chính trường. Chỉ có như vậy thì mới có thể là một cuộc bầu cử thật sự có thể chấp nhận được mà thôi.

    Duy Khang: Có nhiều người cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, vì chưa đủ áp lực để đạt được những điều kiện mà chúng ta đòi hỏi thì vẫn phải cố gắng tìm cách ứng cử với hy vọng là sẽ lọt được vào quốc hội, để có tiếng nói chính thức trong quốc hội. Anh nghĩ sao về chủ trương này, thưa anh Hải?

    Ks Đỗ Nam Hải: Theo tôi thì như thế này, nếu như chúng ta chưa tạo ra đủ áp lực để buộc đảng CSVN phải chấp nhận một cuộc bầu cử đa đảng, thì chúng ta phải làm hết sức mình để có được áp lực đủ mạnh ấy. Để dù muốn hay không muốn thì họ cũng buộc phải chấp nhận cuộc bầu cử đa đảng đó. Còn nếu như bây giờ chúng ta chấp nhận tham gia vào cuộc bầu cử lừa bịp này thì theo tôi, nó là một biện pháp cải lương, nửa vời. Khối 8406 cũng đã phân tích, so sánh và thấy rằng: giữa việc tẩy chay bầu cử lần này để làm bộc lộ rõ ra tính lừa bịp thì nó sẽ có lợi hơn là tham gia vào đó, để rồi cuối cùng cũng chẳng đi được tới đâu; họ vẫn cứ “thành công rực rỡ”! Và với bộ máy tuyên truyền hiện nay của đảng CSVN thì họ cũng sẽ lu loa với cả dư luận trong nước và thế giới rằng: “Đó, quý vị thấy không, chúng tôi cũng đã có được một cuộc bầu cử tự do, công bằng thật sự. Những đại biểu quốc hội này được bầu là do dân tộc này bầu ra thật sự. Cho nên hãy chấp nhận kết quả cuộc bầu cử đó đi, hãy chấp nhận quốc hội đó đi!”. Vì vậy, theo tôi thì nó điều đó sẽ có hại hơn là có lợi. Khối 8406 và Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam đã quyết định là kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử bịp bợm này. Đây là điều hợp pháp và là điều mà chúng ta có thể chủ động làm được. Còn nếu như chúng ta tham gia ứng cử thì chúng ta hoàn toàn bị động vào bộ máy lừa bịp, gian dối hiện nay của nhà cầm quyền CSVN.

    Tuy nhiên, chúng tôi cũng hoan nghênh và cũng ủng hộ cho bất cứ một đại biểu quốc hội nào có tiếng nói phản biện thật sự ở trong quốc hội mới. Bởi vì dù ít dù nhiều thì nó cũng làm cho cái không khí dân chủ trong quốc hội 12 sẽ được cải thiện hơn trước. Thế nhưng, như trên tôi đã trình bày, nó vẫn không phải là cái mà dân tộc cần. Cái mà dân tộc cần hiện nay phải là một quốc hội đa đảng thật sự do nhân dân bầu ra, có sự giám sát của quốc tế như các nước Đông Âu 16 - 17 năm về trước đã có được, bởi sự đấu tranh dũng cảm và bền bỉ của họ.

    Duy Khang: Thưa anh Hải, khi phần trao đổi này được phóng lên diễn đàn Đối Thoại Online thì không còn mấy ngày nữa chúng ta sẽ bước sang năm mới Đinh Hợi 2007. Chúng tôi thay mặt quý thính giả và độc giả của Đối Thoại Online xin chúc anh một năm mới được nhiều sức khỏe, chân cứng đá mềm và đạt được mọi thắng lợi trong công cuộc dân chủ hóa đất nước.

    Ks Đỗ Nam Hải: Nhân dịp năm mới sắp tới, tôi cũng xin chúc quý vị thính giả một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong công việc của mình. Và chúc cho nền dân chủ Việt Nam trong năm 2007 này sẽ đạt được nhiều thắng lợi mới to lớn hơn nữa, trên cơ sở phát huy những thắng lợi đã đạt được trong năm 2006 vừa qua.

    Duy Khang - Đối Thoại Online - 02/2007
    Gửi ý kiến của bạn
    Tắt
    Telex
    VNI
    Tên của bạn
    Email của bạn