BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76377)
(Xem: 63036)
(Xem: 40426)
(Xem: 32020)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trần Hoài Thư, 'hiệp sĩ lẻ loi' của văn chương miền Nam

16 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 1355)
Trần Hoài Thư, 'hiệp sĩ lẻ loi' của văn chương miền Nam
56Vote
40Vote
30Vote
22Vote
10Vote
4.38
WESTMINSTER - Có lẽ không ai yêu và quý văn học miền Nam Việt Nam bằng Trần Hoài Thư, một người sống ở hải ngoại, không có nhiều phương tiện, nhưng đã bỏ ra hàng ngàn giờ để nghiên cứu, sao chép, và đóng thành sách những tác phẩm không còn xuất bản nữa.









“Nhà xuất bản” Trần Hoài Thư cắt sách. (Hình: Trần Hoài Thư cung cấp)

Một công trình, chỉ để “tặng bạn hữu khắp nơi.”

“Tôi may mắn sống 'gần' thư viện đại học Cornell University, yêu sách, tự học đóng sách, và cứ thế mà tôi làm ngày này qua tháng nọ,” nhà văn Trần Hoài Thư kể về chuyện ông tự tay đóng hàng trăm cuốn sách, ghi chép lại các tác phẩm văn học của miền Nam Việt Nam trước 1975.

Cho đến nay, Trần Hoài Thư đã “xuất bản” hơn 100 cuốn sách, của các tác giả, như Bùi Nghi Trang, Hạc Thành Hoa, Từ Thế Mộng, Nguyễn Bắc Sơn, Trần Hiền Ân, Cao Thoại Châu, Lữ Kiều, Lê Ký Thương... và một số tuyển tập, như “Thơ miền Nam trong thời chiến,” “Thơ tình miền Nam,” “Văn miền Nam,” “Một thời lục bát miền Nam...”









Nhà văn Trần Hoài Thư. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

“Ban đầu cũng thất bại, không có tiền xuất bản, chỉ cặm cụi làm, nhờ có kinh nghiệm điện toán, nhưng chỉ để tặng bạn bè. Dần dần có người biết, đặt làm, và coi công việc như niềm vui sau khi về hưu,” ông chia sẻ.

Nói là sống “gần,” nhưng thực ra lái xe từ Plainfield, New Jersey, nơi nhà văn Trần Hoài Thư cư ngụ, đến đại học Cornell University ở Ithaca, New York, cũng phải mất năm giờ đồng hồ lái xe.

Ông Trần Hoài Thư kể: “Ban đầu, một người bạn, nhà thơ Thành Tôn, đề nghị tôi nên lập tài liệu sưu tầm văn học miền Nam Việt Nam. Tôi liền vào Internet tìm kiếm, thấy đại học Cornell University có một kho tàng sách in tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975 rất đồ sộ. Thế là tôi rủ vợ lái xe lên đó, vào thư viện tìm tòi, quả đúng thật như vậy.”









Những cuốn sách do Trần Hoài Thư “xuất bản” bằng tay. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

“Mỗi lần đi phải thức dậy từ 3 giờ sáng, lái năm tiếng đồng hồ mới đến nơi, chiều lái năm tiếng về nhà, hai vợ chồng thay phiên nhau lái, cứ thế mà đi. Có ngày trời tuyết cũng đi, vì không thể ngồi nhà. Thấy kho sách ở Cornell không thể ngồi yên được,” ông kể tiếp.

Ban đầu, ông photocopy từng trang sách, 25 cent mỗi bản, mang về nhà đóng lại thành sách, riết rồi không chịu nổi, ông phải tìm cách khác.

Nhà thơ Trần Hoài Thư kể: “Cứ tính đi, 25 cent mỗi tờ, tiền nào chịu cho thấu. Thế là tôi mua chiếc máy scan. Mỗi lần đến thư viện, tôi và vợ cùng nhau scan những trang sách, lưu vào máy điện toán mang về. Ban đầu đóng và cắt bằng tay, riết rồi chịu cũng không xuể. Thế là tôi tự chế máy đóng sách dã chiến. Dần dần rồi quen. Còn khâu đóng sách thì vẫn làm bằng tay.”









Nhà văn Trần Hoài Thư nghiên cứu văn học miền Nam Việt Nam trong thư viện đại học Cornell University. (Hình: Trần Hoài Thư cung cấp)

Việc làm của ông Trần Hoài Thư có thể nói không khác một chuyên viên lưu trữ văn khố cho văn học miền Nam.

“Đối với tôi, những tác giả trong thời chiến là thiệt thòi nhất. Họ đâu có ở Sài Gòn, họ phải ra mặt trận, vừa đánh trận vừa viết, không có cơ hội để xuất bản. Thỉnh thoảng có một bài đăng báo là vui rồi. Rồi họ bị bức tử năm 1975, không ai đếm xỉa đến văn chương của họ. Tôi muốn lấy lại danh dự cho họ. Và công việc này vẫn chưa kết thúc,” nhà văn Trần Hoài Thư tâm sự.

Càng đóng sách, ông... càng mê.

“Có đêm ngủ không được vì sách chưa đóng xong, tôi lò mò xuống garage, đóng tiếp. Khi xong rồi, cầm cuốn sách trên tay, sung sướng làm sao.”

Ông nói tiếp: “Tự đánh máy, tự layout, tự khâu, rồi tự in bằng tay, chẳng dễ dàng gì. Có điều, đó là tấm lòng của mình, nên cố gắng làm. Nếu không thì ai làm đây? Khi làm, tôi cảm thấy mình có hai phần thưởng. Thứ nhất là an ủi tấm lòng và tinh thần của mình. Thứ hai là làm để cho con cháu mình sau này thấy văn chương miền Nam là vậy đó, tình người vậy đó, nhân bản vậy đó và cao cả vậy đó. Nếu mình không làm thì rất uổng.”









“Máy” ép sách tự chế của Trần Hoài Thư. (Hình: Trần Hoài Thư cung cấp)

Ngoài việc “xuất bản” sách cũ, nhà văn Trần Hoài Thư còn chủ trương tập san không định kỳ tên là Thư Quán Bản Thảo cùng với Phạm Văn Nhàn, Trần Bang Thạch, Cao Vỵ Khanh, đã cho ra mắt một số tác phẩm, như “Thơ Vũ Hữu Định (tặng),” “Văn số 125 tháng 3 năm 1969, chủ đề Đầu Xuân lộc mới (in lại, tặng),” “Một mình như cánh lá, thơ Hạc Thành Hoa (tặng),” “Quanh quẩn bên đời, tập truyện của Trần Bang Thạch,” “Hương sắc mong manh (thơ Hoài Khanh, tặng)...

Trần Hoài Thư tên thật là Trần Quý Sách, sinh năm 1942 tại Đà Lạt, từng theo học Quốc Học Huế, Đại Học Sài Gòn, làm giáo sư toán trường trung học Trần Cao Vân, tỉnh Quảng Tín từ 1964-1966. Ông nhập ngũ khóa 24 SQTB Thủ Đức, rồi sau này làm phóng viên chiến trường.

Năm 1980, ông định cư tại Mỹ, học điện toán tại Pennsylvania, làm cho công ty điện thoại AT&T cho tới khi về hưu.

Ông khởi sự viết văn và làm thơ từ năm 1964. Truyện ngắn đầu tay “Nước mắt tuổi thơ” của ông đăng trên tạp chí Bách Khoa Sài Gòn. Trước 1975, ông cộng tác với Bách Khoa, Văn Học, Đời, Bộ Binh, Thời Tập, Vấn Đề, Khởi Hành, Ý Thức. Sau 1975, có truyện đăng trên Nhân Văn, Hồn Việt, Dân Quyền, Diễn Đàn, Sóng, Văn Học, Quê Mẹ, Đời Mới.

Từ sau năm 1988 đến nay, ông cho ra mắt “Biển gọi thầm” (tập truyện, 1995), “Ban Mê Thuột ngày đầu ngày cuối” (tập truyện, 1997), “Về hướng mặt trời lặn” (tập truyện, 1998), “Thơ Trần Hoài Thư (1998),” “Mặc niệm chiến tranh” (tùy bút), “Thủ Đức gọi ta về” (hồi ức).

Và dù cuộc sống có thay đổi, Trần Hoài Thư vẫn đi về giữa Plainfield và Ithaca, scan từng trang sách, đóng lại, và tiếp tục viết những gì ông suy nghĩ về cuộc đời.

Những ai yêu thích sách “xuất bản bằng tay” của Trần Hoài Thư có thể email cho ông tại tranhoaithu@yahoo.com.

Đỗ Dzũng/Người Việt

15-12-2010

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn