BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72812)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhà văn Võ Thị Hảo: “Chúng ta hãy lên tiếng”!

13 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 1072)
Nhà văn Võ Thị Hảo: “Chúng ta hãy lên tiếng”!
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52


Nhà văn Võ Thị Hảo không chỉ nổi tiếng về văn tài mà còn rất được dư luận chú ý về những phát biểu thẳng thắn trước nhiều vấn đề chính trị xã hội của đất nước. Trong các cuộc trả lần phỏng vấn báo chí hải ngoại, bà không ngần ngại đụng chạm tới những chủ đề nhạy cảm như dân chủ, nhân quyền. Nữ nhà văn cũng khảng khái từ chối nhiều ân huệ, từ chối việc gia nhập Đảng Cộng Sản Việt Nam dù biết đó là cánh cửa để đến với danh vọng.

 Nhà văn Võ Thị Hảo sinh năm 1956. Một số tác phẩm đã xuất bản, bao gồm cả truyện ngắn và tiểu thuyết: Biển cứu rỗi (1992), Chuông vọng cuối chiều (1994), Một trăm cái dại của đàn ông (1993), Người sót lại của rừng cười, Truyện ngắn chọn lọc Võ Thị Hảo, Giàn Thiêu (2003)… Bên cạnh đó, có những tác phẩm không/ chưa được cấp phép xuất bản như Dạ Tiệc Quỷ mà sắp tới có thể bà sẽ công bố trên Internet.

 Là một trong 3 người được mời tham dự cuộc Hội thảo về văn học do viện Goethe tổ chức, nhà văn đã có chuyến thăm châu Âu 15 ngày qua Đức, Pháp và dừng chân ở Ba Lan nửa ngày trong khi chờ chuyến bay kế tiếp về Việt Nam. Trái ngược với bút pháp sắc sảo trong các tác phẩm văn học và lập trường kiên định trong các cuộc phỏng vấn, ở nhà văn Võ Thị Hảo toát lên vẻ đẹp đầy nữ tính với giọng nói trong trẻo, tiếng cười hồn nhiên có phần ngây thơ. Bản thân nhà văn cũng cho biết, bạn bè thường trêu Võ Thị Hảo “ngây thơ như gái 13″ và hay có những quyết định “chết người” mang đến sự thiệt thòi cho bản thân.

 Có thể, rồi đây, quyết định trả lời phỏng vấn báo chí hải ngoại cũng sẽ đem đến cho nhà văn những rắc rối nhất định nhưng bà không ngần ngại nói thật và nói thẳng. Hãy lên tiếng, đừng im lặng đồng lõa với cái xấu, cái ác cũng là thông điệp mà nhà văn Võ Thị Hảo muốn nhắn gửi tới bạn đọc bốn phương.

 Chúng tôi xin giới thiệu một số hình ảnh của nhà văn tại Warsaw và trăn trở của bà trước tình trạng nhân quyền và tự do sáng tác hiện nay ở Việt Nam

 Mạc Việt Hồng (MVH): Ngày 10/12 này, thế giới kỉ niệm lần thứ 62 ngày Quốc tế Nhân quyền, ở Việt Nam, người ta có biết nhiều về ngày này không, thưa bà?

 Nhà văn Võ Thị Hảo (VTH): Tôi nghĩ là cũng có nhiều người biết về ngày này. Nhân quyền thực ra gồm những vấn đề rất cụ thể. Nó bao gồm những quyền đương nhiên của con người mà tạo hóa đã ban cho họ. Đáng ra, đây phải là một ngày lễ được tổ chức long trọng nhất để tôn vinh nhân quyền.

 Ở Việt Nam, nhắc tới nhân quyền, nhiều người vẫn còn sợ hãi nên nhân quyền vẫn là vấn đề nhạy cảm. Báo chí, nhiều khi người ta cũng biên tập và cắt bỏ từ này đi.

 Năm nay, Việt Nam đã ra Tạp chí Nhân quyền nhưng ngay trong số đầu tiên lại có một bài viết hết sức phản nhân quyền.

 MVH: Bản tuyên ngôn Nhân quyền bao gồm 30 điểm, trong đó, họ quy định rất cụ thể về quyền con người. Đa số những quyền này, nhà nước Việt Nam cũng ghi rõ trong Hiến pháp nhưng sự thực hiện còn rất khiêm tốn. Một trong những quyền đó là quyền tự do ngôn luận, tự do sáng tác. Với tư cách là nhà văn, bà đánh giá sao về việc thực thi quyền này ở Việt Nam?





VTH: Có lẽ trên thế giới này, không có quốc gia nào dám trắng trợn đề là “không tôn trọng quyền tự do ngôn luận”, nên Việt Nam họ cũng phải ghi trong Hiến Pháp quyền này. Nhưng tôi thấy quyền tự do ngôn luận, trong đó có quyền tự do sáng tác, ở VN có được mở ra một chút vào thời kỳ đổi mới, cởi trói cho văn nghệ sỹ. Nhưng chỉ được vài năm thôi, sau đó lại khép lại và những năm gần đây quyền này bị thu hẹp hơn. Chẳng hạn như, chỉ riêng quyền phát biểu thôi người ta cũng phải rất thận trọng và né tránh những vấn đề nhạy cảm.


 Quyền tự do ngôn luận còn bị hạn chế ngay cả trong lĩnh vực chống tham nhũng, có những sự thật nhưng nếu công bố thì người viết hay Tổng biên tập của tờ báo sẽ bị trừng phạt. Điều này đã xảy ra với vài người bạn của tôi hoạt động trong lĩnh vực báo chí.

 Ngay bản thân tôi và một số bạn bè cũng có những tác phẩm không được cấp phép xuất bản, nếu cứ cố in ra, thì cả tác giả và người xuất bản sẽ bị trừng phạt.

 Theo tôi, quyền tự do ngôn luận, tự do sáng tác bị hạn chế rất nhiều ở Việt Nam hiện nay.

 MVH: Những nhà văn có tác phẩm không được xuất bản như bà vừa nói tới, họ có bị kỳ thị gì trong xã hội hay bị phân biệt đối xử gì trong việc viết lách không?

 VTH: Khi tác phẩm mình viết ra mà không được xuất bản thì rõ ràng là gặp kỳ thị, gặp khó khăn rồi. Điều này không những hại cho các nhà văn mà còn hại cho nền văn hóa của đất nước. Chính thể nào làm nhưng vậy là tự làm hại mình. Khi từ chối phản biện, từ chối tự do tư tưởng, bóp nghẹt những ý kiến khác biệt là từ chối kháng sinh. Và chính thể như vậy tự làm suy yếu chính mình và làm tổn hại tới dân tộc. Tất nhiên, có một số người vẫn viết để lưu lại cho hậu thế dưới dạng bản thảo. Một số khác xuất bản tác phẩm trên Internet qua các trang mạng nhưng việc môi trường Internet cũng khó kiểm soát và dễ bị ăn cắp bản quyền.

 MVH: Một trong những lý do mà nhà nước đưa ra để hạn chế quyền tự do là “dân trí Việt Nam còn thấp”, vậy bà đánh giá trình độ dân trí ở Việt Nam hiện nay như thế nào?

 VTH: Không ai có quyền vin vào chuyện dân trí thấp để hạn chế tự do ngôn luận được! Vì đây là những quyền đương nhiên của con người và chính phủ được trả lương để bảo vệ thực thi những quyền này. Lấy lý do dân trí thấp là bao biện! Tôi hoàn toàn không đồng ý với điều này.

 MVH: Còn một lý do nữa mà Việt Nam thường đưa ra để trì hoãn việc thực thi nhân quyền hay dân chủ là sự khác biệt những khái niện này giữa các phương Tây và Việt Nam, liệu đó có phải là lý do chính đáng không?

 VTH: (Cười) Điều này thì tôi nghe mãi rồi. Đã là con người, sinh ra trên trái đất này thì ai cũng đương nhiên được hưởng những quyền đó mà không một thế lực nào có quyền tước đoạt của họ, ở châu Âu, châu Á hay châu Phi thì cũng thế thôi. Con người đều giống nhau cả, cũng có trái tim, khối óc, nhu cầu và ước muốn như nhau.

 Nhà cầm quyền không thể coi nhân quyền như một ân huệ để ban phát, xin cho, mà họ có trách nhiệm thực thi nhân quyền. Lấy lý do này hay lý do kia để hạn chế các quyền con người đều không chấp nhận được và phải bị lên án.

 MVH: Nói về quyền tự do sáng tác của các nhà văn, nhà thơ, Hội Nhà Văn Việt Nam với tư cách là một hội nghề nghiệp, họ có làm gì để thúc đẩy hay bảo vệ các quyền này không?

 VTH: Nếu họ giúp các nhà văn trong việc thúc đẩy hay bảo vệ quyền tự do sáng tác thì có lẽ đó là Hội Nhà Văn ở trong mơ! Còn hiện nay, thì hoàn toàn KHÔNG. Nếu gửi bài cho báo Văn nghệ hay cho nhà xuất bản của Hội Nhà văn, những gì có vẻ nhạy cảm chính họ sẽ gạt đi trước tiên.





Ở Việt Nam Hội Nhà Văn chỉ làm công việc quản lý hành chính. Thay vì bảo vệ hay giúp đỡ các nhà văn, họ đã rất mẫn cán giúp nhà nước quản lý các nhà văn để đi đúng lề đường bên phải.


 Nhà văn cũng có nhiều loại, có người có vài bài thơ xuất bản để được ghi danh là nhà thơ, nhà văn.v.v. nhưng có những nhà văn thực sự đau nỗi đau của dân tộc, trăn trở với vận mệnh của đất nước. Tôi tin rằng công chúng họ có đủ tri thức để đánh giá đúng đắn.

 MVH: Theo bà, giới trí thức nói chung và giới cầm bút nói riêng phải làm gì để cổ xúy và quảng bá cho nhân quyền ở Việt Nam?

 VTH: Tầng lớp trí thức, văn nghệ sỹ phải làm đúng vai trò của mình là những người khai sáng. Trước hết phải tìm hiểu, học hỏi xem thế giới người ta làm thế nào để mình cải thiện và thúc đẩy nhân quyền ở VN chứ không thể cứ luẩn quẩn mãi trong cái vòng nhận thức tăm tối.

 Điều quan trọng là mọi người phải mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình, mong muốn của mình đừng có làm ngơ trước những điều xấu xa, bất công trong xã hội. Cần mạnh dạn thể hiện thái độ của mình trước cuộc sống đó là bước để đòi hỏi và thực thi nhân quyền.

 Hiện nay có tình trạng, nếu ngồi quán nước hay hè phố thì rất nhiều người nói nhưng khi cần công khai bày tỏ chính kiến của mình thì lại không dám nói. Tôi nghĩ, quan trọng là tất cả hãy lên tiếng, bằng cách này hay cách khác để thể hiện điều mình mong muốn, đừng sợ gì cả. Đừng để nhà cầm quyền nghĩ, họ muốn làm gì thì làm. Khi chúng ta lên tiếng, chúng ta có thể thay đổi hoặc thức tỉnh một số người trong giới cầm quyền. Trong số họ cũng có những người tốt, có thể đứng ra bảo vệ lẽ phải.

 MVH: Xin cám ơn những chia sẻ của nhà văn Võ Thị Hảo.

 Theo Đàn Chim Việt

13-12-2010
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn