BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73318)
(Xem: 62233)
(Xem: 39420)
(Xem: 31166)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chấp nhận đối lập chính trị lối thoát cho chính đảng cộng sản?

15 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 930)
Chấp nhận đối lập chính trị lối thoát cho chính đảng cộng sản?
56Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
56
1- Hiện tình và hai vấn nạn của Việt Nam

Còn hai tháng nữa là Đảng cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội lần thứ XI. Hiện tình xã hội Việt Nam đang rất rối ren và xáo trộn. Điều đầu tiên và có ảnh hưởng lớn nhất đến người dân đó là nạn lạm phát đã tăng lên hai con số. Giá cả các mặt hàng, nhất là nhu yếu phẩm đã tăng giá rất mạnh trong thời gian qua và do sắp đến Tết nên chuyện giá cả vẫn tiếp tục tăng là điều khó tránh khỏi. Vàng và đô-la tăng giá kỷ lục trong thời gian qua được xem như là một trong những nguyên nhân chính gây ra lạm phát. Việc đô-la tăng giá là điều đã được nhiều chuyên gia cảnh báo từ lâu, nhưng chính quyền Việt Nam một mặt trấn an dư luận là sẽ không điều chỉnh tỉ giá đồng tiền Việt Nam mặt khác lại làm ngược lại, hạ giá đồng Việt Nam ba lần trong một năm.

Việc đồng đô-la lên giá so với đồng Việt Nam là điều phải xảy ra, tuy nhiên vì không thông báo cho người dân biết để mọi người chuẩn bị tinh thần; thứ hai là không có một lộ trình cụ thể và minh bạch trong việc giảm giá VNĐ nên việc đồng đô-la tăng giá gần 15% trong vòng hai tháng qua đã khiến người dân và nhất là các doanh nghiệp bị sốc thật sự. Tăng lãi suất được xem như là biện pháp chống lạm phát nhưng lại là liều thuốc quá đắng cho các doanh nghiệp đang phải vay tiền của ngân hàng. Với lãi suất được điều chỉnh lên đến trên 20% hàng tháng thì các doanh nghiệp (vừa và nhỏ) đang phải vay nợ ngân hàng không khốn đốn mới là chuyện lạ. Đầu tư cho sản xuất và kinh doanh là đầu tư cơ bản và lâu dài, vì vậy không thể thích là phanh lại ngay được. Lãi suất càng tăng cao chừng nào thì các doanh nghiệp phải gồng mình lên để chống đỡ chừng đó, và tiếp theo sẽ là thu hẹp sản xuất, trả vốn cho ngân hàng. Như vậy hệ quả tiếp sau là hàng hóa sẽ ít đi, người dân sẽ thất nghiệp nhiều hơn và sức ép lên xã hội sẽ gia tăng.

Đồng đô-la tăng giá rất cao ở Việt Nam trong thời gian này là một nghịch lý đáng lo ngại. Khi chính phủ Mỹ "in" thêm 600 tỉ đô- la để bơm vào nền kinh tế thì nhiều chuyên gia cho rằng đây là hành động Mỹ cố tình phá giá đồng tiền để cạnh tranh thương mại và có thể gây ra một cuộc chiến về hối đoái. Với nhận định này đồng đô-la bị mất giá với hầu hết các đồng tiền trên thế giới, trừ Việt Nam. Tại sao lại có chuyện ngược đời này ? Tất cả các chuyên gia có uy tín đã đi tìm và câu trả lời của đa số họ là: Niềm tin của người dân vào đồng Việt Nam đã bị giảm sút nghiêm trọng.

Đã có những thông tin trên báo chí Việt Nam rằng trong nửa đầu tháng 10 người dân đã rút ra khỏi ngân hàng 45.000 tỉ đồng để chuyển sang mua vàng và đô-la. Cũng có thông tin là lượng đô-la và vàng đang được người dân cất giữ là 36 tỉ đô-la và 1000 tấn vàng. Khi người dân mất niềm tin vào sự điều hành của ngân hàng nhà nước và chính phủ thì họ chọn giải pháp an toàn là mua vàng hoặc đô-la để cất giữ. Và đây là giải pháp tồi tệ cho cả hai, cả người dân và chính quyền. Người dân thì đồng tiền bị "chết" không sinh lãi và nhà nước thì không có tiền để vận hành nền kinh tế. Tiền đối với nền kinh tế như là máu đối với cơ thể, thiếu máu hoặc mất máu thì cơ thể sẽ suy sụp.









Khả năng lạm phát tăng cao

Đảng cộng sản đã đối phó với tình trạng lạm phát một cách hốt hoảng và đầy rủi ro bằng các biện pháp hành chính để bình ổn thị trường như việc kiểm soát giá cả nhằm vào các công ty nước ngoài. Điều này đã khiến cho giới đầu tư nước ngoài lo ngại và phản đối chính quyền Việt Nam đã vi phạm các cam kết với Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Hà Nội ngày 2/12.

Các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng lo lắng vì hệ thống tiền tệ của Việt Nam thiếu sự ổn định, khả năng lạm phát tăng cao. Điều này đang làm giảm lòng tin của các nhà đầu tư cả trong nước lẫn nước ngoài. Rất nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đã phát triển gần "hết tầm" theo những cách cũ (dựa trên lao động rẻ, công nghệ thấp và bán tài nguyên thô). Giờ đây để tiếp tục phát triển Việt Nam phải có những bước đi đột phá, những cải cách mạnh mẽ nếu không sẽ tụt hậu so với thế giới và khu vực. Những vấn đề được các nhà đầu tư nêu ra là : phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao kỹ năng của người lao động, tinh giản bộ máy quan liêu, nạn tham nhũng và nhất là giảm thiểu vai trò (chủ đạo) của các tập đoàn quốc doanh.

Ngoài vấn đề lạm phát ra thì còn hai vấn đề nữa mà đảng cộng sản phải có lời giải nếu muốn người dân Việt Nam "yên tâm", đó là vấn đề cho Trung Quốc khai thác bô-xít trên Tây Nguyên và thuê 300.000 ha rừng biên giới. Trong kỳ họp vừa rồi của Quốc hội thì hai vấn đề trên chưa được đưa ra mổ xẻ đến nơi đến chốn, mọi vấn đề đều tập trung vào vụ vỡ nợ của Vinashin (mà dư luận cho là nhằm triệt hạ uy tín của ông Nguyễn Tấn Dũng, người được cho là sáng giá nhất cho cái ghế tổng bí thư kiêm chủ tịch nước trong kỳ đại hội này).

Vấn đề cho Trung Quốc khai thác bô-xít và thuê rừng biên giới đã được cụ Tô Hải cảnh báo từ lâu, ông Nguyễn Thanh Giang cũng đã lên tiếng và mới đây nhất là bài viết "Vinashin chỉ là chuyện quá ư nhỏ nhoi" của giáo sư Vũ Cao Đàm. Việc Vinashin mất 4,5 tỉ đô-la là chuyện lớn, nhưng tiền mất còn có thể làm ra được (hoặc kêu gọi cộng đồng người Việt hải ngoại gửi "quá tay" một chút là cũng đủ bù số tiền đó) nhưng mất đất, mất nước thì không dễ gì lấy lại được.

Khi giáo sư-đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Dũng lo lắng các hồ chứa bùn đỏ trên Tây Nguyên bị các "thế lực thù địch" phá hoại, tức là ám chỉ các "đồng chí Trung Quốc anh em" chứ làm gì có "người Việt phản động" nào làm cái chuyện động trời đó. Thế nhưng ông Bộ trưởng tài nguyên và môi trường Phạm Khôi Nguyên vẫn hùng hổ tuyên bố là công trình được "bảo vệ nghiêm ngặt". Khổ nỗi, công an-bộ đội chỉ có thể bảo vệ bên ngoài và bên trên hồ chứ bên trong và bên dưới hồ thì làm sao bảo vệ đây?

Giáo sư Vũ Cao Đàm bức xúc đặt câu hỏi: "Ai đã ba lần ký cho Trung Cộng vào chiếm đóng Tây Nguyên không tốn một viên đạn, và cũng không cần đến 31 ngày phát động cuộc chiến tranh tổng lực đánh chiếm Việt Nam như họ đã hăm dọa trên mạng? Ai là người băm nát dự án khổng lồ Bauxite Tây Nguyên để thành mấy cái dự án nhỏ nhoi, không đáng là gì để qua mặt Quốc hội? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quy trách nhiệm: "Khai thác bauxite là chủ trương lớn của Đảng", vậy Đảng là a ? Là 1 người, 15 người, 181 người hay toàn thể ba triệu đảng viên? Tôi hỏi các bạn bè quen biết trong số ba triệu đảng viên, thì chẳng ai biết mô tê gì "cái chủ trương lớn… của mình". Tôi cũng hỏi mấy ông bạn bè quen biết trong số 181 vị kia, thì cũng chẳng ai biết gốc tích vụ này. Với 15 vị còn lại thì tôi không có điều kiện để hỏi. Rồi đến ai là người đã bật đèn xanh cho người Tàu thuê đất rừng biên giới ? Ai là người cho 90% gói thầu được thắng về tay các nhà thầu Trung Cộng?".

Những viễn cảnh u ám về một Việt Nam là "chư hầu" của Trung Quốc mà giáo sư Vũ Cao Đàm nêu ra tuy phũ phàng và cay đắng nhưng lại là một sự thật đang diễn ra hàng ngày trên đất nước Việt Nam mà chúng ta vẫn chưa lường hết được những hậu quả kinh khủng của nó. Đến giờ phút này thì câu trả lời cho hai vấn nạn trên vẫn chưa có và nếu Đảng cộng sản không có lời giải thì ai phải giải bài toán này đây ?

2. Đại hội Đảng XI sẽ giải quyết vấn đề gì?

Dự thảo cương lĩnh của đại hội XI sau khi công bố đã vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của mọi tầng lớp dân chúng và cả trí thức, trong đó có cả những cựu quan chức đã từng giữ những chức vụ lớn trong Đảng. Ai cũng thấy được một điều là văn kiện quan trọng này không hề mang "hơi thở của thời đại" mà chỉ là những tư duy cũ kỹ, sáo mòn, lạc hậu, giáo điều… Không thấy một chút ánh sáng của sự đổi mới trong dự thảo này. Thật đáng buồn và đáng lo! Vậy mối quan tâm lớn nhất của Đảng là gì?

Có lẽ mối quan tâm lớn nhất của bất kỳ đại hội nào của Đảng cũng chỉ xoay quanh vấn đề nhân sự. Ai ở lại? Ai phải ra đi? Ai lên? Ai xuống? Kỳ đại hội lần thứ XI này cũng vậy, ngoài chuyện nhân sự thì vấn đề “đổi mới” đang được nêu ra là gộp hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước lại làm một. Người giữ cương vị này sẽ có quyền lực rất lớn và vì vậy việc đấu đá quyết liệt để dành cái ghế này cho người "của mình" đang được các phe nhóm trong nội bộ Đảng dùng mọi thủ đoạn thi thố. Cứ nhìn việc "tấn công" ông Nguyễn Tấn Dũng là thấy được vấn đề.

Một đề nghị đang được dư luận chú ý đó là việc phải "luật hóa sự lãnh đạo của Đảng". Theo ông Nguyễn Văn An, cựu chủ tịch quốc hội thì "Đảng đã chính thức cầm quyền 65 năm, song cho đến giờ vẫn chưa có Luật về Đảng… Luật để tránh bao biện, làm thay, buông lỏng lãnh đạo; và cũng để dân có cơ sở giám sát, xây dựng Đảng; để nhà nước có cơ sở kiểm soát các tổ chức và đảng viên, cán bộ của Đảng làm theo Hiến pháp và Pháp luật".

Ông cũng cho rằng Việt Nam chưa có dân chủ mà chỉ có đảng chủ: "Nếu Đảng coi mình đương nhiên là lực lượng lãnh đạo thì chẳng khác gì nhà vua cha truyền con nối. Từ một nhà vua cá nhân thời quân chủ, nay trở thành một nhà vua tập thể thời cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Như vậy là đảng chủ chứ không phải dân chủ. Để bảo đảm cho mặt trận và các đoàn thể, cho nhà nước và cho nhân dân phát huy dân chủ, đảng có nên tự coi mình là lực lượng lãnh đạo đương nhiên không ?".

Ông Nguyễn Văn An nói ra điều mà ai cũng biết rõ từ lâu, đó là Việt Nam làm gì có dân chủ. Nhưng dù sao cũng cám ơn ông, ít ra ông cũng đã "có nói", tuy muộn màng nhưng vẫn hơn những ông "chưa nói gì" như các quí ông Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải…

Đại hội Đảng XI này sẽ diễn ra trong căng thẳng vì chưa bao giờ có kỳ đại hội nào lại đối diện với nhiều vấn đề cấp bách như thế này. Đại hội VI trước đây cũng có điểm giống lần này đó là phải thay đổi với câu nói nổi tiếng của ông Nguyễn Văn Linh : "đổi mới hay là chết". Sự thay đổi được chọn đó là chấp nhận thay đổi về kinh tế, chấp nhận cạnh tranh trong kinh tế và nhờ đó Việt Nam đã vượt qua được ngưỡng những nước nghèo. Lần này nếu có thay đổi thì đó sẽ là thay đổi về chính trị, chấp nhận sự cạnh tranh trong chính trị. Đây là sự thay đổi không dễ dàng quyết định một chút nào vì nó động đến quyền lực độc quyền của Đảng suốt 65 năm nay. Nhưng tình thế đã đến lúc không thể không thay đổi. Đâu là lối thoát cho Đảng cộng sản và cho cả dân tộc ?

3. Đối lập chính trị sẽ là lối thoát cho cả Đảng lẫn dân tộc

Tất nhiên không ai đang ngồi trên ngai vàng lại muốn chia sẻ với người khác, Đảng cộng sản cũng vậy. Tuy nhiên thời thế đã thay đổi và không còn sự lựa chọn khác. Nếu Đảng vẫn cố tình không thay đổi thì có nghĩa là Đảng chấp nhận cuộc chơi một mất, một còn với người dân Việt Nam theo kiểu được ăn cả, ngã về không hoặc được làm vua, thua làm giặc. Đây không phải là sự lựa chọn khôn ngoan. Nếu Đảng thay đổi mà vẫn bảo toàn danh dự và chổ đứng thì tại sao lại chọn những phương pháp mạo hiểm khác?









Đa nguyên chính trị là phương án tối ưu

Phương án tối ưu cho chính Đảng và cho cả đất nước đó là thay đổi trong hòa bình, thay đổi từ trên xuống dưới. Thay đổi đó là chấp nhận đối lập dân chủ hoặc đối lập chính trị, như lời "Lão đảng viên" trong bài viết "Đối lập chính trị - Động lực cho phát triển". Cạnh tranh trong chính trị cũng như cạnh tranh trong kinh tế, nó luôn là động lực để các tổ chức phát triển và nâng cao năng lực đồng thời mang lại hiệu quả tốt cho đối tượng phục vụ đó là người dân. Rõ ràng sự thay đổi này sẽ không gây xáo trộn cho xã hội. Một cuộc cách mạng đường phố sẽ gây đổ máu và đỗ vỡ cho tất cả, từ người dân cho đến chính quyền. Vụ biểu tình biến thành xung đột ở Bắc Giang là một ví dụ.

Trong kỳ Đại hội này, Đảng phải công khai tuyên bố là chấp nhận sự đa nguyên bằng cách thừa nhận một vài chính đảng có uy tín trong và ngoài nước hoặc cho phép một vài tổ chức chính trị độc lập được thành lập và tạo điều kiện cho các tổ chức đó hoạt động. Đầu tiên là các tổ chức chính trị này tham gia vào chính trường, sau đó sẽ tiến hành bầu cử quốc hội khóa mới theo hướng dân chủ và tự do. Trong Quốc Hội sẽ chỉ có các đại biểu chuyên trách chứ không có các đại biểu kiêm nhiệm và các nghị sĩ gật.

Sẽ có nhiều ý kiến chống đối việc chấp nhận đối lập chính trị trong Đảng vì lo sợ Đảng sẽ mất hết không còn gì. Đây là một sự thiếu tự tin không đáng có. Hãy nhìn sang Campuchia xem ông Hun Sen có mất quyền hay không? Hơn nữa cái gì đến nó sẽ đến, có muốn cưỡng lại cũng không được. Chế độ phong kiến ở Việt Nam tồn tại 4000 năm rồi cũng đến lúc phải kết thúc. Một chế độ mới, có cạnh tranh chính trị, tuy quan chức có vất vả hơn trước nhưng sẽ đàng hoàng hơn, tự tin hơn. Trong tinh thần đó, nếu Đảng quyết tâm "luật hóa" sự lãnh đạo của Đảng theo đề nghị của ông Nguyễn Văn An và nhiều người khác nữa thì phải làm cho bộ luật này trở thành bộ luật về sự hoạt động của các đảng phái chính trị ở Việt Nam chứ không riêng gì của Đảng cộng sản.

Nếu hỏi rằng Đảng có muốn thay đổi hiện tình bây giờ không ? Câu trả lời thành thật, sẽ là: Có. Không riêng gì người dân mà ngay chính trong nội bộ Đảng cũng thừa hiểu là không thể duy trì tình trạng hiện tại mãi được. Tuy nhiên để thay đổi nội bộ của Đảng, làm trong sạch nội bộ Đảng để tăng cường khả năng lãnh đạo và vai trò dẫn dắt của Đảng thì Đảng phải làm cuộc "thay máu" bằng cách loại bỏ những kẻ không ra gì trong Đảng và thay vào đó là một đội ngũ mới những kẻ có năng lực thật sự.

Để làm được việc thay máu đó thì Đảng phải chấp nhận đối lập chính trị, vì chỉ khi có cạnh tranh trong chính trị thì Đảng mới loại bỏ được những kẻ không ra gì trong Đảng. Ai cũng biết tình trạng mua chức chạy quyền đã diễn ra từ lâu và trở thành chuyện thường ngày ở huyện. Kết thúc đại hội X tức là đã kết thúc các "hợp đồng chạy chức chạy quyền".

Bắt đầu từ sau đại hội XI, một luật chơi mới sẽ được thực thi khi có sự tham gia của đối lập chính trị, khi đó những kẻ bất tài sẽ phải tự giác rút lui, nếu không thì Đảng cũng có lý do để loại bỏ những kẻ bất tài đó vì nếu không cơ sở đối lập chính trị sẽ chỉ trích và uy tín của Đảng sẽ mất đi. Như vậy có đối lập chính trị là có lợi cho chính Đảng cộng sản. Khi đó mọi công chức phải làm việc theo luật pháp, mọi sai sót sẽ phải trả giá và như vậy người dân sẽ có lợi. Khi đó mới thật sự là "sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật".

Những người đối lập chính trị nặng lòng với đất nước cũng không muốn Việt Nam thay đổi trong bạo lực và đổ vỡ. Họ sẵn sàng bắt tay với Đảng cộng sản để kiến thiết lại đất nước. Vấn đề là Đảng cộng sản có sẵn sàng "hòa giải" với đối lập dân chủ hay không?

Bài xã luận của Bán nguyệt san Tổ Quốc số 100 đã khẳng định: "Không gì mạnh bằng một đồng thuận đã chín muồi, và xã hội Việt Nam đã chín muồi cho một chuyển hoá dứt khoát về dân chủ đa nguyên. Giải pháp duy nhất cho Đảng Cộng Sản Việt Nam là hòa giải với nhân dân Việt Nam để tìm một chỗ đứng trong lòng dân tộc thay vì trên đầu dân tộc. Và nếu đó là chọn lựa của Đảng Cộng Sản Việt Nam, họ sẽ nhận ra chúng tôi là những người anh em thay vì những kẻ thù".

Việt Hoàng
(Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)

Theo Thông Luận
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn