Đúng 29 năm trước, ngày 13 tháng 12 năm 1981, vào lúc 6 giờ sáng, đài phát thanh Ba Lan (Radio Polskie) đã phát đi lời của Tướng Wojciech Jaruzelski, người đứng đầu Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (đảng cộng sản) và Nhà nước Ba Lan, thông báo rằng, dựa trên quyền hiến định, Hội đồng Quân sự Cứu quốc được thành lập và theo pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước, công bố tình trạng chiến tranh trên cả nước.
Hơn một năm trước, vào tháng 8 năm 1980, trước những cuộc biểu tình, đình công liên tục của công nhân Ba Lan và sức ép mạnh mẽ của xã hội, nhà nước cộng sản Ba Lan đã phải nhượng bộ chấp nhập 21 yêu sách của phong trào “Đoàn kết”, trong đó có quyền được thành lập công đoàn độc lập; công đoàn không còn là phương tiện của chính quyền để kiểm soát xã hội. [*]
“Công đoàn Đoàn kết” Ba Lan từ đây ra đời và chỉ trong vòng ít tháng sau đã trở thành một trong những phong trào quần chúng lớn nhất của lịch sử đấu tranh của công nhân lao động thế giới, với gần 10 triệu thành viên, mang tính dân tộc rộng rãi, bao gồm mọi tầng lớp xã hội.
Những cây đứng riêng rẽ đã trở thành rừng, những ngọn gió và những cơn sóng nhỏ được gộp thành bão tố. Công nhân từ chỗ tự phát đã tập hợp thống nhất trong phong trào “Công đoàn Đoàn kết” có tổ chức chặt chẽ, rộng khắp toàn quốc, cùng với văn phòng đại diện nước ngoài bên cạnh các Liên đoàn lao động của nhiều nước, tạo nên một lực lượng hùng mạnh làm nhà nước cộng sản Ba Lan lo sợ, ăn không ngon, ngủ không yên.
Vì thế, nhà cầm quyền cộng sản Ba Lan đã phản bội những cam kết chưa ráo mực của mình trong mùa Thu năm 1980 và ban hành tình trạng chiến tranh vào ngày 13/12/1981.
Ngay trước nửa đêm ngày 12 tháng 12, chiến dịch đàn áp, bắt giam lãnh đạo và các thành viên tích cực của phe đối lập đã bắt đầu.
Nếu một ai tưởng rằng, cuộc tranh đấu giành tự do dân chủ của nhân dân Đông Âu nói chung và của dân tộc Ba Lan nói riêng đã được tiến hành bằng phương pháp bất bạo động hay là bằng một cuộc cách mạng nhung êm ả, thì không hoàn toàn chính xác. Những người dân tay không tấc sắt đã phải đối diện với xe tăng, thiết giáp, nhà tù, sự trấn bức về tinh thần, vật chất và họ đã gánh chịu tổn thất vô cùng to lớn. Hòa bình và bất bạo động chỉ nằm ở một phía. Phía của người dân!
Chỉ trong vòng vài ngày sau khi ban hành thiết quân luật, tại 49 trung tâm giam giữ, nhà cầm quyền cộng sản đã bỏ tù khoảng 5 ngàn người và nhiều ngàn người khác trong những ngày tiếp theo! Hầu hết những người trong ban lãnh đạo Công đoàn Đoàn Kết đều trải qua tù đày. Cảnh sát, quân đội được huy động cho việc đàn áp với quy mô cực lớn: 70 ngàn binh sĩ, 30 ngàn công an, 1.750 xe tăng, 1.900 chiến xa và 9 ngàn xe ô tô.
Trước tình hình này, “Công đoàn Đoàn kết” đã rút lui vào hoạt động bí mật.
Tâm lý xã hội Ba Lan căng thẳng, ngột ngạt. Một bên là nỗi ám ảnh bị bắt bớ, tra hỏi, hành hạ bởi an ninh, mật vụ bất cứ lúc nào, một bên khác nơm nớp lo sợ sự can thiệp của Liên Xô như đã từng xảy ra với Tiệp Khắc mùa Xuân 1968, nhưng nếu tại Ba Lan, chắc chắn sẽ đẫm máu! Chỉ trong năm 1981 đã có gần 2.900 người Ba Lan tự tử!
Gần một triệu người Ba Lan bằng mọi cách đã bỏ chạy khỏi đất nước. Một cuộc “Exodus” không kém gì người miền Nam Việt Nam sau ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Nhưng khác với năm 2005, khi Ba Lan đã là thành viên của Liên minh châu Âu, cũng có hàng triệu người Ba Lan đi ra nước ngoài học tập, làm việc, nhưng họ được đi lại tự do gần khắp châu Âu không phải xin phép ai, không cần thị thực nhập cảnh và được bảo vệ mọi quyền lợi. Còn lúc bấy giờ họ trốn ra đi với nỗi tuyệt vọng, không nghĩ tới ngày trở lại đất nước thân yêu của mình.
Ban hành tình trạng chiến tranh, nhà nước cộng sản Ba Lan đã phải trả giá đắt
Trả lời phỏng vấn của nhật báo “Polska The Times” hôm 12/12/2010, giáo sư lịch sử, chính trị học của Jagiellonian University Atoni Dudek cho rằng, những năm 80 là thập kỷ kinh khủng nhất của Ba Lan. Các cơ sở kinh tế bị đổ vỡ không thể cứu vãn vì sản xuất tê liệt và chịu sự trừng phạt, phong tỏa kinh tế của Mỹ và phương Tây. Trong cuộc chạy đua với nền văn minh, dân tộc Ba Lan đã bị bỏ lại rất xa, với khoảng cách nhanh chưa từng thấy trước đó.
Để tồn tại, lấp chỗ trống ngân sách, nhà nước cộng sản Ba Lan đã đắp vá bằng vay tiền nước ngoài. Chỉ trong thập niên 80, nợ nước ngoài của Ba Lan tăng gấp đôi, từ 20 tỷ đôla lên hơn 40 tỷ đôla.
Vào năm 1989, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, kinh tế Ba Lan đứng bên bờ vực phá sản. Hoa Kỳ và phương Tây đã xóa ngay cho một nửa số nợ để cứu vãn, trong đó có hai ngân hàng nhà nước chủ chốt của Ba Lan bấy giờ là Ngân hàng Thương mại (Bank Handlowy) và Ngân hàng Pekao.
Giáo sư Atoni Dudek cho biết, sau hơn một thập niên khôi phục kinh tế, người dân Ba Lan mới té ngửa ra rằng, 4 tỷ đôla tiền tiết kiệm của dân chúng gửi tại hai ngân hàng nói trên đã bị nhà cầm quyền cộng sản “mượn tạm” và xài hết sạch! Nhà nước dân chủ mới đã phải đóng kín sự việc động trời này như là bí mật quốc gia tuyệt đối, bởi vì nếu công bố không đúng thời điểm, không thể tránh khỏi tình cảnh hoảng loạn của dân chúng.
Năm 1989, cộng sản Ba Lan đã phải chấp nhận ngồi vào bàn thương lượng với đối lập, chuyển giao quyền lực qua bầu cử tự do, trên hết tất cả là từ kết quả của phong trào tranh đấu tổng lực và toàn diện của nhiều triệu người Ba Lan. Nhưng còn một nguyên nhân quan trọng khác: đàn áp phong trào đối lập, ban hành tình trạng chiến tranh, nhà nước cộng sản Ba Lan đã đẩy xã hội vào bế tắc và làm kinh tế của đất nước suy sụp.
Trong năm 2005, Tổng thống Ba Lan A. Kwasniewski (một cựu đảng viên cộng sản Ba Lan), đã xin lỗi nhân dân Ba Lan về việc ban hành tình trạng chiến tranh và thừa nhận là tội ác của chế độ cộng sản.
Thế nhưng, người đứng đầu nhà nước cộng sản Ba Lan, tác giả của nó là đại tướng Wojciech Jaruzelski hiện vẫn sống, năm nay 87 tuổi, luôn bảo vệ quan điểm của mình rằng, ban hành tình trạng thiết quân luật năm 1981 ông đã tránh cho Ba Lan khỏi sự can thiệp quân sự của Liên Xô và giữa hai cái xấu ông đã phải chọn cái ít xấu hơn.
Quan điểm của ông vẫn tiếp tục là đề tài gây tranh cãi và khó tìm ra điểm kết đồng thuận. Tuy nhiên, càng ngày càng ít đi sự ủng hộ của dân chúng Ba Lan đối với sự biện minh này của tướng Jaruzelski.
Cơ quan thăm dò dư luận xã hội Ba Lan Pentor cho thấy, trong tháng 11 năm 2010 chỉ còn 41 % người Ba Lan nhận định việc ban hành tình trạng chiến tranh là hợp lý (tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 1995), 33% cho rằng phi lý và 27 % không có ý kiến.
Lần đầu tiên Pentor hỏi người Ba Lan đánh giá về quyết định áp đặt thiết quân luật vào năm 1995. Lúc đó có 49% số người nói quyết định là hợp lý, 27% là phi lý và 24% không có ý kiến.
Kết quả trong năm 2002 làm nhiều người ngạc nhiên: 54% hợp lý, 19% phí lý và 27% không có ý kiến.
Tổng hợp các cuộc điều tra dư luận trong suốt 15 năm qua đã chỉ ra rõ rệt rằng, để tránh một cuộc xâm lăng của Liên Xô là luận cứ cơ bản mà từ đó người Ba Lan đưa ra nhận định về sự hợp lý của việc ban hành tình trạng chiến tranh. Trong năm 2010, tới 33% lấy lý do này, trong khi 19% cho rằng chính quyền cộng sản Ba Lan muốn “ngăn ngừa sự sụp đổ”, 12% để “hủy diệt Công đoàn Đoàn kết”, 23% vì những nguyên do khác. 47% người Ba Lan nhớ rõ ngày tháng của biến cố lịch sử này.
Trong hơn 20 năm xây dựng và hoàn thiện tiến trình dân chủ hóa đất nước, quốc hội Ba Lan đã thông qua Luật thanh lọc nhưng không nhằm mục đích trả thù những người cộng sản, mà chỉ để hạn chế sự tham gia vào các cương vị lãnh đạo trong bộ máy nhà nước đối với những người đã từng hợp tác với an ninh cộng sản. Chỉ những kẻ trực tiếp gây tội ác với nhân dân mới bị đưa ra xét xử công khai trước các tòa án độc lập.
Hàng năm cứ đến ngày 13 tháng 12, người Ba Lan tổ chức kỷ niệm và tất cả các phương tiện truyền thông đều nhắc lại. Họ muốn cho thế hệ trẻ Ba Lan sinh ra sau năm 1989 hiểu biết về một giai đoạn bi kịch mà đất nước đã trải qua.
Từ 5 năm nay, tại thủ đô Warszawa, cảnh sát và quân đội Ba Lan phối hợp trình diễn lại những cảnh đã xảy ra trong thời kỳ thiết quân luật với đầy đủ trang phục cũ, xe tăng, thiết giáp, vòi rồng, hơi cay, những tiếng súng nổ và những cuộc săn đuổi của công an mật vụ…
Trước nhà Tướng Jaruzelski năm nào cũng có nhiều người mang biểu ngữ phản đối chế độ cộng sản và lệnh thiết quân luật. Họ cũng đốt đèn cầy tưởng niệm các nạn nhân cộng sản.
Ngày 13 tháng 12 năm 2010
Lê Diễn Đức
Theo Blog Lê Diễn Đức
---------------------------
[*] : 21 yêu sách của công nhân Ba Lan ngày 17/08/1980 (tiếng Anh): http://en.wikipedia.org/wiki/21_demands_of_MKS
Gửi ý kiến của bạn