BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73309)
(Xem: 62227)
(Xem: 39416)
(Xem: 31160)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lý tưởng tạo ra tinh thần

20 Tháng Sáu 200512:00 SA(Xem: 1126)
Lý tưởng tạo ra tinh thần
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Kính thăm anh T.,


Rất tiếc tôi không thể hồi âm sớm hơn. Mong anh thông cảm. Hôm nay, tôi xin trả lời các câu hỏi còn thiếu nợ anh.


1/ Hiện tại thế giới có chính sách gì để giúp đỡ những người dân cùng khó của Việt Nam thoát khỏi ách CS không?


Thế giới tự do đã, đang và luôn áp lực lên tất cả các chế độ độc tài trên trái đất này (không riêng gì Việt Nam) để biến các nước đó trở thành dân chủ. CS Liên Xô đã sụp. CS Đức đã tan. Các nước Đông Âu đã cùng nhịp sống với thế giới tự do... Về độc tài cộng sản, trên địa cầu này chỉ còn lại 5 nước: Trung Cộng, Việt Nam, Lào, Cu Ba, Bắc Hàn. Độc tài không cộng sản còn lại khá nhiều như các nước Trung Đông, Miến Điện... Nhìn chung, các nước độc tài nào cũng bị thế giới tư do lên án, chỉ trích. Chế độ cầm quyền Miến Điện hiện đang bị các nước Tây Âu cấm vận. Các nước Trung Động "cuồng tín" là thế mà cũng đang dần dần bị cuốn hút theo luồng gió tự do. Cách mạng Cam ở Ukraine. Biểu tình ở Lebanon. Phản đối ở Iran. Tự do bầu cử ở Ai Cập. Phụ nữ được bỏ phiếu ở Kuwait... Dân chủ đang thẳng tiến. Độc tài phải chùn bước.

Nước Việt Nam mến yêu của chúng ta cũng "bị" ảnh hưởng làn sóng tự do, dân chủ rất nhiều. Đáng tiếc, các lãnh tụ CSVN hiện nay vẫn chưa biết cách nào tháo gỡ "gông cùm" Trung Cộng phương Bắc đang khóa tay ĐCSVN. Những thành phần tiến bộ trong nội bộ Đảng chưa đủ sức hất tung những giáo điều cổ xưa, những đầu óc bảo thủ ra khỏi guồng máy hiện nay nên những lãnh đạo "bổ óc ra chỉ thấy giáo điều cộng sản" ấy vẫn còn cơ hội tung hoành.

Anh T. thân, năm 2000, tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã đến thăm Việt Nam, mở đầu cho một chương mới: Chương Tự Do Dân Chủ. Năm 2005, những chiến hạm Mỹ đã cập cảng Việt Nam. Thứ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ đã đến Hà Nội. Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam đã sang thăm Hoa Thịnh Đốn. Tháng này, thủ tướng Phan Văn Khải sẽ chính thức gặp tổng thống Bush. Có thể nhà lãnh đạo Tòa Bạch Ốc sẽ ghé Việt Nam trong một tương lai rất gần? Bàn cờ chính trị đã rõ nét. CSVN đang từ từ thoát khỏi sự kềm tỏa của Tàu để đến với Mỹ. Mà muốn chơi với Mỹ thì phải có tự do, dân chủ? Không hằn là thế! Pakistan chơi với Mỹ đấy! Trung Cộng là bạn hàng buôn bán lớn của Mỹ đấy! Các nước Ai Cập, Ả Rập là đông minh của Mỹ đấy! Các nước ấy đã thật sự tự do, dân chủ chưa? Thưa anh, các nước ấy chỉ đang trên đường hình thành những nét tự do, dân chủ rất sơ khai. Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ.

Cốt lõi của tự do, dân chủ xuất phát từ người dân. Nếu người dân không đứng lên đòi tự do, vùng dậy hỏi dân chủ thì tự do và dân chủ không tự nhiên "" đến đất nước ta. Chắc chắn các chủ dân sẽ chặn đứng chúng lại, tiêu diệt chúng, xoá sổ tự do, quét sạch dân chủ mà chỉ tôn vinh "đảng chủ". Vì thế, dù các nước trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, rất nổ lực thổi luồng gió dân chủ lên các nước độc tài, người dân của các xứ sở độc tài ấy phải biết nắm lấy cơ hội ngàn vàng ấy để hít hà tự do, dân chủ. Cơ hội ngàn vàng ấy, theo tôi, đã đến. Khải nói chuyện với Bush. Xin vào WTO. Hợp tác quân sự. Siết chặt ngoại giao. "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Chơi với xừ sở dân chủ thì phải biết tuân theo những luật lệ của dân chủ. Không thể làm càn, làm bậy được. Nói một cách khác, những người dân cùng khó Việt Nam phải biết nhân cơ hội này đòi hỏi tự do, dân chủ. Những nhà trí thức Việt Nam phải nhất tâm, đồng loạt lên tiếng giành lấy quyền làm người, quyền được "Yêu ai cứ bảo là yêu, Ghét ai cứ bảo là ghét". Các học sinh, sinh viên Việt Nam, thành phần quan trọng nhất để "lật thuyền" phải biết vươn vai "Phù Đổng" đồng loạt đứng dậy, ưỡn ngực thẳng tiến quyết đòi hỏi tự do dân chủ. Nếu được như thế, tương lai của Việt Nam sẽ rất xán lạn. Thế giới tự do sẽ giúp chúng ta. Ngày hạnh phúc ấy sẽ đến rất gần.

2/ Người Việt Nam ở nước ngoài có kế hoạch trở lại để giúp dân tộc không?

Gửi anh những vần thơ nói về cà phê dưới đây để anh có thể hiểu rõ tâm trạng của người Việt lưu vong. Trong đầu óc họ, trong tiềm thức họ, không nơi nào trên thế giới đẹp và quyến rũ bằng quê hương. Paris không thể bằng Sài Gòn. Cà phê Paris chẳng thể bằng cà phê Sài Gòn. Có phải như thế chăng? Hay vì nỗi thương quê, nhớ nhà khiến thi sĩ thờ ơ, nhạt nhẽo với kinh đô ánh sáng mà chỉ luyến tiếc, nhớ nhung một miếng phố Sài Gòn?
Đưa nhau vào quán vắng
Hai tách cà phê đen
Paris đầy tuyết trắng
Anh nhìn anh, nhìn em

Tự nhiên sao mà nhớ
Một miếng phố Sài Gòn
Giọt cà phê chậm nhỏ
Xuống ly đời em ngon


Quê hương mình giầu nắng
Tình ấm áp mặt trời
Người mộng xa muôn dặm
Mặc thời gian ngược xuôi


Ở đây buồn hiu hắt
Như hồn anh lưu vong
Cái cà phê nhấn nút
Nốc một hơi là xong


Xích gần nhau quán vắng
Paris cà phê đen
Tuyết rơi trên chất đắng
Tan trong nỗi ưu phiền


Xích gần nhau chút nữa
Paris cà phê đen
Ta nhìn ta bỡ ngỡ
Anh và em chưa quen (*)


"Quê hương mình giàu nắng. Tình ấm áp mặt trời". Quê hương của chúng ta đẹp thế, thi vị thế nên cuộc đời tha phương ở những "cõi tạm" khác trên quả đất này chỉ là một nỗi sầu chất ngất.
Paris cà phê
Thiếu em tóc rối
Vạt nắng chiều quê
Thiếu em tiếng nói
Ru đời hôn mê

Paris cà phê
Vắng em cõi tạm
Sài Gòn môi tê
Vắng em cay đắng
Câu hát xuân thì


Paris cà phê
Sao bằng góc phố
Em ngồi quán khuya
Sao bằng nỗi khổ
Đến rồi không đi (*)


Tóc rối thiếu nữ. Vạt nắng chiều quê. Câu hát xuân thì. Góc phố. Quán khuya. Tất cả những hình ảnh tưởng chừng như bình thường dưới con mắt của người Việt trong nước lại trở thành nỗi nhớ nhung day dứt của người xa xứ. Người Việt xa quê hương nên nhớ từng góc phố, quán khuya. Luyến tiếc, thèm thuồng cả những niềm đau "đến rồi không đi". Lá rụng về cội. Vì thế người dân Việt hải ngoại mãi mãi chỉ có một quê hương, một tổ quốc duy nhất là Việt Nam. Dù người ấy ở London hay Washington. Melbourne hay Paris. Bởi vì:

Paris cà phê
Chỉ làm anh nhớ
Một miếng vỉa hè
Chỉ làm ai đó
Nước mắt đầm đìa (*)


Anh T. thân quý. Người Việt hải ngoại đã và luôn sẵn sàng giúp đỡ người dân trong nước. Các tổ chức hải ngoại, các cộng đồng đã đòi hỏi rất nhiều các vị dân biểu, nghị sĩ Hoa Kỳ đối với nền dân chủ Việt Nam. CSVN hiện nay có vẻ "nhẹ tay" với các thành phần phản kháng như Phạm Quế Dương, Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn... phần lớn là nhờ sự lên tiếng của người Việt hải ngoại. Các tiếng nói phản kháng ấy, được phỏng vấn trực tiếp từ các đài radio hải ngoại, đã được đồng bào chúng ta đón nhận nồng hậu. Các bài viết phản kháng được đồng bào chúng ta ngốn ngấu từng chữ, từng giòng. Khi quê hương đang bị giày xéo bởi bạo quyền cộng sản thì đồng bào bất kể trong hay ngoài nước đều phải có nhiệm vụ chống lại bạo tàn để làm đẹp, làm sạch quê hương.

3/ Sắp tới có khả năng thế giới can thiệp quân sự vào Việt Nam không? Biện pháp giết CS là gì?

Chiến tranh rất tàn bạo. Nguy hiểm. Không nước nào muốn rước lấy cái hậu quả nguy hiểm ấy bằng đánh đổi xương máu của người dân họ cho quyền tự do, dân chủ của các xứ sở khác. Thời điểm hiện nay. Can thiệp quân sự vào Việt Nam xem như là chuyện không tưởng. Theo tôi, chúng ta không cần sự can thiệp quân sự vì hai lý do: Nhân dân Việt Nam đã quá chán ngán chiến tranh. Chỉ muốn hòa bình. Hơn thế nữa, có hẳn quân sự sẽ đem lại tự do, dân chủ cho Việt Nam. Chiến tranh là sự cần thiết? Tôi xin lập lại những gì tôi đã trình bầy trong các thư trước."Sẽ chẳng bao giờ chúng ta có lực lượng võ trang hùng hậu như lực lượng võ trang hùng hậu của chế độ cũ (miền Nam). Và chúng ta không cần thiết lực lượng võ trang hùng hậu nữa. Nếu ví chúa Trịnh đàng ngoài là phỉ quyền, chúa Nguyễn đàng trong là ngụy quyền thì khi cách mạng Tây Sơn dấy động và tiêu diệt cả hai, đã không hề có lực lượng võ trang riêng. Vũ khí của Tây Sơn là nỗi thống khổ của nhân dân. Áo vải, ở bất cứ không gian và thời gian nào, vẫn nhiều hơn áo gấm. Áo vải là biểu tượng của kẻ bị trị, bị tước đoạt quyền sống tự do, hạnh phúc. Vận động áo vải đè bẹp áo gấm là vận động bị trị đập nát thống trị. Khi áo vải nhất tâm đứng dậy, đó là ngày áo gấm xuống đất đen. Áo gấm hôm nay là Đảng và chế độ cộng sản. Chúng ta chưa vận động nổi toàn dân. Với dân miền Nam, đặc biệt, dân Sài Gòn, nỗi thống khổ mới chỉ là mụn ghẻ ngoài da. Nó chưa làm thốn tim, xác xơ phổi. Tinh thần đầu hàng khá đông. Tinh thần cầu an khá đông. Tinh thần thời cơ chủ nghĩa đuổi theo chụp giựt lợi nhuận mới khá đông. Chừng nào ba thứ tinh thần kể trên biến mất để chỉ còn tinh thần một áo vải quyết tâm hạ gục áo gấm, chừng ấy lực lượng bất diệt là sự phẫn nộ sấm sét, là thù hận cuống xoáy thác lũ, là chiến đấu giông bão ào ào. Chừng ấy, chiếm là đóng, đóng là đồn trú vĩnh cửu. Đã có năm mươi năm kinh nghiệm cộng sản, và khắp nơi người ta đều thua cộng sản vì chiến đấu bằng vũ khí. Vậy mà người ta vẫn chủ trương dùng vũ khí diệt cộng sản. Hai mươi năm vũ khí Hoa Kỳ tối tân, ê hề đã thua nhục nhã. Đoạn kết bi thảm và rạc rài của vũ khí Hoa Kỳ là 30-4-75. Vũ khí, hiện đại như bom CBU chẳng hạn, sẽ chỉ chiếm đóng vai phụ trong chiến đấu giải thoát quê hương. Tư tưởng chiến đấu và tinh thần chiến đấu quan trọng hàng đầu. Tư tưởng tạo ra lý tưởng. Lý tưởng tạo ra tinh thần. Tinh thần làm nên chiến thắng.(*)"

Vậy thì con đường nào dẫn đến mồ chôn CS? Vận động toàn dân nhất tâm vùng dậy. Bằng cách nào? Bằng những phương thức như các nhà trí thức phản kháng hiện nay đang làm: vạch trần những xấu xa, nguy hiểm, thô bỉ của chính quyền hiện nay bằng giấy trắng, mực đen. Phải thức tỉnh người dân. Phải chấp nhận hy sinh. Phải từ bỏ những quyền lợi cá nhân bé tẻo mà nghĩ đến cái lớn lao, cái vĩ đại của giang sơn, tổ quốc.

Năm 1972, chàng trai 18 tuổi Nguyễn Khắc Toàn theo lệnh Đảng vào Nam "chống Mỹ cứu nước". 30 năm sau, Nguyễn Khắc Toàn bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội quy tội gián điệp và kết án 12 năm tù giam và 4 năm quản chế. Trong tù, người hùng Nguyễn Khắc Toàn đã suy nghĩ như thế nào? Dưới đây là thư của anh hùng Nguyễn Khắc Toàn gửi mẹ già từ trại giam Nam Hà. Những nhận định của anh ấy, rất đơn giản nhưng hiểu theo nghĩa nào đó, nếu chúng ta làm đúng, làm lớn, làm mạnh, làm quyết liệt, chính là tử huyệt của CS.
Trại tù giam Nam Hà những ngày đầu tháng 3 - 2005.

Mẹ kính yêu ! Các chị em thương mến !





Con viết mấy dòng thư này về thăm mẹ và toàn gia quyến, vì đã rất lâu đến gần cả năm nay con không được quyền viết thư về gia đình. Mặc dù đó là quyền đương nhiên và hợp pháp của những tù nhân bình thường nhất.

Mẹ ạ ! Thắm thoát thế là đã hơn 3 năm trời con phải xa gia đình để vào tù, kể từ chiều tối ngày 8.01.2002. Cũng như mọi người đã rõ qua thông tin bên ngoài, qua 2 vụ gọi là ''xét xử theo luật pháp'' và qua tất cả những lần gia đình đến trại tù thăm gặp con. Thì thực chất đây là một trong những chuỗi vụ án Chính trị mà Đảng và Nhà nước Việt Nam XHCN trấn áp những người đối lập chính kiến tranh đấu vì Dân chủ Tự do, vì đòi hỏi Nhà nước thực thi các quyền con người được thừa nhận trong Hiến pháp và Công ước Quốc tế về Nhân quyền, mà Nhà nước VNXHCN là một thành viên đã tham gia ký cam kết đảm bảo trước LHQ và cộng đồng thế giới cho công dân đất nước mình. Hàng loạt vụ đàn áp bằng tòa án của Đảng và Nhà nước đối với những công dân VN là trí thức, cựu chiến binh, cựu quan chức cấp cao của Nhà nước, những người đã một thời đem mồ hôi xương máu và cả mạng sống của mình để góp phần xây nên chế độ và nhà nước hiện nay.

Đấy quả là 1 bi kịch nhỏ trong tấn bi kịch lớn của dân tộc phải chịu đựng. Cũng chính vì một phần trong lẽ đó, dư luận trong và ngoài nước đã dấy lên làn sóng phản kháng lên án rất mạnh mà từ châu Âu, châu Úc đến Bắc Mỹ. Dư luận và lương tri nhân loại đã không khoanh tay ngồi yên để cái ác, bất công, bạo lực hoành hành. Tất cả đã phối hợp nhịp nhàng, quyết liệt và toàn diện tạo áp lực lên Đảng và Nhà nước Việt Nam để đòi thả những người tranh đấu vì nghĩa lớn, vì Tự do Dân chủ ! Do đó phía nhà nước Việt nam đã phải nương nhẹ với những người phản kháng như trường hợp cựu Đại tá Phạm Quế Dương, cựu chiến binh Trần Dũng Tiến, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế … Và trong thời gian qua một số người khác cũng đã được thả khỏi nhà tù như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Lê Chí Quang, giáo sư Nguyễn Đình Huy. Tuy nhiên dư luận thế giới, đặc biệt Mỹ và châu Âu và cả trong nước vẫn tiếp tục đòi thả khỏi nhà tù những người phản kháng còn lại như Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn và cả con trai của Mẹ là cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn nữa.

Dư luận quốc tế quan tâm đặc biệt đến số phận các nhân vật còn lại trong các nhà tù XHCN ở Việt Nam trong các dịp đặc xá 30.4 và 2.9 của năm 2005. Việc đó ra sao : tạm thời tha họ khỏi nhà tù để đem về tiếp tục quản chế tại gia ở các địa phương nơi họ sinh sống trước kia hay tiếp tục thi hành những bản án phi pháp, ngang ngược trắng trợn đến cùng nhằm hủy diệt cuộc đời họ trong lao tù? Đó là bí ẩn nằm trong tay đảng CS và Nhà nước VNXHCN hiện nay. Và đó cũng là minh chứng hùng hồn là lợi ích của Nhà nước được đặt lên trên hết, trước hết hay quyền lực thống trị mới thực là tối thượng? mới thực là ưu tiên hàng đầu? ưu tiên số một?

Thưa mẹ kính yêu !

Sau hơn 1 năm liên tục tiếp xúc và làm việc với các sĩ quan, cán bộ của trại giam này và đặc biệt là của Bộ Công an từ Hà nội xuống, con đã hiểu ra rằng hoàn toàn phía Việt Nam không có thực tâm thiện chí muốn cởi mở với những tù nhân chính trị chống chế độ. Mà trái lại họ chỉ cởi mở khi bị áp lực bên ngoài thúc ép mà thôi ; càng áp lực mạnh càng tốt cho tù nhân trong này. Người phản kháng bất đồng trong nước càng có uy tín quốc tế và trong nước càng được chính Nhà nước "bảo vệ" và không dám đụng vào. Dù cho họ có sự lên tiếng và những hoạt động tranh đấu mạnh mẽ hơn bội phần những người còn đang bị cầm tù. Các trường hợp các cụ Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hộ, Nguyễn Văn Trấn… là ví dụ điển hình. Các trường hợp trí thức khác như tiến sĩ viện sĩ Nguyễn Thanh Giang, TS Hà Sĩ Phu, Lữ Phương, nhà văn Hoàng tiến, nhà thơ Bùi Minh Quốc, nữ văn sĩ Dương Thu Hương, ông Lê Hồng Hà … cũng là những ví dụ rõ ràng.

Do đó con nghĩ rằng, việc con sớm trở về đoàn tụ tạm thời với gia đình góp phần báo hiếu Mẹ Cha, lập gia đình sống bình thường như hàng triệu công dân VN khác là do áp lực bên ngoài chứ không phải do bản thân con ở trong nhà tù lạnh lẽo này Mẹ ạ ! Bởi vậy vai trò của gia đình và nhất là Mẹ, các chị, các em rất quan trọng. Phải mở rộng cửa đón các chính khách quốc tế, các nhà báo nước ngoài, trả lời phỏng vấn các đài phát thanh quốc tế, đặc biệt gửi đơn từ liên tục đến các cơ quan có thẩm quyền theo luật định. Không 1 cơ quan quyền lực nào dám trả thù Mẹ, gia đình ta cả. Vì đó là những việc pháp luật không cấm. Không vi phạm gì pháp luật cả. Con chỉ trông mong vào điều đó thôi. Sẽ rất có hiệu quả to lớn mạnh mẽ. Bởi thế CA Việt Nam ra sức ngăn chặn và đe dọa liên tục. Mẹ nên học tập gia đình Lê Chí Quang mà làm đến mức phải cắt nhiều lần điện thoại nhà nó đấy !

Cuối cùng con kính chúc Mẹ luôn mạnh khỏe sống lâu, cả nhà hạnh phúc, may mắn, an khang.

Con của Mẹ

Nguyễn Khắc Toàn

4/ Anh và các bạn cần làm gì?

Phải làm như những nhà phản kháng đang làm. Phải chấp nhận tù đày như Nguyễn Khắc Toàn, Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn... Phải có những tư tưởng, những ý nghĩ sống thật đẹp, thật hào hùng. Phải vận động toàn dân gây bão táp, phong ba.

Thành thật mà nói, những hy sinh của các nhà phản kháng hiện nay rất ý nghĩa, rất đúng, đáng khâm phục và ngưỡng mộ nhưng "hiệu quả" chưa đạt. Vì chưa đến được với toàn dân. Người dân chưa hiểu hết, biết hết về những anh hùng của chúng ta thì làm sao có được những cơn sóng thần quét sạch rác rưởi độc tài làm sạch quê hương. Hiếm hoi người được nghe nói về những hy sinh ấy. Ra bất cứ hè phố, công viên nào của Huế, Sài Gòn, Hà Nội thử hỏi về Nguyễn Thanh Giang, Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Khắc Toàn...! Có bao nhiêu người biết đến họ, biết đến sự dấn thân cao cả của họ? Thật là oái ăm nếu hỏi chính những người ấy về cầu thủ nào đá banh hay nhất nước Việt Nam, vận động viên nào vô địch tennis Việt Nam, giọng ca nào ngọt ngào nhất Việt Nam, họ sẽ kể vanh vách, rành rọt như những nhà phân tích thể thao, văn nghệ chuyên nghiệp.

Những e-mail chống đối, những website phản kháng, những báo đài hải ngoại vô cùng cần thiết và quan trọng nhưng cũng chỉ tác động một phần nhỏ đến một số ít người quan tâm. Chỉ là sóng lớn nhưng chưa "dữ", chưa "thần". Muốn thần, muốn dữ phải biết "vận động toàn dân". Nhà nhà, người người đều biết. Từ già đến trẻ. Từ quê đến tỉnh. Từ cùng đinh đến trí thức. Từ nông dân đến công nhân. Tất cả phải hàng hàng hàng lớp lớp đứng lên. Sự cộng hưởng của tất cả những cơn sóng lớn ấy sẽ tạo thành một sóng thần vĩ đại, khổng lồ phá nát, cuốn phăng tham nhũng, hối lộ, cửa quyền, độc tài, trù dập, tiêu cực... Chỉ những giá trị vĩnh cửu mới sống sót, tồn tại. Lòng thương người, tính lương thiện, sự chân thật sẽ là nền tảng căn bản đưa đất nước Việt Nam vươn lên tầm thế giới.

Anh T. thân, để có mồ chôn cộng sản cần có sóng thần. Để có sóng thần phải biết vận động toàn dân. Muốn vận động toàn dân, các anh nhất thiết phải "xuống thuyền". Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng, ủng hộ các anh.

Nguyễn Tiến Đức - Hưng Việt

20/06/2005

(*) Duyên Anh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn