BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73179)
(Xem: 62205)
(Xem: 39378)
(Xem: 31132)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Niềm Vui Cuối Năm?

14 Tháng Hai 200812:00 SA(Xem: 1418)
Niềm Vui Cuối Năm?
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Theo thói quen hàng ngày, buổi tối, sau khi về đến nhà, tôi thường đọc thoáng qua mấy cái thư nhận được trong ngày, đặc biệt là thư của anh em thương phế binh gởi sang, và rồi sau khi cơm nước xong, mới ngồi đọc kỹ từng lá một, sở dĩ làm như vậy là vì tôi cũng đang trông ngóng một cái gì... 

Là người phụ trách chương trình yểm trợ thương phế binh tại thành phố nhỏ bé này, mỗi năm chúng tôi chỉ có thể giúp khoảng 150 anh em, sáu năm vị chi khoảng ngót một ngàn anh em, vậy mà chưa nhận được hồ sơ nào của anh em trước đây cùng ở chung tiểu đoàn. Sáu năm liền phục vụ tại một đơn vị tác chiến, trải qua không biết bao trận đánh lớn nhỏ, biết bao anh em đã đền nợ nước, biết bao anh em đã hy sinh một phần thân thể cho quê hương đất nước, bây giờ họ ở đâu, chẳng lẽ sự tủi nhục tinh thần lẫn đau đớn thể xác khiến họ chết cả rồi sao? Hơn, Hòa, Giáp, Tắc, Có... và còn nhiều người nữa đến bây giờ tôi không thể nhớ hết tên.
***

Tối nay cũng như thường lệ, tôi mở vội lá thư đầu tiên gởi từ Quảng Nam của một nghĩa quân với tấm hình bị cụt một tay, lá thư thứ hai của một người cụt hai chân ngang đầu gối, những dòng chữ đầu tiên đập vào mắt tôi:

 Sài gòn ngày 14 tháng 1 năm 2008

 Kính gởi ông Hiếu,

 Tôi tên Nguyễn văn Báu số quân 73/173.378 là thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Tôi học khóa 136 Biệt Động Quân và được đưa về Đại đội 4, Tiểu đoàn 52 BĐQ, do Thiếu úy Hiếu là Đại đội trưởng và Thiếu tá Dậu là Tiểu đoàn trưởng, Hạ sĩ I Sự là Tiểu đội trưởng. Tôi bị thương cụt hai chân tại mặt trận Bình Long năm 1972. Sau năm 1975 mẹ tôi buồn quá nên đã chết, còn tôi lang thang ăn xin đã hơn ba chục năm nay, chẳng nhận đựơc sự giúp đỡ nào cả. Mới đây tôi buồn quá đã uống cả ống thuốc tự tử, nhưng không chết. Tôi được một người bạn thương phế binh cho tôi địa chỉ của ông, nên tôi viết thư này mong được ông giúp đỡ. Tôi không còn giấy tờ gì vì không nhà cửa, nên đã mất hết, chỉ còn cái căn cước quân nhân, mong ông thương tình cứu xét. Tôi hiện đang tạm trú tại nhà do con gái tôi mướn tại số 123/12/34 khu nghĩa địa Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, Sài Gòn. Điện thoại con gái tôi 84-087517

 Kính mong được ông và quý hội quan tâm giúp đỡ cho kẻ khốn cùng này.

 TPB Nguyễn văn Báu

 Đọc dứt thư tôi mừng quá, như trong thư nó nói thì chắc chắn nó là một trong những người lính trong đại đội của tôi, đại đội mà tôi đã gắn bó với nó từ giữa năm 1971 đến cuối 1974, đại đội mà tôi đã coi nó như một phần gia đình mình. Nhìn cái hình trong căn cước quân nhân, tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra - Nhấc điện thoại tôi gọi ngay về Việt Nam, từ bên kia giọng một người đàn bà trẻ trả lời:

 - A lô ai đó ?

 - Tôi là Hiếu từ Mỹ gọi về. Cho tôi nói chuyện với ông Báu!

 - Ai? Ba con hả? Bác là ai đó, bác nói với ba con bác phải la lớn chứ ổng hổng nghe! Ba ơi! Có bác nào ở Mỹ gọi ba nè!

 Tôi nghe có tiếng của một người đàn ông hay nói đúng hơn là giọng của một ông già miền Nam vọng trong điện thoại:

 - Ai mà từ Mỹ gọi tau đó bay, ổng có nói tên chi đó không?

 - Con chỉ nghe ổng nói ổng tên Hiếu. Ba cầm điện thoại nói chuyện với ổng đi! Có tiếng "A lô" khàn khàn trong máy, nhớ lời con nhỏ tôi la lớn:

 - Báu đó phải không, Hiếu đây, Thiếu úy Hiếu, Đại đội trưởng. Mày nhớ không?

 Sau một vài giây ngập ngừng,tôi nghe nó lắp bắp:

 - Ông Đại đội trưởng đó hả. Ông Thiếu úy... ông... ông thầy.. tôi khổ quá ông thầy ơi! Tiếng nói hòa lẫn tiếng khóc nghẹn ngào.

 - Thằng nào mà không khổ. Thôi nè đừng khóc nữa, nghe tao hỏi đây, mày có vợ con gì không? Bây giờ mày làm gì? Mấy đứa nhỏ học hành ra sao?

 - Dạ có vợ hai con. Tụi nó bỏ học từ lúc nhỏ, đi theo em ăn xin. Má em chết rồi nên em dắt tụi nhỏ về Sài Gòn mười mấy năm nay, không còn ở Tân Uyên nữa. Cả gia đình thuê một căn nhà ở khu nghĩa địa này.

 - Thế vợ chồng mày và tụi nhỏ làm gì?

 - Dạ em thì vẫn vậy. Còn vợ em thì đi ở đợ. Hai đứa nhỏ thì đi làm công nhân.

 - Sao nhìn trong hình mày già thế?

 Nói đến đây tôi chợt thấy mình vô duyên quá, ngay chính mình đây tuy đã thoát cảnh tủi nhục nghèo khổ hơn chục năm nay, mà còn già háp, huống chi là nó. Tôi bèn nói sang chuyện khác.

 - Nè Báu, nghe tao nói đây, dẹp bỏ cái ý tưởng tự tử đi nghe mày. Ngày mai tao sẽ đi gửi cho mày 100. Tao sẽ gởi hồ sơ của mày cho anh Chánh phụ trách chương trình huynh đệ chi binh của tổng hội Biệt Động Quân mình, thế nào mày cũng sẽ nhận thêm 100 nữa, tạm thời như thế rồi tao sẽ liệu sau. Vậy thôi nghe! Tao sẽ gọi lại sau, giữ gìn sức khỏe nghe mày!

 - Dạ! Dạ! đừng quên em nghe ông thầy. Em chào ông Đại đội trưởng.

 - Ờ, cho tao thăm vợ mày và mấy đứa nhỏ.

 Buông điện thoại ra, tâm trạng tôi thật bần thần, phần mừng vì được tin một thằng em TPB đã chiến đấu và bị thương của đại đội mình, phần suy nghĩ mình sẽ làm gì được cho nó đây, thôi thì trước mắt ngày mai đi gởi liền cho nó ít tiền (Ban yểm trợ TPB ở tiểu bang này từ hai năm nay, đã quyết định hồ sơ anh em TPB các binh chủng ND, TQLC, BCD... sẽ gởi về cho các binh chủng gốc của họ giúp đỡ).

 Nhân trong chương trình yểm trợ thương phế binh của Tổng Hội CTNCT, do anh Nguyễn Tường Thược phụ trách, có mời lên để cùng kêu gọi đồng hương và chiến hữu đóng góp cho cây mùa xuân thương phế binh và về vấn đề "dọn dẹp làm cỏ NTQĐ" trên hệ thống đài phát thanh Việt Nam Hải Ngoại, tôi chỉ nêu lên vấn đề anh em TPB đang đi dần vào cuối đời. Mặc dù nhiều anh em tuổi cũng chưa cao, nhưng nỗi tủi nhục khó khăn chồng chất đã làm các anh kiệt lực, cho nên chúng ta cần quan tâm đến anh em nhiều hơn nữa nếu có thể, tôi nêu lên trường hợp của Báu số quân 73/xxx.xxx nhưng nhìn như một ông cụ ngoài 70, đang ăn xin trên các bến xe, các nơi chợ búa đông người.

 Khi vừa dứt chương trình, thì có một ông cụ ở Colorado gọi, cụ tên là Nguyễn văn An 78 tuổi, cụ cho biết trước đây cụ ở Ban Mê Thuột, cụ khen BĐQ đánh giặc hết chỗ chê, khu cụ ở được BĐQ bảo vệ suốt nhiều năm dài, cụ muốn cho Báu 150 đồng, rồi cụ hỏi địa chỉ để gởi sang, lời cụ thật mộc mạc chân tình:

 - Ông Hiếu à! Tôi cũng là một thương phế binh giải ngũ năm 1961. Tôi người quê Phát Diệm nên tôi rành bọn Việt cộng lắm. Chúng nó tàn ác vô cùng, năm 54 gia đình bố mẹ anh em tôi phải lén trốn vào Nam, chúng bắt được hai đứa em tôi, ít hôm sau chúng không thấy gia đình tôi trở về nên chúng đã xử tử mấy chú ấy. Tôi thấy anh em BĐQ đánh giặc cừ lắm, không sợ chết, gia đình tôi sống ở Ban Mê Thuột mang ơn anh em BĐQ lắm, ông cho tôi gởi cho anh lính của ông 150. Chúa ban cho gia đình tôi vượt biên bình an, nay hai cháu lớn đã có gia đình, tôi bảo lãnh cũng đã sắp sang, các cháu vượt biên cùng với tôi nay cũng đã nên người, tôi về hưu đã chục năm nay,tiền hưu cũng chẳng bao nhiêu nhưng cũng cố chắt bóp dành dụm cho anh em TPB một ít.

 Khi ngân phiếu của cụ An vừa nhận được, buổi chiều tôi được biết hai cụ Quế ở trong Hội Cao Niên sẽ về Việt Nam thăm con ngày hôm sau, tôi bèn tức tốc gọi điện thoại đến gặp và nhờ ông bà đến giao tận tay cho Báu số tiền này, cũng như tìm hiểu hoàn cảnh của nó sống ra sao. Chỉ vài ngày sau cụ bà gọi điện thoại cho tôi biết là đã đến gặp Báu, trông vợ chồng nó già lắm, căn nhà thuê lại của một ông thiếu tá LLĐB đã giải ngũ trước 75 mỗi tháng một triệu rưỡi. Cả gia đình kiếm được mỗi tháng khoảng hơn ba triệu, như vậy là tiền nhà đã liếm mất một nửa, nhưng thôi, ít ra về thành phố con cái còn tìm được việc làm, vợ chồng còn kiếm được cái mà ăn.
***

 Khoảng 10 giờ sáng, lúc đang đứng ủi quần áo tại tiệm giặt, tôi nhận được một cú điện thoại gọi đến:

 - A & Z laundry, may I help you?

 Điện thoại im bặt, lại có tên Mẽo hay Mễ hoặc Cuba nào gọi lộn số đây chăng? Vừa định quay sang cái bàn ủi máy làm tiếp thì điện thoại lại reng:

 - Đ.m, A & Z laundry, may I help you!

 Có tiếng trả lời ngập ngừng, có lẽ vì tiếng đ.m đã khiến người gọi nhận ra:

 - Dạ! Dạ có phải Thiếu úy không? Em là Báu. Em là Báu đây Thiếu úy.

 - Tao đây Báu! Làm sao mà mày có số điện thoại của tao?

 - Dạ em ghi lại trên cái giấy ký nhận tiền. Chỉ còn nửa tiếng nữa là giao thừa, em xin phép Thiếu úy cho em gọi để chúc gia đình Thiếu úy năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc. Em cám ơn ông thày nhiều. Em đang định "đi xa" thì tìm được ông thày.

 - Thôi đ.m không được có ý định đó nữa nghe không, mày có nhận được anh Chánh gởi về giúp chưa? Nhớ viết thư cám ơn cụ An theo địa chỉ trong thư tay tao gởi cho mày, còn tao thì khỏi, cũng đừng điện thoại tốn tiền, để tiền đó mua gạo. À tao nghe bà cụ Quế nói mày đi bán vé số phải không? Rồi mày đi bằng cái gì?

 - Em nói với bà cụ vậy thôi chứ em đi ăn xin. Em cắt hai miếng vỏ xe Honda cột vào đầu gối để đi. Sáng con em nó chở đi, rồi chiều tối tan hãng nó đến chở về, đi như em làm sao mà bán lại với họ.

 - Nếu có cái xe lăn hay xe lắc thì di chuyển dễ hơn phải không?

 - Dạ dễ hơn nhưng đâu có dễ gì mua nổi gần hai triệu một cái.

 - Thôi để tao liệu, nhưng không hứa trước, À, này mày có hút thuốc uống rượu không, nếu có bỏ đi nhe em, đ.m tao bên đây bây giờ bỏ hết rồi. Vậy thôi nhe! Năm mới tao cũng chúc gia đình mày an vui hạnh phúc nhé.

 - Dạ em cũng chúc ông thày như vậy. Đừng quên em nhe ông thày, viết thư cho em nghe ông thày!

 - Ờ..., ờ...

 Quả thật tôi đã có một niềm vui khó kiếm trong một ngày cuối năm. Cho đến hôm nay, lời yêu cầu viết thư cho nó tôi chưa thực hiện được. Tôi sẽ in bài này gởi về cho nó kèm thêm vài chữ, còn cái xe lăn, xe lắc, chắc chắn tôi sẽ làm, nhưng trước hết, niên trưởng, chiến hữu 52 nào, muốn đóng góp cùng tôi cho thằng em bất hạnh, xin gọi cho tôi ở số (505) 918-7120 hoặc gởi chi phiếu về:

Đoàn Trọng Hiếu
1120 Indiana St, SE.
ABQ, NM 87108
Tin mới nhận (29/07/2008): Sáng nay, tôi có liên lạc thì được biết Báu tự tẩm xăng và tự đốt mình. Báu nó đã chết. Số tiền 400$ vưà nhận sáng nay, chỉ để chi một phần bệnh viện thì mới được nhận xác về. Thôi cầu cho nó đi bình an, như nó muốn, để nó đỡ đau đớn, và vợ con đỡ cực khổ vì nó. Cháu gái, con cuả Báu, có xin tôi giúp một lần cuối để thiêu. Tôi hứa sẽ vận động giúp. Cám ơn các chiền hữu.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn