BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73242)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hoa Nở Vì Ai?

01 Tháng Chín 200212:00 SA(Xem: 1260)
Hoa Nở Vì Ai?
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51




Sau cuộc chiến năm 1954, hình ảnh người thương binh trở về mái nhà xưa, được nhạc sĩ Phạm Duy mô tả trong bản nhạc “Ngày trở về”, nói lên cuộc đời êm ấm đầy ắp yêu thương mà dân chúng đã dành cho những người đã hy sinh một phần thân thể ngoài chiến trường trong cuộc chiến đấu vì tự do của dân tộc:



“... Ngày trở về
Có anh nông phu chống nạng cày bừa
Vì thương yêu anh nên ngày trở về có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ
Ngày trở về, lúa ngô thi nhau hát đùa trước ngõ
Gió mát trăng thanh
Ôi ngày trở về
Có anh thương binh sống đời hòa bình. (Điệp khúc 1)
... Ngày trở về
Có anh thương binh lấy vợ hiền lành
Người đẹp bên anh ta cùng học hành
Những khi tan công, hết việc xếp gánh
Ngày lại ngày, có em vui tươi, xách gạo bếp nước
Có nắm cơm ngon ôi trời lạnh lùng
Có đôi uyên ương sống đời mặn nồng.” (Điệp khúc 2)


Vào năm 1973, khi hiệp định Paris được ký kết, một nhạc sĩ khác, trẻ hơn Phạm Duy, đã từng nổi tiếng với bản tình ca “Tôi đưa em sang sông”, nhạc sĩ Nhật Ngân, hy vọng rằng cuối cùng rồi hòa bình cũng sẽ trở lại trên quê hương yêu dấu sau bao năm khói lưả mịt mù, nên đã tâm nguyện trong lòng khi “Một mai giã từ vũ khí”:

“Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm, mộ bia ký trong nghĩa điạ buồn, bạn anh đó đang say ngủ yên.
Xin cảm ơn, xin cảm ơn người nằm xuống.
Để có một ngày, có một ngày, cho chúng mình.
Ta lại gặp ta, còn vòng tay mở rộng thương mến bao la.
Chuông chùa làng ta, chiều lại vang, bếp ai lên khói ấm tình thương, bát cơm rau thắm mối tình quê, có con trâu, có nương dâu, thiên đường nầy mơ ước bao lâu...”


Tuy nhiên, thiên đường mơ ước bao lâu nay đã không đến với dân tộc Việt Nam. Những kẻ đầy tham vọng vẫn tiếp tục cuộc chiến, cưỡng chiếm miền Nam, áp đặt một chế độ độc tài tàn bạo nhất trong lịch sử trên toàn thể lãnh thổ đất nước. Biến cố năm 1975 đầy hỗn loạn, được tiếp nối bằng những cuộc “học tập cải tạo”. “Học tập cải tạo” về mọi phương diện để “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” (khẩu hiệu chiến lược cuả cộng sản Việt Nam sau năm 1975).

Những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa bị đẩy vào các trại tập trung, lao động khổ ải ở các miền rừng thiêng nước độc. Dân chúng tại thành phố bị tước đoạt cuả cải, nhà cưả, xe cộ, công ăn việc làm, các phương tiện sản xuất. Nông dân ở thôn quê bị mất ruộng đồng, phải vào các hợp tác xã để làm công lấy điểm hàng ngày, gọi là “luá điểm” tức “liếm đuả”.

Do đó, không ai còn có cơ hội để cùng dìu nhau “tìm thăm, mộ bia ký trong nghĩa điạ buồn”, hoặc để “cảm ơn, xin cảm ơn người nằm xuống.” Bởi vì chẳng bao giờ còn “có một ngày, có một ngày, cho chúng mình./ Ta lại gặp ta, còn vòng tay mở rộng thương mến bao la./ Chuông chùa làng ta, chiều lại vang, bếp ai lên khói ấm tình thương, bát cơm rau thắm mối tình quê, có con trâu, có nương dâu, thiên đường nầy mơ ước bao lâu...”

Toàn dân bị đoạ đày dưới sự thống trị cuả tập đoàn lãnh đạo một đảng phái theo ý thức hệ ngoại lai phản dân hại nước. Trong sổ đoạn trường nầy, đặc biệt đau khổ nhất phải kể đến những thương phế binh còn sống sót sau khi đã hiến thân bảo vệ đời sống đồng bào miền Nam, bảo vệ lá cờ chính nghĩa tự do dân chủ ở miền Nam.

Ngay khi bộ đội cộng sản vừa tiến vào thành phố, các thương binh đang được điều dưỡng trong các bệnh viện, quân y viện trên toàn miền Nam liền bị trục xuất tức khắc. Họ đi về đâu? Họ biết đâu mà về? Gia đình tan nát, thương tật về thể xác, đau đớn về tinh thần. Tổ chức cầm quyền do tập đoàn cộng sản điều khiển không dung thân họ. Họ hầu như ít có điều kiện để thoát ly nhắm tìm kiếm một đời sống mới ở những vùng đất hưá không phải là quê hương mình.

Nói cho ngay, lúc đó, dân chúng miền Nam và những người đã ra nước ngoài sinh sống không phải là không biết ơn họ, không nhớ ơn họ. Nhưng lúc đó, ai ai cũng tất bật lo toan cho chính sinh mạng mình, sinh mạng những người thân thuộc chung quanh mình.

Thưa các anh, chúng tôi biết lắm, chúng tôi nhớ lắm. Chính nhờ các anh, dân chúng miền Nam mới sinh sống thoải mái hơn 20 năm trong tự do dân chủ. Dù chế độ miền Nam có nhiều khuyết điểm, dù một số nhà lãnh đạo miền Nam phạm nhiều sai lầm, nhưng chế độ miền Nam vẫn là chế độ tượng trưng và nối tiếp truyền thống dân tộc, độc lập, tự do và dân chủ từ ngàn xưa để lại.

Trước năm 1975, miền Nam thường xảy ra những cuộc đấu tranh chính trị, những nhật báo tư nhân độc lập đả kích chính phủ, những cuộc xuống đường, lên đường, biểu tình, tập trung hò hét phản đối, những bài ca phản chiến đến độ phản bội vẫn được lưu hành. Đó là gì nếu không phải là dấu hiệu cuả tự do dân chủ? Và các anh, các chiến binh Việt Nam Cộng Hòa đã xả thân ngoài chiến trường để cho những sinh hoạt tự do dân chủ đó diễn ra tại thành phố. Rồi chính những sinh hoạt đó đã góp phần làm suy giảm ý chí chiến đấu cuả một số các anh.

Thưa các anh, chúng tôi biết lắm, chúng tôi nhớ lắm. Chính nhờ các anh, Việt Nam Cộng Hòa đã đẩy lui được cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân cuả cộng sản. Chính các anh đã chận đứng những cuộc chôn sống dã man mà chỉ có cộng sản mới đủ nhẫn tâm để giết hại lương dân vô tội. Không phải chỉ có chúng tôi, dân chúng miền Nam, mà cả dư luận thế giới cũng ca tụng các anh. Sau vụ Tết Mậu Thân, khi được tổng thống Hoa Kỳ gởi sang thị sát chiến trường Việt Nam ngày 23-2-1968, tướng Earle G. Wheeler, trong báo cáo gởi về Washington, đã nhấn mạnh: "Các lực lượng vũ trang Việt Nam Cộng Hòa đã kháng cự cuộc tấn công ban đầu với một sức mạnh thần kỳ.” Khi bình luận về trận Mậu Thân, ông Yves Gras, một tướng lãnh Pháp, đã viết: "Quân đội Nam Việt giữ vai trò chủ yếu trong các trận đánh bẻ gãy cuộc tấn công của phương Bắc trong Tết Mậu Thân vào tháng 2 năm 1968.”(Cả hai câu nầy trích dẫn từ sách Indochine: Alerte à l’histoire của một nhóm tác giả, Paris, 1985, tr. 279.)

Thưa các anh, chúng tôi biết lắm, chúng tôi nhớ lắm. Chính nhờ các anh, Việt Nam Cộng Hòa mới an toàn sau đợt xung kích cuả cộng sản vào năm 1972 mà nhà văn Phan Nhật Nam đã gọi là “mùa hè đỏ lửa”. Sau đó, cộng sản Bắc Việt vẫn điên cuồng phóng người vào miền Nam thực hiện cho bằng được nghĩa vụ quốc tế, nhuộm đỏ miền Nam để mở khoá tiến xuống Đông nam Á. “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc” (lời cuả Lê Duẩn).

Cuối cùng, dầu người Hoa Kỳ đã quay lưng bỏ đi năm 1973, các anh, những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa anh dũng, vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến phút cuối cùng còn có thể chiến đấu được. Sau năm 1975, dù bộ máy tuyên truyền cuả cộng sản đã hô hào rằng họ đã chiến thắng, nhưng với chúng tôi, các anh không thất bại. Trong thế cùng cuả đất nước, các anh chỉ buông vũ khí, ngưng chiến đấu, chứ các anh không bỏ rơi chúng tôi, không bỏ rơi dân chúng. Những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ bỏ rơi, không bao giờ phản bội dân chúng.

Chúng tôi biết tất cả những diễn tiến trên đây, chúng tôi hiểu tâm trạng cuả các anh, người chiến binh cuả chúng tôi. Chúng tôi luôn luôn nhớ ơn các anh. Nhưng trong sự quay cuồng cuả đất trời, trong những ngày tháng hỗn mang từ 1975, không ai làm được gì cho các anh, nhất là những chiến sĩ và những thương phế binh còn kẹt lại ở quê nhà. À ơi, “gió đưa cây cải về trời./ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.” Những cay đắng chồng chất sau năm 1975 đã gây thêm những thương tật về tâm hồn cho các anh, những người vốn đã bị thương tật về thể xác.

Do đó, trên bước đường lập nghiệp ở nước ngoài, một khi đã ổn định được cuộc sống nơi vùng đất mới, nhiều người nghĩ ngay đến việc gởi tiền và quà cáp về nuôi gia đình, đồng thời tìm cách giúp đỡ anh em thương phế binh còn lại trong nước. Không ai có thể quên các anh. Có nhiều người hành động riêng lẻ, có nhiều đoàn thể đã tích cực quyên góp để gởi về phân phối cho nhiều đồng đội cũ. Trong số đó, một trong những đoàn thể làm việc có tổ chức, có phương pháp nhất, phải kể đến Gia đình Mũ Đỏ.

Lúc đầu, Gia đình Mũ Đỏ Hoa Kỳ và Gia đình Mũ Đỏ Canada thành lập một “Quỹ cứu trợ các thương phế binh Nhảy Dù”ø còn kẹt lại trong nước, do tiền lạc quyên cũng như do sự đóng góp thường xuyên của những cựu chiến binh Nhảy Dù ở hải ngoại và những nhà hảo tâm, để hằng năm đều đặn gởi tiền về giúp những đồng đội thiếu may mắn của binh chủng mình.

Được thành lập năm 1993 tại Montréal, quỹ cứu trợ Gia đình Mũ Đỏ Canada đã giúp đỡ được trên 1.200 thương phế binh ở quê nhà với số tiền tổng cộng cho đến nay lên đến trên 80.000 Mỹ kim. Đối tượng cứu trợ ban đầu cuả Gia đình Mũ Đỏ chỉ là anh em thương phế binh thuộc binh chủng Nhảy Dù. Tiếp theo là nhiều tiếng kêu cứu, “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn”. Tuy khác binh chủng, nhưng đều là những chiến sĩ cuả Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Do đó, Gia đình Mũ Đỏ quyết định mở rộng phạm vi hoạt động, phục vụ cứu giúp tất cả những anh em thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa thuộc bất cứ đơn vị nào, từ Cảnh Sát, Nghĩa Quân, Địa Phương Quân, đến các binh chủng Hải Lục Không quân và lực lượng tổng trừ bị như Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù.

Được biết điều kiện để thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa được hưởng trợ cấp nầy là: 1) Bản sao (photocopy) Chứng chỉ tại ngũ. 2) Bản sao (photocopy) giấy Chứng nhận mức độ thương tật của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (100%, 90%, 80%...). 3) Bản sao (photocopy) giấy Chứng minh nhân dân mới. 4) Hình mới nhất về thương tật theo giấy Chứng nhận thương tật cũ (ví dụ: một thương binh bị cụt tay năm 1971, phải có một tấm hình mới nhất (năm 2001) cho thấy là đã bị cụt tay theo đúng thương tật đã được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chứng nhận). Hình nầy nhắm xác nhận đương sự đang còn sống.

Tiêu chuẩn ưu tiên để được xét cấp: 10% dành cho Thương phế binh Gia Đình Mũ Đỏ; 90% cho tất cả các quân binh chủng khác. Đặc biệt, những quân nhân bị thương tật từ 1971 đến 1974, và càng gần biến cố ngày 30-4-1975 thì càng được ưu tiên, vì hoặc chưa được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trợ cấp, hoặc mới được trợ cấp nên cuộc sống chưa ổn định sau khi giải ngũ, trong khi những thương phế binh từ 1970 trở về trước tương đối ổn định hơn. Ngoài ra, riêng những thương phế binh lâm nạn từ tháng giêng đến tháng 4 năm 1975, chưa có thể có giấy chứng nhận của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng có thể xin trợ cấp. Gia đình Mũ Đỏ sẽ kiếm cách sưu tra riêng, và nếu kết quả sưu tra đúng như lời viết trong đơn, sẽ được giúp đỡ bởi một ngân quỹ đặc biệt của một mạnh thường quân ở Montréal.

Chương trình cứu trợ nầy chỉ có thể truyền miệng, nên nếu các Hội đoàn, các tổ chức từ thiện hay chính trị, hoặc các cá nhân nào có quen biết một thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa nào ở Việt Nam cần được giúp đỡ, xin quý vị vui lòng giới thiệu hoặc chuyển hồ sơ cuả họ gởi về: Gia Đình Mũ Đỏ Canada, Văn phòng chính: 895 Hills, St Laurent, Québec, H4M 2W7, Canada (phone: 514-855-0969), hoặc Văn phòng Cố vấn Gia Đình Mũ Đỏ Canada: 8090 Aime Renaud, St Leonard, Québec, H1P 2T4, Canada (Phone: 514-324-9549).

Do ngân quỹ có giới hạn, nên mỗi thương phế binh được xét cấp 50 Mỹ kim một năm. Ở trong nước, 50 Mỹ kim trị giá hơn một chỉ vàng, là một số tiền lớn đối với những gia đình khó khăn. Chi phí chuyển tiền từ nước ngoài về trong nước qua các cơ sở tư nhân do Gia đình Mũ Đỏ tài trợ. Có ba phương thức gởi tiền giúp đỡ như sau:

Thứ nhất, sau khi xét cấp, GĐMĐ đến cơ sở chuyển tiền tư nhân, gởi tiền trực tiếp đến các đối tượng. Khi nhận được tiền, những người nầy sẽ viết thư hồi đáp.

Thứ nhì, nếu những nhà bảo trợ ở hải ngoại muốn tự mình trực tiếp chuyển tiền đến các đối tượng, GĐMĐ sẽ cung cấp địa chỉ và tình trạng của các đương sự, để những nhà hảo tâm gởi thẳng đến cho các đương sự và nếu xét thấy cần có thể tăng riêng thêm tiền giúp đỡ.

Thứ ba, có chương trình nuôi thương phế binh một năm, hai năm, ba năm ... Ví dụ một nhà hảo tâm muốn giúp nuôi một thương phế binh trong ba năm, GĐMĐ sẽ nhắc nhở hằng năm để nhà hảo tâm gởi tiền trực tiếp về giúp.

Riêng tại Toronto, khi Gia đình Mũ Đỏ quyết định mở rộng vòng tay nhân ái, giúp đỡ tất cả các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa chứ không riêng binh chủng Nhảy Dù, và kêu gọi sự tiếp tay của mọi giới đồng hương hải ngoại, một nhóm thân hữu Toronto đã đứng ra thành lập ban bảo trợ dưới danh xưng Hoa Tình Thương Toronto từ năm 1999.

Trong 2 năm đầu, Hoa Tình Thương Toronto đã tổ chức được hai buổi sinh hoạt để gây quỹ tại nhà riêng của một thành viên Hoa Tình Thương là anh Võ Thành Tân. Trong các buổi sinh hoạt nầy, các thành viên Hoa Tình Thương tự mình phụ trách thức ăn, cung cấp rượu, và các khách mời tùy hỷ đóng góp. Số tiền lạc quyên trong hai lần nầy lên đến trên 10.000 Gia kim, đều có công khai tài chánh và chuyển đến Gia đình Mũ Đỏ Canada.

Năm vừa qua, Hoa Tình Tương Toronto cải tiến cách tổ chức. Để tăng thêm ngân quỹ, nhóm Hoa Tình Thương quyết định tổ chức Dạ tiệc Văn nghệ Dạ vũ tại Hội trường Cecil, số 58 Cecil St., Toronto, gần đường Spadina và College, và kết quả thật khả quan, thu được 11.160 Gia kim. Gấp hai lần hai năm trước. Số tiền nầy đã được gởi về cứu trợ được khoảng 150 thương phế binh còn lại ở trong nước theo tiêu chuẩn trên.

Trong một bài thơ bất hủ nói lên tâm trạng ngày trở về cuả một sĩ quan bị tù trong các trại cải tạo cuả cộng sản, thi sĩ Tô Thuỳ Yên đã viết:

“Một đời được mấy điều mong ước,
Núi lở sông bồi đã mấy khi,
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động,
Mười năm, cổ lục đã ai ghi?


Ta về cúi mái đầu sương điểm,
Nghe nặng từ tâm, lượng đất trời,
Cám ơn hoa đã vì ta nở,
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi.”


(Tô Thùy Yên, “Ta về”, đoạn 6 và 7)

Không biết loài hoa mà Tô Thùy Yên nói đến là hoa gì? Hoa hồng, hoa huệ, hoa quỳnh hay bất cứ loài hoa nào, cũng đều là những đoá hoa thiên nhiên của Trời Đất. Sắc hoa để làm đẹp cho đời, hương hoa để toả thơm cho người. Chỉ một chút hương sắc cuả các loài hoa sớm nở tối tàn, cũng đủ tạo một niềm vui thầm kín lẻ loi nơi người chiến binh lỡ vận. “Cám ơn hoa đã vì ta nở...”

Huống gì là Hoa tình thương, loại hoa vô hình vô tướng, vô sắc vô thanh, kết tinh từ lòng người, nở ra vì con người, sống mãi với con người, và không bao giờ tàn phai. Hoa tình thương không chỉ riêng nở trong vườn nhà ai, mà hoa tình thương kết nụ đơm bông tận lòng từ tâm vô lượng cuả mọi người, chắc chắn sẽ giúp cho những thương phế binh còn lại trong nước, ít ra tìm được một nỗi vui lẻ loi và nhỏ nhoi trong chuỗi ngày còn lại cuả cuộc đời tàn phế.

Mong rằng mọi người sẽ đến Hội trường CECIL, số 58 Cecil St., Toronto vào lúc 7g30 tối Thứ Bảy ngày 28-9-2002 để cùng nhau góp công góp sức cho vườn Hoa tình thương toả rộng càng nhiều càng tốt đến tay những anh em, những đồng đội bất hạnh còn lại ở quê nhà. Mong lắm thay.

Ghi chú thêm: Những “Hoa tình thương” ở xa, xin gởi chi phiếu đề tên: The Family of Red Berets in Canada, 895 Hills, St Laurent, Québec, H4M 2W7, Canada.

TRẦN GIA PHỤNG

(Toronto, 1-9-2002)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn