BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73233)
(Xem: 62214)
(Xem: 39392)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trần Đăng Khoa và thơ văn bỏ mả

31 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 870)
Trần Đăng Khoa và thơ văn bỏ mả
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Tôi sinh ra ở Sài Gòn, nơi vẫn được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông. Chỉ ngặt cái là ngay chỗ tôi chôn nhau cắt rốn (Xóm Chiếu, Khánh Hội) thì lại không được danh giá hay ngọc ngà gì cho lắm. Đây là nơi cư trú của những tay anh chị, những cô gái ăn sương, những đứa trẻ bụi đời, và đám phu phen bốc vác ở kho Năm.

Khánh Hội, rõ ràng, không phải là mảnh đất lý tưởng dành cho văn chương hay học thuật. Chưa có nhà văn, nhà thơ hay một vị trí thức khoa bảng nào chào đời tại chốn này. Lều văn, chòi thơ, hoặc trí thức (xuông) thôi cũng khỏi có luôn.

Sinh hoạt văn hoá của chúng tôi, bởi thế, chỉ xoay quanh… bàn nhậu. Nơi lúc nào cũng rộn rã tiếng cười, mùi mẫn tiếng ca vọng cổ, và rôm rả tiếng chửi thể. Đ… mẹ, thằng nào nói láo là xe cán chết liền!

Nước Việt, tất nhiên, có nhiều địa phương an lành và nền nã hơn như vậy. Và đây mới chính là chỗ xuất thân của những nghệ sĩ, danh nhân, tài tử… Theo như tường thuật của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn – đọc được trên evan.vietexpress.net, vào ngày 7 tháng 1 năm 2008 – quê hương của thần đồng Trần Đăng Khoa (xem ra) rất có vẻ là một nơi như thế:

“May mắn có vài dịp đi qua xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, tôi luôn tìm cớ dừng lại rất lâu để ngắm nhìn những bờ ruộng nhấp nhô, những mái nhà thấp thoáng, những hàng tre lập lòa trong bóng chiều nhập nhoạng của một miền quê nghèo, mà tự hỏi: Tại sao nơi này có thể sinh ra được một thần đồng thơ nhỉ?”

…………..

“Biết đâu năm 1958, Thượng Đế nhàn rỗi đã tản bộ qua đây và rải chút ít bụi thơ xuống bờ bãi sông Kinh Thầy đúng cái ngày bà mẹ hữu duyên trở dạ sinh ra Trần Đăng Khoa.”

Tôi vinh hạnh được sinh cùng thời với vị thi sĩ thần đồng nhưng chưa bao giờ may mắn được sống cùng nơi với ông. Khi còn chiến tranh chia cách, chúng tôi kẻ Bắc/người Nam. Lúc đất nước thống nhất, Nam-Bắc hòa lời ca, tôi ca (nhắm) không nổi nên bỏ chạy… khiến cho “đôi đứa” phải chia xa.

Dù cách xa quê nhà vạn dặm, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe thiên hạ nhắc đến nhà thơ Trần Đăng Khoa. Tuy thế, thơ ca của ông thì mãi đến hôm gần đây tôi mới có cơ duyên được xem qua – chút đỉnh.

Hôm đó, tôi tình cờ gặp Phạm Hoàng ở California – khi nhà báo này đến đây để tham dự cuộc Họp mặt Dân chủ - tổ chức vào ngày 6 tháng 6 năm 2009. Sẵn dịp ông ấy tặng cho mấy số tạp chí Cánh Én, phát hành từ… thế kỷ trước – như là kỷ niệm của một “thời thương khó,” khi báo chí còn phải in ấn (rất) lôi thôi chứ chưa được đưa lên net.

Cánh Én số phát hành vào tháng 12 năm 1999, qua “Câu chuyện bên bàn trà,” có lời lời tâm sự rất ngộ của nhà thơ Trần Đăng Khoa:

“Vừa rồi tôi có đi Tây Nguyên dự lễ bỏ mả của gia đình ông Y Ngông Niết Đam. Nguời Eđê có một tục lệ rất đặc biệt. Khi nhà có nguời chết, gia đình con cháu hàng ngày vẫn nuôi nấng, vẫn mang cơm nuớc ra mộ, khi có điều kiện họ làm lễ bỏ mả. Đó là bữa tiệc linh đình chia tay vĩnh viễn với nguời chết. Sau đó họ không quan tâm đến ngôi mộ ấy nữa, để linh hồn nguời chết được siêu thoát, không còn vướng víu cõi trần. Tôi cũng đã làm xong cái lễ bỏ mả cho thơ ca thời niên thiếu của tôi.”

Bỗng dưng nghe một vị thần đồng tuyên bố “làm lễ bỏ mả cho thơ ca thời niên thiếu” của ông (khiến) tôi đâm hoảng, rồi bùi ngùi… hoá tiếc. Thế là tôi vội vàng tìm đọc những thi phẩm mà Trần Đăng Khoa sáng tác vào lúc ấu thời:

A, Bác Hồ!

Bác Hồ ta đó!

Bác mặc tấm áo ka ki

Bàng bạc sương rừng Pắc Bó

Trán Bác có ngôi sao

Thảo nào Bác đi đêm không lạc Bác ơi, Bác!

(Em gặp Bác Hồ – 1969)

Chú ngồi dặn cháu trong phòng

Ôi lòng Chú cũng như lòng mẹ cha

Tiếng thơ Chú bỗng ngân nga

Hoà cùng tiếng võng quê nhà mẹ đưa

Đất trời sang đẹp hơn xưa

(Thơ kính tặng Chú Tố Hữu – 1969)

Trần Đăng Khoa quả là một cậu bé có thời, và là một người đàn ông thức thời. Ông ấy “làm lễ bỏ mả cho thơ ca thời niên thiếu” là hợp thời, và phải (giá).

Nhân khi tìm đọc Trần Đăng Khoa, tôi còn được biết thêm rằng sự nghiệp văn học của ông ta không chỉ giới hạn trong lãnh vực thi ca. Qua một cuộc phỏng vấn, do Lê Thị Thái Hoà thực hiện, đọc được ở Thanh Niên Online vào ngày 30 tháng 4 năm 2008, ông cho biết:

” Tôi nói thật, chưa bao giờ tôi viết có xúc cảm hết. Thời trẻ con cũng thế và sau này cũng vậy. Thấy cần viết là tôi viết. Họ đặt ký tôi viết về người này người kia thì tôi viết. Thế là có tập Chân dung và Đối thoại đấy. »

Thiệt, nghe mà thấy ham hết sức. Sao thằng chả viết lách khoẻ re và dễ (ợt) vậy cà?

Sau khi thưởng lãm mấy bài thơ “viết không cần cảm xúc” – về các Bác và các Chú đầy quyền lực, trong thế giới tuổi thơ của Trần Đăng Khoa – tưởng cũng nên đọc (qua) loại ký mà ông được “đặt… viết về người này người kia” chút xíu.

Báo Văn Nghệ ( số 44, số ra ngày 3 tháng 11 năm 2007) có bài viết của Trần Đăng Khoa về Nguyên Ngọc, với đoạn kết (nguyên văn) như sau:

“Rồi má chỉ ra ngoài cửa nhà, nơi có bao nhiêu là tài sản của má. Sau vách đất, ngay bên cạnh mảnh sân to chừng hơn cái nong phơi thóc là một vạt ngô đã trổ cờ, mấy luống mía sắp bóc lá và cả một ruộng khoai lang. Gia tài ấy của má cũng đã đủ nuôi Nguyên Ngọc rồi…”

“Má Vinh rót nước râu ngô mời tôi với Nguyên Ngọc. Trên chiếc bàn nước bằng gỗ tạp, sau tấm kính vỡ được ghép lại là la liệt giấy khen, bằng khen đủ các kích cỡ thời kháng chiến. Cái thì đánh máy, cái thì viết tay, nét chữ đã ố mờ, chỉ có chữ ký của người chỉ huy chứ không có dấu. Những giấy tờ dã chiến như thế, liệu bây giờ người ta có tin không? Nguyên Ngọc cũng đã viết chứng thực cho gia đình má có công nuôi giấu cán bộ Cách mạng. Mọi văn bản cũng đầy đủ rồi, nhưng cơ quan chính sách vẫn chỉ im lặng. Má Vinh cười móm mém:”

- Thôi, chả cần nữa đâu, Thành à. Mình sống được đến bây giờ là may mắn lắm. Còn mong gì thêm nữa. Mà má cũng già rồi. Chẳng biết chết lúc nào. Má chỉ còn lo, là lo cho con thôi…”

“Không phải chỉ có má Vinh, bao nhiêu người dân ở khu căn cứ cách mạng này đều thương yêu và lo lắng cho Nguyên Ngọc. Bởi thế, chắc họ sẽ rất vui khi biết Nhà nước trao tặng Nguyên Ngọc Huân chương Độc lập hạng nhì. Biết đâu, điều ấy sẽ làm cho họ thêm tin yêu cách mạng, như những ngày gian khổ xa xưa…”

Cứ theo như lời của Trần Đăng Khoa thì cuộc sống ở nông thôn (xem chừng) cũng khoẻ, nông dân thì (có vẻ) dễ vui, và (xem ra) cũng hơi … dễ dụ. Dù nhà cửa đã trưng bầy tá lả “bằng khen đủ các kích cỡ,” và dù tất cả đều giá trị không hơn một tờ giấy lộn, họ vẫn “sẽ rất vui khi biết Nhà nước trao tặng Nguyên Ngọc Huân chương Độc lập hạng Nhì.”

Nói thế (chắc) chưa đã miệng nên Trần Đăng Khoa còn thòng thêm câu nữa: “Biết đâu, điều ấy sẽ làm cho họ thêm tin yêu cách mạng, như những ngày gian khổ xa xưa…” Thiệt là quá đã! Đọc Trần Đăng Khoa sao thấy thanh thản, an vui, và an tâm hết sức.

Thực trạng ở nông thôn, và đời sống của nông dân, theo như tường thuật của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – đọc được trên Vietimes, vào ngày 23 tháng 3 năm 2008 – có phần (hơi) khác:

“Chúng ta đang nói về những cuộc tha hương kiếm ăn của hàng triệu con em những người nông dân. Chúng ta chứng kiến hết chuyện bi thương này đến chuyện bi thương khác của các cô gái lấy chồng ngoại quốc. Chúng ta chứng kiến những cô gái trẻ là con em những người nông dân tìm về thành phố để làm tất cả những gì họ có thể làm. Liệu chúng ta có còn có khả năng cúi mặt khi biết rằng ở nhiều khu du lịch hay vui chơi giải trí có rất nhiều thôn nữ 17 tuổi đã bán dâm từ 10 đến 20 lần một ngày?”

Trong một cuộc phỏng vấn do Nguyễn Thị Ngọc Hải thực hiện (trên báo Người Đô Thị, số ra tháng 10 năm 2008) nhà báo Võ Đắc Danh cũng đề cập đến tình cảnh phũ phàng tương tự: “Nông thôn nghèo hơn. Xơ xác. Chị thử đi một lần. Ra khỏi đường nhựa là nhà không ra nhà, người không ra người, bần cùng tăm tối.”

Còn chính nhà văn Nguyên Ngọc – người đưa Trần Đăng Khoa đến thăm má Vinh ở ấp Phái Nhất, thôn Quang Hiện, xã Điện Hoà - chắc phải ứa nước mắt khi viết về “Đất và nông dân”:

… đến hôm nay nhiều người đã phải nói lên một sự thật đã tới hồi không còn có thể quay mặt làm ngơ nữa: nông dân chán ruộng, nông dân chán nông thôn. Nghĩa là về cả hai mặt quan trọng, sống còn nhất trong đời sống con người đã khủng hoảng thật quá sâu: về kinh tế, người lao động trên ruộng đồng đã chán cả mảnh đất ngàn đời máu thịt của mình; về văn hóa thì cái nơi vốn là gốc rễ của văn hóa dân tộc ấy đã chán chường đến mức người ta không còn muốn sống ở đấy nữa, mặc dầu bỏ ra đi thì sẽ là lao vào một cuộc phiêu lưu cũng thật mịt mùng!” (Tia Sáng, số ra ngày 2 tháng 7 năm 2008).

Sự tương phản rõ rệt giữa những cái nhìn (thượng dẫn) khiến tôi buộc phải nghĩ rằng Trần Đăng Khoa không phải là người trung thực. Ông ấy chỉ… viết đại, theo như đơn đặt, thế thôi.

Điều may mắn là chỉ hơn một năm sau, qua một cuộc phỏng vấn khác – đọc được vào hôm 13 tháng 7 năm 2009, do Hồng Thanh Quang thực hiện – Trần Đăng Khoa đã nói khác. Ông không đề cập đến chuyện “viết không cần cảm xúc” hay “viết theo đơn đặt” nữa. Thay vào đó, ông nêu lên“thiên chức của nhà văn” bằng những lời lẽ hết sức trang trọng và cảm động:

“Bởi vì ở Phương Đông cũng như ở Việt Nam, văn chương đích thực, phải tải Đạo, như cụ Đồ Chiểu nói: Chở bao nhiêu Đạo, thuyền không khẳm. Vì thế, trong con mắt của xã hội, nhà văn là cao quí, là đại diện cho giá trị đạo đức và văn hoá xã hội.”

Tôi chỉ là một thường dân, và là kẻ xuất thân từ một nơi ô tạp nên không dám lạm bàn đến “thiên chức của một nhà văn.” Tôi cũng không dám kỳ vọng Trần Đăng Khoa, hoặc bất cứ ai, phải trở thành một người “đại diện cho giá trị đạo đức và văn hoá xã hội.”

Sống ở thời buổi nhiễu nhương đâu phải dễ. Lôi thôi chúng bắt lên TV nhận tội thì bỏ mẹ. Chỉ mong sao, trong tương lai gần, sẽ có lúc nhận được một tin vui (nhỏ): nhà văn Trần Đăng Khoa cũng đã làm lễ bỏ mả cho những tác phẩm (viết theo đơn đặt) của ông rồi. Được thế thật qúi hoá lằm thay.

Tưởng Năng Tiến
31/08/2009

http://www.talawas.org/?p=8859
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn