BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73317)
(Xem: 62232)
(Xem: 39419)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện ba người tù vượt ngục

15 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 1948)
Chuyện ba người tù vượt ngục
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Viết tới đây đọc lại tôi thấy những điều tôi viết giống như một đống xà bần, hỗn độn và rối mù. Tôi đã cố viết đi viết lại cho được sáng sủa hơn, rõ ràng hơn, sau cùng thấy rõ mọi nỗ lực của mình đều vô ích.

Thế giới quanh tôi có gì rõ ràng sáng sủa đâu? Nó cũng giống y hệt như một đống xà bần vậy. Nếu những điều tôi viết hỗn độn rối mù thì chỉ là vì nó đã phản ảnh trung thực những gì tôi nghĩ cũng như những gì tôi nhìn thấy ngoài xã hội.

Khi nối kết tất cả những điều đã viết lại, tôi mơ hồ cảm thấy trọng tâm điều mình định nói là cái lỗi lầm lớn lao của cả dân tộc suốt một thế kỷ vừa qua. Dường như dân tộc tôi đã " làm văn hóa mà lầm" như lời cảnh cáo của Lão Tử. "Làm văn hóa mà lầm" là đã vội vã du nhập không suy xét những tư tưởng ngoại lai, tưởng nó là thần dược viagra sẽ mang lại sức mạnh thần kỳ cho cả dân tộc. Ngờ đâu nó chỉ xé nát dân tộc, xé nát tâm hồn con người. Con người bị vỡ vụn thành từng mảnh. Trí văng tuốt tận mây xanh, Dũng bay xuống biển sâu và Tâm rớt xuống địa ngục.

Không có Tâm thì Trí biến thành Trá, Dũng biến thành Tàn Bạo Bất Nhân. Không có Trí thì Tâm biến thành Khờ khạo, dễ bị người lừa, Dũng biến thành hăm hở nhảy vào đống lửa. Không có Dũng thì Trí biến thành cái khôn vặt của kẻ hèn nhát đốn mạt, Tâm biến thành nhẫn nhục cam phận.

Ý nghĩa cuộc sống có lẽ chính là sự hợp nhất Tâm Trí Dũng để con người đủ khôn ngoan sáng suốt mà tìm lại giá trị đích thực của con người chăng?

Tôi xin kể lại một mẩu chuyện đã xảy ra cho mấy người bạn tù tôi đã gặp trong trại cải tạo. Mẩu chuyện đó tự nó sẽ nói lên những nỗi gian nan trong cuộc hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống của con người.

Vào năm 1978, khi chiến trường Căm-pu-chia sôi động, tôi bị đưa từ trại cải tạo Bù Loi về Suối Máu. Nơi đây tôi đã gặp một số bạn trẻ mà không bao giờ tôi quên nổi. Trong số những người bạn khó quên đó có ba người bạn tù trẻ tuổi là Nguyễn Văn Mạnh, Vũ Ngọc Văn và Phạm Văn Tiến.

Cả ba anh đã vượt ngục từ một trại tù thuộc tỉnh Phước Bình, không may bị bắt lại và đưa về đồn biên phòng sát biên giới Miên Việt.

Vừa tới đồn biên phòng, ba anh bị một trận đòn hội chợ tả tơi hoa lá. Trận đòn hội chợ tạm ngưng khi có hai em nhỏ bị dẫn tới.

Hai em nhỏ đó là hai chị em sống ở vùng kinh tế mới gần đó. Con chị mới chừng 10,11 tuổi, đứa em trai độ 5,6 tuổi. Đứa em trai bị lũ trẻ con cán bộ Cộng Sản hiếp đáp đánh đập, con chị chạy ra bênh vực.Thế là hai đứa nhỏ bị khép tội chống phá cách mạng, dám chống lại con em cán bộ, chống lại Đảng, chống lại nhân dân. Và bị đưa về đồn biên phòng cho bộ đội xử lý.

Lũ bộ đội thấy đây là một cơ hội tốt để tác oai tác phước. Chúng lấy ra mấy cái roi mây lớn và ra lệnh cho ba anh Mạnh, Văn, Tiến phải cầm roi quất nát đít hai đứa bé. Nếu làm theo lời chúng nói thì sẽ khỏi bị đánh tiếp, nếu không đánh hai đứa nhỏ thì sẽ tiếp tục chịu đòn.

Cả ba anh khảng khái khước từ. Mạnh nói:

- Hai đứa bé vô tội, chúng tôi không thể đánh chúng nó một roi. Các anh muốn làm gì chúng tôi thì làm!

Bọn bộ đội trói ba anh vào ba cột nhà. Từ xa chúng lấy thế chạy tới dùng hết sức bình sinh giáng báng súng vào ngực ba anh. Các anh nghe thấy xương sườn gãy rắc rắc. Một thằng bộ đội lấy cây lồ ô chẻ một đầu cho toẽ ra, và quất túi bụi vào mặt Vũ Ngọc Văn. Miệng Vũ Ngọc Văn biến thành một đống thịt bày nhày nát bét. Nguyễn Văn Mạnh có một bộ râu quai nón khá rậm. Một thằng bộ đội khác múc một lon xăng tạt lên bộ râu của Mạnh và châm lửa đốt. Lửa cháy bừng bừng cho đến khi Mạnh ngửi thấy mùi da thịt khét lẹt.

Khi tôi gặp ba anh vào cuối năm 1978 ở trại Suối Máu thì vết thương ở những mảnh xương sườn gãy vẫn chưa lành. Trời lạnh, ba anh vẫn nằm rên rỉ. Môi Vũ Ngọc Văn vẫn còn vết tích của trận đòn thù.

Trong thâm tâm tôi kính nể và khâm phục ba anh bạn trẻ đó, dù cả ba anh còn rất trẻ. Mối dây kết nối ba anh bạn tù với hai đứa trẻ vùng kinh tế mới đó chính là sợi tơ hồng mà tôi muốn nói tới và không biết dùng lời nào để diễn tả cho thật chính xác. Nó được đan bằng Tâm Trí Dũng. Chỉ khi Tâm Trí Dũng hợp lại làm một ta mới thấy cái ta cho là tốt đẹp thực sự tốt đẹp. Nó khác rất xa với những ngôn từ hoa mỹ thường được những thuật sĩ của thời đại dùng làm tấm vải điều để phủ lên cái tâm địa đen thui như mõm chó.

Ba anh bạn trẻ đó đã thấy mình hòa với hai đứa bé làm một. Da thịt non nớt trên mông hai đứa bé sẽ tóe máu nếu bị roi quất vào đít. Nỗi đau tóe máu ấy sẽ làm rung chuyển nhói buốt trái tim ba anh bạn trẻ. Các anh sẽ cảm thấy chính mình đau đớn, có lẽ còn đau đớn hơn cả hai đứa trẻ bị đánh. Da thịt hai đứa bé dường như cũng là da thịt của chính mình. Ba anh không thể cầm roi quất vào đít hai em nhỏ. Nếu làm như thế thì ba anh đã biến thành loài chó lợn, giống hệt như lũ bộ đội ở đồn biên phòng đó. Có một cái gì đã khiến ba anh cảm thấy xương sườn gãy rắc rắc lại dễ chịu và ít đau hơn trái tim bị nhói buốt. Cái gì đó là cái gì vậy ? Là lương tâm con người chăng? Là Tình Người chăng? Tôi cũng không biết nữa. Tôi chỉ thấy nó giống như một sợi dây êm ái kết nối người với người.

Chính sợi tơ hồng êm ái đó đã giúp ta nhìn thấy ý nghĩa cuộc sống và thấy cuộc đời này đáng sống. Nó chính là nguồn sinh lực của cả một dân tộc mà ông cha ta đã cố công vun đắp, nhưng nay dường như đang nhạt nhòa tan biến như làn sương khói mỏng manh.

Không hiểu tại sao khi nhắc tới chuyện ba người tù vượt ngục tôi lại liên tưởng ngay tới câu nói của Đức Huỳnh Phú Sổ:

Hãy giữ lấy Trí sáng suốt để khỏi bị kẻ khác lừa, nhưng hãy giữ lấy Tâm thuần hậu để không tính chuyện lừa người khác.

Ba anh Mạnh, Văn và Tiến đã biết rất rõ họ phải làm gì khi thất thế. Quật cường, bất khuất, không cúi đầu trước bạo lực, nhưng không hung bạo, tàn ác, bất nhân. Đó là cái Dũng của những kẻ có Tâm Từ Bi. Điều lạ lùng là anh Mạnh lại là một tín đồ Thiên Chúa Giáo ngoan đạo, Văn là một thanh niên lớn lên trong gia đình thờ cúng Ông Bà Tổ Tiên, còn Tiến theo đạo gì tôi cũng không biết nữa. Tôi chỉ biết ba người đã cùng gặp nhau trong một trại cải tạo, cùng vượt ngục, cùng bị bắt, cùng chịu chung một số phận như nhau và điều quan trọng hơn hết là có cùng một nhận thức nên làm gì, phải làm gì khi bị bắt.

Cả dân tộc tôi, trên đại thể, cũng cùng chung một số phận như ba anh. Chẳng biết đến bao giờ dân tộc tôi mới cùng chung một nhận thức.

Kim Bằng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn