BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73240)
(Xem: 62215)
(Xem: 39397)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nam Hà : Ai cải tạo ai ?

15 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 1690)
Nam Hà : Ai cải tạo ai ?
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

(Trích Nỗi Buồn Côi Cút)










Lần đầu tiên, sau tám năm dài học tập cải tạo, tù được biết trước nơi đến của mình khi chuyển trại và được ngồi xe ca như hành khách của hệ thống vận tải công cộng. Vào lúc sáng ngày, trời tháng ba vùng châu thổ sông Hồng mờ mờ hơi sương mai làm cho cảnh vật hai bên đường tỉnh lộ chạy xuống phía Nam Hà Nội giống như bức ảnh lợt nét phai màu. Quần chúng trên đường cũng như trên cánh đồng sinh hoạt lưa thưa, uể oải qua những cử chỉ đơn điệu, lập đi lập lại ngày này qua tháng nọ, chẳng có động cơ nào hứng thú thúc đẩy. Ngoại cảnh tầm thường đó không đủ sức thu hút suy nghĩ của đoàn tù cải tạo vừa ra khỏi môi trường quen thuộc của nhà lao dẫu rằng họ mất liên lạc với xã hội bên ngoài khá lâu.


Qua những trường hợp chuyển trại của bạn bè trước đây từ Nam Hà về Hà Tây, tù Hà Tây được biết về lối cư xử khắt khe của Nam Hà cho nên mỗi cây số đường qua đi là mỗi bước đưa họ đến gần với những gì đáng ngại đang chờ đợi họ ở phía trước. Mấy năm trước kia, Nam Hà phải đối đầu với một phong trào chống đối khá mạnh của một nhóm tù trẻ tuổi, xuất thân từ mặt trận Phục Quốc của Sài Gòn, bị bắt sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đa số nằm trong Đội 20 nổi tiếng của trại này. Sức hăng say đối kháng của những người trai trẻ đó tiếp tục bừng dậy trong nhà tù, nơi mà mức độ đàn áp nhứt định không nương tay. Thế là có biện pháp kỷ luật nặng, biệt giam cùm chưn và chuyển trại để phân tán mỏng lực lượng phá phách. Sau đó, ở trại Nam Hà lại xảy ra chuyện tù khai thác một máy thu thanh bí mật để phổ biến tin tức nhận được. Một hoạt động kín đáo được bộ nội vụ Hà Nội phát giác ra, trong khi trại cơ sở không hay biết. Bất ngờ, trung ương về cơ sở điều tra nhưng không bắt được quả tang mà chỉ thu lượm được một số dấu hiệu khả nghi. Một lần nữa, lại chuyển trại những phần tử bị cho là liên can. Từ các biến cố gây tai tiếng như vậy, lãnh đạo trại đâm ra khắt khe hơn và nước càng xao động thì thân cá trong chậu càng phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng.


Đoàn tù Hà Tây đi lần đến trại mới với một tâm trạng nửa nuối tiếc nửa âu lo. Tiếc những dễ dãi trong nếp sống tù tội đã gầy dựng được ở Hà Tây và ngại ngùng về những khó khăn sắp tới. Đến Phủ Lý, đoàn xe rẽ vào con đường nhỏ hơn để rồi sau đó quanh co leo đồi một cách mệt nhọc. Xe cộ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa không thiếu ăn, không bị kềm kẹp như con người thế sao cũng mệt mỏi và uể oải trong lao động? Lưng chừng đường đèo, một cán bộ chỉ cho tù một khối nhà trăng trắng nằm trên mỏm đồi trước mặt để giới thiệu trại sắp đến. Một khu nhà gạch lồng trong bối cảnh xanh xanh của cây rừng và xam xám của núi đá vôi nổi bật thật rực rỡ, như một khu nghỉ mát, nhưng tiếc thay lại là một trại tù. Con hương lộ đó còn đổ về một nơi nào xa hơn nữa nhưng khi đến xã Ba Sao thì đoàn xe rẽ vào một lối mòn khác để leo lên mỏm đồi của trại Nam Hà.


Từ một trại đồng bằng, trở lại một trại giữa núi rừng hoang dại, suy nghĩ của tù cảm thấy chơi vơi và thắc mắc. Chẳng lẽ bao nhiêu năm học tập cải tạo đã qua nay lại thành công dã tràng, bắt đầu lại từ con số không? Quãng đường khoảng chừng ba cây số từ Ba Sao vào là con đường riêng của trại vì sau đó là núi rừng bạt ngàn. Núi đồi ở đây không giống như ở Hoàng Liên Sơn vì là núi đá vôi, một loại đá màu xam xám, không rắn chắc và chỉ trơ trụi mặt đá không có lớp đất bên ngoài. Có những mỏm đá nhờ cứng hơn lớp đá mềm, đã bị mưa gió xói mòn, nên vẫn thi gan cùng tuế nguyệt làm cho người ta có cảm tưởng rằng núi đá cũng mọc cành. Đó là những phiến đá tai mèo có nhiều nguy cơ gãy đổ khi mức độ rắn chắc đã mệt mỏi. Cây cối rừng Nam Hà cằn cổi, không có cây cổ thụ vì rễ cây chỉ bám víu vào một ít đất của những rãnh đá. Một vài cây bám trụ trên mỏm đá lêu nghêu chắc đã khá lâu, thân cây uốn éo như bươn bả tìm chất sống mà nỗ lực còn hằn lại rõ nét qua thời gian, mang dáng vóc của một loại Bonsai. Một vài bộ óc đam mê cây cảnh cho rằng:"Cây đó mà đem được về thành phố, bán phải khối tiền!"


Đoàn xe tiến vào Trại A, một trại gồm nhiều gian nhà gạch lợp ngói rải rác trên nhiều từng địa thế khác nhau vì khó mà có được một mặt phẳng rộng lớn trong khu vực lòng chảo đó. Núi và vực thẳm bao quanh trại theo cung vòng tròn hình chữ U mà lối vào là miệng của chữ U. Qua hết khu nhà cửa của bộ chỉ huy trại là khu nhốt tù, được vây quanh bằng một bức tường cao khoảng hai mét. Trại A là đầu não của liên trại Nam Hà, gồm có những Trại A, B, C, nằm trong địa bàn Ba Sao, và Trại Mễ, ở gần Phủ Lý, dành cho tù bịnh hoạn. Trại C nằm dưới chân đồi, giữa vùng ruộng lúa, gần xã Ba Sao hơn. Trại B nằm ở tận cùng, vào sâu hướng rừng núi phía trong, được biết đã từng giam giữ tù binh Mỹ trong những năm chiến tranh. Có dư luận cho rằng trại Nam Hà trước kia mang tên "Trại Đầm Đùn" do thực dân Pháp lập ra để giam giữ tù chánh trị. Ngày nay, dưới ánh sáng cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trại được mở mang rất nhiều và đã giảm bớt tính chất rừng thiêng, nước độc.


Bên trong vòng thành khu giam giữ tù là một khoảng đất bằng rộng lớn, ở giữa là sân tập hợp có thể làm sân đá bóng tròn, hai bên và cuối sân là những dãy buồng giam, mỗi buồng là một khu riêng biệt có tường cao khoảng một thước ngăn cách. Có tất cả mười sáu buồng. Trên nguyên tắc, mỗi buồng có một giếng nước nhưng thực tế thì có giếng không còn nước. Ở đầu sân tập hợp, ngay bên phải cổng vào khu giam tù, là một giếng nước rộng miệng, đường kính khoảng hai mươi thước, nhưng gặp nền đá nên không được sâu, mực nước lúc nào cũng vào khoảng từ một mét đến một mét rưỡi. Gặp lúc hạn hán, giếng chỉ trơ mặt cát, muốn có nước phải leo xuống đáy giếng đào từng lỗ nhỏ lấy từng lon nước một.


Những ngày mới đến, tù Hà Tây được giam riêng biệt, cửa khu khóa kín, mọi liên lạc đều bị cấm ngặt, bầu không khí khác hẳn với những ngày mới về trại Hà Tây, dù cũng do công an quản lý. Phải vài ba hôm sau, lịnh cấm cửa mới được nới lỏng và một số chỉ dấu cho thấy rằng nếp sống ở trại mới này cũng không đến đổi như đã nghe qua tin đồn. Trong khi tù mới đến còn đang bỡ ngỡ thì một vài người tù của Nam Hà lại được tự do đi hết buồng này đến buồng kia rao bán thức ăn hoặc hỏi mua nhẫn vàng, răng vàng, gọng kiếng vàng hoặc bút máy có ngòi bằng kim loại quý và mền cũ. Chẳng khác nào trên một toa xe lửa. Thì ra, trước đây trại này thường được sử dụng như trạm để đưa tù vào Nam nên hệ thống thu mua đã quen đường lối hoạt động. Nếu hệ thống mậu dịch giữa trại và tù ở Hà Tây còn nửa kín nửa hở thì ở Nam Hà guồng máy buôn bán đã hoạt động thành nề nếp. Ngoài hệ thống coi như chánh thức như vậy, còn có hệ thống song hành, ăn riêng làm lẻ của các "chành", biệt danh của những anh tù cải tạo biết cách kinh doanh. Hai hệ thống làm ăn trong tù này nhứt định là phải được sự hỗ trợ chìm của cán bộ trại. Tuy vậy, vì chuyện đố kỵ giữa cán bộ với nhau nên khi "trâu bò húc nhau" thì người tù đứng giữa đành phải gánh chịu tất cả hậu quả, thiệt mất cả chì lẫn chài. Thế nhưng, thua keo này ta bày keo khác và cứ thế, hệ thống làm ăn vẫn tồn tại.


Điều đáng ngạc nhiên là tù đến Nam Hà được mươi ngày rồi mà trại không biên chế thành tổ đội gì hết, cứ để cho ăn không ngồi rồi, không phải đi lao động, cơm ngày hai bữa, ca hát lang thang bên trong vòng rào của buồng. Trong khi đó các tay "chành" tung tin là sắp có một chuyến đi Nam. Mặc dầu bán tín bán nghi là tin đồn có dụng ý nhưng thiên hạ cũng đua nhau bán bớt mền để lấy tiền mặt mua thức ăn mà những anh tù hàng rong suốt ngày mời gọi. Thứ nhứt là vì đã sang xuân sắp vào hè, thứ hai là nếu phải đi Nam thì cũng phải bỏ bớt mền lại. Cán bộ từ trung ương về và cán bộ trại bận họp bàn nên số phận của đám tù mới về được thả nổi. Chớp thời cơ, tù sinh sống thoải mái, tìm cách giải tỏa nếp sống để đặt trại trước một tình huống không thể bước lui. Vốn đã câu kết với các con buôn lẻ, cán bộ cấp thừa hành, trực tiếp với tù, cũng muốn nhân cơ hội ăn nên làm ra một phát. Nhờ vậy nên huyền thoại khắc nghiệt của trại Nam Hà đã lần hồi tan biến. Lịnh "giới nghiêm" áp đặt cho tù mới về không được chánh thức giải tỏa, nhưng tù cũ và tù mới gần như được tự do gặp gỡ trao đổi tin tức và chào mừng nhau. Thậm chí vào ngày chủ nhựt còn mời nhau ăn uống, chuyện trò.


 


ß


 


Trong bầu không khí vui mừng tái ngộ sau bao nhiêu năm dài xa cách, kẻ ở trại này, người ở trại kia, hàn huyên chưa hết chuyện thì bạn tù lại chuẩn bị chia phôi. Việc tù cải tạo tại miền Bắc được tập hợp tất cả về Nam Hà được cho là một cuộc "gom bi", một từ chuyên môn trong trò chơi bi-da, chuẩn bị cho bước kế tiếp. Qua ý nghĩ đó, tù suy luận rằng sắp có biến chuyển mới trên bước đường học tập cải tạo của mình. Một hy vọng được kể như là sự kiện mang tính thực tế chớ không phải là suy diễn nữa. Từ ngày mới đăng ký học tập cải tạo cho đến lúc bấy giờ, mọi diễn biến lớn trong sinh hoạt đời tù đều được suy diễn, nhưng không mấy khi đúng. Vì tù thì chủ quan còn cộng sản thì lại có những hành động nghịch với lẽ thường.


Một buổi sáng, sau kẻng tập trung để xuất trại lao động khá lâu mà không thấy có lịnh phải báo cáo nhân số để ra hiện trường thì bỗng nhiên nhóm tù mới đến cũng được gọi ra sân tập hợp. Thế là một lần gọi tên nữa và sau đó những người được gọi phải gom góp tư trang để chuyển buồng "cách ly", chuẩn bị đi Nam. Như một đàn ong vỡ tổ, kẻ chạy qua, người chạy lại, anh đi buồng này, anh đến buồng kia. Những gì không cần thiết để chống lạnh, những vật liệu nặng bị bỏ bớt, bàn giao cho bạn bè còn ở lại. Thêm một lần ra đi quá bận rộn, không cho phép những người trong cuộc có giây phút rảnh rỗi để buồn lòng. Đời tù là như vậy, hợp đó rồi tan đó, có khi chẳng còn gặp nhau nữa qua những lần chuyển trại.


Ngày hôm sau, một đoàn xe tải đến chở những người tù cải tạo kể như tốt phúc "hết án biệt xứ" sắp sửa lên đường trở lại miền Nam sau tám năm dài xa quê, dưới bầu trời mưa xuân lất phất bay. Thêm một lần nữa kẻ ở đưa tiễn người đi! Nỗi buồn chia ly chưa kịp lắng đọng thì những người ở lại Nam Hà bỗng dưng thắc mắc cho thân phận của chính mình, những "ngụy quân, ngụy quyền" cuối cùng trong trại tù duy nhứt còn lại ở miền Bắc. Họ tự hỏi không biết mình thuộc loại tù gì mà bị giữ lại nơi đây để được dạy dỗ tiếp tục "dưới ánh sáng của xã hội chủ nghĩa", trong một tình huống bị coi như là "dằn chảo"? Theo lý luận hợp với lý lẽ cộng sản thì phải là loại "ác ôn, côn đồ, nhiều nợ máu" và do đó sẽ còn ở tù lâu dài. Tới bao giờ đây? Lo nghĩ thì lo nghĩ nhưng cũng không được miên man vì đã có lịnh biên chế lần nữa. Thế là tư trang lên lưng, chạy ngược, chạy xuôi như cảnh cháy nhà, chạy lửa. Rồi thì nếp sống tù tội lại bắt đầu như trước nay, trì trệ, uể oải, chán chường. Chức năng con người không còn nữa mà như chỉ còn bản năng con thú, sống với hiện tại không chút dữ kiện nào cho giờ phút sắp đến.


Ngoại trừ đội phiên dịch tài liệu cho bộ quốc phòng, với sinh hoạt có tính cách đặc biệt, được xếp vào một buồng riêng. Những người còn lại được biên chế lộn xộn, không còn theo cấp bực trong quân đội trước kia, hay theo loại hành chánh, chánh trị nữa. Trại xếp đội phiên dịch vào Buồng 2, thuộc dãy đầu ngay bên trong cổng khu, với chủ đích làm buồng trình diễn dành cho khách đến thăm trại đột xuất. Buồng này nằm ở góc, có lối vào riêng biệt, có một cái sân rộng tráng xi-măng, một vườn hoa cây cảnh đẹp mắt và một giếng nước rất tốt, có thể nói là tốt nhứt trại vì xuân, hạ, thu, đông lúc nào cũng nhiều nước. Nhân số đội phiên dịch vào khoảng trên hai mươi người nên việc sắp xếp nơi ăn chốn ở được phần dễ dàng và gọn gàng. Đội này thường xuyên lao động tại buồng với một phòng ăn được biến thành nơi làm việc nên có thể thu xếp nhanh chóng để đón khách đến thăm thình lình. Ngoài ra còn có một anh tù kém sức khỏe thuộc diện lao động nhẹ được đưa vào đội này để chăm sóc cây kiểng của buồng nên vườn hoa lúc nào cũng xinh tươi, rất thuận lợi để giới thiệu với người ngoài. Những buồng còn lại, ngoại trừ một số buồng dành cho tù hình sự, giam giữ tù cải tạo thuộc các đội lao động, phần lớn phụ trách việc lấy củi và trồng trọt hoa màu. Vào thời điểm đó, sinh hoạt của trại Nam Hà không có gì khác. Có một buồng dành riêng cho những người bịnh hoạn, già yếu, mệnh danh đội "xi-cà-que". Nhân số đội này khá đông vì, với thời gian bị giam giữ, đó là chứng tích của một thời thiếu đói, thiếu thuốc trị bịnh mà vẫn phải "thi đua lao động vượt chỉ tiêu, lấy ngày công lập thành tích, dành ngọn cờ đầu về cho tổ đội".


Vì trại chiếm mỏm đồi cao nên đất canh tác nằm ở nương dưới chân đồi hoặc ở tận phía trong rừng sâu, cạnh Trại B. Những lượt đi và về hàng ngày phải xuống đồi, lên dốc hay đi bộ hàng bao cây số nên những cặp chân yếu, gối mỏi càng thêm thắm thía. Cũng may là lúc bấy giờ tù đỡ bị kềm kẹp trong lao động, làm việc cầm chừng, lấy có. Việc canh tác nhằm vào các hoa màu phụ, chủ yếu là rau muống, để tăng chất rau xanh cho những bữa ăn của tù. Hoa màu khác thì khó phát triễn vì đất đai không tốt. Đất miệt đó không cho năng suất cao vì là đất núi đá vôi lại chỉ sử dụng toàn phân tươi lấy từ những phòng vệ sinh của trại. Kết quả trồng tỉa này không được tù quan tâm mấy vì trại có tổ chức quày hàng để bán thực phẩm cho tù.


 


ß


 


Quày hàng này, mà cán bộ thường gọi là căn-tin, chính ra được tổ chức để bán mọi thứ cần dùng cho cán bộ trại. Trước khi tù Hà Tây được chuyển về không lâu, Nam Hà đã nới rộng tầm hoạt động của nó để bán luôn cho cả tù cải tạo lẫn tù hình sự vì trại nhận thấy rằng số tiền gia đình đến thăm tù gởi vào khá nhiều mà không khai thác thì cũng phí. Trên nguyên tắc tù không được phép giữ tiền mặt, mọi vi phạm đều bị tịch thu. Thế nhưng, những gì cấm kỵ lại được thiên hạ thích làm. Tiền gia đình đăng ký cho tù qua cán bộ phụ trách khu thăm nuôi được nạp cho ban tài vụ. Sau đó, người tù liên hệ nhận được một phiếu gởi tiền chứng minh tổng số tiền hiện hữu, số tiền sau cộng vào số tiền trước, nếu có. Mọi chi tiêu chánh thức của tù qua hệ thống mậu dịch của trại đều được thanh toán qua phiếu tiền đăng ký đó.


Mỗi buồng đề cử một anh tù phụ trách "đời sống" cho buồng. Mỗi tối, anh "đời sống" có nhiệm vụ ghi nhận nhu cầu của các thành viên trong buồng để sáng hôm sau đến căn-tin mua về phân phối lại. Chi tiêu hàng ngày của từng cá nhân, anh "đời sống" phải ghi vào sổ kế toán để đến cuối tháng thanh toán với cán bộ tài vụ. Quày hàng này chủ yếu bán nhu yếu phẩm và thực phẩm tươi như cá, thịt, trứng và rau cải,... Nhưng, vì nhu cầu đa dạng của tù, nhứt là tù cải tạo, quày hàng cung cấp gần như đủ mọi thứ, kể cả gạo ngon. Hàng nào không có sẵn thì đưa nhu cầu trước rồi sẽ được thỏa mãn sau. Số tiền chi tiêu hàng tháng của tù vào quày hàng này nhiều gấp mấy lần con số chi tiêu của cán bộ trại. Mỗi khi ngả thịt một con heo, hay thậm chí một con bò, cũng không đủ để thỏa mãn nhu cầu của tù. Tài chánh xuất nhập của quày hàng này càng ngày càng tăng và chức vụ cán bộ căn-tin là một vị trí béo bở thường dành cho người của trại trưởng. Và, khi làm việc dưới bóng một cây dù hay đòi hỏi thì người cán bộ, bị bắt buộc phải thỏa mãn đàn anh, lẽ nào lại không biết thỏa mãn chính mình. Đã làm bánh thì thế nào bột cũng dính tay.


Đã chấp nhận cho mua bán thực phẩm tươi thì đương nhiên phải cho phép tù nấu nướng, một điều trước nay được coi như là trái với nội quy trại tù. Trong thế bị bắt buộc như vậy và với sự thỏa thuận của cán bộ từ trung ương về, Nam Hà "khoan hồng, nhân đạo" chấp thuận cho "tù cải tạo nấu nướng để cải thiện chế độ ăn uống", nhưng phải thu xếp vén khéo. Trại cho phép tù dựng lều làm bếp ăn, thế là đàng sau mỗi dãy buồng giam là mỗi dãy bếp lụp xụp lợp tranh, vừa là bếp vừa là nhà ăn cá nhơn hay của một tập hợp nhiều người, mỗi bếp chưa đến bốn thước vuông. Quyết định này của trại đã tạo điều kiện cho một số anh em tù cải tạo không được gia đình tiếp tế kiếm được chút ít thu nhập. Tập thể xã hội nào cũng phải có những cái không đồng đều và xã hội nhà tù, trong đó sự sung túc của mỗi phần tử tùy thuộc vào mức độ tiếp tế của gia đình, không thể là một ngoại lệ được. Buồn thay, có những người không được ai tiếp tế cả do chỗ gia đình ở địa phương gặp khó khăn hay mất liên lạc. Những người lâm vào tình huống như vậy đành phải sống với nước trại, cơm tù, tự lực cánh sinh bằng công sức của bản thân và một đôi khi nhờ lòng nhân ái của bạn bè thông cảm. Muốn cất một cái chòi tranh làm nhà bếp đâu phải người tù nào cũng có thể xách dao vào rừng đốn cây, cắt tranh nên phải nhờ anh em thuộc tổ đội đi rừng cung cấp. Nhưng, đem được vật liệu xây cất đó vào trại là cả một vn đề, tùy khi vui, lúc buồn của trực trại, măc dầu đã có sự chấp thuận trên nguyên tắc. Sau đó là chất đốt, cũng phải qua hệ thống tương tự. Do đó, có những tập hợp ăn uống được hình thành trên nguyên tắc kẻ góp công, người góp của để cho sinh hoạt được thoải mái, không mặc cảm. Nhờ dịch vụ cung cấp đó mà có anh đã tự túc được trong tù lại còn có chút ít thu nhập thừa để tiếp tế ngược cho gia đình ngoài xã hội. Một trường hợp đáng ngưỡng mộ vô cùng, dĩ nhiên là với điều kiện phải có một thể lực và một sức khỏe đặc biệt.


 


ß


 


Được gia đình tiếp tế dồi dào, có tiền chìm gởi ban tài vụ trại lẫn tiền nổi chui vào trại qua thăm nuôi, được mua bán thoải mái và có nhà bếp, nhà ăn chỉ còn thiếu điều duy nhứt là tự do. Nhưng vào thời điểm lúc bấy giờ, người tù cải tạo bắt đầu khai thác lợi thế của bản thân để tìm cách chuyển hóa tình hình nhằm tạo lấy một nếp sống tù đày dễ thở hơn. Những bữa ăn tù khó nuốt không còn nữa và tuy rằng không cao lương mỹ vị nhưng những bữa ăn đã lần hồi trở thành một cuộc họp mặt vui, không còn là những lúc mặt lầm mày lì suy nghĩ về miếng ăn, mỗi người một tâm trạng não nề. Những dịp được gia đình tiếp tế hoặc thăm nuôi là một cơ hội để liên hoan cùng đông đảo bạn bè, một dịp trao đổi xã giao thân tình. Mỗi ngày nghỉ lao động là một cơ hội để tập hợp với nhau, người tách trà, kẻ tách cà-phê, thậm chí có hôm còn có cả chất men cay và phì phà khói thuốc thơm ca hát nghêu ngao, quên đi phần nào thân phận tù đày. Những đêm cuối tuần, văn nghệ bỏ túi ở một vài buồng, có tay đờn giỏi, có giọng ca hay đưa điệu nhạc tiền chiến và trước bảy mươi lăm, từng bị cách mạng cho là nhạc vàng, ngân nga vang dội cả núi rừng Ba Sao. Thế nhưng, công an cảnh vệ tuần tiểu chẳng rầy la thì chớ lại còn yêu cầu bài này, bản nọ cho ấm lòng người bên ngoài song sắt giữa trời giá lạnh đêm đông. Không đưa đẩy được tù cải tạo trở về nếp sống con thú được thì thành viên của bộ máy kềm kẹp của cộng sản lại bắt đầu học làm người. Trong quá trình đó, họ chẳng có gì để mất mà nhiều khi còn được lợi vì qua song sắt cửa sổ buồng giam, những chàng cảnh vệ rét run kia lúc nào cũng được những người tù vui vẻ bên trong mời chén trà, điếu thuốc hay viên kẹo. Họ không phải len lén đi lục lạo ở khu nhà bếp của tù để tìm nồi cơm hay soon thịt dư thừa của tù để ăn mà tạo chút ca-lo cho ấm lòng như những ngày nào nữa.


Mức độ sung túc của một vài tù cải tạo gặp thuận lợi nên đã biến thành một đợt sóng ngầm. Có người tù mỗi chuyến tiếp tế nhận vào hàng trăm kí quà, phần lớn hàng ngoại quốc. Cán bộ trực trại kiểm soát quà trước khi vào khu giam giữ cũng làm chức năng cũ nhưng chủ đích không còn như xưa nữa. Không tìm kiếm những loại cấm kỵ để ngăn chận mà tìm và nhận diện mục tiêu để gõ đúng cửa khi có yêu cầu. Hàng hóa ngoại quốc, với lối trình bày cầu kỳ, đẹp mắt, và với công dụng xa lạ với chế độ, đã trở thành một loại "kỳ quan" cho cán bộ xét quà cũng như cán bộ đứng nhìn. Nhờ vậy mà sách báo Tây phương xâm nhập trại không còn là chuyện khó khăn nữa. "Bác Sĩ Zivago" cũng có, "Giờ Thứ Hai Mươi Lăm" cũng được chuyền tay nhau đọc, "Số Không Và Vô Tận" cũng được giải thích với người kiểm soát quà nhập trại là sách Liên Xô, trong khi trước kia sách của Hà Nội xuất bản muốn được đem vào cũng gặp khó khăn. Nói theo luận điệu thông thường của tù thì "nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó" khi mà quan tâm chính của cán bộ trực trại là nhu cầu của bản thân và của vợ con.


Một cán bộ xin được của tù thì hai cán bộ rồi bao nhiêu cán bộ cũng xin được, miễn là có trực tiếp với tù. Về phần tù thì tặng quà cho cán bộ là một điều thích thú vì tốn hao chẳng bao nhiêu mà được sinh sống thoải mái. Xin được một lần như trót leo lưng cọp và đã đâm lao thì phải theo lao vì nhu cầu cứ lôi kéo nhu cầu, mặt hàng càng ngày càng đa dạng mời gọi và cám dỗ, trong khi đồng lương tháng không còn cho phép họ làm đảng viên trung kiên được nữa. Ngày này qua ngày khác, việc cán bộ xin quà của tù đã trở thành chuyện đương nhiên và tù cũng không đắn đo ngần ngại vì như vậy thì càng dễ dàng cho nếp sống hàng ngày của mình. Chuyện được tặng quà là quá nhỏ và điều này cho thấy rằng bài học mà cộng sản thường dựa vào để công kích xã hội miền Nam "Lệ thuộc kinh tế tất lệ thuộc chánh trị" đã bị lãng quên. Thỏa mãn được nhu cầu mà không phải bỏ tiền túi là điều mà cán bộ cai tù rất thích làm. Ban đầu, thỏa mãn nhu cầu của bản thân như cà-phê, trà móc câu, thuốc lá, thuốc chữa bịnh, lần hồi leo thang đến nhu cầu của vợ con, thậm chí họ còn học đòi tù cung cấp bánh sinh nhựt cho con do tù làm mà không cung cấp một thứ nhu liệu nào, chỉ có tiếng nói. Sở dĩ họ biết được bánh sinh nhựt là vì qua chuyến thăm nuôi một anh tù bị tai biến mạch máu não, gia đình, vốn là chủ một trường nữ công gia chánh ở Sài Gòn, đã làm tại chỗ một vài ổ bánh để tỏ lòng cám ơn trại dành nhiều dễ dàng trong lần thăm nuôi đặc biệt đó. Lần hồi về sau, nhu cầu của ban lãnh đạo trại cũng được tù thỏa mãn qua trung gian của cán bộ thân tín.


Ngày giá lạnh mùa đông năm đó, một anh tù đi gội đầu bằng nước lạnh sau khi được bạn bè cắt hộ cái tóc. Gội đầu xong, anh thấy trong người bất thường rồi tay chân bên trái của anh cử động không theo ý muốn. Bạn bè đưa anh đến bịnh xá thì được biết anh bị tai biến mạch máu não. Trại cho xe đưa anh đi bịnh viện Phủ Lý. Một thời gian sau, trở về anh đã trở thành một người bán thân bất toại nằm dưỡng bịnh ở bịnh xá trại. Bạn bè chui thơ về báo cho gia đình anh nên mùng năm Tết năm đó vợ con anh ra trại thăm. Một chuyến thăm đơn lẻ vì vào thời điểm đầu năm, đầu tháng âm lịch nên có mỗi mình gia đình anh ở khu thăm nuôi. Là người khéo xã giao, vợ con anh đã dự tính mang theo dụng cụ làm bánh, một ý định được tưởng thưởng xứng đáng. Thay vì cho gặp ở khu thăm nuôi, cách xa khu giam giữ cũng non một cây số đường dốc lởm chởm, trại cho gia đình vào tận ban trực trại ở ngay cổng khu giam tù để gặp. Vì anh chưa đi đứng bình thường nên trại cho phép bạn bè cõng anh từ bịnh xá ra khu trực trại trên khoảng đường chừng ba trăm thước lên dốc, xuống dốc vì bịnh xá nằm dưới thung lũng. Nhờ có bánh loại sinh nhựt lót đường nên gia đình này ở thăm được nhiều ngày hơn những gia đình khác. Sau đó, một vài anh bạn tù khéo tay, hay làm cũng tạo ra được những ổ bánh bông lan tương tự nhưng bằng bột khoai mì và trứng vịt. Thấy vậy, các cán bộ hay đòi hỏi tiến lên một bước, tổ chức mừng sinh nhựt cho con, bằng bánh của tù cung cấp trăm phần trăm.


Ông bà ta thường nói "miếng trầu là đầu câu chuyện", nhưng với cán bộ trại thì nhu cầu của họ đã mở rộng cửa cho quan hệ mới giữa tù và người giữ tù. Họ không đòi hỏi cầu kỳ, cao xa nên nhu cầu nào của họ, tù cũng cố gắng thực hiện cho được, không phải vì sợ mà vì muốn tạo điều kiện để cho nếp sống tù tội được dễ dãi, thoải mái. Nhờ vậy mà mức độ kiểm soát lỏng lẻo đi nhiều, gần như là một tình huống hòa hợp hòa giải giữa hai hệ tư tưởng đối đầu, tuy rằng khoảng cách vẫn còn xa. Một đường lối giao dịch trong chiều hướng đôi bên cùng có lợi mà kết quả chung cuộc đã làm xói mòn sâu đậm công tác cải tạo tư tưởng nhằm vào ngụy quân, ngụy quyền. Có những lúc người ta có thề bắt gặp một cán bộ trại ngồi trong gian bếp tranh chật hẹp của tù để ăn tô mì ăn liền, uống tách cà-phê sáng, ngậm điếu thuốc thơm phì phà trong cái rét ngọt của ngày đông miền Bắc. Như hai người bạn cố tri, thế nhưng nếu như hai tâm não của lúc đó được đưa vào máy phân tích điện tử chắc sẽ vẻ ra hai biểu đồ khác nhau.


Mức độ dể dãi tăng lần và tăng lần, thậm chí chuyện tù chi tiêu tiền mặt, trước kia là cấm kỵ, nay cũng được lơ là coi như tự nhiên, nếu không muốn nói là cho phép. Mua bán trực tiếp với tù, cán bộ thích cầm lấy tiền mặt hơn là qua ban tài vụ. Kín đáo hơn và nhanh gọn hơn. Điều đó không những có lợi cho tù trong việc mua thực phẩm hay vật dụng cần thiết, nhưng cũng thuận tiện cho cán bộ. Một cán bộ, trước ngày đi phép về quê, khéo léo ngỏ lời với người tù thông cảm thì thế nào cũng có được ít tiền để mua quà cho gia đình ở quê. Người đưa tiền rất tự nhiên mà kẻ nhận thì không có gì phải ngượng ngùng. Thế nhưng, giữ nhiều tiền mặt trong người có chỗ bất lợi cho tù khi có lịnh đổi tiền bất ngờ, áp dụng trên toàn quốc. Tuy nhiên, đó cũng là một dịp làm ăn của cán bộ. Họ nhận đổi hộ cho tù, dĩ nhiên là qua hệ thống ngoại vi, nhưng sau đó họ cố tình làm ngơ hay lánh mặt, không trao tiền mới lại cho tù. Bấy giờ thì đi kiện ở tòa nào đây? Có một sáng, sau kẻng ra buồng anh em tù chuẩn bị đi ra để lo mọi thứ đi lao động thì lạ thay một chiếc mùng vẫn y nguyên, trong đó một anh bạn cứ nằm yên. Lay tỉnh đương sự, mới hay là anh đã trút hơi thở từ bao giờ. Anh này là một người tù khó chơi, tánh tình không hòa đồng với tập thể, mặt mũi lúc nào cũng lầm lầm lì lì. Anh rất dè sẻn và bủn xỉn khó tả, thậm chí sách báo của Hà Nội xuất bản do gia đình tiếp tế anh cũng không cho mượn mà chỉ cho thuê! Dư luận đồn rằng anh chết vì tiếc của, vì đã mất toi mấy ngàn bạc qua vụ đổi tiền. Thế nhưng bức màn bí mật trong trại tù không để cho ai thấy rằng anh chết vì không đổi được hay vì bị cán bộ lường gạt. Không thể đòi hỏi nhân, nghĩa, lễ, trí, tín ở một con người cộng sản dẫu cho trong quá khứ đã có những quan hệ qua lại với nhau. Họ có thể nhờ vả rất nhiều ở một đối tượng tù cải tạo nhưng khi đối tượng có điều chẳng may thì đừng hòng mong họ tiếp sức chạy chữa. Trong phút chốc đã thành người xa lạ.


 


ß


 


Tù cải tạo đã tung phương tiện ra đổi lấy một nếp sống thoải mái trong nhà lao nhưng không thể đi xa hơn nữa đến chỗ mua chuộc cán bộ để trốn trại. Vã lại, ở thời điểm trên mười năm tù tập trung rồi ai lại dại gì làm chuyện đó khi mà bên ngoài không có một "hậu phương" sẵn sàng đón nhận những người tù "mồ côi". Về phía trại thì nguyên tắc quản lý không cho phép cán bộ cơ sở có quyền quyết định gì hết đối với ngụy quân, ngụy quyền học tập cải tạo. Cho nên, nếu cán bộ có bị hủ hóa đi nữa thì phần thiệt hại cũng không đáng kể. Tuy nhiên, trong trường kỳ, những món quà tuy không đáng là bao đó trong trại tù cũng lần hồi dũa mòn phẩm chất của cán bộ một cách đáng kể.


Về lâu, về dài, những tiếp xúc của người cán bộ cộng sản với tù cải tạo đã làm nổi lên trong tâm tư họ khá nhiều suy nghĩ, không ít thắc mắc, mà đường lối giáo điều của cộng sản không sao giải tỏa được, vì đã mất kiến hiệu trước sự kiện cụ thể. Từ đó có những nghi vấn và nghi vấn khiến cho họ phải đặt lại vn đề. Tâm trạng này, họ đã thố lộ với tù cải tạo trong những khi trà dư, tửu hậu, dưới mái bếp tranh nhỏ hẹp hay trong bóng mát bên cạnh hiện trường lao động. Mấy mươi năm, thậm chí mấy thế hệ trong gia đình, cúc cung tận tụy với Bác và Đảng để mặc sắc phục công an, nhứt là công an trong một chế độ cảnh sát trị, giờ đây họ có được những gì? Không bằng một góc của ngụy quân, ngụy quyền đi học tập cải tạo.


Những tiếp tế gia đình đưa vào cho tù, những số tiền mà thân nhân gởi ở trại để cho tù chi tiêu và cung cách của tù qua việc mua hàng căn-tin hay mua thực phẩm ở chợ địa phương, nhân chuyến đi công tác ở ngoài, đã làm cho cán bộ phải chóa mắt. Lòng tự hỏi lòng, người công an kia, một đối tượng được chế độ nâng niu, thấy rằng "bọn ngụy quân, ngụy quyền", sau hơn mười mấy năm trời bị Đảng và Nhà Nước cộng sản triệt hạ không nương tay mà vẫn còn đầy đủ phương tiện hơn họ là nghĩa lý gì? Một cán bộ công an mà lắm khi tiêu chuẩn thịt không dám ăn, đem bán lại cho tù lấy tiền mua thực phẩm khác rẻ hơn để có được số lượng nhiều hơn cho cả gia đình. Những lúc vợ ốm, con đau phải đành muối mặt ngửa tay xin tù từng viên thuốc tư bản, đế quốc vì thuốc xã hội chủ nghĩa không công hiệu. Những ngày đi phép về quê, muốn đẹp mặt rỡ mày với bà con, làng nước, với họ hàng, chòm xóm phải bấm bụng mở miệng cầu viện và sẵn sàng cầm lấy ít tiền của tù góp phần tạo niềm vui, nỗi mừng cho gia đình. Bạn bè, thân nhân đến thăm đột ngột ở chốn khỉ ho, cò gáy, chó ăn đá, gà ăn muối, cách chợ ngăn sông đó đành vào trại xin tù mấy con cá khô, dăm ba quả trứng để có chút gì làm bữa cơm đãi khách. Những điều chẳng phải đó, ban đầu là những cái bực mình, cực chẳng đã phải làm nhưng lần hồi đã trở thành chuyện tự nhiên, có đáng là bao, để rồi chung cuộc lại trở thành những nhu cầu thúc bách, ngày một to lớn hơn. Thế rồi ăn quen, nhịn chẳng quen, nhu cầu ngày một leo thang đến độ làm băng hoại cả con người. Ban đầu là cán bộ cấp nhỏ, lần hồi tệ nạn xâm nhập đến cấp cao hơn, như một căn bịnh truyền nhiễm.


Qua độ dày thời gian và xét về mặt cụ thể thì công trình cải tạo ngụy quân, ngụy quyền coi như nước sông đổ ra biển. Trong buổi đầu của thời kỳ lao cải, vào khoảng cuối năm 1975, những cán bộ giảng viên từ Bắc vào Nam đã dương dương tự đắc, dựa vào mối tự hào chiến thắng để cao giọng phán rằng chuyện cải tạo tư tưởng những con người của chế độ Sài Gòn là một điều mà "Đảng đã làm là phải làm được". Những lời rao giảng tưởng đâu có giá trị, vì xuất phát từ mồm miệng của kẻ chiến thắng, nhưng qua thử lửa thì thực tế không đi đôi với lý thuyết. "Trăm nghe không bằng một thấy", sau bao nhiêu năm tiếp xúc với một đối tượng, mà trước kia những bài học tập chánh trị nặng tính nhồi sọ, ăn gian nói dối của Đảng đã coi như là "loài sinh vật tệ hơn thú rừng", người cán bộ công an cộng sản đẵ sáng mắt ra và nhận thức được vị trí đích thực của chân lý. Bắt nguồn từ tính ngụy biện căn bản đó, con người công an đi lần đến chỗ hoài nghi để chung cuộc thấy ra sai lầm của bản thân. Từ đó họ đi tìm một phương thức sửa sai bù trừ, cho bõ những năm tháng hoang phí. Phương hướng tự điều chỉnh như vậy có hoàn hảo hay không là tùy nhân cách và tự trọng của mỗi cá nhơn.


 


ß


 


Nhưng tất cả những điều đó không nằm trong lãnh vực, không thuộc kế hoạch cố tình và trực tiếp hủ hóa cán bộ của tù cải tạo, những con người không muốn bị cán bộ cộng sản quấy rầy một cách rẻ tiền và lúc nào cũng muốn bảo vệ phong cách cố hữu của tầng lớp mình. Ở thời điểm lúc bấy giờ, nhờ được thông tin tương đối đầy đủ về những hoạt động bên ngoài nhằm gỡ rối cho những người thuộc chế độ Sài Gòn bị cộng sản giam giữ, sinh hoạt của ngụy quân, ngụy quyền trong trại Nam Hà đã chuyển hướng. Một ít ánh sáng đã le lói ở cuối đường hầm và con đường nghiệp chướng có vẻ như sắp kết thúc. Những người tù cải tạo cảm thấy mình nhẹ bớt thân phận "mồ côi" và chỉ riêng cảm nghĩ đó không thôi cũng làm cho nếp sống tù tội của họ được nhẹ nhàng vì cảm thấy được chia sẻ. Trong bối cảnh như vậy, nếp sống học tập cải tạo đã trở thành thứ yếu và những chuẩn bị cho một sinh hoạt "hậu-cải-tạo" được quan tâm nhiều hơn.


Thế là phong trào học tiếng Anh bắt đầu nổi lên và trở thành phổ biến, tự học với sách của gia đình đưa vào theo yêu cầu hoặc dưới sự hướng dẫn của những người có khả năng hơn. Thậm chí, các cán bộ thường tiếp xúc với tù cũng mon men học tiếng của "đế quốc, kẻ thù số một của nhân dân ta". Thế nhưng, cung cách học đòi chạy theo thời thượng của họ chỉ là một thứ lửa rơm vì mức độ văn hóa không cho phép. Những người cao niên, vì nghĩ rằng mình khó có được một chỗ đứng trong môi trường sinh sống của xã hội Tây phương nữa và nhìn xa trông rộng về hướng giải thoát của chính mình, nên tìm hiểu giáo lý bên cạnh những thượng tọa, đại đức, linh mục hay mục sư còn giữ được uy tín và tư cách qua thử thách của học tập cải tạo. Cũng có những người thích âm thầm chuẩn bị phần tâm linh bản thân qua sách vở. Trong giờ thứ hai mươi lăm đó của công cuộc cải tạo tư tưởng, dù không đủ can đảm để tự thú vể sự thất bại của chính mình, trại Nam Hà không còn thôi thúc được tù cải tạo vượt mức chỉ tiêu trong lao động. Người tù coi lao động như một phương pháp trị liệu, để được sống với bầu không khí "tự do", với vũ trụ và thiên nhiên, được thoát ra ngoài vòng rào giam hãm và để chăm sóc luống rau, giàn đậu cá nhơn, một phương tiện tư hữu để làm cho bữa ăn của mình thêm phần phong phú. Phần lao động cho trại chỉ còn là chuyện bên lề.


Trong bầu không khí như vậy lại có tin tướng hồi hưu John Vessey, đặc phái viên của tổng thống Ronald Reagan của Hoa Kỳ đã đến Hà Nội vào đầu mùa hè (1987), trong một chuyến công tác đặc biệt mà một trong những đề tài bàn thảo với cấp lãnh đạo Hà Nội là số phận của viên chức và quân nhân chế độ Sài Gòn bị tập trung cải tạo mà không được xét xử. Không biết nội dung có đúng như vậy hay không, nhưng sự kiện phái đoàn đó đến Hà Nội đã được báo Nhân Dân đăng tải. Ít ra cũng là một tín hiệu đáng mừng. Cũng như những lần trước kia, nguồn tin được tiếp nhận với nhiều thiện cảm và hy vọng, nhưng sau đó cũng im lìm để rồi mai một với thời gian. Một đôi tháng sau, cán bộ từ trung ương về trại cho gọi một số người lên làm việc, một sự kiện khá thông thường trong thời gian qua. Thế nhưng, lần nay có điều khác biệt là rất nhiều người được gọi và trong mấy ngày liên tiếp. Sau đó, đợt làm việc ngưng hoạt động khoảng một tuần lễ lại có đợt khác, cũng liên hệ đến nhiều người và trong nhiều ngày. Có người đã được gọi thẩm vấn trong đợt trước, nay lại được gọi nữa nhưng đối diện với một cán bộ khác và nội dung làm việc cũng khác. Dư luận tù cho rằng thành phần từ trung ương về thuộc hai cơ quan khác nhau của bộ nội vụ. Họ là nhân viên của A-15 và A-16, mà chức năng của mỗi A được tù phỏng đoán qua nội dung đối đáp giữa các cán bộ liên hệ và tù. Một đàng nêu ra những vn đề liên quan đến sự kiện có tính cách quốc nội, còn tổ kia thì bàn đến những sự kiện liên quan đến những chuyện nước ngoài. Nội dung tổng quát của những trường hợp làm việc, được tù đúc kết qua trao đổi với nhau, chủ yếu xoay quanh quan điểm của tù cải tạo liên hệ đến những diễn biến của Việt Nam trước và sau năm mấu chốt 1975. Ngoài ra, cộng sản cũng không quên thừa cơ hội để tìm hiểu thêm một số nhân vật của miền Nam trước kia mà người tù đối tượng có thể biết được. Kết thúc phiên làm việc nào, cán bộ phụ trách cũng bắt tù làm tờ cam kết nếu được tha sẽ tôn trọng luật pháp nhà nước và không tham gia các tổ chức chống phá cách mạng. Một chút hé mở để cho tù thoáng thấy chút hy vọng sắp được tha. Có tha hay không là một vn đề khác.


Qua hai đợt làm việc của cán bộ trung ương, qua trao đổi thông tin về những thẩm vấn và sau khi suy diễn, tập thể tù cải tạo trại Nam Hà chia ra hai phe khác nhau. Một nhóm lạc quan tin tưởng rằng ngày được tự do của mình không còn là chuyện hão huyền nữa. Nhóm kia, vì đã hụt hẫng nhiều lần nên dè dặt hơn, thì cảm thấy chơi vơi mù tịt trước ngõ ngách tương lai. Tuy nhiên, cũng chưa có gì chắc chắn vì trước kia đã có nhiều đợt làm việc như vậy, tuy liên hệ đến ít người hơn và thời gian làm việc cũng ngắn hơn, nhưng sau đó chẳng có ai được tha hết, thậm chí còn có một vài người bị chuyển trại. Với phương pháp suy diễn hợp lý của con người trong xã hội Tây phương, tù cải tạo thường dự đoán sai lầm những hành động của cộng sản, những con người thường áp dụng một cái "lô-gíc" kỳ quái của họ.


Thế nhưng lần này lý luận của tù cải tạo lại đạt được mục tiêu vì khoảng trên một tháng sau, nhân ngày lễ Quốc Khánh 2 tháng 9 năm 1987, cán bộ trung ương về Nam Hà tổ chức một lễ phóng thích khá rầm rộ, trước nay chưa từng thấy. Những đợt thả tù trước kia chỉ được tiến hành một cách cục bộ, dưới quyền chủ tọa của trại trưởng mà thôi. Một số tù đông đảo được gọi tên và cho biết phải ăn mặc chỉnh tề và tập hợp để đi đến hội trường của trại, một hội trường dành cho cán bộ, lần đầu tiên tù cải tạo được vinh hạnh đặt chân đến. Hội trường được trang hoàng rực rỡ cờ sao, cây kiểng, ghế mây có dựa, bàn chủ tọa có hoa tươi và bục đọc diễn văn. Chuyên viên nhiếp ảnh và thu hình chộn rộn lăng xăng tìm góc nhìn và đo ánh sáng. Mãi cho đến khi trại trưởng bước lên bục tuyên bố lý do sinh hoạt, những người tù hiện diện mới biết rằng minh sẽ được ra khỏi trại tù trong nay mai. Sau đó, một anh tù - được chỉ định một cách kín đáo từ trước - được mời lên đại diện những người được trả tự do đọc lời cảm ơn Đảng, Nhà Nước và Nhân Dân đã có công "dạy dỗ để trở thành con người lương thiện". Niềm vui được dứt nghiệp tù đày đã lấn át tâm tư của những người tù được đại diện ở hàng ghế ngồi nên họ chỉ còn nghe được tiếng lòng của riêng họ mà thôi.


Những người thuộc danh sách được tha phải tập trung vào những buồng giam riêng biệt để làm thủ tục ra về và chờ trại mua giấy xe lửa. Một lần nữa, tài sản được san sẻ cho bạn bè còn ở lại vì người ra về thì còn bận tâm làm gì nữa với của cải vật chất tom góp trong tù. Chỉ mang về một tối thiểu cần thiết cho đoạn đường trở lại quê hương. Gọn nhẹ hành trang nhưng lòng nặng tình cảm luyến lưu trong cảnh chia tay mủi lòng. Tình chiến hữu đã đậm đà nhưng tình bằng hữu tạo dựng trong cảnh khố rách áo ôm, hột muối chia đôi, ngọn rau nhường nhịn của thời tù tội lại càng thắm thía vô vàn. Tưởng đâu những năm tháng dài chịu đựng tủi nhục và gian khổ qua học tập cải tạo đã giết chết khả năng xúc động, nào ngờ đâu những người chiến sĩ của một thời cũng còn tan nát tâm tư trong một lần chia ly gần cuối đời mình. Chiếc xe ca rời cổng trại giam khi trời rực nắng ban mai, vậy mà sao khung cảnh đàng sau xe lại mờ ảo lung linh? Giã từ lưu đày tù tội, nhưng tâm tình của người về như còn lưu luyến mãi với bạn bè còn tạm thời ở lại với núi rừng Ba Sao.


Phan Quân
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn