BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72638)
(Xem: 62055)
(Xem: 39154)
(Xem: 31021)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Có phải lỗi của Marx?

17 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 1761)
Có phải lỗi của Marx?
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Nhân đọc bài Muốn Cứu Nước Phải Khai Tử Đảng Cộng Sản (Dân Báo 12/11/2010 ) của tác giả Ngô Nhân Dụng, đề cập đến những phát biểu của Giáo sư Trần Phương, nguyên Phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng : “CHÚNG TA GIẢ VỜ THEO MÁC’’, “MÁC ĐÃ SAI LẦM, KHI TIÊN ĐOÁN VỀ ĐẶC TRƯNG CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI”, không chỉ một giáo sư Trần Phương, mà nhiều học giả, cũng như nhiều nhà nghiên cứu trong, cũng như ngoài nước cũng đều có những nhận xét tương tự. Theo tôi những nhận xét trên cũng có phần tương đối đúng. Tại sao một học thuyết, một chủ nghĩa, từng là đại diện cho gần phân nửa dân số thế giới, trong một tích tắc (so với thời gian tồn tại) lại sụp đổ vào năm cuối của thập kỷ 80 thế kỷ 20. Muốn tìm hiểu rõ căn nguyên của sự suy tàn này, theo tôi không có cách nào khác là phải quay lại khởi nguyên của học thuyết, chủ nghĩa cộng sản. Mà ông tổ của nó chẳng ai khác là Karl Marx, Friederich Egels, và kế đến là một cái tên thường được ghép vào Vladimir Ilyich Lenin, ba nhà lãnh đạo của ba tổ chức cộng sản quốc tế.

Trước khi đưa ra nhận định của mình, tôi mong chúng ta cùng nhau thống nhất quan điểm: khi đánh giá, nhận xét một cá nhân nào đó, chúng ta phải xem xét xuyên suốt cả quá trình hiện hữu của cá nhân đó trên cuộc đời này. Vì trong đời của một con người là cả một quá trình liên tục tự điều chỉnh và hoàn thiện. Do đó Khổng Tử có câu “ tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh …’’. Đánh giá một con người nào đó mà bỏ qua một giai đoạn, tạo ra những khoảng trống trong cuộc đời của họ chỉ có ba mục đích:

1-Muốn thần tượng hóa.
2-Muốn nhục mạ.
3-Muốn lợi dụng.

Trên quan điểm này tôi xin trình bày nhận định của mình.

- Về Karl Marx, người lảnh đạo Quốc Tế Cộng Sản I, Marx đã kế thừa những thành quả nghiên cứu khoa học của :

- Nhà chủ nghĩa duy vật Ludwig Feuerbach
- Nhà biện chứng Friedrich Hegel
- Nhà kinh tế David Ricardo, Adam Smith
- Những nhà chủ nghĩa xã hội không tưởng phê phán : Henri de saint Simon, Robert Owen, Charles Fourier

- Marx và Egels đã vận dụng và sáng tạo nên học thuyết của mình, và cho ra đời Tuyên ngôn của đảng cộng sản. Khi ấy Marx ở tuổi 30, Egels 27. Độ tuổi rất cần nhiều trải nghiệm để có thể chiêm nghiệm và có cái nhìn tổng quan về nhân sinh quan và thế giới quan.

- Quả thực vậy, sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1866, 1873 các hình thức công ty cổ phần, các định chế tài chính, các ngân hàng quy mô lớn được thành lập. Lúc này tích lũy tư bản không còn dựa vào tích lũy tư bản của một vài cá nhân mà dựa vào sự tích lũy của xã hội thông qua hình thức phát hành cổ phiếu, thu hút vốn của xã hội để xây dựng phát triển nhà máy, xí nghiệp và cùng kiếm lợi nhuận. Với hình thức công ty cổ phần này vốn tư bản, sau khi đã được lượng hóa bằng tiền đã trở thành tài sản chung của những người cùng sản xuất, tài sản xã hội trực tiếp. Từ đấy Marx và Egels đã tìm ra điểm quá độ “ Tư bản chuyển thành sở hữu của người sản xuất’’. Marx cho rằng việc tách quyền sở hữu và quyền quản lý sẽ là một hình thái cách mạng một cách ôn hòa, tạo tiền đề cho khả năng quá độ sang một hình thức sở hữu tư liệu sản xuất, quan hệ sản xuất mới. Lúc này Marx chủ trương “Thiết lập lại chế độ sở hữu cá nhân, trên cơ sở cùng chiếm hữu tư liệu sản xuất’’. Rõ ràng lúc về già Marx đã khai tử chủ nghĩa cộng sản do mình khởi xướng ở tuổi 30. Do đó ở Đức có câu nói vui: có hai ông Marx, một ông trẻ và một ông già. Dân Tây Đức thì theo ông già, nên sướng, còn dân Đông Đức theo ông trẻ, nên khổ.

- Sau khi Marx chết Engels lãnh đạo Quốc tế CS II, cổ vũ đấu tranh chính trị và việc cần thiết phải thành lập các đảng phái chính trị của giai cấp lao động, lấy ngày 1/5 làm ngày quốc tế lao động. Chủ trương đấu tranh thông qua công đoàn, nghiệp đoàn bằng các hình thức lãn công, bãi công. Sau khi đệ II Quốc tế CS tan rả, đã hình thành các tổ chức Cộng Sản Châu Âu dưới các tên gọi Đảng Xã hội, Đảng Lao Động v v…

- Về cuối đời ông càng khẳng định chủ trương đoạn tuyệt với CNCS khi phát biểu với phóng viên báo Le Figaro ngày 11/5/1893 “chúng tôi không có mục tiêu cuối cùng, chúng tôi là những người theo thuyết không ngừng phát triển, chúng tôi không tính chuyện xếp đặt cho loài người quy luật cuối cùng nào’’. Rõ ràng không có gì là mục tiêu lớn CSCN, đây là mệnh đề mà những người sáng lập Karl Marx, Friederich Engels đã nêu ra khi còn trẻ và đã từ bỏ lúc về già. Và ông bà ta cũng đã có câu “Đi hỏi già, về hỏi trẻ’’. Chỉ việc đi đứng thôi mà các cụ còn có suy nghĩ sâu sắc thế, huống gì dẫn dắt vận mệnh cả dân tộc mà đi nghe lời hai ông ranh con 27, 30 tuổi.

Lenin nguời lãnh đạo Quốc Tế CS III, đã kế thừa và hiệu chỉnh rất nhiều học thuyết của Marx-Engels. Do đó không thể gán ghép là chủ nghiã Marx – Le được, cũng như với học thuyết của Marx không thể gọi là học thuyết Adam Smith-GW Friedrich-Hegel-Ludwig Feuerbach-David Ricardo-Henri de saint Simon-Robert Owen-Charles Fourier-Karl Marx được. Do đó phải gọi cho đúng là chủ nghĩa Lenin, gán ghép với tên tuổi của Marx chẳng, qua là muốn lợi dụng uy tín của Marx, Engels trong quốc tế CS mà thôi. Những hiệu chỉnh của Lenin,tôi xin mạn phép không đề cập đến vì vấn đề này đã có rất nhiều học giả bàn đến rồi. Mà chỉ xin bàn đến bản chất của con người Lenin. Là một người vị lợi, bất chấp thủ đoạn, đã đưa ra quan điểm “Miễn là có lợi cho sự nghiệp đấu tranh của giai cấp vô sản thì đều là chính nghĩa, có hại cho cuộc đấu tranh đó thì đều là phi nghĩa’’. Đây chính là nâng cao tính đảng, tính giai cấp xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo của Lenin, dần dần đẩy Lenin xa rời với những gì tốt đẹp mà ông đã phát biểu trước đó thí dụ như trong phát biểu trong cuộc gặp gỡ quốc tế tại Genève “Giai cấp vô sản, khi đã nắm quyền lực, sẽ tiến hành dân chủ hóa hệ thống xã hội, xóa bỏ quan liêu và khiến cho mọi chức vụ nhà nước đều thông qua bầu cử’’. Chính quan điểm trên của ông đã tạo tiền đề cho các nhà lãnh đạo sau ông lợi dụng để biện minh cho những đấu đá bè phái, phe cánh, thậm chí phục vụ cho những toan tính cá nhân thấp hèn. Sau khi kế thừa di sản của ông Marx trẻ, áp dụng xóa bỏ tư hữu, và biện pháp kinh tế CS thời chiến. Đất nước Liên xô rơi vào cảnh kiệt quệ, lúc này Lenin với bản chất vị lợi, lại nghĩ đến ông Marx già và sáng tạo ra cái gọi là chính sách kinh tế mới NEP (có thể thấy trong Lenin toàn tập,T 43, tr 370, tr 370, tr459. T34, tr 258 ), mà ngày nay các nhà kinh tế học cộng sản cứ lải nhải là kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Chính ngay trong giai đoạn này chúng ta đã thấy ngay cả với Lenin cũng đã có sự khủng hoảng trong lý luận và phương hướng, lúc thì theo ông Marx trẻ, lúc thì theo ông Marx già. Ngay cái khẩu hiệu “kinh tế thị trường, theo định hướng xhcn’’ đã thấy hơi hướm của sự bất lương theo đúng bản chất của Lenin. Vế sau chửi vế trước. Kinh tế thị trường khuyến khích sự tư hữu, trong khi CNXH thì chủ trương thủ tiêu tư hữu.

Với chính sách này Lenin đã phần nào vực được nền kinh tế Liên xô.

Quả nhiên sau khi Lenin chết (1924 ), Stalin sau khi thu tóm được quyền lực (1930) đã thủ tiêu vế trước bằng cách triệt tiêu tư hữu, thiết lập nền kinh tế kế hoạch, áp dụng triệt để tính đảng, tính giai cấp để thanh trừng nội bộ, trấn áp những người chống đối. Stalin đã biến Liên xô thành một GULACK (nhà tù) khổng lồ, trong đó mọi người đều là tù nhân giam lỏng vô thời hạn, tạm thời, bất cứ lúc nào, và bất cứ lý do gì cũng có thể vào nhà tù thật sự. Đến giai đoạn này theo thiển nghĩ, chẳng còn Marx, còn Le nào nữa mà chỉ còn Stalin mà thôi. Stalin sáng tạo ra thuật ngữ chủ nghĩa MAC – LE chẳng qua chỉ dùng làm tấm khiên che đậy cho những tội ác tày trời của y.

Xét hoàn cảnh ra đời của các nước CS từ Đông Âu cho đến châu Á, thì nhìn lại lịch sử, rõ ràng chúng ta thấy đều có sự nhúng tay của Stalin, bằng những thủ đoạn ác độc, như ký hòa ước với Hitler, hoặc gián tiếp giúp Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, huấn luyện cán bộ, viện trợ vũ khí. Do đó không thể nói các nước CS theo chủ nghĩa Mac – Le được mà phải nói theo đúng bản chất của vấn đề là các nước CS ấy theo chủ nghĩa Stalin – và người đứng đầu của đảng CS của các nước ấy. Thí dụ ở Trung Quốc thì phải gọi là chủ nghĩa Stalin – Mao, Bắc Triều Tiên là Stalin – Kim Nhật Thành, Việt Nam là Stalin – Hồ, Bulgaria là Stalin – Dimitrov, CHDC Đức là Stalin – Ulbrich, Tiệp Khắc là Stalin – Tito, Cuba là Stalin – Fidel v v …

Chắc chúng ta ai cũng biết bài thơ của nhà thơ Tố Hữu:

Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng, con gọi Stalin ???


Hoặc

Thương cha,thương mẹ, thương chồng
Thương mình, thương một, thương ông, thương mười.


Hồ chí Minh từng phát biểu “Bất cứ điều gì Stalin nói, Mao nói đều là CNXH’’
Nhìn lại những gì đã xẩy ra ta thấy các nước CS đều bê nguyên xi mô hình kinh tế kế hoạch của Stalin, ngay cả những chủ trương, đường lối. Ở Liên xô có chủ trương tiêu diệt KULACK (địa chủ), đàn áp trí thức với các gulack, thì ở Trung Quốc có cách mạng văn hóa, thành lập các nông trang. Ở Việt Nam có Nhân văn giai phẩm, cải cách ruộng đất, đánh tư sản.

Sau khi bị Berria ám sát, chết, Khruchov một mặt lên án tệ sùng bái cá nhân Stalin, một mặt vẫn duy trì hệ thống mà Stalin đã tạo ra, lúc này Liên xô lại theo một chủ nghĩa mới : Stalin-Khruchov rồi tiếp nối Stalin –Brehnev…. Ở Việt Nam thì hết Stalin – Hồ rồi đến Stalin – Lê Đức Thọ, Stalin – Lê Duẩn, Stalin – Trường Chinh… Ta có thể thấy nền kinh tế của hầu hết các nước CS khi còn tồn tại, và cả những nước hiện vẫn còn chế độ CS đều có chung đặc điểm: dàn trải, thiếu chiều sâu, nóng vội, duy ý chí, không bền vững. Chủ yếu là khai thác khoán sản, tài nguyên, làm hủy hoại môi trường. Một bản sao của Stalin.

Vâng thưa giáo sư Trần Phương, tôi xin trả lời sự nghi hoặc của ông về việc Marx đã sai lầm khi tiên đoán về đặc trưng của CNXH, không, Marx và Engels đã tiên đoán được nên cuối đời hai ông mới mạnh dạn từ bỏ đứa con tinh thần của mình. Còn về việc ông cho rằng các nước cộng sản trong đó có Việt Nam giả vờ theo Marx, xin thưa, các nước CS chưa bao giờ theo Marx, vì nếu theo Marx một cách xuyên suốt thì đã chẳng có khối CS trong quá khứ, mà họ chỉ theo Stalin và người đứng đầu đảng CS theo từng thời kỳ mà thôi.

Vài nhận định nhỏ xin chỉ giáo.

Sài gòn 15/11/2010
Phạm Thi Oanh Yến - bạn đọc Danlambao

Theo Dân Làm Báo
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn