BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76185)
(Xem: 62954)
(Xem: 40365)
(Xem: 31961)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

(Lại) ba người khác

16 Tháng Năm 200712:00 SA(Xem: 891)
(Lại) ba người khác
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Tôi định có một ngày nào đó thật thảnh thơi
Leo lên trời
Ỉa.


Tác giả những câu thơ vừa dẫn, người có biệt danh là Sơn Núi, hiện đang tha thẩn đâu đó, trong khu rừng Đại Bình, ở B’ Lao. Sống trên núi cao, khi thảnh thơi, muốn leo lên trời (ỉa) quả là điều rất tiện.

Xét về cao độ thì Sơn Núi (Nguyễn Đức Sơn) ở thấp hơn nhiều bạn đồng nghiệp của mình – như Bùi Minh Quốc, Hà Sĩ Phu, Mai Thái Lĩnh, Tiêu Dao Bảo Cự… – xa lắc. Những nhân vật này đều có thời là biên tập viên của tạp chí Lang Biang, tờ báo (đã bị đóng cửa) này lấy tên theo vùng cao nguyên lâm Viên mà họ đang sinh sống. Đỉnh Lâm Viên, ở Đà Lạt, cao đến hai ngàn bốn trăm mét lận. Từ đây, muốn leo lên trời (để đái, hay làm gì tùy thích) còn tiện hơn nhiều.









Trên đỉnh Lang Biang
Nguồn: home.hetnet.nl/


Ngoài lợi thế nhỏ nhặt này ra, những cư dân ở miền sơn cước gặp phải toàn là những điều (vô cùng) bất tiện. Họ xa cách (mịt mù) với thế giới văn minh, ở những đô thị miền xuôi. Tôm cá hì hục chở lên đến được đến cao nguyên (thường) đã bị ươn, và thông tin khi nhận được thì (ôi thôi) hoàn toàn đã cũ.

Sau khi cuốn Ba Người Khác đã xuất bản một thời gian khá lâu, được thiên hạ khắp nơi bàn tán cho tới chán, mãi đến ngày 9 tháng 4 năm 2007, ở mạng talawas mới thấy xuất hiện một bài viết về tác phẩm này - của một người dân miền núi: nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự.

Tuy chậm trễ (rành rành) như vậy mà tác giả không chịu vậy. Ông ấy vẫn cứ ồn ào, và lớn tiếng như thường:

Đến bây giờ tôi mới được đọc Ba Người Khác sau khi nhiều người đã đọc và có ý kiến. Tuy thế, đọc xong tác phẩm và những phát biểu góp ý phê bình, nhất là qua buổi toạ đàm về Ba Người Khác do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức ngày 22/12/06, tôi vẫn thấy có vấn đề mới được đặt ra, xuất phát từ tác phẩm, liên quan đến tác giả, các nhà phê bình và trí thức nói chung.

Những “vấn đề mới” được Tiêu Dao Bảo Cự nói rõ, ngay ở tựa bài là: ”Sự Liêm Khiết Tinh Thần Và Cái ‘Dũng’ Của Người Cầm Bút Hay Bi Kịch Của Trí Thức Việt Nam.”

Ối Giời! Chuyện “Cái ‘Dũng’ Của Người Cầm Bút Hay Bi Kịch Của Trí Thức Việt Nam” thì chắc phải nói cho tới tết, hay (không chừng) tới chết!

Bà nội mẹ tui cũng không dám lạm bàn đến những vấn đề xa xôi (và lôi thôi) cỡ đó. Phận thường dân, tôi chỉ xin được đề cập đến vài khía cạnh (nho nhỏ) có liên quan đến đám dân thường, hay còn gọi là dân đen, thế thôi.

Một trong những câu hỏi mà Tiêu Dao Bảo Cự nêu lên trong bài viết của ông, nguyên văn, như sau:

… ba cái anh lăng nhăng, thứ ‘đồ ba láp, không biết từ đâu đến lại có thể làm nên những chuyện đảo lộn trời đất? Có thực như vậy không? Hay mọi người đều biết những tên khốn nạn này do Đảng Cộng sản phái xuống làm công tác cải cách và cho chúng quyền uy đến mức nhân dân khiếp sợ phải gọi chúng là “nhất đội nhì giời.” Không có Đảng Cộng sản, chúng nó có thể lộng quyền, tác oai tác quái làm những chuyện kinh thiên động địa như thế không? Đảng Cộng sản Việt Nam được ‘lịch sử giao phó sứ mạng lãnh đạo đất nước’ và trong chuyện Cải cách ruộng đất này Đảng đã làm theo sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc với một phương thức tàn bạo, phi luân, làm đảo lộn mọi giá trị văn hoá tinh thần của dân tộc Việt Nam và ảnh hưởng lâu dài trên lịch sử đất nước….











Tiêu Dao Bảo Cự và Nguyễn Đức Sơn trên rừng Đại Bình
Nguồn: DCVOnline/Ảnh: Bao Loc Photo


“Những tên khốn nạn” hay “đồ bá láp” là những đại danh từ mà Tiêu Dao Bảo Cự dùng để chỉ những cán bộ, trong đội Cải Cách Ruộng Đất. Nhà văn Nguyên Ngọc thì nhẹ lời hơn. Ông gọi họ là “ba cái anh lăng nhăng,” khi phát biểu trong buổi toạ đàm về Ba Người Khác:

“Hoá ra cái thảm kịch của đất nước, xã hội, là do ba cái anh lăng nhăng… Ba kẻ chẳng có kiến thức gì cả, tự nhiên làm đảo lộn hết cả xã hội…”

Trong những trang sổ tay trước, khi để cập đến “Tô Hoài Và Ba Người Khác”, tôi cũng đã (rụt rè) góp ý rằng:
“không hiểu sao ý kiến của Nguyên Ngọc về ba anh đội, ba nhân vật chính trong tác phẩm của Tô Hoài, lại khiến tôi nhớ đến những nhân vật chính khác – những người đã có thời mà quyền lực nhất họ nhì trời – trên sân khấu chính trường ở Việt Nam: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Đỗ Mười…”

“Thì cũng đều là cái thứ ‘lăng nhăng’ và cũng chính là ‘thủ phạm’ đã làm ‘đảo lộn hết cả xã hội’ bằng nhiều chuyện kinh thiên động địa khác: Hợp Tác Hoá Nông Nghiệp, Cải Tạo Công Thương Nghiệp, Học Tập Cải Tạo, Kinh Tế Mới.”

Nếu chỉ kể tên Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Đỗ Mười (như thế) thì e thiếu vì đã bỏ sót rất nhiều anh đội khác cũng tăm tiếng (và tai tiếng) chả kém ai – như Trường Chinh, Lê Đức Anh, Tố Hữu, Lê Khả Phiêu… Danh sách này còn dài nhưng, theo tôi, không nhất thiết phải hài tên tuổi của tất cả ra đây vì thời của các vị ấy đã qua – và phần lớn đều đã chết.Việt Nam, có vẻ như, đã bước vào thời kỷ đổi mới. Dân chúng cũng đã có người, và đã có lúc, đặt ít nhiều hy vọng vào những khuôn mặt quyền lực mới. Ông Nguyễn Thanh Giang là một người như vậy:

“Hồi ông Nông Đức Mạnh mới nhậm chức Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam năm 2001, cũng như nhiều người khác, người viết bài này từng cảm nhận một điều gì đó như là sự ngưỡng vọng hoan hỷ trước hình ảnh ông ta xúc động đặt tay lên ngực khi nói lời tuyên thệ”.

Tưởng vậy nhưng không phải vậy. Tưởng như vậy là tuởng bở, tưởng lầm, và là tưởng năng thối. Nguyễn Thanh Giang không cần phải chờ lâu để biết ra như thế:



Vậy mà! Chỉ sau đấy hai ngày, công an Hải Phòng chặn đường bắt cựu chiến binh chống Pháp-chống Mỹ Vũ Cao Quận, dẫn độ ông về nhà khám xét rồi tống giam ông. Liên tục sau đấy là hàng loạt người bị câu lưu, bị tra vấn: Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn thị Thanh Xuân, Nguyễn Đắc Kính, Đào Quang Tiến, Hoàng Tiến, Dương Sơn, Dương Hùng, Nguyễn Đan Quế, Thích Quảng Độ, Lê Hồng Hà, Hà Sỹ Phu, Nguyễn Thanh Giang… Rồi Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Trần Dũng Tiến, Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn… lần lượt vào tù. Không khí nồng nực đến nỗi một phật tử đã tự thiêu ngay dưới chân một tượng đài lớn ở thành phố Đà Nẵng. Tổ chức “Quan sát Nhân quyền Quốc tế” gửi thư đề nghị các nhà tài trợ quốc tế cắt giảm tài trợ đối với Việt Nam, hạ viện Hoa Kỳ bỏ phiếu thông qua Đạo luật Nhân quyền cho Việt Nam với kết quả đa số tuyệt đối… Từ đấy, Việt Nam bị xếp vào một trong 13 nước kém nhất về tự do báo chí, ngôn luận và bị đưa vào danh sách các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt vì thiếu sót về tự do tôn giáo.

Sau khi đặt tin tưởng (hụt) vào ông Nông đức Mạnh, thiên hạ – trong cũng như ngoài nước – bèn dồn kỳ vọng vào … “hai người khác.” Ông Nguyễn Tấn Dũng được Jonathan Pincus, người đứng đầu Chương trình Phát triển Kinh tế của Liên Hợp Quốc ở VN, mô tả như là có khuynh hướng cấp tiến.

Tương tự, Nguyễn Minh Triết được coi là người chống tham nhũng. “Và theo nhận xét chung thì ông sẽ năng nổ hơn người tiền nhiệm, đặc biệt trong lĩnh vực cải tổ kinh tế và pháp luật, làm nền cho VN gia nhập tổ chức WTO trong năm nay (“And there is a widespread perception he will be more active than his predecessor, particularly in implementing economic and legal reforms that pave the way for Vietnam's accession to the World Trade Organization”) – theo nguyên văn như lời của Karl D John, qua bài “Vietnam’s South Takes Leadership Wheel,” đọc được trên Asia Times, số ra ngày 28 tháng 6 năm 2006.

Rồi Việt Nam gia nhập WTO thật. Và ngay sau đó qúi ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết … đã có ngay những hành động (cụ thể) để chứng minh cho cả thế giới biết rằng mọi người (lại) đều lầm ráo.

Đây là hiện trạng ở Việt Nam – vẫn theo như lời tường thuật của ông Nguyễn Thanh Giang, vào tháng 5 năm 2007 – qua bài viết thượng dẫn:

Đợt đàn áp mới này không kém phần dữ dội và còn đang diễn tiến khôn lường. Đàn áp, đàn áp …lại đàn áp vốn là lẽ sống của một chính quyền lấy chuyên chính vô sản làm tôn chỉ.

Tuy nhiên người ta không thể không đặt nhiều câu hỏi về lý do, mức độ, mục đích của cuộc đàn áp này.

Trước hết là vấn đề thời điểm.

Vì sao đem xử linh mục Nguyễn văn Lý và một loạt: Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành, Hoàng Thị Anh Đào, Lê Thị Lệ Hằng ngay lúc Phó Thủ tường, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đang đi Mỹ để dàn xếp hai chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong khi đó, đoàn đại biểu Tòa thánh Vatican đang viếng thăm Việt Nam?

Vì sao còng tay, tống giam nhà văn Trần Khải Thanh Thủy và bắt luật sư Lê Quốc Quân ngay sát trước ngày khai mạc cuộc Hội đàm Nhân quyền Hoa Kỳ – Việt Nam tại Washington?

Vì sao đã dự kiến chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước vào 22 tháng 6 năm 2007 mà trong tháng 5/2007, đầu tháng 6/2007 lại đem xử án hàng loạt: luật sư Nguyễn văn Đài, luật sư Lê thị Công Nhân, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, doanh gia Trương Quốc Huy và săn lùng tán loạn những: Trương Quốc Tuấn, Lê Trí Tuệ, Bạch Ngọc Dương …?











Vẫn là cái đồ ba láp, cái thứ lăng nhăng, khốn nạn.
Nguồn: DCVOnline


Sau chừng đó câu hỏi “tại sao,” ông Nguyễn Thanh Giang “tha thiết kêu gọi toàn dân, toàn Đảng” hãy “cảnh giác” về những thế lực và áp lực của Trung Cộng qua những việc làm tàn bạo và thất nhân tâm – của Đảng CSVN – như ông vừa kể.

Khi nhìn lại những hành động “tàn bạo, phi luân” của Đảng CSVN, hồi nửa thế kỷ trước, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự cũng thấy có vấn đề y như vậy:

Đảng Cộng sản Việt Nam đựợc “lịch sử giao phó sứ mạng lãnh đạo đất nước” và trong chuyện Cải cách ruộng đất này Đảng đã làm theo sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc với một phương thức tàn bạo, phi luân, làm đảo lộn mọi giá trị văn hoá tinh thần của dân tộc Việt Nam và ảnh hưởng lâu dài trên lịch sử đất nước…”

Lịch sử đang lập lại chăng? Xin đừng nói (đại) như vậy mà tội nghiệp cho… lịch sử! Thời Cải Cách Ruộng Đất đã qua bao giờ đâu mà lập lại, cha nội!

Qúi ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết… – rõ ràng – ăn mặc (cũng như ăn nói) có dễ coi và dễ nghe hơn những anh đội trong thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất nhưng cách hành xử, và bản chất của họ thì vẫn y trang như vậy. Vẫn là cái đồ ba láp, cái thứ lăng nhăng, khốn nạn. Nói tóm lại là cả nước lại vừa có thêm ba người khác nữa, thế thôi.

Tưởng Năng Tiến

Trích DCVOnline

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn