BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72824)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cà phê vỉa hè Sài Gòn

16 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 936)
Cà phê vỉa hè Sài Gòn
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Sài Gòn lúc nào cũng là nơi có nhiều địa điểm uống cà phê nhất so với các tỉnh thành trong cả nước.









Cà phê hẻm 47 Phạm Ngọc Thạch. (Hình: Nguyễn Đạt/Người Việt)

Gọi chung là quán cà phê, hiện nay tại Sài Gòn có thể kể các dạng quán: cà phê sân vườn, Highlands' coffee, cà phê Trung Nguyên, cà phê Internet, cà phê wifi, cà phê bình dân, cà phê bệt, quán cóc cà phê, cà phê vỉa hè...

Chúng tôi nhập chung quán cóc với “cà phê vỉa hè”, vì hầu hết quán cóc phải bày thêm bàn ghế ở phía trước và dọc vỉa hè bên quán, để có được nhiều chỗ cho khách ngồi uống cà phê.









Quán cóc ở đường Bà Lê-Chân, Tân Định. (Hình: Nguyễn Đạt/Người Việt)

Cà phê vỉa hè là dạng phổ biến nhất tại Sài Gòn, thu hút đông đảo lượng khách uống cà phê. Số quán cóc không nhiều bằng cà phê vỉa hè thuần túy: việc pha chế cà phê và các thức uống, bàn ghế khách ngồi đều ở trên vỉa hè.

Tuy nhiên, cà phê vỉa hè thuần túy ở Sài Gòn có số phận rất bấp bênh, hôm nay thấy sinh hoạt rộn rã tấp nập, ngày mai biến mất, không lưu lại dấu vết.

Có thể nhớ, cách đây khoảng trên mười lăm năm, cà phê vỉa hè bên quảng trường “hồ con rùa” nổi tiếng, phía trước cơ quan Sài Gòn thủy cục, một buổi sáng pha chế hàng chục ký cà phê mới đáp ứng đủ cho khách. Bỗng một hôm tới uống cà phê, chỉ thấy vỉa hè nơi đây trơ nền gạch sứt mẻ.









Cà phê ở đường Bàu Cát, quận Tân Phú. (Hình: Nguyễn Đạt/Người Việt)

Nói chung, các điểm cà phê vỉa hè đều có khách quen, thường cùng một giới, hoặc công nhân, hoặc thanh niên - sinh viên, công tư chức, hoặc giới văn nghệ...

Chúng tôi ghi nhận một quán cóc cà phê vỉa hè, có thể tạm gọi là truyền thống, vì hiện diện khá sớm, sau 30 tháng 4, 1975 đó là cà phê ở số 11A đường Bà Lê-Chân, quận 1, Tân Định.

Nhà thơ Huy Tưởng (trong gia đình hãng trà Mai Hạc nổi tiếng ở miền Trung từ lâu đời), mở quán cà phê này, khoảng năm 1976-1977.

Quán chỉ có diện tích 8 mét vuông, nép dưới một đầu hồi của ngôi đình cổ thuộc làng Tân Định xưa (chính diện ngôi đình nhìn ra đường Trần Quang Khải). Bạn bè và người quen biết nhà thơ Huy Tưởng (và vợ nhà thơ, chị Ngô Thanh Bình, cháu của cố nhạc sĩ Lê Thương - Ngô Đình Hội), xem đây là nơi gặp gỡ hàng ngày, trò chuyện để nguôi ngoai nỗi sầu miền Nam rơi vào tay Cộng Sản.











 
 

Đông đảo anh em văn nghệ, đặc biệt nhà thơ Chân Phương, nhà nhận định mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy, họa sĩ Rừng, trước khi đi định cư ở Mỹ, không ngày nào vắng mặt tại cà phê 11A đường Bà Lê-Chân này.

Hằng đêm, anh em trò chuyện bên ly cà phê, ngồi đầy chật hai phía vỉa hè đầu đường Bà Lê Chân, mãi tới khuya mới “tan hàng”, để âm thầm ai về nhà nấy.

Sau này nhà thơ Huy Tưởng mở quán Phố Hoài tại nhà, là nhà hàng đặc sản Tam Kỳ - Hội An (nay nhà thơ Huy Tưởng và gia đình định cư ở Úc), nhượng lại quán cà phê 11A đường Bà Lê Chân cho anh Thái Kỳ, thứ nam của cố họa sĩ Thái Tuấn, đứng quán.

Tình hình lúc sau này đã khác, không thể bày bàn ghế la liệt trên vỉa hè, án ngữ các cửa tiệm buôn bán chung quanh. Vả lại, anh Thái Kỳ có bạn bè không phải giới văn nghệ, là giới ưa thích “ngồi đồng” bên ly cà phê suốt buổi.

Có thể nói, cà phê hẻm 47 đường Phạm Ngọc Thạch (đường Duy Tân cũ), nhiều người còn gọi là cà phê hẻm Trịnh, vì ở cuối hẻm là nhà của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thu hút một lượng khách đông đảo mỗi ngày. Bàn ghế đặt sát bên dãy tường chạy dài vào con hẻm, dưới tàng những cành lá cây xoài rậm rạp, bóng mát tỏa rộng, những cơn mưa nhỏ không ảnh hưởng tới chỗ ngồi uống cà phê.

Cũng vì là con hẻm, nên địa điểm cà phê này không gây trở ngại trên hè đường, không gây ách tắc giao thông, nên không bị dẹp đuổi qua các “phong trào”, “chiến dịch” dọn-dẹp-lòng-lề-đường.

Khách ngồi uống cà phê hẻm 47 hầu hết là thanh niên-sinh viên, đặc biệt nhóm Mở Miệng, mặc nhiên được xem là nhóm “văn nghệ ngoài luồng”, “văn nghệ vỉa hè”.

Nhóm Mở Miệng lập “Nhà xuất bản Giấy Vụn”, chuyên in vi tính rồi photocopy ra nhiều bản, phát hành các tác phẩm thơ văn không qua kiểm duyệt của nhà nước Cộng Sản.

Công an, mà người dân quen gọi là bọn “cá chìm”, hiển nhiên có mặt ở cà phê hẻm 47, họ theo dõi một số nhân vật bất đồng chính kiến, những người lên tiếng đòi hỏi đa nguyên đa đảng, tự do-dân chủ, chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa-Trường Sa, thường uống cà phê tại đây, như blogger Điếu Cày - Nguyễn Hoàng Hải (trước khi bị giam giữ. Vừa hết hạn tù, lại bị bắt giữ vì một tội mới bị gán ghép), Nguyễn Tiến Trung (trước khi bị bắt đi lính, rồi chuyển sang khởi tố, kết án, giam giữ trong tù), Song Chi (trước khi sang Na Uy)...

Nhà văn Nguyễn Hương, Việt kiều ở Mỹ về thăm quê nhà hàng năm, do đã từng tham gia biểu tình tại Sài Gòn chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam, bị họ “nhận diện” tại cà phê hẻm 47.

Công an “mò” tới nơi chị Nguyễn Hương tạm trú, “mời lên trụ sở công an làm việc”, gán tội “cư trú không khai báo”, khi chị vừa đặt chân tới Sài Gòn chưa đầy một ngày!

Cà phê hẻm 47 đáng chú ý là như vậy. Hẻm 47 càng được chú ý khi đi vào các tác phẩm thơ văn, trong đó đặc biệt nhắc tới “cà phê hẻm 47” danh giá này, là nhà thơ nữ Dư Thị Hoàn.

Địa điểm cà phê vỉa hè “Hẻm 47”, một nơi vừa thuận tiện tới uống cà phê, vừa để gặp gỡ bạn bè, nhưng từ đó chúng tôi không còn cảm giác thoải mái nữa. Có thể chỉ là một du khách nào đó, đưa máy ảnh lên ghi nhận một dạng cà phê hẻm Sài Gòn độc đáo, chúng tôi cũng thấy nổi da gà, ngờ rằng “công an đang nhận diện”, dù chúng tôi chỉ ngồi nói chuyện trời đất, chuyện nỗi buồn thiên cổ của con người! Nên sau này chúng tôi ít ghé uống cà phê hẻm 47.

Ở đường Bàu Cát thuộc quận Tân Phú, chúng tôi chọn được một “quán” cà phê vỉa hè, địa điểm này không bị các “phong trào”, “chiến dịch” động chạm, mặc nhiên được xem là mặt tiền của một ngôi nhà, dù đây là vỉa hè, bên ngoài bức tường xây rào chắn của ngôi nhà. Chúng tôi được biết, chủ ngôi nhà này vẫn “chung chi” tiền bạc đều đều cho lực lượng gọi là đội trật tự đô thị, để người thân quen có chỗ bán cà phê kiếm sống hàng ngày. Anh em văn nghệ trong nhóm Mở Miệng đã dời chuyển địa điểm uống cà phê từ hẻm 47 về đây.

Nguyễn Đạt/Người Việt

15-11-2010

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn